Trang chủ Văn học dân gian Việt Nam Bà Bạch và anh cày – Truyện cười dân gian Việt Nam

Bà Bạch và anh cày – Truyện cười dân gian Việt Nam

“Bà Bạch và anh cày” là truyện cười dân gian châm biếm các vị thần trong miếu, khiến oai nghiêm của bọ biến mất, không khác gì người thường.

Câu chuyện “Bà Bạch và anh cày”

Một anh cày ở cái nhà tranh rách gần miếu thổ công [1]. Ngày ngày, anh đi làm ruộng hay đi lên núi về thì vứt cả cày, cuốc, dao, rựa bên bàn thờ thổ công mà bảo:

– Giữ cái này cho tôi, mất thì tôi đốt miếu cho đấy!

Thương hại cho thổ công! Người ta chỉ cúng vái vào ban đêm, mà ban đêm đi, lỡ mất của nó thì nó đốt miếu không có chỗ ở, thành ra thổ công nhịn đói phờ râu.

Trong miếu có bà Bạch là thiêng nhất. Ai phạm vào bà Bạch thì bà vật chết! Ai bị nộp cho bà Bạch thì cũng như là người bỏ đi. Thổ công biết thế, bèn biện lễ đến ra mắt bà Bạch. Bà Bạch nghe xong, ái ngại bảo:

– Ừ! Thì chị cũng ráng giúp em một phen. Chị có cái vòng sắt này, chụp vào đầu đứa nào thì y như là hắn mửa máu tươi ra mà chết trong nháy mắt.

Thế rồi bà Bạch xách vòng, cưới gió ra đi. Trời nhá nhem tối, bà đến rình sau hè nhà anh cày, chờ cơ hội tốt. Được một lúc anh cày về. Chị vợ đang quơ nốt mấy que củi cạnh rào. Anh ta vào chờ cơm lâu, đói quá, nổi nóng lên, thét:

– Cái con mẹ Bạch kia! [2] Mày đứng làm gì mà đứng như trời trồng [3] ngoài ấy? Tao ném cho chiếc mâm gỗ này thì chết không kịp ngáp cho mà coi!

Bà Bạch kinh hoảng, vọt lên mây bay một hơi không dám ngoái cổ.

Câu chuyện “Bà Bạch và anh cày”
Truyện cười dân gian Việt Nam
Huỳnh Lý kể

  1. Thổ công: theo quan niệm tín ngưỡng của nhân dân ta, thổ công (hay thổ thần) là vị thần coi giữ một vùng đất đai trong một thôn, một ấp.
  2. Con mẹ Bạch (cách nói ẩn ý): lời nguyền rủa cầu cho thần linh bắt người ta đi. Ví dụ nói: “Bà chúa Liễu vật mày đi!”, hay vắn tắt hơn, gọi người ta, bằng ông kia bà nọ, bằng cậu bằng cô, như anh cày trong trường hợp này gọi vợ là bà Bạch.
  3. Đứng như trời trồng: đứng ngây ra, như bất động, vì bị một tác động mạnh và bất ngờ về tinh thần.

Đôi nét về câu chuyện “Bà Bạch và anh cày”

“Bà Bạch và anh cày” là câu chuyện cười dân gian, chế giễu một cách xấc xược những vị thần trong miếu khiến cho sự uy nghiêm, tôn kính của họ tan rã như bèo bọt. Họ chỉ còn là những con người tầm thường, có thể thành trò cười cho bất kỳ ai.

Nút thắt trong câu chuyện ban đầu là mâu thuẫn giữa thổ công và anh cày. Anh cày ném cày cuốc vào miếu thổ công bắt ông trông giữ, đe dọa nếu mất thì đốt miếu. Truyện càng tiến triển, cái nút càng xiết lại: thổ công ban đêm mải giữ cày cuốc, không dám đi dự cúng tế gì được, thành ra phải đi cầu viện bà Bạch tiếng thiêng lừng lẫy.

Bà Bạch đến rình sau hè anh cày, nhất định phải lấy lại uy nghiêm cho thổ công. Người ta lo ngại một cuộc lưu huyết. Nhưng nếu anh dân cày “mửa máu tươi ra mà chết” như lời bà Bạch đã tuyên bố thì còn đâu là công lý trên đời. Vì vậy người ta phập phồng hồi hộp.

Kết thúc câu chuyện, bà Bạch nghe anh cày đe vợ tưởng đe mình, bỏ “chiến trường” chạy trốn. Kết quả làm cho người đọc vô cùng thoải mái. Tình tiết đầy bất ngờ nhưng vẫn rất hợp lý, vì người ta có thể hiểu là tuy bà Bạch nói tài nói tướng, nhưng nghe danh anh dân cày, bụng bà cũng đã ngại lắm.

Kết cục ấy cũng làm cho người ta cười hả hê vì anh cày là đại diện cho tầng lớp lao động của họ. Hình ảnh anh đòi ném cái mâm gỗ lên đầu bà Bạch là điển hình của những anh chàng ngang tàng, thô lỗ thỉnh thoảng chúng ta thấy ở nông thôn.

Kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam

Ngoài truyện “Bà Bạch và anh cày” kể trên, còn có rất nhiều các câu chuyện cười dân gian Việt Nam được Thế giới văn học sưu tầm và chọn lọc. Những câu chuyện này thường phê phán một cách hóm hỉnh những thói hư tật xấu trong nhân gian, hay đả kích một cách sâu cay tính chất bóc lột và xảo trá của tầng lớp thống trị trong xã hội cũ.

Đừng bỏ qua những phút giây giải trí tại Thế giới văn học!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*