Giới thiệu
Tác giả Nguyễn Huy Tưởng và “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”
Tác giả Nguyễn Huy Tưởng (1912 – 1960) quê ở xã Dục Tú, nay thuộc Đông Anh, Hà Nội, là nhà văn và nhà viết kịch, đã sáng tác từ trước 1945. Ông tham gia phong trào cách mạng từ 1943, là một trong những người lãnh đạo Hội văn hóa Cứu quốc và Hội văn nghệ Việt Nam. Ông là một trong những người sáng lập và là Giám đốc đầu tiên của Nhà xuất bản Kim Đồng chuyên xuất bản sách cho thiếu nhi. Tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng thường khai thác đề tài lịch sử và thấm đượm tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng.
Tác phẩm chính” các tiểu thuyết lịch sử “Đêm hội Long Trì”, “An Tư công chúa”; kịch “Vũ Như Tô”, “Những người ở lại”; tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” và nhiều truyện viết cho thiếu nhi, trong đó xuất sắc nhất là “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”.
“Lá cờ thêu sáu chữ vàng” là một tiểu thuyết lịch sử của Nguyễn Huy Tưởng, viết về hình tượng vị anh hùng trẻ tuổi Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông sang xâm lược nước ta lần thứ hai.
Tóm tắt tác phẩm “Lá cờ thêu sáu chữ vàng”
Quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai. Vua Thiệu Bảo họp các vương hầu tại bến Bình Than bàn kế diệt giặc, cứu nước. Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản chưa đầu 16 tuổi nên không được dự bàn. Quả cam vua ban, chàng cầm trong tay bóp nát lúc nào không biết.
Trần Quốc Toản trở về quê cùng với người tướng già chiêu mộ binh sĩ, rèn luyện võ nghệ dựng cờ nghĩa rồi kéo quân đi diệt giặc.
Đoàn quân nghĩa khí giương cao lá cờ đỏ đề sáu chữ vàng “Phá cường địch, báo hoàng ân” (phá giặc mạnh, đền ơn vua), liên tiếp lập nhiều chiến công lẫy lừng khiến cho kẻ địch vô cùng khiếp sợ.
Được lệnh, Trần Quốc Toản đưa đoàn nghĩa sĩ về hội quân tại Vạn Kiếp. Lá cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân” phấp phới bay ngang hàng với cờ của các vương hầu khác.
Trần Quốc toản xin ra trận lập công. Chàng được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cử làm tướng tiên phong dưới quyền Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật, đưa quân đánh tan đạo quân của Toa Đô ở cửa Hàm Tử.
Lá cờ thêu sáu chữ vàng lại tiếp tục dẫn Trần Quốc Toản cùng đoàn nghĩa sĩ “đi mãi, đi mãi tới những nơi nào còn bóng quân Nguyên”.