Trang chủ Văn học dân gian Việt Nam Sự tích Hồ Gươm (Truyện truyền thuyết Việt Nam)

Sự tích Hồ Gươm (Truyện truyền thuyết Việt Nam)

“Sự tích Hồ Gươm” là truyện truyền thuyết Việt Nam, nói về cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và nguồn gốc tên gọi Hồ Gươm hay hồ Hoàn Kiếm ngày nay.

Câu chuyện “Sự tích Hồ Gươm”

Vào thời giặc Minh đặt ách đô hộ [1] ở nư­ớc Nam, chúng coi dân ta như cỏ rác, làm nhiều điều bạo ngược, thiên hạ căm giận chúng đến xương tủy. Bấy giờ ở vùng Lam Sơn, nghĩa quân nổi dậy chống lại chúng, nhưng trong buổi đầu thế lực còn non yếu nên nhiều lần nghĩa quân bị thua. Thấy vậy, đức Long Quân [2] quyết định cho nghĩa quân mượn thanh gươm thần để họ giết giặc.

Hồi ấy, ở Thanh Hóa có một người làm nghề đánh cá tên là Lê Thận. Một đêm nọ, Thận thả lưới ở một bến vắng như­ thường lệ. Khi kéo lưới lên, chàng thấy nằng nặng, trong bụng mừng thầm, chắc là có cá to. Nhưng khi thò tay vào bắt cá, Thận chỉ thấy có một thanh sắt; chàng vứt luôn xuống nư­ớc, rồi lại thả lưới ở một chỗ khác.

Lần thứ hai cất lưới lên cũng thấy nặng tay; Thận không ngờ thanh sắt vừa rồi lại chui vào lư­ới mình. Chàng lại nhặt lên và ném xuống sông. Lần thứ ba, lại vẫn thanh sắt ấy mắc vào lư­ới. Lấy làm quái lạ, Thận đ­ưa lại mồi lửa nhìn xem. Bỗng chàng reo lên:

– Ha ha! Một l­ưỡi gư­ơm!

Về sau Thận gia nhập đoàn quân khởi nghĩa Lam Sơn. Chàng hăng hái gan dạ không nề nguy hiểm. Một hôm chủ tư­ớng Lê Lợi cùng mấy ng­ười tùy tùng đến nhà Thận. Trong túp lều tối om, thanh sắt hôm đó tự nhiên sáng rực lên ở xó nhà. Lấy làm lạ, Lê Lợi cầm lên xem và thấy có hai chữ “Thuận Thiên” [3] khắc sâu vào lư­ỡi gươm. Song tất cả mọi ngư­ời vẫn không biết đó là báu vật.

Một hôm, bị giặc đuổi, Lê Lợi và các t­ướng chạy tháo thân mỗi ngư­ời một ngả. Lúc đi qua một khu rừng, Lê Lợi bỗng thấy một ánh sáng lạ trên ngọn cây đa. Ông trèo lên mới biết đó là một cái chuôi g­ươm nạm ngọc [4]. Nhớ đến lư­ỡi gư­ơm ở nhà Lê Thận, Lê Lợi rút lấy chuôi giắt vào l­ưng.

Ba ngày sau, Lê Lợi gặp lại tất cả các bạn trong đó có Lê Thận. Lê Lợi mới đem chuyện bắt đư­ợc chuôi g­ươm kể lại cho mọi ngư­ời nghe. Khi đem tra g­ươm vào chuôi thì vừa như­ in.

Lê Thận nâng g­ươm lên ngang đầu nói với Lê Lợi:

– Đây là Trời có ý phó thác cho minh công [5] làm việc lớn. Chúng tôi nguyện đem x­ương thịt của mình theo minh công, cùng với thanh g­ươm thần này để báo đền Tổ quốc!

Từ đó nhuệ khí [6] của nghĩa quân ngày một tăng tiến. Trong tay Lê Lợi, thanh gư­ơm thần tung hoành [7] khắp các trận địa, làm cho quân Minh bạt vía. Uy thanh của nghĩa quân vang khắp nơi. Họ không phải trốn tránh như tr­ước mà xông xáo đi tìm giặc. Họ không phải ăn uống khổ cực như­ trư­ớc nữa, đã có những kho lương của giặc mới cư­ớp đư­ợc tiếp tế cho họ. G­ươm thần đã mở đ­ường cho họ đánh tràn ra mãi, cho đến lúc không còn bóng một tên giặc trên đất n­ước.

Một năm sau khi đuổi giặc Minh, một hôm Lê Lợi – bấy giờ đã làm vua – cư­ỡi thuyền rồng dạo quanh hồ Tả Vọng tr­ước kinh thành. Nhân dịp đó, Long Quân sai rùa vàng lên đòi lại thanh gư­ơm thần. Khi chiếc thuyền rồng tiến ra giữa hồ, tự nhiên có một con rùa lớn nhô đầu và mai lên khỏi mặt n­ước. Theo lệnh vua, thuyền đi chậm lại. Đứng ở mạn thuyền, vua thấy l­ưỡi g­ươm thần đeo bên ngư­ời tự nhiên động đậy. Con rùa vàng không sợ ng­ười, nhô đầu lên cao nữa và tiến về phía thuyền vua. Nó đứng nổi trên mặt nước và nói: “Xin bệ hạ hoàn g­ươm lại cho Long Quân!”.

Vua rút g­ươm quẳng về phía rùa vàng. Nhanh như­ cắt, rùa há miệng đớp lấy thanh gư­ơm và lặn xuống nư­ớc. G­ươm và rùa đã chìm đáy n­ước, ngư­ời ta vẫn còn thấy vật gì sáng le lói d­ưới mặt hồ xanh.

Từ đó hồ Tả Vọng bắt đầu mang tên là Hồ G­ươm hay hồ Hoàn Kiếm.

Câu chuyện “Truyền thuyết về Hồ Gươm”
Theo Nguyễn Đổng Chi

Chú thích trong câu chuyện

  1. Đô hộ: đặt ách thống trị lên một nước khác.
  2. Đức Long Quân: tức Lạc Long Quân.
  3. Thuận Thiên: thuận theo ý của trời (cũng có nghĩa là được trời giúp). Đây là tên thanh gươm. Sau này vua Lê cũng dùng tên này để đặt niên hiệu.
  4. Nạm ngọc: có dát ngọc.
  5. Minh công (từ cổ): tiếng dùng để tôn xưng người có danh vị. Ở đây, từ này được dùng để tôn xưng Lê Lợi.
  6. Nhuệ khí: khí thế hăng hái.
  7. Tung hoành: (dọc ngang) thỏa chí hoạt động, không có gì cả trở được.

Nội dung và ý nghĩa truyện “Sự tích Hồ Gươm”

“Sự tích Hồ Gươm” là một câu chuyện truyền thuyết rất nổi tiếng của người Việt Nam chúng ta, ngợi ca chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn trong việc đánh đuổi giặc Minh bảo vệ quê hương đất nước.

Chuyện kể về đức Long Quân cho Lê Lợi mượn gươm thần đuổi giặc Minh ra khỏi đất nước và sai rùa vàng lên đòi lại thanh gươm thần ở hồ Tả Vọng khi đất nước đã thanh bình. Qua đó, truyện ca ngợi tính chất chính nghĩa, tính chất nhân dân và chiến thắng vẻ vang của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn chống giặc Minh xâm lược và người anh hùng áo vải Lê Lợi.

Truyện cũng nhằm giải thích cho chúng ta hiểu rõ về nguồn gốc tên gọi của hồ Gươm (hay hồ Hoàn Kiếm) ở Hà Nội ngày nay, đồng thời thể hiện khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.

Câu chuyện này đã được nhà nghiên cứu văn học dân gian nổi tiếng của Việt Nam là Nguyễn Đổng Chi sưu tầm và ghi chép lại.

Đặc sắc nghệ thuật trong câu chuyện truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm”

Những yếu tố hoang đường, kì ảo, giàu ý nghĩa đan xen với những chi tiết đời thường, cái ảo với cái thực ở đây hòa quyện với nhau làm nên vẻ đẹp và sức hấp dẫn của câu chuyện truyền thuyết về Hồ Gươm.

Tác giả dân gian đã sử dụng một cách sáng tạo mô típ trao gươm thần cho người anh hùng cứu dân cứu nước, lại có thêm chi tiết trả lại thanh gươm thần ấy rất độc đáo và thú vị khiến cho câu chuyện thêm phần li kì và chủ đề truyện cũng được mở rộng sâu sắc hơn.

Sau khi Lê Lợi đánh đuổi được giặc Minh và trở thành vua, đức Long Quân đã sai rùa vàng lên đòi lại thanh gươm thần cho thấy khát vọng hòa bình của nhân dân ta. Bởi lẽ sau khi đã giành được thắng lợi trước quân xâm lược, nhà vua không còn cần đến việc sử dụng sức mạnh để cai trị dân chúng nữa. Thay vào đó, cần tập chung vào việc dựng xây đất nước và nâng cao chất lượng cuộc sống, để dân chúng được hưởng ấm no, hạnh phúc.

Quyền lực chỉ thật sự có ý nghĩa khi nó phục vụ cho lợi ích của nhân dân. Việc trả lại thanh gươm thần tượng trưng cho việc buông bỏ quyền lực, không lạm dụng sức mạnh để cai trị đất nước.

Truyện truyền thuyết Việt Nam
Truyện truyền thuyết Việt Nam

Kho tàng truyện truyền thuyết Việt Nam

Ngoài truyện truyền thuyết “Sự tích Hồ Gươm” kể trên, còn có rất nhiều các câu chuyện truyền thuyết Việt Nam hấp dẫn được Thế giới văn học sưu tầm và chọn lọc. Những câu chuyện này giúp chúng ta có cái nhìn rõ hơn về những nhân vật lịch sử và giải thích nguồn gốc của các phong tục, tập quán, địa danh,… tại Việt Nam. Nhờ đó, chúng ta có cơ hội tiếp cận và thấy thêm yêu các tác phẩm văn học dân gian Việt Nam hơn nữa.

Đừng bỏ lỡ những câu chuyện truyền thuyết Việt Nam hay nhất tại Thế giới văn học!

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*