Giới thiệu
Tập truyện ngắn “Chân trời cũ” của nhà văn Hồ Dzếnh
“Chân trời cũ” được xem là một trong những tác phẩm đầu tay, đánh dấu tên tuổi của Hồ Dzếnh trên văn đàn Văn học Việt Nam. Tập truyện bao gồm mười ba truyện ngắn, là một sự ngoái nhìn về tuổi thơ, về những kỉ niệm ngày thơ ấu. Mỗi câu chuyện là bức chân dung một người thân trong gia đình: bố, mẹ, anh, chị,… và những người hàng xóm nghèo khổ. Tất cả đều được dựng lên bằng kỉ niệm, từ hiện tại ngoái nhìn lại quá khứ, nhìn lại dĩ vãng.
Tập truyện được xem như một tiếng chuông buồn bã, thê lương, tiếng này chưa dứt thì tiếng khác đã hồi lên. Cả một vùng không gian tâm tưởng ông tràn ngập tiếng ngân nga của hoài niệm, xót xa cho những cuộc đời đã đi qua tuổi thơ ông. Tác giả Hồ Dzếnh đặc biệt nhạy cảm với những buồn đau của người phụ nữ nông thôn, hiện thân của những định mệnh khắt khe, của duyên phận tăm tối và buồn rầu, những con người luôn chịu thương, chịu khó mà đời chỉ là một chuỗi ngày đau khổ. Đó là những câu chuyện buồn sẽ theo nhà văn suốt cả cuộc đời.
Có thể thấy tập truyện ngắn “Chân trời cũ” là một đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác của nhà văn Hồ Dzếnh, đồng thời cũng in đậm dấu ấn trong dòng chảy của văn học. Bên cạnh những tác phẩm đề cập đến tình yêu như “Hồn bướm mơ tiên”, “Lạnh lùng”, “Đoạn tuyệt”, “Đời mưa gió” hay cái lạnh lùng, tàn nhẫn của xã hội như trong các sáng tác của Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan,… thì tập truyện này được xem như một thứ cỏ lạ trong văn học. Mặc dù không trực tiếp cất lên tiếng nói đấu tranh, chống lại xã hội nhưng thông qua những kiếp người nhọc nhằn trong xã hội, tác phẩm đã phơi bày được đầy đủ những xấu xa mà người dân phải hứng chịu. Song “Chân trời cũ” lại mang chút gì đó của trào lưu lãng mạn khi đan xen nhiều đoạn văn trữ tình sâu lắng. Vừa mang tình lãng mạn lại ẩn chứa những triết lí về hiện thực, “Chân trời cũ” được xem như một sự giao thoa giữa hai dòng văn học đang tồn tại một cách độc lập lúc bấy giờ. Chính vì vậy, có thể khẳng định rằng tác phẩm là một sự cách tân mới lạ trong nghệ thuật viết truyện của nhà văn Hồ Dzếnh.
Đôi nét về nhà văn Hồ Dzếnh
Hồ Dzếnh (1916–1991), tên thật là Hà Triệu Anh hay Hà Anh (ghi theo giọng Quảng Đông là Hồ Dzếnh) là một nhà thơ của Việt Nam. Ông được biết nhiều nhất qua tập thơ “Quê ngoại” với một giọng thơ nhẹ nhàng, siêu thoát, phảng phất hương vị thơ cổ Trung Hoa. Ngoài ra, Hồ Dzếnh còn là một nhà văn với nhiều tác phẩm, tiêu biểu là tập truyện ngắn “Chân trời cũ”, được xuất bản lần đầu vào năm 1943.
Ông sinh năm 1916 tại làng Đông Bích, xã Quảng Trường, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Cha ông là Hà Kiến Huân, người Quảng Đông sang sinh sống ở Việt Nam từ khoảng 1890, mẹ Đặng Thị Văn là người Việt, quê ở bến Ghép, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Ông học trung học, dạy tư, làm thơ, viết báo từ năm 1931 tại Hà Nội. Năm 1953 ông vào Sài Gòn làm báo, năm 1954 trở về Hà Nội tiếp tục viết báo, làm thơ. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngay từ buổi đầu thành lập (1957).
Ông mất ngày 13 tháng 8 năm 1991 tại Hà Nội do xuất huyết dạ dày và viêm thận.
Mời các bạn cùng đọc tác phẩm “Chân trời cũ” của tác giả Hồ Dzếnh. tại TheGioiVanHoc.com.