Trang chủ Blog Văn học Quá trình phát triển của văn học Việt Nam

Quá trình phát triển của văn học Việt Nam

Quá trình phát triển của văn học Việt Nam trải qua ba thời kì lớn bởi sự chi phối, quy định của hoàn cảnh lịch sử – xã hội mỗi giai đoạn.

Các thời kì phát triển của văn học Việt Nam

Văn học Việt Nam là tác phẩm tinh thần của tất cả các dân tộc cư trú trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là một nền văn học thống nhất trong sự đa dạng. Bên cạnh những đặc trưng chung, văn học của mỗi vùng, miền, mỗi tộc người lại có những bản sắc riêng làm phong phú cho nền văn học của toàn dân tộc.

Lịch sử văn học Việt Nam gắn chặt với lịch sử xã hội, lịch sử chính trị của đất nước. Tuy nhiên, không nên đồng nhất lịch sử văn học với lịch sử chính trị, xã hội. Chỗ phân biệt ở đây là đối tượng khác nhau của mỗi bộ môn lịch sử: đối tượng của lịch sử chính trị, xã hội là những sự kiện chính trị, xã hội; còn đối tượng của lịch sử văn học trước hết là các sự kiện văn học, tức là những áng văn, những nhà văn, những trào lưu văn học, và bao trùm hơn cả là tư tưởng thẩm mỹ chi phối hệ thống thi pháp chung của cả một thời kì lịch sử văn học.

Quá trình phát triển của văn học Việt Nam gắn chặt với lịch sử chính trị, văn hoá, xã hội của đất nước. Nhìn tổng quát, văn học Việt Nam đã trải qua ba thời kì lớn:

  1. Văn học từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX.
  2. Văn học từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám năm 1945.
  3. Văn học từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX.

1. Thời kì phát triển văn học Việt Nam từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX

Từ thế kỉ X trở về trước, chữ viết và văn học viết đã có hay chưa, hiện không đủ tài liệu để xác định. Tuy nhiên, những bằng chứng khảo cổ học cho biết, trong nhiều thế kỉ trước Công nguyên, đất nước ta đã chứng kiến một thời đại văn hóa khá phát triển (thường gọi là thời Văn Lang – Âu Lạc).

Khoảng từ cuối thế kỉ II trước Công nguyên, quân đội phong kiến Trung Quốc xâm lược nước ta, áp đặt ách đô hộ trong 10 thế kỉ, gọi là thời Bắc thuộc. Trong suốt thời gian này, thành tựu văn học còn truyền lại đến ngày nay chủ yếu là những sáng tác dân gian. Trước hết là những truyện thần thoại về vũ trụ, nhất là về nguồn gốc các tộc người trong đại gia đình dân tộc Việt Nam. Được xây dựng và bảo tồn có hệ thống hơn cả là những truyện thần thoại được truyền thuyết hóa hoặc truyện lịch sử được truyền thuyết hóa, ca ngợi những nhân vật anh hùng có thành tích mở mang bờ cõi, chinh phục thiên nhiên và chống giặc ngoại xâm.

Trong thời Bắc thuộc, nhân dân ta đã nhiều lần nổi dậy để giành lấy chủ quyền. Đầu năm 938, khi Ngô Quyền đánh tan quân Nam Hán thì dân tộc ta khôi phục lại được nền độc lập tự chủ của mình. Từ đó đất nước được xây dựng lại vững chắc về mọi mặt, trong đó có văn hóa, văn học trên tinh thần độc lập tự cường.

Tính từ khi được xây dựng lại (thế kỉ X) cho đến thế kỉ XIX, nền văn học Việt Nam phát triển dưới các triều đại phong kiến. Nó bao gồm hai bộ phận phát triển song song là văn học dân gian và văn học viết của trí thức (bao gồm các nhà sư, vua quan, tướng lĩnh, nhưng nhiều nhất vẫn là nho sĩ). Bộ phận văn học này lại bao gồm hai thành phần Hán và Nôm.

Trên những chặng đường thịnh suy của chế độ phong kiến, của vận mệnh dân tộc và nhân dân, hai bộ phận văn học dân gian và văn học viết lúc hòa hợp (thế kỉ X – XV), lúc phân hóa – đúng ra là hòa hợp ở thành phần này, phân hóa ở thành phần kia (thế kỉ XVI – XIX). Nói riêng về văn học viết, trên quá trình phát triển, mối quan hệ giữa hai thành phần Hán và Nôm có sự chuyển biến theo quy luật: thành phần Nôm ngày càng có vị trí quan trọng hơn.

Nền văn học thời kì này tất nhiên có nhiều chuyển biến qua các giai đoạn lịch sử khác nhau, gắn liền với quá trình dựng nước, giữ nước và những đổi thay về ý thức của con người. Nhưng dù có biến chuyển thế nào, văn học thời kì này vẫn bị chi phối bởi quan niệm thẩm mỹ chung thể hiện một hệ thống thi pháp tương ứng (nằm trong vùng ảnh hưởng của tư tưởng Nho, Phật, Đạo và văn học cổ Trung Hoa).

2. Thời kì từ đầu thế kỉ XX đến Cách mạng tháng Tám 1945

Thời kì văn học này tuy chỉ diễn ra chưa đầy nửa thế kỉ, nhưng có nhiều chuyển biến lớn, phản ánh những đổi thay sâu sắc trên đất nước ta về mặt xã hội và ý thức.

Sau khi “bình định” được nước ta về mặt quân sự, từ đầu thế kỉ XX, thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa theo phương thức tư bản chủ nghĩa.

Cơ cấu kinh tế, xã hội, đời sống văn hóa ở nước ta có nhiều thay đổi. Nhiều tầng lớp xã hội mới ra đời với những nhu cầu về văn nghệ. Tư tưởng, văn hóa phương Tây hiện đại ngày càng ảnh hưởng sâu sắc qua tầng lớp trí thức Tây học. Nghề in theo kỹ thuật hiện đại được du nhập, các nhà xuất bản sách ra đời. Hoạt động báo chí ngày càng sôi nổi. Chữ quốc ngữ được phổ cập rộng rãi. Nhiều tổ chức văn học tương đối quy củ xuất hiện.

Bấy nhiêu điều kiện đã đưa nền văn học Việt Nam bước vào một thời kì mới với nhiều cuộc cách tân sâu sắc về các hình thức thể loại, với một tốc độ phát triển mau lẹ khác thường, trên cơ sở sự đổi mới và phát triển hơn về ý thức nghệ thuật. Đây cũng là thời kì diễn ra nhiều cuộc tranh luận sôi nổi trong đời sống văn học, dẫn tới sự hình thành nhiều trường phái, xu hướng khác nhau. Tình hình văn học thời kì này nói chung rất phức tạp nhưng đã để lại nhiều thành tựu xuất sắc.

3. Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến hết thế kỉ XX

Thời kì phát triển văn học Việt Nam từ sau Cách mạng Tháng Tám đến hết thế kỷ XX chịu sự tác động lớn của hoàn cảnh xã hội. Nhiều sự kiện chính trị lớn chi phói toàn diện đến đời sống xã hội và đã tạo nên những cột mốc văn chương: văn học thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp; những năm đầu xây dựng hòa bình, chủ nghĩa xã hội; văn học thời kì chống Mỹ cứu nước và sau khi giành độc lập.

Lí tưởng và nội dung yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội là đặc điểm nổi bật của văn học trong giai đoạn này. Nền văn học cách mạng mang tính nhân dân sâu sắc và đạt được nhiều thành tựu về sự phát triển các thể loại và phong cách tác giả.

Sau năm 1975, lịch sử dân tộc mở ra một kỉ nguyên mới, kỉ nguyên độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Nền văn học cách mạng bước vào một chặng đường mới. Số lượng tác giả và tác phẩm của thế kỉ XX cũng đạt quy mô chưa từng có. Sức sáng tạo trong các tác phẩm được nhân lên và mở ra nhiều mối quan hệ.

3. Kết luận

Nhìn chung, nền văn học Việt Nam đạt được những thành tựu lớn với những tác giả có tên tuổi như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh,… Nhiều tác phẩm văn học Việt Nam có giá trị đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Với ý chí và khả năng sáng tạo to lớn, dân tộc Việt Nam đã tạo dựng được một nền văn học có vị trí xứng đáng trong văn học toàn nhân loại.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*