Danh từ là gì? Các loại danh từ trong tiếng Việt
Khái niệm danh từ là gì chắc hẳn ai cũng biết, nhưng để hiểu một cách sâu rộng hơn thì đó lại là một kiến thức rộng lớn cần được khám phá.
Khái niệm danh từ là gì?
Danh từ là thực từ có ý nghĩa thực thể (ý nghĩa sự vật hiểu rộng), có khả năng kết hợp được (về phía sau) với các từ chỉ định (này, nọ) và thường ít khi tự mình làm vị ngữ (thường phải đứng sau từ là).
Từ loại danh từ là một lớp lớn và đa dạng về ý nghĩa khái quát, về khả năng kết hợp, về công dụng thực tiễn, nên thường được phân ra thành những lớp nhỏ theo những tiêu chuẩn khác nhau, thích hợp ở từng bước phân loại. Dưới đây là những kiểu phân chia thường gặp:
- Danh từ riêng và danh từ chung
- Danh từ tổng hợp và danh từ không tổng hợp
- Danh từ vật thể, danh từ chất thể và danh từ tượng thể
- Danh từ đơn vị
- Danh từ đếm được và danh từ không đếm được
1. Danh từ riêng và danh từ chung
Sự phân biệt danh từ riêng với danh từ chung căn cứ vào chỗ danh từ riêng là tên gọi của sự vật cá biệt, duy nhất, còn danh từ chung là tên gọi của từng lớp sự vật đồng chất về một phương diện nào đó, tức là ý nghĩa ở danh từ chung là ý nghĩa chung, khái quát cho nhiều vật cụ thể thuộc cùng một lớp đồng chất. Đó chính là tính chất trừu tượng từ vựng của danh từ chung.
a. Danh từ riêng là gì?
Nói một cách dễ hiểu, danh từ riêng là những từ chỉ tên gọi của một người, một địa phương,…
Ví dụ: Võ Thị Sáu, Tiền Giang,…
Đặc điểm định danh cá biệt sự vật tạo cho danh từ riêng những nét đặc thù về ý nghĩa và về ngữ pháp.
Về mặt ý nghĩa, danh từ riêng là tên người, tên đất, tên sách báo, tên thời đại, tên gọi những tổ chức cụ thể, v.v… Ý nghĩa ở đây là mối liên hệ một – một giữa tên gọi và vật được gọi tên, do đó yêu cầu của việc đặt tên riêng là phân biệt được từng vật cụ thể.
Danh từ riêng có loại thuần Việt và Hán Việt, có loại được phiên từ tiếng nước ngoài. Xu hướng chung của việc phiên hiện nay là phiên trực tiếp từ tiếng gốc, không thông qua tiếng Hán như ở giai đoạn trước.
Ví dụ:
Chữ viết ở tiếng gốc | Phiên âm qua tiếng Hán | Cách phiên âm ngày nay |
Moskva | Mạc Tư Khoa | Mát-xcơ-va |
Paris | Balê | Pari |
Có hai cách phiên là phiên âm và chuyển tự. Phiên âm là dựa theo âm nghe được mà ghi ra, chuyển tự là căn cứ vào chữ viết trong ngôn ngữ gốc mà ghi lại bằng chữ Việt. Những trường hợp âm đọc và chữ viết khớp nhau thì không có vấn đề gì.
Chẳng hạn, chữ viết ở tiếng gốc là Paris, cách đọc ở tiếng gốc là Pa-ri, phiên âm và chuyển tự ra tiếng Việt là Pari.
Nhưng điều đáng bàn là những trường hợp âm đọc từng con chữ rời và tổ hợp chữ ở tiếng gốc khác với ở tiếng Việt, hoặc không có trong tiếng Việt.
Ví dụ:
Chữ viết ở tiếng gốc | Cách đọc theo tiếng gốc | Chuyển tự ra tiếng Việt | Phiên âm ra tiếng Việt |
New York | Niudoóc | Niu Yook | Niu-oóc |
Москва | Maxcơva | Moskva | Mát-xcơ-va |
Nếu trung thành với bảng chữ cái tiếng Việt thì tất nhiên có không ít con chữ của các tiếng gốc không phiên chuyển được (chẳng hạn như w trong ví dụ New York ở trên).
Trong sự phiên chuyển tiếng nước ngoài, tiếng Việt có một biệt nhãn đối với tiếng Trung Quốc. Tên riêng Trung Quốc được đọc theo chữ viết và được đọc bằng âm Hán – Việt (tức là âm Hán cổ du nhập từ xưa vào tiếng Việt) chứ không đọc theo âm của tiếng Trung Quốc ngày nay. Chẳng hạn: Lý Bạch, Trung Quốc, Bắc Kinh…
Về việc kết hợp với các từ khác thì danh từ riêng không có khả năng kết hợp rộng rãi như các danh từ chung.
Danh từ riêng tên người thường đi sau danh từ chỉ chức vụ theo quan hệ đồng vị ngữ hoặc đi sau loại từ (danh từ chỉ loại), hoặc đi sau cả loại từ và danh từ chỉ chức vụ.
Ví dụ: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cụ Hồ chí Minh; Cụ Chủ Tịch Hồ Chí Minh. (Từ chỉ chức vụ và loại từ có thể viết hoa để tỏ sự kính trọng).
b. Danh từ chung là gì?
Danh từ là những từ chỉ chung một loại sự vật, chẳng hạn như: người, loại vật, cây cối,…
Danh từ chung chỉ sự vật mà ta cảm nhận được bằng giác quan là danh từ cụ thể. Ví dụ: thầy giáo, công an, chó, mèo, sầu riêng, nhãn, bàn học, máy cày, đồng, chì, đất,…
Danh từ chung chỉ sự vật mà ta không thể cảm nhận trực tiếp được bằng giác quan là danh từ trừu tượng. Sự vật trừu tượng thường là các khái niệm được cảm nhận bằng trí óc. Ví dụ: Tổ quốc, tinh thần, cuộc kháng chiến,…
Trong tiếng Việt, có nhiều danh từ trừu tượng là từ gốc Hán (từ Hán – Việt), và nhiều danh từ trừu tượng do ghép các từ: việc, sự, cuộc, nỗi, lòng, điều,… với một từ khác mà tạo thành.
Danh từ chung là mảng từ lớn và đa dạng, cần được xem xét ở một số mặt khác nhau nhưng ít nhiều có liên quan với nhau.
2. Danh từ tổng hợp và danh từ không tổng hợp
Trong mảng lớn danh từ chung, việc tách ra lớp con danh từ tổng hợp là cần thiết, không chỉ bởi lý do ý nghĩa mà còn bởi đặc điểm ngữ pháp của bản thân lớp con này. Những danh từ chung không mang các đặc điểm ý nghĩa và ngữ pháp của danh từ tổng hợp làm thành lớp còn lại đối lập với nó và được gọi là danh từ không tổng hợp.
Tên gọi danh từ tổng hợp bắt nguồn từ ý nghĩa ngữ pháp chung của lớp con từ này, đó là ý nghĩa tổng hợp.
Danh từ tổng hợp chỉ gộp chung nhiều sự vật đồng chất xét ở một phương diện nào đó, và trong khối chung này, đường ranh giới giữa các vật rời bị xóa nhòa, bị nhòe đi.
Còn danh từ không tổng hợp chỉ từng lớp sự vật đồng chất xét ở một phương diện nào đó thông qua một cá thể sự vật cụ thể hay một cá thể đại diện cho cả lớp. Ở đây mỗi vật rời vẫn giữ nguyên đường ranh giới của mình như một dấu hiệu hiển nhiên hoặc tiềm ẩn và sẽ được bộc lộ trong những điều kiện nhất định.
Ví dụ:
Danh từ tổng hợp | Danh từ không tổng hợp |
cây cối | cây – (cái) cây |
tre pheo | tre – (cây) tre |
bạn bè | bạn – (người) bạn |
xe cộ | xe – (cái) xe |
trâu bò | trâu – (con) trâu bò – (con) bò |
Về mặt cấu tạo nghĩa, có thể chia danh từ tổng hợp thành các loại nhỏ:
- Loại hợp nghĩa. Ví dụ: áo quần, ruộng vườn, báo chí,…
- Loại lặp nghĩa. Ví dụ: binh lính, núi non, cấp bậc,…
- Loại đơn nghĩa Ví dụ: xe cộ, đường sá, vườn tược,…
Xét ở phương diện ngữ pháp, danh từ tổng hợp cũng có nét riêng. Trước hết danh từ tổng hợp bao giờ cũng là từ song tiết (ít khi từ ba tiếng như: anh chị em; có thể bốn tiếng do ghép hai từ song tiết như: bà con cô bác, hàng xóm láng giếng,…).
Danh từ tổng hợp không đứng trực tiếp sau số từ được, mà phải thông qua sự trung gian của danh từ đơn vị. Xem ví dụ dưới đây để hiểu hơn.
Không nói | Có thể nói |
hai quần áo | hai bộ quần áo |
hai đạn dược | hai tấn đạn dược hai tàu đàn dược |
3. Các lớp danh từ phân chia theo ý nghĩa
Ý nghĩa chung của từ loại danh từ là ý nghĩa thực thể, tức là ý nghĩa sự vật hiểu rộng như là sự vật làm đối tượng tư duy. Xét một cách cụ thể hơn, có thể chia loại danh từ ra thành ba lớp:
a. Danh từ chỉ vật thể
Danh từ chỉ vật thể, gồm có:
- Danh từ chỉ đồ vật: cái, ao, nhà,…
- Danh từ chỉ động vật, thực vật: con, mèo, sư tử, cây, cỏ, lúa,…
- Danh từ chỉ người: người, thợ, học sinh,…
Trong ba nhóm danh từ chỉ vật thể này, có thể tách ra một số từ có nghĩa chỉ loại, gọi là danh từ chỉ loại hay loại từ. Chẳng hạn như: cái, cây, con người,…
b. Danh từ chất thể
Danh từ chất thể là những danh từ chỉ các chất thuộc cả ba thể rắn, lỏng và khí. Chẳng hạn như: sắt, đá, đường, muối, nước, mật, dầu, hơi, khói,…
c. Danh từ tượng thể
Danh từ tượng thể là những danh từ chỉ các vật tưởng tượng hay trừu tượng, các khái niệm trừu tượng. Chẳng hạn như: thần thánh, ma, quỷ, hồn,…; tính, thói, tật, trí tuệ, lý luận,…
Sự phân chia từ loại danh từ thành 3 lớp theo ý nghĩa như trên có liên quan đến cách sử dụng đặc thù theo từng nhóm cụ thể.
4. Danh từ chỉ đơn vị là gì?
Trong số danh từ vật thể có thể tách ra những từ sẵn chứa trong mình ý nghĩa “đơn vị rời”, “cá thể”, chúng có thể tập hợp lại dưới cái tên chung là danh từ đơn vị. Đặc điểm chung của danh từ chỉ đơn vị là dễ dàng đứng trực tiếp sau số từ số đếm.
Danh từ chỉ đơn vị gồm hai nhóm lớn là danh từ đơn vị đại lượng (quy ước) và danh từ đơn vị rời (tự nhiên).
a. Danh từ đơn vị đại lượng
Danh từ đơn vị đại lượng có thể chia thành hai nhóm nhỏ:
- Danh từ đơn vị khoa học: là những danh từ đơn vị do các nhà khoa học quy ước đặt ra, như: mẫu, sào, héc-ta, a, mét khối, mét vuông, mét, lít, kilô gam, gam, vôn, oát, am-pe, at-mốt-phe,…
- Danh từ đơn vị dân gian: là tên gọi các vật chứa hay các hành động tạo lượng do dân gian quy ước lấy làm đơn vị như: thùng (thóc), bát (phở), thìa (đường), mâm (cỗ), toa (đạn dược), tàu (lương thực),… ngụm (rượu), hớp (nước), bó (rạ), sải (dây),…
b. Danh từ đơn vị rời
Danh từ đơn vị rời cũng được chia thành 2 nhóm nhỏ:
- Danh từ đơn vị rời là danh từ chỉ loại vật có ý nghĩa đơn vị rời, như: cái, cây, con, người,… Kể rộng ra có thể nhắc đến: cục, hòn, viên, tấm, bức, sợi, quyển, pho, cơn, trận,…
- Danh từ tập thể là danh từ chỉ từng tập thể rời của vật chưa có nội dung cụ thể, nội dung cụ thể sẽ do danh từ đi sau cung cấp. Ví dụ: bộ (quần áo), bộ (xa lông), bộ (ấm chén), dàn (bò), đàn (quạ), đàn (kiến), đàn (gia súc), bọn (thanh niên), lũ (trẻ con), tụi (ăn cắp), mớ (rau),…; bó (củi), nắm (than), hớp (nước), sải (dây),…
5. Danh từ đếm được và danh từ không đếm được là gì?
Khi nói đến danh từ đếm được là nói đến khả năng của danh từ xuất hiện trực tiếp sau số từ số đếm chỉ số xác định.
Với cách hiểu vừa nêu, trong tiếng Việt, trước hết dễ dàng tách ra lớp con danh từ không đếm được, sau sẽ bàn đến lớp con danh từ đếm được.
a. Danh từ không đếm được
Là những danh từ không có khả năng xuất hiện trực tiếp sau số từ số đếm xác định. Lớp con danh từ không đếm được gồm hai nhóm:
- Danh từ chất thể. Ví dụ: muối, dầu, hơi,… Các chất chỉ có thể đo đếm được thông qua các loại đơn vị thích hợp biểu thị bằng danh từ đơn vị. Ví dụ: hai lít dầu, hai phao đầu, hai tấn sắt, hai xe sắt, hai đống sắt, hai bình oxi,…
- Danh từ tổng hợp. Ví dụ: áo quần, binh lính, xe cộ, máy móc,… Vật do danh từ tổng hợp biểu thị không còn giữ ranh giới đơn vị rời của chính mình nữa, do đó những vật do một danh từ tổng hợp chỉ có thể đo lường được bằng các đơn vị quy ước hoặc các đơn vị là danh từ tập thể. Ví dụ: bốn bộ quần áo, mười đàn gà vịt, ba đám trẻ con, hai tấn quần áo, một ngàn kilômét đường sá…
b. Danh từ đếm được
Danh từ đếm được là những danh từ có khả năng xuất hiện trực tiếp sau số từ số đếm xác định. Trong tiếng Việt, lớp con danh từ đếm được có thể và cần chia thành hai nhóm: danh từ đếm được tuyệt đối và danh từ đếm được không tuyệt đối.
Danh từ đếm được tuyệt đối
Danh từ đếm được tuyệt đối là danh từ xuất hiện trực tiếp sau số từ số đếm xác định không bao giờ đòi hỏi một điều kiện về cấu trúc hay về sử dụng nào cả. Danh từ đếm được tuyệt đối bao gồm một số danh từ nằm trong số danh từ vật thể và những danh từ trừu tượng nằm trong lớp danh từ tượng thể.
Xét về ý nghĩa, có thể thấy nhóm danh từ đếm được tuyệt đối gồm có các nhóm con chính sau đây:
- Danh từ chỉ loại trong cách hiểu rộng nhất, như: cái, con, cây, người, bức, tờ, quyển, sợi, thanh, cục, tấm, mẩu, giọt, làn, luồng, con, trận, tay, cánh, ngôi, ngọn… (Cần nhắc lại danh từ chỉ loại là một nhóm trong danh từ đơn vị rời).
- Danh từ tập thể (là một nhóm khác trong danh từ đơn vị rời), như: bộ, bọn, đàn, lũ, tụi,…; một số danh từ gốc động từ cũng có ý nghĩa và tư cách danh từ tập thể, như: bỏ, gói, mở, nắm, ôm, vốc,…
- Danh từ chỉ đơn vị hành chính, tổ chức xã hội và đơn vị nghề nghiệp, như: nước, tỉnh, xã, đặc khu, ban, hệ, tổ, đoàn, đội, ngành, nghề, môn,…
- Danh từ chỉ không gian, như: chỗ, nơi, chốn, xứ, miền, khoảnh, miếng, vùng, phía, bên, hướng, phương,…
- Danh từ chỉ đơn vị thời gian, như: dạo, khi, hồi, lúc, chốc, giây, phút, giờ, buổi, ngày, tháng, vụ, mùa, năm,…
- Danh từ chỉ lần của sự việc, như: lần, lượt, phen, chuyển, trận, đợt,…
- Danh từ chỉ màu sắc, mùi vị, âm thanh, như: màu, sắc, mùi, vị, tiếng, giọng,…
- Danh từ chỉ người, như: người, thợ, học trò, nhà văn, nghệ sĩ, giám đốc, chủ tịch,…
- Danh từ chỉ khái niệm trừu tượng (nằm trong lớp từ tượng thể), như: tính, thói, tật, nết, tài năng, trí tuệ, lý lẽ,…
Ngoài các nhóm chính trên đây, cũng còn những nhóm nhỏ và từ lẻ tẻ là danh từ đếm được tuyệt đối.
Danh từ đếm được không tuyệt đối
Danh từ đếm được không tuyệt đối là những danh từ chỉ đồ vật, thực vật, động vật, thường xuất hiện sau số từ số đếm xác định thông qua các từ chỉ loại, như: cái, con, cây, sự, cuộc,…
Ví dụ: hai cái bàn, hai cái áo, hai chiếc xe đạp,…
Tinh chất đếm được không tuyệt đối của những từ này thể hiện ở chỗ chúng có thể xuất hiện trực tiếp sau số đếm xác định, không cần sự trung gian của từ chỉ loại trong những hoàn cảnh sử dụng nhất định. Tiêu biểu nhất là cách sử dụng trong chuỗi liệt kê.
Chẳng hạn, một số ví dụ dưới đây:
Làng này có năm ao, ba giếng.
Cần mượn thêm hai bàn, sáu ghế.
Nhà ấy có hai chiếc xe đạp, một xe máy.
Danh từ đếm được không tuyệt đối cũng có tính chất tiêu biểu là cách sử dụng ở chức vụ ngữ pháp định tố, kiểu như: đồng hồ ba kim, bàn tám chân, mì hai tôm, cờ ba sọc,…
Tìm hiểu về ngữ pháp tiếng Việt
Như vậy, thông qua bài viết này, chắc hẳn các bạn đã nắm được rõ hơn về các khái niệm danh từ là gì, danh từ riêng là gì, danh từ chung là gi, cũng như những kiểu phân chia của danh từ thường gặp trong tiếng Việt.
Ngữ pháp là một lĩnh vực trong ngôn ngữ học nghiên cứu về cấu trúc, quy tắc, cấu tạo và cách sắp xếp các từ và câu để truyền đạt ý nghĩa. Tìm hiểu về ngữ pháp tiếng Việt giúp chúng ta dễ dàng biểu đạt được ý nghĩa trong lời nói cũng như văn viết một cách chính xác, rõ ràng và linh hoạt.
Nếu là người đang muốn nghiên cứu sâu hơn về ngữ pháp tiếng Việt, chắc chắn bạn sẽ không muốn bỏ lỡ những kiến thức vô cùng giá trị được Thế giới văn học chia sẻ.