Phong thần diễn nghĩa (Hứa Trọng Lâm) - Hồi 30: Võ Thành Vương phản Trụ đầu Châu
- Trang chủ
- Phong thần diễn nghĩa (Hứa Trọng Lâm)
- Hồi 30: Võ Thành Vương phản Trụ đầu Châu
Quan Ðại phu Dao Trung vào đến lầu Trích Tinh quỳ lạy ra mắt Trụ vương dâng sớ về tâu:
– Nay Văn Vương đã qua đời, con là Cơ Phát lên nối ngôi, không đợi lệnh Thiên tử, tự mình xưng Võ Vương, chư hầu đều tùng phục, thiên hạ thảy kính vì. Nếu Bệ hạ không lo trừ trước e sanh mầm đại họa, vậy xin hưng binh phạt Châu để răn chư hầu.
Trụ Vương nói:
– Cơ Phát là thằng con nít làm được việc gì mà lo.
Giao Trung tâu:
– Cơ Phát tuy trẻ tuổi, song có Khương Thượng trí giả, Nam Cung Hoắt võ nghệ siêu quần, Táng Nghi Sanh văn hay xuất chúng. Ðó là mối họa cho triều đình. Nếu bệ hạ không lo trước sau này khó.
Trụ Vương nói:
– Khanh cho việc ấy là trọng, nhưng trẫm nhắm Khương Tử Nha chỉ là một gã thầy bói có tài, dùng vào việc trị nước thì làm gì được mà sợ.
Dao Trung biết Trụ Vương chỉ muốn ngồi hưởng lạc, không có ý chinh Tây, nên vội cúi lạy xuống lầu, than thầm:
– Chắc là cơ Nghiệp nhà Thương về tay Cơ Phát rồi.
Ngày tháng thoi đưa, chẳng bao lâu Tết xuân lại đến. Năm ấy vào năm thứ hai mươi mốt của niên hiệu Trụ Vương, bá quan đợi đến ngày mồng một là ngày nguyên đán đồng vào lạy mừng. Theo thường lệ, ngày ấy vợ các vị quan lớn đều vào cung chúc mừng Chánh hậu.
Bấy giờ vợ Võ Thành vương tính vào chầu trước để có thì giờ sang Tây cung viếng thăm Hoàng Quí Phi là em ruột của mình. Bởi một năm chị em xa cách, chỉ có ngày ấy mới được gặp nhau, và có dịp tâm tình lâu hơn.
Vợ Võ thành Vương là Giả thị khi đến nơi thì cung nhân vào báo với Ðắt Kỷ.
Ðắt Kỷ vốn có tư thù với Võ Thành Vương Hoàng Phi Hổ, nên nghe Giả thị đến, nhớ thù xưa, nhủ thầm:
– Hoàng Phi Hổ trước đây hung hăng thả Thần oanh quào mặt ta, bận ấy chưa trả. Nay sẵn dịp cũng nên hành hạ vợ nó một phen.
Ngồi rồi truyền cung nữ đòi Giả thị vào.
Giả phu nhân vào làm lễ xong, Ðắt Kỷ hỏi:
– Phu nhân năm nay được mấy xuân xanh?
Giả thị đáp:
– Tôi năm nay đã ba mươi sáu tuổi.
Ðắt Kỷ thấy Giả phu nhân lớn tuổi mà nhan sắc mặn mà, nghĩ ra một kế nói:
– Phu nhân lớn hơn ta tám tuổi vậy ta cùng phu nhân kết làm chị em, có được không?
Giả phu nhân nói:
– Chánh hậu quyền trọng muôn xe, bậc mẫu nghi thiên hạ, còn tôi là vợ của một vị vương có đâu dám lỗi nghi.
Ðắt Kỷ nói:
– Phu nhân nói khiêm nhượng đấy. Ta tuy hưởng phòng tiêu chớ trước kia cũng chỉ là con gái của một chư hầu; còn phu nhân là nguyên phối của Võ Thành Vương, lại thêm quốc thích. Xét như vậy thì thấp cao không phân biệt, nặng nhẹ cũng bằng nhau.
Nói rồi truyền dọn yến tiệc thết đãi. Giả phu nhân giữ lễ ngồi dưới Ðắt Kỷ ngồi trên cùng nhau uống rượu.
Nhưng rượu mới chỉ được vài tuần, thì bên ngoài có quan hoạn vào thưa:
– Thánh giá ngự đến.
Giả phu nhân vội vã hỏi:
– Xin Chánh hậu cho phép tôi lánh mặt chổ nào cho tiện.
Ðắt Kỷ nói:
– Không hề chi đâu! Chị cứ vào cung phòng của tôi tránh đỡ.
Giả phu nhân tuân lệnh, ẩn mặt phía sau, còn Ðắt Kỷ ra ngoài tiếp giá.
Trụ Vương bước vào thấy yến tiệc còn bỏ dở, liền hỏi:
– Ái khanh uống rượu với ai vậy?
Ðắt Kỷ nói:.
– Thần thiếp đang khoản đãi vợ Võ thành Vương là Giả phu nhân.
Trụ Vương nói:
– Ngày nguyên đán, các vị phu nhân đến chúc mừng cũng nên bày tiệc vui vầy cho thỏa tình thần tử.
Nói rồi truyền dọn thêm tiệc để cùng với Ðắt Kỷ giao bôi.
Qua một lúc, Ðắt Kỷ hỏi Trụ Vương:
– Bệ hạ đã thấy nhan sắc của Giả phu nhân chưa?
Trụ Vương nói:
– Sao ái khanh nói trái lẽ như vậy? Vua có bao giờ được quyền thấy mặt vợ bề tôi?
Ðắt Kỷ ngồi mỉm cười, tìm lời đánh vào nhược điểm của Trụ Vương:
– Rất tiếc! Trong đời có một sắc đẹp tuyệt trần như vậy mà bậc chí tôn không có quyền nhìn đến.
Vua Trụ hỏi:
– Giả phu nhân đẹp lắm sao?
Ðắt Kỷ nói:
– Tuy đã có tuổi, nhưng nét mặt thật ít có trong đời. Khi thần thiếp đã khen thì không phải không đặc biệt.
Trụ Vương nói:
– Dù sao trẫm là vua không thể lỗi đạo với quần thần.
Ðắt Kỷ cười:
– Bệ hạ quá câu chấp Giả thị là vợ Võ Thành Vương, mà Võ Thành Vương là anh của Hoàng Quí Phi thì cũng xem như quốc thích rồi. Dù Bệ hạ có gặp mặt cũng vô can. Vả lại ngoài dân giả vợ cậu chồng cô còn được phép ngồi chung ăn tiệc có gì trái lẽ đâu.
Trụ Vương nghe nói Giả phu nhân có sắc đẹp, cũng muốn nhìn tận mặt cho biết, liền hỏi Ðắt Kỷ:
– Trẫm với Hoàng Phi Hổ coi như tình gia đình thì dù gặp mặt Giả phu nhân cũng được. Nhưng phải làm cách nào để cho tiện.
Ðắt Kỷ nói:
– Không khó gì, xin bệ hạ lánh mặt vào nơi nào đó một lát chờ thần thiếp rủ Giả phu nhân lên chơi trên lầu Trích Tinh. Chừng ấy thì bệ hạ giá đến thì Giả phu nhân không còn chỗ ẩn mình.
Trụ vương liền bước ra khỏi cung.
Ðắt Kỷ cho mời Giả phu nhân trở ra tiếp tục tiệc rượu. Uống thêm vài tuần, Ðắt Kỷ nói với Giả phu nhân:
– Một năm mới gặp nhau một lần, chị em ta đến lầu Trích Tinh xem chơi phong cảnh một chút.
Giả phu nhân không dám trái mệnh, liền theo Ðắt Kỷ lên lầu.
Trích Tinh là một cái lầu cao chót vót, phong cảnh rất đẹp, vàng ngọc, gấm vóc nguy nga.
Giả phu nhân chưa từng đến một nơi vàng son như vậy nên chói mắt. Giả phu nhân trông thấy không biết bao nhiêu cái đẹp, nhưng khi trông xuống lầu thấy Sái Bồn rắn bò lúc nhúc, và xương người chất đống, trông rất ghê rợn. Còn bên tả rừng thịt gió thổi phất phơ, lại bên hữu ao rượu hơi bốc lên nồng nực.
Giả phu nhân hỏi Ðắt Kỷ:
– Tâu chánh cung, chẳng hay hầm ấy là hầm gì, chứa đầy rắn độc như vậy?
Ðắt Kỷ nói:
– Các cung nhân phạm tội dùng luật thường xử phạt chúng dễ ngươi, nên phải lập ra Sái Bồn để cho chúng sợ. Kẻ nào phạm tội thì lột hết quần áo, ném thây xuống đó làm mồi cho rắn kia.
Giả phu nhân nghe nói rụng rời tay chân. Ðắt kỷ lại truyền bày tiệc rượu để khuyên mời. Giả phu nhân từ chối vì đã quá chén.
Ðắt Kỷ nói:
– Tôi biết chị đang nóng lòng sang Tây cung, nhưng đã đến đây cũng nên vị tình tôi uống thêm vài chén.
Giả phu nhân không dám cãi lệnh vì Chánh cung là Chúa các vợ quan.
Bấy giờ Hoàng Quí Phi đang ở Tây Cung trông ngóng Giả phu nhân nhưng không thấy, bởi chị em thương yêu nhau lắm mà một năm chỉ được quyền họp mặt một lần, mong có nhiều thì giờ để nói chuyện.
Xảy thấy hoạn quan về báo:
– Giả phu nhân lên chơi lầu Trích Tinh với Hoàng hậu.
Hoàng Quí Phi thất kinh, nhủ thầm:
– Ðắt Kỷ là đứa xảo quyệt lại hay ghen, sao tẩu tẩu lên lầu Trích Tinh với nó làm gì? Lầu Trích Tinh là chỗ vua ngự mà!
Nghĩ rồi liền truyền hoạn quan đến dưới lầu thám thính tin tức Giả phu nhân.
Ðắt Kỷ và Giả phu nhân đang uống rượu trên lầu, bỗng có Thái giám vào tâu:
– Thánh giá đến.
Giả thị kinh hải, không biết đường nào lánh mặt.
Ðắt Kỷ nói:
– Không hề chi. Chị cứ ra ngoài lan can, đợi tôi tiếp bệ hạ rồi chị đến ra mắt, xong xuống lầu cũng chẳng sao.
Giả phu nhân cực chẳng đã phải vâng lời.
Ðắt Kỷ đứng dậy bước ra tiếp kiến vua Trụ.
Trụ Vương vào trong, cố ý hỏi:
– Người nào đứng ngoài lan can vậy?
Ðắt Kỷ tâu:
– Nàng ấy là Giả thị, vợ của Võ Thành Vương.
Giả thị lúng túng đưa cái hốt bằng ngà che mặt thi lễ.
Ðắt Kỷ thấy thế nói:
– Thôi, khanh đứng dậy.
Giả thị vâng lệnh đứng đậy nép qua một bên, Vua Trụ trộm thìn Giả thị để chiêm ngưỡng cái nhan sắc lộng lẫy, hình dung đoan chính. Nhà vua lấy làm hài lòng chỉ ghế mời ngồi.
Giả thị tâu:
– Bệ hạ và Chánh cung là chúa trong trời đất, tôi đứng hầu còn sợ không xứng đáng, dám đâu đến ngồi.
Ðắt Kỷ nói:
– Chị hãy ngồi xuống đi, không có chi phải sợ.
Vựa Trụ thoáng vẻ ngạc nhiên hỏi Ðắt Kỷ:
– Sao ngự thê gọi Giả phu nhơn bằng chị?
Ðắt Kỷ che miệng cười nửa nụ nói với Trụ Vương:
– Tôi mới kết nghĩa cùng Giả phu nhơn, và kiến người làm chị.
Giả phu nhơn nghe qua những lời đáp của Ðắt Kỷ biết mình đã mắc mưu lật đật quỳ xuống tâu:
– Thần thiếp đến đây lạy mừng bệ hạ, cứ lấy lễ vua tôi để kẻ dưới an lòng. Xưa nay vua không thể thấy mặt vợ tôi, xin bệ hạ an nghỉ cho thần thiếp cáo lui, ơn thánh thượng sánh bằng trời biển.
Vua Trụ nói:
– Hoàng di khiêm nhượng đấy thôi, chẳng ngồi thì đứng, để trẫm lấy chung rượu này giả ơn.
Vua Trụ rót rượu đem xuống.
Giả thị giận đứng dậy mặt đỏ tía tai, nghĩ mình là vương phi, không lẽ chịu nhục, lấy cái chết cho trọn nghĩa với chồng.
Trụ Vương bưng chén rượu làm mặt vui đưa cho Giả phu nhơn.
Giả thị thối thác, cớ lui mãi đến khi lưng đụng tường, không còn đường để tránh nữa, giận quá hất chén rượu rớt xuống, thuận tay tát vào mặt vua Trụ nguyền rủa:
– Chồng tôi không nệ gian nguy ngày đêm gìn giữ giang san, lập nhiều chiến công hiển hách, nay hôn quân nghe lời Ðắt Kỷ, điếm nhục vợ công thần. Rồi đây hôn quân và con Ðắt Kỷ dâm loàn sẽ phải chết thảm khốc.
Vua Trụ xấu hổ nổi giận truyền quân sĩ bắt trói, nhưng Giả thị hét lên:
– Dừng lại, đừng ai bắt ta cả.
Ðoạn chạy ra lan can than:
– Hoàng tướng quân ôi! Thiếp thề trọn trinh tiết với chàng, nhưng ba đứa con thơ từ đây lấy ai săn sóc.
Ðoạn nhảy xuống lầu. Thương cho tấm thân bồ liễu phải chết thảm thiết nát thịt, giập xương.
Có thơ đề:
Vào cung chầu chực họa vì đâu
Giả thị kiên trinh nhảy xuống lầu
Lỗi đạo hôn quân bày chén rượu
gieo mình. tiết phụ hận thâm bâu
Lỗi lầm làm mất giang san Trụ
Ðêm ấy gây nên sự nghiệp Cllâu?
Phi Hổ đau lòng mang tiếng phản
Sấp sau loàn hết tám trăm hầu.
Vua Trụ thấy Giả phu nhơn liều mình chết, thì nghĩ:
– Ðất bằng vì đâu bỗng dâng sóng gió, lòng hối hận khôn cùng.
Khi ấy bọn hoạn quan giục ngựa như bay về báo tin với Hoàng Quí Phi:
– Không rõ vì đâu mà Giả phu nhơn đã té lầu chết.
Nghe tin thảm khổ như vậy Hoàng Quí Phi khóc lớn:
– Ðắt Kỷ là con khốn nạn, thù anh ta lập kế báo thù, hại chị dâu ta chết ức oan.
Thương anh thương chị Hoàng Quí Phi không dằn được cơn lửa giận phi ngựa đến lầu Trích Tinh, điểm mặt Trụ Vương mắng:
– Hôn quân có biết cơ nghiệp Thành Thang còn tồn tại nhờ ai đó không? Có phải anh ta ngày đêm băng rừng lội suối dẹp loàn, Ðông đánh Hải khấu, Nam dẹp Man di? Há ngại gian lao giữ ngôi vua vững như bàn thạch. Hoàng Cổn cha ta, trấn ải Giới Bài, nằm gai nếm mật để giúp chúa. Cả nhà xả thân vì nước. Ngày nay Tết nguyên đán, chị ta vào chầu, để tỏ lòng kính chúa, lẽ nào hôn quân nghe lời Ðắt Kỷ gạt chị ta lên lầu, giục lòng háo sắc, chẳng kể thế nào là tôi chúa, gây tiếng xấu cho tiên vương, bêu danh nhơ cho sử sách.
Vua Trụ làm thinh chẳng đáp.
Hoàng Quí Phi day nhìn thấy Ðắt Kỷ ngồi đó đùng đùng nổi giận mắng luôn:
– Còn con Hồ mi lăng loàn nầy nữa, bày đều cho chúa làm sằng bậy, chị dâu ta chết cũng tội mi.
Như để trút cơn giận dữ Hoàng Quí Phi lôi lệch Ðắt Kỷ đấm hơn ba mươi đấm.
Hoàng Quí Phi là con nhà võ nên sức mạnh có thừa, đối với Ðắt Kỷ, tuy là yêu quái song thấy vua Trụ ngồi đó nên chẳng dám trổ tài thú vật để phản đòn chỉ giả vờ kêu la van vua Trụ:
– Xin bệ hạ cứu thần thiếp với…
Vưa Trụ nghe tiếng van nài cứu tử của Ðắt Kỷ thì đau khổ nên bước tới khuyên:
– Tại chị dâu của Quí Phi xúc phạm trẫm, rồi liều mình chết như vậy, chớ Ðắt Kỷ có tội gì đâu mà đánh đập như thế.
Hoàng Quí Phi trong cơn nóng giận đưa cao tay đánh Ðắt Kỷ nhưng không ngờ nhầm mặt Trụ vương mà còn lớn tiếng nói:
– Hôn quân còn bênh vực cho con dâm loạn, quyết đánh cho chết đứa bất nhơn, mà thế mạng người thác vô tội.
Vua Trụ giận quá vỗ bàn thét:
– Con khốn nạn nầy dám cả gan đánh trẫm.
Như muốn ăn tươi nuốt sống, vua Trụ tay trái nắm tóc Hoàng Quí phi tay phải nắm áo, bởi vua Trụ là người giỏi võ và có sức mạnh hơn người, nhắc bổng Hoàng Quí Phi, quăng xuống lầu Trích Tinh.
Hương tiêu ngọc nát hồn theo gió
Lá rụng hoa rơi máu ướt mình.
Nhìn lại hành động vừa rồi của mình, vua Trụ lấy làm khổ sở chẳng buồn ngó đến Chánh cung.
Mấy con thế nữ đi với Giả phu nhơn, chẳng hề hay biết việc gì xảy ra đứng ngoài đợi mãi, đến tối nội thị bước ra hỏi:
– Chúng bây đi đâu đây?
Các thế nữ thưa:
– Chúng tôi đi với Giả phu nhơn, đợi chủ ra để hầu về phủ.
Nội thị thương hại nói:
– Giả phu nhơn té lầu Trích tinh chết rồi! Hoàng Quí Phi lên mắng vua, vua giận quăng xuồng lầu cũng không còn. Thôi chúng bây về cho xong việc.
Bọn thế nữ nghe hung tin đồng chạy về Vương phủ báo tin.
Hoàng Phi Hổ đang ngồi uống rượu với hai em ruột của mình là: Hoàng Phi Bưu, Hoàng Phi Báo với bốn người em bạn: Hoàng Minh, Châu Kỷ, Long Hoàn, Ngô Khiêm, và ba con trai: Hoàng Thiên Lộc, Hoàng Thiên Tước, Hoàng Thiên Tường.
Ðoàn thế nữ hơ hải chạy vào tâu:
– Thiên tuế ôi! Tai họa lớn lắm!
Hoàng Phi Hổ kinh ngạc hỏi:
– Tai họa gì?
Thế nữ quì thưa:
– Phu nhơn vào chầu thiên tử không rõ vì đâu đã té lầu Trích Tinh chết, Hoàng nương nương cũng bị vua ném xuống lầu chết rồi.
Lúc ấy Hoàng Thiên Lộc mới mười bốn tuổi, Hoàng Thiên Tước mười hai tuổi, Hoàng Thiên Tường bảy tuổi nghe tin mẹ té xuống lầu chết. Ba anh em khóc than thảm thiết.
Có bài thơ:
Xảy nghe tin dữ cả nhà kinh
Con khóc vang tai cũng động tình
Ngơ mặt vì vua sanh mặt bạc
Hết tình vì vợ giữ lòng trinh
Xem qua bốn bạn đều câm tức
Ngó lại ba con rất bực mình
Hổ nghẹn trân trân khôn mở miệng
Vì chưng tai họa đến thình lình!
Hoàng Phi Hổ ủ mặt suy nghĩ, tiếng khóc của ba con thêm bởi đoạn.
Hoàng Minh nói:
– Anh còn ngờ vực gì nữa chớ! Trụ Vương đã nhúng tay vào việc nầy còn ai khác hơn. Trước sắc đẹp của chị, vua Trụ động tình, buông lời chọc ghẹo. Tẩu tẩu là người đàn bà trọng trinh tiết với chồng, nên liều chết để bảo tồn tiếng sạch giá trong. Riêng về Quí phi nóng ruột xúc phạm đến Ðắt Kỷ, Trụ Vương mới ra tay rửa hờn. Anh hãy bình tĩnh suy xét lại coi. Theo ý em khi vua bất minh thì tôi đầu ngoại quốc, cạn lẽ mà suy, chúng ta định Ðông dẹp Bắc ngựa chẳng rời yên, phá Ðông, phạt Tây người không lìa giáp. Công ơn ấy hôn quân đãi ngộ như thế sao. Còn mặt mũi nào nhìn anh hùng bốn bể. Vì thế tiễu đệ, Châu Kỷ, Long Hoàn, và Ngô Khiêm đồng lòng phản chúa.
Bấy giờ tâm sự xong, bốn tướng cầm thương lên ngựa đi ngay.
Hoàng Phi Hổ thấy bốn người đã khuất dạng, lòng bàng hoàng đắn đo suy tính, mới nói một mình nghe:
– Không lẽ vì một con ác phụ, mà mình sanh lòng bội phản. Người đời sẽ nghĩ sao về hành động của Hoàng Phi Hổ nầy.
Nghĩ thế, Phi Hổ vội vàng chạy theo gọi bốn tướng:
– Các em hãy trở về về suy nghĩ cho chín chắn đã. Chớ bốc đồng đi như thế, vậy thì mình phải phò vua nào, ở nơi đâu, còn lương thực đem theo dùng trong lúc đi đường.
Bốn người cho là phải nên quày ngựa trở về dinh.
Bất giác Hoàng Phi Hổ rút gươm khỏi vỏ hét lớn:
– Bốn tên giặc, các ngươi muốn hại cả nhà ta hay sao? Vợ ta té lầu chết oan can chi đến các ngươi. Lũ ngươi có biết dòng họ Hoàng có hơn hai trăm năm lẻ giúp vua đã bảy đời, bây giờ các người lấy cớ vợ ta chết mà xúi ta phản chúa ư! Các ngươi lợi dụng đục nước béo cò làm chuyện bất lương sao. Các người không nhìn lại lưng vàng buộc bụng đọc chữ trung vương.
Bốn người cúi đầu nghe Hoàng Phi Hổ mắng nhiếc chẳng nói lấy một câu.
Hoàng Minh cười nói:
– Anh mắng đúng lắm, chuyện ấy không phải của bọn nầy.
Nói đoạn bốn người cười cởi mở và tiếp tục uống rượu như xưa.
Ðàng kia Hoàng Phi Hổ bừng bừng lửa giận bên nầy bốn tướng cười, bên kia ba con ôm mặt khóc thảm thiết.
Lửa giận cứ trào dâng, Hoàng Phi Hổ nói lớn:
– Chúng bây vui lắm sao, cười như vậy?
Hoàng Minh nói:
– Anh có chuyện nhà buồn bực, bọn nay vô sự, nhân ngày tiết uống rượu vui cười anh cấm nữa sao, mà anh lại tra vấn?
Hoàng Phi Hổ nói:
– Ðược nhà ta nay gặp chuyện ma chay khổ sở. các ngươi lại cười.
Châu Kỷ nghiêm ngay nét mặt nói:
– Thật tình chúng tôi cười anh đó
Hoàng Phi Hổ hỏi lại:
– Ta có gì mà các ngươi lại cười?
Châu Kỷ phân:
– Anh là người đứng đầu trên các tướng trong triều. Kẻ hiểu biết thì anh nhờ công lớn làm nên sự nghiệp, nhưng kẻ khác lại nghĩ phần lớn sự nghiệp nầy là do sắc đẹp của chị mà nên.
Châu Kỷ nói chưa dứt lời thì Hoàng Phi Hổ vỗ bàn nạt lớn:
– Ta không còn chịu nổi các ngươi được nữa? Ta chết mất đi thôi.
Truyền gia tướng gấp rút cuốn đồ tế nhuyển và ra roi giục ngựa khỏi Triều Ca.
Hoàng Phi Bưu thấy anh mình thật sự phản chúa liền sắm sửa bốn trăm cỗ xe, ngàn gia tướng, dọn cả bạc vàng, lương thảo đâu đó xong xuôi.
Hoàng Phi Hổ quay đầu hỏi:
– Bây giờ ta đầu nước nào?
Hoàng Minh nói:
– Hễ tôi hiền phải phò chúa thánh, trong thiên hạ nay đã chia ba, Châu Võ vương chiếm được hai phần, ta đầu Tây Kỳ thì không mất phần vinh hiển.
Ðứng ngoài Châu Kỷ nghĩ thầm:
– Mình nói khích, nếu anh tự ái làm phản, biết đâu chốc nữa đây cơn giận tiêu tan anh sẽ hồi tâm quay về. Hay ta làm một kế mọn để gài anh mình không còn dịp nào trở lại nữa.
Trong bụng nghĩ vậy, Châu Kỷ lấy làm thích thú tươi nét mặt nói:
– Muốn qua Tây Kỳ phải vượt qua năm ải, và đem quân về phục thù cho tẩu tẩu thì phải trễ lắm. Chi bằng sẵn đây ta kéo nhau qua hỏi tội Trụ, dò phản ứng y như thế nào?
Hoàng Phi Hổ lên ngựa giục gió theo Châu Kỷ.
Hoàng Minh vào ngọ môn tìm Trụ, Phi Bưu, Phi Báo dắt ba cháu và Long Hoàn, Ngô Khiêm tất cả bảy người truyền gia tướng đẩy xe về phía Tây môn đi trước.
Trời vừa rựng sáng, Châu Kỷ đã đến Ngọ môn gọi lớn:
– Quan đương giá! Gọi Trụ vương ra đây nói chuyện cho mau, như cãi lời ta đừng trách ta sao vô lễ.
Trong khi đó Trụ vương trong cơn bối rối, liền nghĩ đến hành động vừa qua, làm cho Giả thị nhào xuống lầu chết, ném Hoàng Quý Phi tan xương nát thịt, lòng buồn lo, bỗng từ ngoài quan đương giá vào tâu:
– Hoàng Phi Hổ đã phản bệ hạ, đang chờ ngoài, gọi bệ hạ khiêu chiến.
Nghe qua Vua Trụ nổi cơn thịnh nộ, mắng lớn:
– Ðồ thất phu, dám cả gan khi trẫm.
Truyền quân lấy giáp gọn gàng, cầm siêu lên yên ngựa ra ngõ.
Khi ấy Hoàng Phi Hổ đứng ngoài nhận thấy mặt Trụ vương cũng thẹn.
Châu Kỳ hiễu ý liền lớn tiếng hỏi Trụ:
– Trụ vương là hôn quân vô đạo, làm chúa hiếp vợ tôi là Vua vô liêm sỉ, thì còn để làm gì cho bẩn mắt.
Nói rồi thúc ngựa tới đưa búa ra chém Trụ Vương, vua Trụ cũng nổi xung đưa đao ra đỡ. Hoàng Minh thấy vua Trụ mạnh quá cũng sảy ngựa tiếp ứng. Nhìn cảnh hỗn loạn Hoàng Phi Hổ thấy tức quá, không để cho mình hỏi phân minh. Nhưng tới nước liều cũng phải ra tay, một rồng ba cọp quấn lấy nhau trước ngọ môn.
Có thơ đề:
Trụ vương chẳng giữ đạo bề trên
Rồng cọp đua tranh trước cửa đền
Khiến nỗi trung lương tìm một cõi
Làm cho hào kiệt tránh hai bên
Muôn dân khó chịu vua sâu độc
Năm ải không ngăn tướng dạn tên
Nguồn nước không trong dòng phải độc
Sử xanh ghi chép việc hư nên.
Trận đấu tranh nhau có trên ba mươi hiệp. Trụ vương đánh siêu đao hay lắm, biến hóa như rồng. Nhưng làm sao cự lại ba con hùm từng vẫy vùng trong bốn bể. Lượng sức mình không cự nổi nên Trụ vương phải nhịn thua bỏ chạy.
Hoàng Minh thừa thắng thúc ngựa đuổi theo.
Hoàng Phi Hổ can lại nói:
– Không nên rượt theo vua, chúng ta hãy trở ra cho kịp.
Ba người ra roi giục ngựa bay biến theo gia quyến ở Tây môn.
Ðoàn người gặp nhau tiến về một nước.
Trụ vương vào đền nghỉ mệt, lòng căm tức vô cùng. Tất cả nhà trong Triều Ca đều đóng cửa, ai ai cũng sợ tai bay họa gởi.
Tin Trụ Vương đánh với Võ Thành vương tới tai các quan trong triều, họ đều vào thăm và hỏi:
– Hoàng Phi Hổ vì sao lại phản chúa?
Vua Trụ kiếm thế chạy chối.
– Nhân ngày tết Giả thị đến chầu long thể, nhưng lại xúc phạm Chính cung, phải tội chết, nên đã gieo mình xuống lầu chết chớ nào phải tại ai giết. Trẫm chẳng rõ nguyên do nào khiến cho Hoàng Phi Hổ làm phản, để đến ngọ môn khiêu chiến. Chuyện trái lẽ như vậy bá quan nghĩ thế nào?
Trong lúc bá quan còn đang luận bàn, thì thấy quân thám thính vào báo:
– Văn Thái Sư dẹp Ðông Hải xong rồi, dẫn binh về gần đến.
Bá quan nghe báo mừng rỡ khôn cùng, đồng leo lưng ngựa tiếp nghinh.
Thái Sư cỡi Hắc kỳ lân đi đến cửa cùng nhau chào hỏi. Rồi đồng vào chào thiên tử.
Khi làm lễ xong Văn Thái Sư không thấy Hoàng Phi Hổ đâu sanh nghi tâu:
– Chẳng hay Võ Thành Vương đi đâu vắng mặt?
Vua Trụ nói:
– Hoàng Phi Hổ phản trẫm rồi.
Văn Thái Sư kinh khiếp hỏi:
– Vì cớ nào vậy bệ hạ?
Vua Trụ phán:
– Ngày nguyên đán, Giả thị vào chầu đã cố ý xúc phạm Chính cung, nên sợ tội đã nhào xuống lầu chết, Hoàng Quí Phi hay tin đến hành hung đả thương Hoàng hậu, còn sỉ nhục quả nhân, trẫm vô tình nắm tay đẩy ra nhưng rủi thay té lầu theo chị dâu một thể. Hoàng Phi Hổ không hiểu căn cội ỷ mạnh đến đây khiêu chiến, ba anh em đánh trẫm chẳng chút nương tay, trẫm cố hết sức mới tránh được. Bây giờ thì Hoàng Phi Hổ đã ra khỏi Tây môn, trẫm bối rối chưa biết phải làm sao trừ con giặc ấy. Bất ngờ Thái Sư về đến, vậy Thái Sư theo đuổi bắt trị tội phản thần.
Nghe rõ câu chuyện Thái Sư tâu lớn:
– Tôi đã nghĩ chuyện nầy, chắc tại vua phụ phàng thần tử, chớ lâu nay Hoàng Phi Hổ đã nêu gương ái quốc trung quân. Xét Giả thị vào chầu thiên tử cũng không tội gì, có đâu chết vô cớ. Vả lại lầu Trích Tinh là chốn bệ hạ ngự cách cung cấm xa lắm lẽ nào Giả thị tự ý lên. Chắc có kẻ dỗ dành nên vua mang tiếng bất nghĩa. Bệ hạ không cân phân khiến cho người tiết liệt liều mình, Hoàng nương nương thương chị chết oan uổng. Bệ bạ vì tư vị Hoàng hậu mà ra nông nỗi này. Bệ hạ có nhớ câu: “Vua chẳng minh thì tôi đầu nước ngoài. Nghĩ lại Hoàng Phi Hổ là vị tướng có công lớn với nước, trọn lòng thờ kính quân vương, cơ nghiệp ấy vợ không được hưởng, con chẳng nhờ ơn, lại chết thê thảm. Xin bệ hạ tha tội cho Hoàng Phi Hổ, xuống lá chỉ chiêu an đại thần để cho cơ nghiệp yên bền, quốc gia mới vững.
Bá quan nghe nói đồng tâu:
– Văn Thái Sư xử như vậy rất công bình, xin Bệ bạ truyền chỉ xá tội cho Hoàng Phi Hổ, để Hoàng Phi Hổ trở về đoái công chuộc tội.
Văn Thái Sư quay qua nói với triều thần:
– Tôi tâu với Thiên tử xá tội cho Hoàng Phi Hổ chỉ vì tôi cho rằng Thiên tử đã phụ kẻ bề tôi. Còn như ai thấy Hoàng Phi Hổ có lỗi gì với vua cũng nói ra đây cho minh bạch.
Quan Hạ đại phu Từ Vinh thưa:
– Vua tuy phụ Hoàng Phi Hổ mà Hoàng Phi Hổ cũng phụ vua.
Văn Thái sư hỏi:
– Hoàng Phi Hổ phụ vua chỗ nào?
Từ Vinh thưa:
– Vua hiếp vợ tôi là lỗi đạo, xô Tây cung xuống lầu là bất nghĩa. Nhưng Hoàng Phi Hổ đến ngọ môn đánh vua là phản phúc. Ðạo làm tôi, dù vua có lỗi cũng không nên đối xử như vậy.
Văn Thái Sư nghe nói, liền dặn các quan:
– Xin các ông nói vua có lỗi mà thôi, đừng nói Hoàng Phi Hổ có lỗi.
Văn Thái Sư dặn rồi liền gọi Kiết Cập và Dư Khánh dạy rằng:
– Hai ngươi mau đem trát văn ra hai ải Minh Tân và Ðồng Quan truyền các quan trấn ải giữ gìn đừng cho Hoàng Phi Hổ qua ải. Ðợi ta đuổi theo bắt rồi sẽ lấy công bình mà xét xử.