Câu chuyện Mua cua – Truyện cười dân gian Việt Nam
Câu chuyện “Mua cua” là một truyện vui trích trong “Chuyện giải buồn” của Huỳnh Tịnh Của, châm biếm những người không biết nhưng hay phán mò.
Câu chuyện “Mua cua”
Có anh người nhà quê đi tỉnh, nghe người ta nói cua ngon, hỏi thì họ bảo cua có vỏ, có hai càng, tám ngoe [1]. Về nhà, anh giục vợ đi chợ tỉnh, mua cho được một con cua ăn thử cho biết nó ngon chừng nào. Người vợ ra tỉnh thấy người ta bán con sam [2] cũng có vỏ, có càng, có ngoe, bèn mua xách về cho chồng.
Anh chồng thấy mu sam lom khom, ngỡ là rùa, mắng vợ mua lầm, vợ cãi lại, thế là đánh nhau, rồi đem nhau ra làng kiện. Thầy lý thấy con sam có đuôi dài, xử là con cá đuối [3]. Vợ chồng người nhà quê không nghe, mang việc lên cửa huyện. Quan huyện ra công đường [4], cho đòi làng tới, và bảo mang con vật lên cho quan xét. Khám xét một hồi, quan phê án rằng:
Con cua mua đã chẳng xong,
Đứa nói rùa lại càng thêm rối.
Thằng cha xã xử con cá đuối
Ấy ba đàng giai [5] quấy cả ba.
Hễ con dại thì có mẹ cha
Dân dại cậy cùng quan trưởng.
Để quan phê minh chỉ thượng [6],
Cho khỏi hoài nghi:
Cua, rùa, cá đuối giai phi [7]!
Nó đích thị là con bọ cạp nước [8].
Câu chuyện “Mua cua”
Theo “Chuyện giải buồn” của Huỳnh Tịnh Của
Chú thích trong câu chuyện “Mua cua”
- Ngoe: chân con cua.
- Sam: một giống vật ở biển, loại tôm cua, có mai, có đuôi nhọn, có ngoe, ăn được nhưng không ngon.
- Cá đuối: một con cá trong loại cá sụn, có đuôi dài, người ta thường chặt phơi để làm roi.
- Công đường: nơi làm việc của quan.
- Giai: đều (chữ Hán thường dùng trong giấy tờ ở cửa quan).
- Phê minh chỉ thượng: phê rõ trên giấy.
- Giai phi: đều sai cả, đều không đúng.
- Bọ cạp nước: tên do quan đặt ra chứ không có thật. Bọ cạp chỉ ở cạn, không hề có loài bọ cạp nước. Quan không biết con sam, thấy con vật này không phải cua, rùa, cá đuối mà hơi giống con bọ cạp nên đoán bừa như thế.
Kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam
Ngoài câu chuyện “Mua cua” kể trên, còn có rất nhiều các câu chuyện cười dân gian Việt Nam được Thế giới văn học sưu tầm và chọn lọc. Những câu chuyện này thường phê phán một cách hóm hỉnh những thói hư tật xấu trong nhân gian, hay đả kích một cách sâu cay tính chất bóc lột và xảo trá của tầng lớp thống trị trong xã hội cũ.
Đừng bỏ qua những phút giây giải trí tại Thế giới văn học!