Thể thơ lục bát là gì? Cách làm thơ lục bát đúng luật
Thể thơ lục bát là gì chắc hẳn ai cũng biết. Hãy cùng tìm hiểu xem cách làm thơ lục bát đúng luật bằng trắc và cách gieo vần sao cho đúng.
Thể thơ lục bát là gì?
Thơ lục bát là một thể thơ quen thuộc, gần gũi với người dân Việt Nam, thường được sử dụng trong những bài ca dao, dân ca và các truyện thơ Nôm cổ.
Thể thơ có độ dài ngắn không nhất định, nhưng bao giờ cũng bắt đầu bằng câu sáu và kết thúc bằng câu tám. Dạng thức tồn tại của thể thơ này là có từng cặp hai câu, câu trên 6 chữ (câu lục), câu dưới 8 chữ (câu bát), vì thế được gọi là thể thơ lục bát (hoặc thơ 6/8).

Cách làm thơ lục bát
Cách làm thơ lục bát khá đơn giản. Bạn chỉ cần nắm được các quy tắc, bao gồm: cách gieo vần, luật bằng trắc, và một số biến thể là hòa toàn có thể tự mình sáng tác được một bài thơ theo ý muốn. Dưới đây, Thế giới văn học sẽ giúp bạn tìm hiểu về những quy tắc này một cách cụ thể.
1. Cách gieo vần thơ lục bát
Nếu như các thể thơ nói chung có thể làm theo vần bằng, vần trắc hoặc kết hợp cả vần bằng với vần trắc, thì đối với thơ lục bát bao giờ cũng sử dụng vần bằng. Vần nằm ở cuối câu (được gọi là cước vận hay vần chân) và vần nằm ở trong câu (được gọi là yêu vận hay vần lưng).
Cách gieo vần trong thơ lục bát khá dễ hiểu. Chữ thứ 6 của câu lục gieo vần xuống chữ thứ 6 của câu bát, và chữ thứ của 8 câu bát lại gieo vần xuống chữ thứ của 6 câu lục ở các cặp câu sau. Cách hiệp vần cứ như thế mà tiếp mãi, dài bao nhiêu cũng được. Ví dụ:
“Ngày ngày em đứng em trông (6)
Trông non, non ngất, trông sông (6), sông dài (8).
Trông mây, mây kéo ngang trời (6)
Trông trăng, trăng khuyết, trông người (6), người xa (8).”
(Những vần trong bốn câu thơ trên có định dạng in đậm ở chữ thứ 6 và chữ thứ 8).
2. Niêm luật bằng trắc trong thể thơ lục bát là gì?
Thơ lục bát đọc lên nghe rất có nhịp điệu, sở dĩ như vậy cũng vì cách xếp đặt các thanh âm bằng trắc theo một lối riêng. Niêm luật bằng trắc trong thơ lục bát đơn giản và nhịp nhàng, có đến nửa số chữ trong câu được tự do lựa chọn.
Ngoài phép hiệp vần đã nói ở trên, về niêm luật bằng trắc trong thể lục bát tuân theo các quy tắc sau:
- Chữ thứ 4 của bất luận câu 6 hay câu 8, bao giờ cũng phải là vần trắc.
- Chữ thứ 6 và chữ thứ 8 của câu 8 tuy cùng âm bằng, nhưng phải có hai thanh khác nhau. Nếu chữ thứ 6 là đoản bình thanh (tiếng không có dấu) thì chữ thứ 8 phải là trường bình thanh (tiếng có dấu huyền). Và ngược lại.
- Hình mẫu phổ biến một cặp lục bát như sau:
0 – B – 0 – T – 0 – B
0 – B – 0 – T – 0 – B – 0 – B
(Trong đó: 0 = vần tự do, B = vần bằng, T = vần trắc).
Ví dụ:
“Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh.
Ai lên xứ Lạng cùng anh
Tiếc công bác mẹ sinh thành ra em“.
Ở ví dụ trên, có thể thấy:
- Những chữ: “phố”, “Thị”, “Lạng”, “mẹ” đều là chữ thứ 4 trong câu và có vần trắc.
- Chữ “chùa” và “thanh” ở câu 8 cũng là bằng, nhưng “chùa” là trường bình thanh, còn “Thanh” là đoản bình thanh. Tương tự, chữ “thành” và chữ “em” trong câu 8 bên dưới cũng vậy.
Trong thơ lục bát cũng có câu có đối, nhưng đối ở ngay trong câu, được gọi là tiểu đối. Ví dụ:
“Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.”
(“Mai cốt cách” đối với “tuyết tinh thần”).
Hoặc:
“Nền phú hậu, bậc tài danh,
Văn chương nết đất, thông minh tính trời.”
(“Nền phú hậu” đối với “bậc tài danh”,
“Văn chương nết đất” đối với “thông minh tính trời”).
Hay như:
“Làn thu thủy nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.”
(“Làn thu thủy” đối với “nét xuân sơn”,
“Hoa ghen thua thắm” đối với “liễu hờn kém xanh”).
3. Cách ngắt nhịp trong thơ
Mỗi thể văn vần hay thơ ca đều có một cách đọc riêng. Khi đọc thơ lục bát, lẽ thông thường cứ sau hai chữ một sẽ được ngắt giọng tại đó. Do cách ngắt giọng và cách gieo toàn vần bằng như vậy, nên khi đọc, chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận được giai điệu nhẹ nhàng và du dương mà không một thể thơ nào khác có được.
Tuy nhiên, nhịp của lục bát cũng rất đa dạng. Trong câu lục, có thể ngắt nhịp: 1/5, 2/4, 3/3, 4/2. Trong câu bát có thể ngắt nhịp: 2/6, 3/5, 4/4, 6/2. Thể thơ lục bát linh hoạt về thanh điệu, uyển chuyển về nhịp điệu, nhiều sắc thái thẩm mĩ, có khả năng trữ tình lại giàu khả năng tự sự, nên thường xuất hiện trong các bài ca dao, dân ca, và được nhiều các tác gia xưa kia sử dụng để viết truyện Nôm.
Đôi khi muốn nhấn mạnh vào một hình ảnh hay một ý tưởng, hoặc để so sánh giữa những hình ảnh và ý tưởng ấy, tác giả có thể đem câu 6 hoặc câu 8 những vế đối nhau khiến cho nhịp điệu của câu văn cũng phải thay đổi cho hợp lý. Ví dụ:
“Tuần trăng khuyết / đĩa dầu hao
Mặt mơ tưởng mặt / lòng ngao ngán lòng.”

4. Thơ lục bát biến thể là gì?
Thơ lục bát biến thể là những câu thơ hay bài thơ không được làm theo đúng cách hiệp vần hay luật bằng trắc được quy định của thể thơ. Trong các biến thể này, câu 6 và câu 8 vẫn được kết hợp với nhau thành từng cặp, đồng thời vẫn chỉ sử dụng âm bằng để gieo vần.
Dưới đây là một vài biến thể thường bắt gặp trong thơ 6/8:
a. Biến thể không theo quy định hiệp vần
Trong biến thể lục bát này, chữ cuối của câu 6 được gieo vần xuống chữ thứ 4 của câu 8. Ví dụ:
“Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.”
b. Thơ lục bát biến thể không tuân theo quy định của luật bằng trắc
Thường gặp ở biến thể này là chữ thứ 2 của câu 6 sử dụng vần trắc. Ví dụ:
“Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.”
Cũng có trường hợp, chữ thứ 2 và chữ thứ 4 của câu 6 đổi vần bằng trắc cho nhau. Ví dụ:
“Lươn ngắn lại chê chạch dài,
Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm.”
c. Biến thể kết hợp
Có một số thơ lục bát biến thể lại là sự kết hợp của cả 2 trường hợp nêu trên. Tức là vừa gieo vần từ chữ cuối của câu 6 xuống chữ thứ 4 của câu 8, lại vừa không làm theo đúng luật bằng trắc của thể thơ. Ví dụ:
“Thủa ấy có vua Thủy Thần
Uy dũng vô ngần, tiếng nói như chuông.”
Nguồn gốc của thể thơ 6/8
Lục bát xuất hiện trong dân gian từ rất lâu và là thể thơ thông dụng nhất của người Việt Nam chúng ta. Hầu hết trong các bài ca dao, câu hát, điệu hò đều được làm theo thể thơ này.
Trước khi đạt tới hình thức 6/8 thuần túy như hiện nay, có khi số chữ trong câu ít hơn hay nhiều hơn là 6 chữ hay 8 chữ, thậm chí cách gieo vần không phải lúc nào cũng chính xác, do đa phần thơ lục bát được đại đa số quần chúng nhân dân sáng tác. Tuy vậy, cách hiệp vần vẫn không thay đổi, nên cho dù số chữ có thay đổi mà nhịp điệu của câu thơ, vẫn là nhịp điệu của thể lục bát. Ví dụ:
- “Chữ viễn là xa
Anh với em cách trở tại mẹ cha không đành.” - “Cúc đương xanh sao cúc vội tàn
Kiểng đương xanh, sao kiểng héo, tôi hỏi nàng tại ai?” - “Cây khô kia há dễ mọc chồi
Bác mẹ già chưa dễ có ở đời với ta.” - “Trăm thức hoa đua nở về tiết tháng Giêng,
Có bông hoa cải nở riêng tháng mười.” - “Buồm ra khơi, giọt lệ thở than
Nước mắt hồng mưa ướt nổi đoạn trường ai hay.” - “Con kinh xanh nước chảy không cùng
Qua với bậu, biết bao giờ lại trùng phùng gặp nhau.”
Trải qua nhiều thế hệ, thơ lục bát từng bước được gọt giũa và hoàn thiện, trở thành thể thơ đặc trưng của người Việt Nam, với những vần điệu nhịp nhàng được xếp đặt cân đối.\

Làm thơ lục bát dễ hay khó?
Nếu như người Nhật Bản có thơ Haiku, người Trung Quốc nổi tiếng với thơ Đường, thì thơ lục bát là thể thơ mang tâm hồn và bản sắc riêng biệt của dân tộc Việt Nam.
Thể lục bát rất đỗi giản dị, gần gũi với người dân lao động. Luật bằng trắc cũng như cách hiệp vần không quá phức tạp như trong các thể thơ hay văn vần khác. Do đó khi đã biết cách làm thơ lục bát, gần như bất kỳ ai cũng có thể làm được.
Trong kho tàng văn học dân gian và thơ ca Việt Nam, thể thơ lục bát chiếm một số lượng khổng lồ, nhưng những tác phẩm thực sự có giá trị cả về hình thức nội dung lẫn nghệ thuật thì vẫn còn rất khiêm tốn. Sở dĩ như vậy vì đây là một thể thơ rất dễ làm, phần lớn được những người thuộc tầng lớp bình dân sáng tác, do vậy mà giá trị nghệ thuật chưa thật sự cao.
Để có thể làm một bài thơ lục bát hay quả thực rất khó, vì muốn vậy, người làm thơ không những phải biết cách sử dụng câu chữ một cách điêu luyện, mà còn phải phô diễn được những ý tưởng thật sáng tạo và đặc biệt trong tác phẩm của mình, kết hợp với một tâm hồn thơ dạt dào đầy xúc cảm.
Thực vậy, ta hãy xét hai câu lục bát tả cảnh mùa xuân trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du như sau:
“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”.
Đọc câu thơ lên, chúng ta dễ dàng nhận thấy cả lời và ý ở đây đều đẹp. Nhưng nếu cũng cùng cảnh mùa xuân ấy, mà diễn tả một cách thuần túy, thì câu thơ sẽ bớt hay đi rất nhiều. Ví dụ:
“Mùa xuân cây cỏ xanh tươi
Biết bao hoa lá được thời mọc ra”.
Tuy đều làm theo thể lục bát và cùng viết về chủ đề về mùa xuân, nhưng câu thơ diễn tả một cách vụng về, không giúp cho người đọc không cảm nhận được vẻ đẹp của mùa xuân, mà chỉ như một lời giới thiệu thuần túy về việc mùa xuân đã đến, chưa chạm tới sự tinh tế về nghệ thuật như hai câu thơ của Nguyễn Du.
Tất nhiên, để so sánh với đại thi hào Nguyễn Du có thể đó là một sự khập khiễng, nhưng qua ví dụ này để cho chúng ta thấy được rằng, cách làm thơ lục bát tuy đơn giản, nhưng để cho hay thì không phải sự dễ dàng, đòi hỏi phải có cái nhìn đầy tinh tế cũng như vốn từ vựng vô cùng phong phú.
Các thể loại thơ trong văn học
Như vậy, thông qua bài viết này, Thế giới văn học đã cùng các bạn tìm hiểu về đặc điểm thơ lục bát là gì, cũng như hướng dẫn cách làm thơ lục bát đúng niêm luật bằng trắc và cách gieo vần đúng chỗ.
Ngoài thể thơ lục bát, hãy cùng khám phá một số thể loại thơ được sử dụng phổ biến trong văn học, có thể kể đến như:
- Thơ song thất lục bát
- Thơ cổ phong (cổ thể)
- Thơ Đường luật
- Thơ haiku