Liên thành quyết (Truyện kiếm hiệp Kim Dung) - Hồi 11: Xây tường
Đệ tử Vạn môn táo tác một trận, đâu có truy tìm được địch nhân nào?
Vạn Chấn Sơn dặn Thích Phương, muôn vạn lần không được đem chuyện kiếm phổ được rồi lại mất nói với các sư huynh đệ. Thích Phương vâng dạ ngay. Mấy năm nay cô càng ngày càng nhận ra giữa sư phụ và đồ đệ, giữa sư huynh đệ của Vạn môn, mỗi người đều có tính toán riêng, đề phòng lẫn nhau. Vạn Chấn Sơn vừa kinh hãi vừa tức giận, về đến phòng mình cứ nghĩ mãi về cái ký hiệu “hoa hồ điệp”. Kẻ thù là ai? Vì sao lại đưa kiếm phổ tới? Rồi sao lại cướp đi? Hay là cái người đã cứu Ngôn Đạt Bình?
Vạn Khuê khi truy đuổi địch nhân, chạy nhảy một hồi, máu chảy nhanh, vết thương trên mu bàn tay lại đau đớn, nằm trên giường nghỉ, một lúc sau thì thiêm thiếp ngủ.
Thích Phương trầm ngâm suy nghĩ: “Cuốn sách này là có ích đối với cha, bị ngâm trong nước lâu rồi, e bị hư nát mất!” Bèn vào phòng trong kêu hai tiếng:
– Tam ca.
Thấy Vạn Khuê đang ngủ say, liền quay ra bưng cái chậu đồng, xuống lầu đổ nước máu đi, quyển sách lộ ra. Cô nghĩ “Không Tâm Thái thật ngoan!” Mặt thoáng nét cười.
Cuốn sách ướt đẫm nước máu, tanh hôi quá thể, Thích Phương không muốn dùng tay cầm, nghĩ:“Giấu nó vào chỗ nào đây?” Nghĩ đến cái nhà ở vườn sau để đầy những thứ cuốc, cối đá, quạt gió… lúc này chắc không có người qua lại, bèn hái mấy cái lá hoa cúc trong sân, che kín quyển sách, rồi làm như bê một chậu lá hoa cúc, đi ra phía vườn sau. Cô đi về cái nhà nhỏ ở phía tây, lấy quyển sách đặt vào trong bụng cái quạt quạt thóc, thầm nghĩ: “Cái quạt thóc này đến khi thu tô mới dùng đến, giấu ở đây chẳng ai tìm thấy được.”
Cô bưng cái chậu, miệng khe khẽ hát, giả vờ như không có chuyện gì, khi đi qua hành lang bỗng có một người nhảy ra, hạ giọng nói khẽ:
– Canh ba hôm nay, đệ ở kho chứa củi đợi sư tẩu, đừng quên nhé!
Chính là Ngô Khảm.
Thích Phương trong lòng đang lo sợ, đột nhiên nghe hắn nói mấy câu đó, trái tim càng đập dữ dội, thảng thốt nói:
– Đồ chết giẫm, con chó này thật to gan, không tiếc mạng à?
Ngô Khảm nhăn nhở nói:
– Đệ vì tẩu mà chết, thật là mãn nguyện, sư tẩu có cần thuốc giải không?
Thích Phương cắn răng, tay trái thò vào trong áo, nắm chắc cán chủy thủ, định xuất kỳ bất ý rút chủy thủ ra cho hắn một nhát, đoạt lấy thuốc giải.
Ngô Khảm cười hi hi, nói nhỏ:
– Nếu sư tẩu dùng một chiêu “Sơn tòng nhân diện khởi”, rút đao đâm tới, đệ sẽ dùng chiêu “Vân bạng mã đầu sinh” tránh ngay, rồi tiện tay giơ lên đổ bình thuốc giải này vào trong ang nước.
Nói rồi hắn chìa tay ra, trong lòng bàn tay là bình thuốc giải. Hắn sợ Thích Phương đoạt mất, bèn lùi lại hai bước.
Thích Phương biết là dùng sức không thể đoạt được bèn nghiêng người đi qua một bên hắn.
Ngô Khảm khẽ nói:
– Đệ chỉ đợi sư tẩu đến canh ba, sang canh bốn đệ sẽ mang thuốc giải bỏ đi, cao bay xa chạy, không trở về Kinh Châu nữa. Họ Ngô này có chết, cũng không thể chết dưới tay cha con họ Vạn.
* * *
Thích Phương về đến phòng, thấy Vạn Khuê không ngừng rên rỉ, chắc là độc rết lại phát tác. Cô ngồi bên giường, trầm ngâm suy nghĩ: “Y hãm hại Địch sư ca, thủ đoạn cực kỳ ti bỉ, nhưng ván đã đóng thuyền, còn có cách nào đây? Đó là sư ca số khổ, mình cũng số khổ. Mấy năm nay y đối với mình rất tốt, mình thì đành “lấy gà theo gà lấy chó theo chó”[1], một đời này đành phải theo y làm vợ chồng. Cái thằng chó chết Ngô Khảm thật là đáng ghét, làm sao đoạt được thuốc giải đây?”
Thấy vẻ mặt Vạn Khuê tiều tụy, hai mắt hõm vào, cô lại nghĩ: “Tam ca bị thương rất nặng, nếu nói với huynh ấy, huynh ấy lại nổi giận liều mình với Ngô Khảm thì hỏng việc.”
Trời dần tối, Thích Phương ăn đại mấy miếng cơm tối, ru con ngủ yên, nghĩ đi nghĩ lại, chỉ có cách đi nói với công công, lão là người tính toán sâu xa, tất có cách hay. Việc này không thể để cho chồng biết được, phải đợi cho huynh ấy ngủ thật say rồi mới đến báo với công công. Thích Phương để nguyên quần áo, nằm xuống bên chân Vạn Khuê. Mấy ngày hôm nay chăm sóc chồng, cô không hề chợp mắt. Mãi đến khi Vạn Khuê ngủ thật say, cô mới lặng lẽ ngồi dậy, xuống lầu, đi đến ngoài nhà Vạn Chấn Sơn.
Trong nhà đèn đã tắt, nhưng lại vọng ra những thanh âm kỳ lạ “Phì, phì, phì” tựa hồ như có người đang gắng hết sức làm việc gì đó. Thích Phương rất lấy làm lạ, vốn đã định đến bên cửa gọi “công công” nhưng lại ngừng, nhìn qua khe cửa sổ vào trong phòng. Lúc ấy mặt trăng chiếu nghiêng, lọt qua cửa sổ, chiếu vào trong phòng. Chỉ thấy Vạn Chấn Sơn nằm ngửa trên giường, hai tay chầm chậm đẩy mạnh lên khoảng không, hai mắt vẫn nhắm nghiền.
Thích Phương nghĩ bụng: “Thì ra công công đang luyện nội công cao thâm. Khi luyện nội công kỵ nhất là bị ngoại giới quấy nhiễu, như thế rất dễ bị tẩu hỏa nhập ma. Lúc này không thể gọi ông ấy, để ông ấy luyện xong rồi hãy nói.”
Chỉ thấy Vạn Chấn Sơn đẩy hai tay lên không một hồi, rồi từ từ ngồi dậy, bỏ chân xuống giường, đi mấy bước, khom người xuống, nhấc một vật gì đó lên. Thích Phương nghĩ bụng: “Chắc công công đang luyện cầm nã thủ pháp”, lại xem một lúc nữa, chỉ thấy thế tay của Vạn Chấn Sơn mỗi lúc một kỳ lạ, hai tay không ngừng chụp lấy vật gì đó trong không trung, rồi lại xếp đặt rất chỉnh tề, giống như là đang xếp rất nhiều viên gạch lại, nhưng dưới ánh trăng thấy thật rõ – trên mặt đất không hề có vật gì cả.
Chỉ thấy lão chụp chụp trong không trung một hồi, hai tay đo đo, tựa hồ như nhận thấy đã đủ lớn rồi. Thế là hai tay lại làm như đang nâng một vật gì rất lớn, nhét về phía trước. Thích Phương nhìn ngơ ngác, thấy hai mắt Vạn Chấn Sơn nhắm nghiền, nhất cử nhất động đều không giống luyện công mà giống như đang diễn kịch câm.
Bỗng cô nhớ tới câu nói của Đào Hồng ở ngôi từ đường đố nát: “Lão gia nửa đêm giờ tí lại dậy xây tường!”
Nhưng cử động của Vạn Chấn Sơn quyết không phải là xây tường, nếu như có liên quan gì với tường thì đây có lẽ là động tác khoét tường, đục tường.
Thích Phương cảm thấy khủng khiếp: “Phải rồi! Công công bị bệnh mộng du. Nghe nói bị bệnh này, trong lúc ngủ có thể dậy đi lại, làm việc. Có người không mặc quần áo, đi trên nóc nhà, có người thậm chí còn giết người đốt nhà, sau khi tỉnh lại hoàn toàn chẳng biết gì hết.”
Chỉ thấy Vạn Chấn Sơn sau khi nâng một vật nặng hoàn toàn không có, nhét vào một cái hốc tường hoàn toàn không có, thì gắng sức đẩy vào khoảng không mấy cái, sau đó lại nhặt những viên gạch hoàn toàn không có trên mặt đất xây áp vào “bức tường” hoàn toàn không có.
Đúng rồi, ông ấy quả thực là đang xây tường! Miệng mỉm cười, xây tường một cách dương dương đắc ý!
Thích Phương khi mới thấy vẻ âm sâm của lão, bao nhiêu tóc trên đầu dựng hết cả lên, đến khi thấy lão rõ ràng đang làm động tác xây tường, thì có vẻ như đã đoán được bèn không sợ nữa, nghĩ bụng: “Theo lời Đào Hồng thì công công mắc bệnh mộng du này đã lâu rồi. Người mắc bệnh này đều không muốn để cho người khác biết. Đào Hồng ở chung một phòng với ông ấy, biết được điều này, công công tất nhiên không vui.” Thế là cô đã giải được điều nghi vấn trong lòng, biết rõ vì sao mà Đào Hồng bị đuổi. Lại nghĩ: “Không biết ông ấy còn xây tường bao lâu nữa, nếu quá canh ba, Ngô Khảm hủy giải dược rồi bỏ trốn thì hỏng bét.”
Lại thấy Vạn Chấn Sơn đem tất cả những “viên gạch” nhét vào “hốc tường” rồi tô “vữa” lên, mãi đến khi “công việc” đâu vào đấy rồi khuôn mặt mới mỉm cười, lên giường ngủ yên.
Thích Phương nghĩ bụng: “Công công vất vả hồi lâu, tinh thần còn chưa thoải mái, hãy để ông ấy nghỉ một lúc đã mình hãy gọi.”
Chính vào lúc ấy, lại nghe thấy có người khe khẽ gõ cửa phòng mấy cái, tiếp đó có người khe khẽ gọi:
– Gia gia, gia gia!
Chính là giọng của Vạn Khuê.
Thích Phương hơi sợ: “Sao tam ca cũng đến? Huynh ấy đến làm gì?”
Vạn Chấn Sơn lập tức ngồi dậy, định thần, hỏi:
– Khuê nhi đấy à?
Vạn Khuê nói:
– Là con đây!
Vạn Chấn Sơn nhảy phắt xuống giường, rút then mở cửa cho Vạn Khuê vào, hỏi ngay:
– Có tin được kiếm phổ rồi à?
Vạn Khuê kêu lên một tiếng:
– Cha!
Rồi đưa tay trái ra bíu chặt lấy mặt bàn. Ánh trăng từ song cửa chiếu vào phòng, chập chờn chiếu lên thân hình y đang lảo đảo.
Thích Phương sợ bóng mình ngả vào phòng, co mình lại dưới cửa số, nghiêng tai nghe ngóng, không dám nhìn động tĩnh của hai người nữa.
Vạn Khuê kêu lên một tiếng “cha” nữa, rồi nói:
– Con dâu của cha… con dâu của cha… hóa ra không phải là người tốt.
Thích Phương giật mình: “Sao huynh ấy lại nói thế?”
Chỉ nghe thấy Vạn Chấn Sơn cũng hỏi:
– Sao rồi? Vợ chồng trẻ cãi nhau hả?
Vạn Khuê nói:
– Kiếm phổ tìm được rồi, là do con dâu của cha lấy đi.
Vạn Chấn Sơn vui mừng nói:
– Tìm được rồi thì tốt! Đâu rồi?
Thích Phương hết sức lấy làm lạ: “Sao y lại biết? Ôi, chắc là con bé Không Tâm Thái không giữ miệng, nói ra rồi.” Nhưng Vạn Khuê nói tiếp khiến cô biết là mình đã đoán sai. Vạn Khuê nói với cha: y thấy Thích Phương và con gái nhấm nháy với nhau, thần tình có vẻ lạ, cho rằng chắc có điều cổ quái, bèn giả vò ngủ, nhưng nhìn qua khe cửa quan sát động tĩnh của Thích Phương, thấy cô ta bưng cái chậu đồng đi về phía vườn sau, y bèn lặng lẽ bám theo, thấy cô ta đem kiếm phổ giấu vào trong cái quạt thóc ở ngôi nhà phía tây vườn sau.
Thích Phương trong lòng than thở: “Cha thật là số khổ, cuốn sách ấy cuối cùng lại bị công công và tam ca lấy mất. Muốn lấy lại thật là muôn vạn lần khó khăn. Được, mình nhận thua, tam ca vốn lợi hại hơn mình nhiều.”
Chỉ nghe Vạn Chấn Sơn nói:
– Thế thì tốt lắm, chúng ta đi lấy nó về, con cứ giả vờ không biết gì hết, để xem nó ra sao. Nếu như nó không nhắc đến, con cũng bất tất phải nói ra, cha vẫn nghi, cuốn sách này rốt cuộc là từ đâu đến. Chỉ sợ… chỉ sợ… chỉ sợ…
Lão nói liên tiếp ba lần “chỉ sợ” nhưng lại không nói ra.
Vạn Khuê nói:
– Cha!
Giọng rất đau khổ.
Vạn Chấn Sơn la:
– Sao?
Vạn Khuê nói:
– Con dâu của cha… Con dâu của cha lấy trộm bộ kiếm phổ ấy của chúng ta, hóa ra là vì…
Nói đến đó, giọng bỗng run lên. Vạn Chấn Sơn hỏi:
– Vì ai?
Vạn Khuê nói:
– Hóa ra là… là vì tên cẩu tặc Ngô Khảm!
Trái tim Thích Phương bị chấn động mãnh liệt, cơ hồ không tin vào tai mình nữa, thầm kêu lên:“Mình vì gia gia, sao lại nói vì Ngô Khảm? Sao lại vì tên cẩu tặc Ngô Khảm?”
Trong giọng nói của Vạn Chấn Sơn cũng đầy vẻ ngạc nhiên:
– Vì Ngô Khảm à?
Vạn Khuê nói:
– Vâng! Con thấy ở vườn sau, con tiện nhân ấy giấu xong kiếm phổ, bèn theo từ xa xa, nào ngờ nó… nó đi đến hành lang lại thậm thậm thụt thụt với Ngô Khảm, con dâm phụ này… thật là mặt dày!
Vạn Chấn Sơn trầm ngâm nói:
– Cha thấy nó thường ngày vẫn đàng hoàng đoan chính, không phải là hạng người như thế. Con có nhìn nhầm không? Hai đứa nó nói gì?
Vạn Khuê nói:
– Con sợ chúng biết, không dám đến gần, trong hành lang lại không có nơi ấn nấp, phải nấp ở sau góc tường. Đôi trai gái chó má ấy nói rất nhỏ, không nghe hết được, nhưng… cũng nghe được quá nửa.
Vạn Chấn Sơn “ừ” một tiếng, nói:
– Con trai, con đừng tức giận. Đại trượng phu lo gì không có vợ? Chúng ta lấy được kiếm phổ, lại tra rõ bí mật trong đó thì chớp mắt một cái là giàu nhất thiên hạ, con muốn mua một trăm vợ lẽ nàng hầu, cũng thật dễ dàng, con ngồi xuống, từ từ nói đi!
Nghe thấy giường kêu cót két, Vạn Khuê đã ngồi xuống, hằm hằm nói:
– Con dâm phụ đó giấu sách xong rồi, rất là đắc ý, miệng còn hát nữa. Thằng gian phu kia thấy nó, mặt hân hoan nói: “Canh ba đêm nay, đệ ở trong kho chứa củi đợi, đừng quên đấy!” Đích xác là là mấy câu đó, con nghe rất rõ.
Vạn Chấn Sơn tức giận nói:
– Con tiểu dâm phụ thì nói sao?
Vạn Khuê nói:
– Nó… nó nói: “Đồ chết giẫm, to gan nhỉ, đến cả cái mạng cũng không cần!”
Thích Phương ở ngoài cửa sổ nghe mà lòng dạ rối bời: “Hai… hai người họ cứ mồm năm miệng mười mắng mình là dâm phụ, sao… sao lại đổ oan cho người ta như thế! Tam ca, muội chỉ một lòng vì huynh, muốn đoạt lại bình thuốc giải, trị vết thương cho huynh. Huynh lại nhục mạ muội, có còn lương tâm nữa không?”
Nghe Vạn Khuê lại tiếp tục nói:
– Con… con nghe chúng nói vậy, lòng bừng bừng lửa giận, hận không thể tuốt kiếm cho hai đứa hai nhát. Chỉ vì con không mang theo kiếm, vả lại sau khi bị thương người yếu, không thể đàng hoàng đấu với chúng nó, bèn về phòng ngay kẻo con dâm phụ kia về phòng không thấy lại sinh nghi. Gian phu dâm phụ về sau còn nói gì nữa, con không nghe được.
Vạn Chấn Sơn nói:
– Hừ, có cha ấy tất có con ấy, quả nhiên cả nhà đều là lũ vô sỉ. Chúng ta trước hết phải đi lấy kiếm phổ, rồi đứng chờ ở ngoài cửa kho củi. Bắt gian phải bắt cả đôi, để cho đôi trai gái chó má ấy chết mà không oán.
Vạn Khuê nói:
– Con dâm phụ ấy mê trai phát cuồng, chưa đến canh ba đã đi, lúc này… lúc này…
Vừa nói hắn vừa nghiến răng ken két.
Vạn Chân Sơn nói:
– Thế thì chúng ta đi ngay. Con cầm lấy kiếm, trước hết con đừng ra tay, để cha chém hết chân tay của cả hai đứa rồi con hãy tự tay lấy tính mạng của đôi trai gái chó má ấy.
Cửa phòng mở ra, Vạn Chấn Sơn tay trái dìu dưới nách Vạn Khuê, hai người xông ra vườn sau.
Thích Phương tựa vào tường, nước mắt ướt đầm vạt áo. Cô chỉ mong chữa lành vết thương cho chồng, y lại nghi ngờ tệ hại đến thế. Phụ thân đi mãi không về, Địch sư ca thì phải chịu oan uổng, bây giờ… bây giờ chồng lại đối đãi với mình như thế, làm sao sống nổi? Lòng cô tan nát, không muốn sống nữa, không muốn tìm chồng biện bạch, cũng không nghĩ tới việc gọi Ngô Khảm đến đối chất, toàn thân rã rời, cô tựa vào bức tường.
Một lúc sau, nghe thấy tiếng bước chân, cha con họ Vạn quay về sảnh, đứng lại hạ giọng bàn bạc.
Vạn Khuê nói:
– Cha, sao không vào kho củi giết Ngô Khảm?
Vạn Chấn Sơn nói:
– Trong kho chứa củi chỉ có một mình gian phu. Con dâm phụ kia chắc là nghe được phong thanh đã bỏ chạy mất rồi. Đã không bắt được cả đôi, chúng ta là thế gia ở Kinh Châu sao lại có thể khinh suất giết người? Sau khi được kiếm phổ này rồi chúng ta còn bao nhiêu việc phải làm ở Kinh Châu này. Việc nhỏ không nhịn thì hỏng việc lớn, chớ nên nôn nóng!
Vạn Khuê nói:
– Lẽ nào lại cho qua? Nỗi tức giận này của con làm sao cho hả?
Vạn Chấn Sơn nói:
– Muốn hả giận thì dễ ợt, chúng ta dùng cách cũ!
– Cách cũ?
Vạn Chấn Sơn nói:
– Cái cách đã dùng để đối phó với Thích Trường Phát!
Vạn Chấn Sơn ngừng một lát rồi nói tiếp:
– Con hãy về phòng đi, cha cho người gọi hết đệ tử đến, con cũng đi với chúng đến phòng cha. Đừng để cho người ta nghi ngờ.
Thích Phương trong lòng đã rối như tơ vò, không có một chút chủ ý nào, chỉ nghĩ: “Đã tới nước này rồi, mình không muốn sống nữa. Nhưng còn Không Tâm Thái thì biết làm sao? Ai chăm sóc nó?” Bỗng nghe Vạn Chấn Sơn nói phải dùng “cách đã dùng để đối phó với Thích Trường Phát” để đối phó với Ngô Khảm, trên đầu bỗng như có ai đặt lên một tảng băng, lập tức tỉnh ra: “Họ đã đối phó với cha như thế nào? Phải điều tra ra chân tướng của vụ này. Công công gọi bọn đệ tử đến ngoài phòng, không thể nấn ná ở đây được nữa, nhưng nấp ở đâu để nghe trộm đây?”
Vạn Khuê vâng lời trở về phòng, Vạn Chấn Sơn bước ra ngoài sảnh lớn tiếng gọi đầy tớ thắp đèn. Chốc lát trước sảnh sau sảnh đều rậm rịch tiếng người, đám đệ tử và đầy tớ đều kéo đến. Thích Phương biết chỉ còn chốc lát nữa sẽ có người đi qua cửa sổ, hơi do dự một chút rồi lách người bước vào phòng Vạn Chấn Sơn, vén tấm rèm che giường, rồi chui xuống gầm giường. Tấm rèm dài tận đất, nếu không có người cố ý vén lên thì quyết không có ai phát hiện được tung tích cô.
Cô nằm ngang dưới gầm giường, lát sau có ánh sáng lọt qua tấm rèm, có người thắp đèn đem vào đặt trong phòng. Cô thấy đôi chân của Vạn Chấn Sơn bước vào, đôi chân ấy đến bên cái ghế, ghế kêu lên nhè nhẹ, là Chấn Sơn đã ngồi xuống, lại nghe lão gọi người đầy tớ đóng cửa phòng.
Nghe tiếng đại sư huynh Lỗ Khôn nói từ ngoài phòng:
– Sư phụ, chúng con đều đã đến rồi, chờ sư phụ sai khiến.
Vạn Chấn Sơn nói:
– Tốt lắm, con hãy vào đây trước!
Thích Phương thấy cửa phòng mở ra, đôi chân của Lỗ Khôn bước vào, cửa phòng lại đóng vào.
Vạn Chấn Sơn nói:
– Có kẻ địch đến tìm chúng ta, con biết không?
Lỗ Khôn nói:
– Là ai vậy? Đệ tử không biết.
– Người này đóng vai một thầy lang bán thuốc, hôm nay đến nhà ta.
Thích Phương nghĩ bụng: “Lẽ nào ông ấy biết vị lang trung ấy là ai, người ấy rốt cuộc là ai?”
Lỗ Khôn nói:
– Đệ tử có nghe Ngô sư đệ nói. Sư phụ, kẻ địch ấy là ai?
– Người này cải trang, ta không tận mắt nhìn thấy, chưa đoán ra. Sớm mai con đến vùng phía bắc thành dò la cho kỹ. Bây giờ con ra trước đi, đợi ta còn có việc sai bảo.
Lỗ Khôn vâng lệnh đi ra.
Vạn Chấn Sơn lại gọi đệ tử thứ tư Tôn Quân, đệ tử thứ năm Bốc Viên vào, nói chuyện cũng giống như thế, bảo Tôn Quân đến phía nam thành điều tra, Bốc Viên đến phía đông thám thính. Khi dặn Bốc Viên lại thuận miệng thêm một câu:
– Để Ngô Khảm đi thám thính phía tây thành, Phùng Thản và Thẩm Thành tiếp ứng báo tin. Vạn sư ca của con vết thương chưa lành, không thể đi được.
Bốc Viên nói:
– Vâng, Vạn sư ca còn phải nghỉ ngơi nhiều.
Rồi Bốc Viên, Tôn Quân mở cửa bước ra.
Thích Phương biết rằng tất cả những lời ấy đều là cố ý nói cho Ngô Khảm nghe khiến hắn khỏi sinh nghi. Lại nghe Vạn Chấn Sơn nói:
– Ngô Khảm vào đây!
Giọng nói giống như khi gọi bọn Lỗ Khôn, không nghiêm khắc hơn, cũng không đặc biệt dịu dàng.
Thích Phương thấy cửa phòng lại mở, khi chân phải của Ngô Khảm bước tới thềm có chút ngần ngừ nhưng cuối cùng cũng bước vào. Đôi chân bước tới trước Vạn Chấn Sơn mấy bước rồi dừng lại, Thích Phương thấy trường bào của hắn rung rung biết hắn sợ hãi đang run rẩy.
Nghe Vạn Chấn Sơn nói:
– Có kẻ địch tìm đến chúng ta, con đã biết chưa?
Ngô Khảm nói:
– Đệ tử ở ngoài cửa nghe sư phụ nói là tên thầy lang bán thuốc. Người này là do đệ tử gọi đến khám bệnh cho Vạn sư ca, thật không ngờ lại là kẻ địch, xin sư phụ tha thứ.
Vạn Chấn Sơn nói:
– Người ấy cải trang, con không nhận ra, cũng không trách con được. Sớm mai, con đến phía tây thành thám thính, nếu thấy hắn thì chú ý quan sát động tĩnh của hắn.
Ngô Khảm thưa:
– Vâng!
Đột nhiên hai chân Vạn Chấn Sơn động đậy, lão đứng phắt dậy. Thích Phương không kìm được, thò tay vén một góc rèm, nhìn ra ngoài. Mới nhìn một cái, cô sợ hãi thất sắc, suýt kêu thét lên.
Hai tay Vạn Chấn Sơn đã bóp chặt yết hầu Ngô Khảm, Ngô Khảm sử kình cố bóp chặt hai tay Vạn Chấn Sơn nhưng hoàn toàn vô hiệu. Đôi mắt Ngô Khảm lồi ra như mắt cá vàng, mỗi lúc một to.
Hai mu bàn tay của Vạn Chấn Sơn bị móng tay của Ngô Khảm cào xước thành mấy vệt máu, nhưng lão vẫn bóp chặt cổ họng Ngô Khảm, mỗi lúc một chặt. Ngô Khảm không kêu được một tiếng, thân hình hắn giãy giãy, lát sau hai tay từ từ buông xuống. Thích Phương thấy lưỡi hắn thè ra trông rất dễ sợ, cô cực kỳ kinh hãi. Ngô Khảm không hề nhúc nhích, Vạn Chấn Sơn buông tay, đặt hắn xuống ghế, cầm lấy hai miếng bông đã tẩm nước sẵn, đặt lên mũi và miệng y. Làm như thế hắn không thể thở được nữa cũng không cách gì tỉnh lại được.
Trái tim Thích Phương đập loạn lên, cô thầm nghĩ: “Công công đã nói nhà này là thế gia ở Kinh Châu, không thể tùy tiện giết người, phụ thân của Ngô Khảm nghe nói là thân sĩ ở xứ này, quyết không thể bỏ qua, thế này thì to chuyện rồi đây.”
Chính vào lúc ấy bỗng nghe Vạn Chấn Sơn lớn tiếng quát:
– Việc ngươi làm, mau tự thú nhận đi, lẽ nào còn để ta phải ra tay?
Thích Phương giật thót người: “Thì ra công công nhìn thấy mình rồi.” Nhưng trong lòng lại không cảm thấy sợ mà lại cảm thấy nhẹ đi: “Chết dưới tay lão cũng được, mình đang không muốn sống nữa!”
Đang định chui ra, bỗng nghe thấy Ngô Khảm nói:
– Sư phụ, sư phụ… bảo đệ tử thú nhận cái gì?
Thủy Sinh lại giật bắn mình, sao Ngô Khảm lại nói được? Lẽ nào hắn sống lại? Nhưng rõ ràng là không phải, hắn tựa nghiêng người trên ghế, không hề nhúc nhích. Từ dưới gầm giường nhìn lên thấy miệng Vạn Chấn Sơn đang mấp máy.
“Sao? Là công công nói, không phải là Ngô Khảm nói. Sao lại rõ ràng là giọng của Ngô Khảm?”
Lại nghe Vạn Chấn Sơn lớn tiếng quát:
– Thú nhận cái gì à? Hừ, Ngô Khảm, ngươi to gan thật, trong ứng ngoài hợp, cấu kết với phỉ đồ, muốn gây nên một vụ án lớn ở thành Kinh Châu này à?
– Sư phụ, đệ tử gây… gây án gì?
Lần này thì Thích Phương thấy rõ ràng, đúng là Vạn Chấn Sơn đang bắt chước giọng nói của Ngô Khảm, khó là ở chỗ lão bắt chước rất giống. “Công công có bản lĩnh bắt chước giọng của người khác tài thật, trước nay mình không biết, ông ấy học chước giọng Ngô Khảm nói lớn như thế với dụng ý gì?” Cô mơ hồ nghĩ đến một việc nhưng ý nghĩ còn mông lung chưa rõ, có điều trong lòng có một nỗi sợ hãi kỳ lạ.
Lại nghe Vạn Chấn Sơn nói:
– Hừ, ngươi tưởng là ta không biết phải không? Ngươi dẫn tên thầy lang bán thuốc đến thành Kinh Châu, người này kỳ thực là tên cướp biển, Ngô Khảm, ngươi và hắn cấu kết, muốn xông vào…
– Sư phụ,… xông vào đâu?
– Định xông vào công quán của Lăng tri phủ, trộm một số công văn bí mật, phải không? Ngô Khảm, ngươi… ngươi còn định chống chế?
– Sư phụ… sư phụ làm sao mà biết được? Sư phụ, xin sư phụ niệm tình đệ tử luôn hiếu thuận, tha cho con một lần, đệ tử không dám nữa!
– Một chuyện lớn như vậy, đâu có thể tùy tiện?
Thích Phương phát hiện ra, Vạn Chấn Sơn học chước giọng nói của Ngô Khảm thực ra không giống lắm, chỉ là đè cổ họng xuống, nói ra rất lúm úm, câu nào cũng gọi “sư phụ” đồng thời không ngừng tự xưng “đệ tử”, người ngoài nghe thấy tất sẽ cho là Ngô Khảm đang nói. Huống nữa mọi người đều thấy Ngô Khảm vào phòng, nghe thấy hắn và Vạn Chấn Sơn nói chuyện đến khi tiếp tục nói, giọng tuy không giống lắm nhưng ngoài Ngô Khảm ra thì còn ai vào đó nữa? Lại thêm trong lời của Vạn Chấn Sơn cứ liên tiếp gọi tên “Ngô Khảm”.
Chỉ thấy Vạn Chấn Sơn nhẹ nhàng nhấc thi thể Ngô Khảm lên, chầm chậm gập lưng hắn lại, tay trái vén tấm rèm ra. Thích Phương sợ đến nỗi trái tim cơ hồ ngừng đập: “Công công chắc chắn là đã phát hiện ra mình rồi, lần này ông ta sẽ bóp chết mình!” Dưới ánh đèn chập chờn chỉ thấy một cái đầu chui vào gầm giường, mắt trợn ngược thật giống đầu cá vàng chết. Thích Phương liền nép mình vào nhường chỗ, nhưng thi thể Ngô Khảm không ngừng tiến sâu vào, đụng đến chân cô, lại đụng đến hông cô.
Lại nghe thấy tiếng Vạn Chấn Sơn ngồi lên ghế, nghiêm giọng quát:
– Ngô Khảm, ngươi còn không quỳ xuống? Ta trói ngươi dẫn đến gặp Lăng tri phủ. Tha hay không là việc của ông ấy, ta không thề quyết định được.
– Sư phụ, sư phụ thật không thể tha cho đệ tử ư?
– Dạy một tên đệ tử như ngươi, họ Vạn ta đã bị ngươi làm mất mặt rồi, ta… ta còn có thể tha ngươi được sao?
Thích Phương nhìn qua khe hở tấm rèm, thấy Vạn Chấn Sơn rút từ bên hông ra một thanh chủy thủ, nhè nhẹ cắm vào ngực mình. Ngực lão rõ ràng là có che một tấm gỗ mềm, bùn nhão, bánh mì hay gì đó sau áo, chủy thủ đâm vào thì cắm phập vào trong những thứ đó.
Thích Phương mới hơi hiểu ra thì lại nghe Vạn Chấn Sơn lớn tiếng:
– Ngô Khảm, sao ngươi còn chưa quỳ xuống?
Rồi lại nén hơi trong họng bắt chước giọng Ngô Khảm, nói:
– Sư phụ, đây là sư phụ ép con, không thể trách đệ tử được!
Vạn Chấn Sơn kêu to một tiếng:
– Ái, ối!
Phóng một cước, đá bật cửa sổ, kêu lên:
– Tiểu tặc, ngươi… ngươi dám hành hung!
Chỉ nghe “bình” một tiếng, có người đạp toang cửa phòng, Vạn Khuê xông vào trước hết. (Y biết lúc nào thì phải phá cửa xông vào). Mấy người Lỗ Khôn, Tôn Quân, Bốc Viên cũng vào theo. Vạn Chấn Sơn đè chặt ngực, máu chảy ròng ròng qua kẽ ngón tay. (Chắc trong tay lão cầm một bình nước đỏ). Lão lảo đảo, chỉ ra cửa sổ, kêu:
– Ngô Khảm… cái thằng giặc này đâm ta một đao, đào tẩu rồi! Mau… mau đuổi! Nói xong, thân người loạng choạng, ngã xuống giường.
Vạn Khuê kinh hãi kêu lên:
– Gia gia, gia gia, cha bị thương ra sao?
Năm người Lỗ Khôn, Tôn Quân, Bốc Viên, Phùng Thản, Thẩm Thành kẻ trước người sau nhảy qua cửa sổ, kêu réo inh ỏi, đuổi theo…
Trước phủ sau phủ đều có rất nhiều kêu gào ầm ĩ cả lên.
Thích Phương phục dưới gầm giường, cảm thấy thi thể Ngô Khảm mỗi lúc một lạnh. Cô cực kỳ kinh hãi nhưng không dám nhúc nhích – công công nằm trên giường, chồng đứng trước giường.
Nghe Vạn Chấn Sơn hỏi khẽ:
– Có ai nghi ngờ gì không?
Vạn Khuê đáp:
– Không, cha, cha giả vờ thật giống. Y như dạo giết Thích Trường Phát, không một chút sơ hở.
“Y như dạo giết Thích Trường Phát, không một chút sơ hở!” Câu nói ấy như một nhát chủy thủ đâm thẳng vào trái tim Thích Phương. Cô vốn đã mơ hồ nghĩ đến cái việc cực kỳ đáng sợ ấy, nhưng cô quyết không tin. “Công công luôn đối xử với mình rất hiền từ tử tế, chồng từ trước đến nay ân cần dịu dàng, sao lại giết cha mình?” Nhưng lần này cô tận mắt nhìn thấy, họ bố trí một cái bẫy thật xảo diệu để giết Ngô Khảm. Ngày ấy, cô đứng ngoài thư phòng nghe “phụ thân và Vạn Chấn Sơn tranh cãi”, thấy “Vạn Chấn Sơn bị phụ thân đâm một đao”, thấy “phụ thân vượt cửa sổ đào tẩu”, rõ ràng đó cũng là cái bẫy do Vạn Chấn Sơn bố trí, một kiểu một loại. Lúc ấy, phụ thân đã bị lão hại chết rồi, lão… lão bắt chước giọng của phụ thân, thảo nào tiếng nói của phụ thân lúc ấy cứ lúng búng, rất khác với lúc thường, nếu… không có lúc này ma quỷ đưa đây thê nào mà cô phải nấp dưới gầm giường tận mắt thấy tấn thảm kịch này thì làm sao có thê đoán ra được?
Lại nghe Vạn Khuê nói:
– Còn con tiện nhân ấy thì sao? Chúng ta làm sao có thể tha cho nó được?
Vạn Chấn Sơn nói:
– Từ từ rồi mổ nó cũng được. Việc ấy cần phải làm sao cho người không biết quỷ không hay đề khỏi làm bại hoại môn phong nhà họ Vạn, bẩn mất thanh danh của cha con ta.
Vạn Khuê nói:
– Vâng, cha nghĩ thật là chu đáo. Ái dà…
Vạn Chấn Sơn hỏi:
– Thế nào?
Vạn Khuê nói:
– Vết thương trên mu bàn tay con lại đau rồi.
Vạn Chấn Sơn “ầy” một tiếng. Lão tuy mưu kế đa đoan nhưng với việc này thì cũng đành bó tay.
Thích Phương chầm chậm thò tay mò vào trong túi Ngô Khảm, chiếc bình sứ nhỏ lạnh toát đang ở trong túi áo hắn. Cô lấy ra đặt vào túi mình, trong lòng đau khổ: “Tam ca, tam ca, huynh chỉ nghe được nửa câu chuyện mà hiểu nhầm muội với thằng giặc này có điều ám muội. Huynh không muốn nghe cho rõ vì thế cũng không nghe được rằng cái bình thuốc giải này ở trong tay hắn. Phụ thân của huynh đã giết hắn, chẳng cần khó khăn gì cũng lấy được bình thuốc giải, nhưng rốt cuộc là các người không biết được.
Bọn mấy người Lỗ Khôn đuổi bắt Ngô Khảm không được, lục tục quay về, đến trước giường Vạn Chấn Sơn thăm hỏi. Vạn Chấn Sơn để lộ ngực, những băng vải từ cổ vòng qua trước ngực, vòng ra sau lưng, lại vòng lên cổ. Lần này sư phụ “bị thương” không “nặng” như lần trước, võ công của Ngô Khảm không bằng sư thúc Thích Trường Phát. Nhát đao này đâm không sâu, không có gì đáng ngại. Các đệ tử đều yên tâm, người nào cũng chửi Ngô Khảm vong ân phụ nghĩa, đều nói ngày mai phải đến nhà phụ thân hắn thanh toán, xin sư phụ bảo trọng, rồi mọi người lui ra. Vạn Khuê ngồi trước giường chăm sóc cha.
Thích Phương chỉ muốn tìm cơ hội đào tẩu, cô phải ở bên xác chết của Ngô Khảm, chán ghét vô kể, lại sợ cha con họ Vạn phát hiện, có điều nghĩ không ra cách đào tẩu.
Vạn Chấn Sơn nói:
– Chúng ta trước hết phải xử lý cái xác chết, đừng để lộ.
Vạn Khuê nói:
– Hay là lại làm như cách làm đối với Thích Trường Phát?
Vạn Chấn Sơn mỉm cười trầm ngâm, nói:
– Vẫn là cách cũ.
Thích Phương rơi nước mắt: “Họ đã đối phó với phụ thân mình như thế nào?”
Vạn Khuê nói:
– Lại xây vào trong tường à? Cha ngủ ở đây, e không tốt lắm.
Vạn Chấn Sơn nói:
– Cha tạm chuyển đến ở với con. Chỉ sợ còn có chuyện phiền toái. Người ta sao lại dễ dàng đem kiếm phổ trao vào tay chúng ta? Hai cha con ta cần phải hợp lực đối phó. Tương lai phát đại tài, còn lo gì không có chỗ ở?
Thích Phương nghe đến chữ “xây” chợt như có một tia chớp lóe qua đầu, lập tức hiểu rõ: “Họ… họ đã đem thi thể cha xây vào trong tường, giấu xác chết xóa tung tích, thảo nào cha ra đi không bao giờ trở lại, không có tin tức gì cả. Thảo nào công công… không, không phải công công, thảo nào cái lão gian tặc Vạn Chấn Sơn cứ nửa đêm giờ tí lại dậy xây tường. Lão làm việc xấu xa, trong lòng bất an, bị bệnh mộng du trong giấc ngủ cũng dậy xây tường. Lão gian tặc này… lão gian tặc này mà cũng bất an trong lòng à? Điều này cũng lạ. Không, không phải là lòng lão cảm thấy bất an, lão hết sức đắc ý với cái việc xây tường ấy, ngay cả trong lúc ngủ cũng cứ phải lần này lượt khác… vừa nãy lão xây tường trong mộng chẳng phải là cứ luôn mỉm cười đó sao?”
* * *
Chỉ nghe thấy Vạn Khuê nói:
– Cha, rốt cuộc là kiếm phổ này có chỗ nào hay? Cha cứ bảo là chúng ta sắp phát đại tài, sắp giàu to, có thể giàu nhất thiên hạ à? Lẽ nào… lẽ nào đây không phải là bí quyết võ công, mà là vàng bạc của cải?
Vạn Chấn Sơn nói:
– Đương nhiên không phải là bí quyết võ công, những điều viết trong kiếm phổ là chỉ nơi giấu một kho báu. Cái lão Mai Niệm Sinh ấy, mỡ heo bọc mất trái tim, định đem kiếm phổ này truyền cho người ngoài, hi hi, cái lão đáng chết. Khuê nhi, mau, mau lấy kiếm phổ ra.
Vạn Khuê hơi tần ngần, rút cuốn sách từ trong người ra. Thì ra sau khi Thích Phương giấu quyển sách vào trong bụng cái quạt thóc, Vạn Khuê đã lén theo lấy đi.
Vạn Chấn Sơn nhìn con trai một cái, cầm lấy cuốn sách, giở từng trang ra. Bộ Đường thi này những trang gần bìa đều bị ngấm nước máu chưa khô, còn những trang giữa thì chưa bị ướt.
Vạn Chấn Sơn hạ giọng nói:
– Cha con ta có giữ được kiếm phổ này không, thật khó nói. Trước hết chúng ta phải tra cho rõ những điều áo bí trong sách, lỡ có bị người ta cướp mất, cũng không sao. Con cầm cây bút tới đây, ghi lại cẩn thận. Chiêu thứ nhất của “Liên thành kiếm pháp” là ở trong bài thơ “Xuân quy” của Đỗ Phủ.
Lão thấm nước miếng vào ngón tay, làm ướt một bên bài thơ “Xuân quy” của Đỗ Phủ, khẽ kêu lên một tiếng vui mừng:
– Là chữ thứ tư! Đúng, “Đài kinh lâm giang trúc”, chữ thứ tư là chữ “giang”, con ghi đi. Chiêu thứ hai, vẫn là thơ Đỗ Phủ, ở bài “Trùng kinh Chiêu lăng”.
Lão lại thấm nước miếng vào ngón tay, làm ướt một bên trang sách:
– Ôi, là chữ thứ “năm mươi mốt”!
Lão cứ đếm từng chữ từng chữ:
– Năm, mười, mười lăm, hai mươi… “Lăng tẩm bàn không khúc, Hùng bi thủ thúy vi.” Chữ thứ năm mươi mốt là chữ “lăng”. “Giang lăng”, “Giang Lăng”, diệu cực, hay quá, thì ra quả nhiên là ở Kinh Châu.
Vạn Khuê nói:
– Cha, cha nói nhỏ một chút!
Vạn Chấn Sơn tủm tỉm cười, nói:
– Đúng rồi! Không thế đắc ý vong hình. Khuê nhi, tâm huyết một đời của cha, thế là không phí hoài, bí mật lớn này rốt cuộc đã được chúng ta khám phá ra!
Đột nhiên, lão gấp sách lại, vỗ đùi đánh đét, hạ giọng nói:
– Vì sao kẻ địch lại đưa kiếm phổ này vào tay cha, cha hiểu rõ rồi!
– Là vì duyên cớ gì? Con nghĩ mãi không ra.
Vạn Chấn Sơn nói:
– Kẻ địch được kiếm phổ, không tìm ra được bí mật trong đó, thì có tác dụng cái rắm gì? “Liên thành kiếm pháp” của chúng ta, tên gọi mỗi chiêu đều là một câu thơ Đường, người của môn phái khác, dù võ công có như trời đi nữa thì cũng không thể nào biết được. Trên thế giới này chỉ có cha và Ngôn Đạt Bình mới biết chiêu thứ nhất là câu thơ nào, chiêu thứ hai lại là câu thơ nào. Vậy mới biết chữ thứ nhất phải tìm trong bài thơ “Xuân quy”, chữ thứ hai phải tìm trong bài thơ “Trùng kinh Chiêu lăng”.
Vạn Khuê nói:
– Tên gọi các chiêu của “Liên thành kiếm pháp” này chẳng phải là cha đã dạy chúng con rồi sao?
Vạn Chấn Sơn nói:
– Tên thì đúng, nhưng thứ tự thì rối loạn cả.
Vạn Khuê buồn bã:
– Cha, đến con mà cha cũng không dạy kiếm pháp thật.
Vạn Chấn Sơn có vẻ bối rối, nói:
– Cha có tám đệ tử, mọi người hôm sớm đều ở chung, nếu chỉ dạy một mình con, họ nhất định cũng sẽ biết, như thế thì thật không hay.
Vạn Khuê “ầy” một tiếng, nói:
– Âm mưu của kẻ địch nhất định là thế này. Hắn biết dùng nước làm ướt trang giấy thì sẽ có dấu chữ hiện ra, vì thế cố ý đưa kiếm phổ vào tay chúng ta, lại cố ý thấm ướt khiến chúng ta tra ra bí mật nằm trong kiếm phổ, đế chúng ta đi tìm kho báu, hắn sẽ dùng cách “cường đạo gặp kẻ cướp” để cướp của chúng ta.
Vạn Chấn Sơn gật gù:
– Đúng thế! Chúng ta mỗi bước đều phải đề phòng, chớ để cho bao nhiêu công khó nhọc của chúng ta đổ ra mà không lấy được kho báu, đến cả tính mạng cũng mất nốt.
Lão lại thấm ướt ngón tay tìm chữ thứ ba, nói:
– Chiêu thứ ba là ở bài thơ “Thánh Quả tự” của Xử Mặc, ba mươi ba, chữ thứ ba mươi ba, “Hạ phương thành quách cận, Chung khánh tạp sinh ca.” A, là chữ “thành” trong bài thơ này, “Giang Lăng thành”, đúng rồi, đúng rồi! Còn nghi ngờ gì nữa? Ái chà, sao ngứa dữ thế này?
Lão đưa tay phải gãi gãi lên mu bàn tay trái, cảm thấy tay phải cũng ngứa, lại đưa tay trái lên gãi gãi tay phải, rồi lại xem kiếm phổ, nói:
– Chiêu thứ tư này, là chữ thứ hai mươi tám, ầy, năm, mười, mười lăm… chữ thứ hai mươi tám là chữ “nam”. “Giang Lăng thành nam”, ha ha, ối! Ngứa quá!
Lão cúi xuống nhìn bàn tay trái, thấy trên mu bàn tay có ba ngấn mực, cảm thấy sờ sợ: “Hôm nay mình không viết chữ, sao trên mu bàn tay lại có vết mực đen?” Rồi cảm thấy hai mu bàn tay mỗi lúc một ngứa, nhìn bàn tay phải cũng có mấy ngấn mực ngang ngang dọc dọc.
Vạn Khuê “a” lên một tiếng, nói:
– Cha, ở… ở đâu ra vậy? vết này giống như vết rết độc của Ngôn Đạt Bình cắn.
Vạn Chấn Sơn được lời Vạn Khuê nhắc, cảm thấy hai tay càng ngứa râm ran, nhịn không nối đưa cả hai tay ra gãi cuống cuồng.
Vạn Khuê kêu lên:
– Đừng gãi, là… là móng tay của cha bị dính chất độc đấy.
Vạn Chấn Sơn kêu tướng:
– Ái chà! Quả là thế thật!
Lão lập tức tỉnh ngộ:
– Con dâm phụ kia đem kiếm phổ ngâm vào trong nước máu, trong máu của con có độc rết… Cái thằng giặc Ngô Khảm kia không chịu chết cho yên lại còn cào trên tay ta bao nhiêu là vết xước chảy máu. Mẹ cha nó, độc rết ngấm vào vết xước, may mà không nhiều, xem ra cũng không ngại lắm. Á, sao mỗi lúc một đau, ái chà, ái chà.
Lão không nhịn được rên rỉ.
Vạn Khuê nói:
– Cha, cha trúng độc không nhiều, con đi lấy nước mưa cho cha rửa.
Vạn Chấn Sơn nói:
– Phải rồi!
Rồi lão lớn tiếng gọi:
– Đào Hồng, Đào Hồng! Đem nước tới đây!
Vạn Khuê lông mày nhăn tít, nghĩ: “Cha sợ đến nỗi hoảng cả lên, Đào Hồng đã bị cha đuổi rồi, bây giờ còn gọi mụ ta.” Hắn cầm một cái chậu đồng rửa mặt, lấy một chậu nước mưa từ trong cái vại hứng ngoài thềm, bưng vào đặt lên bàn. Vạn Chấn Sơn vội đưa hai tay vào trong chậu nước lạnh, mát mẻ, bớt ngứa ngay.
Nào ngờ độc rết trên tay Vạn Khuê gặp phải thuốc giải, máu đen chảy ra cũng là một chất kịch độc, độc tính còn ghê gớm hơn cả nọc độc của con rết kia. Mu bàn tay của Vạn Chấn Sơn bị Ngô Khảm cào thấu thịt gặp phải chất kịch độc nên trúng độc còn sâu hơn cả Vạn Khuê.
Hai tay lão ngâm vào trong chậu nước trong một lúc, một chậu nước đã biến thành đen như mực.
Cha con họ Vạn nhìn nhau thất sắc. Vạn Chấn Sơn đưa hai bàn tay lên, không kìm được “a” lên một tiếng kêu thất thanh, thấy hai bàn tay sưng tấy lên như hai quả cầu. Vạn Khuê nói:
– Ái dà, e rằng không được ngâm nước!
Vạn Chấn Sơn đau đớn điên cuồng, mắng:
– Ngươi đã biết là không được ngâm nước sao còn múc nước đến, chẳng phải là có ý hại ta sao?
Vạn Khuê cũng đau nhảy dựng lên:
– Con vốn cũng không biết, chứ sao lại có ý hại cha?
Thích Phương ở dưới gầm giường nghe hai cha con cãi nhau, trong lòng cũng không biết là buồn bã hay vui mừng vì có cơ hội trả thù.
Nghe Vạn Chấn Sơn kêu:
– Làm sao bây giờ? Làm sao bây giờ?
Vạn Khuê nói:
– Trên lầu con có một ít thuốc giảm đau, tuy không thề giải độc nhưng cũng có thể bớt đau đớn một lúc, cha có cần bôi một chút không?
Vạn Chấn Sơn nói:
– Được, được, được! Mau đem lại đây!
Vạn Khuê nói:
– Có hiệu quả hay không con cũng không biết, e rằng càng bôi càng khó lành, rồi cha lại đá con.
Vạn Chấn Sơn chửi:
– Đồ khốn kiếp! Còn chưa chịu đi à? Cha mày đẻ ra mày, có đá mày một đá thì đã làm sao? Đi mau, mau đi lấy lại đây!
– Vâng!
Vạn Khuê quay mình bước đi.
Hai tay Vạn Chấn Sơn sưng vù lên, hai mu bàn tay đen sì, nhẵn bóng không có một nếp nhăn nào, như một cái bong bóng lợn thối căng, mỗi lúc một căng phồng, như sắp nổ ra, lão gào lên:
– Tao đi với mày! Không… không thể chậm trễ được.
Lão nhét kiếm phổ vào trong áo, lao ra khỏi phòng, vượt lên trước Vạn Khuê.
* * *
Thích Phương nghe tiếng hai người đã đi xa vội từ dưới gầm giường bò ra, tần ngần: “Đi đâu được bây giờ?” Ngơ ngẩn như người mất hồn không biết làm sao, chỉ cảm thấy trời đất mênh mang chống chếnh mà mình không một chỗ an thân: “Họ đã hại chết cha mình, thù này há không báo? Nhưng mối thù sâu tựa bể này biết báo cách nào đây? Nói về võ công, cơ trí mình kém công công và tam ca quá xa, huống nữa họ cho rằng mình có tư tình với Ngô Khảm, thấy mình là giết ngay, mình làm sao mà chống đỡ? Trước mắt chỉ có đi… đi tìm Địch sư ca, rồi sẽ tính. Nhưng lại không biết huynh ấy bây giờ đang ở đâu? Còn Không Tâm Thái? Mình làm sao bỏ rơi con được?” Vừa nghĩ đến con gái, cô lập tức co chân chạy về phía lầu, quyết bồng con gái chạy trốn, rồi sẽ nghĩ cách báo thù sau.
Trong lòng cô còn không hoàn toàn dám xác định cha con họ Vạn đã thật sự hại chết phụ thân cô. Vạn Chấn Sơn là kẻ lòng lang dạ sói, đó là điều chắc chắn. Nhưng còn Vạn Khuê? Tình yêu đối với chồng thật khó mà quyết tuyệt.
Cô chạy đến dưới lầu nghe thấy tiếng Vạn Chấn Sơn quát tháo, nghĩ bụng: “Kêu kiểu ấy thì Không Tâm Thái thức giấc mất.” Nghĩ đến con phải kinh hãi, cô không còn quan tâm đến nguy hiểm của bản thân mình nữa, rón rén bước lên lầu, cẩn thận không để cầu thang phát ra tiếng động. Phòng ngủ nhỏ của Không Tâm Thái ở ngay sau phòng của vợ chồng cô, chỉ cách một lớp ván mỏng.
Thích Phương rón rén đi vào phòng nhỏ, ánh sáng bên phòng kia chiếu qua, cô thấy con gái mở mắt tròn xoe, đã tỉnh dậy từ lâu, mặt đầy vẻ sợ hãi. Vừa trông thấy mẹ, cái miệng nhỏ méo xệch rồi khóc vang lên. Thích Phương vội vàng nhảy tới, ôm nó vào lòng ra hiệu bảo nó không được lên tiếng. Không Tâm Thái vừa rất thông minh vừa biết nghe lời lập tức im thin thít, hai mẹ con ôm nhau nằm trên giường.
Nghe Vạn Chấn Sơn kêu toáng lên:
– Không xong, không xong, thuốc giảm đau này càng bôi càng đau, cần phải tìm được thằng cha lang băm kia dùng thuốc giải của hắn mới được.
Vạn Khuê nói:
– Vâng ạ, chỉ có thuốc giải ấy mới trị được độc này. Đợi trời sáng bảo Lỗ đại ca và các anh em cùng đi tìm lang trung ấy, vết thương trên tay con cũng đau lăm.
Vạn Chấn Sơn tức giận:
– Làm sao mà chờ được đến sáng? Ái dà, ái dà! Chịu không nổi nữa, chịu không nổi nữa!
Bỗng chân lão bủn rủn, ngã phịch xuống, lăn lộn kêu gào:
– Mau, mau! cầm lấy kiếm, chặt đứt đôi tay cho ta! Mau chặt tay ta!
Nghe trong phòng tiếng đổ vỡ loảng xoảng đồ đạc bị đập phá tanh bành.
Không Tâm Thái sợ quá ôm chặt lấy mẹ mặt tái mét. Thích Phương đưa tay nhè nhẹ vuốt ve an ủi nhưng không dám lên tiếng.
Vạn Khuê cũng hết sức kinh hoảng, nói:
– Cha… cha, nhẫn nại một chút, tay của cha làm sao mà chém đi được? Chúng ta mau tìm thuốc giải mới phải.
Vạn Chấn Sơn đau đớn không chịu nổi, quát:
– Ngươi sao không chém đứt hai tay ta? A, biết rồi, ngươi… ngươi muốn ta chóng chết đế một mình nuốt chửng kiếm phổ, muốn một mình đi tìm kho báu…
Vạn Khuê nổi giận:
– Cha, cha đau đến mất trí rồi, mau lên giường ngủ một lát. Con không biết thứ tự các chiêu kiếm thì được kiếm phổ cũng có tác dụng gì?
Vạn Chấn Sơn không ngừng lăn lộn, nói:
– Ngươi bảo ta mất trí, ngươi cũng có lòng dạ bất lương. Ta đau muốn chết… muốn chết… xé quách đi, không ai được hết.
Bỗng, mắt lão đỏ nọc lên, rút kiếm phổ từ trong người ra, đưa tay xé nát từng trang, mười ngón tay của lão ngón nào cũng sưng phồng lên to như củ cà rốt, động tác không linh hoạt được nhưng vẫn xé được mấy trang.
Vạn Khuê cả sợ, kêu lên:
– Đừng xé, đừng xé!
Rồi giơ tay đoạt lấy. Hắn chụp được nửa quyển kiếm phổ, Vạn Chấn Sơn thì giữ chặt nửa kia, nắm chắc không buông. Kiếm phổ này đã bị ngâm trong nước máu chưa khô, mềm nhũn, hai người giành giật một lúc đã toạc làm đôi. Vạn Khuê ngẩn người ra, Vạn Chấn Sơn vẫn xé. Vạn Khuê không cam lòng để cho kho báu đã tới tay bỗng hóa thành mây khói, vội đưa tay ra đẩy phụ thân. Hai người lăn lộn trên nền nhà tranh cướp, lăn lăn lộn lộn khiến kiếm phổ càng rách tả tơi.
Bỗng nghe thấy tiếng Vạn Khuê rú dài:
– Ôi giời ơi… hỏng rồi… độc lại thấm vào vết thương của con, ái ái, đau quá!
Hai người lôi lôi kéo kéo, chất độc thấm vào vết thương trên tay Vạn Khuê. Khoảnh khắc mu bàn tay Vạn Khuê lại sưng vù lên đau đến tận tim. Hắn bị thương đã lâu, sức chịu đựng rất yếu, chất độc vừa thấm vào vết thương, theo máu đi lên, phát tác rất nhanh. Hai cha con lăn đi lăn lại quay cuồng trên sàn lầu, gào rú thê thảm.
Thích Phương nghe hồi lâu, rốt cuộc vợ chồng tình sâu, không thể không quan tâm, bèn đứng dậy, bước đến cửa, lạnh lùng nói:
– Sao thế? Hai người làm gì vậy?
Cha con họ Vạn thấy Thích Phương, trong cơn đau đớn không còn lòng dạ nào mà tức giận nữa.
Vạn Khuê kêu:
– Phương muội, mau đi tìm vị lang trung kia, nhờ ông ta chế thuốc giải, ái, ối giời, ối giời ơi… thật là… thật là đau chết mất, xin muội…
Thích Phương thấy hắn đau vã mồ hôi, lòng lại mềm đi, rút cái bình sứ ra, nói:
– Đây là thuốc giải!
Vạn Chấn Sơn và Vạn Khuê thấy cái bình sứ, cùng giãy giụa bò tới, cùng nói:
– Hay quá! Mau, mau bôi cho ta.
Thích Phương thấy ánh mắt Vạn Chấn Sơn hung dữ tham lam như dã thú, nghĩ nếu không nhân lúc ngặt nghèo này đế tra thì làm sao biết rõ được chân tướng, bèn nói:
– Khoan đã, ai động đậy một chút, tôi sẽ ném giải dược qua cửa sổ, rơi vào ao nước, mọi người đều chết!
Nói rồi đẩy cánh cửa sổ mở ra, lại mở nắp bình, treo bình thuốc ra ngoài cửa sổ, chỉ cần buông tay một cái, chiếc bình sứ sẽ rơi vào nước, không còn tác dụng nữa.
Cha con họ Vạn lập tức nằm im, nhìn nhau kinh sợ. Vạn Chấn Sơn bỗng nói:
– Con dâu hiền, con đưa thuốc giải cho ta, ta sẽ cho con đi theo Ngô Khảm, xa chạy cao bay, quyết không ngăn cản, ngoài ra còn cho con một ngàn lạng bạc, để hai người sống lâu dài… úi giời ơi, đau quá… Con đã có lòng dạ khác, Khuê nhi cũng không giữ con được nữa… con… con yên tâm mà đi.
Thích Phương nghĩ bụng: “Người này thật là ti bỉ vô sỉ, Ngô Khảm rõ ràng là đã bị lão tự tay bóp chết, lại còn lừa người.”
Vạn Khuê cũng nói:
– Phương muội, huynh tuy không thể bỏ được muội, nhưng chẳng còn cách nào, huynh hứa là không làm khó Ngô Khảm.
Thích Phương cười nhạt một tiếng nói:
– Hai người tệ hại quá thể, lại còn có ý nghĩ ti bỉ như vậy. Tôi chỉ hỏi một câu, các người trả lời cho thật, tôi lập tức cho thuốc giải.
Vạn Chấn Sơn nói:
– Được, được, hỏi mau đi, ối ối, úi giời!
Một cơn gió từ ngoài cửa sổ thổi vào, khiến những mảnh giấy vụn bay lên như bươm bướm. Giấy vụn từ kiếm phổ bị xé, từng mảnh từng mảnh bay ra ngoài cửa sổ. Bỗng, một đôi bướm màu bay lên, chính là đôi bướm bằng giấy cô cắt năm nào, kẹp trong tập thơ. Hai con bướm giấy chao lượn trong phòng, rồi cũng bay qua cửa sổ. Thích Phương chua xót trong lòng nhớ lại cảnh cùng vui vẻ bện giày với Địch Vân trong hang núi. Thế giới lúc bấy giờ tốt đẹp biết bao, trong trời đất không hề có chuyện thương tâm.
Vạn Khuê giục giã:
– Mau hỏi đi! Việc gì? Huynh không có gì là không nói.
Thích Phương lặng người, hỏi:
– Cha tôi đâu? Các người đã làm gì cha tôi?
Vạn Chấn Sơn gượng cười:
– Con hỏi việc cha con, ta… ta cũng không biết. Ái giời ơi… Ta rất nhớ vị lão sư đệ… Ái, ái! Sư huynh đệ lại thành sui gia, ái giời ơi, thật là hay.
Thích Phương sa sầm mặt, nói:
– Lúc này mà còn nói những lời giả dối ấy thì được ích gì? Cha ta bị ngươi hại chết, phải không? Ngươi đã giết cha ta như giết Ngô Khảm, phải không? Ngươi đã đem thi thể cha ta xây vào tường, phải không?
Thích Phương hỏi liền ba tiếng “phải không”, cha con họ Vạn sợ hãi cùng cực, không ngờ cô không những biết phụ thân của mình bị hại, đến cả việc Ngô Khảm bị giết cũng biết rồi. Vạn Khuê lắp bắp hỏi:
– Sao… sao muội biết?
Hắn nói “sao muội biết”, tức là trực tiếp thừa nhận việc ấy. Thích Phương trong lòng đau đớn, lửa giận bốc lên, muốn buông tay cho thuốc giải rơi vào bảy cái chum nước dưới cửa sổ. Vạn Khuê thấy tình thế nguy cấp, lấy thế muốn vọt lên chụp lấy. Vạn Chấn Sơn quát:
– Khuê nhi, không được hấp tấp!
Lão biết trong tình thế này cướp đoạt thì hỏng việc.
Bỗng, cọt kẹt mấy tiếng, Không Tâm Thái chân trần từ phòng nhỏ chạy ra, kêu lên:
– Mẹ, mẹ!
Muốn nhào vào lòng Thích Phương.
Vạn Khuê nảy linh cơ, chìa tay trái ra, ngang giữa chừng ôm lấy con gái, tay phải móc cây chủy thủ ra, chĩa vào thiên linh cái (thóp) con bé, quát lên:
– Được, một nhà ta, lớn bé hôm nay đều chết cả, ta giết Không Tâm Thái trước rồi hãy nói chuyện sau!
Thích Phương hốt hoảng, vội kêu:
– Mau buông nó ra, liên can gì đến con?
Vạn Khuê nghiêm giọng nói:
– Cả nhà không thể sống được, ta phải giết Không Tâm Thái trước.
Mũi chủy thủ dứ dứ trên đầu Không Tâm Thái.
Thích Phương nói:
– Không, không!
Cô nhào tới cứu, chụp lấy cổ tay Vạn Khuê.
Vạn Chấn Sơn tuy đang đau thấu xương, nhưng rốt cuộc lão vẫn là người từng trải, thấy Thích Phương lao qua bèn lấy cùi chỏ huých lên, đánh mạnh vào hông cô, nhanh tay đoạt lấy cái bình sứ trong tay cô, vội vàng đố thuốc lên mu bàn tay. Vạn Khuê cũng đưa tay ra lấy thuốc giải. Thích Phương giành lại được con gái, ôm chặt vào lòng.
Vạn Chấn Sơn phóng chân đá cô ngã nhào, tiện tay cởi luôn dây lưng, trói chặt hai tay cô ra sau lưng, lại trói chặt cả hai chân. Không Tâm Thái gào lên:
– Mẹ, mẹ, mẹ!
Vạn Chấn Sơn trở tay tát cho nó một cái, con bé ngất xỉu, nhưng cái tát ấy làm tay lão bị động mạnh lại kêu toáng lên: “Ái dà!”
Thuốc giải thật linh nghiệm, hai người bôi thuốc, chỉ chốc lát nước máu đã chảy ra, đau đớn giảm dần, biến thành tê ngứa, lát sau tê ngứa cũng giảm. Hai cha con yên tâm, biết là đã lượm lại được cái mạng, thấy những mảnh giấy vẫn lất phất bay qua cửa sổ, hai người cùng kêu lên:
– Hỏng bét!
Nhào tới ngăn lại.
Nhưng những mảnh giấy rách đã bết lại, quá nửa đã rơi vào những chum nước bên dưới cửa sổ, một ít nữa thì đang bay lả tả ngoài cửa sổ. Vạn Chấn Sơn kêu:
– Mau, mau, mau chụp lấy!
Hai người lao xuống lầu, gắng hết sức chụp lấy những mảnh giấy vụn đang bay lả tả. Nhưng hàng ngàn mảnh giấy vụn mảnh thì phất phới bay ra ngoài tường bao, mảnh thì bị gió cuốn lên cao. Hai cha con lao đông nhào tây như điên như cuồng, nhưng làm sao có thể nhặt nhạnh được những mảnh vụn, làm sao có thể chắp được vô số mảnh vụn thành kiếm phổ?
Vạn Chấn Sơn tuy bớt đau nhưng nỗi đau trong lòng lại càng ghê gớm, khí giận hừng hực, lớn tiếng mắng nhiếc con trai:
– Toàn vì thằng tiểu tặc nhà mi, tranh đoạt với ta làm chi? Nếu mày không lôi kéo, kiếm phổ đâu có bị rách nát thế này?
Vạn Khuê thở dài, không lao đi nhặt giấy vụn nữa, ngao ngán nói:
– Nếu con không ngăn lại, cha còn xé kiếm phổ nát bét hơn kia.
Vạn Chấn Sơn nói:
– Đánh rắm!
Lão biết con trai nói đúng nhưng vẫn cứ hò hét:
– Đánh rắm, đánh rắm, đánh rắm!
Vạn Khuê nói:
– May mà chúng ta đã biết chỗ ấy là ở phía nam thành Giang Lăng, thử tra lại trong bản kiếm phổ rách nát, chỉ cần dò ra một chút đầu mối nữa, thì cũng có thê tìm ra.
Vạn Chấn Sơn bỗng hung phấn lên, nói:
– Không sai, nơi ấy là ở “Giang Lăng thành nam”…
Bỗng nghe ở bên ngoài tường có tiếng người khe khẽ nhắc lại:
– “Giang Lăng thành nam”!
Cha con họ Vạn giật nảy mình, cùng nhảy ra đứng trên mặt tường, nhìn ra bên ngoài, chỉ thấy bóng lưng hai người thấp thoáng chạy vào con hẻm nhỏ.
Vạn Khuê quát:
– Bốc Viên, Thẩm Thành, đứng lại!
Nhưng hai người không quay đầu cũng không đứng lại, chạy như bay. Vạn Chấn Sơn muốn nhảy xuống đuổi theo. Vạn Khuê nói:
– Cha, trên lầu còn có… còn có… con dâm phụ kia.
Vạn Chấn Sơn nghĩ lại, gật gật đầu.
* * *
Hai cha con lại lên lầu, thấy bé Không Tâm Thái đã tỉnh lại, ôm lấy mẹ khóc ròng. Thích Phương chân tay đã bị trói đang an ủi con gái. Không Tâm Thái thấy ông nội và cha quay lại, “òa” lên một tiếng, khóc vang.
Vạn Chấn Sơn đá vào mông con bé, mắng:
– Lại khóc, một nhát đao mổ bụng con ranh này.
Không Tâm Thái sợ tái mét mặt, im thin thít. Vạn Khuê hạ giọng nói:
– Cha, con dâm phụ này biết hết mọi chuyện rồi, không thể để nó sống được, xử trí nó thế nào đây?
Vạn Chấn Sơn hơi trầm ngâm, rồi nói:
– Hai đứa ngoài tường vừa nãy, con nhìn rõ là Bốc Viên và Thẩm Thành à?
Vạn Khuê nói:
– Đúng là hai đứa ấy, không sai được! Chỉ sợ bí mật đã bị tiết lộ, chúng biết là ở phía nam thành Giang Lăng.
Vạn Chấn Sơn nói:
– Không nên chậm trễ, cần phải ra tay ngay. Con dâm phụ này, phải xử trí như cha nó.
Thích Phương đã sớm không quan tâm đến sự sống chết, chỉ còn không yên lòng về con gái. Cô nói:
– Tam… tam ca, muội và huynh đã là vợ chồng, huynh giết muội cũng không sao, sau khi muội chết, huynh hãy đối xử tốt với Không Tâm Thái!
Vạn Khuê nói:
– Được!
Vạn Chấn Sơn hầm hầm:
– Nhổ cỏ phải nhổ tận rễ, há để lại họa thai? Con bé này ranh mãnh tinh quái, việc hôm nay nó đều nhìn thấy hết, lấy gì đảm bảo nó không nói ra?
Vạn Khuê chầm chậm gật gật đầu. Hắn rất yêu con gái, nhưng lời của phụ thân cũng rất đúng, nếu lưu lại họa thai, cái mầm tai họa này tương lai sẽ gây hậu họa cực lớn.
Thích Phương nước mắt ròng ròng, nghẹn ngào nói:
– Các… các người lòng lang dạ sói, đến… đến đứa con bé bỏng cũng không buông tha sao?
Vạn Chấn Sơn nói:
– Chặn họng nó lại, đừng để nó kêu gào, làm cho cả thiên hạ đều biết!
Thích Phương nghĩ đến con gái khó toàn mạng, bỗng cất tiếng gào to:
– Cứu với, cứu tôi với!
Trong đêm tĩnh mịch hai tiếng kêu “cứu mạng” xé rách màn đêm vọng đi thật xa.
Vạn Khuê nhảy phóc đến, đưa tay bịt miệng cô, Thích Phương vẫn gào to:
– Cứu mạng, cứu mạng!
Nhưng miệng đã bị bịt, tiếng kêu tắc lại.
Vạn Chấn Sơn xé một mảnh trên vạt trường bào của con trai đưa cho Vạn Khuê, Vạn Khuê liền nhét búi giẻ vào miệng Thích Phương. Vạn Chấn Sơn nói:
– Đem nó chôn vào một chỗ với Thích Trường Phát, cha con cùng huyệt, tuyệt lắm.
Vạn Khuê gật đầu, ôm Thích Phương lên, mạnh chân chạy xuống lầu. Vạn Chấn Sơn ôm Không Tâm Thái. Bốn người đến thư phòng.
Thích Phương nhìn bức tường trắng ở phía tây thư phòng, nghĩ: “Cha mình bị lão tặc chôn vào trong bức tường kia à?”
Vạn Chấn Sơn nói:
– Ta tới đục tường, con đi kéo Ngô Khảm lại đây! Cẩn thận, đừng để người ta nhìn thấy.
Vạn Khuê đáp:
– Vâng!
Rồi chạy vào phòng Vạn Chấn Sơn.
Vạn Chấn Sơn rút ngăn kéo, trong đó đầy những kích, dùi, lưỡi xẻng… các thứ dụng cụ đều đầy đủ. Lão lấy ra đặt bên chân tường, nhìn bức tường trắng, hai tay đo đo, quay đầu nhìn Thích Phương một cái, mặt lộ vẻ đắc ý. Thích Phương lạnh buốt. Vạn Chấn Sơn cầm cái đột sắt và cái choòng, ngắm kỹ vị trí trên bức tường, nhằm vào kẽ giữa hai hàng gạch, xỉa cái choòng vào. Lão nạy một viên gạch, đưa tay lắc lắc mấy cái rồi rút ra, động tác rất là thuần thục… Sau khi lấy viên gạch ra, lão đưa lên mũi ngửi ngửi.
Thích Phương thấy động tác đục tường của lão, nhớ lại các động tác đục tường, đẩy thi thể, xây tường trong cơn mộng du của lão lúc nãy mà rợn tóc gáy, đến khi thấy lão ngửi ngửi mùi xác chết của phụ thân trong hốc tường thì vừa sợ, vừa đau lòng vừa phẫn nộ, cất tiếng mắng nhiếc:
– Đồ gian tặc nhà ngươi, lão gian tặc vô sỉ!
Nhưng miệng bị nhét đầy giẻ chỉ phát ra được những tiếng ú ớ.
Vạn Chấn Sơn lại đào khối gạch thứ hai, bỗng có tiếng bước chân gấp gáp, Vạn Khuê hộc tốc chạy đến, hổn hển nói:
– Cha, cha! Không xong rồi, Ngô Khảm… Ngô Khảm…
Hắn đụng phải cái bàn, tiếng loảng xoảng vang lên, cái đèn dầu rơi xuống đất, trong phòng tối đen chỉ thấy ánh trăng rọi qua lớp giấy bồi cửa sổ mờ mờ.
Vạn Chấn Sơn hỏi:
– Ngô Khảm thế nào? Nhặng xị cả lên, không nén được tức giận à?
Vạn Khuê nói:
– Không thấy Ngô Khảm nữa!
Vạn Chấn Sơn chửi:
– Nói như rắm! Sao không thấy?
Nhưng giọng lão hơi run, rõ ràng lòng đầy sợ hãi, “bốp” một tiếng, viên gạch đang cầm trong tay rơi xuống đất.
Vạn Khuê nói:
– Con thò tay xuống dưới gầm giường của cha để kéo thi thể ra, nhưng mò không được, thắp đèn lên soi dưới gầm giường, cái xác đã không còn nữa. Con tìm khắp sau rèm, sau tủ, chỗ nào cũng tìm nhưng không thấy gì cả.
Vạn Chấn Sơn trầm ngâm, lát sau mới nói:
– Thật là… thật là quái gở. Ta đoán là bọn Bốc Viên, Thẩm Thành lại giở trò ma.
Vạn Khuê nói:
– Cha, phải chăng… hay là… cái thằng Ngô Khảm đó chưa chết, nín thở một lúc, lại sống lại?
Vạn Chấn Sơn nổi giận:
– Nói như rắm, bố mày ngoại hiệu là “Ngũ vân thủ”, công phu lợi hại lẽ nào bóp một thằng đồ đệ nhãi nhép mà bóp không chết?
Vạn Khuê nói:
– Vâng, lẽ ra Ngô Khảm phải bị gia gia bóp chết rồi, nhưng không biết sao lại không thấy thi thể nữa? Lẽ nào… lẽ nào…
– Lẽ nào làm sao?
– Lẽ nào thật có việc xác chết biết đi? Oan hồn của hắn…
Vạn Chấn Sơn thét:
– Đừng nói bậy! Chúng ta mau xử trí con dâm phụ và con quỷ con này, rồi hãy tìm xác Ngô Khảm. Khéo rồi chuyện vỡ lở, cha con ta không còn chỗ dung thân ở đất Kinh Châu này.
Nói rồi lão càng khẩn trương đục hết viên gạch này đến viên gạch khác. Lão đào gạch xây tường trong mộng đã quen, ra tay rất thành thạo, lúc này tuy không có đèn đuốc gì mà đào đục vẫn rất nhanh.
Vạn Khuê nghe lời cha, đáp:
– Vâng!
Rồi, đao trên tay, hắn đi đến trước Thích Phương, giọng run run:
– Phương muội, là muội có lỗi với huynh. Muội chết rồi, đừng oán huynh!
Thích Phương không cách gì nói được, né mình, dùng đầu vai huých mạnh vào y. “Cha con họ Vạn muốn giết mình thì đã đành, nhưng đến Không Tâm Thái họ cũng không tha, thật là lòng lang dạ sói trên đời hiếm có!” Vạn Khuê bị huých một cú, thân hình hơi loạng choạng lùi lại hai bước, vung đao, chửi:
– Con dâm phụ này, chết đến nơi còn ngông cuồng.
Đúng vào lúc ấy bỗng nghe mấy tiếng “cách cách cách” vang lên, cửa thư phòng từ từ mở ra. Vạn Khuê giật nảy mình, quay đầu lại, dưới ánh trăng thảm đạm chỉ thấy cửa phòng bị đẩy ra mà không thấy người.
Vạn Chấn Sơn quát hỏi:
– Ai?
Cửa phòng lại “cách cách, cách cách” mấy tiếng, vẫn không có người trả lời.
Dưới ánh sáng mờ mờ bỗng thấy từ trong cửa một người nhảy ra, người này cứ ngật ngưỡng đi tới, đầu gối không co duỗi. Vạn Chấn Sơn và Vạn Khuê đều kinh hãi lùi lại hai bước.
Chỉ thấy người kia hai mắt trợn ngược, lưỡi lè ra, mũi miệng đầy máu, chính là Ngô Khảm vừa bị Vạn Chấn Sơn bóp chết. Vạn Chấn Sơn và Vạn Khuê cùng rú lên “a… a…”
Thích Phương thấy cảnh tượng đáng sợ, trái tim như ngừng đập.
Ngô Khảm không nhúc nhích, hai tay từ từ giơ lên, chìa về phía Vạn Chấn Sơn.
Vạn Chấn Sơn quát:
– Tiểu tặc Ngô Khảm, bố mày sợ… sợ… cái xác biết đi… này… này sao?
Lão rút đao ra, nhằm đầu Ngô Khảm bổ xuống, bỗng cảm thấy cổ tay tê dại, đơn đao cầm không vững, “keng” một tiếng rớt xuống đất. Rồi bên hông cũng tê dại, toàn thân không nhúc nhích được.
Vạn Khuê sợ chết cứng, thấy xác của Ngô Khảm sau khi “trêu” phụ thân lại chìa thẳng hai tay từ từ chụp về phía mình, chỉ muốn kêu lên “Ngô sư đệ, Ngô sư đệ! Tha cho huynh!” Nhưng tiếng nói nghẹt cứng trong họng, không thốt ra được. Hắn lùi hai bước, chân bủn rủn, ngã phịch xuống đất. Chỉ thấy tay phải Ngô Khảm thõng xuống, sờ lên mặt y, ngón tay lạnh buốt. Vạn Khuê sợ đến hồn xiêu phách lạc, suýt ngất đi.
Bỗng thân hình Ngô Khảm ngã sấp xuống, đè lên người Vạn Khuê, không hề động đậy.
Đằng sau Ngô Khảm, sừng sững một người.
Người này bước đến bên cạnh Thích Phương, rút búi giẻ trong miệng cô ra, hai tay vuốt xuống mấy cái, dây trói Thích Phương đứt hết, rồi người ấy xoay mình, đá mạnh một cú vào bên hông Vạn Khuê, toàn thân y lập tức mềm nhũn.
Thích Phương trước hết ôm lấy Không Tâm Thái, run giọng hỏi:
– Ân công là ai mà cứu mạng tôi?
Hai tay người ấy chìa ra, dưới ánh trăng, thấy trong mỗi tay người ấy có một con bướm được cắt bằng giấy hoa, chính là hai con bướm giấy kẹp trong cuốn “Đường thi tuyển tập”, khi chúng bị gió thổi bay xuống lầu người ấy đã lượm được. Thích Phương dụi mắt, thấy bàn tay phải của người ấy năm ngón đều không có, kêu lên thất thanh:
– Địch sư ca!
Người ấy chính là Địch Vân, nghe tiếng gọi “Địch sư ca” trong ngực bỗng cảm thấy ấm áp, không cầm được nước mắt trào ra. Chàng kêu lên:
– Phương muội, trời thương đến, muội… muội và huynh hôm nay lại được gặp nhau!
Thích Phương lúc này như một lá thuyền bé nhỏ lênh đênh trên biển mênh mang trước gió to sóng dữ bỗng gặp một bờ vịnh sóng yên gió lặng, nhào vào lòng Địch Vân, thổn thức:
– Sư ca, đây… đây… đây không phải giấc mộng chứ?
Địch Vân nói:
– Không phải là mộng, Phương muội, hai đêm nay huynh đều ở đây quan sát. Những việc làm thương thiên hại lý của hai cha con họ Vạn huynh đều thấy hết. Thi thể của Ngô Khảm, hừm, là do huynh cầm đến để dọa chúng một mẻ!
Thích Phương kêu lên:
– Gia gia, gia gia!
Cô đặt Không Tâm Thái xuống, lao đến trước hốc tường, thò tay vào mò trong hốc tường, nhưng cảm thấy trống không. “A” lên một tiếng, cô run giọng nói:
– Không… không có.
Địch Vân thắp cây bùi nhùi soi vào trong hốc tường, chỉ thấy đầy gạch đá vôi vữa chứ nào có thi thể của Thích Trường Phát. Chàng nói:
– Ở đây không có, không có gì cả.
Thích Phương lấy một cây nến đầu giường Vạn Chấn Sơn, châm lửa, đưa vào trong góc tường soi rõ nhìn kỹ, đâu có thi thể của phụ thân, thi thể của ai cũng không có. Cô vừa sợ vừa mừng, trong lòng còn một tia hy vọng: “Hay là gia gia không bị họ hại chết?” Cô quay lại hỏi Vạn Khuê:
– Tam… tam ca, cha tôi rốt cuộc thế nào?
Vạn Khuê và Vạn Chấn Sơn lại không biết cô không phát hiện được thi thể trong hốc tường, chỉ cho rằng cô thấy thi thể của phụ thân rồi sẽ ra tay báo thù. Vạn Chấn Sơn ngang nhiên nói:
– Đại trượng phu dám làm dám chịu, Thích Trường Phát là do ta giết, ngươi xông tới mà báo thù đi.
Thích Phương nói:
– Cha ta thật bị ngươi giết à? Thế thì… thi thể của cha ta đâu?
Vạn Chấn Sơn hỏi:
– Sao? Người chết trong hốc tường ấy lẽ nào lại không phải là hắn?
Thích Phương nói:
– Ở đây có người chết nào đâu?
Vạn Chấn Sơn và Vạn Khuê nhìn nhau, mặt mày tái mét, có vẻ không tin. Địch Vân kéo Vạn Chấn Sơn dậy cho lão thò đầu vào hốc tường mà nhìn.
Vạn Chấn Sơn run giọng:
– Trên đời quả… quả có xác chết biết đi à? Ta… rõ ràng… rõ ràng…
Bỗng lão đổi giọng:
– Con dâu ngoan… ta… ta lừa con đó, huynh đệ ta tuy bất hòa nhưng cũng không đến nỗi hạ độc thủ. Sao con lại tin là ta giết cha con thật? Ha ha, ha ha.
Bản lĩnh nói láo của lão vốn rất cao, nhưng lúc này lão đang hốt hoảng, miệng ngọng lưỡi cứng, lời nói láo thốt ra cứ lúng búng không ai tin được. Nếu như lão quật cường cứng cỏi thì Thích Phương và Địch Vân còn một chút hy vọng, chứ lão nói như thế hai người càng tin chắc lão đã hại chết Thích Trường Phát.
Địch Vân vỗ mạnh một chưởng vào vai lão, nói:
– Vạn sư bá, bác hại tôi rõ khổ, tất cả những việc ấy bất tất phải nhắc lại. Tôi chỉ hỏi sư bá: rốt cuộc có phải bác đã hại chết sư phụ tôi không?
Nói rồi chàng vận nội công “Thần chiếu kinh”, Vạn Chấn Sơn cảm thấy như toàn thân rơi vào một lò lửa, tựa hồ như máu cũng sôi lên, không chịu đựng nổi. Nghĩ đến thi thể Thích Trường Phát không biết đi đâu lão hoảng hốt, lòng dạ rối bời, không còn có ý kháng cự nữa, lão nói:
– Không… không sai. Thích Trường Phát là do ta giết.
Địch Vân lại hỏi:
– Thi thể của sư phụ tôi đâu? Bác đã đặt ở chỗ nào?
Vạn Chấn Sơn nói:
– Rõ ràng là ta đã đem y xây vào hốc tường này, là xác biến… biến mất sao?
Địch Vân hằm hằm nhìn lão, nhớ lại mấy năm qua, mình đã phải trải qua vô cùng vô tận khổ nạn, toàn là do sự hãm hại của hai cha con nhà này, lúc này Vạn Chấn Sơn lại tự thú nhận đã giết chết sư phụ, chàng sao cho khỏi lửa giận bốc lên ngùn ngụt? Nếu không phải là đã được gặp lại Thích Phương trong lòng niềm vui lớn hơn nỗi buồn thì chàng đã một chưởng lấy mạng lão. Chàng nghiến răng, nhấc Vạn Chấn Sơn lên, “bình” một tiếng, ném lão vào trong chỗ hổng bức tường. Thân thể Vạn Chấn Sơn to lớn, làm rơi mấy viên gạch mới lọt vào trong.
Thích Phương “a” lên một tiếng, kêu khẽ. Địch Vân lại nhấc thân thể Vạn Khuê lên, lại ném vào trong hốc tường Vạn Chấn Sơn mới đục thêm, nói:
– Một trả một, cha con lão hãm hại sư phụ, chúng ta cũng đối phó với họ như vậy.
Chàng nhặt những viên gạch dưới đất, xây kín hốc tường, trong khoảnh khắc, đã xây xong.
Thích Phương giọng run run:
– Sư ca… sư ca, huynh đã báo mối đại thù cho cha. Nếu không có huynh đến… Sư ca, thi thể của người này phải làm sao?
Cô chỉ vào xác Ngô Khảm.
– Chúng ta đi thôi! Những chuyện ở đây đừng quan tâm nữa.
Thích Phương nói:
– Hai người đã xây vào trong tường, còn chưa chết, nếu có người đến cứu…
Địch Vân nói:
– Người ta làm sao biết được trong tường có người? Chúng ta dời xác Ngô Khảm đi, người ngoài càng không đến đây điều tra. Hai người này chẳng sống được bao lâu nữa.
Chàng nhấc thi thể Ngô Khảm đi đến thư phòng, vẫy tay gọi Thích Phương:
– Đi thôi!
Hai người nhảy qua tường nhà họ Vạn, Địch Vân ném xác Ngô Khảm, hỏi:
– Sư muội, chúng ta đi đâu bây giờ?
Thích Phương hỏi:
– Huynh nghĩ gia gia có thật là đã bị họ hại chết không?
Địch Vân nói:
– Chỉ mong sư phụ vẫn khỏe mạnh. Có điều nghe Vạn Chấn Sơn nói, thì e rằng… thì e rằng sư phụ đã gặp nạn, chúng ta phải điều tra cho rõ ràng.
Thích Phương nói:
– Muội phải về lấy một ít đồ đạc, huynh đợi muội ở cái từ đường đổ nát bên kia.
Địch Vân nói:
– Để huynh đi với muội tốt hơn.
– Không, không nên! Nếu bị người ta nhìn thấy thì thật bất tiện.
– Huynh đi với muội tốt hơn, họ Vạn còn có những đệ tử khác, chẳng có ai là người tốt cả.
Thích Phương nói:
– Không sao. Huynh bồng Không Tâm Thái, đợi muội ở bên kia.
Không Tâm Thái trải qua một phen khủng khiếp, không chịu nổi, đã ngủ vùi trong lòng mẹ.
* * *
Địch Vân từ trước đến nay luôn nghe lời Thích Phương, thấy cô có vẻ kiên quyết, không dám trái ý, đành bồng con bé, thấy Thích Phương đã nhảy tường vào nhà họ Vạn, liền đi về phía từ đường, đẩy cửa bước vào.
Qua thời gian khoảng nấu xong bữa cơm, vẫn không thấy Thích Phương quay lại, Địch Vân lo lắng, muốn vào nhà họ Vạn đón cô nhưng sợ cô không vui, bồng Không Tâm Thái đi đi lại lại trước từ đường. Nghĩ đến việc cuối cùng lại được gặp sư muội, nỗi vui mừng không sao tả xiết, nhưng từ trong đáy lòng lại mơ hồ sợ hãi, không biết sư muội có chịu để cho mình bầu bạn với cô ấy mãi mãi không. Chàng cứ khấn thầm: “Ông trời hãy che chở, tôi đã nếm trải bao nhiêu đau khổ, hãy cho tôi từ nay về sau được ở bên cô ấy, che chở, chăm sóc cho cô ấy. Tôi không dám mong được làm chồng cô ấy, chỉ cần ngày ngày ngày được nhìn thấy cô ấy, cô ấy ngày ngày gọi tôi hai tiếng “Sư ca”. Ông trời ơi, tôi suốt đời suốt kiếp không cầu xin ông điều gì nữa.”
Bỗng chàng nghe thấy từ trong từ đường có tiếng lách cách, hình như là có người. Địch Vân nghiêng người, đứng im dưới cửa sổ. Lát sau, có tiếng đấy cửa, có người bước ra.
Trong bóng tối, thấp thoáng thấy một mụ ăn mày đầu bù tóc rối, Địch Vân không đề ý, chỉ nghĩ:“Sao Phương muội còn chưa trở lại?”
Không Tâm Thái trong mơ bỗng “òa” lên một tiếng, sợ hãi khóc to, kêu:
– Mẹ, mẹ!
Mụ ăn mày giật mình, co rúm lại trong góc hành lang, ôm chặt lấy đầu. Địch Vân khẽ vỗ vỗ Không Tâm Thái, dịu dàng nói với con bé:
– Đừng khóc, đừng khóc! Mẹ sắp đến rồi, mẹ sắp đến rồi!
Mụ ăn mày nghe thấy tiếng trẻ con, Địch Vân lại không có ý làm hại mụ, đánh bạo đứng lên, từ từ bước đến gần giúp chàng ru Không Tâm Thái:
– Bảo Bảo ngoan, đừng khóc, mẹ sắp đến rồi!
Mụ hạ giọng thì thầm nói với Địch Vân:
– Một người khi ngủ lại thấy ma, có người nửa đêm dậy xây tường, không… không… đừng hỏi tôi…
Địch Vân hỏi:
– Mụ nói gỉ?
Mụ ăn mày nói:
– Không… không có gì. Lão gia đuổi tôi. Ông ấy không cần tôi nữa, trước đây, khi tôi còn trẻ, ông ấy rất thích tôi. Người ta nói: một ngày chồng vợ trăm ngày ái ân, trăm ngày chồng vợ nghĩa tình thâm… Sẽ có ngày lão gia gọi tôi trở lại, sê có ngày lão gia gọi tôi trở lại.
Địch Vân trong lòng chấn động: “Sư muội đối với chồng cô ấy, lẽ nào không nhớ tình xưa?” Bỗng cảm thấy ngực tắc nghẹn, đầu choáng váng, bồng Không Tâm Thái chạy ra khởi từ đường.
Chàng quyết không đoán ra, mụ ăn mày bẩn thỉu này chính là Đào Hồng, kẻ năm ấy đã hãm hại chàng.
———————-
[1] Thành ngữ, ý nói: lấy chồng thì phải theo chồng, dù không ra gì cũng không bỏ được