Cái Tết của Mèo Con (Truyện ngắn của Nguyễn Đình Thi)
“Cái Tết của Mèo Con” là một truyện ngắn nổi tiếng viết cho lứa tuổi thiếu nhi của nhà văn Nguyễn Đình Thi, được xuất bản lần đầu năm 1961.
Tìm hiểu câu chuyện “Cái Tết của Mèo Con”
Nội dung câu chuyện kể về một chú mèo con xinh xắn, đáng yêu nhưng vô cùng dũng cảm. Chú không màng nguy hiểm, đã đánh nhau với rắn hổ mang để bảo vệ ổ trứng giúp gà mẹ.
Sau chiến công đó, chú còn đương đầu với lũ giặc chuột hay lẻn vào bếp ăn vụng, phá phách. Kẻ cầm đầu của bọn chúng là một con chuột cống vô cùng hung ác và to lớn với những chiếc răng nhọn hoắt rất đáng sợ. Nhưng chúng đâu biết, từ một chú Mèo Con còn non nớt, mới hôm qua còn cảm thấy run sợ trước cái ác, nhưng chỉ sau một đêm, chú đã vươn mình trưởng thành mạnh mẽ.
Câu chuyện “Cái Tết của Mèo Con” khích lệ lòng dũng cảm ẩn chứa bên trong mỗi chúng ta, cho thấy sức mạnh to lớn của tinh thần đoàn kết, đồng thời thể hiện quan điểm về đạo đức trong cuộc sống, đó là cái ác nhất định sẽ bị tiêu diệt.
Đọc truyện “Cái Tết của Mèo Con”
1. Về nhà mới
Bà đi chợ về. Vào đến sân nhà, bà bỏ cái thúng xuống gọi to: “Bống ơ… ơi! Cái Bống đâu rồi?”
Bống đang chơi với các bạn bên hàng xóm. Nghe tiếng bà gọi, nó ù té chạy về nhà.
– Bà ơi, bà mua quà gì cho cháu đấy?
– Mày hư lắm, chẳng trông nhà cho bà, để gà nó vào bới tung cả bếp. Bà giận, bà chẳng cho quà đâu.
Bống buồn quá. Bà mắng đúng rồi. Bà dặn Bống trông nhà cẩn thận, nhưng bà vừa đi khỏi một tí, các bạn đến gọi: “Bống ơi, sang chơi rồng rắn”. Thế là cái chân Bống nó cứ cuống lên chạy đi, không giữ được nữa. Bây giờ phải nhịn quà rồi!
Bống nhìn cái thúng đậy vỉ buồm (1). Chắc là trong ấy có cái bánh đa đường. Hay là một gói kẹo bột.
Không phải, chắc là một con “phòng phòng”, con gà bằng bột bỏng xanh đỏ, thổi kêu te te, chơi xong lại ăn được nhé! Thèm quá, thế có khổ không!
Bỗng cái vỉ buồm nó động đậy, lục đục. Ngheo… Bống mở tròn mắt. Ngheo… “A! Con mèo, con mèo! Bà ơi! Bà cho cháu nhá!”.
Trong thúng, hai con mắt xanh sợ hãi, nhìn lên hấp háy. Hai cái tai có đốm đen mượt như nhung động đậy. Chú mèo trắng nằm cuộn tròn kêu “ngheo, ngheo”.
– Nào, Miu ra với chị nào!
Bống bế chú mèo trên tay nựng nịu. Bà cười bảo:
– Con đem nó vào bếp, buộc nó vào cái kiềng gãy vài hôm cho nó quen đi. Con khéo chăm cho nó chóng lớn để bắt chuột. Nhà dạo này lắm chuột quá!
Chú Mèo Con chẳng chịu ăn gì cả. Thấy sợi dây buộc vướng chân, Mèo Con chạy lồng ra lại bị giật lại. “Ngheo ngheo, sao tôi lại không chạy được nữa thế này?” Chú Mèo nằm giơ cái chân bị buộc lên cố giãy, nhưng chẳng ăn thua gì. Một lúc lâu Mèo Con mệt, nằm rúc vào đống tro ấm.
Bống đem đĩa cơm vào dỗ: “Miu ơi, ăn đi”. Mèo Con vẫn không chịu ăn.
– Ngheo ngheo, mẹ tôi đi đâu rồi? Ai bắt tôi về đây, buộc tôi lại thế này? Ngheo ngheo, tôi chẳng được bú tí mẹ nữa rồi.
Gần tối mẹ Bống về, vào bếp hỏi:
– Con Mèo Con ở đâu thế Bống?
– Bà mua cho con đấy! Con bế nó lên nhà cho nó đi ngủ mẹ nhé!
– Đừng con ạ, cứ để nó dưới bếp, nó kêu cho chuột sợ. Ừ, sắp Tết rồi, có con mèo cho chuột nó đỡ phá.
Thế là đêm hôm ấy, Mèo Con phải ở một mình trong cái bếp lạ.
2. Đêm đầu tiên trong bếp
Cả nhà đã ngủ say. Bếp tối om, có hai chấm sáng xanh lè. Đấy là hai mắt chú Miu. Chú ta ngheo ngheo mãi đã mệt, bây giờ nằm im, nghe ngóng.
Trong bóng tối, bỗng ngân một tiếng bùng boong. Bác Nồi Đồng nằm trên chạn bếp ồm ồm hỏi:
– Ai đấ… ấy?
Mèo Con sợ quá, đứng thót lên xù lông và phì một tiếng. Bác Nồi Đồng to người nhưng nhát. Bác cũng hoảng hồn lên:
– Ái ái, kìa chú làm gì thế? Bùng boong, tôi vừa mới chào chú mà chú đã làm dữ!
Có tiếng soẹt soẹt, đấy là chị Chổi đứng ở góc bếp đang rũ ra cười.
– Soẹt, soẹt, úi giời ơi, tôi cười chết mất! To đầu định bắt nạt trẻ con, ai ngờ hóa ra bị một mẻ mất hồn.
Bác Nồi Đồng hậm hực:
– Thôi khéo chị, cứ cười đi, rồi chốc nữa tôi mách ông Chuột Cống ông ấy nhay cho nát ra mới biết thân.
Chị Chổi nghe nói đến Chuột Cống thì nín thít. Mèo Con hỏi:
– Ngheo. Chuột Cống là đứa nào mà ác thế?
– Thôi, chú đừng hỏi nữa, lúc nữa khắc biết.
Chị Chổi thở dài, không nói gì nữa.
Cả gian bếp im phăng phắc. Mèo Con nằm hồi hộp, không ngủ được.
Gần nửa đêm, bỗng chung quanh bếp rúc rích hết cả. Mèo Con nhỏm dậy, mắt càng xanh lè. Chín mười thằng Chuột Nhắt ở đâu chui qua cái lỗ thủng ở chân vách, chạy túa vào.
– Ối eo ôi, có mèo!
Một con Chuột Nhắt ngã lăn đùng ra, kêu choe chóe.
– Chít, chít, hừ, thằng mèo nhép ấy, mà lại bị buộc dây thế kia thì sợ gì!
Một con chuột già bảo thế. Rồi nó chùi mấy sợi ria, hai mắt như hai hột đỗ đen nhìn Mèo Con chế giễu: “Tí nữa, rồi chú mày sẽ biết tay ông Chuột Cống, hả!”
Vừa lúc ấy, xông lên một mùi hôi nồng nặc. Cổ họng chú Mèo Con cứ sít lại không kêu được nữa.
Từ cái lỗ ở chân vách chui vào một con vật đen sì lù lù bằng cái bắp chuối, mõm nhọn hoắt, đuôi dài, lông ướt ròng ròng nước cống. Nó trợn mắt, nhe ra những chiếc răng nhọn, cười mũi:
– Khịt khịt, đứa nào nhắc đến ta đấy? À hà, lại có chú mèo nhép ở đâu mới về thế này? Có đủ một miếng cho ta không?
Miu con lùi mãi vào sát vách, bốn chân chú run cả lên.
Chuột Cống bò đến gần, nghếch mõm cười ngất:
– Chú mình sắp đái dầm rồi hay sao thế? Thôi, biết điều thì đứng yên đấy, ta tha chết. Hễ ngọ nguậy, ta chỉ đớp một răng là mày ngoẻo không kịp ngáp.
Chuột Cống chùi bộ râu và gọi đám bộ hạ (2): “Kìa, chúng bay đâu, xem thằng Nồi Đồng hôm nay có gì chén được không?”
Lũ chuột bò lên chạn, leo lên bác Nồi Đồng. Năm sáu thằng xúm lại húc mõm vào, cố mãi mới lật được cái vung nồi ra. “Ha ha! Cơm nguội! Lại cỏ một bát cá kho! Cá rô kho khế, vừa dừ (3) vừa thơm.
Chít chít, anh em ơi, lại đánh chén đi thôi!”
Bác Nồi Đồng run như cầy sấy: “Bùng boong, ái ái! Lạy các cậu, các ông, ăn thì ăn, nhưng đừng đánh đổ tôi xuống đất. Cái chạn cao thế này, tôi ngã xuống, không vỡ cũng bẹp chết mất!”
Cá đám chuột đánh chén no nê. Chuột Cống bụng căng lên, vừa ôm bụng vừa khịt khịt đến bên chị Chổi quát:
– Cái con này, sao thấy mỗ (4) mà dám chống nẹ (5) đứng đấy hả! Mày láo thật!
Chuột Cống cắn luôn chị Chổi, giật ngã xuống, rồi vừa nhay chị vừa kéo đi xềnh xệch. Chị Chổi vừa kêu vừa rủa:
– Tao làm gì mà mày nhay tao hở Chuột Cống kia? Mày ác thế thì có ngày mày phải tội với giời!
– Hì hì, khịt khịt, giời nào tớ chẳng biết, hẵng cho đằng ấy tắm nước cống chơi cái đã.
Chuột Cống tha chị Chổi đến tận cái rãnh bẩn sau bếp, dìm chị xuống đấy. Rồi mặc cho chị kêu, nó lại vào bếp.
3. Chuột Cống và đám đàn em
Cả bọn chuột, thằng nào thằng nấy mép béo nhờn.
Chuột Cống gật gù lim dim mắt kể lại cho đám đàn em:
– Hừ, cái nhà này, ngày xưa không bao giờ tao thèm mò đến. Nhà nó nghèo lắm. Thế mà mấy năm nay, có Nồi Đồng, cơm trắng, cá kho, thóc lúc nào cũng lưng lửng cót. Mà tao xem trong làng hầu hết nhà nào cũng khá lên, nhất là từ ngày họ đi làm chung với nhau. Chẳng bù với cái nhà giàu ở đầu làng, chỗ hai cây thông, trước đây là nhà gạch hai tầng, không biết bao nhiêu thóc lúa. Cái bếp nhà ấy thì… chậc chậc… cứ nghĩ lại cũng đủ rỏ dãi ra. Thế mà rồi chỉ còn có đống gạch vụn.
Lũ chuột con mắt thao láo:
– Thế à! Thế à!
– Chứ gì, lũ nhép chúng mày thì biết gì. Cạnh chỗ ấy bây giờ người làng họ lại xây một cái nhà gì mà chỉ toàn bàn dài, ghế dài, cho trẻ con cả làng cắp sách đến ngồi chứ chẳng có cóc khô gì chén được cả. Nhưng thôi gần sáng rồi, anh em ta nhảy một bài rồi lui quân.
Đám chuột thằng nọ cắn đuôi thằng kia thành một vòng tròn. Chuột Cống đứng giữa vểnh ria lên, khoái chí lắm. Lũ Chuột Nhắt vừa nhảy vừa hát.
Chít chít, chúng ta là họ Chuột!
Đuôi chúng ta dài, răng nhọn hoắt
Cá thịt hay thóc, gạo, ngô, khoai,
Họ Chuột ta đây đều ăn tuốt!
Ha ha! Chít chít! Ăn tuốt! Ăn tuốt! Đám chuột vỗ bụng cười, rồi lại múa đuôi nhảy vòng quanh.
Chúng ta chỉ thích đi ăn đêm
Hễ người ngủ là chuột chui lên
Không phải làm mà tha hồ chén
Cái đời ăn vụng sướng hơn tiên!
Ha ha! Sướng hơn tiên! Hơn tiên! Chít chít! Khoái quá! Đàn chuột hát càng to hơn:
Tường dẫu cao Chuột vẫn chui qua
Cót dẫu dày mà ta vẫn khoét
Loài người làm ra bao thức ăn
Chúng ta cứ phá hết, chén hết!
Ha ha! Phá hết! Chén hết! Chít chít! Đàn chuột vỗ bụng, múa đuôi cười reo to: “Nào, Chuột Cống, ông anh hát đi! Hát đi cho chúng em nghe!”
Chuột Cống phình bụng khệnh khạng vuốt ria, ngoáy đuôi, rồi cất tiếng rè rè:
Ta là Chuột Cống
Mõm nhọn lông xù
Đời ta hôi thối
Nhưng cái bụng ta to!
Hô hô!
Cả đàn Chuột đập đuôi xuống đất. reo to: “Hô hô! Hô hô!” Chuột Cống vỗ bụng hát tiếp:
Tất cả cửa nhà
Đường vào lối ra
Ta đều thuộc hết
Vì ta là Chuột già
Hà hà!
Bịch con bịch mẹ
Nồi nhỏ nồi to,
Vào bụng ta ráo
Thế vẫn còn chưa no!
Hô hô!
Cả đàn chuột cười bò ra. Hay, hay quá! Hô hô! Vẫn còn chưa no! Phải rồi, đã no sao được! Chuột còn chén nữa! Hô hô! Chuột Cống cũng cười lăn ngửa ra mặt đất. Nó vỗ bốn chân bình bịch vào cái bụng trắng hếu. Hô hô!
Một lúc, Chuột Cống nhỏm dậy:
– Thôi, anh em, lui quân! Hôm nay ta vét bếp, mai ta sẽ vào khoắng (6) buồng thóc! Ta sẽ còn nhiều bữa chén túy lúy (7) nữa. Sắp Tết rồi, loài người họ còn đem vô khối thức ăn ngon về cho chúng ta. Hôm nào nhà này gói giò, ta sẽ quay lại. À còn cái thằng mèo nhép kia, hẵng tạm để mày đấy, vài bữa nữa, tao sẽ xé xác mày ra nhắm với nước cống chơi!
Đàn chuột lục tục kéo nhau đi hết. Trong bếp lại im phắc. Mèo Con vẫn đứng ở sát vách. Hai mắt nó vẫn sáng xanh lè. Nhưng lúc này nó không run run nữa mà xấu hổ và tức giận. Lũ chuột! Chúng mày cười hô hô rồi sẽ có lúc chúng mày khóc hu hu. Ngheo. Mèo Con kêu lên một tiếng, trời vừa sáng.
4. Góc sân và khoảng trời
Bà Bống bước vào bếp, thấy cái vung nồi cơm rơi dưới đất, vội đến xem. Thôi, chuột nó ăn và vục hỏng cả rồi! Bà cụ nhìn quanh, kêu lên:
– Lại còn cái chổi mới, chuột nó tha đâu mất rồi?
Bống cũng ở trên nhà chạy xuống:
– Thế con Miu của cháu có sao không hả bà?
– Ngheo!
Mèo Con vẫy đuôi, ngẩng đầu chào Bống. Bà cụ gắt:
– Con Miu chẳng được tích sự gì cả. Chết thật. Tết nhất đến nơi rồi, cái bọn giặc chuột nó phá thế này thì đồ ăn thức đựng cất đâu cho được!
Bống đến bế Mèo Con lên, hỏi:
– Miu, sao mày không đuổi chuột?
– Ngheo!
Mèo Con chỉ kêu, không biết trả lời thế nào. Nhưng cái Bống không giận Mèo Con. Nó lấy cơm và ít cá kho còn vãi lại trong nồi cho chú mèo. Chú đã đói mềm đánh một mạch hết veo.
– Bây giờ, cho mày đi chơi nhé!
Bống cởi dây, Mèo Con chạy vụt ra sân.
Mặt trời đã lên cao. Mèo Con tìm được một chỗ nắng ấm, nằm sưởi. Nó giũ lông một hồi, cho hết bụi tro, rồi nằm liếm mình, liếm chân, tỉ mỉ, cho đến lúc trắng nõn hết cả. Xong nó nằm im lim dim mắt, gừ gừ, nghĩ lại chuyện đêm qua. Và chú Mèo Con ngủ một giấc lúc nào không biết. Soẹt, soẹt, soẹt. Một cái gì đập vào đầu Mèo Con, làm chú ta choàng tỉnh dậy. “Ngheo. Cái gì đấy? A, chào chị Chổi, thằng Chuột Cống hôm qua nó lôi chị đi tận đâu?”.
Soẹt, soẹt, chị Chổi vẫn quét trên sàn, không trả lời. Mèo Con nhảy chồm lên, vờn chung quanh, thò vuốt ra rứt rứt mấy sợi rơm khô của chị Chổi.
– Nhãi con, xê ra cho tao quét!
Chị Chổi đập một cái vào lưng Mèo Con làm chú đau điếng.
– Gớm, chị khỏe thế, sao hôm qua không đập cho thằng Chuột Cống một cái?
– Xê ra nào!
Chị Chổi lại loẹt xoẹt quét qua. Mèo Con nghĩ thầm: “Tại chị Chổi chị ấy sợ thằng Chuột Cống quá đấy thôi, cũng như mình yếu bóng vía thành ra cứ rúm cả người, đến nỗi không kêu được nữa”.
Lúc này Mèo Con thích chí lắm. Nắng ấm, sân rộng và sạch. Mèo Con chạy giỡn hết góc này đến góc khác, hai tai dựng đứng lên, cái đuôi ngoe nguẩy. Chạy chán, Mèo Con lại nép vào một gốc cau, một sợi lông cũng không động – nó rình một con bướm đang chập chờn bay qua. Bỗng cái đuôi quất mạnh một cái, Mèo Con chồm ra. Hụt rồi!
Bướm đập cánh bay lên cao, cười: “Ê, ê, tẽn chửa!”
Mèo Con nhảy một cái thật cao theo bướm, rồi cuộn tròn lăn lông lốc giữa sân, cho đến lúc chạm bịch vào gốc cau. – “Rì rào, rì rào, con mèo nào mới về thế?”. – Cây cau lắc lư chỏm lá trên cao tít hỏi xuống. – “Rì rào, rì rào, chú bé leo lên đây nào!” – Mèo Con ôm ngay lấy thân cây cau trèo nhanh thoăn thoắt. – “Rì rào, rì rào, ừ chú trèo khá đấy!” – Mèo Con ngứa vuốt, cào cào thân cau sồn sột. – “Ấy ấy, chú làm xước cả mình tôi rồi. Để vuốt sắc mà bắt chuột chứ!” – Mèo Con tiu nghỉu, cụp tai lại, tụt xuống đất. Rì rào, rì rào chỏm cau vẫn lắc lư trên cao.
Mèo Con lại nằm dài sưởi nắng và ngẫm nghĩ.
Kìa kìa, một con bọ gì đang lủi nhanh qua sân. Mèo Con vút đến, chặn một chân lên lưng nó và ghé mũi phập phồng đánh hơi.
– Xì, anh chàng nào mà hôi thế này?
– Úi, úi, em là Gián đất đấy! Anh tha cho em.
Gián đất giãy giụa. Mèo Con nhấc chân lên. Gián đất nhìn trước nhìn sau rồi lại cắm đầu lủi. Nhưng Mèo Con lại nhảy theo:
– Khoan đã! Ban ngày ban mặt anh đi đâu mà lấm lét thế?
Gián đất ngẩng lên, khua hai sợi râu dài:
– Ơ anh này rõ ngây ngô. Cái thân phận vừa nhỏ vừa yếu như tôi mà không lủi khéo thì sống yên thân thế nào được. Mình bé thì phải sợ kẻ nào lớn hơn mình. Anh đến hỏi cậu Cóc tía kia mà xem.
Mèo Con ngoái đầu nhìn theo phía Gián đất vừa trỏ. Thừa dịp ấy, Gián lủi mất.
Cậu Cóc tía bằng nửa nắm tay đang ngồi nghiến răng cạnh hàng rào. Thấy Mèo Con đi tới, cậu lồi hai mắt ra, nhìn trân trân.
– À, ra cậu là Cóc tía, cậu ông giời đấy! Cậu bé thế, có sợ tôi không?
– Việc gì mà sợ.
– Thảo nào, người ta bảo cậu có cái gan to lắm.
Cóc tía nhếch cái miệng rộng đến mang tai cười:
– Gan ta có gì mà to.
– Thế sao cậu không sợ? Gián đất hắn bảo ai mà nhỏ yếu thì phải sợ kẻ khác kia mà?
– Cái thằng ấy nó chỉ rúc vào các xó xỉnh mà ăn bẩn cho nên gặp ai nó cũng khiếp! Còn như ta, ngày ngày ta đi bắt muỗi, trừ sâu, ta sống ngay thẳng việc gì mà sợ ai. Vả lại cứ sợ thì ngồi mà nhịn đói. Như trong vườn này có thằng Hổ Mang rất ác, chả lẽ ta không dám vào vườn bắt sâu à? Nó gian ác, nó mới phải sợ ta.
Cóc tía nói xong, ung dung nhảy qua khe hàng rào vào vườn.
5. Cuộc chiến với rắn Hổ Mang
Mấy hôm sau, Mèo Con đã thuộc tất cả các ngóc ngách từ trên nhà xuống bếp, từ trong sân đến ngoài vườn. Đến chỗ nào cũng có những cuộc gặp gỡ, những câu chuyện làm cho Mèo Con ngẫm nghĩ. Cả ngày, chú chạy chơi cho đến lúc nào nghe Bống gọi: “Miu Miu về ăn cơm”.
Bữa trưa ấy, Mèo Con lại nằm lim dim mắt sưởi nắng trên thềm nhà. Mẹ Bống đang xay cối thóc ù ù, rào rào. Mấy chú gà con chiêm chiếp xúm xít đến nhặt những hạt thóc vãi.
Bỗng trong chuồng gà nghe quác một tiếng thật to. Quác quác, gà mẹ từ trong chuồng kêu thất thanh, xòa cánh nhảy tót ra ngoài, kêu te tái. Mèo Con vút một cái đã băng mình đến.
“Quác quác, chết chết”. Gà mẹ mắt long lên, đuôi và cánh xù to, cuống quýt. Mèo Con bỗng lạnh người. Một con rắn đang bạnh to cổ, lắc lư cất cao cái đầu, trườn mình lên ổ trứng gà đang ấp.
“Quác quác! Cậu Miu ơi! Cậu Miu cứu lấy ổ trứng của tôi!”
Miu không kịp suy nghĩ gì, nhảy chồm lên giữa mình Hổ Mang. Phịch, cả hai con rơi xuống đất.
Hổ Mang cổ càng bạnh to, mắt như hai hòn lửa, lưỡi thè ra hằn học: “Thằng ranh, mày muốn chết sẽ được chết”.
Vút, cái đầu rắn lao thẳng tới.
Mèo Con quật đuôi, nhảy sang bên tránh được: “Phì, tao sẽ bẻ gãy xương sống mày”. Mèo Con thấy phun dữ tợn, lông dựng đứng lên, răng nanh nhe ra, vuốt nhọn thủ sẵn ở cả bốn chân. Vút, rắn lại lao cái nữa, Mèo Con lại vừa vặn tránh được.
“Quác quác, cậu phải nhảy vòng tròn thì nó mới không mổ kịp”. Gà mẹ ở ngoài, kêu to lên. Mèo Con được mách nước, cứ chồm chồm nhảy tròn xung quanh. Hổ Mang cố xoay theo, cái đầu lắc lư, nhưng nó không mổ được cái nào nữa.
Bỗng chát một tiếng, Hổ Mang gục đầu xuống, quằn quại định chuồn đi. Chát một tiếng nữa, Hổ Mang đã gãy sống lưng nằm thẳng đờ. Mẹ Bống tay cầm cái đòn gánh nện cho cái nữa giập đầu con rắn độc. Hổ Mang hết ngọ ngoạy.
“Cục ta cục tác. Ơi giời, thôi thoát rồi. Cám ơn cậu Miu nhé!”
Gà mẹ lục cục nhảy lên chuồng, xem ổ trứng có việc gì không.
Bống ở trên nhà chạy xuống, bế Mèo Con lên:
– Úi chào, tí nữa rắn nó mổ chết Miu của chị.
Mẹ Bống bảo:
– Con Miu này thế mà gan, nó đánh nhau mãi với con rắn đấy!
6. Đêm trước của cuộc chiến
Sau bữa con Miu đánh nhau với Hổ Mang, bác Nồi Đồng có vẻ nể chú ta lắm. Bữa cơm sáng ấy, nhà đi vắng cả, Mèo Con nằm ngủ trong đống tro ấm. Bác Nồi Đồng bắt chuyện:
– Bùng boong, này cậu Miu có dám đánh nhau với Chuột Cống không?
– Đánh chứ!
– Ghê nhỉ!
Bác Nồi Đồng nhắm mắt lại rùng mình.
– Cậu Miu ơi, hôm nay bà Bống đi chợ Tết đấy! Chỉ chiều nay là tôi đầy ắp thịt kho, cá kho, ngoài ra lại còn giò mỡ, giò thủ và nhiều thức ăn ngon lắm.
– Sao lại nhiều thế hở bác?
– Kìa, Tết đến nơi, cậu không biết à?
– Tết là cái gì?
– Bùng boong. Tết là Tết chứ còn là cái gì. Rõ chán!
Mèo Con vẫn không hiểu ra sao cả. Chị Chổi cười rũ ra, giảng thêm:
– Chú ấy còn bé quá, đã qua Tết nào đâu mà biết! Tết là ngày đầu năm, chú hiểu chưa? Ai cũng nghỉ, mặc quần áo đẹp đi chơi, nhà nào cũng luộc bánh chưng, gói giò, nấu chè, trồng cây nêu để mừng năm mới. Tết vui lắm, đấy rồi vài hôm nữa chú sẽ thấy.
– Ngheo, thế thì thích nhỉ! Nhưng hôm nọ, thằng Chuột Cống đã hẹn gần Tết là nó quay về làm một mẻ kia mà!
– Ối ối, cậu nói làm tôi sợ toát cả mồ hôi rồi!
Bác Nồi Đồng bưng mặt, mồ hôi rỏ giọt tong tong. Mèo Con bảo:
– Không sợ. Lần này chúng nó đến, tôi sẽ không để yên. Nhưng mà cả bác, cả chị Chổi cũng phải đánh nhau với chúng nó chứ. Bác to nặng thế, đánh được đấy, còn chị Chổi thì hôm nọ chị giáng cho tôi một đòn đau khiếp ấy. Tại mình cứ sợ, nó mới làm ngang ngược vậy.
Chị Chổi có vẻ suy nghĩ. Bác Nồi Đồng thì phùng cái miệng tròn của bác và nói nước đôi:
– Ừ để tôi xem đã…
7. Cuộc chiến với Chuột Cống
Tối hôm sau.
Bấy giờ lại vào nửa đêm. Trời tối như mực. Bên ngoài mưa rét, gió thổi ào ào. Mèo Con vẫn nằm thức. Nó đoán hôm nay thằng Chuột Cống sẽ đến. Có lúc Mèo Con tức giận nóng sôi người, chỉ mong cái thằng khốn kiếp ấy đến ngay để đánh nhau. Nhưng có lúc Mèo Con lại rợn. Thằng Chuột Cống ấy to quá, và nó già lõi, khôn lắm. Lại còn cả một lũ chuột đàn em của nó nữa. Một mình Mèo Con liệu có chống đỡ nổi với cả bọn chúng nó không? Mà đêm hôm, trên nhà ngủ say cả, chẳng có ai bênh Mèo Con đâu!
… Gió vẫn thổi, mưa vẫn rơi lộp độp. Chít chít. Lũ chuột đã rúc rích. Sột soạt sột… cả chín mười thằng ăn trộm đã vào đầy bếp, chạy lung tung. “A, a, chít chít, hôm nay toàn thức ăn ngày Tết cả, thơm quá, béo quá, anh em ơi! Hãy vật cái thằng Nồi Đồng trước đã!” Bác Nồi Đồng run lập cập trên cái chạn cao.
– Ngoao! – Mèo Con kêu một tiếng dữ tợn. khác hẳn mọi khi.
– A, a, chít chít, cái thằng mèo nhép hôm nọ đấy mà, đánh bỏ mẹ nó đi anh em ơi!
Lũ chuột con hích nhau, nhưng bọn ăn trộm vốn hèn nhát, cứ thằng nọ đùn thằng kia.
– Ngoao! Gừ!
– Ối, nó là mèo thật rồi!
Lũ chuột vỡ chạy toán loạn.
– Khịt, khịt, cái gì thế, mấy cái thằng này!
Mùi hôi xông đến nồng nặc. Chuột Cống lù lù bò vào. Lũ chuột lâu la (8) thấy có tướng đến thì hoàn hồn lại và xôn xao cả lên:
– Đánh! Đánh bỏ mẹ cái thằng mèo nhép kia đi!
Chuột Cống rung đuôi, tiến lại:
– Thế nào, chú mày đấy à? Muốn sống thì ra khỏi bếp ngay, tao làm phúc tha cho. Lúc nào chúng tao ăn xong, tao sẽ gọi vào chia cho mày một góc cá kho mà ăn Tết. Còn nếu mày bướng thì tao cắn cổ mày chết ngay. Mày hỏi con mẹ Chổi và thằng Nồi Đồng kia mà xem, tao đã cắn cổ chết mấy thằng mèo còn to hơn mày kia!
Bác Nồi Đồng trên chạn nói vọng xuống:
– Đúng đấy, hừ hừ, đúng đấy cậu Miu ạ.
– Ngoao, thằng ăn cắp, mày dám dụ dỗ ta làm cái việc bẩn thỉu của mày à? Mày hối lỗi đi, rồi tao cho mày về chầu ông vải (9).
Mèo Con khép đuôi, giơ một chân lên, thò vuốt ra, đầu nghiêng rình miếng.
– À thằng nhép, mày làm tao phải ra tay!
Chuột Cống cười nhạt, rụt đầu lại, nhe ra hàm răng nhọn như dao, lùi lũi tiến đến giáp lá cà (10).
Mèo Con biết kẻ thù to khỏe hơn, nếu vật giáp lá cà thì không thể chống lại nổi. Nhớ lại miếng võ học được hôm đánh rắn Hổ Mang, Mèo Con tát một cái đúng mõm Chuột Cống rồi nhảy chồm vọt qua.
Chuột Cống bị vuốt mèo cào rách một miếng da, mũi chảy máu. Nhưng đã quen nhiều trận. Chuột Cống không hề nao núng cứ lùi lũi xông đến.
Hai bên càng đánh càng hăng. Mèo và Chuột quần nhau tung cả tro bếp bụi mù. Chuột Cống đứng lù lù, rình lúc nào Mèo Con hở cơ, nó chỉ cắn đúng cổ một cái là phải chết tươi. Mèo Con thì thoăn thoắt, nhảy bên này, vọt bên kia, đánh nhiều đòn trúng vào mõm kẻ địch và cào nó sây sát. Chuột Cống đã say đòn, máu me bê bết cả mõm, nó càng như điên lên. Mèo Con cũng đã bị mấy răng, chảy máu ở mình, loang lổ cả lông trắng.
Nguy rồi, Mèo Con vấp phải một thanh gộc tre, loạng choạng. Chuột Cống đã thấy ngay, nó lao đến,
Mèo Con bị vật ngã ngửa ra. Bọn chuột con rú hết cả lên, nhảy cẫng:
– Thôi thằng Mèo chết rồi! Chết rồi!
– Ngoao!
Mèo Con co hai chân sau cố đẩy mõm Chuột Cống ra. Chuột Cống nhe răng nhọn hoắt cười khà:
“Khịt khịt, thôi, mày chạy đằng giời con ạ!”
Bốp bốp. Một cái gì giáng xuống lưng Chuột Cống làm nó giật nảy mình. Chị Chổi từ nãy vẫn nín thở đứng ở góc bếp, hồi hộp theo dõi trận đánh nhau. Thấy chú Miu nguy quá, chị quên cả sợ, lấy hết sức quật thằng kẻ cướp một cái. Bác Nồi Đồng trên chạn cũng lao ngay vung xuống. Loảng xoảng, loảng xoảng.
Trong lúc Chuột Cống hoảng hốt, Mèo Con đã nhanh như cắt thò vuốt nhọn, móc thật mạnh vào cái bụng trắng hếu của Chuột Cống và vùng dậy.
– Khịt khịt, thôi chết tôi rồi!
Chuột Cống bị móc thủng bụng, lảo đảo. Mèo Con kêu một tiếng to, tát luôn mấy cái nữa, Chuột Cống lăn kềnh.
Bùng boong, bùng boong! Bác Nồi Đồng múa lên trên chạn. Ngoao ngoao! Mèo Con quắc mắt.
Chuột Cống cố ngóc đầu dậy toan chạy, nhưng bị một cái tát nữa, những vuốt sắc cắm vào mặt nó.
Chuột Cống gục hẳn.
Mèo Con thò vuốt quắp được luôn một thằng Chuột Nhắt nữa.
Ngoao, ngoao! Mèo Con đuổi mãi lũ chuột chạy bán sống bán chết.
8. Cái Tết của Mèo Con
Sáng mồng một Tết, trời mát, Bống bế con Miu trong lòng, lấy cái dây băng đỏ, tết một cái nút hoa chung quanh cổ chú Mèo.
– Nào chị tết hoa đỏ cho Miu nào, để chị còn theo mẹ đi viếng mộ bố ở nghĩa trang liệt sĩ chứ!
– Ngheo ngheo.
Bà Bống cười bảo:
– Cháu bế nó đi thì cẩn thận kẻo lại quên nó ở đâu nhé! Con Miu này ngoan lắm. Bé thế mà đánh được cả Chuột Cống.
Lúc đi qua bếp, Mèo Con gọi to:
– Ngheo! Bác Nồi Đồng, chị Chổi ở nhà tôi đi chơi nhá.
– Ừ, đi thì đừng có chạy rông mà lạc. Hôm nay đông người lắm đấy!
Mẹ Bống dắt tay Bống ra đường. Gió thổi, bướm bay hoa nở. Những bụi tre xào xạc. Lúa non dưới ruộng phấp phới vẫy. Một đám người đi giữa đồng theo một lá cờ đỏ có ngôi sao vàng bay phần phật. Ôi chao, ngày Tết sao mà đẹp và vui thế. Mèo Con nằm trên khoanh tay của Bống, nghển đầu nhìn xung quanh, kêu ngheo ngheo.
Câu chuyện “Cái Tết của Mèo Con”
– Truyện thiếu nhi của Nguyễn Đình Thi –
Chú giải trong truyện “Cái Tết của Mèo Con”
- Vỉ buồm: đồ dùng để đậy thúng, rá, đan bằng cói.
- Bộ hạ (từ cũ): đám quân lính dưới quyền điều khiển của một viên tướng, một người chỉ huy. Ở đây chỉ đám chuột đi theo Chuột Cống.
- Dừ: nhừ (thức ăn nấu chín kĩ).
- Mỗ (từ cũ): ta, tôi (dùng để tự xưng); cũng còn dùng để thay thế cho một tên riêng, khi nói thẳng ra (ví dụ: ông Mỗ – cũng như hiện nay viết ông X, ông Y).
- Chống nẹ: chống nạnh (chống hai tay vào hông, tỏ vẻ kiêu hãnh hoặc thách thức đối phương).
- Khoắng: (kẻ trộm) vơ vét của cải, đồ đạc (ở đây chỉ việc bọn chuột đến phá phách, ăn vụng).
- Túy lúy: say rượu lắm; một bữa túy lúy: một bữa chén no say.
- Lâu la: đám quân của một tướng cướp.
- Chầu ông vải (khẩu ngữ): chết (ông vải hoặc ông bà ông vải: tổ tiên).
- Giáp lá cà: quân hai bên hoặc hai đối thủ xáp vào nhau để đánh bằng vũ khí cá nhân hoặc tay chân.
Đôi nét về tác giả Nguyễn Đình Thi
Tác giả Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003), quê ở làng Vũ Thạch, nay là phố Bà Triệu, Hà Nội, thuộc thế hệ nhà văn trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ông hoạt động trên nhiều lĩnh vực văn nghệ: làm thơ, viết truyện, kịch, soạn nhạc, viết phê bình lý luận văn học…
Năm 1996, Nguyễn Đình Thi được nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (đợt I).
Các tác phẩm nổi tiếng, gồm:
- Tiểu thuyết: Xung kích, Vỡ bờ.
- Tập thơ: Người chiến sĩ, Bài thơ Hắc Hải, Dòng sông xanh, Tia nắng
- Ca khúc: Diệt phát xít, Người Hà Nội
Truyện “Cái Tết của Mèo Con” viết cho thiếu nhi của tác giả Nguyễn Đình Thi từng được chuyển thể thành phim hoạt hình và đưa vào giảng dạy sách giáo khoa bậc THCS, được các bạn nhỏ vô cùng yêu thích và đón nhận.