Truyện thơ Nôm “Bích Câu kỳ ngộ” (Văn học dân gian Việt Nam)
Truyện thơ Nôm “Bích Câu kỳ ngộ” kể về chuyện xảy ra thời Hậu Lê giữa chàng học trò Tú Uyên gặp gỡ và kết duyên với nàng tiên nữ Giáng Kiều.
Giới thiệu truyện thơ Nôm “Bích Câu kỳ ngộ”
Truyện gồm có 648 câu, được viết theo thể lục bát. Phần nhiều các truyện Nôm cũ của ta mượn sự tích ở sử sách hoặc tiểu thuyết Trung Quốc, nhưng truyện “Bích Câu kỳ ngộ” lại kể về một việc có tính chất li kỳ xảy ra ở nước ta. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đỗ Mục và Dương Quảng Hàm, truyện “Bích Câu kỳ ngộ” bằng Hán văn do Đoàn Thị Điểm viết trong bộ “Tục truyền kỳ”. Còn bản chữ Nôm thì không rõ tác giả là ai.
Trong truyện có nhắc đến những điển tích văn chương cổ Trung Hoa với lối văn chương điêu luyện. Như vậy chúng ta có thể chắc được rằng tác giả “Bích Câu kỳ ngộ” thuộc vào giai cấp thượng lưu trí thức trong xã hội ta lúc bấy giờ. Truyện chủ yếu được các học giả đương thời thưởng thức nên không được phổ biến rộng rãi trong dân gian.
Trong truyện thơ Nôm “Bích Câu kỳ ngộ” có nhiều câu khá giống với “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Chẳng hạn: “Thông minh sẵn có tư trời” ( câu 21 trong “Bích Câu kỳ ngộ”) với “Thông minh vốn sẵn tư trời” (câu 29 trong “Truyện Kiều”). Hiện nay chúng ta không có tài liệu chính xác để xác định truyện nào ra đời trước, hoặc truyện nào chịu ảnh hưởng từ truyện nào. Nhưng nhìn chung, đó đều là những tác phẩm văn chương có giá trị cao về mặt nghệ thuật.
Theo một số học giả nghiên cứu gần đây hơn (Trần Văn Giáp, Nguyễn Phương Chi, Hoàng Hữu Yên, Phạm Ngọc Lan) lại cho rằng tác giả của truyện thơ Nôm “Bích Câu kỳ ngộ” là ông Vũ Quốc Trân người làng Đan Loan, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương, sống ở phường Đại Lợi (một phần phố Hàng Đào thuộc Hà Nội ngày nay) vào khoảng giữa thế kỷ 19, cùng thời với Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát. Nhưng điều đó cũng chưa lấy gì làm chắc chắn.
Bích Câu ở đây có nghĩa là ngòi biếc. Đây là tên một phường của thành Thăng Long, sau thuộc làng Yên Trạch, huyện Thọ Xương, Hà Nội. Ở đây trước kia có một toà nhà Bích Câu đạo quán, tương truyền được dựng trên nền nhà cũ của Tú Uyên thuở xưa. Tiếc rằng sau cuộc chiến tranh năm 1946, ngôi đền đã bị phá, chỉ còn trơ bức tường. Ngày nay Bích Câu là tên một con phố, thuộc phường Cát Linh, Hà Nội.
Đọc truyện thơ Nôm “Bích Câu kỳ ngộ”
Câu chuyện kể về việc thư sinh Trần Tú Uyên gặp nàng tiên Giáng Kiều ở Bích Câu nên mới có tên là “Bích Câu kỳ ngộ” (nghĩa là cuộc gặp gỡ lạ lùng ở Bích Câu).
Có thể chia câu chuyện “Bích Câu kỳ ngộ” thành 4 phần như sau:
- Tú Uyên gặp Giáng Kiều, về ốm tương tư (câu 1-272)
- Tú Uyên kết duyên cùng Giáng Kiều (câu 273 – 428)
- Giáng Kiều giận Tú Uyên, bỏ đi sau lại về (câu 429 – 558)
- Tú Uyên và Giáng Kiều lên cõi tiên (câu 559 – 648)
Trần Trần Tú Uyên gặp Giáng Kiều, về ốm tương tư (câu 1-272)
Trần Tú Uyên, học trò nghèo, hay đi chơi những nơi thắng cảnh, khi đến đất Bích Câu, thấy phong cảnh đẹp, bèn làm nhà ở đây để học. Một hôm Uyên đi xem chùa Ngọc Hồ (Tức chùa Ngô ở phố Sinh Từ, Hà Nội).
Chiều đến, sắp về, chợt thấy bay đến trước mặt một tờ thơ có ý ghẹo mình. Trông ra cửa Tam quan, thấy một người con giá rất đẹp: Uyên đi theo đến Quảng Vân Đình (nay là chợ Cửa Nam, Hà Nội) thì người ấy biến mất. Tú Uyên trở về mang bệnh tương tư.
1. Mấy trăm năm một chữ tình
Dưới trời ai kẻ lọt vành hoá nhi
Cơ duyên ngẫm lại mà suy
Trời Nam nào có xa gì cõi Tây
5. Tưởng duyên kỳ ngộ xưa nay
Trước kia Lưu, Nguyễn sau này Bùi, Trương
Kìa ai mê giấc Đài Dương
Mây mưa là truyện hoang đường biết đâu.
Thành tây có cảnh Bích Câu
10. Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao!
Đua chen thu cúc, xuân đào
Lựu phun lửa hạ, mai chào gió đông
Xanh xanh dãy liễu, ngàn thông
Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều
15. Một vùng non nước quỳnh giao
Phất phơ gió trúc, dặt dìu mưa hoa.
Triều Lê đương hội thái hoà
Có Trần công tử tên là Tú Uyên
Phúc lành nhờ ấm xuân huyên
20. So trong tài mạo kiêm tuyền kém ai
Thông minh sẵn có tư trời
Còn khi đồng ấu mải vui cửa Trình
Trải xem phong cảnh hữu tình
Lâm toàn pha lẫn thị thành mà ưa
25. Liền khu trùm một lầu thơ
Lau già chắn vách, trúc thưa rủ rèm
Thừa hư đàn suối ca chim
Nửa song đèn sách, bốn thềm gió trăng
Cửa chung huy hoác đâu bằng
30. Chứa kho vàng cúc, chất từng tiền sen
Khắp so trong cõi ba nghìn
Yên hà riêng nửa, lâm tuyền chia đôi
Thú vui bốn bạn thêm vui
Khắp trong bể thánh, đủ ngoài rừng tao.
35. Thoi đưa ngày tháng sương sao
Ngô vừa rụng lá lại đào nảy hoa
Trời hôm giục bóng dâu tà
Xuân già e tuyết, huyên già ngại sương
Não người thay! nỗi tang thương
40. Trông vùng mây trắng ngất đường non xanh
Vai còn đôi gánh thâm tình
Bầu Nhan đã sạch sành sanh còn gì!
Mấy phen hạ tới thu về
Lọt mành nắng rõ, quanh hè tuyết xây
45. Chiều trời lạnh ngắt hơi may
Mai tàn trước gió liễu gầy sau sương!
Lơ thơ nửa mái thảo đường
Phên thềm lọt gió, vôi tường thấm mưa!
Phong quang lạ khác dấu xưa
50. Ao tù sen rũ, rào thưa cúc cằn
Sinh từ gặp bước gian truân
Vinh khô gọi nếm mùi trần chút chơi
Cùng thông dù mặc có trời
Nguôi dần bể khổ, san vơi mạch sầu
55. Lôi thôi cơm giỏ nước bầu
Những loài yến tước biết đâu chí hồng
Thề xưa đã nặng với lòng
Dẫu sau trắng nợ tang bồng mới thôi
Ao nghiên giá bút thảnh thơi
60. Tây hồ tiên tích mấy nơi phẩm bình
Thi hào dậy tiếng Phượng thành
Vào phen Lý, Đỗ, nức danh Tô, Tào
Ngửa nghiêng lưng túi phong tao
Nước, non, mây, gió, chất vào còn vơi
65. Châu ken chữ, gấm thêu lời
Vàng gieo tiếng đất, hạc khơi bóng thuyền
Đã người trong sách là duyên
Mấy thu hạt ngọc Lam điền chưa giâm
Lửng lơ chiếc lá doành nhâm
70. Cắm thuyền đợi khách, ôm cầm chờ trăng.
Ngọc Hồ có đám chay tăng
Nức nô cảnh Phật, tưng bừng hội xuân
Dập dìu tài tử giai nhân
Ngổn ngang mã tích xa trần thiếu ai
75. Thưởng xuân sinh cũng dạo chơi
Thơ lưng lưng túi, rượu vơi vơi bầu
Mảng xem cây phạm thú mầu
Vầng kim ô đã gác đầu non tê
Tiệc thôi ai nấy cùng về
80. Gió chiều lay bóng hoa lê la đà
Bên cầu đàn lũ năm ba
Thần tiên trước mắt ai là kẻ hay!
Sinh vừa tựa liễu nương cây
Lá hồng đâu đã thổi bay lại gần
85. Mắt coi mới tỏ dần dần
Mấy dòng chữ viết ba vần bốn câu
Trông qua lặng ngắt giờ lâu
Ấy ai thả lá doành câu ghẹo người
Vừa toan họa lại mấy lời
90. Gió hương đâu đã bay hơi nồng nàn.
Thấy người trước cửa tam quan
Theo sau ba bảy con hoàn nhởn nhơ
Lạ lùng con mắt người thơ
Hoa còn phong nhụy, trăng vừa tròn gương
95. Rành rành xuyến ngọc thoa vàng
Quần Nghê tha thướt, sóng Tương rườm rà
Mỉa chiều nét ngọc làn hoa
Cá chìm mặt nước, nhạn sa lưng trời
Gần xem vẻ mặt thêm tươi
100. Mùi hương thoang thoảng thơm rơi ít nhiều
Làn thu lóng lánh đưa theo
Não người nhăn chút lông nheo cũng tình
Vốn mang cái bệnh Trương sinh
Gặp người nghiêng nước nghiêng thành biết sao?
105. Đưa tình một nét sóng đào
Dẫu lòng sắt đá cũng xiêu, lọ người
Nhân duyên ví chẳng tự trời
Từ lang chưa dễ lạc vời non tiên.
Dù mặt lạ đã lòng quen
110. Cả liều đến gốc thu thiên ướm nàng:
“Quá vui nên trót sỗ sàng
Thử tình cho, kẻo bẽ bàng với hoa”
Khách rằng: “Trong hội Vô già
Cửa không, ngàn giác đấy là từ bi
115. Gió bay những tiếng thị phi
Trót lầm thôi có trách gì đến ai”
Giọng kiều nghe lọt vào tai
Đã gần bể sắc, khôn vơi sóng tình
Thưa rằng: “Chút phận thư sinh
120. Đèn từ soi đến tấm thành với nao!
Chi viên nỡ hẹp hòi sao
Mở đường phương tiện chút nào được chăng?”
Rằng: “Đây về đạo kim thằng
Trăng hoa sao khéo nói năng những lời
125. Bến từ có hẹp chi ai
Dốc đem thuyền giác độ người bến mê
Ngán cho bên cõi bồ đề
Phải đường ong bướm đi về đấy sao?
Đoá hoa sẵn nhạc vàng treo
130. Tiếng oanh chỉ để lao xao trên cành”
Lặng nghe lọt hết giọng tình
Lòng tham quanh cả bên mình mỹ nhân
Rằng: “Đây lầm xuống mê tân
Tiền duyên xin để kim thân tu đền
135. Ba sinh cho vẹn mười nguyền
Nhờ tay kim tướng, đưa duyên xích thằng
Gậy linh mượn phép cao tăng
Phá thành sầu khổ cho bằng mới cam
Chày sương đợi khách cầu Lam
140. Phẩm tiên may bén tay phàm biết đâu
Nước bèo dù có duyên sau
Bên sông thử bắc nhịp cầu từ đây”.
Người còn cợt gió, đợi mây
Gót tiên khách đã trở giày làm thinh
145. Ngóng theo đến Quảng Văn đình
Bóng trăng trông đã trên cành lướt qua
Mượn người thăm hỏi gần xa
Hồng lâu tử các đâu mà đến đây?
Hay là quán nước, làn mây
150. Gió xuân thổi xuống chốn này đấy sao?
Dám xin trỏ lối cho nao
Tới non Ngọc dễ ai nào về a!
Ơn lòng nhắm liễu thăm hoa
Biết đâu sắc sắc vẫn là không không
155. Thoắt thôi lẩn bóng ngàn thông
Hương trầm còn thoảng cánh hồng đã khơi
Xe loan gió cuốn lưng trời
Tiên về động bích, tình rơi cõi trần
Ngửa trông năm thức mây vần
160. Hồn chưa đến chốn non thần đã mê.
Lần trăng ngơ ngẩn ra về
Đèn thông khêu cạn, giấc hòe chưa nên
Nỗi nàng canh cánh nào quên
Vẫn còn quanh quẩn người tiên khéo là?
165. Bướm kia vương lấy sầu hoa
Đoạn tương tư ấy nghĩ mà buồn tênh!
Có khi gẩy khúc đàn tranh
Nước non ngao ngán ra tình hoài nhân
Cầu hoàng tay lựa nên vần
170. Tương Như lòng ấy, Văn Quân lòng nào!
Có khi chuốc chén rượu đào
Tiệc mời chưa cạn ngọc giao đã đầy
Hơi men không nhắp mà say
Như xông mùi nhớ, lại gây giọng tình
175. Có khi ngồi suốt năm canh
Mõ quyên điểm nguyệt, chuông kình nện sương
Lặng nghe những tiếng đoạn trường
Lửa tình dễ đốt, sông Tương khôn hàn
Có đêm ngắm bóng trăng tàn
180. Tiếng quyên hót sóm, trận nhàn bay khuya
Ngổn ngang cảnh nọ tình kia
Nỗi riêng, riêng biết, dã dề với ai!
Vui xuân chung cảnh một trời
Sầu xuân riêng nặng một người tương tư
185. Lòng yêu tay tả nên thơ
Mảnh tình phong với mảnh tờ đưa theo
Ả Hằng ví nặng lòng yêu
Rẽ mây mở lối tinh thiều cho nao!
Hỏi cho giáp mặt hoa đào
190. Vườn xuân chẳng lẽ ngăn rào mãi ru!
Đồng song có gã họ Hà
Ướm tình mới hỏi lân la gót đầu
Cớ sao chuốc não mua sầu
Bữa thường ngao ngán như màu nhớ ai?
195. Bấy nay vắng vẻ thư trai
Vóc sương nghe đã kém vài bốn phân
Nguồn cơn ngỏ với cố nhân
Họa may sẽ giúp được phần nào chăng?
Điều đâu thực khéo như rằng
200. Nói vào hợp ý khôn bưng lòng người
Song mà tình chẳng riêng ai
Bệnh tương tư có trải mùi mới hay
Người ngu, đấng thánh xưa nay
Tình chung chẳng ở vòng này hay sao?
205. Nói dù nghe cũng thế nào
Lặng dù, nghe cũng nao nao chẳng đành
Bệnh căn khôn lẽ dấu quanh
Cầm tay mới kể đinh ninh mọi điều
Nói bao nhiêu, tưởng bấy nhiêu
210. Ghê cho sắc ngọc dễ xiêu lòng vàng
Những là tiếc phấn say hương
Nên vò lưới nhện mà vương tơ tằm
Sầu dường bể, khắc như năm
Xương mai chịu được mấy lăm mà gầy!
215. Nghìn xưa âu cũng thế này
Gánh sầu san sẻ ai đầy ai vơi?
Lạ cho cái giống hương trời
Biết năm, biết thuở, biết đời nào quên.
Hà nghe nói hết căn nguyên
220. Nghĩ xem chuyện ấy quả nhiên rằng kỳ
Chẳng thần nữ, cũng tiên phi
Duyên xưa còn có chút gì hay không
Lá hồng ra mối chỉ hồng
Nước bèo kia cũng tương phùng có phen
225. Ngọc Liên nghe có Hoa tiên
Thánh Tông thuở trước qua miền ấy chơi
Lầu chuông bỗng gặp một người
Ngâm câu thần kệ, vịnh bài quốc âm
Ngự khen tú khẩu cẩm tâm
230. Mến riêng vì sắc, yêu thầm vì thơ
Rước về rắp gạn tóc tơ
Gót tiên bỗng thoắt bao giờ còn đâu?
Mười lăm năm nọ chưa lâu
Còn di tích đó là lầu Vọng Tiên
235. Lạ tai nghe những chẳng tin
Thử coi cho thấy nhỡn tiền mà ghê
Nhận ra trong lá thơ đề
Bút tiên chi để điểm mê lòng phàm
Những là én bắc nhạn nam
240. Cánh hoa mặt nước dễ làm sao đây?
Tuy rằng cách trở đông tây
Dẫu xa, xa cũng có ngày gần nơi
Gác xuân cách mấy dặm khơi
Nhân duyên đành để gió trời thổi đưa.
245. Hà rằng: “Hương lửa duyên ưa
Có khi tình trước còn chờ hội sau
Đành rằng kỳ ngộ nan cầu
Biết đâu non thẳm doành sâu mà tìm
Biết đâu nhắn cá gửi chim
250. Vớt trăng dưới nước, mò kim trong doành
Biết đâu ả Tố, nàng Quỳnh
Cớ chi nhớ quẩn sầu quanh khéo là
Chuốc mua lấy nợ phong hoa
Mối tơ phó mặc trăng già phải nao!
255. Xuân sang xuân đã già nào
Chờ sau mai nở thì đào chẳng lâu”
Vắt tay ngẫm nghĩ xưa sau
Như ai cất hẳn gánh sầu thoảng không
Nói cười tươi tắn thong dong
260. Đổi lòng phong nguyệt ra lòng vân thiên
Thôi mong khách, lại chờ tin
Thư hồng ngày mỏi, chăn uyên đêm dài
Bâng khuâng một mối viễn hoài
Khi trong sân tuyết, khi ngoài trời tây
265. Ngày thường ngắm cảnh am mây
Người buồn xui cả cỏ cây cũng buồn
Còn trời, còn nước, còn non
Mây xanh nước biếc vẫn còn như xưa
Hoa đào còn đó trơ trơ
270. Mà người năm ngoái bây giờ là đâu?
Vù vù gió thổi rèm lau
Càng như chất mối tơ sầu vào thêm.
Tú Uyên kết duyên cùng Giáng Kiều (câu 273 – 428)
Tú Uyên tới đền Bạch Mã (nay ở phó Hàng Buồm) cầu mộng được thần bảo sáng hôm sau ra đợi ở Cầu Đông (nay ở phố Hàng Đường) thì gặp người con gái ấy. Hôm sau, ra đợi mãi đến chiều chỉ gặp ông lão bán bức tranh vẽ một người tố nữ giống hệt người đã gặp hôm trước. Uyên mua tranh về treo ở nhà, cứ đến bữa ăn, dọn hai cái bát, hai đôi đũa, mời người trong tranh cùng ăn. Một hôm, Uyên đi học về, thấy có mâm cơm dợn trước, trong bụng sinh nghi.
Hôm sau Uyên rình ở một chỗ. Thấy người trong tranh bước ra, Uyên vội chạy lại hỏi thì người ấy nói tên mình là Giáng Kiều từ cung tiên xuống để kết duyên cùng Uyên. Giáng Kiều làm phéo biến cho nhà của Uyên thành lâu đài tráng lệ để vợ chồng ở cùng.
Chạnh đâu nhớ chuyện bốc tiêm
Tới đền Bạch Mã, giải niềm cầu duyên
275. Khấn rồi ra góc tây hiên
Nén hương tắt đỏ, ngọn đèn nhỏ to
Bóng trăng vừa xế cành ngô
Giấc hoè dìu dịu, chăn cù êm êm
Thấy người cao mũ rộng xiêm
280. Tay cầm thiết bảng, trang nghiêm khác vời
Trước sân sang sảng dạy lời
Rằng: “Mai sớm đợi ta ngoài sông Tô
Lọ là oanh yến hẹn hò
Cầu Đông sẵn lối, cầu Ô đó mà!”
285. Vội mừng chợt tỉnh giấc hoa
Sao vừa nhàn nhạt, trời vừa eo eo
Lòng yêu phải bước chân theo
Xăm xăm ra đó vắng teo thấy gì
Nước trong vắt, cỏ xanh rì
290. Thạch kiều thấy đó giai kỳ nào đâu?
Trông mong đã suốt giờ lâu
Ôm cây mãi thế ra màu cũng quê
Chán chiều thơ thẩn ra về
Xem tình dở tỉnh dở mê nực cười
295. Bỗng may lại gặp một người
Tay mang tranh vẽ, gót dời đường hoa
Liền tay xin lĩnh xem qua
Truyền thần một tượng Tố Nga rành rành
Dịu dàng vẻ đạm màu thanh
300. Như người gặp Quảng Văn đình ngày xưa
Càng nhìn nét bút càng ưa
Chàng Vương dẫu mạc bao giờ cho nên
Mua về treo chốn thư hiên
Như ai đem ngọc giải phiền lại cho.
305. Mưa hoa khép cánh song hồ
Sớm khuya với bức họa đồ làm đôi
Mâm chung một, đũa thêm hai
Thơ trao dưới nguyệt, rượu mời trước hoa
Tưởng gần thôi lại nghĩ xa
310. Có khi hình ảnh cũng là phát phu
Êm trời vừa tiết trăng thu
Ngàn sương rắc bạc, lá khô rụng vàng
Chiều thu như gợi tấm thương
Lòng người trông xuống sông Tương mơ hình
315. Kề bên năn nỉ bày tình
Nỗi nhà thuở trước, nỗi mình ngày xưa
Từ phen giáp mặt đến giờ
Những là ngày tưởng đêm mơ đã chồn
Ấy ai điểm phấn tô son
320. Để ai ruột héo, gan mòn vì ai?
Buồn đào nửa bước chẳng rời
Nghìn vàng đổi được trận cười ấy chăng?
Rày xin bẻ khoá cung trăng
Vén mây mở mặt chị Hằng, chút nao!
325. Chợt trông mấp máy miệng đào
Mặt hoa hớn hở dường chào chúa Đông.
Cho hay tình cũng là chung
Khách tiên chưa dễ qua vòng ái ân!
Một khi ra việc trường văn
330. Trở về đã thấy bát trân sẵn sàng
So xem phong vị khác thường
Mùi hoa sực nức, mùi hương ngạt ngào
Bếp trời sẵn đó hay sao?
Của đâu thấy lạ, lòng nào chẳng nghi!
335. Sáng mai cứ buổi ra đi
Liệu chừng thoắt trở lại về thử coi
Bỗng đâu thấy sự lạ đời
Trong tranh sao có bóng người vào ra?
Nhân nhân mày liễu mặt hoa
340. Này người khi trước đâu mà đến đây?
Nàng đương trang điểm nào hay
Cửa ngoài sẽ hé cánh mây bước vào
Vội vàng đánh tiếng ra chào
Bên mừng bên lệ, xiết bao là tình!
345. Rằng: “Bấy lâu một chữ tình
Gặp đây xin tỏ tính danh cho tường?”
Nàng rằng: “Bồ liễu phận thường
Vì mang má phấn nên vương tơ điều
Vốn xưa thiếp khách thanh tiêu
350. Tiên Thù là hiệu, Giáng Kiều là tên
Ba sinh đã nặng vì duyên
Đem thân liễu yếu kết nguyền đào thơ
Nhân duyên đã định từ xưa
Tơ trăng xe đến bây giờ mới thân
355. Cũng là nhờ đức tiên quân
Đóa hoa biết mặt chúa xuân từ rày”
Sinh rằng: “Trong bấy lâu nay
“Nhắp sầu gối muộn có ngày nào nguôi
Đã rằng: tác hợp duyên trời
360. Làm chi cho bận lòng người lắm nao!”
Nàng rằng: “Xin quyết gieo cầu
Tấm son thề với trên đầu xanh xanh
Dám đâu học thói yến oanh
Mặn tình trăng gió, nhạt tình lửa hương
365. Gieo thoi trước đã dở dang
Sao nên nát đá phai vàng như chơi
Mái Tây còn để tiếng đời
Treo gương kim cổ cho người soi chung
Lạ gì hoa với gió đông
370. Tiếc hương vả cũng nể lòng chim xanh
Một mai mưa gió bất tình
Vóc tàn nên để yến oanh hững hờ
Nghĩ trong thân phận yếu thơ
Làm chi để tiếng sờ sờ lại sau!”
375. Nói thôi rút chiếc trâm đầu
Biến hình liền thấy đôi hầu theo ra
Tưng bừng sắm sửa tiệc hoa
Bình trầm đưa khói, chén hà đậm hương
Giọng tình sánh với quỳnh tương
380. Giả say sinh mới toan đường lần khân
Thưa rằng: “Túc trái tiền nhân
Không dưng dễ xuống cõi trần làm chi
Song còn mấy bạn tương tri
Bấy lâu chưa có chút gì là đâu
385. Trước xin từ biệt cùng nhau
Chữ duyên này trở về sau còn dài”
Nghe lời nói cũng êm tai
Chìu lòng chi nỡ ép nài mưa mây
Trước sân mừng cuộc tỉnh say
390. Tiếng vui đãi nguyệt, tiệc bày đối hoa
Bóng mây bỗng kéo quanh nhà
Thảo am thoát đã đổi ra lâu đài
Tường quang sáng một góc trời
Nhởn nhơ áo, mũ, xiêm, hài, biết bao!
395. Người yểu điệu, khách thanh tao
Mỗi người một vẻ, ai nào kém ai
Lả lơi bên nói bên cười
Bên mừng cố hữu, bên mời tân lang
Đong đưa khoe thắm đua vàng
400. Vũ y thấp thoáng, Nghê thường thiết tha.
Yến tân chuốc chén năm ba
Người còn vui tiệc, khách đà cáo say
Kẻ ra nương bánh xe mây
Người vào trướng gấm vui vầy bạn loan
405. Lả lơi cười với hoa nhan
Trải chăn thúy vũ, buông màn phù dung
Phòng tiên dìu dặt chén đồng
Rèm tương rủ thấp, trướng hồng treo cao
Ngẩn ngơ hé cửa động đào
410. Mây tuôn bể ái, mưa rào sông ân
Mấy vàng đổi được khắc xuân
Xưa nay tài tử, giai nhân lạ gì?
Cho hay thiên tải giai kỳ
Trăng già xe đã phải thì đào non
415. Cũng là một mốt tơ son
Năm trăm năm cũng vuông tròn từ đây
Đàn cầm từ thuở bén dây
Khi đằm thắm đã bõ ngày nhớ nhung!
Khi gió mát, lúc trăng trong
420. Bầu tiên chuốc rượu, tơ đồng nối dây
Khi tuyết xuống, lúc hương bay
Câu thơ trên gác, bàn vây bên bình
Tài hoa quốc, sắc khuynh thành
Cầm, kỳ, thi, tửu, đủ vành trần duyên
425. Người tao nhã, khách thuyền quyên
Phong, hoa, tuyết, nguyệt, là tiên trên đời
Nhà lan sum họp ban mai
Đã trong tần tảo, lại ngoài ty ca
Giáng Kiều giận Tú Uyên, bỏ đi sau lại về (câu 429 – 558)
Tú Uyên lấy Giáng Kiều được ba năm, thường hay rượu chè say sưa. Nàng ra sức can ngăn nhưng Tú Uyên không nghe, lại còn đánh đập nàng. Giáng Kiều giận quá bỏ đi. Lúc tỉnh rượu, Tú Uyên hối hận, đi tìm đâu cũng không thấy vợ, chỉ còn biết than khóc thương tiếc.
Một hôm buồn quá, Tú Uyên toan tự tận thì Giáng Kiều hiện ra. Chàng xin lỗi vợ, hai bên đoàn tụ như xưa.
Dần dần năm đã kể ba
430. Hạnh và độ thắm, liễu và phần son
Duyên ai tính đã vuông tròn
Nào hay nợ trước chút còn dở dang
Trần sinh từ thuở gặp nàng
Vui vầy mê mải nên càng quá xưa
435. Một ngày say mấy canh thừa
Khuyên can nàng mới ngỏ thưa ít nhiều
Rằng: “Xin gửi một hai điều
Thân trăm năm nỡ bỏ liều thế ư!
Thiếu gì những chuyện ngày xưa
440. Còn bia miệng đó trơ trơ chưa mòn!
Ấy ai dỗi gót bên non
Bóng trăng Thái Thạch là hồn ai say!
Ví còn lầm trước chưa hay
Thì đem gương ấy sau này mà soi”.
445. Ngán thay khuyên nhủ đến lời
Nước kia dội đá có mùi gì đâu
Thôi ngày trọn, lại đêm thâu
Cạn chung Lý Bạch, nghiêng bầu Lưu Linh
Ma men quanh quẩn bên mình
450. Cho đàn trễ phím, cho bình nhạt hương
Mải mê say tỉnh tâm trường
Liệu bài nàng lại tìm đường van lơn
Trái tai vả lại ngứa gan
Đang tay nỡ dập hoa tàn tả tơi
455. Dây đồng đứt hẳn làm đôi
Cánh bèo theo ngọn nước trôi cũng rầu!
Nàng càng tầm tã tuôn châu
Ngán nhân tình khéo ra màu thắm phai
Rằng: “Thôi, tôi đã quá lời
460. Xui lòng nghĩ lại một hai kẻo mà…”
Sinh đang vui chén la đà
Vẩn vơ tính quỉ hồn ma biết gì
Nói thôi, nói cũng chi chi
Nghe ra tiếng nặng như chì, giọng say!
465. Nàng rằng: “Duyên nợ bấy nay
Thương ôi nước đổ bốc đầy được đâu
Tiếc cho nỗi vợ chồng Ngâu
Doành thu nên để bắc cầu mấy phen!
Sá chi nữa, cái hoa hèn
470. Nghĩ làm chi nữa cái duyên cũ càng
Đã lòng rẽ thúy chia hương
Đành lòng rẫy ngọc, ruồng vàng thì vâng
Thôi thôi, thôi cũng cầm bằng
Tơ hồng phó trả bà trăng cho rồi”
475. Lạy rồi, đứng lại sân ngoài
Bên bàn say tỉnh mặc người ngồi trơ.
Sinh còn đương cuộc nào ngờ
Tỉnh dần dần lại, bây giờ biết sao?
Biết phương nào, biết chước nào
480. Có chăng còn lúc chiêm bao họa là!
Non thần mấy dặm đường xa
Khói mây man mác dễ mà hỏi, vay!
Cát vàng bụi bạc xa bay
Mây trên mặt đất, non xây chân trời
485. Ngắt chừng bể thẳm doành khơi
Đường xa bao nả tình dài bấy nhiêu
Buồn trông quãng vắng đường queo
Gió lay nhẹ lá, sương gieo nặng cành
Buồn trông cửa bể mông mênh
490. Con thuyền thấp thoáng cuối ghềnh ngổn ngang
Buồn trông cuối phố hàng Đường
Cánh hồng man mác, hạt sương đầm đìa
Buồn trông theo giải Tô Khê
Chim kêu bụi rậm, trâu về đồng không
495. Cảnh buồn như giục tấm lòng
Lại thêm vấn vít mấy vòng tơ vương
Ấy ai phải vía chàng Trương
Non tiên cách một bước đường nên xa
Hay là lỗi sổ Hằng Nga
500. Đêm đông vò võ bóng tà sao thưa
Nghĩ tình nên những ngẩn ngơ
Ai lên đường ấy, ai chờ đợi ai?
Dần dần trăng tối gió may
Nghĩ sao cho xiết sự đời phôi pha!
505. Trêu ngươi chi bấy trăng già
Xe dây mỏng mảnh ỡm ờ mà chơi
Cho nên cách trở đôi nơi
Hoa trôi cửa động, nước xuôi cõi trần
Nghĩ riêng, riêng những ăn năn
510. Phấn hồ, còn đó, tinh thần nào đâu?
Càng thêm ngao ngán trăm chiều
Giấc nào nào nhắp, bữa nào nào ngon
Xác ve ngày một héo mòn
Xác gan con vượn, mơ hồn cái quyên
515. Tả lòng tay thảo mười thiên
Mấy câu mấy chữ, mấy nghìn câu rơi.
Hà sinh phải buổi sang chơi
Xót tình khế hữu liệu bài giải khuyên
“Biết đâu rằng quỉ rằng tiên
520. Một may một rủi thôi phiền não chi
Dù tiên duyên đã mãn kỳ
Chờ cho duyên hợp châu về mõn hơi!
Hãy xin gắng gượng làm tươi
Gánh sầu trút cả cho người phải nao!
525. Lỡ ra khi đến thế nào
Mà cho mắt tục trông vào sao nên”
Rằng: “Xưa trót đã nặng nguyền
Phải đem vàng đá mà đền mới xuôi
Cũng đành cho thế gian cười
530. Còn hơn cam phụ với người tri âm
Duyên xưa âu chẳng se lầm
Bao giờ kéo hết tơ tằm mà hay!
Công đâu nghĩ mướn lo vay
Dẫu mòn bia đá khôn lay tấc lòng”
535. Xem chiều nói cũng như không
Hà sinh ra ý sượng sùng cáo lui.
Khách đà về chốn tây trai
Một mình một bóng đứng ngồi sao yên
Quyết tìm khắp nước non tiên
540. Đem duyên giai lão đính nguyền lai sinh
Giải là giủ sẵn bên mình
Cũng liều trắng nợ, trần tình thử xem!
Gió hương đâu bỗng lai rèm
Bóng hoa đâu đã trước thềm lả lơi
545. Đương khi rằng một rằng hai
Sịch hài nàng đã tới nơi bao giờ!
Mặt trông mặt, hãy ngẩn ngơ
Nào hay đã tỉnh còn ngờ rằng mê
May sao may khéo đi về
550. Chậm chân chút nữa còn gì là ai!
Mắt nhìn chung cả con ngươi
Bên lòng mừng tủi, bên lời hợp tan
Sinh rằng: “Từ vắng phương nhan
Lòng theo trăng bể, mây ngàn thiếu đâu
555. Quản bao bể rộng sông sâu
Đã toan quên cả cái cầu tử sinh
Dám đâu riêng phụ với tình
Dưới vàng có đất, trên xanh có trời
Tú Uyên và Giáng Kiều lên cõi tiên (câu 559 – 648)
Từ đó, Tú Uyên đối đãi tử tế với Giáng Kiều. Sau sinh được một con trai đặt tên là Chân Nhi. Giáng Kiều khuyên Tú Uyên nên đến ở cõi tiên và trao cho chồng bùa thuốc tiên để chàng tự luyện. Rồi một hôm, từ biệt con, cưỡi hạc bay lên cõi tiên.
Kể chi những sự đã rồi
560. Sắt son ghi tạc một lời từ đây”
Thưa rằng: “Cầm đã bén dây
Có tri âm đó, cuốn dây sao đành
Cũng công hương lửa ba sinh
Nguồn ân chưa cạn, sóng tình còn xao”
565. Đinh ninh gắn bó tất giao
Trước sau nối gót trướng đào song song
Vườn xuân hoa đã quen ong
Từng xa xôi lắm, lại nồng nàn thêm
Mấy thu gối ấm chăn êm
570. Cửa cài then nghĩa, phòng niêm khóa tình.
Trên đào vừa thấy tinh oanh
Gốc giao sớm đã nối cành quế Yên
Chân Nhi rơi chút dấu tiên
Một mai dành để dõi truyền thi thư
575. Sinh càng chăm chút sớm trưa
Cá mong rẽ sóng, rồng chờ tung mây.
Đường trời chưa mỏi cánh bay
Thung dung nàng lại giãi bày một hai
Rằng: “Coi cho thấu sự đời
580. Giam danh khóa lợi những người thế gian
Trời thu mây hợp, lại tan
Ngày xuân hoa nở, hoa tàn mấy lăm
Gẫm trong tám, chín, mươi năm
Bóng câu cửa sổ dễ cầm mãi ru!
585. Thịt xương gửi đám Diêm phù
Sinh sinh hóa hóa trong lò hồng quân
Đố ai vượt khỏi lòng trần
Sông mê chìm nổi, thế nhân đã đầy
Anh hùng những mặt xưa nay
590. Trăm năm nát với cỏ cây cũng là
Dần dần tháng trọn ngày qua
Má hồng mấy chốc đã ra bạc đầu
Thôn hoang mấy nắm cổ khâu
Ấy nền Đồng Tước, hay lầu Nhạc Dương
595. Chưa đầy một cuộc tang thương
Non đồng cũng lở, núi vàng cũng nghiêng
Sao bằng ngày tháng cung tiên
Vui chung tám cõi, xuân riêng bốn mùa
Dọc ngang bốn bể năm hồ
600. Khắp trong ba cõi chín châu mặc dầu
Ra vào kim khuyết quỳnh lâu
Treo tranh yên thủy, giắt bầu kiền khôn
Đi về tuyết điếm hoa thôn
Thông rền nhịp phách, suối tuôn ngón đàn
605. Một này trong thú thanh nhàn
Mấy trăm muôn cảnh nhân hoàn đọ sao!
Khuyên chàng sớm nghĩ lấy nao
Gà lồng, hạc nội, bên nào là hơn?”.
Mảnh riêng sinh những bàng hoàng
610. Tuy say cõi tĩnh, chưa tan lòng phàm
Trót xưa túi sách con gươm
Ví ta Sào, Hứa, ai làm Y, Chu?
Thưa rằng: “Đã tiếng trượng phu
Sự đời vinh nhục chi cho bận lòng
615. Ví ham nghìn tứ, muôn chung
Con chim bay mãi cũng trong khuôn trời
Làm chi cho bạn tiên cười
Ai vui viên hạc, ai vui yên hà
Vẩn vơ trong đám phồn hoa
620. Ba mươi sáu động ai là chủ nhân?”
Sinh nghe tỉnh chuyện tiền nhân
Rửa dần bụi tục, tỏ dần lối mê
Rằng: “Xưa Hoàng Đế, An Kỳ
Nào phương thoát hóa tu từ sao đây?”
625. Nàng rằng: “Thiên đạo nhiệm thay
Kiều, Tùng xưa cũng thế này chứ sao!
Vả chàng dự bậc thanh tao
Mà xem trong sổ Tiên tào có tên
Học sao cho hết chân truyền
630. Tu sao cho hết tinh huyền thì tu”.
Tay trao một đạo tiên phù
Một phương hỏa tảo, một lò kim đan
Đường tu sẵn cách khảo bàn
Rượu sen thắm giọng, trà lan thơm lòng
635. Dần theo gió liễu, trăng đồng
Thân phàm như chấp cánh lông nhẹ nhàng
Đương khi lốt trắng điểm vàng
Tỉnh say Vương Mẫu, mơ màng Lão Quân
Mây đưa năm sắc tường vân
640. Hạc đâu đôi chiếc trước sân đón người
Dang tay cỡi hạc cả cười
Nhủ Chân Nhi lại nối lời thề xưa:
“Còn kỳ dậy gió tuôn mưa
Mai sau gặp gỡ bấy giờ sẽ hay!”
645. Nói rồi thẳng rẽ đường mây
Trông theo cánh hạc về tây tuyệt vời
Bồng lai riêng một bầu trời
Màn hoa, cầu đá mấy nơi thiên thành
Truyện thơ Nôm “Bích Câu kỳ ngộ”
Văn học dân gian Việt Nam
Các tác phẩm truyện thơ Nôm bình dân khuyết danh
Ngoài câu chuyện “Bích Câu kỳ ngộ” kể trên, Thế giới văn học còn sưu tầm và tuyển chọn rất nhiều các tác phẩm truyện thơ Nôm khác giới thiệu đến bạn đọc. Đây đều là những áng cổ văn phổ biến và được đại đa số người dân lao động xưa kia yêu thích.