Trang chủ Thơ ca chọn lọc Bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan

Bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan

Bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan mượn khung cảnh nơi hoang sơ, vắng lặng để nói lên nỗi lòng nhớ nước thương nhà của tác giả.

Bài thơ “Qua Đèo Ngang”

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều (1) vài chú,
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng con quốc quốc (2),
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia (3).
Dừng chân đứng lại: trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Theo Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập III,
NXB Văn học, H,. 1978

Chú thích trong bài

  1. Tiều: người kiếm củi.
  2. Cách chơi chữ bằng từ đồng âm. Quốc (là nước), đồng âm với cuốc (là chim cuốc). Tương truyền vua nước Thục (Thục Đế) tên là Đỗ Vũ mất nước, hóa ra chim, nhớ nước đêm đêm kêu ròng rã “quốc quốc” (Chim cuốc còn gọi là chim Đỗ Vũ).
  3. Cũng là cách chơi chữ bằng từ đồng âm. Gia (là nhà), gần đồng âm với đa, là loại chim rừng đa đa, thuộc giống gà gô.

Bố cục bài thơ “Qua Đèo Ngang”

Giống như đặc điểm của những bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật khác, bố cục bài thơ “Qua Đèo Ngang” của Bà Huyện Thanh Quan được chia làm 4 phần.

  1. Hai câu đề: Cảnh vật thiên nhiên nơi Đèo Ngang.
  2. Hai câu thực: Miêu tả cuộc sống hẻo lánh, thưa thớt con người nơi Đèo Ngang.
  3. Hai câu luận: Thể hiện tâm trạng nhớ nước thương nhà của tác giả.
  4. Hai câu kết: Nỗi cô đơn tột cùng của nhà thơ.

Giới thiệu về Bà Huyện Thanh Quan

Bà Huyện Thanh Quan tên thực là Nguyễn Thị Hinh, người phường Nghi Tàm, nay thuộc Hà Nội. Không rõ năm sinh năm mất, chỉ biết chồng bà là Lưu Nguyên Ôn (1804 – 1847) (có tài liệu cho rằng chồng bà tên là Lưu Nghi. Tìm hiểu thêm ⇒ TẠI ĐÂY) người làng Nguyệt Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông đỗ cử nhân, có một thời gian làm tri huyện ở huyện Thanh Quan (nay thuộc Thái Bình), vì vậy người ta mới gọi bà là Huyện Thanh Quan.

Bà học rộng, có thời được vua Minh Mệnh mời làm Cung trung giáo tập để dạy các công chúa, cung phi. Bà là nhà thơ được rất nhiều người biết tiếng, mặc dù sáng tác của bà cho đến nay chỉ còn lại chỉ 6 bài thơ Nôm.

Thơ bà hết sức trang nhã và điêu luyện, thể hiện tâm sự u hoài trước thế sự đổi thay, đượm buồn với cảnh chiều tà bóng xế vắng lặng đìu hiu, tình cảm lẻ loi cô đơn nhớ về quá khứ. Không những thế, trong đấy còn phản ánh thái độ phủ nhận của bà đối với thực tại xã hội đương thời mà bà có phần chán ghét.

“Qua Đèo Ngang” là bài thơ hay nổi tiếng của bà. Đèo Ngang còn gọi là Hoàng Sơn, tức dải đèo núi hiểm trở, giăng ngang từ phía tây ra biển Đông, phân giới giữa Quảng Bình và Hà Tĩnh.

Thơ Bà Huyện Thanh Quan

Bên cạnh bài thơ “Qua Đèo Ngang”, các bạn có thể xem thêm một số tác phẩm thơ Nôm khác của bà, để thấy được tài năng và bút pháp nghệ thuật điêu luyện trong thơ Bà Huyện Thanh Quan.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*