Con nhà giàu (Hồ Biểu Chánh) - Chương XII
Lật đật tới cúng thí thất thứ nhì cho bà Kế hiền. Cô Ba Ngọc lên trước một bữa, cô bày rước thầy chùa, cô lãnh đi chợ, cô biểu mời làng xóm, cô lo sắp đạt hết thảy cho em. Thượng Tứ cầm bánh xe[1] đi qua Ông Văn mà rước vợ, vì vợ có nghén năm sáu tháng rồi, cậu không muốn đi xe ngựa.
Vợ chồng ông Hội đồng bằng lòng để cho con theo chồng về lo cúng tuần cho mẹ chồng. Nhưng mà khi cô Ba Mạnh ra đi thì ông Hội đồng kêu mà dặn rằng: “Hễ cúng tuần cho chị xong rồi con phải về, chớ đừng có ở miết ở bển đa, nghe hôn”.
Thượng Tứ đã quyết cãi sửa thói cũ, không thèm chơi bời xài phá nữa để tử tế với vợ mà lo lập thân. Mà ông Hội đồng không hiểu ý của rể, ông cố chấp lời giao kết lúc bình thường, ông không dung chế cho người trong khi nguy biến, ông muốn được phần ông, ông không kể phần rể, ông làm như vậy chẳng khác nào rể toan bước chưn vào đường phải, mà ông giăng tay ngăn cản, buộc nó phải đi trong đường quấy hoài.
Thượng Tứ nghe cha vợ dặn vợ phải về thì cậu lấy làm buồn, song buồn thì để bụng chớ cậu không dám thổ lộ ra như ngày trước nữa.
Rước vợ về nhà rồi, tối lại thừa lúc người trong nhà ngủ im lìm, Thượng Tứ ở trong buồng vặn đèn lên cho tỏ và nói với vợ rằng: “Hồi trước tôi khờ dại lắm. Tôi ham chơi bời xài phí, tôi hủy bạc mình, tôi làm buồn thầy má bên nhà, mà tôi lại làm sầu não cho má bên nây nữa. Bây giờ tôi nghĩ lại, thiệt tôi ăn năn biết chừng nào. Đã biết tôi chơi bời mấy tháng tốn hao hết mấy ngàn đồng bạc; song tôi ăn năn đây là ăn năn sự lỗi đạo làm chồng, làm rể, làm con, chớ không phải tại tốn hao đó mà tôi ăn năn, bởi vì nhờ có tốn hao đó tôi mới biết khôn, tôi mới thoát ra khỏi con đường quấy được. Tôi đã ăn năn cái lỗi cũ rồi, tôi đã có lạy thầy má mà xin dung thứ. Chẳng hiểu vì cớ nào thầy cứ ghét tôi hoài, nói thế nào thầy cũng không chịu cho mình về ở bên nây. Mình nghĩ đó mà coi, nhà cửa vườn đất của tôi như vầy, nếu tôi về bển mà ở, thì công cuộc bên nây bỏ cho ai? Còn nếu tôi ở bên nây, thì vợ chồng cách bứt nhau đã khó lòng, mà trong nhà không có đàn bà thì lấy ai coi sóc. Tôi buồn quá. Nếu mình thương tôi, mình không phiền tôi nữa, thì mình phải tính thế nào đặng về bên nây ở mà xem sóc việc nhà giùm cho tôi. Đã biết đạo làm con thì tùng quyền cha mẹ, nhưng mà gái có chồng cũng có đạo vợ chồng. Việc ở bên nây hay là ở bển, quyền quyết định tại nơi mình. Nếu mình muốn về bên nây thì cha mẹ cản sao được”.
Cô Ba Mạng nghe chồng nói như vậy thì cô ứa nước mắt mà đáp rằng: “Nhà cửa như vầy mình bỏ đi về bển mà ở sao được. Tôi cũng biết lắm chớ. Phận tôi thì tôi ở đâu cũng được hết. Theo lẽ thì tôi phải về ở bên nây đặng lo trông nhà trông cửa, chớ nhà mà không có đàn bà thì hư hao chịu sao cho nổi. Ngặt vì tánh ý thầy khó lắm. Thầy nói như rựa chém xuống đất. Việc gì cũng vậy, thầy nhứt định một lần mà thôi, ai cãi cũng không được. Thầy nói bởi vì thầy không có con trai nên hồi gả tôi, thầy có giao bắt rể, bây giờ dầu thế nào thầy cũng không chịu cho tôi về ở bên nây. Thầy nói như vậy, tôi biết làm sao. Mà tôi nghĩ, nếu tôi về bên nây thiệt cũng khó cho thầy má lắm, bởi vì trong nhà có một mình tôi, nếu tôi đi rồi làm sao”.
Thượng Tứ nghe vợ nói như vậy, cậu ngồi buồn hiu. Cậu ngó trân ngọn đèn một hồi rồi cậu nói rằng:
– Tôi biết mình còn phiền tôi lắm, mình chưa hết giận tôi đâu.
– Không, tôi có phiền giận chi đâu.
– Mình nói như vậy đó đủ chỉ rõ là mình không thiệt tình. Cách tôi ở với mình hồi năm ngoái đó, làm sao mà mình không phiền được. Mà mình phiền đáng lắm, tôi có dám trách mình đâu, nên mình sợ mà phải giấu.
– Thiệt a, chẳng phải bây giờ mà thôi, năm ngoái lúc mình đánh chưởi đuổi xô tôi đó, tôi cũng không giận mình nữa. Tôi tủi phận riêng cho tôi vô duyên thiểu phước mà thôi.
– Nếu mình không giận tôi, mà sao bây giờ tôi ăn năn rồi, tôi nhứt định lo sắp việc nhà không thèm chơi bời nữa, mà mình cũng không muốn về ở bên nây với tôi?
– Tôi muốn sao được. Tại thầy má, chớ phải tại tôi đâu. Thầy má không cho, tôi đâu dám cãi.
– Nếu vậy thì tình vợ chồng không có nghĩa gì hết!
– Vậy chớ đạo cha con tôi trái được hay sao?
– Xin mình nói dứt một lần. Vì thầy má không cho, nên mình không dám trái ý cha mẹ mà theo chồng phải hôn?
Câu hỏi thiệt là rõ ràng, mà vì sự rõ ràng ấy làm cho cô Ba Mạnh bối rối, nên cô không dám trả lời vội. Cô ngồi ngẫm nghĩ một chút, rồi cô cúi mặt mà đáp rằng: “Xin mình nghĩ lại mà thương giùm phận tôi. Không phải tôi không muốn theo mình về bên nây. Tại thầy không bằng lòng, tôi biết làm sao. Phận tôi thiệt là khổ quá. Thầy biểu tôi ở bển, mình muốn tôi về bên nây; tôi ở giữa, tôi không biết liệu làm sao cho vừa ý hai bên hết được. Mà thôi, mình đừng có buồn. Tuy thầy không chịu cho tôi về bên nây, song thầy có hứa cho tôi với mình qua lại. Được như vậy thì cũng chẳng hại chi lắm. Tuy tôi ở bển, song lâu lâu tôi cũng chạy qua thăm bên nây, chớ phải thầy má cấm tuyệt không cho tới lui hay sao mà ngại”.
Thượng Tứ thở dài đáp rằng:
– Vợ chồng mà phải phân rẽ mỗi người ở một nơi, lâu lâu mới đợc hiệp nhau một vài ngày, chẳng khác nào một người khách, thì có bàn tính với nhau được việc gì được. Tôi muốn có mình ở bên nây đặng hiệp với tôi mà làm.
– Mình tính làm việc gỉ?
– Tôi tỏ thiệt với mình, từ hồi nhỏ cho tới chừng cưới vợ, tôi ăn no rồi tính chơi cho vui, tôi muốn có tiền nhiều mà xài chớ không kể tới ai, tôi không thèm để ý vào việc gì hết. Từ hôm má mất tới nay, tôi chán ngán việc đời, tôi không thèm chơi bời nữa. Tôi ở nhà tôi nói chuyện với mấy người tá điền, rồi tôi đi dạo xóm tôi thấy bề ăn ở của mấy người ở trong đất nữa, thì tôi xốn xang trong lòng, tôi thương xót phận con nhà nghèo quá. Người giàu ở không ăn chơi sung sướng, mà lúa thóc bạc tiền có thêm hoài, không biết làm giống gì cho hết. Còn người nghèo là từ đầu năm chí cuối, chai tay nám mặt, mà ăn ở cực khổ, áo quần lang thang, già cả lụm cụm cũng chưa được nghỉ ngơi, con nít lớn lên thì không thể đi học. Tôi thấy như vậy tôi khó chịu quá. Tôi muốn tính từ rày sắp lên tôi không thâu tiền thổ cư của mấy người ở trong đất nữa. Còn mấy người mướn ruộng thì mùa tới đây tôi biểu họ đong phân nửa lúa ruộng mà thôi, còn phân nửa thì tôi cho họ đặng họ khá một chút, chớ để họ nghèo quá tôi nghiệp. Tôi tính như vậy đó, mình nghĩ thử coi được hay không?
Cô Ba Mạnh tánh tình hiền hậu, thuở nay cô ở với tá điền tá thổ thiệt là tử tế, cô chẳng hề khinh khi ai, chẳng hề hiếp đáp ai, chẳng hề khổ khắc ai; nhưng mà con nhà giàu, chỉ lo làm ra tiền chớ không ưa làm thất lợi, tuy cô không chịu độc ác, song cô cũng không biết cứu giúp, bởi vậy cô nghe chồng nói bỏ tiền đất, bớt lúa ruộng, thì cô chưng hửng, nhướng mắt ngó chồng mà đáp rằng:
– Mình tính như vậy sao được? Ở trong đất thì phải đóng tiền đất, ai có đất mà cho thiên hạ ở không bao giờ? Còn cho mướn ruộng, hễ người ta cho sao thì mình cho vậy, mình không tăng lúa ruộng là may, chớ sao lại bớt?
– Người ta làm sao tự ý họ, mình bắt chước họ làm chi. Tôi thấy người ở trong xóm họ nghèo cực tôi thương quá.
– Như ai nghèo thì mình cho họ đôi ba đồng bạc, hoặc năm mười giạ lúa mà thôi chớ.
– Cứu giúp như vậy cũng được; nhưng mà cho đôi ba đồng bạc hoặc năm mười giạ lúa, bất quá đỡ vớt họ trong ít ngày mà thôi, chớ làm sao cho họ bớt nghèo được.
– Trời ơi, ai làm sao cho họ hết nghèo cho được! Họ phải làm ăn thì họ mới hết nghèo chớ.
– Ở xứ mình, hễ nghèo thì có thế nào mà hết nghèo được. Mình nghĩ đó mà coi, làm ruộng tới mùa gặt đập được chừng 500 giạ lúa, phải đong lúa ruộng hơn ba trăm giạ, phải trả lúa trâu, lúa cấy, lúa gặt, lúa đập, lúa đất mạ, rồi còn giống gì đâu mà ăn?
– Tại họ nghèo thì họ phải chịu, chớ biết làm sao. Mà mình thương tá điền tá thổ của mình mình làm như vậy, mình chắc họ hết nghèo hay không? Tôi sợ mình tử tế quá, rồi họ dễ ngươi, họ không làm ăn, càng hại hơn nữa. Huống chi không phải nội tá điền của mình đây nghèo mà thôi. Thiên hạ nghèo xứ nầy qua xứ kia, mình làm sao mà làm cho hết thảy đều hết nghèo được?
– Mình thấy người ta nghèo khổ trước mắt mình đây, mình chịu không được, thì mình giúp cho họ, chớ lo cho hết thảy thiên hạ sao được? Nếu mình nói “thiên ha nghèo khổ nghèo lắm, tôi không có sức mà giúp hết thảy được, nên tôi không thèm cứu giúp ai hết”, thì té ra có một người nào được nhờ mình đâu? Không phải vậy, ở đời hễ mình có thế làm phải được chút nào thì mình làm chút nấy, chớ không nên nói: “Tôi không làm phải nhiều được, bởi vậy tôi không làm phải ít”.
– Mình làm theo mình tính đó, tôi sợ trong vài năm, họ không hết nghèo, mà mình phải nghèo theo họ.
– Dầu nghèo tôi cũng vui. Mà có sao đâu mà nghèo? Tiền đất thâu mỗi năm chừng một trăm, bỏ số đó cũng không hại gì bao nhiêu. Còn lúa ruộng của tôi gần bảy ngàn giạ, nếu tôi cho tá điền phân nửa thì tôi cũng còn phân nửa là ba ngàn rưỡi giạ xài không hết. Huống chi bây giờ tôi nhứt định không thèm chơi bời nữa, nội huê lợi miếng vườn cũng đủ ăn xài trong nhà, có chuyện gì mà phải tới nghèo?
– Không được. Mình bày chuyện trái đời quá, tuy tôi không dám cản mình, song tôi không dám dự vào.
– Tôi muốn trong việc gì cũng vậy, phải đồng vợ đồng chồng mới vui.
– Không. Mình làm sao thì làm, tôi không biết tới.
Thượng Tứ thấy vợ không hiệp ý thì cậu ngồi buồn hiu, hết muốn nói chuyện nữa, không thể bàn tính việc gì được.