Giới thiệu
Tiểu thuyết “Hồn bướm mơ tiên” của Khái Hưng
“Hồn bướm mơ tiên” là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng viết năm 1933, và cũng là tác phẩm đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Mặc dù chỉ là truyện ngắn vỏn vẹn chừng một trăm trang giấy, nhưng nó lại là tác phẩm nổi tiếng nhất của Khái Hưng, được nhiều người say mê, hâm mộ và có lẽ là tác phẩm thành công nhất của ông.
Câu chuyện xoay quanh chuyến thăm của Ngọc – chàng trai vừa học bên Tây, đến ngôi chùa Long Giáng để thăm người chú đang tu hành ở đó. Tại đây, Ngọc đã có một sự kết nối đặc biệt ngay từ lần gặp đầu tiên với chú tiểu Lan, và Ngọc chắc Lan là nữ giả trai vào đây để tu hành.
Tác phẩm thể hiện sự tranh đấu giằng co giữa tình yêu và lòng mộ đạo ở nội tâm một người đệ tử xuất gia, nó cũng là một trong những tác phẩm giá trị nhất của nền văn học cận đại và hiện đại nước nhà.
Tuy vậy, mối tình giữa Ngọc và Lan không phải đầy sướt mướt hay các miêu tả nội tâm giằng xé. Mà đó tình yêu giữa Ngọc và Lan đến một cách nhẹ nhàng, trong sáng. Xuyên suốt câu chuyện giọng văn của Khái Hưng miêu tả bối cảnh thiên nhiên đẹp và sống động, một bối cảnh thanh tịnh. Yếu tố “Phật giáo” vốn nhạy cảm nhưng trong “Hồn bướm mơ tiên” yếu tố này là một lời thề đẹp đẽ và cao thượng cho một mối tình yêu trong lý tưởng, yêu trong tâm hồn; quả thực yêu nhau không cần thiết chỉ phải đến được với nhau. Xét trong bối cảnh xuất bản, cuốn sách đã biết nói về một mối tình còn đẹp hơn cả tình yêu.
Đôi nét về tác giả Khái Hưng
Khái Hưng tên thật là Trần Khánh Giư, sinh năm 1896, xuất thân trong một gia đình quan lại ở Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng (Một số tài liệu ghi ông sinh năm 1897). Cha ông là Trần Mỹ, từng giữ chức Tuần phủ. Cha vợ ông là Lê Văn Đinh, cũng giữ chức Tổng đốc Bắc Ninh. Em ruột ông là nhà văn Trần Tiêu.
Khái Hưng tham gia Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh thành lập. Văn đoàn này bắt đầu xuất hiện công khai từ 1932, và đến đầu năm 1933 thì tuyên bố chính thức thành lập với ba thành viên trụ cột là Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo.
Giống như các tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn khác, tác phẩm của Khái Hưng thường đề cao tình yêu tự do, chống lại các lễ giáo phong kiến, ít nhiều mang tính cải cách xã hội. Ông mất năm 1947, khi mới 51 tuổi.
Các tác phẩm tiêu biểu gồm: “Hồn bướm mơ tiên” (1933), “Đời mưa gió” (cùng Nhất Linh, 1933), “Nửa chừng xuân” (1934), “Trống mái” (1936), “Tiêu sơn tráng sĩ” (viết 1937), “Thoát ly” (1938),…
“Hồn bướm mơ tiên” là tác phẩm đầu tay của Khái Hưng nhưng nó thể hiện một bút pháp già dặn của một tác giả lành nghề, được xuất bản lần đầu năm 1933. Mời các bạn cùng đọc tiểu thuyết này tại TheGioiVanHoc.com.