Nghìn lẻ một đêm - Chương 2: Ông lão đánh cá
Tâu bệ hạ, ngày xưa có một ông lão đánh cá già nua, nghèo khổ đến nỗi không sao có thể nuôi sống được gia đình gồm một vợ và ba con nhỏ.
Hàng ngày lão ra đi từ sáng sớm để đánh cá và tự đặt ra cái lệ là mỗi ngày chỉ quăng lưới bốn lần thôi.
Một sáng còn rất sớm, trăng chưa lặn, lão đã ra tới bờ biển. Lão cởi áo ngoài và quăng lưới lần thứ nhất. Khi kéo lưới vào bờ, lão cảm thấy nặng tay. Chắc là có cá to đây, lão đã thầm phấn khởi, nhưng lát sau, tưởng lưới đầy cá, ngờ đâu đó chỉ là bộ xương của một con lừa. Lão vô cùng buồn bã…
Tới đoạn này, Scheherazade ngừng lời vì nàng thấy trời đã rạng sáng.
– Chị của em – Dinarzade nói – em phải thú thật là đoạn đầu câu chuyện này làm em thật thích thú, em chắc là đoạn tiếp theo sẽ rất hay.
– Không gì đặc sắc hơn là chuyện ông lão đánh cá – Hoàng hậu nói – Em sẽ thấy vào đêm sau, nếu hoàng đế gia ân để chị còn sống.
Vua Schahriar, tò mò muốn biết lão đánh cá đã kéo lưới được gì những lần sau nên chưa muốn hành quyết Scheherazade hôm đó. Vì thế ông đứng lên và chưa phát ra cái lệnh ác độc đó.
– Chị thân yêu – Ngày hôm sau, vào giờ thường lệ, Dinarzade bảo chị – Trời đã sắp sáng, xin chị kể nốt cho em nghe chuyện ông lão đánh cá? Em muốn nghe quá đi mất.
– Chị sẽ chiều em, em ạ – Hoàng hậu đáp.
Và đồng thời nàng xin hoàng đế cho phép. Được nhà vua gật đầu rồi, nàng kể tiếp chuyện lão đánh cá như sau:
– Tâu bệ hạ, buồn bã vì mẻ lưới hẩm hiu, sau khi vá lại những chỗ bị cái bộ xương lừa kia làm rách, lão quăng lưới lần thứ hai. Lúc kéo lên lão lại thấy khá nặng, tưởng như đầy một lưới cá nhưng buồn thay, đó chỉ là một cái thúng to chứa đầy bùn đất và sỏi đá. Lão buồn nản vô cùng. Lão kêu lên thảm thiết:
“Ôi đấng thần tài? Hãy bớt nổi giận với ta và cho nên hành hạ một kẻ khốn khổ đã cầu xin Người khoang dung! Ta từ nhà đến đây kiếm sống mà Người lại muốn ta phải chết. Ta chẳng còn nghề nào khác ngoài nghề chài lưới để tồn tại và mặc dù đã hết lòng gắng công gắng sức ta cũng chẳng làm sao mà đáp ứng được những nhu cầu khẩn thiết của vợ con. Nhưng trách oán Người có thể ta đã sai lầm. Vì cái thói được hành hạ những người lương thiện và dìm họ vào trong bóng tối dày đặc là ý thích của Người. Mặt khác Người dung túng cho bao kẻ ác và đề cao những kẻ mà đức hạnh chẳng có gì đáng tin cậy”.
Than vãn xong, lão quẳng mạnh cái thúng đi, rửa sạch bùn đất bám vào lưới và quăng nó xuống nước lần thứ ba. Nhưng lão cũng chỉ kéo lên được nào là gạch đá, vỏ trai ốc, nào là rác rưởi. Không sao nói lên được niềm thất vọng của lão, chỉ chút nữa là lão có thể phát điên lên. Tuy nhiên, vì mặt trời cũng vừa ló rạng, lão không quên quỳ xuống cầu nguyện như một tín đồ ngoan đạo của Hồi giáo. Lão khấn nguyện thêm thế này:
– Hỡi Thượng đế, Người đã biết rằng con chỉ quăng lưới bốn lần mỗi ngày. Con đã quăng ba lần rồi nhưng chẳng mang lại kết quả gì. Chỉ còn một lần cuối cùng, con xin được Thượng đế phù hộ trợ giúp cũng như Người đã trợ giúp Moise vậy.
Khấn cầu như vậy xong, lão đánh cá quăng lưới lần thứ tư. Khi đoán là đã có cá vào lão kéo lên và cũng như các lần trước thấy khá nặng tay. Chẳng có con cá nào nhưng lão thấy một chiếc bình bằng đồng thau chắc là chứa cái gì đó nên nó rất nặng. Lão nhận thấy nút chiếc bình được niêm phong bằng chì có mang dấu ấn. Cái đó làm lão thấy vui vui, thầm nhủ:
– Ta sẽ đem bán cho thợ đúc và tiền bán được ta sẽ mua một đấu lúa mì.
Lão ngắm nghía chiếc bình, lắc lắc để nghe xem có tiếng gì của vật chứa bên trong không. Chẳng nghe thấy gì cả và trong trường hợp này, với dấu ấn trên chiếc nắp bằng chì lão nghĩ là chiếc bình này tất là phải chứa đầy vật quí. Để cho mọi việc rõ ràng, lão cầm lấy con dao và chẳng khó khăn gì, lão mở được nắp bình. Lão nghiên miệng bình xuống mặt đất, nhưng chẳng thẩy có gì lăn ra, điều này làm cho lão hết sức ngạc nhiên. Lão đặt cái bình trước mặt và trong lúc chăm chú ngắm nhìn thì từ miệng bình, một làn khói đầy đặc phụt lên khiến lão phải lùi ra sau hai ba bước.
Làn khói này vươn cao chạm tới mây và lan toả ra trên mặt biển và bờ biển làm thành một đám lớn sương mù. Ta có thể tưởng tượng được cảnh tượng này đã làm cho lão đánh cá vô cùng sửng sốt. Khi tất cả làn khói đã thoát ra khỏi chiếc bình, nó tụ lại thành một khối hiện hình thành một hung thần to cao gấp đôi tất cả mọi người khổng lồ. Thấy hiện ra trước mắt mình một quái vật to lớn khủng khiếp lão đánh cá muốn sải chân chạy nhưng vì quá kinh hoàng, lão không thể nhích chân được một bước.
– Salomon – Hung thần kêu lên – Salomon, đại tiên tri của Thượng đế. Xin tha lỗi, xin tha lỗi. Chẳng bao giờ ta làm trái ý Người. Ta sẽ tuân theo tất cả mệnh lệnh của Người…
Scheherazade thấy ngày đã rạng bèn bỏ dở câu chuyện.
Thế là Dinarzade nói:
– Chị của em! Quả là chị chẳng sai lời. Câu chuyện này chắc hẳn là kỳ lạ hơn tất cả những câu chuyện khác.
– Em ạ – Hoàng hậu đáp – Em sẽ được nghe những chuyện làm cho em còn hào hứng hơn nữa nếu hoàng đế, chúa của chị cho phép kể em nghe.
Vua Schahriar rất muốn nghe nốt đoạn cuối chuyện ông lão đánh cá câu chuyện đã làm ông thích thú. Vì vậy ông lại cho lùi cái chết của hoàng hậu đến ngày hôm sau nữa.
Dinarzade, đêm hôm sau, đến giờ, lại gọi chị:
– Chị của em, nếu chị không ngủ thì xin chị hãy kể nốt cho em nghe chuyện lão đánh cá trong lúc chờ trời sáng.
Hoàng đế, về phía mình, cũng nóng lòng muốn biết có gì xảy ra giữa Salomon với tên hung thần này. Vì vậy Scheherazade tiếp tục câu chuyện về lão đánh cá:
– Tâu bệ hạ, lão đánh cá vừa nghe thấy những lời tên hung thần thốt ra đã thấy đôi chút yên tâm. Lão hỏi: “Này, vị thần cao ngạo kia! Ngài nói gì vậy? Salomon, tiên tri của Thượng đế đã không còn tới nay là một ngàn tám trăm năm và chúng ta đang ở vào hồi tận cùng các thế kỷ. Hãy cho ta biết câu chuyện của Ngài. Vì sao lại bị nhốt trong cái bình này?”.
Nghe lão đánh cá hỏi vậy, hung thần nhìn lão đầy vẻ kiêu căng, đáp:
– Hãy ăn nói với ta cho có lễ độ. Mi dám cả gan gọi ta là vị thần cao ngạo ư?
Lão đánh cá cãi lại:
– Vậy thì để ăn nói với ngài cho có lễ độ, phải chăng tôi phải gọi ngài là con cú may mắn?
– Ta đã bảo mi – Hung thần gắt – Phải nói năng cho có lễ độ trước khi ta giết mi.
– Này, tại sao ngài lại muốn giết tôi – Lão đánh cá vặn lại – Phải nhớ là tôi vừa cứu sống ngài.
– Không, ta không quên – Hung thần nói – Nhưng cái đó không ngăn ta giết mi và ta chỉ chiếu cố cho mi một điều duy nhất.
– Đó là điều gì vậy? – Lão đánh cá hỏi.
– Là mi chọn cái chết như thế nào ta sẽ chiều mi cho chết như thế – Hung thần đáp.
– Nhưng tôi đã làm gì ngài nào? Có phải đó là cách ngài trả ơn người đã làm điều tốt cho ngài chăng?
– Ta không thể làm khác được – Hung thần nói – Và để cho mi tin, hãy lắng nghe câu chuyện của ta:
“Ta là một trong các thần linh đối kháng lại ý chí của Thượng đế. Tất cả các vị thần khác đều công nhận Salomon vĩ đại đấng tiên tri của Thượng đế và phục tùng Người. Duy nhất chỉ có Sacar và ta không muốn làm cái trò hèn hạ đó. Để trả hận, vị đế vương hùng mạnh này lệnh cho Assaf, con trai Barakhia, tể tướng đầu triều của ông đến bắt ta và điều ta đến trước ngai vàng, trước chúa tể của hắn. Salomon, con trai David, bắt ta rời bỏ cách sống riêng, công nhận uy quyền và chịu sự chỉ huy của ông ta. Ta hiên ngang không chịu, thà phải hứng tất cả sự thù ghét giận dữ còn hơn là phải thề thốt tuyệt đối trung thành và phục tùng vô điều kiện mà ông ta bắt buộc. Để trừng trị ta, ông ấy đã nhốt ta vào trong chiếc bình bằng đồng này. Và để chắc chắn là ta không thể phá vỡ để thoát ra, ông đã tự mình đóng niêm trên nắp chì dấu ấn khắc rõ đại danh Thượng đế. Xong, ông trao cho một vị thần được tin cậy với lệnh là ném ta xuống biển. Việc đó đã được thi hành với sự vô cùng nuối tiếc của ta. Suốt trong thế kỷ đầu trong chiếc bình tù ngục, ta đã nguyền nếu có ai đó giải thoát được ta, ta sẽ làm cho kẻ đó giàu có suốt đời, giàu có cả đến sau khi chết. Nhưng thế kỷ đầu trôi qua, chẳng có ai giúp ta cả. Sang thế kỷ thứ hai, ta thề là sẽ mở tất cả các kho của cải trên trái đất tặng cho người nào đem tự do đến cho ta, nhưng chẳng có may mắn gì hơn thế kỷ trước. Sang đến thế kỷ thứ ba, ta hứa là sẽ làm cho người nào giải thoát ta trở thành một đế vương hùng mạnh và luôn luôn ở bên cạnh, ta ban cho người đó mỗi ngày ba điều ước để có bất cứ cái gì. Nhưng thế kỷ này lại trôi qua như hai thế kỷ trước và ta thì vẫn cứ nguyên như thế. Cuối cùng ta hết sức hoang mang thất vọng hay đúng ra là phát điên lên vì bị tù hãm quá lâu, ta thề là sau này có kẻ nào giải thoát ta thì ta sẽ giết không thương tiếc và chẳng ban cho một ân huệ nào ngoài việc được chọn loại chết mà ta sẽ dành cho hắn. Vì vậy, ngày hôm nay mi đã tới đây, mi đã giải thoát cho ta, bây giờ mi hãy chọn theo ý thích cách mà ta sẽ giết mi”.
Lão đánh cá vô cùng buồn bã:
– Khốn khổ cho cái thân ta! – Lão kêu lên – Đến cái chỗ này làm gì để làm ơn cho một tên vô ơn bạc nghĩa? Hãy xem xét lại sự bất công của nhà ngươi đi và hãy huỷ bỏ đi cái lời thề phi lý đó. Tha thứ cho ta thì Thượng đế cũng sẽ tha thứ cho nhà ngươi; rộng lượng cho ta được sống, thì Người sẽ che chở cho nhà ngươi khỏi mọi mưu mô ám hại cuộc sống của nhà ngươi.
– Không, nhất định mi phải chết – Hung thần nói – Mi chỉ còn được chọn ta sẽ giết mi cách nào mà thôi.
Lão đánh cá nhận thấy là tên hung thần kiên quyết lấy đi mạng sống của mình, nên đau lòng vô hạn không phải vì mình mà vì ba đứa trẻ sẽ không khỏi sa vào cảnh đói khổ khi lão bị hung thần giết hại.
– Than ôi – Lão tiếp tục – Phải rủ lòng thương ta mới phải chứ, hãy xem lại những gì ta đã làm cho nhà ngươi.
– Ta đã nói rồi – Hung thần lại bảo – Chính vì thế mà ta buộc phải lấy mạng sống của mi.
– Thật cũng khác đời đấy – Lão đánh cá phản bác – Nhà ngươi lại cứ nhất định muốn lấy oán để trả ân. Tục ngữ có câu: Làm ơn cho những kẻ không xứng đáng được hưởng thì bao giờ cũng được đền đáp lại bằng sự bạc bẽo vô ơn. Thú thực ta đã tưởng thế là sai: quả thật điều đó ngược với lẽ phải và lệ luật của xã hội. Thế mà lúc này ta đau xót thấy cái đó thật hoàn toàn chính xác.
– Chớ để mất thời gian nữa – Hung thần cắt ngang – Tất cả những lý lẽ của mi cũng chẳng làm ta đổi ý. Hãy mau nói mi muốn ta giết mi như thế nào.
Cái khó làm ló cái khôn, lão đánh cá nghĩ ra một mẹo:
– Vì nhà ngươi nhất định muốn giết ta – Lão bảo hung thần – Ta đành thuận theo ý Thượng đế. Nhưng trước lúc ta chọn một cái chết như thế nào, ta xin ngươi, vì uy danh của Thượng đế đã được khắc trên dấu ấn của đấng tiên tri Salomon, con trai David, hãy nối rõ sự thật về một vấn đề ta hỏi ngươi đây.
Khi nghe thấy lời cầu khẩn nhân danh Thượng đế. hung thần buộc lòng không thể khước từ, hắn thấy thầm run sợ, bảo lão đánh cá:
– Nào mi muốn gì hãy nói đi, mau lên?
Trời vừa rạng sáng, Scheherazade ngừng lại ở đoạn này.
– Chị của em – Dinarzađe nói – Phải công nhận là chuyện chị kể càng lúc càng hay, nghe rất thích. Em mong rằng hoàng đế, chúa tể của chúng ta, không bắt chị phải chết trước khi Người được nghe nốt câu chuyện rất hay về lão đánh cá.
– Hoàng đế là chúa tể – Scheherazade tiếp lời em – Tất cả điều gì Người thích đều phải được như nguyện.
Vua Schahrlar cũng muốn được nghe đoạn cuối của câu chuyện như Dinarzade nên đã lui lại ngày hành quyết hoàng hậu.
Schahrlar cùng với hoàng hậu qua đêm cùng nhau cũng như các đêm trước, và trước khi trời sáng, Dinarzade đánh thức họ dậy bằng câu nói sau đây với Scheherazade:
– Chị ơi, chị kể tiếp chuyện lão đánh cá!
– Rất vui lòng – Scheherazade đáp – chị sẽ làm em được thoả mãn, với sự chuẩn y của Hoàng đế.
– Hung thần – Nàng nói tiếp – Sau khi hứa là sẽ nói rõ sự thật, thì lão đánh cá bảo hắn:
– Ta muốn biết có thực là nhà ngươi đã nằm trong chiếc bình kia không? Nhà ngươi có dám nhân đại danh của Thượng đế mà thề không?
– Dám chứ – Hung thần đáp – Ta nhân đại đanh của Người thề rằng ta đã ở trong chiếc bình và đó hoàn toàn là sự thật.
– Thật lòng mà nói – Lão đánh cá bảo – Ta không sao mà tin được. Cái bình này chưa chắc đã chứa nổi một bàn chân ngươi còn nói chi đến việc tất cả con người nhà ngươi nằm được trong đó?
– Thế mà ta thề với mi – Hung thần tức mình bảo – Là ta đã ở gọn trong đó như mi đã thấy đấy. Sau lời thề thật là trịnh trọng đó mà mi vẫn chưa tin ta ư?
– Chưa tin được, thật vậy đó – Lão đánh cá nói – Ta chưa thể tin nhà ngươi chừng nào ta chưa được tận mắt nhìn thấy.
Thế là cả cơ thể hung thần bỗng tan ra thành khói, lan toả ra khắp mặt biển và trên bờ, rồi tụ lại, bắt đầu chui vào bình, cứ thế đều đều chầm chậm cho đến lúc chẳng còn gì ở bên ngoài cả. Rồi ngay lúc đó một tiếng nói từ trong bình thoát ra bảo lão đánh cá:
– Thế nào, lão đánh cá đa nghi kia, ta đang ở trong bình rồi đấy. Bây giờ mi đã tin ta chưa?
Lão đánh cá đáng lẽ trả lời hung thần thì lại cầm lấy cái nắp bằng chì đậy nhanh lên miệng chiếc bình và kêu to:
– Hỡi hung thần? Đến lượt ngươi cầu xin ta làm phúc. Ngươi hãy chọn xem ta xử tử ngươi cách nào đây.
Nhưng không, tốt hơn cả là ta lại ném ngươi xuống biển đúng ở cái chỗ mà ta đã vớt ngươi lên. Rồi ta sẽ dựng một cái chòi trên bờ này để ở và để báo cho tất cả những người đánh cá đến thả lưới ở đây là cần phải chú ý đề phòng kẻo lại vớt lên một tên hung thần như ngươi, kẻ đã thề là sẽ giết người nào giải phóng cho hắn.
Nghe những lời nói xúc phạm ấy, hung thần nổi giận vùng vẫy hết sức để mong thoát ra khỏi chiếc bình nhưng không thể được vì dấu ấn của đấng tiên tri Salomon, con trai của David đã ngăn cản y lại. Thế là, thấy lão đánh cá đang có lợi thế hơn mình, hung thần đành phải nén cơn giận mà đấu dịu:
– Này, lão đánh cá – Bằng giọng dịu ngọt y nói – Chớ có vội làm như điều lão vừa nói đó. Chẳng qua là ta đùa lão một chút thôi mà, lão chớ vội cho đó là điều nghiêm chỉnh nhé.
– Hỡi hung thần – Lão đánh cá đáp – Chỉ mới lúc nãy thôi, ngươi to lớn biết bao và lúc này ngươi lại là bé nhất trong tất cả các thần linh, phải biết rằng những lời lẽ dối trá chẳng giúp gì được cho ngươi đâu. Ngươi sẽ được trả về cho biển cả. Nếu ngươi đã ở được dưới đó từng ấy thời gian mà ngươi đã kể với ta thì ngươi cũng có thể ở dưới đó cho đến ngày phán xét cuối cùng. Ta cầu xin ngươi nhân danh Thượng đế để cho ta được sống, ngươi đã chẳng đếm xỉa gì tới những lời cầu khẩn của ta. Ta phải đối xử với ngươi cũng như vậy.
Hung thần không còn tiếc gì nữa để cố gắng làm cho lão đánh cá động lòng:
– Hãy mở nắp bình ra đi – Y nói với lão – Hãy giải phóng cho ta, ta cầu xin mi. Ta hứa là mi sẽ được thoả mãn mọi bề.
– Ngươi chỉ là một tên phản trắc – Lão đánh cá bảo – Ta sẽ phải mất mạng nếu ta còn dại dột đặt lòng tin vào ngươi. Rồi ngươi sẽ chẳng ngần ngại gì mà đối xử với ta chẳng khác gì cung cách mà một ông vua Hi Lạp nào đó đối xử với thầy thuốc Douban. Đó là câu chuyện mà ta muốn kể cho ngươi nghe đó. Hãy lắng tai mà nghe:
…