Đặc điểm truyện thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam
Truyện thơ các dân tộc thiểu số có những đặc điểm nội dung và nghệ thuật gì nổi bật sẽ được Thế giới văn học chia sẻ thông qua bài viết này.
Truyện thơ các dân tộc thiểu số
Truyện thơ dân tộc là những câu chuyện kể bằng thơ. Truyện thơ có cốt truyện, có tình tiết, nhân vật, thường có dung lượng lớn và có sự kết hợp yếu tố tự sự với yếu tố trữ tình.
Truyện thơ của các dân tộc thiểu số là những áng thơ tự sự dài có cốt truyện như truyện cổ tích những diễn tả số phận, tâm trạng của các nhân vật bất hạnh tinh tế và sâu sắc.
Truyện thơ ra đời ở thời kì đấu tranh giai cấp đã gay gắt. Một số truyện thơ đã được ghi chép lại, nhưng nhiều truyện thơ vẫn được lưu truyền bằng miệng. Một số truyện thơ còn được diễn xướng trong các nghi lễ trang trọng. Chẳng hạn, người Thái có “Tiễn dặn người yêu” (Xống chụ xon xao); người H’mông có “Nàng Nhàng Dợ và chàng Chà Tăng”; người Mường có “Nàng Con Côi”, người Tày có “Vượt biển” (Khảm hải), v.v…
Đặc điểm nội dung truyện thơ các dân tộc thiểu số
Nội dung trong truyện thơ của các dân tộc thiểu số thường diễn tả số phận, tâm trạng đau thương và ước mơ được sống hạnh phúc của người nghèo; đồng thời cũng xót thương cho những mối tình oan nghiệt, khát vọng giải phóng tình yêu, hạnh phúc gia đình.
1. Thể hiện tâm trạng và ước mơ về cuộc sống hạnh phúc
Những người mồ côi không nơi nương tựa, những người con riêng bị hắt hủi, những người con cút yếu thế bất hạnh, những nàng dâu bị đày đọa,… đã trở thành những nhân vật trung tâm của truyện thơ.
“Nàng Con Côi” (Mường) kể về một người mồ côi phải chết đi sống lại. Hình ảnh người em út làm phu khuân vác cho quan âm phủ trong Vượt biển (Tày) làm xúc động chúng ta vì nỗi khổ triền miên cả lúc sống lẫn lúc chết.
Truyện thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam còn là tiếng nói ca ngợi những người tài trí, đạo đức, thể hiện mơ ước của những con người bị áp bức về sự thắng lợi của chính nghĩa. Nhiều truyện thơ vẫn lấy các nhân vật của truyện cổ tích làm nhân vật chính, nhưng quy mô tác phẩm lớn hơn. Nó đã có phần vượt ra khỏi những phương pháp ước lệ, sắp xếp công thức của truyện cổ tích để phản ánh những chi tiết sinh động của cuộc sống, diễn tả sâu sắc tâm trạng của các nhân vật.
2. Truyện thơ thể hiện khát vọng tự do luyến ái
Truyện thơ là tiếng nói đồng cảm với nỗi đau khổ và khát vọng tự do luyến ái của tuổi trẻ. Tuy mức độ có khác nhau nhưng hầu hết các nhân vật trong các truyện thơ H’mông, Thái, Mường,… đều có xu hướng chống đối mãnh liệt những ràng buộc hà khắc của tập tục để bảo vệ tình yêu chân chính và trong sáng.
Kho tàng truyện thơ của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam rất phong phú. Truyện thơ là một đỉnh cao của văn học các dân tộc thiểu số trước Cách mạng tháng Tám 1945.
Đặc điểm nghệ thuật truyện thơ các dân tộc thiểu số
1. Bút pháp tả thực sắc sảo kết hợp với trí tưởng tượng phong phú
Truyện thơ các dân tộc thiểu số Việt Nam khai thác đề tài về những con người bất hạnh thường dựa vào cốt truyện cổ tích. Hành động của nhân vật và các sự kiện xảy ra được sắp xếp một cách hợp lí. Bút pháp tả thực sắc sảo đi đôi với trí tưởng tượng phong phú đã tạo cho tác phẩm có sắc tháo riêng.
Nhân vật sa dạ sa đồng trong truyện thơ “Vượt biển” mồ côi cha mẹ, bị anh hắt hủi, đi ở cho nhà giàu lại bị đói, bị rét,… là những cảnh thực. Nhưng đi ở nơi cõi âm là cảnh tưởng tượng. Người đọc bị cuốn hút bởi mái chèo của sa dạ sa đồng vượt hết ghềnh này đến thác nọ,… dường như nhân vật mãi chìm đắm trong biển khổ.
2. Truyện thơ các dân tộc thiểu số thể hiện chi tiết nghệ thuật sinh động
Các truyện thơ viết về đề tài luyến ái, hôn nhân thường có nhân vật trung tâm là “chàng trai, cô gái”. Các nhân vật này ta đã gặp trong ca dao, dân ca của các dân tộc thiểu số. Trạng thía tâm hồn phức tạp của họ thường được bộc lộ qua các chi tiết nghệ thuật sinh động. Chỉ cần một nguyên cớ nhỏ cũng là dịp để nhân vật băn khoăn, day dứt, nhớ thương.
Hình ảnh mặt trời lặn nơi ngọn tre, ngọn bương, hình ảnh bó củi dâu gánh qua mương, qua phai,… trong truyện thơ “Tiễn dặn người yêu” đều có giá trị khơi nguồn cảm xúc của con người:
"Mặt trời lặn, mặt trời không gọi, Mặt trời đi, mặt trời không chờ..."

Truyện thơ dân gian Việt Nam
Bên cạnh những truyện thơ của các dân tộc thiểu số, còn có rất nhiều những truyện thơ Nôm của người Kinh được Thế giới văn học sưu tầm, chọn lọc và giới thiệu đến bạn đọc. Những câu chuyện này đa số đều của những tác giả khuyết danh, được cha ông ta gìn giữ và lưu truyền đến tận ngày nay. Các bạn có thể tìm hiểu thêm ⇒ TẠI ĐÂY!