Bài thơ “Khi con tu hú” của tác giả Tố Hữu
Bài thơ “Khi con tu hú” của tác giả Tố Hữu thể hiện khát khao tự do mãnh liệt của người chiến sĩ cách mạng đang phải sống trong cảnh tù đầy.
Bài thơ “Khi con tu hú” của Tố Hữu
Khi con tu hú (1) gọi bầy
Lúa chiêm đương chín, trái cây ngọt dần
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp (2) rây vàng hạt đầy sân nắng đào (3)
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…
Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng (4), hè ôi!
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!
Huế, tháng 7-1939
Bài thơ “Khi con tu hú” của Tố Hữu
Chú giải trong bài thơ
- Tu hú: tên một loài chim. Loài chim này có đặc điểm là ăn trái cây và hay kêu nhiều vào khoảng tháng 3, tháng 4 Âm lịch, lúc cuối xuân đầu hè.
- Bắp (tiếng địa phương): ngô.
- Đào: màu hồng như đào. Nắng đào ở đây có nghĩa là nắng hồng.
- Phòng: ở đây là phòng giam; lúc này, tác giả đang bị giam trong nhà lao Thừa Phủ (Huế).
Đôi nét về tác giả Tố Hữu
Tác giả Tố Hữu (1920 – 2002) tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ra tại Thừa Thiên. Ông làm thơ từ khi còn là một học sinh hoạt động cách mạng ở Huế. Thơ ông được nhiều người yêu thích.
Tố Hữu được mệnh danh là nhà thơ cách mạng. Ông làm thơ rất nhiều. Các tập thơ chính của ông có thể kể đến như:
- Từ ấy (1937 – 1946)
- Việt Bắc (1947 – 1954)
- Gió lộng (1955 – 1961)
- Ra trận (1962 – 1971)
- Máu và hoa (1972 – 1977)
- Một tiếng đờn (1978 – 1992)
Tố Hữu giác ngộ lí tưởng cách mạng khi đang là học sinh trường Quốc học (Huế). Đó là lúc phong trào Mặt trận dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo đang sôi sục ở Huế cũng như khắp nơi trong nước.
Ông say mê hoạt động trong Đoàn thanh niên dân chủ ở Huế và được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1938. Đến khi thực dân Pháp quay lại ra tay khủng bố, đàn áp cách mạng thì Tố Hữu bị bắt giam trong nhà lao Thừa Phủ (Huế, tháng 4 – 1939). Sau đó, ông lần lượt trải qua một loạt nhà lao, từ Huế đến các tỉnh Tây Nguyên; cho đến tháng 3 – 1942 thì vượt ngục, tìm về với tổ chức Đảng, tiếp tục hoạt động cách mạng ở Thanh Hóa.
Cảm nhận về bài thơ “Khi con tu hú” của Tố Hữu
“Từ ấy” là tập thơ đầu của Tố Hữu gồm có 72 bài, được đăng rải rác trên báo chí trong gần 10 năm (1937 – 1946) và chia làm 3 phần là: “Máu lứa”, “Xiềng xích”, và “Giải phóng”.
Bài thơ “Khi con tu hú” nằm trong phần “Xiềng xích” của tập thơ “Từ ấy”, được sáng tác vào tháng 7 – 1939, khi nhà thơ đang bị giam trong nhà lao Thừa Phủ.
Bài thơ này được làm theo thể thơ lục bát, chia làm 2 khổ:
- Khổ thơ đầu là bức tranh vào hè rộn ràng, tươi vui, no ấm với những hình ảnh rất sống động.
- Khổ thơ sau biểu hiện cho tâm trạng ngột ngạt, uất hận khi bị mất tự do và khao khát được hoạt động trở lại của người tù cách mạng (ở đây chỉ tác giả Tố Hữu).
“Khi con tu hú” là một bài thơ hay, lời lẽ mộc mạc, bình dị và dễ hiểu. Bức tranh tả cảnh thiên nhiên và bức tranh tâm trạng hiện lên rất cân xứng. Kết hợp với thể thơ lục bát cổ truyền của dân tộc giàu hình ảnh, giàu nhạc điệu, bài thơ “Khi con tu hú” của Tố Hữu đã thể hiện nguồn sống sục sôi của người tù cộng sản, làm rung động trái tim người đọc.
Trong cả bài thơ “Khi con tu hú gọi bầy”, Tố Hữu không hề nhắc đến chữ “tự do” nào, nhưng qua bức tranh thiên nhiên và sự diễn tả tâm trạng của tác giả, chúng ta thấy được cảm giác ngột ngạt, chật chội trong phòng giam cũng như khát vọng có lại được cuộc sống tự do bên ngoài.