Trang chủ Tác giả văn học Tóm tắt tiểu sử Phan Bội Châu và đặc điểm các tác phẩm của ông

Tóm tắt tiểu sử Phan Bội Châu và đặc điểm các tác phẩm của ông

Tóm tắt tiểu sử Phan Bội Châu cho thấy ông là nhà yêu nước lớn. Các tác phẩm của Phan Bội Châu luôn tràn đầy nhiệt huyết cổ động cách mạng.

Tóm tắt tiểu sử Phan Bội Châu

Tóm tắt tiểu sử Phan Bội Châu cho thấy ông là nhà yêu nước lớn. Các tác phẩm của Phan Bội Châu luôn tràn đầy nhiệt huyết cổ động cách mạng.

Tiểu sử

Phan Bội Châu (chữ Hán: 潘佩珠) hiệu là Sào Nam (1), trước tên là Phan Văn San (2), sinh năm 1867, quê ở làng Đan Nhiệm (nay thuộc xã Xuân Hòa), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, là một tỉnh vốn có truyền thống đấu tranh kiên cường, truyền thống hiếu học, và cũng là tỉnh đã sản sinh ra nhiều nhà văn ưu tú của dân tộc. Thân sinh của ông là một nhà nho nghèo làm nghề dạy học. Bà mẹ là người rất mực hiền lành. Ông nổi tiếng thông minh, hay chữ từ khi còn nhỏ, đặc biệt lại sớm có tinh thần yêu nước, ý chí cứu nước.

Ông được xem là một nhân vật kiệt xuất của lịch sử dân tộc trong mấy chục năm đầu của thế kỉ XX, đã lãnh đạo các phong trào Duy Tân, Đông Du, Việt Nam Quang phục hội với mục đích cuối cùng là với mục đích đánh đuổi người Pháp khỏi Đông Dương. Sự nghiệp cứu nước của ông không thành, nhưng tấm lòng yêu nước thiết tha nồng cháy của ông thì mãi mãi không phai nhòa trong tâm trí người Việt Nam.

Ngoài những hoạt động cách mạng, ông còn là nhà văn, nhà thơ lớn với một sự nghiệp sáng tác khá đồ sộ. Các tác phẩm của Phan Bội Châu gồm nhiều thể loại, viết bằng chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ, mặc dù ông không hề chủ tâm sẽ trở thành một danh sĩ giữa cuộc đời. Hầu hết đều thấm đượm tình cảm yêu nước thương dân thống thiết. Ông tự thuật:

“Tôi được trời phú cho bầu máu nóng cũng không đến nỗi ít, lúc còn bé, đọc sách cha tôi, mỗi khi đến những chỗ nói người xưa chịu chết để thành đạo nhân, nước mắt lại đầm đìa rỏ xuống ướt đẫm cả giấy. Ông Trương Định vì Nam Kì mà tuẫn tiết, ông Nguyễn Tri Phương vì Hà Nội mà hi sinh, chuyện đó tôi thường bàn đến, lại nắm tay đấm ngực xấu hổ phải lùi sau hai ông vì cái bản tính tôi như thế không thể che giấu được” (Trích “Ngục trung thư”).

Cuộc đời và sự nghiệp của Phan Bội Châu

Cuộc đời và sự nghiệp của Phan Bội Châu trải qua nhiều sóng gió, có thể chia làm 3 giai đoạn

1. Giai đoạn từ 1867 – 1900

Đây là thời kì sinh ra và lớn lên, đi học, đi thi và dạy học, nhưng cũng đã có hành động yêu nước như: góp tiền ủng hộ phong trào Cần vương và viết những bài văn cổ động lòng yêu nước.

2. Giai đoạn từ 1900 – 1925

Đây được xem là giai đoạn hiến thân mình cho công cuộc cứu nước sau khi đã đổ giải Nguyên (3). Từ 1900 đến 1905 là giai đoạn chuẩn bị cơ sở cách mạng trong nước. Từ năm 1905 đến năm 1925, là giai đoạn chạy vạy lo toan cứu nước, lúc thì ở Nhật Bản, khi lại ở Thái Lan, và lâu nhất là ở Trung Quốc.

Ông là người sáng lập hội Duy Tân, là lãnh tụ của phong trào Đông Du, của Việt Nam Quang phục hội. Mục tiêu lớn nhất của ông là đánh Pháp giành độc lập. Đường lối của ông là bạo động. Cách tiến hành của ông là vừa giác ngộ, tổ chức lực lượng cách mạng của nhân dân trong nước, vừa ra sức tranh thủ viện trợ bên ngoài trong việc cung cấp vũ khí, đào tạo nhân tài.

Theo ông, suốt đời chỉ có vài năm hoạt động ở Nhật Bản (1906 – 1908) là “thời kì đắc ý nhất”, còn lại toàn thất bại và long đong, khổ ải, có lúc đến phải hoang mang dao động. Đến năm 1925, giặc Phá bắt cóc được ông ở Thượng Hải đem về nước.

3. Giai đoạn từ 1925 – 1940

Thức dân Pháp sau khi bắt được ông, có ý định thủ tiêu kín đi nhưng bị lộ, chúng đành đưa ra xử án công khai ở Hà Nội, và kết ông tù chung thân. Trước phong trào đấu tranh sôi nổi của nhân dân đòi thả Phan Bội Châu, Thực dân Pháp đã cử Varen sang nhận chức Toàn quyền Đông Dương, giở trò ân xá, nhưng thực chất là đem ông về giam lỏng ở Huế cho đến hết đời.

Cùng thời gian này, một nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng khác là Phan Chu Trinh cũng vừa được thả tự do, ông định sang Huế hội kiến với Phan Bội Châu, nhưng chưa kịp đi thì bị ốm và mất ngày 24 tháng 3 năm 1926. Khắp nước có phong trào để tang, truy điệu Phan Châu Trinh, nhanh chóng trở thành một cuộc biểu dương tinh thần yêu nước của dân tộc khi đó. Phan Bội Châu hay tin, đã thảo bài văn tế Phan Châu Trinh, thể hiện tấm lòng tiếc thương của mình đối với người sĩ phu yêu nước, và đọc trong ngày người dân Huế làm lễ truy điệu Phan Châu Trinh.

Từ sau khi bị giam lỏng, ông không còn hoạt động chính trị gì được nữa, chỉ còn niềm an ủi được nhân dân vẫn hướng lòng tôn kính với biệt danh “Ông già Bến Ngự”. Cuộc đời và sự nghiệp của Phan Bội Châu từ khi bị kẻ thù ngăn cách khỏi phong trào đấu tranh của nhân dân, càng ngày càng buồn tủi mặc dù tấm lòng yêu nước, nỗi khát khao giải phóng dân tộc của ông cho đến hơi thở cuối cùng vẫn bền vững không nguôi. Phan Bội Châu mất ngày 29 tháng 10 năm 1940.

Đặc điểm trong các tác phẩm của Phan Bội Châu

Sinh ra trong một gia đình nho sĩ, nhưng Phan Bội Châu không có ý định trở thành nhà văn, nhà thơ. Nhưng trên bước đường cứu nước thấy văn chương cần thiết và có lợi cho cách mạng, thì với tài năng sẵn có, ông sáng tác một cách hăng hái nhiệt tình.

Ông đã để lại một khối lượng văn thơ lớn và có giá trị. Ở đây, có một sự hài hòa đẹp đẽ giữa người chiến sĩ và người nghệ sĩ, giữa chính trị và văn học. Văn thơ của ông được xem là đỉnh cao của nền văn thơ cách mạng đầu thế kỉ XX.

Các tác phẩm của Phan Bội Châu tiêu biểu có thể kể đến như: “Việt Nam vong quốc sử” (Sử mất nước của Việt Nam), “Hải ngoại huyết thư” (Thư viết bằng máu ở nước ngoài), “Ngục trung thư” (Sách viết trong ngục), “Trùng Quang tâm sử” (Sử lòng của trại Trung Quang), “Phan Bội Châu niên biểu” (Sách ghi sự việc hàng năm của Phan Bội Châu), “Phan Sào Nam tiên sinh quốc văn thi tập” (Tập thơ bằng tiếng Việt của tiên sinh Phan Sào Nam), v.v…

1. Thơ văn Phan Bội Châu chứa chan lòng yêu nước

Sống trong cảnh mất nước, nhân dân bị thực dân Pháp cấu kết với tay sai đè đầu cưỡi cổ, bóc lột đến tận xương tủy, lòng dạ ông tràn đầy căm giận và chan chứa đau thương. Các tác phẩm của Phan Bội Châu trở thành những bản cáo trạng đanh thép về tội ác của thực dân thống trị và vua quan tay sai trên các phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục,… và trùm lên tất cả là âm mưu diệt chủng đối với dân tộc ta:

“Pháp kia nó tính đã sành,
Cái điều diệt chủng thôi đành (4) chẳng sai”.

(Trích trong “Hải ngoại huyết thư”).

Mặt khác, thơ văn của ông là một pho tình cảm phong phú, cao cả. Có tình yêu đối với vẻ đẹp gấm vóc của non sông. Có tình yêu đối với lịch sử anh hùng của dân tộc, đối với cơ nghiệp ngàn năm của cha ông, và càng yêu thương bao nhiêu lại càng đau thương bấy nhiêu. Đau cho cái nhục mất nước, cái kiếp tôi đòi. Đau vì thấy nhân dân đói khổ, đất nước hủ bại. Có cái đau chung, có cái đau cụ thể. Có cái đau mà phát khóc, có cái đau mà nổi giận. Tất cả thuộc tình yêu Tổ quốc, nó thiêng liêng hơn bất cứ tình yêu gì:

“Nay ta hát một thiên ái quốc
Yêu gì hơn yêu nước nhà ta”.

(Trích trong “Ái quốc ca”).

Căm giận, yêu thương gắn liền với ý chí hành động. Thơ văn của ông là tiếng gọi đồng tâm vung gươm cứu nước:

“Hòn máu nóng chất quanh đầy ruột,
Anh em ơi, xin tuốt gươm ra,
Có trời, có đất, có ta,
Đồng tâm như thế mới là đồng tâm”.

(Trích trong “Hải ngoại huyết thư”).

Ông có một niềm tin mãnh liệt thật đáng quý mặc dù có lúc lòng tin thành như cả tin. Tin rằng hễ là người còn mang trong mình một giọt máu Việt Nam thì ai cũng ghét Pháp, cũng sẵn sàng đánh Pháp. Ông quan tâm nhiều đến thanh niên và phụ nữ. Ông kêu gọi thanh niên:

“Ai hữu chí từ nay xin gắng gỏi:
Xếp bút nghiên mà tu dưỡng lấy tinh thần.
Đừng ham chơi, đừng ham mặc, đừng ham ăn
Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa.
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ
Mới thế này là mới hỡi chư quân (5).

(Trích trong “Bài ca chúc thết thanh niên”).

Ông còn nói: “Thanh niên là hi vọng của quốc gia. Ai nói thanh niên lay trời, trời phải rung. Ai nói thanh niên lay đất, đất phải chuyển. Thì tôi cũng chẳng hề lấy đó làm lạ”.

Ông cũng phát hiện ra cái chân lí: “Lòng thương nước giữ nòi không phải là độc quyền của nam giới”. Cho nên ông đặc biệt chú trọng động viên phụ nữ tham gia vào công cuộc cứu nước. Những nhân vật phụ nữ trong tác phẩm của ông tiêu biểu như cô Chi (trong “Trùng Quang tâm sử”), so với những những nhân vật phụ nữ trong văn học trước đó, có những nét tiến bộ, mới hẳn. Bởi đây là những nhật vật nữ anh hùng giác ngộ sâu sắc vai trò của giới mình trong công cuộc cứu nước.

2. Các tác phẩm của Phan Bội Châu rực sáng lý tưởng anh hùng

Mất nước đã ba bốn mươi năm rồi, Phan Bội Châu lo nhất là “cái vạ chết lòng” xảy ra trong nhân dân:

“Than ôi! Cái vạ chết lòng,
Xác kia chất đó, còn mong nỗi gì!”

(Trích trong “Gọi hồn quốc dân”)

Điều quan trọng đối với ông là phải làm sao xây dựng cho thời đại một lẽ sống cao cả, một lý tưởng anh hùng. Có thế mới mong đuổi thù, giành lại độc lập. Ông khẳng định dứt khoát rằng: Sống trong thời buổi mất nước, theo giặc cầu vinh là đồ dê chó. Ở ẩn để giữ lấy sự trong sạch cho riêng mình là “cục thịt thừa”. Chỉ có một lẽ sống chân chính duy nhất là “cứu thế”, tức là đi đánh giặc cứu nước.

Theo ông, ở đời không gì đẹp bằng anh hùng. Anh hùng thì không gì bằng anh hùng dựng nước, giữ nước, đặc biệt là cứu nước. Nhưng muốn thành anh hùng thì phải có “lòng nhiệt thành”, phải có “nhân cách cao thượng”, phải có tri thức, phải có gan “ngậm đắng nuốt cay”, sống trong chiến đấu và chết cũng trong chiến đấu.

Trong tác phẩm “Trùng Quang tâm sử” của ông, nhân vật Cu Chìm là một anh hùng trong trại Trùng Quang. Nhưng trước đó anh đã nhảy xuống sông tự vẫn để mong tránh khổ cho gia đình. Ông Xí sau khi cứu sống anh đã mắng: “Anh ngu lắm. Kẻ trượng phu không chết thì thôi, đã chết thì cũng phải chết cho hiển hách mới được chứ”.

Cũng trong “Trùng Quang tâm sử”, ông có viết: “Tổ tiên chúng ta ngày xưa không một ai không anh hùng. Vậy thì hậu thân anh hùng chính là chúng ta vậy”. Đây vừa là lời nói động viên, vừa là lời hứa cao cả, phát ra từ niềm tin và ý thức trách nhiệm của một con người cao cả. Lời nói đó có khả năng nâng nhiều người lên cuộc sống anh hùng.

3. Các tác phẩm của ông có tính chất tuyên truyền

Có thể gọi các tác phẩm của Phan Bội Châu là loại văn chương trực tiếp tuyên truyền cổ động cách mạng. Tuyên truyền cổ động mà có nghệ thuật cao. Nghệ thuật nói đây dĩ nhiên có nhiều mặt như ngôn ngữ, hình tượng, thể loại, trí tưởng tượng, v.v.. nhưng trước hết là tâm huyết của người cầm bút. Đọc văn thơ Phan Bội Châu, dù đó là một bài thơ cảm tác trữ tình (“Xuất dương lưu biệt”), hay một bức thư nặng về chính luận (“Hải ngoại huyết thư”), hay một bài ca kêu gọi (“Bài ca chúc Tết thanh niên”), hay một cuốn hồi kí tự thuật (“Ngục trung thư”, “Phan Bội Châu niên biểu”), hay một cuốn tiểu thuyết có sự tượng tưởng phong phú (“Trung Quang tâm sử”), v.v… thì đâu đâu, trên những dòng chữ, trên những trang sách, đều như nhìn thấy trái tim của tác giả đang đập một cách thiết tha, sôi nổi, có lúc tưởng như cuống lên trước vấn đề vận mệnh của đất nước, của giống nòi. Đặc biệt ông lại có giọng văn lúc thì lâm li thống thiết, khi lại hùng tráng cuồn cuộn, có sức mạnh dựng người đọc dậy để cùng đau xót, thương yêu, tự hào, căm giận, thao thức,… lên đường.

Mở đầu cuốn “Ngục trung thư” ông viết:

“Tôi biết đầu tôi lìa khỏi cổ tất chỉ ở sớm tối, song cũng rất vui. Than ôi! Bao năm bôn tẩu, trăm việc không thành được một, tội nặng lỗi dày, còn tiếc gì sống nữa! Song có chỗ không thể không nói những câu đau thương một lần sau chót. Biết cho lòng tôi chăng? Buộc tội cho tôi chăng? Tôi muốn trong một phút chốc trước khi nằm xuống huyệt, nói cho hết.

Chiếc bóng chân trời, đèn tàn trước gió, nhỏ giọt lệ còn sót lại trong vài chục năm nay, góp lịch sử một đời tôi hòa lẫn máu mà viết ra. Ba mươi triệu đồng bào rất thân rất yêu của tôi biết lòng tôi chăng? Buộc tôi cho tôi chăng? Đọc cuốn sách này của tôi, sẽ thấy cái đỏ tàn của máu con đỗ quyên vẫn còn lâm li trên mặt giấy”.

Cứ tưởng tượng: một con người đã bỏ vợ con, nhà cửa ra đi, bao nhiêu năm trời nếm đủ mọi gian khổ, những mong cứu đất nước cho nhân dân ta, cho chính ta khỏi hết kiếp tôi đòi, nhưng giờ đây lại sa lưới giặc, cái chết chưa biết sẽ đến ngày nào, đang cố đem hết tâm huyết ra để trăn trối, nhắn nhủ ta, lẽ nào ta thờ ơ, không thương cảm, không suy nghĩ, không noi gương tiếp bước?

Phan Bội Châu khiếm tốn, chân thành tự đánh giá đời cách mạng của mình là “trăm thất bại, không một thành công” (“Phan Bội Châu niên biểu”). Nhưng lịch sử đã công nhận và biết ơn ông là một nhà cách mạng tiêu biểu nhất của phong trào giải phóng dân tộc đầu thế kỉ XX, trọn đời hi sinh cho Tổ quốc. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – tức Bác Hồ vĩ đại từng gọi ông là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng” (“Những trò lố hay Varen và Phan Bội Châu” – 1925).

Riêng đối với lịch sử văn học, các tác phẩm của Phan Bội Châu đã trở thành một cái vốn rất quý. Đến nay văn chương đó vẫn đưa lại cho mọi người nhiều bài học bổ ích, đặc biệt là lòng yêu nước, nhiệt tình cứu nước, và ý thức dùng văn chương phục vụ lợi ích của Tổ quốc. Các tác phẩm của ông còn ghi lại nhiều chủ trương tiến bộ so với đương thời, nhưng điều quý giá nhất vẫn là tinh thần nhiệt tình yêu nước không bờ bến của ông. Chính nguồn tình cảm phong phú đó đã truyền cho thơ văn ông một hơi nóng kì diệu đến nay vần con nung nấu được lòng người. Thêm vào đó, những lời thơ, câu văn giàu hình ảnh cụ thể, sinh động, những nhân vật chưa phải là những điển hình đặc sắc, nhưng cũng gây được những ấn tượng tốt đối với người đọc. Có thể nói, mỗi tác phẩm của Phan Bội Châu đều là những công trình nghệ thuật có giá trị.

Chú thích

  1. Tên này đặt vào khoảng sau 1900. Sào Nam lấy ở câu “Việt điểu sào nam chi” (Chim Việt đậu cành Nam): ý nói hướng về Tổ quốc.
  2. Vì chữ San trùng với tên húy của vua Duy Tân (Vĩnh San) nên phải đổi thành Phan Bội Châu. Hai chữ “Bội Châu” trong tên của ông lấy từ câu: “Thành trung nga mi nữ châu bội hà san san” (Trong thành có người con gái mày ngài đeo chuỗi ngọc kêu leng keng). Phan Bội Châu có nghĩa là người họ Phan đeo ngọc châu.
  3. Phan Bội Châu đậu đầu khoa thi Hương năm Canh Tí (1900) ở trường Nghệ. (Đậu đầu thi Hương gọi là giải Nguyên).
  4. Đành: đành rành, rõ rệt.
  5. Chư quân: các ngươi.
Các tác phẩm của Phan Bội Châu
Các tác phẩm của Phan Bội Châu

Các tác phẩm của Phan Bội Châu

Các tác phẩm của Phan Bội Châu đều là những lời tâm huyết chứa chan lòng yêu nước và là vũ khí tuyên truyền vận động cách mạng đầy nhiệt huyết, được viết bằng một bút pháp nghệ thuật điêu luyện.

Thế giới văn học đã sưu tầm và tuyển chọn những tác phẩm văn thơ hay nhất của Phan Bội Châu giới thiệu đến bạn đọc. Thông qua đó, chúng ta có thể phần nào hiểu hơn về một con người vĩ đại của dân tộc, đã dành phần lớn cuộc đời mình để tìm đường cứu nước cứu dân thoát khỏi kiếp tôi đòi.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*