Lộc Đỉnh ký (Truyện kiếm hiệp Kim Dung) - Lời người dịch
Trong 15 bộ tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung, Lộc Đỉnh Ký là tác phẩm mang nhiều biệt sắc nhất. Trực tiếp phản ánh đời sống xã hội với các mâu thuẫn chính trị – văn hóa ở Trung Quốc thế kỷ XVIII, khi nhà Thanh của người Mãn Châu bắt đầu Hán hóa để rồi trở thành vương triều chính thức của quốc gia phong kiến Trung Hoa, tác phẩm này là một bộ tiểu thuyết võ hiệp dã sử độc đáo trên cả hai phương diện nội dung và thi pháp. Bởi vì khác với những tiểu thuyết võ hiệp, Lộc Đỉnh kí không phải ánh cuộc sống của các nhân vật võ lâm với các mâu thuẫn cá nhân hay phe phái giữa họ mà phản ánh đời sống xã hội Trung hoa đầu thời Thanh với các mâu thuẫn Chính trị – văn hóa của thật của lịch sử, và cũng khác với nhiều tiểu thuyết võ hiệp, các mâu thuẫn chủ yếu trong Lộc Đỉnh kí lại được giải quyết với sự tham gia không phải của các hiệp khách võ công cao cường, nhân tâm hiệp cốt mà là của một nhân vật vừa không “võ” vừa ít “hiệp” là Vi Tiểu Bảo, một nhân vật mà lai lịch và hành trạng, số phận và tính cách đã phá tung các khuôn mẫu cố hữu của tiểu thuyết võ hiệp thông thường. Có thể nói qua Lộc Đỉnh kí, Kim Dung đã khơi lên nhiều vấn đề của một thế giới hiện đại trong đó các yếu tố thiện ác chính tà luôn đan xen lẫn nhau để phát triển và chuyển hóa, đồng thời cũng góp phần đẩy tiểu thuyết võ hiệp phát triển thêm một bước trên con đường phản ánh thế giới và nhân sinh.
Vi Tiểu Bảo là con một kỹ nữ ở Dương Châu, không biết cha là ai, lớn lên trong kỹ viện, tính nết gian trá giảo hoạt nhưng trọng nghĩa khí, ngẫu nhiên làm quen với Mao Thập Bát, được Mao Thập Bát đưa lên Bắc Kinh. Ở đó vì một sự ngẫu nhiên y bị bắt vào hoàng cung, trở thành một thái giám bất đắc dĩ. Với thân phận thái giám giả mạo này y đã ngẫu nhiên làm quen được với đương kim hoàng đế Khang Hy của nhà Thanh, trở thành bạn bè rồi bạn thân của ông vua hùng tài đại lược này. Được Khang Hy tin dùng, y liên tục được thăng quan tiến chức. Nhưng trong quá trình phục vụ Khang Hy, y lại ngẫu nhiên có nhiều tao ngộ lạ lùng. Đối với nhà Thanh, y lần lượt là tiểu thái giám công thần giúp Khang Hy bắt sống gian thần Ngao Bái, Thái giám quản sự Ngự thiện phòng, Phó Tổng quản Ngự tiền thị vệ, Phó Đô thống rồi Đô thống Kiêu kỵ doanh, Phụ quốc Phụng thánh thiền sư thay Khang Hy xuất gia ở chùa Thiếu Lâm rồi làm trụ trì chùa Thanh Lương, Khâm sứ tứ hôn cho Ngô phiên, người phát ngôn của hoàng đế, tình báo chính trị của Khang Hy, Trung Dũng bá, Tam đẳng Lộc Đỉnh công, Phủ viễn đại tướng quân, Tư lệnh chi ến dịch đánh Nga La Tư, đại thần thay mặt nhà Thanh kí kết hiệp ước hoạch định biên giới Trung – Nga, Nhất đẳng Lộc Đỉnh công; nhưng với các lực lượng và cá nhân chống Thanh thì y là đệ tử của Trần Cận Nam Tổng đà chủ Thiên Địa hội kiêm Hương chủ Thanh Mộc đường của Thiên Địa hội, Bạch Long sứ của Thần Long giáo, đồ đệ Cửu Nạn tức Trưởng công chúa cũ của vua Sùng Trinh nhà Minh, người ơn của Trang gia, Mộc vương phủ Vân Nam của nhà Minh cũ và các nhân sĩ chống Thanh như Cố Viêm Vũ, Hoàng Tông Hy, Tra Kế Tá, Lã Lưu Lương… Ngoài ra y còn là anh em kết nghĩa với Dương Dật Chi thuộc hạ của Bình Tây vương Ngô Tam Quế, anh em kết nghĩa với Bách thắng đao vương Hồ Dật Chi, người tình của công chúa Tô Phi Á nước Nga La Tư, anh em kết nghĩa với vương tử Cát Nhĩ Đan Mông Cổ và Tang Kết ở Tây Tạng… Bấy nhiêu quan hệ với các lực lượng cũng như cá nhân chống Thanh và nhiều khi cả chống lẫn nhau như vậy đã khiến y trở thành m ột con người đa diện trong một cuộc phiêu lưu kỳ lạ xuyên qua không gian chính trị – văn hóa cuối thế kỷ XVII ở Trung Hoa.
Theo Mao Thập Bát từ Dương Châu lên Bắc Kinh, Vi Tiểu Bảo đã bước vào một cuộc phiêu lưu không tiền khoáng hậu. Những điều ngẫu nhiên xảy ra liên tiếp đã hút y vào bối cảnh xung đột chính trị – văn hóa khốc liệt đương thời của đế chế Trung Hoa. Cái không gian vật lý của cuộc phiêu lưu này quả cũng quá đỗi rộng lớn đối với một thiếu niên: phía Tây tới Vân Nam, phía Nam tới Quảng Tây, phía Đông tới Đài Loan và phía Bắc tới Mạc Tư Khoa trước thời Pie đại đế. Nhưng vượt lên và sâu hơn cái không gian vật lý ấy là cái không gian chính trị – xã hội mà nó chứa đựng: chỉ giữa khu vực hoàng cung r ất nhỏ bé so với đất nước Trung Hoa rộng lớn, Vi Tiểu Bảo cũng đã bị hút vào những mâu thuẫn – xung đột chính trị tại cung đình, trong đó cái ít có giá trị nhất là mạng sống của con người. Mâu thuẫn giữa Khang Hy với Ngao Bái, giữa thái hậu với Hải Đại Phú đã giúp y bước đầu trưởng thành trong các hoạt động xã hội, một sự trưởng thành cần thiết tuy không mấy đáng khen “Hai nơi kỹ viện và hoàng cung lại càng là chỗ hư ngụy nhất, gian trá nhất trên đời, Vi Tiểu Bảo đắm mình vào hai nơi ấy thì về mặt khôn ngoan giảo quyệt còn hơn xa người lớn bình thường”. Tính nết lì lợm gian dối của một thằng hầu nhỏ ở Lệ Xuân viện đã có điều kiện để chuyển hóa thành tính cách tàn nhẫn gian ngoan của một gã sủng thần trong triều đình Khang Hy. Cho nên ý đã mau lẹ thích ứng được với chức Hương chủ Thanh Mộc đường quyền rơm vạ đá trong Thiên Địa hội, với chức Bạch Long sứ hữu danh vô thực của Thần Long giáo rồi tiến tới chỗ sử dụng các lực lượng chống Thanh để thăng tiến trong tri ều đình, đồng thời sử dụng quyền lực cũng như các quan hệ trong triều đình đế lập công với các lực lượng chống Thanh. Dĩ nhiên các vai trò nói trên luôn xung độ t với nhau, nên nếu như trong một số trườ ng hợp tình thế đã giúp Vi Tiểu Bảo may mắn không bị lật mặt thì trong cuộc phiêu lưu giống như một vòng quay “tái sản xuất mở rộng” này, tính cách và tình cảm của y lại ngày càng trở nên phức tạp vì luôn bị giằng xé bởi tâm thế vừa là người trong cuộc vừa là kẻ chứng nhân. Cái tâm thế lưỡng phân vừa là con bạc vừa là nhà cái này đã quy định số phận của Vi Tiểu Bảo, một số phận được thể hiện tập trung qua hình tượng tám bộ Tứ thập nhị chương kinh.
Chứa đựng tấm bản đồ bí mật về long mạch và kho tàng của người Mãn Châu, tám bộ Tứ thập nhị chương kinh là một bảo vật vô giá trở thành đối tượng săn đuổi, mục tiêu hành động của nhiều cá nhân và lực lượng chính trị trong Lộc Đỉnh ký, cần lưu ý là ở đây dường như có một sự sơ suất của Kim Dung, vì thật ra Vi Tiểu Bảo chỉ lấy được có bảy bộ. Hãy so sánh lời Khang Hy tóm tắt về tình hình tám bộ Tứ thập nhị chương kinh trong hồi 29 với thực tế quá trình Vi Tiểu Bảo lấy dược Tứ thập nhị chương kinh.
Bộ của đạo Chánh Hồng kỳ: “Còn ba bộ kinh khác hiện đang trong tay kỳ chủ ba đạo Chánh Hồ ng kỳ, Chánh Lam kỳ, Tương Lam kỳ. Hiện Khang thân vương là Kỳ chủ đạo Chánh Hồng kỳ, ta đã ra lệnh cho y cầm kinh thư dâng lên”. Bộ này của Khang thân vương bị Tề Nguyên Khải lấy trộm giấu trên mái ngói rồi bị Vi Tiểu Bảo hớt tay trên lấy trộm trong hồi 10.
Bộ của đạo Tương Hồng kỳ: “Thị (tức thái hậu giả) lại phái Phó Tổng quản Ngự tiền thị vệ Thụy Đống tới làm khó kỳ chủ Chánh Hồng kỳ Hòa Sát Bác. Lúc ấy ta không biết nguyên cớ, mà thằng khốn Hòa Sát Bác này trước nay vẫn câu kết với Ngao Bái, nên cũng không đếm xỉa gì tới. Bây giờ nghĩ ra, đương nhiên là để lấy kinh thư của y”. Bộ này đã từ tay Hòa Sát Bát chuyển qua Thụy Đống rồi tới Vi Tiểu Bảo trong hồi 11.
Bộ của đạo Tương Bạch kỳ: “Kỳ chủ đạo Tương Bạch kỳ có tội, bộ kinh của đạo Tương Bạch kỳ bị tịch thu vào cung, phụ hoàng bèn tặng cho hoàng hậu Đoan Kính. Con đĩ già hại chết hoàng hậu Đoan Kính, đương nhiên cũng đã chiếm bộ kinh thư của hoàng hậu. Bộ này đã từ tay thái hậu giả chuyển qua Vi Tiểu Bảo trong hồi 14, về sau Vi Tiểu Bảo lấy phần bản đồ ra, đưa phần kinh sách cho Khang thân vương nộp lên cho Khang Hy trong hồi 29. Bộ của đạo Tương Hoàng kỳ: “Ngao Bái là kỳ chủ đạo Tương Hoàng kỳ. Hôm ấy ta sai ngươi đi lục soát nhà Ngao Bái , con đĩ già bảo ngươi tìm hai bộ kinh thư, một bộ chính là của đạo Tương Hoàng kỳ, còn bộ kia là của đạo Chánh Bạch kỳ. Bộ của đạo Tương Hoàng kỳ như vậy đã từ Ngao Bái chuyển qua thái hậu giả rồi tới Vi Tiểu Bảo, còn bộ của đạo Chánh Bạch kỳ thì lần lượt chuyển từ Tô Khắc Tát Ha tới Ngao Bái, thái hậu giả rồi tới Vi Tiểu Bảo cùng với bộ của đạo Tương Bạch kỳ trong hồi 14. Đến hồi 15 thì y giấu năm bộ kinh vào quan tài chỗ Cao Ngạn Siêu, sau đó mới được Đào Hồng Anh cho biết bí mật của tám bộ Tứ thập nhị chương kinh.
Bộ của đạo Chánh Hoàng kỳ: “Bộ kinh của đạo Chánh Hoàng kỳ phụ hoàng vẫn giữ bên người, đem lên núi Ngũ Đài, sau đó sai ngươi cầm về đưa cho ta”. “Nhưng có một chuyện rất kỳ quái, bộ kinh của đạo Chánh Hoàng kỳ bỗng nhiên không thấy nữa. Ngươi nghĩ xem lại có ai dám cả gan như thế, dám vào thư phòng của ta lấy trộm? Bộ này từ Thuận Trị chuyển qua Khang Hy rồi bị công chúa Kiến Ninh lấy trộm đưa thái hậu giả, kế Cửu Nạn đoạt được từ tay thái hậu giả, lấy phần bản đồ ra. Sau cùng bà đưa phần bản đồ cho Vi Tiểu Bảo, giao phần kinh sách cho Tang Kết trong hồi 26.
Bộ của đạo Chánh Lam kỳ: “Kỳ chủ đạo Chánh Lam kỳ là Phú Đăng còn nhỏ tuổi, ta vừa hỏi qua y. Y nói kỳ chủ tiền nhiệm Gia Khôn chết trận lúc đánh Vân Nam, tất cả những chuyện sau đó đều do Ngô Tam Quế lo liệu. Ngô Tam Quế chỉ đưa ý một quả ấn, mấy lá quân kỳ và mấy vạn lượng bạc, ngoài ra không có gì cả”. Bộ này về sau bị Vi Tiểu Bảo đánh tráo lấy được chỗ Ngô Tam Quế trong hồi 30.
Bộ của đạo Tương Lam kỳ: “Gã khốn Ngạc Thọc Khắc Ha kỳ chủ đạo Tương Lam kỳ hết sức hồ đồ, ta bảo y dâng trình kinh thư, ý lại nói mấy năm trước đã không thấy rồi. Ta phái thị vệ tới nhà y lục soát, không có một chút tung tích, ta đã giam y vào thiên lao, cho người khảo tra xem rốt lại đúng là bị trộm mất hay y giấu đi không chịu nộp lên”. Bộ này không thấy nói ai lấy được và vào lúc nào, nhưng trong hồi 29 lại thấy nói là thái hậu giả lấy được rồi bị Vi Tiểu Bảo lấy trộm, nghĩa là bị lầm với bộ của đạo Tương Bạch kỳ:
“Vi Tiểu Bảo trở vào cung, lấy hai bộ kinh thư khác đi tìm Bạn đầu đà và Lục Cao Hiên. Bộ của đạo Chánh Hoàng kỳ y đã tẩm thuốc độc đưa cho bọn Lạt ma Tang Kết cướp đi, bộ của đạo Tương Bạch kỳ đã cho Khang thân vương. Trong năm bộ còn lại thì hai bộ của đạo Tương Hoàng kỳ và Chánh Bạch kỳ lấy được khi lục soát nhà Ngao Bái, bộ của đạo Tương Lam kỳ lấy trong tủ của con đĩ già, ba bộ sách này con đĩ già đều đã nhìn thấy, nếu lúc này con đĩ già đang ở bên cạnh Hồng giáo chủ mà trình ra thì rất không hay. Bộ của đạo Chánh Hồng kỳ là thuận tay lấy được trong phủ Khang thân vương, bộ của đạo Tương Hồng kỳ lấy trong người Thụy Đống, tuy con đĩ già biết lai lịch, nhưng không hề gì. Y bèn giao cho hai người Bạn Lục bộ của đạo Chánh Hồng kỳ và bộ của đạo Tương Hồng kỳ. Bạn Lục hai người đã đợi y mòn mắt, thấy y đột nhiên tới, lại có được hai bộ kinh thư giáo chủ đang cần thì mừng như nhặt được bảo bối trên trời rơi xuống” (hồi 29).
Dĩ nhiên chi tiết này là một sai sót lớn, nhưng dù sao cũng chỉ là một chi tiết. Điều quan trọng hơn có liên quan tới nội dung là nếu các lực lượng và cá nhân chống Thanh không tham gia giành giật Tứ thập nhị chương kinh như họ Trịnh ở Đài Loan, Thiên Địa hội, Mộc vương phủ, phái Vương Ốc hướng mục tiêu hoạt động vào việc tiêu diệt tên Hán gian Ngô Tam Quế, một mục tiêu phải thẳng thắn để thừa nhận là rất ngây thơ về chính trị thì Ngao Bái, thái hậu thật, Khang Hy, Thần Long giáo, Ngô Tam Quế, Cửu Nạn, Đào Hồng Anh, Lạt ma Tây Tạng Tang Kết… lại tốn không ít thời gian và tâm huyết để tranh giành, sang đoạt, trộm cắp tám bộ kinh này, nhưng tất cả đều lần lượt rơi vào tay Vi Tiểu Bảo, đế rồi sau cùng vĩnh viễn trở thành bí mật trong lòng phú ông Vi Tiểu Bảo ly khai nhà Thanh tiêu dao ở thành Đại Lý tại Vân Nam. Trở thành biểu trưng về vận mệnh của vương triều Mãn Thanh dị tộ c, tám bộ Tứ thập nhị chương kinh và lai lịch, gia đình Vi Tiểu Bảo chính là hai cái trục ngầm bổ sung cho nhau làm nên ý nghĩa nhất thống về văn hóa và chính trị trong Lộc Đỉnh ký, một ý nghĩa quan trọng xuyên suốt nội dung và tư tưởng của bộ tiểu thuyết này của Kim Dung.
Ý nghĩa nhất thống về văn hóa trong Lộc Đỉnh ký bàng bạc ngay từ lai lịch của Vi Tiểu Bảo. Mẹ y là một kỹ nữ ở Dương Châu, trước khi mang thai y đã tiếp nhiều khách đủ loại người Hán, Mãn, Mông, Hồi, Tạng (chỉ là không có người Tây dương). Tiền đề nhất thống “tiên thiên” về văn hóa tới quá trình nhất thống “hậu thiên” về chính trị, mà biểu trưng là bảy người vợ của Vi Tiểu Bảo ở cuối cuộc phiêu lưu kỳ lạ của y. Tô Thuyên nguyên là vợ Hồng An Thông giáo chủ Thần Long giáo, Song Nhi nguyên là a hoàn nhà Trang gia, Phương Di, Mộc Kiếm Bình là người trong Mộc vương phủ Vân Nam, Tăng Nhu vốn là đệ tử phái Vương Ốc, A Kha là con gái Sấm vương Lý Tự Thành và con hờ của Bình Tây Vương Ngô Tam Quế… Nếu Khang Hy đã lần lượt bắt giết Ngao Bái, tiêu diệt phái Vương Ốc, đánh tan Thần Long giáo, dẹp yên Ngô Tam Quế, bức hàng họ Trịnh ở Đài Loan, vô hiệu hóa hoạt động của các lực lượng và cá nhân phản Thanh phục Minh như Thiên Địa hội, Mộc vương phủ, Cố Viêm Vũ, Cửu Nạn, Lý Tây Hoa… bên cạnh việc khuất phục được các thế lực nước ngoài muốn dòm ngó Trung Quốc của nhà Thanh từ Nga La Tư, Mông Cổ tới Tây Tạng thì Vi Tiểu Bảo cũng lần lượt chinh phục được hàng loạt mỹ nhân trong quá trình hoạt động của y, một quá trình mà trong thực tế hoàn toàn ăn khớp với quá trình cũng như phù hợp với xu thế Hán hóa của vương triều Mãn Thanh trong các hoạt động thống nhất và bảo vệ Trung Quốc cuối thế kỷ XVII. Không phải ngẫu nhiên mà lúc sắp ly khai các quan hệ chính trị cả với nhà Thanh lẫn với các lực lượng chống Thanh, Vi Tiểu Bảo đã đắc ý “Hoàng thượng hồng phúc tề thiên, còn Vi Tiểu Bảo ta thì diễm phúc tề thiên”. Gia đình của Vi Tiểu Bảo phát triển song hành với những thành công về chính trị của Khang Hy, và có thể nói công cuộc nhất thống Trung Hoa của Khang Hy trong Lộc Đỉnh ký đã hoàn tất qua hình tượng gia đình Vi Tiểu Bảo cùng bảy vợ ba con bắt rùa câu cá trên đảo Thông Ngật với bí mật trọng đại là tấm bản đồ về long mạch và kho tàng của vương triều Mãn Thanh tại Lộc Đỉnh sơn. Việc y cầm quân đánh nước Nga La Tư, làm đại thần ký kết hiệp ước hoạch định biên giới Trung – Nga và gởi tặng người tình cũ Nhiếp chính nữ vương Tô Phi Á nước Nga pho tượng khỏa thân của chính mình, cứu sống Mao Thập Bát… Về cơ bản chỉ là những chi tiết của một kết thúc có hậu. Các trí thức chống Thanh như Cố Viêm Vũ, Tra Kế Tá, Hoàng Lê Châu, Lã Lưu Lương xuất hiện từ hồi 1 để khẳng định một chí hướng lại cũng xuất hiện ở hồi 50 để thừa nhận một tình thế hay nói đúng hơn, một xu thế.
Sau những tan rã biển dâu từ khi quân Thanh tiến vào Sơn Hải quan, Trung Hoa đang được thống nhất trở lại. Dĩ nhiên Trung Hoa của Khang Hy cũng chỉ là một thời điểm trên vòng tuần hoàn hợp nhất – phát triển – phân ly – hợp nhất về chính trị của Trung Hoa trong lịch sử: có lẽ không phải ngẫu nhiên mà trong bảy người vợ của Vi Tiểu Bảo không có một ai xuất thân trong Thiên Địa hội hay có quan hệ với họ Trịnh ở Đài Loan…
Bản dịch Lộc Đỉnh ký lần này có khác với bản dịch ở miền Nam trước 1975, chủ yếu vì dịch từ một nguyên bản khác, nhưng cũng có phần vì chúng tôi không chỉ tiếp cận tác phẩm về ngôn ngữ – văn tự mà còn cả về văn bản, văn hóa và văn chương. Trong nguyên bản cũng có một số chỗ sai sót lầm lẫn có thể của cả nhà in lẫn tác giả, nhưng đây là một bản dịch văn học nên chúng tôi chỉ đính chính để dịch chứ không chú thích như trong một công trình nghiên cứu. Tương tự, để tránh rườm rà, với các đoạn trích thơ ca trong tác phẩm, chỉ những chỗ cần thiết chúng tôi mới thêm phần phiên âm Việt Hán. Riêng với các nhân danh, địa danh không phải Trung Quốc như Nam Hoài Nhân (Ferdinandus Verbiest) mà ai cũng biết, Tô Phi Á (Sophia), Y Phàm (Ivan), Khắc Lý Mụ Lâm (Kremlin) nói chung dễ nhận ra, Đồ Nhĩ Bố Thanh (Alexi Tolbusin), Phí Yếu Đa La (Fedor A. Golovin) mà nguyên bản có chú rõ, còn có r ất nhiều tên riêng không ph ải Trung Quốc khác như Hãn Thiếp Ma, Cát Nhĩ Đan (gốc Mông Cổ), sông Hô Mã Nhĩ, thành Nhã Khắc Tát (gốc Mãn Châu), chiến hạm Cụ Khắc Đức Á, thành Phổ La Dân Già (gốc Hà Lan) lại không dễ truy nguyên, mặt khác cũng cần đảm bảo cái “không khí phương Đông” của một tác phẩm ti ểu thuyết võ hiệp nên chúng tôi vẫn phiên theo âm Việt Hán. Mặt khác, trong Lộc Đỉnh ký còn có rất nhiều chỗ chơi chữ rất khó dịch bên cạnh nhiều đặc ngữ, tiếng lóng, phương ngữ, thổ ngữ Trung Hoa mà học vấn về Hoa văn của người dịch không thể chuyển ngữ thật chính xác trên cả hai phương diện ngữ nghĩa và phong cách, đây là điều chúng tôi muốn xin lỗi trước với tác giả Kim Dung cũng như người đọc gần xa.
Tháng 6. 2002
Người dịch