Trang chủ Tác giả văn học Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp Phan Châu Trinh

Tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp Phan Châu Trinh

Tóm tắt tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp của Phan Châu Trinh cho thấy ông là một sĩ phu yêu nước, có tư tưởng dân chủ sớm nhất Việt Nam.

Tóm tắt tiểu sử Phan Châu Trinh

Tóm tắt tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp của Phan Châu Trinh cho thấy ông là một sĩ phu yêu nước, có tư tưởng dân chủ sớm nhất Việt Nam.

Phan Châu Trinh (chữ Hán: 潘周楨; 1872 – 1926, một số văn bản viết là Phan Chu Trinh), hiệu là Tây Hồ, còn có biệt hiệu là Hy Mã, quê ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kì (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam. Ông là nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động chính trị yêu nước lớn và có tư tưởng dân chủ sớm nhất Việt Nam.

Mẹ ông là bà Lê Thị Trung, mất năm ông lên 6 tuổi. Thân phụ là Phan Văn Bình, làm một chức quan võ nhỏ, nên lúc nhỏ, ông có nối nghiệp nhà theo học nghề võ.

Năm 1900 đậu Cử nhân, năm 1901 đậu Phó bảng, được bổ làm thừa biện bộ Lễ. Ông là một trong những người sớm tiếp thu tư tưởng cách mạng tư sản phương Tây qua phong trào tìm đọc tân thư (sách của các nhà tư tưởng trong thời kỳ cách mạng tư sản ở phương Tây do người Trung Quốc dịch ra Hán văn).

Làm quan trong triều đình Huế một thời gian ngắn, ông từ quan trở về, rồi bắt đầu liên lạc với nhiều sĩ phu yêu nước đường thời. Ông tìm đến đến gặp Hoàng Hoa Thám ở Yên Thế, và 1905, sang Trung Quốc, rồi Nhật Bản gặp Phan Bội Châu, nhưng hai người ý kiến không thống nhất. Ông hoạt động công khai và chủ trương đánh đổ chế độ quân chủ, thực hiện dân quyền, khai thông dân trí, mở mang thực nghiệp (tức là những nghề nghiệp để phát triển nền sản xuất của xã hội), trước mắt tạm lợi dụng chiêu bài khai hóa của thực dân Pháp.

Năm 1906, ông gửi thư cho Toàn quyền Pháp ở Đông Dương, tố cáo những tệ hại trong nước do tầng lớp quan lại cầm quyền gây ra mà chính phủ Đông Dương thì dung túng. Ông đã đến diễn thuyết tại trường Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội và ở một số chi nhánh của trường ở nơi khác.

Năm 1908, Phan Châu Trinh bị triều đình Huế tố cáo là khởi xướng phong trào chống thuế ở Trung Kì, nên bị bắt giam cùng với nhiều chí sĩ khác và xử đày đi Côn Đảo. Đến năm 1911, nhờ sự can thiệp của Hội nhân quyền ở Pháp, ông được trả tự do trước thời hạn. Sau đó, ông sang Pháp với ý định tranh thủ Hội nhân quyền Pháp đòi chính quyền thực dân ở Đông Dương cải cách chính trị.

Trong đại chiến thứ nhất, ông bị nghi là mưu thông với Đức nên bị bắt giam mấy tháng.

Trong đại chiến thế giới lần thứ nhất, ông bị nghi là thông đồng với Đức nên bị bắt giam mấy tháng.

Năm 1922, vua Khải Định sang Pháp, ông gửi bản “Thất điều trần” kết tội nhà vua. Hồi ở Pháp, ông có lúc gần gũi Bác Hồ bấy giờ còn gọi là Nguyễn Ái Quốc.

Năm 1925, Phan Châu Trinh từ Pháp trở về nước, có ý định ra Huế hội kiến với Phan Bội Châu lúc này cũng vừa mới được thả và đang bị chính quyền thực dân giam lỏng. Nhưng chưa kịp đi thì bị ốm và ngày 24 tháng 3 năm 1926 thì qua đời tại Sài Gòn. Khắp nước có phong trào để tang, truy điệu Phan Châu Trinh, nhanh chóng trở thành một cuộc biểu dương tinh thần yêu nước của dân tộc khi đó.

Phan Bội Châu hay tin ông mất, đã thảo một bài văn tế bày tỏ tấm lòng thương tiếc của mình và đọc trong ngày nhân dân Huế làm lễ truy điệu ông. Các bạn có thể xem bài văn tế Phan Châu Trinh ⇒ TẠI ĐÂY!

Văn tế Phan Châu Trinh của Phan Bội Châu
Văn tế Phan Châu Trinh của Phan Bội Châu

Tổng kết

Qua phần tóm tắt tiểu sử về cuộc đời Phan Châu Trinh ở trên, có thể thấy ông là một sĩ phu yêu nước, đã giương cao ngọn cờ dân chủ, cải cách xã hội. Ông từng bôn ba ở nhiều nước, sớm tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, chủ trương cứu nước bằng phương pháp nâng cao dân trí, dân quyền.

Phan Châu Trinh đã vạch trần chế độ vua quan phong kiến thối nát, đòi Pháp phải sửa đổi chính sách cai trị ở thuộc địa. Chịu nhiều ảnh hưởng tư tưởng dân chủ của ông, nhiều phong trào cải cách xã hội lúc đó đã nổi lên ở Bắc Kì và Trung Kì, như việc thành lập nhà trường kiểu mới Đông Kinh Nghĩa Thục ở Hà Nội, phong trào Duy Tân (bỏ cũ theo mới) hô hào đổi mới phong tục và nếp sống ở Trung Kì.

Tư tưởng dân chủ của Phan Châu Trinh thể hiện một tinh thần dân tộc yêu nước sâu sắc, nhưng chủ trương dùng cải cách để cứu nước của ông được xem là có phần không hợp thời thế.

Các tác phẩm của Phan Châu Trinh

Ngoài những áng văn chính luận, nổi tiếng về tính chất hùng biện đanh thép, Phan Châu Trinh còn làm thơ. Những sáng tác văn thơ của ông tràn đầy lòng yêu nước và tinh thần dân chủ của ông đã góp phần làm dấy lên những phong trào cách mạng ở Việt Nam mấy chục năm đầu thế kỉ XX.

Tác phẩm của ông gồm có: “Thư gửi chính phủ Đông Dương” (1906 Hán văn), “Tỉnh quốc hồn ca I” (1907), “Thơ văn làm ở Côn Lôn”, “Thư gửi hội Nhân quyền” (1911), “Xăng-tê thi tập” (1915), “Tây Hồ thi tập” (Hán văn và quốc âm), “Giai nhân kì ngộ” (truyện thơ), “Thất điều trần” (1922, Hán văn), “Tỉnh quốc hồ ca II” (1922), “Thư gửi anh Đông” (1924), “Luân lý và đạo đức Đông Tây” (1925), “Quân trị và dân trị” (1925).

Thế giới văn học đã sưu tầm và tuyển chọn những tác phẩm của Phan Châu Trinh, qua đó giúp các bạn hiểu hơn về tấm lòng yêu nước cũng như tinh thần dân chủ cháy bỏng bên trong mỗi tác phẩm của ông.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*