Trang chủ Blog Văn học Tìm hiểu về hò trong các làn điệu dân ca miền Trung

Tìm hiểu về hò trong các làn điệu dân ca miền Trung

Nói tới các làn điệu dân ca miền Trung, không thể nào bỏ qua những câu hò miền Trung nổi tiếng như: Hò Giựt Chì, Hò Hụi, Hò Mái Nhì,…

Các làn điệu dân ca miền Trung

Miền Trung nước ta hiện có 19 tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, kéo dài từ Thanh Hóa đến Bình Thuận. Các làn điệu dân ca miền Trung phổ biến trước tiên phải kể đến những điệu hò. Những điệu hò này thường vang lên ở các xóm làng, vùng nông thôn, ven sông, ven biển,… Chúng nói thay cho tiếng lòng của người dân và có tác dụng phục vụ trực tiếp cho lao động, nhất là những công việc lao động tập thể.

Có thể nói, tùy theo tính chất nặng nhẹ của công việc mà có những điệu hò thích hợp.

Các điệu hò miền Trung phổ biến

1. Hò Giựt Chì

Hò Giựt Chì còn được gọi là Hò Kéo Lưới. Những người dân làm nghề chài lưới, đánh cá ven biển vừa kéo lưới vừa hò. Một người “kể” và tập thể “xô”. Âm thanh, nhịp điệu của Hò Giựt Chì rất mạnh mẽ. Đặc biệt gần về cuối bài tốc độ dồn nhanh dần, cường độ cũng mạnh hơn, ăn khớp với tác động kéo lưới.

Do vị trí địa lý trải dài, phần lớn các tỉnh thành ở miền Trung đều giáp với biển Đông nên có rất nhiều người dân làm nghề chài lưới. Vì thế Hò Giựt Chì được xem là một trong những điệu hò miền Trung khá phổ biến, hiện hữu trong đời sống hàng ngày của người dân lao động.

2. Hò Hụi

Hò Hụi còn được gọi là Hò Nện. Đây là một điệu hò tập thể trong lúc nện nhà, nhạc ngắn gọn, tiết tấu chắc khỏe. Ngày nay người ta vẫn thường hát trong khi làm những công việc tập thể nặng nhọc.

3. Hò Đưa Linh

Hò Đưa Linh là điệu hò dùng trong các đám tang khi đưa linh cữu người chết từ nhà ra nghĩa địa. Một người vừa gõ sênh vừa “kể” và tập thể những người trong phường hò “xô” theo. Âm điệu bi thảm, não nề. Điệu này khá phổ biến rộng rãi từ vùng Quảng Bình, Quảng Trị đến Quảng Ngãi.

4. Hò Mái Nhì

Hò Mái Nhì là điệu hò miền Trung trong khi chèo thuyền. Những cô gái tay nhịp nhàng đưa đẩy mái chèo, miệng vang lên câu hò tình tứ, gợi lên một tình cảm mênh mông và tình yêu với quê hương, đất nước.

5. Các điệu hò khác của dân ca miền Trung

Ngoài 4 điệu hò miền Trung ở trên, còn có nhiều điệu hò khác phù hợp với những công việc lao động hàng ngày như: Hò Xay Lúa, Hò Giã Gạo, Hò Tát Nước, Hò Chèo Thuyền, v.v…

Các làn điệu lý và ví trong dân ca miền Trung

Trong các làn điệu dân ca miền Trung được phổ biến rộng rãi còn phải kể đến các điệu lý. Lý là một loại dân ca có nội dung phong phú. Do ảnh hưởng giọng nói của từng địa phương, từng vùng miền mà những điệu lý từ địa phương này phổ biến sang địa phương khác đã được cải biến đi cho phù hợp. Có thể kể tên những điệu lý như: Lý Năm Canh, Lý Vãi Chài, Lý Thương Nhau, v.v…

Bên cạnh hò và lý còn có những làn điệu dân ca gọi là hát ví, chẳng hạn như: Ví Phường Vải, Ví Đò Đưa, v.v… Những bài vè, những điệu ru con đều là những bài dân ca mà hầu như ở các vùng nông thôn đều rất nhiều người hát được.

Trâu nghe Hò Kéo Gỗ miền Trung
Trâu nghe Hò Kéo Gỗ miền Trung

Trâu nghe Hò Kéo Gỗ miền Trung

Xưa có câu: “Đem đàn mà gảy tai trâu, ý muốn nói trâu thì chẳng biết gì đến âm nhạc. Bây giờ xét ra câu ấy nói cũng chưa thật sự đúng. Nếu các bạn không tin, có dịp đi Đồng Hới (Quảng Bình) xin mời ghé lên Nghĩa Ninh, cách Đồng Hới khoảng 5 cây số. Người dân ở đây trước kia ngoài nghề làm ruộng còn công việc đi rừng đốn gỗ. Dốc núi cao ngất, lắm chỗ khó đi nên khó nhất là động viên trâu kéo gỗ về.

Lúc đầu trâu còn khỏe kéo rất hăng. Đến khi lên dốc, người và trâu đều mệt. Người dân ở đây đã dùng một lối hò để “động viên” trâu đi. Còn gọi là Hò Lỉa hay Hò Kéo Gỗ. Cứ chiều chiều rừng núi lại vang lên một giọng hò quen thuộc.

Khi người vừa cất tiếng ơ… ơ… kéo dài thì con trâu đang mệt bỗng nghiêng đầu về một bên lắng nghe:

"Trâu đi kéo gỗ qua đồi
Về cho sơm sớm kẻo trời đổ mưa."

Xong câu hò, người nói thêm một tiếng nhấn mạnh: “Đi lên!”. Thế là trâu vươn sừng kéo cây gỗ nặng qua dốc. Câu hò lại tiếp tục, trâu lại đi, cứ thế mà về tận nhà. Phải chăng trâu cũng thích “nghe nhạc”? Và âm nhạc có tác động tới cả loài trâu nữa?

Tổng kết

Như vậy, thông qua bài viết này, Thế giới văn học đã cùng các bạn tìm hiểu về một số loại hò miền Trung, qua đó giúp các bạn thêm yêu các làn điệu dân ca miền Trung hơn nữa.

Trong kho tàng văn hóa dân gian của dân tộc, có rất nhiều các làn điệu dân ca Việt Nam khác nữa. Hãy cùng Thế giới văn học khám phá đời sống tinh thần của những người dân lao động thật thà, chất phác thông các qua những bài dân ca giàu cảm xúc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*