Trang chủ Blog Văn học Những câu ca dao về lao động sản xuất (Sưu tầm và tuyển chọn)

Những câu ca dao về lao động sản xuất (Sưu tầm và tuyển chọn)

Những câu ca dao về lao động sản xuất là tiếng nói thể hiện tình cảm của người nông dân lao động trong việc sản xuất nông nghiệp thường ngày.

Ca dao về lao động sản xuất

Ca dao là những câu hát ngắn không có chương khúc, thường được viết bằng thể văn vần dân tộc (chủ yếu là thơ lục bát), dùng để miêu tả, diễn tình ngụ ý, phán ánh mọi mặt cuộc sống của nhân dân.

Để hiểu rõ hơn về khái niệm ca dao là gì, hay nội dung và nghệ thuật được sử dụng trong ca dao, bạn đọc có thể tham khảo bài viết chi tiết về chủ đề này ⇒ TẠI ĐÂY!

Thế giới văn học đã sưu tầm và tuyển chọn ra những câu ca dao nói về lao động sản xuất quen thuộc và ý nghĩa nhất, giúp các bạn hiểu hơn về thể loại văn học dân gian độc đáo này của dân tộc.

Cày đồng đang buổi tan trưa,
Mồ hôi thánh thót [1] như mưa ruộng cày.
Ai ơi, bưng bát cơm đầy,
Dẻo thơm một hột, đắng cay muôn phần!

Liếc trông sao Đẩu [2] về đông,
Chị em ra sức cấy xong ruộng này.
Lầm lem tay cắm, chân vầy,
Hay giồng cây ngọc cũng ngày hữu thu [3].
Khuyên người đừng có ngao du [4],
Một năm no ấm vận trù [5] từ đây.

Trời mưa cho lúa chín vàng,
Cho anh đi gặt cho nàng đưa cơm.

Ao to ta thả cá chơi,
Hồ rộng nuôi vịt, vườn khơi [6] nuôi gà.
Gặp khi bầu bạn đến nhà,
Ao vườn sẵn đó lọ là [7] tìm đâu.

Làng ta phong cảnh hữu tình,
Dân cư giang khúc [8] như hình con long.
Nhờ giời hạ kế sang đông,
Làm nghề cày cấy vun trồng tốt tươi.
Vụ năm cho đến vụ mười,
Trong làng kẻ gái người trai đua nghề.
Giời ra gắng, giời lặn về [9].
Ngày ngày tháng tháng nghiệp nghề truân chiên [10].

Nay mừng những kẻ nông phu,
Cầu cho hòa cố phong thu [11] bình thời,
Vốn xưa nông ở bực hai,
Thuận hòa mưa gió, nông thời lên trên.
Quý hồ nhiều lúa là tiên,
Rõ ràng phú túc bằng yên cả nhà.
Bốn mùa hạ lại xuân qua,
Muốn cho tiền lúa đầy nhà Hán sương [12].
Bước sang đông giả thu tàn,
Thu tiền tiến hoạch giàu ngang Thạch Sùng [13].
Quý nhân cùng kẻ hành hùng,
Rắp toan muốn hỏi nhà nông ê dề! [14]
Thực thà chăm chỉ thú quê,
Chuyên nghề nông nghiệp là nghề vinh quang.
Dầu không mỹ vị cao lương [15]
Trên thờ cha mẹ, dưới nhường anh em.

Ơn trời mưa nắng phải thì [16]
Nơi thì bừa cạn, nơi thì cày sâu.
Công lênh [17] chẳng quản [18] bao lâu
Ngày nay nước bạc, ngày sau cơm vàng
Ai ơi! chớ bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất tấc vàng [19] bấy nhiêu.

Người ta đi cấy lấy công
Tôi nay đi cấy còn trông [20] nhiều bề
Trông trời, trông đất, trông mây
Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm
Trông cho chân cứng đá mềm
Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng.

Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu [21].
Trên đồng cạn dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa.

Trâu ơi, ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng, trâu cày với ta.
Cấy cày vốn nghiệp nông gia [22]
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công.
Bao giờ cây lúa còn bông,
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

Trời ơi, nắng mãi làm chi,
Rau con nó mệt nữa thì nó đau.

Tre già anh để pha nan,
Lớn đan nong nẻ [23], bé đan giần sàng.
Gốc thì anh để kê giường,
Ngọn ngành anh để cắm giàn trầu, dưa.

Trời mưa
Quả dưa vẹo vọ [24]
Con ốc nằm co
Con tôm đánh đáo [25]
Con cò kiếm ăn.

Ai ơi đừng bỏ ruộng hoang
Bao nhiêu tấc đất, tấc vàng bấy nhiêu.

Muốn no thì phải chăm làm
Một hạt lúa vàng, chín giọt mồ hôi.

Quanh năm cấy hái cày bừa
Vụ chiêm tiết hạ, vụ mùa tiết đông.
Ai về nhắn chị em cùng
Muốn cho no ấm nghề nông chuyên cần.

Trời cao đất rộng thênh thang
Tiếng hò, giọng hát ngân vang trên đồng.
Cá tươi gạo trắng nước trong,
Hai mùa lúa chín thơm nồng tình quê.

Cực lòng thiếp lắm chàng ơi
Kiếm nơi khuất tịch, thiếp ngồi thở than
Than vì cây lúa lá vàng
Nước đâu mà tưới nó hoàn như xưa
Trông trời chẳng thấy trời mưa
Lan khô huệ héo, khổ chưa hỡi trời.

Tay ôm bó mạ xuống đồng
Nửa dạ thương chồng, nửa dạ thương con
Mạ non như thể trăng tròn
Ruộng sâu như thể tình con nghĩa chồng.

Vác cày ra ruộng hừng đông
Tay cầm mồi lửa, tay dòng thừng trâu
Ruộng dầm, nước cả, bùn sâu
Suốt ngày cùng với con trâu cày bừa
Việc làm chẳng quản nắng mưa
Cơm ăn đắp đổi muối dưa qua ngày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Biết công kẻ cấy người cày mới nao [26].

Những câu ca dao về lao động sản xuất
Những câu ca dao về lao động sản xuất

Chú thích trong phần những câu ca dao về lao động sản xuất

  1. Thánh thót: nhỏ từng giọt một.
  2. Sao Đẩu: sao Bắc Đẩu. Trong năm, có những lúc sao Bắc Đẩu nằm xế hướng đông bắc khi vào tối.
  3. Hữu thu: có thu hoạch. Câu ca dao ý nói gắng trống lúa, ắt có ngày được gặt.
  4. Ngao du: rong chơi, không lo chăm công việc.
  5. Vận trú: tính toán lo liệu.
  6. Vườn khơi: vườn rộng (chữ này dùng không chính xác, vì “khơi” nghĩa là khơi xa, như nói: ra khơi).
  7. Lọ là: hà tất, không nhất thiết phải (ít được dùng khi nói chuyện thường).
  8. Dân cư giang khúc: dân ở dọc một con sông uấn khúc như hình con rồng.
  9. Giời ra gắng, giời lặn về: mặt trời lên thì ra đồng làm việc; mặt trời lặn, về nhà.
  10. Truân chiên: khó khăn, vất vả và khó nhọc.
  11. Hòa cốc phong thu: lúa tốt thu hoạch nhiều: ý nói được mùa.
  12. Hán sương: kho thóc đời nhà Hán. Ý nói kho thóc tiền đầy kho (sương thường được đọc thương như nói nghĩa thương).
  13. Thạch Sùng: Tên một nhân vật trong truyện cổ tích Việt Nam. Trong lần thi xem ai là người giàu có nhất với người em hoàng hậu họ Vương, ông thua mưu nên mất hết của cải. Sau khi ông chết hóa thành con thạch sùng (có nơi gọi là con mối vách, miền Trung và Nam gọi là thằn lằn), cứ tặc lưỡi tiếc cho cơ nghiệp tự tay mình gây dựng trong bao năm đến nay tay trắng lại hoàn tay trắng. Có thể đọc thêm câu chuyện này ⇒ TẠI ĐÂY!
  14. Ê dề: nhiều lắm. Ý nói nhiều người muốn hỏi con nhà nông dân.
  15. Mỹ vị cao lương: Thức ăn ngon, sang tọng
  16. Mưa nắng phải thì: mưa nắng thuận hòa, phù hợp với thời vụ trồng trọt.
  17. Công lênh: Công sức bỏ ra. Chú ý phân biệt với công lao. Công lao: công sức đóng góp vào để hoàn thành một công việc to lớn, vĩ đại. Ví dụ: công lao của Mặt trận vô cùng to lớn.
  18. Chẳng quản: không ngại, không kể đến. Ví dụ: Chẳng quản khó nhọc. Quản chi nước mắt môt hồ. Cố công cày cấy miệt mài sớm trưa (ca dao).
  19. Tấc đất, tấc vàng: tục ngữ, ý nói mỗi tấc đất đều có giá trị lớn, sản xuất ra nhiều của cải.
  20. Trông: hướng cặp mắt về phía nào đó, nhận biết bằng mắt. Trong bài này trông có nghĩa là nhìn xem để đoán thời tiết; trông còn có nghĩa mong mỏi, ước ao (trông mong, trông chờ).
  21. Phong lưu: ý nói đời sống đầy đủ.
  22. Nông gia: nhà nông. Vốn nghiệp nông gia: vốn là nghề nghiệp nhà nông.
  23. Nong nẻ: nong là đồ đùng dể phơi thóc, đan bằng tre nứa, hình tròn. Nong nẻ: từ láy chỉ chung đồ dùng đan bằng tre nứa đùng để phơi thóc.
  24. Vẹo vọ: ở đây có nghĩa là méo mó, không tròn trịa (nghĩa chính là quanh co – đường vẹo vọ, lòng vẹo vọ, nói vẹo vọ).
  25. Tôm đánh đáo: tôm búng, co đuôi mà bật mình đi (đó là cách tôm chạy dưới nước).
  26. Nao: Cảm giác chao động nhẹ (về tình cảm).
Nội dung bài ca dao về lao động sản xuất
Nội dung bài ca dao về lao động sản xuất

Nội dung bài ca dao về lao động sản xuất

Nhân dân ta trong hành trình lâu đời sống bằng nghề nông, đã phải trải qua những cuộc đấu tranh gian khổ để chinh phục tự nhiên, biến sỏi đá thành cơm gạo. Trong những cuộc gian nan đó, ca dao đã xuất hiện như một người bạn đồng hành không thể thiếu, ghi dấu bằng những làn điệu đầy cảm xúc. Nội dung bài ca dao về lao động sản xuất thường nói về thời tiết, cuộc sống ngư nghiệp, chăn nuôi, hay trồng trọt.

Những bài ca dao này không chỉ là những lời tự sự giãi bày cảm xúc, mà còn là biểu tượng của tinh thần lao động cần cù và dũng cảm của người dân Việt Nam từ xưa đến nay. Dù trên cánh đồng đầy khó khăn, vất vả, người nông dân luôn lạc quan và tin tưởng vào một tương lai tươi đẹp.

Những năm tháng không gặp mưa thuận gió hòa, con người đã đổ mồ hôi và dốc hết sức mình để chống lại thiên tai. Những câu ca dao tựa như những bài hát khích lệ, động viên, không chỉ nói lên nỗi vất vả, lo lắng mà còn thể hiện lòng tin tưởng, lạc quan của người nông dân đối với mùa màng bội thu, niềm vui đối với công việc lao động sản xuất, cày cấy, lòng yêu quý đối với đất đai trồng trọt. Từ trong các nẻo rừng tới góc bể, từ đồng ruộng tới dưới sông, những câu ca dao nói về lao động sản xuất lúc nào cũng vang lên ở khắp mọi nơi.

Tuyển chọn những câu ca dao, tục ngữ Việt Nam ý nghĩa

Ca dao và tục ngữ có một vị trí rất quan trọng trong nền văn hóa dân gian nước ta. Chúng phản ánh một cách sinh động mọi mặt đời sống lao động sản xuất và đấu tranh xã hội của nhân dân lao động từ xưa đến nay.

Đừng bỏ qua những câu ca dao, tục ngữ Việt Nam quen thuộc, chứa đựng nhiều ý nghĩa trong cuộc sống đã được Thế giới văn học đã sưu tầm và tuyển chọn!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*