Giới thiệu
Tập hồi ký “Hảo nữ Trung Hoa” của Hân Nhiên
“Hảo nữ Trung Hoa” là cái tên mà khi đọc lên, độc giả sẽ nghĩ đến những nữ anh hùng, những con người vĩ đại của đất nước Trung Hoa. Nhưng không, “Hảo nữ Trung Hoa” là tập hồi ký mà nhà báo Hân Nhiên đã thay những người phụ nữ vô danh ở khắp nơi trên đất nước Trung Quốc rộng lớn kể lại cuộc đời họ với mọi đau đớn và bi thảm.
“Hảo nữ Trung Hoa” là những góp nhặt của Hân Nhiên sau tám năm cô thực hiện chương trình phát thanh Gửi lời theo gió đêm. Tám năm ấy với hàng trăm ngàn bức thư từ thính giả là hàng trăm ngàn cuộc đời vương vất đâu đó trong cái guồng quay nghiệt ngã của sinh tồn.
Cuốn hồi ký gồm 15 chương, phản ánh Trung Quốc ở thời kỳ trước và sau Đại Cách mạng Văn hóa (kéo dài 10 năm từ tháng 5/1966 đến tháng 10/1976), tương ứng với 15 mảnh đời phụ nữ bất hạnh, xen lẫn trong đó có cả chuyện của chính tác giả và mẹ ruột cô. Những sự thật trần trụi lần lượt được Hân Nhiên phơi bày qua từng chương. Một cô bé bị cha ruột lạm dụng tình dục suốt tuổi ấu thơ và người duy nhất em yêu quý là “một con ruồi”, một “người đàn bà nhặt rác” cam phận nhìn đứa con trai mình một tay nuôi lớn, đến khi trưởng thành chọn cách ruồng bỏ người mẹ tội nghiệp.
Đọc “Hảo nữ Trung Hoa” ám ảnh người đọc vì một cô bé mười hai tuổi bị bắt cóc phải làm vợ một ông già; ám ảnh vì một cô gái bị cưỡng bức trong giai đoạn Cách mạng Văn hoá đã trở thành gái điếm để trả thù đàn ông; ám ảnh vì người mẹ tuyệt vọng chứng kiến con mình chết dần trong trận động đất Đường Sơn; ám ảnh vì giá trị rẻ mạt của những người phụ nữ nơi biên cương hẻo lánh…
Những câu chuyện Hân Nhiên đã kể thấm đẫm nước mắt và cả sự phẫn nộ trước cuộc sống bi thảm của những người phụ nữ bất kể họ là ai, bất kể họ giỏi giang hay ngu dốt, bất kể họ đẹp hay xấu. Cuộc đời họ là chuỗi ngày tra tấn đau đớn chỉ vì họ là phụ nữ.
Sách không dừng ở việc thuật lại những gì tác giả thu thập và tìm kiếm mà còn đan xen những câu hỏi nhức nhối của cô sinh viên thời đại mới dành cho Hân Nhiên. Có những điều khuất tất được giải đáp, nhưng đâu đó vẫn đầy những câu hỏi bị bỏ ngỏ. Im ắng như cách nhiều người phụ nữ Trung Hoa đã trải qua trong suốt phần đời của mình.
Mỗi người, khi đọc “Hảo nữ Trung Hoa”, sẽ rung động hoặc phẫn nộ trước một câu chuyện – một mảnh đời nào đó. Thì ra thế gian này vẫn còn có những con người phải chịu đựng như thế, thì ra thế gian này vẫn có những con người tàn nhẫn như thế. Nếu như quan niệm văn hoá thâm căn cố đế, hủ tục lạc hậu của người Trung Hoa đã dày xéo người phụ nữ cả ngàn năm thì đến tận hôm nay, trong cuộc sống hiện đại, nó vẫn như con quỷ vươn cánh tay đen tối dìm họ xuống bùn. Sống trở thành một loại tra tấn, gia đình trở thành địa ngục và một cô bé 11 tuổi làm mọi chuyện để mình bị bệnh, thậm chí chết trong bệnh viện, miễn sao không cần trở về với người cha đã lạm dụng cô và người mẹ khuyên cô “Vì sự bình an của cả gia đình, con phải gắng chịu đựng.”
“Hảo nữ Trung Hoa” đã vẽ lại hình ảnh một đất nước Trung Quốc khác, không phải đất nước vĩ đại với hàng ngàn năm văn hiến, cũng không phải đất nước với những kỳ quan kỳ vĩ khiến thế giới ngưỡng mộ. Trung Quốc của Hân Nhiên đầy rẫy những mảnh đời bị bỏ quên, những “hảo nữ” vẫn đang sống từng ngày trong đau thương – có người chịu đựng, có người đã bỏ cuộc nhưng nhiều người vẫn đang cố gắng vươn tới tương lai.
Hân Nhiên (Xinran) sinh năm 1958 tại Bắc Kinh. Bà là nhà báo, người dẫn chương trình Khinh Phong Dạ Thoại (Lời trong gió đêm) của Đài phát thanh Nam Ninh. Khi làm chương trình, bà được lắng nghe những cuộc gọi đến của rất nhiều thính giả cũng như chia sẻ về câu chuyện cuộc đời họ. Hân Nhiên không chỉ trò chuyện mà còn gặp gỡ, thu thập tư liệu từ hàng ngàn phụ nữ bà đã phỏng vấn. Chương trình này đã đưa Hân Nhiên trở thành một trong những nhà báo thành công nhất của Trung Quốc. Năm 1997, bà tới Luân Đôn cùng con trai. Chính tại nơi đây, Hân Nhiên mới có thể viết lại những câu chuyện đã từng nghe, từng chứng kiến trong 8 năm làm việc tại Trung Quốc. Tháng 7 năm 2002, lần đầu tiên những câu chuyện này xuất hiện tại Anh trong cuốn sách có tên “”Hảo nữ Trung Hoa”” (The good women of China: Hidden Voices). Hiện nay, “Hảo nữ Trung Hoa” đã đến tay bạn đọc trên toàn thế giới và được dịch ra trên 30 thứ tiếng.
“Hảo nữ Trung Hoa” cho thấy những góc kín khuất nhất, và có lẽ, cũng đau đớn nhất của hàng triệu phụ nữ Trung Hoa từng bị vùi dập bởi hủ tục và lịch sử. Cuốn sách, trước hết là câu chuyện được kể lại một cách chân thực về những số phận khổ đau này, và bên cạnh đó cuốn sách còn ca ngợi về tình mẫu tử, về khát khao được sống, được yêu thương và hạnh phúc của những người đàn bà kỳ lạ này.