Con nhà nghèo (Hồ Biểu Chánh) - Chương I
Đứa con gái của cậu Hai Nghĩa đã được ba tuổi rồi, nãy giờ nó chơi ở phía sau hè, bây giờ con nhỏ giữ dắt nó ra trước nó thấy cha mẹ nó rầy rà quá thì nó sợ, nên la khóc om sòm. Mợ Hai bước lại bồng con, nhưng mợ cũng cứ ong óng hoài, hễ bà Cai nói thì mợ vặc một vặc hai với bà, mà hễ bà thôi thì mợ mắng nhiếc cậu Hai không chừa chỗ nào hết.
Cậu Hai không thèm đối đáp với vợ nữa, cậu nghinh mặt rồi bỏ đi vô buồng trên phía chái trên mà nằm. Bà Cai can hết lời mà dâu không chịu nín, bà giận bỏ trở xuống nhà cầu mà ăn trầu. Mợ Hai ôm con trong lòng cứ ngồi nói hoài, cậu lặng thinh mà mợ không chịu nín, cơm dọn rồi mà mợ không thèm ăn. Mợ nói mấy giờ đồng hồ, mà nghe chẳng có tiếng chi khác hơn là những tiếng “Tuồng mặt lấy tá điền. . . . Em rể Cai tuần Bưởi. . . Quân mọi rợ. . . . Đồ khốn kiếp. . . Đội quần mà đi. . . Cấm không cho xuống Đập Ông Canh. . . . ”
Cai tuần Bưởi lên chịu lỗi, anh ta bước vô sân còn nghe mợ Hai nói ong óng trong nhà. Anh ta sợ khiếp vía, nhưng mà phải làm gan đi vô đại. Bà Cai vừa thấy mặt anh ta, thì bà ta hét vang rân. Bà mắng rằng:
– Đồ phản, còn tới làm chi nữa đó! Thuở nay nhờ ai có cơm mà ăn, có chỗ mà ở, rồi bây giờ trở mặt dám đặt điều nói xấu nói hổ cho tao hử. Quân bây là quân trâu chó, đi ra cho mau, bằng không tao biểu bầy trẻ vác cây nó đập bây giờ.
Bà mắng bà chửi, còn Cai tuần Bưởi thì cứ khóc lóc hoài. Bà mắng mệt, mà nghỉ, anh ta mới đánh bạo nói rằng:
– Bẩm bà, xin bà thương giùm thân phận bọt bèo. Vợ con nó dại, nên nói bậy nói bạ, xin bà miễn chấp nó. Nếu bà không thương, bà bỏ tù nó, thì khổ cho con lắm. Lúa của con gặt còn ê hề, sắp nhỏ của con liu nhiu lít nhít, con biết làm sao được. Trăm lạy bà thương cho.
Bà Cai nạt lớn:
– Thây kệ chúng bây. Vợ chồng bây cả gan, dám xúc phạm đến danh giá nhà tao để rồi bây coi. Tao chỉ quăng ra vài trăm bạc, tao làm cho chúng bây ở tù hết cho bây mở mắt bây ra.
Cai tuần Bưởi khóc lóc năn nỉ chừng nào thì bà Cai mắng chửi rầy la chừng nấy. Anh ta thấy năn nỉ với bà không được mới tính lên nhà trên kiếm cậu Hai mợ Hai mà chịu lỗi. Anh ta lên đó không thấy cậu Hai, chỉ thấy mợ Hai đương ngồi nói om sòm mà thôi. Anh ta áp lại mà lạy. Mợ Hai vừa thấy anh ta thì mợ la rằng:
– Ủa! Chào anh vợ của cậu Hai Nghĩa. Tới nhà sao không lên ván giữa mà ngồi, làm giống gì mà quỳ lạy đó vậy. Bầy trẻ đâu, sao không kêu cậu Hai ra tiếp rước anh vợ.
Thà bà Cai mắng chửi còn ít sợ, chớ mợ Hai nói gay gắt thiệt khó chịu không biết chừng nào. Con nhà nghèo khổ mà kể chi là vinh nhục thấp cao, bởi vậy Cai tuần Bưởi cứ khum lưng mà lạy, không dám chối cãi một tiếng nào hết. Thiệt tội nghiệp cho cái thân Cai tuần Bưởi. Anh ta năn nỉ mà chịu lỗi cho vợ, anh ta nói nhiều lời nghe thảm thiết; tiếc thay cho mợ Hai, mợ không thèm ghé tai vào một lời nào hết, mợ cứ ngồi nói xeo nạy với chồng. Cai tuần Bưởi lạy mỏi gối, nói hết lời mà coi bộ không ai đoái thương chút nào hết. Anh ta cóm róm đi xuống nhà bếp, gặp thằng Phùng nó nói:
– Đi về đi. Bà với mợ Hai đương giận mà anh nói thế nào được. Để mai mốt bớt giận rồi sẽ lên.
Cai tuần Bưởi nghe lời bèn lẻn ra cửa sau mà về, thầm tính để xuống nhà việc cậy Hương quản Kim nói giúp giùm.
Đi về dọc đường, may gặp Hương quản ở dưới nhà việc đi về nhà. Cai tuần Bưởi thuật chuyện mình xin lỗi lại cho Hương quản nghe và cậy Hương quản làm ơn ghé nói giùm.
Hương quản gật đầu nói rằng:
– Thôi, em về đi. Để qua nói giùm coi được hay không.
Hương quản Kim nghe nói trong nhà bà Cai còn đương lộn xộn, anh ta không dám ghé cứ đi thẳng về nhà. Đến tối dọ nghe đã êm rồi anh ta mới mò lại. Khi bước vô cửa, anh ta hỏi thằng Phùng vậy chớ cậu Hai ở đâu. Thằng Phùng cười và nói nho nhỏ rằng:
– Mợ Hai em rầy quá, cậu Hai chịu không nổi nên bắt ngựa cỡi đi mất từ hồi xế đến bây giờ, không biết vô cô Ba trong chợ Giồng hay là lên nhà ông trên chợ Gạo. Chú còn đóng trăng vợ Cai tuần Bưởi hay không? Bà mới biểu tôi dọn dẹp rồi đi lại đằng chú dặn chú phải làm gắt đừng cho chỉ về ăn cơm uống nước gì hết.
Hương quản trề môi đáp rằng:
– Về sao được mậy. Bà dạy đóng trăng nó, ai mà dám thả?
Anh ta nói rồi bèn đi thẳng vô nhà cầu.
Bà Cai đương nằm trên ván gác tay ngang qua trán như là ngủ, còn mợ Hai thì bồng con nằm trên võng giăng gần đó. Bà Cai thấy Hương quản vô bà không ngồi dậy, duy lấy tay mà hỏi:
– Mầy làm tờ bẩm mà giải con đó hay chưa?
– Bẩm bà, tôi mới lấy khai nó, chớ chưa làm tờ bẩm.
– Ủa! Còn chờ giống gì nữa?
– Bẩm bà, không gấp gì. Tôi nói để tôi bẩm lại với bà rồi sẽ làm tờ bẩm.
– Mầy muốn bẩm giống gì đó?
– Bẩm bà, con vợ thằng Cai tuần Bưởi khốn nạn lắm. Tôi biểu nó làm khai mà nó cứ khai cậu Hai trai gái với em chồng nó hoài. Từ hồi trưa, đến giờ tôi đánh vả nó sưng mặt mà nó cũng cứ nói vậy mãi. Tôi giận đóng trăng hai chân, tôi bỏ nó nằm dưới.
Mợ Hai lồm cồm ngồi dậy nói rằng:
– Thì lấy em chồng nó, nó khai lấy em chồng nó chớ sao. Tôi không có giận con vợ thằng Bưởi. Tôi giận ở nhà tôi với con em thằng Bưởi lắm. Hương quản có bắt em thằng Bưởi mà đóng trăng lại hay không?
Hương quản nghe hỏi vậy thì chưng hửng nên đứng lơ láo không biết sao mà trả lời. Bà Cai ngồi dậy nói rằng:
– Con đó có nói giống gì đâu mà đóng trăng nó.
– Nó là quân ăn mày, sao nó cả gan dám lấy chồng tôi. Để tôi xuống tôi xé trứng nó cho nó coi.
Bà Cai hết nói nữa được. Hương quản bước ra cửa nhả bã trầu rồi trở vô hỏi bà Cai:
– Bẩm bà, hồi trưa tôi gặp thằng Cai tuần Bưởi ở trên nầy đi về, nó nói lên lạy bà với cậu Hai mợ Hai mà xin lỗi cho vợ nó, không biết có thiệt như vậy hay không?
– Có. Nó lên nó lạy nó khóc đây. Tao chửi nát nước rồi nó trốn về mất.
– Bẩm bà, vợ chồng nó bà muốn giết chừng nào lại không được. Con vợ nó nói bậy bạ, bỏ tù cũng là đáng lắm. Ngặt vì tôi thấy cái thân phận thằng Cai tuần Bưởi tội nghiệp quá. Nó gặt nửa chừng lúa còn ê hề. Còn trong nhà con lít nhít cả bầy. Nếu làm cho vợ nó ngồi tù, thì tội nghiệp cho nó. Xin bà với mợ Hai rộng lượng bao dung cho nó một lần cho nó nhờ.
– Mầy binh nó hay sao, quân đó mà còn thương nỗi gì?
– Bẩm bà, không phải tôi binh.
– Không phải binh sao mầy xin lỗi cho nó?
– Bẩm bà, tôi nghĩ giải nó cũng khó lắm. Hễ giải thì vợ thằng Bưởi ở tù rồi. Ngặt vì tôi sợ nó lên trên Tòa nó nói bậy nói bạ hoài, mang tai tiếng cho cậu Hai thêm nữa.
Mợ Hai vọt miệng đáp:
– Thây kệ, giải nó đi, đặng đến giữa mặt quan nó khai cho mang xấu chơi. Sợ giống gì. Làm như vậy một lần cho tởn đến già.
– Thưa mợ, mợ nói vậy sao phải. Có việc gì thà là ở trong nhà mà xử, chớ có lẽ đâu lại cho thiên hạ biết làm chi.
– Việc đã rùm beng rồi, còn giấu ai nữa chớ.
– Có chi đâu mà rùm beng. Hồi trưa tôi tra khảo nó thì tôi đóng cửa nhà việc lại, tôi có cho ai nghe đâu. Xin bà với mợ Hai cho phép tôi phạt trăng nó ít bữa tại nhà việc mà răn nó rồi tha nó. Làm như vậy cũng đủ khiếp vía nó rồi, mà cậu Hai cũng khỏi mang tiếng chi hết.
Bà Cai thấm ý, ngồi suy nghĩ một hồi rồi mới nói rằng:
– Đồ khốn nạn, nó nói bậy nói bạ, tao muốn cho nó ở tù đặng nó biết chừng. Mà thằng Hương quản, mầy nói như vậy, thôi tao cũng dung cho nó một lần. Nếu nó còn dại nữa rồi tao sẽ giết nó, chừng đó hết than trời trách đất.
Mợ Hai cùng quằng nói rằng:
– Má tha chớ tôi không tha. Mà như có tha cho con vợ thằng Bưởi thì phải bỏ tù con em nó cho tôi.
– Thôi con. Mình bỏ tù vợ thằng Bưởi thì được rồi, mà con nó ở nhà liu chiu lít chít tội nghiệp. Còn con em thằng Bưởi nó có nói giống gì đâu. Chừng nào nó nói giống gì thì nó sẽ biết tay má.
– Tôi giận con đó lắm. Tôi muốn thấy tuồng mặt con đó coi nó ra làm sao.
– Thôi, con. Má xin con việc đó, nếu con rầy rà hoài thì xấu chồng con, chớ không ích gì.
– Thôi, má đuổi thằng Bưởi phải dỡ nhà đi liền bây giờ đi, đừng cho nó ở trong điền trong đất nhà mình nữa.
– Phải, để nó đong lúa ruộng rồi sẽ hay. Má biết, con không cần lo việc ấy. Thứ đồ như vậy mà còn cho mướn ruộng và cho ở trong đất làm chi nữa.
Hương quản Kim thấy bà Cai với mợ Hai đã nhận lời mình xin rồi thì mừng nên lật đật từ mà về, sáng bữa sau xuống nhà việc kêu Cai tuần Bưởi lại mà rằng:
– Vợ chồng bây làm thất công tao quá! Hồi hôm tao năn nỉ hết sức bà mới chịu tha tù cho vợ mầy. Bà dạy tao phải phạt trăng nó 8 bữa tại nhà việc cho nó khiếp sợ, sau đừng có ngu như vậy nữa. Thôi mầy phải lên mà lạy bà với mợ mà cám ơn đi.
Người ta hiếp đáp mà Cai tuần Bưởi không hiểu, tưởng người ta làm ơn, nên cúi đầu lạy Hương quản rồi lật đật đi lên nhà bà Cai mà lạy nữa.
Thằng Cu tối rảnh xuống nhà việc thăm Thị Tố, Thị Tố buồn nên nói hết công chuyện cho nó nghe. Nó hay con Lựu đau mà không tiền uống thuốc, nó về hỏi chủ lãnh 20 đồng bạc rồi lén đưa cho thầy Hoằng làm một tễ thuốc cho con Lựu.
Đến 30 Tết, Hương quản Kim mới tha Thị Tố về. Thầy Hoằng đem tễ thuốc lại mà đưa. Thị Tố chưng hửng, hỏi thầy Hoằng rằng:
– Ai đưa bạc cho thầy làm đây?
– Thằng Cu chớ ai. Nó đưa bữa hổm, nó nói bạc của thím mượn nó đem giùm lại cho tôi. Sao thím hỏi kỳ vậy?
Thị Tố hiểu rồi, nên gật đầu nói rằng:
– Phải a, tôi biểu nó mà tôi quên chớ.
Qua rằm tháng giêng, Cai tuần Bưởi đạp lúa xong rồi, mới mướn xe bò xe 300 giạ lên đong lúa cho bà Cai. Vì anh ta có tịch, sợ bà Cai hoặc mợ Hai ghét rồi bắt chặt bắt lỏng, bởi vậy anh ta giê lúa thật sạch, không dám để một hột lúa lép. Tuy vậy mà lúc đong lúa cũng không khỏi bị mợ Hai mắng nhiếc tưng bừng. Đong được phân nữa rồi, mợ Hai làm gắt buộc phải gánh ra sân mà giê[1] lại, làm cho Cai tuần Bưởi phải thất công hết một ngày, phải mướn một người phụ mà giê, rồi lại phải về gánh lên 5 giạ nữa mới đủ đong.
Cai tuần Bưởi bị mắng nhiếc không dám cự, bị bó buộc không dám phiền, ấy là anh ta nghĩ mình ráng chịu đấm ăn xôi, chớ nếu nói đi nói lại, người ta không cho mướn ruộng nữa, rồi làm sao mà nuôi con, nuôi vợ. Ðã nhịn nhục hết sức, mà cũng không khỏi mang hại, nghĩ cái nghèo nó dở không biết chừng nào, chớ chi mà anh ta giàu, ai nói oan ức anh ta cự lại thì chẳng những là không có họa gì mà thôi, mà người ta còn kính sợ mình nữa. . .
Khi đong lúa đủ rồi, Cai tuần Bưởi lên nhà trên thưa với chủ điền mà về. Cậu Hai Nghĩa bèn nói rằng:
– Nầy, năm nay tao lấy ruộng lại mà cho người khác làm, tao không cho mầy mướn nữa. Tao nói trước cho mầy biết đặng có đi hỏi ruộng của chủ khác mà mướn lần đi.
Cai tuần Bưởi đứng ngẩn ngơ, không biết làm sao mà nói cho được. Mợ Hai lại nói tiếp:
– Mầy cũng phải dỡ nhà đi kiếm chỗ đất khác cất mà ở, tao không cho ở trong đất tao nữa. Nội trong tháng giêng nầy phải đi đa, nếu còn ở đó tao sai bầy trẻ xuống cào nhà quăng xuống vũng nói cho mà biết.
Cai tuần Bưởi ngó bà Cai rưng rưng nước mắt, trong ý trông coi bà có thương con nhà nghèo mà can đâu dứt con hay không, nào dè bà ngồi tự nhiên, không thèm ngó anh ta mà cũng không thèm nói tiếng chi hết. Anh ta thấy vậy mới nói rằng:
– Thưa cậu mợ, xin cậu mợ thương tôi, chớ lấy ruộng lại rồi tôi làm sao.
Mợ Hai nạt rằng:
– Mầy làm sao thây kệ mầy chớ! Tao nói rồi a, nội tháng giêng nầy phải ra cho khỏi đất tao; nếu cãi lời rồi coi.
Cậu Hai bỏ đi vô buồng không thèm nói nữa. Tuy Cai tuần Bưởi thiệt thà, nhưng mà anh ta cũng hiểu tại cớ nào mà người ta đuổi mình và lấy ruộng lại, anh ta nghĩ dầu năn nỉ đến mấy cũng vô ích, bởi vậy anh ta xá bà và mợ về liền. Khi về đến nhà, Thị Tố thấy sắc mặt anh không vui thì hỏi:
– Thêm 5 giạ nữa đó mà đong cũng chưa đủ hay sao? Thôi, biểu họ xuống gánh hết lúa của mình về trển cho vừa lòng họ.
– Đong đủ rồi, mà người ta lấy ruộng lại, không cho mình làm nữa.
– Ủa, mình có thiếu lúa ruộng đâu mà lấy ruộng lại.
– Họ đã lấy ruộng lại, mà họ còn đuổi phải dỡ nhà mà đi liền nữa chớ!
Thị Tố nghe nói nổi giận, ngồi lặng thinh một hồi rồi lầm bầm nói rằng:
– Quân ác thiệt! vậy mà trời đất cho họ giàu có làm chi không biết!
Cai tuần Bưởi xịu mặt nói rằng:
– Tại mình hết thảy! Mình làm lắm chuyện nên bây giờ mới ra nông nỗi nầy đó.
– Phải, tại tôi thiệt. Mà tại họ nói như giống gì đâu, biểu tôi nín sao được.
– Một câu nhịn là chín câu lành. Phận mình nghèo, ăn thua với người ta sao nổi mà sanh sự. Đó, bây giờ người ta đuổi, mình biết đi đâu mà ở nè?
– Ôi! Thiếu gì chỗ ở mà lo, cần gì phải bái quỵ thứ đồ như vậy.
– Chỗ nào đâu mình thử chỉ coi? Dỡ nhà mà đi dễ lắm sao? Mà đi ở chỗ khác rồi ruộng đâu mà làm?
– Mấy nguời họ không ở trong đất, không làm ruộng của bà Cai, họ chết đói hết hay sao? Mà bà Cai đuổi mình hay là ai đuổi đó?
– Cậu Hai, mợ Hai.
– Cậu Hai cũng đuổi nữa hay sao?
– Chớ sao?
– Khốn nạn quá! Mắc thờ bà mà quên hết nhơn nghĩa! Tôi muốn lên tôi xài nó một lần nữa, coi nó giỏi nó làm giống gì tôi nó làm đi.
– Thôi, thôi, đừng có nhiều chuyện nữa, mình muốn giết tôi đa há? Đã một lần rồi mà chưa tởn hay sao? Ðể cho tôi kiếm đất tôi hỏi đặng có đi ở chỗ khác chớ đừng có sanh chuyện mà báo hại tôi.
– Mình sợ họ quá, thiệt tức tôi không biết chừng nào.
– Họ giàu, mình nghèo, không sợ sao được, nói nghe kỳ không kìa!
– Tưởng họ giàu mà họ giúp đỡ mình đồng nào đó hay sao mà sợ. Họ giàu họ lấy em mình cho có con rồi họ bỏ, mình giận mình nói, họ oán họ lấy ruộng lại, đuổi mình phải dỡ nhà mà đi, giàu như vậy mà sợ cái gì.
– Thôi, tôi xin mình đừng có nhắc tới chuyện đó nữa. Tại mình dại mình để em mình cho người ta lấy thì chịu, mình trách người ta nỗi gì. . . Tôi thấy đất của cậu Thôn Tá có cái nền nhà cũ của thằng Thình còn bỏ trống. Thôi để mai tôi qua tôi hỏi đặng dỡ nhà về đó cất mà ở cho êm, rồi thủng thẳng kiếm ruộng người khác mướn mà làm. Nhịn thua phứt cho rồi công chuyện ấy đi là hơn.
Thị Tố cùng quằng bỏ đi xuống nhà dưới nấu cơm, không thèm nói nữa.
Sáng hôm sau, Cai tuần Bưởi qua nhà Thôn Tá năn nỉ hỏi cái nền nhà của thằng Thình mà ở. Thôn Tá khá có mấy mẫu đất hương hỏa của ông bà để lại, nên làm đủ ăn. Anh ta nghe Cai tuần Bưởi năn nỉ thì thương, nên chịu cho ở trên cái nền nhà cũ bỏ trống đó.
Cai tuần Bưởi làm ruộng mùa nầy, đong lúa và trả vặt vạnh rồi còn dư được một thiên[2] rưỡi lúa, anh ta mới bán lúa ấy, rồi mướn hai người phụ triệt nhà đặng đem qua cất bên Thôn Tá. Nhà trên dỡ rồi thì Thôn Tá cho kêu qua mà nói:
– Nầy, em Cai tuần, việc nầy khó quá em ơi!
– Việc chi mà khó, cậu Thôn.
– Hôm trước em hỏi cái nền nhà đặng em cất nhà em ở. Qua thấy em thiệt thà qua thương, nên qua nhận lời. Bữa nay bà Cai kêu qua lên bà rầy lung quá. Bà hỏi vậy chớ muốn cự địch với bà hay sao mà bà giận bà đuổi em, qua lại dám chứa em trong đất. Qua nói qua không hay chuyện gì hết, qua có một cái nền nhà bỏ trống, em tới em hỏi nên qua cho, chớ qua không dám cự địch với bà. Bà nạt qua, bà nói: “Mầy giỏi mầy chứa thằng Bưởi, rồi mầy biết tay tao”. Em nghe đó mà coi, chuyện bà Cai giận hờn em làm sao qua có biết đâu, qua thấy em qua thương nên qua hứa để cái nền nhà cho em ở, mà bây giờ bà nói như vậy thì khó cho qua quá. Em liệu làm sao?
– Thưa cậu, xin cậu thương giùm tôi, chớ tôi có biết liệu làm sao bây giờ.
– Không phải là qua không thương em, nếu qua không thương thì hôm trước em hỏi qua có cho đâu. Ngặt vì bà Cai nói như vậy đó, hễ cho em đất thì bà nói qua binh em, bà ghét qua rồi qua làm sao mà ở cho yên được. Thôi, qua khuyên em kiếm đất khác hỏi mà ở thì tiện hơn.
– Tôi dỡ nhà lỡ rồi, bây giờ hỏi đất ai cho kịp. Lại biết hỏi được hay không.
– Thiệt đó chớ! Nếu qua cho em ở mà bà giận bà rầy qua, thì trong làng nầy có ai mà dám chứa em. Thiệt là tội nghiệp cho em quá! Biết làm sao bây giờ!
Cai tuần Bưởi ngồi rưng rưng nước mắt, không biết liệu sao cho được. Thôn Tá thấy vậy thì động lòng, nhưng vì cái quyền thế nó mạnh hơn cái thương nhà nghèo, bởi vậy anh ta chắc lưỡi châu mày, song không dám biểu Cai tuần Bưởi “Cứ về đất qua mà ở, ai giỏi làm gì thì làm đi”, mà lại khuyên Cai tuần Bưởi “Thôi, đi kiếm chỗ khác mà lánh thân cho xong, chớ cự với bà Cai không dễ gì đâu”.
Cai tuần Bưởi về nhà tỏ lại sự ấy cho vợ và em nghe. Con Lựu khóc lóc nói:
– Vì em mà anh Hai chị Hai bị người ta giận dữ, mắng nhiếc, đuổi xô, em nghĩ thiệt em muốn chết phức cho rồi.
Thị Tố phủi đít đứng dậy nói rằng:
– Hứ! Chuyện gì mà phải chết kia! Sống mà coi họ giàu cho đời, sống mà coi họ ỷ được như vậy luôn luôn hay không chớ! Không cần gì hết, ở đây không được thì lên trên Bình Phú Tây mà ở, họ giỏi họ theo lên đó họ đuổi được nữa, tôi mới sợ. Miếng đất của thằng Rạng cũng rộng, nó ở phía trước, còn phía sau nó trồng chuối bậy bạ, không thâu về huê lợi nhiều cho lắm. Mình lên đó mình hỏi nó rồi về trển cất nhà mà ở.
Cai tuần Bưởi ngồi ngẫm nghĩ một lát rồi thở ra mà nói rằng:
– Hỏi thì chắc nó cho rồi, ngăt vì về trển mà ở rồi ruộng đâu mà làm?
– Vậy chớ mình ở đây rồi ruộng nương đâu mà làm?
– Không biết chừng cậu Hai mợ Hai nói vậy, chớ lẽ nào lấy ruộng lại thiệt sao?
– Cũng còn cậu Hai mợ Hai nữa! Người ta đã đuổi rồi mà cũng chưa biết thân! Tôi biểu mình nghe lời tôi, lên hỏi đất thằng Rạng đi, đừng thèm uật lỵ ai nữa hết, lên trển ở rồi mượn thằng Rạng nó mướn đất cho mà làm. Thứ làm mọi cho họ, chỗ nào lại không được mà lo kia.
– Nó là em út, mà bây giờ mình nguy, mình về nương tựa với nó coi kỳ quá, vì vậy nên tôi không muốn.
– À ạ! Mình sợ về theo quê vợ người ta chê cười, phải không? Dữ hôn! Họ giàu lớn xộm, mà họ còn chui đầu bợ đỡ mà nhờ bên vợ đó sao. Mình nghèo ai cười mà sợ. Huống chi thằng Rạng giàu có gì đâu, còn mình về trển rồi mình lo làm ăn, chớ mình xin của nó mà ăn hay sao mà họ cười?
Cai tuần Bưởi cùng thế rồi, nên cực chẳng đã phải nghe lời vợ mà đi lên Bình Phú Tây. Thằng Ba Rạng là em của Thị Tố, năm nay nó được hai tám tuổi, cưới vợ từ lâu mà chưa có con. Nó có hai chị em mà thôi. Khi cha mẹ chết có để cho nó được hai thiên lúa với ba con trâu. Nó kế nghiệp của cha mà làm hai dãy ruộng Chánh bái Tam, nhờ trúng mùa hai ba năm nên nó mua được một vuông thổ trạch hơn năm mươi sào, mà ở gần ngã ba tẻ ra chợ Dinh.
Cai tuần Bưởi lên tỏ thiệt đầu đuôi chuyện mình lại cho vợ chồng Ba Rạng nghe. Ba Rạng tánh ý cứng cỏi cũng như chị, bởi vậy nghe anh rể bị người ta hiếp đáp thì lấy làm bất bình nên nói rằng:
– Đồ bất nhơn bất nghĩa như vậy mà anh nhịn nó được, thiệt tôi tức quá. Anh về coi ai mua nhà thì anh bán phứt đi, rồi lên đây ở với tôi. Nhà tôi rộng, anh ở đậu rồi thủng thẳng mua cây lá cất mà ở riêng. Miếng đất tôi còn trống đó, anh muốn cất chỗ nào cũng được. Ai có giỏi muốn nói tiếng gì thì lên đây nói thử cho tôi nghe.
Ba Rạng cầm anh rể ở chơi tới ăn cơm chiều rồi mới về. Trời chạng vạng tối, Cai tuần Bưởi mới về tới Đập Ông Canh. Khi bước vô nhà, thì thấy thằng Cu đương ngồi nói chuyện với Thị Tố, còn con Lựu thì đương nằm trên võng mà dỗ con. Anh ta thuật lại những lời của Ba Rạng lại cho vợ nghe. Thị Tố nói rằng:
– Đó, mình còn cãi với tôi nữa thôi hử? Có phải thằng Rạng nó cũng nói như vậy hay không. Tôi nói về trển mà ở thì tiện hơn hết mà. Thôi, sáng mai mình đi hỏi bà con trong xóm, coi ai chịu mua cây lá mình bán phứt đi. Về trển rồi mình mua cây lá khác cất nhà mới mà ở, chớ bây giờ chở những đồ nầy không dễ gì đâu.
Cai tuần Bưởi thở ra mà đáp rằng:
– Bây giờ bán có mấy đồng tiền, rồi về trển mua đồ mới thì mắc quá.
– Mấy đồng cũng bán.
– Sợ họ không mua.
– Như họ không mua thì chất lửa mà đốt, rồi chở đồ đi không cần gì.
– Đốt đâu mà uổng vậy. Khéo nói bậy! Thôi! Để mai tôi kiếm họ tôi bán thử coi. . . Còn mình nói hôm tháng chạp thằng Cu nó có cho mượn 20 đồng bạc đặng làm tễ thuốc cho con Lựu uống. Bữa nay có nó xuống đây, thôi mình thối bạc lại cho nó, chớ để mình đi về trển rồi trở xuống mà trả thì thất công, mà để lâu em út nó phiền.
Thằng Cu đứng dậy nói rằng:
– Để đó anh Hai. Tôi xuống thăm anh, chớ có phải tôi đi đòi tiền bạc gì hay sao.
– Hồi túng em út cho mượn. Bây giờ bán lúa rồi thì trả chớ để cù nhầy sao cho phải. May quá, nhờ có em cho mượn bạc mới có thuốc cho con Lựu uống, bữa nay nó mới mạnh đó đa.
– Tôi không hay bà Cai đuổi anh. Tôi xuống thình lình, tôi thấy nhà trên đã dỡ tan tành, tôi hỏi chị Hai chỉ nói tôi mới hay. Lúc nầy anh đương nguy, anh để số bạc đó mà dùng. Không hại gì đâu, chừng nào anh khá rồi anh sẽ trả, bây giờ tôi cũng gởi cho chủ tôi, chớ tôi có cần dùng làm việc gì đâu.
– Em nói như vậy qua rất cám ơn. Qua mới bán một thiên rưỡi lúa được 90 đồng bạc, qua có tiền, nên qua muốn trả dứt cho rồi, đặng đi cho khỏi dính dấp chỗ nào hết.
– Người ta kia, chớ tôi với anh mà anh ái ngại nỗi gì. Anh trả cho tôi thì tôi phiền lắm. Thôi, anh cất giùm đó cho tôi, chừng nào tôi cần dùng, tôi sẽ lên tôi lấy.
– Trời ơi! Bây giờ qua có sẵn tiền, qua trả, em không chịu lấy, qua biết làm sao?
– Tôi nói không hại gì mà, anh đừng e ngại. Chừng nào anh giàu rồi anh sẽ trả.
Thị Tố thấy thằng Cu thiệt tình thì chị ta cũng tiếp với nó khuyên chồng thôi để cất 20 đồng bạc đó giùm nó, chừng nào nó cần dùng nó hỏi rồi sẽ trả.
Thằng Cu không nói chuyện chi lạ, nhưng mà nó chà lết ở chơi cho đến trống nhà việc canh ba rồi nó mới chịu về.
Qua ngày sau, Cai tuần Bưởi đi cùng xóm mà hỏi, song không có một người nào chịu mua nhà của anh hết. Anh ta tới nhà nào coi ý người ta cũng thương mến, nhưng chẳng hề có người nào dám mở miệng trách bà Cai hoặc vợ chồng cậu Hai Nghĩa. Anh ta buồn thảm, về than với vợ rồi mướn xe bò thủng thẳng chở đồ đạc cây lá mà đem hết lên làng Bình Phú Tây. Thị Tố dắt sắp nhỏ với mẹ con con Lựu đã đi trước rồi, Cai tuần Bưởi đợi xe chở hết đồ đạc sẽ đi sau. Cái xe chuyến chót, Cai tuần Bưởi đi theo. Khi ra khỏi xóm anh ta gặp thằng Cu thì nói rằng:
– Thôi, em ở dưới nầy mạnh giỏi.
– Tôi nghe nói bữa nay anh đi, nên tôi xin phép chủ tôi đặng đưa anh lên trển cho biết chỗ anh ở, sau có nhớ thì lên thăm anh chơi.
Cai tuần Bưởi cảm động quá, song anh ta không nói chi hết cứ ngó xuống đất mà đi.
Thằng Cu đi theo, nó cũng lặng thinh không biết chuyện chi mà nói. Cai tuần Bưởi đi một khúc xa rồi, anh ta đứng lại ngó về xóm Đập Ông Canh, hai hàng nước mắt rưng rưng mà nói: “Sanh đẻ tại đó, từ nhỏ chí lớn ở tại đó, mồ mả cha mẹ cũng còn ở tại đó; thế mà phải thắt ruột bỏ đi như vầy thì thiệt đứt ruột bầm gan”.
Thằng Cu nghe lời than như vậy thì xúc động trong lòng, song nó không biết lấy tiếng chi mà khuyên giải, nên lặng thinh một hồi rồi lại nói: “Phận mình nghèo hèn thì phải chịu vậy, chớ biết làm sao bây giờ! Anh đi mà có vợ con em út, tôi ở nhà trơ trọi một mình, nghĩ thiệt buồn chớ anh!”
Cai tuần Bưởi không muốn ở chung chạ, nên chở đồ về Bình Phú Tây rồi mướn người làm phụ mà cất nhà liền. Trong mười bữa đã thấy một căn nhà lá ba gian ở phía sau nhà của Ba Rạng, day cửa ra ruộng.
Ba Rạng muốn kiếm mướn dùm vài dây ruộng cho anh rể làm, ngặt vì hỏi trễ, ruộng chỗ nào người ta cũng cho mướn rồi hết, nên anh ta mướn không được. Anh ta sợ anh rể buồn, mới tính nhín để bớt một dây ruộng của mình làm xưa nay đó cho anh rể làm. Cai tuần Bưởi không muốn em út vì mình mà phải thiệt hại trong sự làm ăn, nên anh ta không chịu, nói rằng như lỡ mùa rồi thì đi đâu làm mướn đỡ một năm, chờ mùa tới rồi sẽ tính.
Cai tuần Bưởi dọn dẹp nhà cửa cho vợ con ở yên rồi, mới tuốt vô chợ Giồng Ông Huê kiếm chỗ ở mướn chèo ghe lúa. Ông Ba Thơ là người chuyên nghề mua lúa xay ra gạo rồi chở lên Chợ Lớn mà bán. Nhà ông có hai ghe cui để chở lúa gạo. Vì Cai tuần Bưởi đã đi ghe cho lái ở Ụ Giữa, bởi vậy tài công của Ba Thơ biết mặt, nên anh ta vô xin ở đi ghe thì người ta mướn liền.
Cai tuần Bưởi đi ghe lãnh tiền từng chuyến, chớ không phải lãnh tháng. Mỗi chuyến chừng bốn bữa, lãnh được một đồng hai cắc. Chuyến nào cũng vậy, hễ ghe về tới lãnh tiền rồi thì tuốt về Bình Phú Tây mà thăm nhà và đưa tiền cho vợ.
Anh ta đi được bốn năm chuyến rồi. Có một lần nọ, lối giữa tháng ba, ghe gạo lên tới xóm củi mới ba giờ chiều, chủ ghe đi chịu giá xong rồi, song tào khậu[3] biểu sáng bữa sau mới cân gạo. Buổi chiều ấy bạn ở không, nên ăn cơm rồi Cai tuần Bưởi mới đi với hai người bạn qua Chợ Lớn chơi.
Qua cầu Chà Và rồi dắt nhau lại coi xe lửa. Nhà quê ra chợ thấy cái gì cũng ngó hết thảy, ngó xe kéo, ngó xe mui, ngó chệt gánh hàng, ngó đủ thứ. Coi xe lửa đã rồi, ba người mới đi lần lên đường Quảng Tống Cái.
Lúc ấy trong Nam chưa có xe hơi nhiều như bây giờ, mà có cái nào thì chỉ chạy Sài Gòn-Chợ Lớn chớ dưới mấy tỉnh không có đường, nên không chạy được. Cai tuần Bưởi với hai người bạn kia thuở nay chưa thấy xe hơi làm sao, mà cũng chưa ai nghe nói tới vật ấy. Ba người đi trên đường Quảng Tống Cái, thình lình thấy cái xe hơi đậu dựa lề, trên có người trai đương hút thuốc. Ba người chưa biết xe gì mà hình dáng coi kỳ cục quá nên xúm lại đứng chung quanh mà coi, rồi cãi lẫy với nhau, người thì nói chừng muốn chạy thì người ta sẽ bắt kế ngựa vô, kẻ lại nói có lẽ người ta chạy bằng máy, chớ có chỗ nào đâu bắt ngựa cho được. Ba người trầm trồ cãi cọ với nhau một hồi rồi Cai tuần Bưởi bước lại hỏi người trên xe rằng:
– Chú nè, không biết xe gì mà kỳ cục vậy chú hả? Làm sao mà chạy?
Người ngồi trên xe day lại ngó trân trân, rồi mở cửa xe hơi leo xuống vừa nói rằng:
– Ủa! Anh Hai! Anh đi đâu trên nầy?
Cai tuần Bưởi chưng hửng đứng nhìn người ấy rồi cũng nói:
– Ủa! Cam! Cha chả! Mấy năm nay mầy làm giống gì ở đâu? Mà biệt tăm biệt tích vậy hử?
Thiệt người nầy là Ba Cam, em ruột của Cai tuần Bưởi. Ba Cam mặc bộ đồ tây kaki, đầu đội kết đen, chân đi giày cao su trắng. Anh ta lấy kết cầm trong tay cười ngỏn nghẻn mà đáp:
– Mấy năm nay tôi ở trên nầy chớ đâu. Tôi cầm bánh[4] xe hơi cho ông thầy kiện Tô Lê ngoài Sài Gòn. Anh đi đâu lên trên nầy?
– Ờ, tao đi ghe gạo.
– Ghe gạo của ai?
– Của Ba Thơ trong chợ Giồng.
– Anh chèo ghe mướn hay sao? Sao anh không làm ruộng nữa?
– Ôi! Thôi, đừng có hỏi. Ruộng đâu mà làm! Bà Cai bả giận tao, bả lấy ruộng lại rồi bả còn đuổi không cho ở trong đất. Tao giở nhà về trên Bình Phú Tây từ hôm tháng giêng tới nay.
– Anh về theo bên chị Hai phải không?
– Ừ, tao cất nhà ở chỗ nhà thằng Ba Rạng.
– Ngang ngã ba ra chợ Dinh đó phải không?
– Phải đa.
– Năm nay anh được mấy đứa con vậy anh Hai?
– Năm đứa.
– Dữ hôn! Hồi tôi trốn đi thì anh có một đứa, với chị Hai đương có chửa, mà bây giờ anh tới năm đứa lận. Còn con Lựu năm nay chắc nó lớn đại, anh gả nó lấy chồng hay chưa?
Cai tuần Bưởi nghe hỏi tới câu đó thì ú ớ không biết sao mà trả lời, nên nói bướng một tiếng “chưa” nhỏ nhỏ, rồi day lại ngó hai người bạn đi theo đó mà nói rằng:
– Thằng nầy em ruột tôi.
Ba Cam thò trong túi móc ra một gói thuốc lá, rồi đưa cho mỗi người một điếu và hỏi rằng:
– Anh năm nay khá không anh Hai?
– Khá giống gì! Phải khá thì tao khỏi đi ghe. Mùa rồi dư được một thiên mấy lúa, kế bị dời nhà dời cửa tốn hao lung quá, còn khá giống gì được. Mấy năm nay mầy đi vậy mà có kiếm vợ con gì hay chưa?
– Chưa. Tôi không thèm cưới vợ. Có vợ có con cực lắm. Ở một mình làm có nhiều ăn nhiều, có ít ăn ít cho sướng thân.
– Sao mầy lọt lên trên nầy vậy, tao cứ tưởng đâu mầy còn ở dưới Gò Công chớ.
– Hồi tôi mới đi thì tôi xuống Gò Công. Tôi ở được chừng một tháng rồi tôi tuốt lên Chợ Lớn. Ban đầu tôi ở giữ ngựa cho họ. Sau tôi nghe ông thầy kiện, là ông chủ tôi làm bây giờ đó, ổng nuôi ngựa đua ổng cần mướn một đứa săn sóc ngựa. Tôi xin ở, hồi năm ngoái ổng muốn sắm xe hơi, ổng cho tôi xuống hãng xe cầm bánh. Tôi học ba tháng thành thuộc rồi, ổng mới mua xe đặng tôi đi cho ổng.
– Té ra cái nầy kêu là xe hơi hay sao?
– Phải. Xe hơi.
– Bất nhơn dữ hôn! Không có ngựa, không có gì hết, rồi làm sao mà chạy được?
– Có máy chớ. Cái đầu máy nè.
Ba Cam vừa nói vừa mở ca-bô[5] lên đặng bày dàn máy cho anh coi. Cai tuần Bưởi ngoắc hai người kia lại mà nói rằng:
– Đó thấy chưa? Hồi nãy tôi nói có máy mà hai người cứ cãi hoài. . . Ủa!Mà cũng kỳ chớ! Máy ở phía sau nó đẩy xe chạy mới phải, chớ để trước đầu rồi làm sao há?
– Ba Cam cười mà nói:
– Để đâu chạy lại không được, ăn thua tại ạp-la-cam[6], với đíp-răn-xên[7], làm cho rút mấy bánh phải lăn, chớ phải là đẩy đâu.
– Đâu mầy cắt nghĩa tao nghe thử coi.
– Anh không thạo máy móc, cắt nghĩa anh hiểu sao nổi.
– Ậy, mầy nói tao nghe thử coi.
– Đây nè, hễ mình quay một cái thì điển khí trong ma-nhê-tô[8] đây đó xẹt qua bu-ri[9]. Dầu xăng bên nầy phà qua, gặp điển khí nó nổ, làm cho bốn bít-tông[10] ở trong phải trồi lên sụt xuống. Hễ mình đạp ga cho xăng nhiều thì xe chạy mau còn mình thôi đạp, thì tắt máy. Mấy anh hiểu chưa?
– Hiểu, hiểu rồi, mà điều không biết tại làm sao cái máy ở phía trước mà cái xe chạy được.
– Trời ơi, vậy mà anh nói biết chớ. Thôi chỉ cho anh coi chơi một chút vậy thôi. Việc máy móc khó lắm, anh hiểu không nổi đâu. Anh lên đây rồi chừng nào về? Tôi muốn dắt anh ra ngoài chỗ tôi quá.
– Thôi, để khi khác. Tao đi chơi một lát rồi xuống ghe nghỉ đặng sáng mai cất gạo lên cho sớm. Tối tao phải canh ghe với người ta, bỏ đi chơi sao được. Hễ mai cất gạo lên rồi thì lui ghe liền.
Ba Cam bỏ cái ca-bô xuống mà gài lại. Lúc ấy có một người Tây và một người khách trú[11] ở trong tiệm bước ra. Ba Cam nói: “Ông chủ tôi ra kìa”. Bưởi với hai người kia lật đật dang ra. Ba Cam móc túi lấy hai đồng bạc mà đưa cho Bưởi và nói rằng: “Thôi anh về mạnh giỏi anh Hai. Đây, anh lấy vài đồng bạc đây mà mua bánh đem về cho sắp nhỏ. Không biết chừng ít ngày nữa tôi xin phép về thăm. Anh nói giùm tôi gởi lời thăm chị Hai và con Lựu nhớ nha anh”.
Ông thầy kiện nắm cánh cửa muốn bước lên xe, kế ổng thấy Ba Cam nói lăng líu với Bưởi thì ổng ngừng lại ổng ngó rồi ổng nói tiếng tây giống gì đó với Ba Cam không biết. Ba Cam cũng nói tiếng tây với ổng, rồi ổng ngó Bưởi ổng cười và lên xe mà ngồi với người khách trú. Ba Cam quay vài cái, máy kêu rồ rồ, rồi cái xe rút chạy, bóp kèn nghe te te, người đi đường bèn vẹt ra hai bên lề để tránh. Cai tuần Bưởi với hai người trân trân ngó sững, coi bộ như người trên cung trăng rớt xuống.
Cai tuần Bưởi đi chuyến ghe đó về thuật chuyện gặp Ba Cam cho vợ nghe và khoe mình được thấy chiếc xe hơi là một thứ xe lạ lùng thuở nay ở miệt Nam chưa có, Thị Tố hỏi:
– Mình gặp nó mà mình có hỏi thăm coi năm nay nó làm ăn có khá hay không?
– Cha chả! Tôi quên hỏi. Gặp nhau mắc nói chuyện nầy chuyện kia lăng xăng, ai nhớ cho hết được. Mà coi bộ nó khá lắm. Có đi giày, bận đồ Tây, coi tử tế lắm. Nó nói tiếng Tây cũng sõi nữa.
– Chà! Biết nói tiếng Tây nữa?
– Nó trâm với ông thầy Kiện nghe khoái quá. Nó nói bữa nào nó về thăm. Không biết nó nói thiệt hay nói dóc.
– Trời ơi! Nó tưởng mình còn ở dưới Đập Ông Canh, nó về đó rồi biết đâu mà kiếm.
– Tôi có nói mà. Tôi có chỉ chỗ mình ở. Nó nói biết. Bây giờ nó hẳn hòi lắm, chớ không phải như hồi nó còn nhỏ vậy đâu. Để nó về đây rồi mình coi. . . Nó có hỏi thăm con Lựu nữa. Nó hỏi tôi vậy chớ gả con Lựu lấy chồng hay chưa, tôi ngẩn ngơ không biết sao mà nói.
Con Lựu lúc nầy đã thiệt mạnh, da mặt ửng đỏ, gò má vun vun, chớ không phải mét mét như hồi sanh vậy nữa. Nó nghe anh Hai nó nói anh ba nó hỏi thăm nó có chồng hay chưa, thì nó buồn tủi phận nó, nên nó hỏi rằng:
– Anh có thuật chuyện nhà cho anh Ba nghe hay không?
– Không. Gặp nó có một chút mà nói giống gì được. Đã vậy lại mắc có hai người bạn đi chơi với tao họ đứng bên đó, làm sao mà nói.
– Hồi tôi còn nhỏ ảnh thương tôi lung lắm. Nếu ảnh về ảnh thấy tôi có con đố khỏi ảnh rầy tôi chết. Anh thấy bộ ảnh còn hung hăng, ham gây gỗ như hồi trước hay không anh Hai.
– Không mà. Bây giờ nó tề chỉnh ăn nói êm ả, dễ thương lắm mà.
– Nếu vậy thì bỏ xứ mà đi cũng có chỗ hữu ích chớ!
– Ích giống gì. Ở dưới nầy nó ở đợ, lên trển nó cũng ở đợ vậy chớ gì đó mà hữu ích.
– Mà lên trển ảnh sung sướng hơn.
– Phải. Ở trển coi bộ nó sung sướng hơn ở dưới nầy, mà xét cho kỹ thì cũng là ở đợ hết.
Con Lựu cười rồi bồng con đi dỗ ngủ, không cãi nữa.