Trang chủ Văn học dân gian Việt Nam Chàng đi săn – Truyện cổ tích dân tộc H’mông

Chàng đi săn – Truyện cổ tích dân tộc H’mông

“Chàng đi săn” là câu chuyện cổ tích dân tộc H’mông, kể về một chàng trai nhân ái đã giúp dân bản thoát khỏi sự cai trị của nhà vua độc ác.

Câu chuyện “Chàng đi săn”

Ngày xưa, có một anh săn bắn rất giỏi. Anh có tên nhưng người ta không gọi tên, người ta chỉ quen gọi anh là chàng đi săn. Chàng đi săn hễ vác nỏ vào rừng là nhất định săn được thú vật. Nếu chàng không bắn được con hươu, con nai hay con lợn lòi thì cũng bắn được con cáo, con thỏ. Mỗi khi săn được thú to, chàng thường đem về chia cho dân bản. Vì vậy dân bản đều yêu mến chàng.

Hồi ấy, nhà vua rất thích ăn thịt thú rừng. Hàng ngày, vua bắt dân phải nộp một con thú. Hôm nào, dân bản không nộp được, thì mọi người, không kể già trẻ lớn bé, đều bị vua giam một đêm một ngày.

Thấy chàng giỏi săn bắn, dân bản bèn nhờ chàng săn cho mỗi ngày một con thú để nộp vua. Một hôm, chàng vào rừng ngồi rình suốt cả ngày nhưng không thấy một con thú nào. Cả đàn chó săn chín con của chàng đi đánh hơi từ sáng cũng không thấy trở lại. Chiều xuống, chàng đành trở về tay không. Chàng buồn bã báo cho dân bản biết tin không may ấy. Dân bản nhớn nhác lo sợ, bàn nhau cách tâu khất với nhà vua.

Hôm ấy, không được ăn thịt thú rừng, vua nổi giận, quát tháo ầm ĩ. Bọn lính sợ xanh mắt, cầm gậy cầm roi xuống lùa cả bản lên để vua hỏi. Vua không thèm nói nửa lời, sai ngay quan quân nhốt tất cả dân vản vào nhà giam. Chàng đi săn bèn chạy lại, quỳ trước mặt vua, xin được ở ngoài để sáng hôm sau tìm bằng được thú nộp chuộc cho dân bản. Vua bằng lòng nhưng quát nạt giao hẹn:

– Trưa mai, lúc mặt trời đứng bóng, nếu nhà ngươi không có thịt thú nộp thì ta sẽ chém tất cả lũ dân bản.

Hôm sau, trời đổ sương muối. Chàng đi săn rét run cầm cập cũng phải vác nỏ vào rừng. Chàng vừa để ý tìm thú rừng vừa tìm đàn chó. Chàng trèo hết ba ngọn đồi, lội qua chín cái khe, nhưng cũng chưa thấy một con thú nào và cũng không thấy đàn chó. Chàng cố leo lên đỉnh núi cao nhất. Mặt trời bắt đầu chiếu nắng xuống. Chân tay chàng đỡ buốt, nhưng chàng đã mệt, thở cả ra hai lỗ tai. Chàng phải ngồi lại nghỉ, vừa để sưởi nắng vừa để lấy lại sức. CHàng lấy khèn ra thôi tìm gọi đàn chó. Chàng đã thổi gần hết mọi bài khèn nhưng vẫn chưa thấy tăm hơi đàn chó đâu. Chàng lại kiên nhẫn thổi nữa. Rồi từ đằng xa có tiếng người gọi:

– Chàng đi săn ơi! Không thấy đàn chó thì lại đây, ta dẫn đi tìm!

Chàng đi săn mừng quá, co chân chạy miết đến chỗ có tiếng gọi. Anh gặp một bà cụ già đầu tóc bạc phơ, da mặt nhăn nhúm. Nà cụ chìa cái cằm dài và nhọn ra bảo chàng rằng:

– Đàn chó của anh đã bị đàn hùm xám ở quả núi này ăn thịt hết rồi.

Chàng đi săn khóc lóc nói với bà cụ:

– Cụ có cách nào giúp cháu không? Cháu mất đàn chó không săn được thú về nộp vua thì bản cháu sẽ bị nhà vua độc ác ấy giết chết hết. Nhà vua hẹn đúng giữa trưa nay, không đem thịt thú lại thì ông sẽ chém đầu tất cả.

Bà cụ thương hại, bảo anh:

– Không có một con thú mà cả bản bị chém đầu! Nếu vậy, ta sẽ giúp cháu cứu họ mới được.

Bà cụ bèn đưa anh đến trước một cái hang đá to, sâu thăm thẳm và tối om om, ở mãi trên đính núi. Bà dắt anh vào trong hang. Bà móc trong một cái túi, đưa cho anh một con cáo trắng to bằng con mèo và dặn:

– Cháu hãy đem con cáo trắng này về nộp nhà vua. Trong lúc đi đường, cháu phải bế chứ đứng bắt nó đi kẻo nó mệt.

Chàng đi săn được con cáo trắng, tạm gác việc tìm đàn chó, ôm cáo chạy một mạch, vượt núi băng ngàn, trở về nộp ngay cho nhà vua và xin tha cho mọi người.

Nhà vua được cáo trắng rất đẹp, thích lắm, liền ra lệnh tha va cho mọi người ra sân. Rồi vua gọi các quan tới xem cáo trắng.

Cáo trắng kêu ba tiếng, vụt lớn lên bằng con chó. Mọi người lấy làm lạ, từ lính đến quan, nô nức rủ nhau đến xem mỗi lúc một đông. Cáo trắng lại kêu ba tiếng nữa và lớn lên bằng con ngựa. Mọi người càng lấy làm lạ, càng xúm đến xem đông gấp bội. Họ đứng quanh cáo trắng vòng trong vòng ngoài, họ hàng thân thích của nhà vua và nhà các quan đều đến xem, chẳng thiếu một ai.

Cáo trắng lại kêu ba tiếng. Lần này, cáo không lớn lên nữa. Nhưng rừng núi bỗng chuyển động ầm ầm. Hổ báo hàng đàn ở đâu ào ào kéo xuống. Chúng xông vào vồ cắn chết vua, quan và quân lính độc ác.

Sau khi nhà vua và quan quân tàn bạo đã bị tiêu diệt hết, cáo trắng bèn kêu lên ba tiếng êm dịu cho hổ báo trở về rừng. Dân bản sung sướng nhảy lên reo hò và công kênh chàng đi săn vào cung, đưa chàng lên ngôi vua.

Vua mới nhận lệnh tha hết mọi người còn đang bị giam giữ trong các ngục. Vua lại bỏ lệnh bắt dân nộp thú rừng.

Người dân vui sướng reo hò trở về bản cũ làm ăn.

Câu chuyện “Chàng đi săn”
Truyện cổ tích dân tộc H’mông
Giàng Chuẩn Lùng kể, Hoàng Quyết ghi

Ý nghĩa câu chuyện “Chàng đi săn”

Câu chuyện “Chàng đi săn” đề cao tấm lòng nhân ái, sẵn sàng vì cộng đồng mà chấp nhận hi sinh, không nề hà thực hiện những công việc khó khăn, vất vả.

Truyện còn là bài học đắt giá dành cho những kẻ cường quyền cai trị tàn ác, quen thói áp bức, bóc lột mà không chăm no đến đời sống của dân chúng.

Đọc xong truyện “Chàng đi săn”, chúng ta còn thấy khát vọng có được một cuộc sống công bằng, hạnh phúc của những người dân H’mông nghèo khổ trong xã hội cũ.

Truyện cổ tích Việt Nam
Truyện cổ tích Việt Nam

Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam

Truyện cổ tích là một thể loại truyện dân gian rất được các bạn nhỏ yêu thích. Nội dung trong mỗi câu chuyện thường chứa đựng những yếu tố hư cấu, kì ảo, hoang đường. Qua đó thể hiện ước mơ về một xã hội công bằng, tốt đẹp của người dân lao động.

Ngoài câu chuyện “Chàng đi săn” của người dân tộc H’mông kể trên, Thế giới văn học đã sưu tầm và tuyển chọn ra những câu chuyện hay nhất, tất cả đều chứa đựng những bài học về đạo lí làm người, hay giá trị của cuộc sống, đã được ông cha ta gửi gắm cho các thế hệ đời sau.

Hãy cùng nhau khám phá kho tàng truyện cổ tích Việt Nam đầy sự lôi cuấn tại Thế giới văn học!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*