Nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585)
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 – 1585) là một trong những nhân vật có sức ảnh hưởng rất lớn đến lịch sử và nền văn học Việt Nam trong thế kỷ 16.
Tiểu sử nhà thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm có tên tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại (nay là xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, ngoại thành Hải Phòng). Ông sinh ra trong một gia đình nho giáo, lúc còn nhỏ học hành thông minh, được mẹ dạy cho học, lớn lên theo học thầy Lương Đắc Bằng, giỏi về lý học. Thấy nhà nước phong kiến suy đồi, ông không định đi thi. Mãi đến năm 45 tuổi ông mới đi thi, năm trước đỗ đầu thi Hương, năm sau lại đỗ đầu thi Hội và thì Đình (trạng nguyên), dưới triều Mạc Đăng Doanh.
Ông làm quan đến chức Lại bộ thương thư, được phong tước Trình tuyền hầu. Sau khi mất, ông được vua Mạc truy phong tước Trình quốc công, nên người ta thường gọi ông là Trạng Trình. Trong 8 năm làm quan, nhận thấy triều đình đổ nát, nhiều người càn rỡ, ông dâng sớ vạch tội và xin chém mười mấy kẻ lộng thần. Không được vua nghe theo, ông liền trả áo mão, xin về vui thú điền viên.
Nguyễn Bỉnh Khiêm về quê dạy học, sửa cầu Nghinh Phong, Trường Xuân, lập quán Trung Tân, dựng am Bạch Vân, lấy hiệu là Bạch Vân cư sĩ. Ông đã coi nhẹ công danh mà tìm đời sống ẩn dật. Học trò ông có nhiều người tài giỏi, như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ, Lương Hữu Khánh,…
Tuy ở quê nhà, ông vẫn được các vua chúa Mạc, Trịnh, hoặc Nguyễn trọng vọng và tranh thủ ý kiến. Hỏi việc gì, ông đều mách bảo kín đáo (1), mục đích làm thế nào cho dân bớt được nạn chiến tranh chết chóc.
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà tư tưởng, một nhà chính trị lớn thời bấy giờ, có ảnh hưởng nhiều đến tầng lớp sĩ phu ở thế kỷ XVI. Ông sáng tác nhiều thơ. Về thơ văn chữ Hán, hiện nay còn lại Bạch Vân âm thi tập gồm một số bài ký và khoảng nghìn bài thơ. Về thơ văn quốc âm còn lại tập Bạch vân quốc ngữ thì gồm vài trăm bài. Ngoài ra, tương truyền, ông có để lại tập sấm ký, tức là những câu nói dự đoán về cuộc đời, theo lối tính toán thời xưa.
Đặc điểm trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhân sĩ có bản lĩnh. Ông muốn có một cuộc sống thanh cao, coi thường danh lợi, khinh kẻ tầm thường mà lại ngồi trên đầu, trên cổ nhân dân, đục khoét nhân dân. Tuy nhiên, nguyện vọng của ông không được thỏa mãn, ông bèn xin nghỉ quan trở về dạy học và làm thơ để gửi gắm tâm sự và ngỏ hầu giúp ích phần nào cho đời.
Trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhất là trong thơ quốc âm toát lên hai điểm nổi bật, đó là: tố cáo xã hội thời Lê, Mạc và Trịnh, Nguyễn; và ca ngợi thú nhàn tản – một biểu hiện chống lại chiến tranh phi nghĩa lúc bấy giờ, tức là chống lại sự xung đột nội bộ giữa các tập đoàn phong kiến thống trị.
1. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm tố cáo xã hội phong kiến Việt Nam ở thế kỉ XVI
Nguyễn Bỉnh Khiêm sống gần suốt thế kỷ XVI, phần lớn thời gian ông sống ở quê nhà, nên rất thấu hiểu sự khó khăn, vất vả cũng như nguyện vọng của tầng lớp nhân dân lao động. Ông đã chứng kiến sự tranh giành quyền lực giữa nhà Lê và nhà Mạc, giữa chúa Trịnh và nhà Nguyễn. Rất có thể lúc đó ông chưa phân biệt được cuộc chiến nào là chính nghĩa (khởi nghĩa nông dân), cuộc chiến nào là phi nghĩa (xung đột giữa các tập đoàn phong kiến), nhưng ông sớm chán ghét chiến tranh, chán ghét loạn lạc, vì chiến tranh gây chết chóc, đau khổ cho nhân dân: “Buồn lắm biếng thấy cái đao binh…”.
Trong hoàn cảnh xã hội loạn li, lũ tham quan ô lại thừa cơ đục khoét người dân, làm cho đời sống người dân xiết bao khốn khổ. Cũng giống như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã chú trọng đến dân, cho rằng lấy “lấy dân làm gốc”. Ông phản đối cảnh đục khoét nhân dân như “cá lớn nuốt cá bé”, như “những con chuột lớn, bất nhân, gặm khoét thật thảm độc” khiến cho nông dân không có đường sống (bài “Ghét chuột”).
Trong một bài văn bia quán Trung Tân nơi quân nhà quê, ông nêu rõ thói xa hoa của tầng lớp quan lại, địa chủ giàu có, bên cạnh sự nghèo khổ của nhân dân. Ông phê phán tầng lớp quan lại, địa chủ đã tối mắt, chìm ngập trong cuộc sống xa hoa, thê thiếp thì thướt tha nào gấm vóc, nào lụa là, con cái thì hoang phí đến cơm gạo tám cũng không buồn ăn,… Ông nêu lên sự đối lập giữa cảnh giàu sang và nghèo nàn, rồi nhấn mạnh thói xấu của thời bấy giờ là chạy theo sự giàu có mà vứt bỏ cả tình chung thủy, lòng yêu thương, những truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta. Ai giàu sang, nhiều tiền, nhiều của thì có kẻ dập dìu, trái lại, ai đói khổ, không có gì, thì không ai nhìn, không ai hỏi, tình quen biết, thậm chí cả tình thày trò cũng tiêu tan!
Quả là:
Thớt có tanh tao ruồi đỗ đến Gang không mật mỡ kiến bò chi!
Và ông than phiền một cách chua chát: “Đời nay, nhân nghĩa tựa vàng mười”.
Để diễn đạt những ý nghĩ sâu kín đó, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm đã sử dụng tính triết lí dễ hiểu. Lời thơ có khi khô khan nhưng có ưu điểm là bình dị, và mang màu sắc của tục ngữ dân gian. Tuy nhiên, không phải là ông không có những câu thơ thật thấm thía. Chẳng hạn như khi nói đến giá trị đồng tiền và phê phán tư tưởng chạy theo đồng tiền, ông đã kết luận một câu thật mỉa mai:
Người của lấy cân ta thử nhắc, Mới hay rằng của nặng hơn người!
Bạch Vân cư sĩ quả là một nhà triết lí sâu sắc và đồng thời là một một nhà thơ có tâm hồn cao cả.
2. Thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm ca ngợi thú nhàn tản
Những bài thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm tố cáo xã hội thời bấy giờ chưa thật sự sâu sắc, nhưng trung thực, đã phản ánh phần nào bản chất xã hội thời đại ông. Tuy nhiên, cách tố cáo đó cũng mới chỉ có ý nghĩa phê phán, Nguyễn Bỉnh Khiêm đành chủ động “lánh đục về trong”, thoát ly cuộc sống xấu xa của hàng ngũ quan lại, tìm đến thú an nhàn. Thấy dặm thanh vân (2) bước ngại chen. Được nhàn ta sá dưỡng thân nhàn.
Ông thường nói ông làm thơ để tả cái chí (3). Cái chí của ông là cái chí sống một cuộc đời trong sạch, thanh thoát. Ông khinh thường danh lợi, khinh thường lũ gian thần đua chen nịnh hót, và ông cố ý lảng tránh không nhúng tay vào những việc phi nghĩa. Xã hội thời ông là xã hội loạn li, ông hi vọng thi đỗ, ra làm quan để giúp đời, cứu nước, nhưng ông đã thất vọng, nên phải tìm đến con đường ẩn dật, tìm đến thú nhàn tản, cái thú “một mai, một cuốc, một cần câu…”.
Am Bạch Vân, rỗi nhàn hứng Dặm hồng trần, biếng ngại chen... (4)
Đương nhiên, đấy cũng chưa phải là thái độ chống đối tích cực. Nhưng sống dưới nanh vuốt nhà Mạc, ông đã tỏ ra có nghãi khí: “Một cây thông chót vót cao trăm thước, ngay thẳng không giống các cây khác…” (5).
Có điều, Nguyễn Bỉnh Khiêm rút lui về quê nhà, không có nghĩa là quy lưng với thực tế, mà ông vẫn luôn luôn lo lắng đến vận mệnh nước nhà: “Mới hay nhàn, bỗng phải lo” và ông vẫn “ước một tôi hiền, chúa thanh minh”. Ông tích cực dạy học, đương nhiên cũng có phần cho khuây khỏa nỗi lòng, nhưng mặt khác là để gây dựng nhân tài và hi vọng học trò mình sẽ thay mình ra giúp đơic cứu nước (6). Chính vì vậy mà ông đã lấy văn chương mà phê phán những điều ngang trái của cuộc đời, để vạch cho học trò một cái hướng ra giúp đời cứu nước.
Chú thích
- Tương truyền ông hay làm ra những câu sấm để đoán trước cuộc đời. Thí dụ như khi nhà Mạc sắp mất, có hỏi ông thì ông nói: “Cao Bằng tuy tiểu, khả dung sổ thế” (Cao Bằng tuy nhỏ, có thể ở được vài đời nữa).
- Dặm thanh vân: con đường làm quan, danh vọng. Cả câu ý nói: ngại đua chen trên đường danh lợi.
- Ông có nói rõ ý đó trong bài tựa của “Bạch Vân am tập”.
- Rỗi: nhàn rỗi, tiếng cổ, có thể dùng một mình. Hồng trần (chữ Hán): bụi hồng, chỉ cuộc đời.
- Dịch từ chữ Hán.
- Ý của ông sau được các học trò giỏi như Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh,… thực hiện.