Trang chủ Blog Văn học Sử thi dân gian là gì?

Sử thi dân gian là gì?

Sử thi dân gian là những sáng tác tự sự dài bằng văn vần, kể lại những sự kiện quan trọng có ý nghĩa lớn đối với toàn thể cộng đồng.

Khái niệm sử thi dân gian là gì?

Sử thi dân gian là những sáng tác tự sự dài bằng văn vần hoặc văn xuôi kết hợp với văn vần, kể lại những sự kiện quan trọng có ý nghĩa lớn đối với toàn thể cộng đồng.

Cũng như sử thi cổ đại Hy Lạp, Ấn Độ, hay các dân tộc khác trên thế giới, sử thi Việt Nam ra đời vào thời cổ, khi xã hội cộng sản nguyên thủy tan ra, nhưng xã hội phong kiến chưa hình thành. Đó là những tác phẩm ca ngợi những kỳ tích của toàn thể cộng đồng mà tiêu biểu là nhân vật anh hùng trong sự nghiệp xây dựng đời sống chung, chinh phục tự nhiên, chiến đấu chống kẻ thù bên ngoài.

Sử thi là những sáng tác có quy mô lớn về dung lượng lời kể, về số nhân vật. Ở Việt Nam hiện nay chưa tìm được sử thi dân tộc Việt, nhưng các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và phía bắc Bắc Bộ còn bảo lưu được nhiều tác phẩm có giá trị như: Đam San (còn gọi là Đăm Săn) của người Ê Đê, Đam Noi của người Ba Na, Xinh Nhã của người Gia Rai, Đẻ đất đẻ nước của người Mường, Ắm ệt luông của người Thái,…

Các loại sử thi dân gian Việt Nam

Dựa theo nội dung trong mỗi tác phẩm, có thể chia sử thi dân gian Việt Nam thành hai loại là sử thi thần thoại và sử thi anh hùng.

1. Sử thi thần thoại

Sử thi thần thoại kể về nguồn gốc và sự hình thành vũ trụ, con người và xã hội. Sử thi Đẻ đất để nước của người Mường (cư trú chủ yếu ở Hòa Bình và Thanh Hóa) là một tác phẩm tiêu biểu cho loại sử thi thần thoại Việt Nam.

Thần thoại và truyền thuyết của người Mường có nói đến việc sinh ra trời đất, cây cối, chim muông và con người tìm ra lúa gạo, xây dựng bản mường. Các tác phẩm tản mạn về thần Nước, thần Lửa,… đã được sáng tạo lại thành các nhân vật như: ông Thu Tha, bà Thu Thiên, ông Pồng Pêu,… trong “Đẻ đất đẻ nước”. Đây là những hồi ức thô sơ nhưng hấp dẫn về một cộng đồng người trong quá khứ xa xưa vật lộn với thiên nhiên khắc nghiệt để tồn tại và phát triển.

Sử thi “Đẻ đất đẻ nước” (bản sưu tầm ở Thanh Hóa dài 8503 câu thơ) có ý nghĩa lịch sử diễn ca thời cổ về công cuộc tìm đất, tìm nước, tìm lửa, tìm gia súc, tìm cơm ăn áo mặc và xây dựng bản mường. Đó là pho sử lớn về những con người ghi công đầu trong sự nghiệp xây dựng cộng đồng – từ mẹ Dạ Dần sinh muôn vật đến Lang Cun Cần dựng nghiệp, cuối cùng là Lang Cun Khương trở thành vua Đòng Chì Kẻ Chợ.

2. Sử thi anh hùng

Sử thi anh hùng kể về sự nghiệp và chiến công của người anh hùng đối với toàn thể cộng đồng. Các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên là chủ nhân của nhiều tác phẩm sử thi anh hùng như: Đam San, Xinh Nhã, Khinh Dú, Đía Đon,…

Nhân vật trung tâm của sử thi anh hùng là người dũng sĩ có sức mạnh, có tài năng và vẻ đẹp phi thường. Họ thường có sức mạnh thể chất như hàng trăm người cộng lại. Họ có thể giết tê giác, bắt voi rừng, quật ngã trâu bạc, chặt đứt cổ quái vật đầu to bằng bồ lúa (Khinh Dú, Xinh Nhã), hạ đổ cây thần (Đam San). Ở họ, từ dáng đi đến khuôn mặt, lời nói đều toát lên vẻ phi thường (“lưng to như đá núi, chân dẻo như mây song”, “mắt sáng làm mờ cả mặt trời”, “giọng nói như sấm giật đằng đông, chớp giật đằng tây”). Họ mang phẩm chất cao đẹp, giàu lòng hi sinh, sẵn sàng xả thân cho lí tưởng của cộng đồng. Họ là những anh hùng cực kì dũng cảm, đã cầm vũ khí thì “dao nổi sáng như làn chớp giông, khiên xoay chiều như sét đánh đầu mùa”, “trăn dưới hang sâu không dám ngoi lên, thú rừng sợ không dám ăn cỏ”, “cây cối văng cao đụng nhà ông Trăng, ông Sao”, và chỉ có tiến chứ “không bao giờ nhắm mắt khi lửa cháy đến chân” hoặc “rụt khiên đao lại” (Đam San, Xinh Nhã, Khinh Dú). Họ phi thường trong cả tình yêu lứa đôi. Họ nói với người yêu những lời say đắm: “Ta xa nàng thì tim gan buồn như lá héo lúc trời mưa, như trâu buồn không gặm cỏ, ruột chán trường như ong không hút nhụy, như chim chẳng hót ca, như bờ suối không tiếng hát”. Vĩnh biệt người thân yêu, họ cũng khóc tiếng khóc phi thường: “Đam San khóc từ sáng đến tối, từ tối suốt sáng”, “nước mắt ròng đầy một bát, chảy ngập cả chiếc chiếu”. Với những phẩm chất đó, họ là thủ lĩnh, là chỗ dựa vững chắc của cộng đồng. Mọi thành viên của cộng đồng đều tự hào về họ: “Làng của Đam San không còn giặc đông, thù tây. Ngày ngày chỉ nghe tiếng chiêng, tiếng trống ăn năm uống tháng mà thôi”.

Sử thi xây dựng những nhân vật anh hùng nhằm đề cao, phóng đại sức mạnh của cộng đồng trong buổi đầu ổn định địa bàn cư trú. Hình tượng Đam San chiến thắng nhiều tù trưởng hùng mạnh khác để trở thành “tù trưởng của các tù trưởng” phản ánh khát vọng của cả cộng đồng. Cánh đồng vui, tấp nập “trăm người đi trước, nghìn người cất bước theo sau”, “người đông nghìn nghịt, tới tấp gieo trỉa, trông mù mịt như một đêm không trăng”… là niềm tự hào chung của cả cộng đồng. Ca ngợi một tù trưởng uy danh lừng lẫy cũng có nghĩa là ca ngợi bộ tộc giàu có, hùng cường.

Kết thúc nhiều bản sử thi Tây Nguyên, ta tường thấy cảnh tấp nập, vui vẻ của cả một tập thể lớn: “Hỡi anh em trong làng! Hỡi bà con trong nhà!… Chúng ta được sống yên vui, để cho đất đai xanh tươi, nước chảy đều đặn, cho chuối và mía mọc tốt và lên nhiều mầm non… Hãy đánh lên những tiếng chiêng kêu vang khắp xứ”.

Cũng như các tác phẩm sử thi cổ đại “Iliad” (tiếng Hy Lạp cổ đại: Ἰλιάς) và “Odyssey” (tiếng Hy Lạp cổ đại: Ὀδύσσεια) của Hy Lạp, sử thi anh hùng Tây Nguyên mang những đặc điểm cơ bản của nghệ thuật sử thi nói chung, đó là:

  • Dung lượng tác phẩm đồ sộ.
  • Kết cấu trùng điệp, chia thành chương khúc.
  • Ngôn ngữ trang trọng, giàu định ngữ, giàu hình ảnh so sánh, phóng đại, tương phản, tượng trưng.
  • Sản phẩm của trí tượng tượng bay bổng hồn nhiên, thấm đượm chất thần thoại.

Vẻ đẹp của nàng Hơ Lung trong Đam San vừa khác thường, vừa bình dị, lóng lánh những sắc màu rực rỡ: “Mắt nàng làm bằng chớp nắng ban mai. Đôi chân nàng như lượn như ru trên cỏ. Bàn tay nàng sờ vào sợi thì sợi thành hoa, sờ vào rau thì rau ngọt… Hoa lá nhìn theo sắc đẹp của nàng mà e thẹn. Gió cũng đuổi theo tà váy của nàng mà trêu chọc, bông đùa”. Cơn giận của Xinh Nhã giáng lên Gia Rơ Bú để trả thù cho cha có thể ví với sức mạnh của vũ trụ: “Xinh Nhã múa phía trước, một mái tranh bay theo gió, múa phía sau, một mái nhà bay theo bão. Gió từ núi Mơ Đan tới, bão từ núi Hơ Mu tới. Nước suối dâng, trôi cả gà, lợn, trâu bò và nô lệ của Gia Rơ Bú”. Thiên nhiên được thần thánh hóa, nhưng thiên nhiên lại gắn bó, gần gũi với cái ngây thơ chất phác đáng yêu của con người. Con quay thần của Xinh Nhã cuốn tung tất cả bão tố nhưng chỉ cần một sợi tóc dài đen nhánh của người yêu Bơ Ra Tang trói lại thì nó đứng im.

Lời kết

Sử thi dân gian là một thể loại nghệ thuật nguyên hợp vừa kể vừa hát, vừa diễn xướng, người Ê Đê gọi các sản phẩm này là “khan”, còn người Mường gọi là “mo”. Đọc sử thi của các dân tộc thiểu số dễ có cảm tượng luôn luôn vang lên bên tai những âm hưởng vừa hùng tráng, vừa thiết tha. Từ một tiếng chim rừng vỗ cánh, một tiếng nhạc cồng chiêng đến một ngọn thác đổ hồi, một cơn bão cuốn tung… đều gây nên ấn tượng trong lòng người đọc. Sử thi của các dân tộc thiểu số mãi mãi là tài sản nghệ thuật vô giá trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam.

Qua bài viết này, TheGioiVanHoc.com hy vọng sẽ phần nào giúp bạn hiểu được khái niệm sử thi là gì, cũng như các thể loại sử thi dân gian Việt Nam. Qua đó góp phần gìn giữ và lan tỏa những giá trị nghệ thuật và tinh thần của nền văn học dân gian nước nhà.

Văn học dân gian Việt Nam
Văn học dân gian Việt Nam

Ngoài khái niệm sử thi đã đề cập ở bên trên, trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam còn rất nhiều các thể loại khác, bạn có thể tham khảo trong những bài viết dưới đây:

  1. Truyện thần thoại
  2. Truyện truyền thuyết
  3. Truyện cổ tích
  4. Truyện ngụ ngôn
  5. Truyện cười dân gian
  6. Tục ngữ Việt Nam
  7. Ca dao – dân ca Việt Nam
  8. Câu đố dân gian
  9. Truyện thơ Việt Nam
  10. Các thể loại sân khấu dân gian

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*

7 bình luận