Truyện cổ tích là gì? Các loại truyện cổ tích Việt Nam
Truyện cổ tích là một thể loại truyện cổ dân gian chứa đựng nhiều yếu tố hư cấu, kì ảo, thể hiện ước mơ về một xã hội công bằng, tốt đẹp.
Truyện cổ tích là gì?
Tôi yêu truyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa.
– Lâm Thị Mỹ Dạ –
Truyện cổ tích ra đời sau truyện thần thoại và truyền thuyết. Tuy có yếu tố hoang đường, đôi khi có nhân vật thần tiên xuất hiện (nhằm cứu giúp những người lương thiện và trừng trị kẻ gian ác), nhưng ý nghĩa bao quát của truyện là nói lên niềm tin và lòng mơ ước của nhân dân về chiến thắng cuối cùng của lẽ phải, đạo công bằng, lòng nhân ái đối với gian tham, bất công, tàn ác,… của cái thiện đối với cái ác, cũng như ước mơ thay đổi thay số phận để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn của người lao động xưa. Bởi vậy, truyện cổ tích luôn luôn mang màu sắc tươi sáng, lạc quan, phân biệt rõ chính tà, lại có sức hấp dẫn của những yếu tố thần kì, nên có tác dụng giáo dục rất tốt đối với trẻ em.
Nhân vật trong các câu chuyện cổ tích thường đại diện cho các kiểu người khác nhau trong xã hội, được chia làm hai tuyến: chính diện (tốt, thiện) và phản diện (xấu, ác).
Lời kể trong truyện cổ tích thường được mở đầu bằng những từ ngữ chỉ không gian, thời gian từ rất lâu và không xác định. Ví dụ: “Ngày xưa…”, “Ngày xửa ngày xưa…”, “Rất lâu về trước…” v.v… và kết thúc thường là có hậu, cái thiện chiến thắng cái ác..
Tùy thuộc vào bối cảnh, người kể chuyện có thể thay đổi một số chi tiết trong lời kể để cho câu chuyện trở nên hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, chính vì tính chất này mà truyện cổ tích thường tạo ra nhiều dị bản khác nhau ở cùng một cốt truyện.
Các thể loại truyện cổ tích Việt Nam
Có nhiều cách phân loại truyện cổ tích Việt Nam. Tùy theo chủ đề nội dung và phương pháp biểu hiện, người ta có thể chia truyện cổ tích thanh ba loại:
1. Truyện cổ tích về loài vật
Truyện cổ tích về loài vật có nội dung xoay quanh việc giải thích các đặc điểm của muông chim (vì sao quạ lông đen, vì sao gà trông có mào,…), hoặc kể về quan hệ giữa các con vật (Con thỏ tinh ranh…) qua đó đúc kết một số kinh nghiệm sống, nhất là kinh nghiệm về thế giới loài vật. Ở nước ta, nhiều truyện cổ tích loài vật đã chuyển hóa thành truyện ngụ ngôn.
2. Truyện cổ tích thần kì
Truyện cổ tích thần kì là những hư cấu kì ảo về một hiện thực chỉ có trong mơ ước. Truyện làm cho người đọc, người nghe hướng đến một thế giới khác đối lập hẳn với thực tế xã hội áp bức, bóc lột thời xưa. Các yếu tố thần kì (tiên, bụt, sách ước, chim thần…) tham gia vào cốt truyện để giúp những nhân vật bất hạnh thay đổi số phận. Người em út, người con riêng, người mò côi, người đi ở, người xấu xí nhờ có sự vật kì ảo này cuối cùng đều được hưởng hạnh phúc (Tấm, Thạch Sanh, Sọ Dừa…).
3. Truyện cổ tích sinh hoạt
Truyện cổ tích sinh hoạt kể về số phận con người gần như hiện thực cuộc sống, ít học không sử dụng yếu tố thần kì. Một số truyện kể về sự thông minh sắc sảo, sự láu lỉnh, mẹo lừa của các nhân vật (Em bé thông minh, Cái cân thủy ngân, Nói dối như Cuội, Thằng Ngốc…). Một số ít truyện cổ tích sinh hoạt và truyện cười không có ranh giới rạch ròi (truyện Trạng Quỳnh).
Giá trị nhân văn trong truyện cổ tích Việt Nam
Cũng như các thể loại truyện dân gian khác, truyện cổ tích Việt Nam đưa chúng ta đến một thế giới khác lạ với những tình tiết li kì, hấp dẫn. Nhưng tựu chung, chúng đều mang những giá trị nhân văn hướng tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống.
Nêu ra số phận bi thảm của những con người “thấp cổ bé họng”.
Truyện cổ tích hướng về số phận của những con người bình thường, bất hạnh. Đó là những kẻ mồ hôi, bơ vơ không nơi nương tựa, bị hất ra đường kiểu như Thạch Sanh “mình trần đóng khố” nơi gốc đa. Đó là những người con riêng bị đày đọa, chết đi sống lại nhiều lần mà vẫn chưa hết khổ kiểu cô Tấm. Đó là những người em út bị tước đoạt mọi quyền lợi như chàng trai trong truyện “Cây khế”. Có khi đó là những người có vẻ ngoài xấu xí, ngay từ lúc sinh ra cũng đã bị tước quyền làm người kiểu Sọ Dừa hay là những con người đi ở quanh năm suốt tháng kiểu chàng trai nghèo trong “Cây tre trăm đốt”. Chính sự quan tâm đến số phận của những con người bé nhỏ đã tạo ra các hệ thống truyện về các nhân vật mồ côi, em út, con riêng, đi ở, người xấu xí rất tiêu biểu trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam.
Những con người bé nhỏ, bất hạnh đó lại là những con người đại diện cho những phẩm chất cao quý của nhân dân. Cô Tấm cần cù, nết na; Sọ Dừa sáng suốt, nhiều tài năng; Thạch Sanh dũng cảm, nhân hậu, v.v… Giá trị nhân văn trong mỗi câu chuyện cổ tích Việt Nam chính là ở sự quan tâm và đề cao những người dân thường bị áp bức ấy.
Nêu cao khát vọng tự do, hạnh phúc và công bằng xã hội
Xét cho cùng, truyện cổ tích hấp dẫn người đọc chính ở chỗ tác phẩm đã chiếu rọi ánh sáng lạc quan tin tưởng vào cuộc sống. Ở đây cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác rất quyết liệt, nhưng bao giờ cái thiện cũng chiến thắng. Cô Tấm mò cua, bắt tép cuối cùng được lấy hoàng tử; chàng Thạch Sanh kiếm củi kết thúc được lấy công chúa; chàng Sọ Dừa xấu xí cuối cùng cũng lấy được vợ đẹp, con gái phú ông; v.v…
Những kẻ tàn ác, bất công nhất thời có thể vinh hoa phú quý nhưng cuối cùng bị tiêu diệt. Trong truyện cổ tích, thần tiên có xuất hiện nhưng khong phải thuyết minh cho tư tưởng tôn giáo mà chính là để trợ giúp cho cái thiện thắng cái ác.
Truyện cổ tích cũng là tiếng nói ca ngợi tình yêu tha thiết và chung thủy của con người. Núi Vọng Phu, tháp Bà Rầu là những đài kỉ niệm tinh thần về những người phụ nữ sắt son, trung hậu.
Truyện cổ tích còn là những giấc mơ đẹp của người xưa về một xã hội công bằng, con người được sống trong no ấm, hạnh phúc. Maksim Gorky từng nhận xét: “Ngay từ thời tối cổ, con người đã mơ ước… xây trong một đêm một ngôi nhà thật tốt, hay thậm chí cả một tòa lâu đài”.
Lời kết
Truyện cổ tích là một thể loại truyện dân gian rất được các bạn nhỏ yêu thích. Đây là kết quả của trí tưởng tượng dân gian, xoay quanh cuộc đời, số phận của một số kiểu nhân vật. Truyện cổ tích thể hiện cách nhìn, cách nghĩ của người xưa đối với cuộc sống, đồng thời nói lên ước mơ về một xã hội công bằng, tốt đẹp. Thông qua các câu chuyện cổ tích, có biết bao bài học sâu sắc về đạo lí làm người đã được ông cha ta gửi gắm cho đời sau.
Qua bài viết này, Thế giới văn học hi vọng sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn khái niệm truyện cổ tích là gì, cũng như các thể loại và những giá trị nhân văn trong truyện cổ tích Việt Nam, giúp chúng ta càng thêm yêu mến, trân trọng những sáng tác dân gian vô giá của dân tộc.
Ngoài ra, còn rất nhiều các thể loại văn học dân gian Việt Nam khác, bạn có thể tham khảo trong những bài viết dưới đây:
- Truyện thần thoại
- Truyện truyền thuyết
- Sử thi dân gian
- Truyện ngụ ngôn
- Truyện cười dân gian
- Tục ngữ Việt Nam
- Ca dao – dân ca Việt Nam
- Câu đố dân gian
- Vè
- Truyện thơ Việt Nam
- Các thể loại sân khấu dân gian
Sử thi dân gian là gì? - Thế giới Văn học
[…] Truyện cổ tích […]
Truyện thần thoại là gì? - Văn học dân gian Việt Nam - Thế giới Văn học
[…] Truyện cổ tích phản ánh cuộc đấu tranh giữa người với người trong xã hội, kể cả cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, để bảo vệ quyền sống của con người hoặc của cả một dân tộc. Ví dụ: truyện “Tấm Cám”, truyện “Cây tre trăm đốt”,… […]
Ca dao Việt Nam và các làn điệu dân ca - Thế giới Văn học
[…] Truyện cổ tích […]
Tục ngữ là gì? Các đặc điểm của tục ngữ Việt Nam - Thế giới Văn học
[…] Truyện cổ tích […]
Truyện truyền thuyết là gì? - Văn học dân gian Việt Nam - Thế giới Văn học
[…] Truyện cổ tích […]