Trang chủ Văn học nước ngoài Câu chuyện Giữ lời hứa – Bài học đạo đức ý nghĩa cho trẻ em

Câu chuyện Giữ lời hứa – Bài học đạo đức ý nghĩa cho trẻ em

Câu chuyện “Giữ lời hứa” kể về một cậu bé nhỏ tuổi nhưng rất có tinh thần trách nhiệm, quyết giữ đúng lời hứa của mình khi chơi cùng các bạn.

Câu chuyện “Giữ lời hứa”

“Nói lời phải giữ lấy lời
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.”

– Tục ngữ Việt Nam –

Lúc bấy giờ đã tối. Chuông báo hết giờ đã lâu và tôi là người cuối cùng rời công viên. Đi ngang một bụi tử đinh hương rậm rạp, tôi bỗng nghe có tiếng khóc thút thít. Ngạc nhiên, tôi lại gần và thấy một chú bé chừng 6 tuổi đứng bên bụi cây, đưa tay chùi nước mắt.

– Chú bé, tại sao lại đứng đây khóc thế?

Chú bé nín bặt, ngước đôi mắt nhìn tôi, ấp úng: “Cháu… cháu…”. Chắc là chú bé quên mất đường về nhà.

– Đi với chú. Rồi ta sẽ tìm được đường về.

Chú bé tươi nét mặt lên, nhưng lại xịu xuống ngay.

– Cháu không đi được… Cháu không được phép… rời vị trí…

– Vị trí nào? – Tôi ngạc nhiên hỏi. Một lúc sau, qua các câu trả lời lộn xộn của chú bé, tôi mới hiểu rằng em cùng các bạn lớn hơn chơi trận giả. Em được giao nhiệm vụ bảo vệ một pháo đài tức là bụi cây này với lời hứa: “Chết cũng không rời vị trí”. Cuộc chơi đã tan và các bạn đã bỏ về, quên mất em vì bụi cây ở một góc hơi xa. Em vẫn đứng đó với lời hứa của mình… và người chiến sĩ can đám ấy khóc một mình trong bóng tối.

– Về đi, cháu ạ. Các bạn cháu đã về hết cả rồi.

– Không, cháu không về được. Chỉ có cấp chỉ huy của cháu mới có quyền ra lệnh cho cháu rời vị trí.

– Nhưng cấp chỉ huy của cháu ở đâu bây giờ? Thôi vậy – tôi chợt nghĩ ra – chú ra lệnh cho cháu, chú cũng là sĩ quan đây.

Tôi nghiêng về phía ánh sáng chiếc cầu vai đeo quên hàm trung úy của mình.

– Vâng! – Chú bé vui sướng khoác vào tay tôi, nhưng lại buông ngay.

– Không được, chú ơi, cháu được gắn quân hàm đại úy cơ mà. Chú là trung úy làm sao ra lệnh được…

Giọng chú bé nghiêm trang đến nỗi tôi vừa bực, vừa buồn cười mà không dám bộc lộ ra. Chú bé lại bắt đầu thút thít. Ông gác công viên đi đến. Nghe rõ chuyện, ông không chút buồn cười mà lại khuyên tôi:

– Để cháu bé đứng với tôi. Tôi chưa đóng cửa đâu, anh đi đi, tìm một sĩ quan nào đó. Bên xe điện ở góc kia kìa.

Tôi chạy, và đợi gần 10 phút ở bến xe điện mới thấy một bóng người mang quân hàm thiếu tá. Đồng chí vui lòng cùng tôi trở lại công viên. Sau khi nhìn kỹ đồng chí thiếu tá, chú bé đứng nghiêm, đưa tay lên chào, nói dõng dạc:

– Báo cáo đồng chí thiếu ta, tôi, Pê-chi-a Xtê-pa-nô-vích, đại úy quân đội Xô Viết, đã hoàn thành nhiệm vụ, giữ vững vị trí đến giờ phút cuối cùng.

Thiếu tá cũng đứng nghiêm:

– Tôi, A-lếch-xây I-va-nô-vích, thiếu tá quân đội Xô Viết, ra lệnh cho đồng chí rời vị trí.

Chúng tôi đi, bàn tay nhỏ xíu của Pê-chi-a nằm gọn trong tay tôi. Ở cửa công viên, trước khi chia tay, đồng chí thiếu ta nói với tôi:

– Đừng cười Pê-chi-a. Tôi tin rằng khi cháu bé lớn lên, Tổ quốc ta sẽ có thêm một con người chân chính.

Câu chuyện “Giữ lời hứa”
– L. Pan-tê-lê-ep –
Nguồn: Giáo dục công dân 6, trang 23-24, NXB Giáo dục 1989

Bài học rút ra từ câu chuyện "Giữ lời hứa"
Bài học rút ra từ câu chuyện “Giữ lời hứa”

Bài học rút ra từ câu chuyện “Giữ lời hứa”

Giữ lời hứa là làm đúng như lời mình đã nói, đã hứa hẹn. Giữ lời hứa cho thấy sự tự trọng và tôn trọng người khác. Có giữ lời hứa mới có lòng tin của mọi người đối với mình.

Câu chuyện “Giữ lời hứa” của nhà văn L. Pan-tê-lê-ep nhiều năm liền được đưa vào giảng dạy trong chương trình tiểu học của nước ta bởi tính giáo dục rất cao. Truyện cho thấy tinh thần trách nhiệm đáng quý của một cậu bé ngây thơ nhưng đầy quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ đứng gác của mình. Qua đó, nhắc nhở chúng ta cần biết đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, có trách nhiệm với lời hứa của mình, giống như câu tục ngữ đã được cha ông ta đúc kết:

“Nói lời phải giữ lấy lời
Đừng như con bướm đậu rồi lại bay.”

Truyện còn cho thấy tấm lòng cao đẹp, biết yêu quý trẻ em của những người lính trong quân đội Xô Viết. Họ sẵn sàng tham gia vào cuộc chơi trận giả với cậu bé chỉ để giúp em hoàn thành nhiệm vụ canh gác, bảo vệ pháo đài của mình. Ngay đến cả ông già gác công viên cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Việc giáo dục trẻ em cần có sự chung tay của cả cộng đồng, góp phần xây lên nền móng vững chắc nuôi dưỡng tâm hồn các em nhỏ. Điều này là minh chứng cụ thể cho thấy giá trị nhân văn sâu sắc trong câu chuyện “Giữ lời hứa” của Pan-tê-lê-ep.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*