Trang chủ Blog Văn học Đại cương về văn học dân gian

Đại cương về văn học dân gian

Thông qua phần đại cương về văn học dân gian, TheGioiVanHoc.com sẽ giúp bạn có một cái nhìn tổng quát hơn về thể loại văn học bình dân này.

Đặc điểm của văn học dân gian

Văn học dân gian là những sáng tác văn học của quần chúng nhân dân

Văn học dân gian là một hình thức văn học ra đời từ thời kì xã hội công xã nguyên thủy, khi mà xã hội chưa phân hóa thành các giai cấp khác nhau nên văn học dân gian là của toàn thể xã hội. Lúc đó cũng chưa có chữ viết nên toàn xã hội cũng chỉ có một hình thức văn học duy nhất là văn học truyền miệng.

Khi xã hội có giai cấp ra đời thay thế cho xã hội công xã nguyên thủy thì sự phát triển về kinh tế kéo theo sự phát triển về văn hóa. Chữ viết được sáng tạo ra. Những người có học, tức tầng lớp trí thức, dùng chữ viết để sáng tác văn học. Hình thức văn học viết (còn gọi là văn học thành văn) ra đời. Ở nước ta, thứ chữ viết đầu tiên được dùng để sáng tác văn học là chữ Hán, và văn học viết Việt Nam hiện nay được xác định là bắt đầu có từ thế kỷ X. Tuyệt đại đa số những người sáng tác và thưởng thức văn học viết là thuộc tầng lớp có học. Trong xã hội có giai cấp, tầng lớp có học thường thuộc tầng lớp trên của xã hội.

Trong khi đó, hình thức văn học truyền miệng vẫn tồn tại và phát triển trong các tầng lớp dưới của xã hội, thường được gọi là các tầng lớp bình dân, nên văn học dân gian còn có tên là văn học bình dân. Đồng thời với việc lưu truyền các sáng tác có từ trước, người bình dân tiếp tục sáng tác những tác phẩm mới. Những sáng tác này chủ yếu phản ánh đời sống và tư tưởng của những người bình dân, của quần chúng lao động đông đảo.

Thời phong kiến, ở nước ta văn học dân gian rất phát triển. Những tác phẩm văn học dân gian hiện nay chúng ta sưu tầm, ghi chép được chủ yếu đã được sáng tác và lưu truyền suốt thời kì lịch sử này.

Từ sau Cách mạng tháng Tám 1945, do những thay đổi về kinh tế, xã hội và văn hóa, hình thức sáng tác văn học dân gian không còn thịnh hành như trước nữa. Hiện nay, mặc dù văn học truyền miệng của người bình dân thời xưa vẫn còn lưu lại ít nhiều trong trí nhớ của nhân dân, nhưng bộ phận này đã được sưu tầm, ghi chép và biên soạn thành những sách văn học dân gian, giúp cho việc lưu giữ những giá trị văn hóa và tri thức dân gian trở nên dễ dàng hơn, từ đó góp phần bảo tồn và truyền bá di sản văn hóa quý báu của dân tộc đến các thế hệ sau.

Văn học dân gian là những sáng tác khuyết danh và truyền miệng

Văn học viết là sáng tác của cá nhân. Để hiểu rõ tác phẩm văn học viết, cần biết rõ cá nhân tác giả, biết rõ tiểu sử và cá tính tác giả. Trong khi đó thì không cần, và nói chung là cũng không thể xác định rõ được cá nhân nào đã sáng tác nên những tác phẩm văn học dân gian. Có thể phỏng đoán rằng một câu ca dao, một truyện cười chẳng hạn đầu tiên do một người sáng tác ra. Nếu hay thì sẽ được truyền lại cho người khác.

Nhưng việc truyền lại ấy thực hiện bằng con đường của trí nhớ, vì đó là những tác phẩm dân gian, truyền miệng. Dùng trí nhớ thì không thể giữ nguyên vẹn được những sáng tác đó, nhất là những sáng tác văn xuôi. Hơn nữa, khi hát hay kể lại những sáng tác ấy, mỗi người có thể tùy ý thay đổi ít nhiều theo sở thích của mình và sở thích của người nghe. Thế là dù lúc đầu có thể do một cá nhân sáng tác ra thì tác phẩm văn học dân gian trong khi lưu truyền qua những người khác nhau, những địa phương khác nhau, những thời gian khác nhau, cũng đã bị thay đổi đi ít nhiều. Những cách hát, cách kể khác nhau ấy được gọi là những dị bản (nghĩa là những bản khác nhau của cùng một tác phẩm văn học dân gian). So sánh, đối chiếu các dị bản là một phương pháp cần thiết để có thể nắm được đầy đủ đời sống của một tác phẩm văn học dân gian.

Quá trình sáng tác và lưu truyền mang tính vô danh và bằng con đường truyền miệng như trên tạo nên hai đặc điểm quan trọng, đó là:

1. Văn học dân là tiếng nói chung của toàn thể cộng đồng

Trong văn học dân gian, khi miêu tả và tái hiện cuộc sống, chỉ những yếu tố chung được giữ lại, phản ánh những trăn trở và tình cảm của toàn bộ cộng đồng. Những chi tiết cá nhân, những tư tưởng và tình cảm riêng biệt được làm mờ, bị lược bỏ. Ví dụ, trong thơ Nguyễn Trãi, chúng ta tìm thấy sự phản ánh về cuộc đời và tư tưởng riêng của ông, trong khi ca dao về thân phận người phụ nữ chỉ thể hiện những nét chung về số phận và tư tưởng của phụ nữ bình dân thời phong kiến. Có thể nói, văn học dân gian là tiếng nói của một cộng đồng, không phải là tiếng nói riêng biệt của một tác giả như văn học viết.

2. Sự lặp đi lặp lại trong các tác phẩm văn học dân gian

Văn học dân gian, vì là tiếng nói chung, thường xuất hiện với nhiều cốt truyện, nhân vật, tình tiết và hình ảnh lặp lại trong nhiều tác phẩm khác nhau. Những yếu tố lặp lại này được gọi là những truyền thống của văn học dân gian. Mặc dù sự lặp đi lặp lại có thể tạo ra cảm giác nhàm chán, song nó thể hiện sự ưa thích của người dân bình thường về những giai điệu quen thuộc. Sự ưa thích này đã tạo nên những truyền thống độc đáo trong văn học dân gian nói chung và đặc biệt cho từng dân tộc, vùng miền riêng biệt.

Do hai đặc điểm nói trên mà trong văn học dân gian có một hiện tượng lí thú và đã từng hấp dẫn sự chú ý của rất nhiều nhà nghiên cứu. Đó là hiện tượng trong văn học dân gian của các dân tộc khác nhau có nhiều tác phẩm (đặc biệt là thuộc thể loại thần thoại, cổ tích) giống nhau, không chỉ giống nhau về cốt truyện và nhân vật, mà còn giống nhau về nhiều tình tiết. Ví dụ truyện “Tấm Cám” của nước ta rất giống với truyện “Cô bé Lọ Lem” ở các nước châu Âu, truyện “Con thỏ tinh ranh” của người Việt rất giống với truyện của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam, truyện “Lấy vợ Cóc” của nước ta rất giống với truyện “Nàng công chúa Ếch” của người Nga, các loại truyện về nhân vật ngốc nghếch hầu hết các dân tộc khác đều có, v.v…

Có thể giải thích sự giống nhau này bằng việc các dân tộc vay mượn các sáng tác văn học dân gian của nhau, nhưng cũng có thể là do các bộ tộc có những điều kiện lịch sử, xã hội và quan tâm về con người, suy nghĩ tương đồng. Sự tương đồng này chứng tỏ văn học dân gian không chỉ là tiếng nói chung của một cộng đồng mà còn là tiếng nói chung của nhân loại.

Đặc điểm về ngôn ngữ và phương pháp nghệ thuật

Văn học dân gian và văn học viết đều dùng ngôn từ làm phương tiện sáng tác. Hơn nữa văn học dân gian từng tồn tại song song với văn học viết, chịu ảnh hưởng của văn học viết. Vì vậy cách mô tả hiện thực và biểu hiện tư tưởng, tình cảm của hai dòng văn học này có nhiều điểm giống nhau cơ bản.

Nhưng tuy cùng dùng ngôn ngữ làm phương tiện sáng tác, song văn học viết dùng ngôn ngữ viết, còn văn học dân gian thì dùng ngôn ngữ nói. Tác phẩm văn học dân gian cũng do đó một phần mà thường ngắn gọn. Ca dao và truyện dân gian không dài như thơ và truyện trong văn học viết. Trừ thể loại sử thi dân gian, còn nói chung các thể loại văn học dân gian đều gồm những tác phẩm nhỏ, ngắn, có khi rất ngắn. Ngôn ngữ sử dụng trong văn học dân gian cũng thường giản dị, dễ hiểu, có nhiều đặc điểm của ngôn ngữ nói hơn.

Về mặt lịch sử, văn học dân gian ra đời từ rất xưa, nên có một số đặc điểm khác biệt với văn học viết về cách nhận thức và phản ánh hiện thực.

Nhiều nhà khoa học nghiên cứu về xã hội nguyên thủy đã cho biết người nguyên thủy có những cách nhìn, cách nghĩ, cách cảm rất khác với con người hiện nay. Chẳng hạn họ tin rằng các vật vô tri vô giác như hòn đá, cây cối cũng biết nghĩ, biết cảm, nghĩa là cũng có nhiều biểu hiện của sự sống như con người. Do đó đã phát sinh tín ngưỡng và tục thờ thần núi, thần sông… và trong văn học dân gian đã hình thành những nhân vật thần thoại như Sơn Tinh, Thủy Tinh… Hoặc nhiều cộng đồng nguyên thủy tin rằng tổ tiên của con người cũng chính là tổ tiên của một loài thú nào đó (như con bò, con gà…) đang sinh sống trong địa bàn cư trú của họ. Do đó, trong văn học dân gian đã hình thành những truyện kể về các hiện tượng người hóa vật, vật hóa người, về các con vật biết nói, các con vật linh thiêng có nhiều phép lạ, v.v…

Do cách cảm và cách nghĩ như trên, trong văn học dân gian, ngoài phương pháp phản ánh hiện thực bằng cách mô tả những sự kiện rút ra từ đời sống thực tế (như trong ca dao, truyện cười, vè…) còn có phương pháp phản ánh hiện thực một cách kì ảo, nghĩa là miêu tả những sự kiện chỉ có trong trí tưởng tượng của người xưa. Trong nhiều thể loại văn học dân gian như truyện thần thoại, truyền thuyết, sử thi, truyện cổ tích… lối phản ảnh hiện thực một cách kì ảo này rất phổ biến. Những hình tượng kì ảo tạo nên vẻ đẹp riêng của văn học dân gian, một vẻ đẹp gắn liền với thời thơ ấu của nhân loại.

Vị trí của văn học dân gian trong đời sống văn hóa và lịch sử văn học dân tộc

Ở trên đã nói, văn học dân gian được sáng tác phổ biến và lưu truyền bằng con đường truyền miệng. Do được nhận bằng con đường truyền miệng như vậy mà văn học dân gian còn được xem như là một loại văn học diễn xướng. Văn học dân gian thường được kể, được hát, được trình diễn trong các sinh hoạt văn hóa của người dân. Chẳng hạn như hình thức diễn xướng các sự tích thời vua Hùng dựng nước, sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân… ở hội đền Hùng, hội Gióng…; như hát hò trong lao động, hát đối đáp nam nữ trong các ngày hội mùa xuân, mùa thu,…; hát ru con, ru em trong sinh hoạt gia đình, v.v…

Văn học dân gian là một thành phần nằm trong tổng thể văn hóa dân gian ra đời từ thời viễn cổ và tiếp tục được bảo tồn, phát triển về sau này, nên có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của dân tộc, in dậm dấu ấn bản sắc văn hóa dân tộc.

Văn học dân gian có nội dung phong phú, phản ánh nhiều mặt của cuộc sống và lí tưởng xã hội, đạo đức truyền thống của tầng lớp nhân dân lao động qua các thời kì lịch sử, thông qua sự khái quát hóa nghệ thuật. Do đó, văn học dân gian có những giá trị xã hội to lớn, những giá trị này thường được quy thành ba mặt chính là giá trị nhận thức, giá trị giáo dục và giá trị thẩm mĩ. Những giá trị đó đã khiến văn học dân gian không những luôn luôn tồn tại và phát triển song song với văn học viết mà còn có tác động to lớn tới sự hình thành và phát triển của văn học viết.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*