Hồi ký là gì? Phân biệt giữa hồi ký và nhật ký
Hồi ký là gì là thắc mắc của rất nhiều người. Hãy cùng Thế giới văn học làm sáng tỏ điều này, đồng thời phân biệt giữa hồi ký và nhật ký.
Hồi ký là gì?
Hồi ký là thể văn tự sự, trong đó người viết nhớ và ghi lại những sự việc đã xảy ra trong một quãng thời gian thuộc quá khứ xa hay gần mà mình đã sống (Hồi ký “Bất Khuất” của Nguyễn Đức Thuận). Hồi ký có thể do người khác ghi lại (“Sống như anh” do Trần Đình Vân ghi, “Những năm tháng không thể nào quên” do Hữu Mai ghi, v.v…).
Người ta thường viết hồi ký về những sự kiện lịch sử tiêu biểu hoặc những nhân vật tiêu biểu. Chẳng hạn những hồi ký về Cách mạng tháng Tám, hồi ký Điện Biên, hồi ký về Bác Hồ, về đời hoạt động của các chiến sĩ trong thời kỳ kháng chiến.
Đối tượng của hồi ký không chỉ hạn chế trong cuộc đời của những lãnh tụ, anh hùng chiến sĩ. Nó có thể là cuộc đời của một người bất kì, miễn là những trang viết về cuộc đời đó có ý nghĩa quan trọng, bổ ích chung cho mọi người.
Sự giống và khác nhau giữa hồi ký và nhật ký là gì?
Nhật ký là những bản ghi chép lại những tâm trạng, cảm xúc của người viết về những gì đã diễn ra trong suốt một ngày hoặc một giai đoạn khác nhau, được sắp xếp theo trình tự thời gian cụ thể. Để có thể hiểu hơn về khái niệm nhật ký là gì, bạn có thể tìm hiểu TẠI ĐÂY!
Giữa hồi ký và nhật ký có những nét phân biệt rất rõ.
- Hồi ký viết về những sự kiện và con người không theo thời gian từng ngày, không ở trong cuộc sống đã diễn ra, mà theo từng giai đoạn thời gian cuộc sống trong quá khứ thường rất xa.
- Cũng như nhật ký, sự việc và con người trong hồi ký có tính chân thực và tiêu biểu. Song sự việc, con người trong hồi ký không chỉ là sự ghi chép máy móc, mà còn có thể nhào nặn, xây dựng lại thành những câu chuyện hấp dẫn. Do đó, chủ đề tư tưởng toát lên một cách rõ ràng, đậm nét hơn trong nhật ký.
- Ngoài viết về những sự kiện xảy ra như trong nhật ký, người viết có thể có những suy tưởng xoay quanh các sự kiện tiêu biểu. Đó là yếu tố trữ tình trong hồi ký. Tuy nhiên, so với nhật ký, chất suy tưởng trong hồi ký sâu đậm hơn, giàu tính khái quát hơn. Nếu như nhật ký thiên về sự việc hơn thì trong hồi ký, sự việc, con người và suy tưởng có sự hòa quyện với nhau, hỗ trợ cho nhau một cách đắc lực.
- Văn hồi ký không viết ngắn gọn, cô đọng như trong nhật ký, mà diễn đạt đến cách hoàn chỉnh, có tính chất tu từ không kém gì bút ký hay truyện ngắn.
Chúng ta có thể viết hồi ký về cuộc đời quá khứ của mình, hoặc ghi hồi ký theo lời kể lại của các nhân vật nào đó. Tuy nhiên, muốn viết hồi ký hay, thì ngoài vốn văn chương phong phú, còn cần phải có xúc cảm thật sự về cuộc đời của các nhân vật đó, và phải biết đứng trên một quan điểm nhất định để chọn lọc các sự kiện mà người kể, tuy đã sống thực, có thể không chọn lựa được.
Lời kết
Thông qua bài viết này, TheGioiVanHoc.com hi vọng phần nào giúp các bạn hiểu rõ hơn về khái niệm thế nào là hồi ký, đồng thời phân biệt được sự khác nhau cơ bản giữa hồi ký và nhật ký, qua đó góp một phần nhỏ giúp các bạn viết hồi ký hay hơn và đúng cách.
Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu thêm về các thể loại dành cho văn học viết khác nhau như:
- Nhật ký là gì?
- Tùy bút là gì?
- Truyện ngắn là gì?