Trang chủ Blog Văn học Truyện thơ dân gian là gì?

Truyện thơ dân gian là gì?

Tìm hiểu rõ về các khái niệm: Truyện thơ là gì, truyện thơ Nôm là gì, và truyện thơ dân gian là gì qua những chia sẻ của Thế giới văn học.

Tìm hiểu về truyện thơ

1. Truyện thơ là gì?

Truyện thơ là một khái niệm chỉ chung những câu chuyện kể bằng thơ, được trình bày dưới nhiều thể thơ khác nhau: thơ tự do, thơ năm chữ, thơ lục bát hay song thất lục bát, v.v…

Độ dài hay ngắn trong mỗi tác phẩm tùy thuộc vào ý của tác giả, và tùy theo từng nội dung hay chủ đề cũng như văn hóa ở mỗi vùng miền địa phương. Truyện thơ dân gian thường có dung lượng lớn hơn những truyện thơ hiện đại ngày nay.

2. Truyện thơ Nôm là gì?

Truyện thơ Nôm là những tác phẩm văn học viết bằng chữ Nôm, thường được thể hiện dưới dạng thơ cổ phong của dân tộc: lục bát hoặc song thất lục bát. Đây là một nét độc đáo của nền văn học phong kiến Việt Nam mà không tìm thấy ở nền văn học nào khác.

Truyện thơ Nôm có thể bao gồm cả truyện thơ dân gian khuyết danh và truyện thơ Nôm biết tên tác giả sáng tác, chẳng hạn như truyện “Hoa tiên” của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện, hay “Đoạn trường tân thanh” của Nguyễn Du.

Truyện Nôm ra đời khoảng thế kỉ XVII hoặc sớm hơn, nhưng chỉ thật sự nở rộ và phát triển vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX. Có thể coi truyện Nôm như một loại tiểu thuyết bằng thơ, vì nó có cốt truyện, có nhân vật, có tình tiết, có cấu trúc, tổ chức tác phẩm hoàn chỉnh, có khả năng thể hiện cuộc sống phong phú, bề bộn.

Truyện Nôm viết bằng thơ ca nên bị hạn chế trong việc miêu tả cụ thể lịch sử đời sống xã hội, nhưng lại có ưu thế về nhịp điệu, âm thanh, hình ảnh, nên giàu khả năng trữ tình và phong phú sắc thái ngôn ngữ thơ ca. Truyện Nôm là một thành tựu có tính thời đại, nhiều kiệt tác, trong đó cần ghi nhận đóng góp lớn của thể lục bát cổ truyền.

3. Truyện thơ dân gian là gì?

Truyện thơ dân gian là những câu chuyện viết bằng thơ, được lưu truyền trong dân gian mà không rõ ai là người sáng tác. Một số ít viết bằng thể thơ thất ngôn Đường Luật, còn lại đa số đều được trình bày dưới dạng thơ lục bát (1).

Sở dĩ có hiện tượng khuyết danh như vậy là vì có những truyện ban đầu do một người viết ra, nhưng sau lưu truyền được nhiều người sửa chữa, thêm bớt và truyền miệng. Đến một lúc nào đó tác phẩm ấy trở thành như một sáng tác tập thể, không biết ai là tác giả nữa. Hoặc cũng có những truyện mà vì lý do này lý do khác, tác giả phải giấu tên, chẳng hạn nội dung câu chuyện có khía cạnh chống đối giai cấp phong kiến, tác giả sợ bị kết tội và truy tố. (2).

Số lượng truyện thơ dân gian có rất nhiều, nhìn chung có thể chia làm hai loại: một loại có lời văn bình dị như “Thạch Sanh”, “Phạm Tải, Ngọc Hoa”, một loại có lời văn khá điêu luyện như “Phan Trần”, “Nhị độ mai”, v.v… Phần lớn đều xoay quanh một chủ đề chung là: trung, hiếu, tiết, nghĩa. Trung như Mai Bá Cao (xem truyện “Nhị độ mai”), hiếu như Tống Trân (xem truyện “Tống Chân, Cúc Hoa”), tiết nghĩa như Hạnh Nguyên (xem truyện “Nhị độ mai”), nghĩa như Dương Lễ (xem truyện “Lưu Bình, Dương Lễ”), v.v…

Nội dung trung, hiếu, tiết, nghĩa đó có điểm được hiểu theo nguyện vọng của nhân dân trong khuôn khổ chế độ phong kiến cho nên nhân dân đứng về phía những người ngay thẳng chống kẻ gian tà, về phía người thiện chống kẻ ác. Nhân vật chính diện có thể là người ngheo như Thạch Sanh, hay cũng có thể là quan lại như Mai Bá Cao. Kết thúc truyện bao giờ cũng có hậu: chính nghĩa thắng gian tà, người lương thiện được sung sướng, kẻ ác bị trừng phạt, những cuộc tình duyên đứt đoạn lại được chắp nối (3).

Trong kho tàng truyện thơ dân gian Việt Nam, còn phải kể đến những truyện thơ của các dân tộc thiểu số. Chẳng hạn như: “Tiễn dặn người yêu” của người Thái, “Nàng Nhàng Dợ và chàng Chà Tăng” của người H’mông, “Nàng Con Côi” của người Mường, hay “Vượt biển” của người Tày, v.v… Những câu chuyện này góp phần không nhỏ vào sự đa dạng và phong phú của nền văn học dân gian nước ta.

Thế giới văn học còn sưu tầm và tuyển chọn rất nhiều các tác phẩm truyện thơ có giá trị giới thiệu đến bạn đọc. Đây đều là những áng cổ văn phổ biến và được đại đa số người dân lao động xưa kia vô cùng yêu thích.

Văn học dân gian Việt Nam
Văn học dân gian Việt Nam

Tổng kết

Như vậy, qua bài viết này, các bạn đã phần nào hiểu được các khái niệm: Truyện thơ là gì, truyện thơ Nôm là gì, hay truyện thơ dân gian là gì.

Còn có rất nhiều các thể loại văn học dân gian Việt Nam khác, bạn có thể tham khảo trong những bài viết dưới đây:

  1. Truyện thần thoại
  2. Truyện truyền thuyết
  3. Truyện cổ tích
  4. Sử thi dân gian
  5. Truyện ngụ ngôn
  6. Truyện cười dân gian
  7. Ca dao – dân ca Việt Nam
  8. Tục ngữ Việt Nam
  9. Câu đố dân gian
  10. Vè dân gian
  11. Các thể loại sân khấu dân gian

Chú thích trong bài

  1. Hiện còn lại ba truyện bằng thơ thất ngôn Đường luật, truyện “Vương Tường” (tích Chiêu Quân cống Hồ), truyện “Lâm tuyền kỳ ngộ” (cũng gọi là Bạch Viên Tôn Các nói về cuộc tình duyên giữa nàng Viên Thị và chàng Tôn Các) và truyện “Tô Công phụng sứ” (tích ông Tô Vũ ở Trung Quốc)
  2. Từ năm 1663, chúa Trịnh Tạo đã ra lệnh cấm sách vở bằng Nôm.
  3. Các nhân vật chính như Hạnh Nguyên, Phạm Tải dù có chết, lại được cứu sống, rồi cùng với gia đình đoàn tụ,

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

*