Đeo lục lạc cho mèo – Văn học dân gian Việt Nam
“Đeo lục lạc cho mèo” là câu chuyện vui dân gian Việt Nam, ngụ ý chế giễu những kẻ hùng hồn nơi cửa miệng, nhưng lại nhút nhát khi thực hiện.
Câu chuyện “Đeo lục lạc cho mèo”
Từ thuở xa xưa, mèo cứ đời đời bắt chuột nên họ hàng nhà chuột rất căm ghét, thù oán. Một hôm tất cả các loài họ chuột bèn họp lại, bàn cách chống lại họ nhà mèo.
Khi họ hàng nhà chuột đã tề tựu [1] đông đủ, chuột cống mới lên giọng khai mạc rằng:
– Cái giống quái kia thường chụp vồ được anh em chúng ta là vì chúng có tài rình nấp để bắt lén. Vậy nay bà con ta nên tìm cách kiếm cái lục lạc [2] buộc vào cổ nó, khi nào nó lẻn tới thì lục lạc kêu vang lên, anh em chúng ta biết trước chạy hết, giống quái kia làm gì nổi ta.
Họ hàng nhà chuột nghe lời bàn chí lí [3] quá liền ưng thuận. Nhưng đến khi hội nghị quyết định cử một chú chuột đem cái lục lạc đó buộc vào cổ mèo thì không một loài chuột nào dám xung phong. Rút cục, làng chuột bèn đề cử chuột cống vì chính mưu kế kì diệu này là do chuột cống đưa ra. Chuột cống ta tái mặt nhưng làm ra vẻ kẻ cả, nghiêm trang thưa với cả làng:
– Tôi đi cũng được thôi. Nhưng đã được họ hàng nhà chuột cho làm kẻ cả, nay lại đi làm cái việc tầm thường này, e mất thể diện [4]. Tôi xin đề cử anh chuột nhắt. Anh ấy bé người mà gan dạ, nhanh nhẹn lắm, chắc sẽ được việc cho cả làng.
Chuột nhắt liền láu lỉnh [5] cãi rằng:
– Làng đã cắt cử thì tôi cũng xin vâng. Nhưng tôi vẫn ở bậc khá giả trong làng mà phải làm cái việc tầm thường này, e chưa phải là cấp thiết. Anh chuột cống không đi là đúng lắm rồi, mà tôi đây không đi cũng là phải. Tuy nhiên, việc vẫn cần có người làm, tôi xin cử anh chuột chù. Anh ấy tuy hơi chậm nhưng cẩn thận, chắc chắn, làng không lo hỏng việc.
Chuột chù vốn thật thà, chỉ ú ớ [6] thưa làng:
– Đã là đầy tớ làng. Làng bảo là tôi đi. Chỉ sợ rằng tôi chậm chạp, chưa kịp đeo lục lạc cho mèo mà mèo đã thịt tôi rồi thì làng tính sao?
Chuột cống nhanh miệng bảo:
– Mèo nó có thịt thì thịt loại chúng tao, chứ hôi hám như mày, nó không thèm. Thôi đi đi, còn tần ngần [7] cái gì nữa!
Thế là chuột chù ì ạch vác chiếc lục lạc đi tìm mèo. Chưa nhìn thấy bóng dáng mèo đâu, chỉ mới nghe hai tiếng “ngeo, ngoeo”, chù ta đã hết hồn hết vía, bỏ cả lục lạc, chạy mất. Cả làng chuột mới nghe nói có mèo đều đã tán loạn mỗi đứa chả một ngả. Rút cục, chẳng có ai dám nhắc đến chuyện đeo lục lạc vào cổ mèo nữa. Từ đó đời đời chuột vẫn cứ sợ mèo mà không có cách gì chống trả được
Câu chuyện “Đeo lục lạc cho mèo”
Văn học dân gian Việt Nam
Theo bản sưu tầm của Ninh Viết Giao
Chú thích trong câu chuyện
- Tề tựu: có mặt đầy đủ.
- Lục lạc: chuông con, thường đeo ở cổ ngựa.
- Chí lí: có lí lắm.
- Thể diện: danh dự bên ngoài.
- Láu lỉnh: ranh vặt, khôn vặt.
- Ú ớ: nói không rõ âm, tiếng.
- Tần ngần: lưỡng lự, không dám.
Ý nghĩa câu chuyện “Đeo lục lạc cho mèo”
“Đeo lục lạc cho mèo” là một câu chuyện vui dân gian nổi tiếng của người Việt Nam, còn được biết đến với tên gọi “Đeo nhạc cho mèo” hay “Đeo chuông cho mèo”.
Truyện là sự kết hợp giữa hai thể loại văn học dân gian là truyện cười và truyện ngụ ngôn, không chỉ có tác dụng gây cười mà còn mang nhiều bài học ý nghĩa.
- Chế giễu những kẻ hùng hồn nơi miệng nói, nhưng lại tìm cách thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm cho người khác trước những thử thách khó khăn.
- Châm biếm những ý nghĩ viển vông, xa rời thực tế, không có khả năng thực hiện được.
- Truyện “Đeo lục lạc cho mèo” còn nhằm giải thích theo kiểu dân gian tại sao cho đến tận ngày nay, họ hàng nhà chuột vẫn luôn sợ mèo.
Kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam
Ngoài truyện “Bà Bạch và anh cày” kể trên, còn có rất nhiều các câu chuyện cười dân gian Việt Nam được Thế giới văn học sưu tầm và chọn lọc. Những câu chuyện này thường phê phán một cách hóm hỉnh những thói hư tật xấu trong nhân gian, hay đả kích một cách sâu cay tính chất bóc lột và xảo trá của tầng lớp thống trị trong xã hội cũ.
Đừng bỏ qua những phút giây giải trí tại Thế giới văn học!