Phong thần diễn nghĩa (Hứa Trọng Lâm) - Hồi 35: Triều Ðiền đem binh thám thính
- Trang chủ
- Phong thần diễn nghĩa (Hứa Trọng Lâm)
- Hồi 35: Triều Ðiền đem binh thám thính
Nhắc lại Thái Sư Văn Trọng từ khi theo Hoàng Phi Hổ đến ải Lâm Ðồng, bị Thanh Hư đạo nhân vải thần sa lừa phỉnh nên kéo binh trở lại.
Khi Văn Trọng theo đuổi gần đến Triều Ca thì đạo nhơn thâu sa biến mất.
Bá quan ra tiếp đón, hỏi thăm công việc Võ Thành vương, Thái Sư Văn Trọng thuật lại đầu đuôi câu chuyện, ai nấy đều ngơ ngác không rõ vì sao cả.
Văn Trọng nghĩ thầm:
– Dầu Hoàng Phi Hổ có trốn ở đâu nữa thì bên tả có ải Thanh Long, do Quế Phương ngăn trở. Bên hữu có ải Giai Mộng, do tứ tướng trấn giử, còn đường đi Tây Kỳ phải qua năm ải là ải Lâm Ðồng, Ðồng Quan, Xuyên Vân, Giới Bài và Tụy Thủy. Hoàng Phi Hổ dầu có cánh bay lên trời cũng khó lắm.
Bỗng nghe quân báo:
– Tiêu Ngân mở ải Ðồng Quan, chém Trương Phụng, đưa Hoàng Phi Hổ ra khỏi cửa.
Văn Trọng nghe báo thất kinh, kế một tốp khác vào báo nữa:
– Hoàng Phi Hổ giết Trần Ðồng, ra khỏi ải Lâm Ðồng.
Lại có một số quân khác vào báo:
– Hoàng Phi Hổ giết Trần Ngô vượt ải Xuyên Vân rồi.
Thái Sư Văn Trọng ngồi chết điếng chưa kịp mở miệng thì đã nghe quân vào báo nữa:
– Hoàng Cổn theo làm phản, bỏ ải Giới Bài rồi.
Rồi lại thấy quân ở Tụy Thủy chạy về trình một phong thư của Hàng Vinh.
Văn trọng vội xé thư ra xem, rồi nổi giận nói lớn:
– Tiên vương thác cô ta gìn giữ giang sơn, không dè đến nay vua bất minh, thần bất chánh, làm loạn bốn phương. Ðông Bá Hầu, Nam Bá Hầu làm phản trước, rồi đến giặc dậy trong thành, khiến Võ Thành vương bội quân phản chúa. Ấy là điềm trời đã định, nay hưng vong chưa chắc, thành bại khó lường. Tuy nhiên bổn phận ta không thể phụ lời thác cô của thiên tuế.
Nói rồi truyền quân gióng trống nhóm họp các tướng luận bàn. Các tướng ứng hầu đủ mặt. Văn Trọng nói:
– Nay Hoàng Phi Hổ đầu Châu ắt sanh loạn. Ý ta muốn đem binh vấn tội, các quan tính lẽ nào?
Quan Tổng binh Lỗ Hùng thưa:
– Ðông Bá Hầu đang đánh ải Du Hồn, Ðậu Dung chống cự không nổi. Nam Bá Hầu đánh ải Tang Sơn, Cửu Công ngồi đứng không yên. Nay Hoàng Phi Hổ đầu Châu tuy có thể thêm một mũi giặc, nhưng Thái Sư chớ nên nóng giận mà gây thêm việc can qua. Ðang lúc nầy kho lẫm chưa đầy lương tiền chẳng đủ Nếu Cơ Phát có cất binh thì đã có bảy ải ngăn ngừa. Xin Thái Sư xét lại cần phải cân nhắc lúc tiến lúc thủ thì mới trị an thiên hạ.
Văn Trọng nói:
– Tướng quân luận cũng phải, song Tây châu thế đang mạnh, lại có Khương Tử Nha cầm đầu, nếu không liệu trước để đến chừng chúng nó đủ cánh đủ vi khó mà trừ được.
Lỗ Hùng thưa:
– Nếu Thái Sư nghi ngại xin sai vài tướng đi thám thính Tây Kỳ. Nếu thấy chúng êm đi thì thôi, còn muốn cử sự thì ta sẽ tính trước.
Văn Trọng khen phải và hỏi các tướng:
– Ai dám đến Tây Kỳ thám thính?
Cựu thánh tướng quân là Triều Ðiền bước ra thưa:
– Mạc tướng xin lĩnh mạng đến Tây Kỳ thăm dò tình hình, vì tôi có một người em là Triều Lôi chẳng sợ hang hùm nọc rắn.
Văn Trọng thấy anh em Triều Ðiền tình nguyện, liền cấp cho ba muôn binh mã và lương thực để tùy nghi ứng dụng.
Người sau có thơ rằng:
Muốn dọ binh tình tại cõi Tây
Cất quân ba vạn kéo như mây
Tử Nha kế nhiệm ngừa đôi nẻo
Bắt quách hai chàng trói một dây.
Triều Ðiền, Triều Lôi dẫn ba vạn binh thám thính, vượt khỏi năm ải, đến Tây Kỳ đóng trại.
Tử Nha đang ngồi trong phủ bỗng có quân thám thính về báo:
– Binh Triều Ca kéo đến ba vạn, đóng cách Tây môn mười dặm không rõ việc chi.
Tử Nha cũng ngạc nhiên, không rõ vì đâu có chuyện lạ lùng như vậy, liền tập chư tướng và nói:
– Không biết việc gì Trụ vương sai tướng kéo binh đến chiếm đóng nước ta.
Các tướng đều ngơ ngác, không ai đoán hiểu ra sao cả.
Tử Nha ngồi làm thinh bấm trán suy nghĩ.
Bấy giờ Triều Ðiền truyền quân đóng trại xong, bàn luận với em rằng:
– Nay chúng ta vâng lệnh Thái Sư, đến dò xem hư thiệt. Té ra chúng nó thờ ơ không phòng thủ, ta thừa cơ đánh thốc vào thành, nếu thắng trận thì lập được công to.
Triều Lôi khen:
– Anh tính vậy phải lắm.
Hai anh em liền cầm đao lên ngựa, kéo binh đến trước thành khiêu chiến.
Ðang ngồi ngẫm nghĩ, có quân vào báo:
– Có tướng Trụ đến ngoài thành khiêu chiến.
Tử Nha hỏi:
– Có ai thay mặt ta ra trận để chất vấn việc này cho minh bạch?
Nam Cung Hoát thưa:
– Tôi xin làm nhiệm vụ ấy cho.
Tử Nha liền cấp một đạo binh mã.
Nam Cung Hoát cầm đao lên ngựa kéo quân ra khỏi cửa thánh hỏi lớn:
– Tây Kỳ chúng tôi không có lỗi gì, sao thiên tử vô cớ sai tướng đến chinh phạt?
Triều Lôi lướt ngựa tới, nói:
– Ta vâng chỉ Thiên tử, phụng mệnh Thái Sư đến vấn tội Cơ Phát, vì lẽ nào đám tự ý xưng vương, lại dung nạp Hoàng Phi Hổ là tôi phản chúa. Ngươi hãy vào thưa với chúa ngươi mau đi dẫn Hoàng Phi Hổ ra đây mới khỏi tội.
Nam Cung Hoát cười lớn nói:
– Triều Lôi! Tội Trụ Vương kể sao cho hết nào giết Hoàng Sở phụ người có công trận, chém Nguyên Tiến xử tệ công thần, làm Sái Bồn hại cung nga, chế Bào Lạc đốt quan gián nghị. Mổ tim chú làm thuốc, cất Lộc đài hại dân, hiếp vợ tôi bỏ mạng, quăng thứ hậu dập xương, can thường đổ nát, tôi chúa loạn luân. Còn chúa ta ngồi trấn Tây Kỳ, giữ theo phép nước, vua lành tôi thảo chia ba phần thiên hạ, nhập hai cõi giang sơn. Nếu ngươi cất binh đánh vô cớ, ta e phải thiệt mạng nhơ danh.
Triều Lôi nổi giận vỗ ngựa tới chém Nam Cung Hoát.
Nam Cung Hoát đưa đao ra đỡ.
Ðánh được ba chục hiệp, Triều Lôi đuối tay bị Nam Cung Hoát bắt sống quăng xuống ngựa truyền quân trói.
Nam Cung Hoát kéo binh vào thành ra mặt Tử Nha và thưa:
– Triều Lôi đến đánh Tây Kỳ, tôi đã bắt sống được, xin đem nạp cho Thừa Tướng định liệu.
Tử Nha truyền dẫn tới, quân sĩ vâng lịnh dẫn Triều Lôi đến trước đền.
Triều Lôi vào đứng chẳng chịu quỳ.
Tử Nha nói:
– Ngươi đã bị bắt sao không quỳ xuống mà chịu tội bảo toàn tánh mạng.
Triều Lôi trợn mắt nói:
– Ngươi bất quá là đứa bán bột, đan gàu, còn ta là một bậc đại tướng đường đường, lẽ đâu quỳ lạy ngươi để cầu khẩn.
Tử Nha sợ để Triều Lôi nói dai, truyền đem chém.
Các tướng nghe Triều Lôi nói: biết được dĩ vãng của Tử Nha đều cười thầm.
Tử Nha biết ý chúng tướng khinh mình, liền nói:
– Triều Lôi chê ta là kẻ đan gàu bán bột không phải là nhục ta đâu. Ðời xưa ông Y Doãn là người cày ruộng ở Sàng Dã mà sau giúp vua Thành Thang dựng nên cơ nghiệp. Ấy là tại kẻ anh hùng không sớm gặp thời chớ nào phải nhục vinh.
Nói rồi truyền chém Triều Lôi tức khắc.
Hoàng Phi Hổ thưa:
– Triều Lôi hôm nay chỉ biết có Trụ, không biết có Châu. Xin cho tôi khuyên gã vài lời, nếu gã hàng thì chúng ta có thêm người đánh Trụ.
Tử Nha y lời.
Hoàng Phi Hổ ra trước cửa phủ thấy Triều Lôi đang quỳ đợi chém liền gọi lớn:
– Triều tướng quân ơi!
Triều Lôi ngoảnh mặt thấy Võ Thành vương liền cúi đầu chẳng nói.
Hoàng Phi Hổ khuyên:
– Ngươi không biết thời vận, không thông thuận nghịch nên mới cố thủ như vậy. Nay thiên hạ kêu oan, Võ vương chiếm hết hai phần. Nam, Bắc, Ðông, Tây không ai theo Trụ. Trụ tuy còn sống gượng, nhưng chẳng khác nào ngọn đèn trước gió, sức mạnh của một ông già. Trụ vương lỗi đạo đã nhiều, thiên hạ đâu đâu cũng biết, mầm loạn lạc sắp dấy lên bốn phương tám hướng, rõ ràng là cơ nghiệp nhà Thương đến ngày diệt vong rồi. Còn Võ vương nhân đức rất cao dày, biết trọng tôi trung, biết thương dân chúng. Trọng người hiền, mến kẻ sĩ, ấy là sự nghiệp đang lên. Như ta khi trước làm Trấn quốc Võ Thành vương, nay Võ vương chỉ sửa lại một chữ là Khai quốc Võ Thành vương. Bởi vậy ai cũng đành bỏ Trụ, người người đều muốn theo Châu. Còn nói đức hạnh Võ vương chẳng thua Thuấn, Nghiêu đời trước. Nay ta đã năn nỉ với Thừa Tướng xin tội cho ngươi, nếu ngươi hàng đầu thì được hiển vinh, còn nghịch mạng thì chắc phải chết.
Triều Lôi nghe Hoàng Phi Hổ nói điều lợi hại, liền đáp:
– Hoàng tướng quân ôi! Lúc nãy tôi xúc phạm đến Tử Nha, e Tử Nha không dung thứ.
Hoàng Phi Hổ nói:
– Như ngươi thiệt tình đầu hàng, ta sẽ hết lòng bảo lãnh cho.
Triều Lôi nói:
– Nhờ tướng quân cứu mạng, coi như đức tái sanh. Tôi xin nghe lời dạy.
Hoàng Phi Hổ trở vào phủ thuật lại mọi điều với Tử Nha.
Tử Nha nói:
– Giết kẻ đầu hàng là bất nghĩa, Hoàng tướng quân bảo cứu ta cũng bằng lòng.
Nói rồi truyền quân mở trói.
Triều Lôi vào quỳ lạy Tử Nha và thưa:
– Mạt tướng buông lời lỗ mãng, tội đáng gia hình. Nay nhờ lượng hải hà, tôi xin đội ơn trời bể.
Tử Nha nói:
– Tướng quân đã thật lòng đầu chúa, quyết ý phò vua thì tôi với tướng quân là tôi đồng trào, là dân một nước, có bao giờ hẹp lượng mà oán trách lẫn nhau. Vậy thì tướng quân hãy dẫn binh vào nạp.
Triều Lôi nói:
– Anh tôi là Triều Ðiền còn ở ngoài trại, xin cho tôi đi thuyết hàng
Tử Nha nhận lời.
Triều Lôi từ giã ra ngoài thành.
Bây giờ Triều Ðiền nghe tin Triều Lôi bị bắt, lòng rồi như vò, đang ngồi tìm mưu tính chước. Bỗng nghe quân báo Triều Lôi đã trở về, Triều Ðiền lấy làm lạ nghĩ thầm:
– Thái Sư sai chúng ta đi thám thính, chúng ta làm sai ý nghĩa đem quân đánh thành nên em ta mới bị bằt, nay chẳng biết vì sao mà về được.
Nghĩ rồi truyền quân mời vào.
Triều Lôi đến ra mắt Triều Ðiền và nói:
– Em bị Nam Cung Hoát bắt được đem nạp cho Tử Nha, em mắng Tử Nha là kẻ đan gàu bán bột, nên Tử Nha nổi giận truyền đem chém, may nhờ có Hoàng Phi Hổ can gián, và cắt nghĩa cho em nghe nhiều điều lợi hại. Bởi vậy em đã chịu đầu dưới trướng và ra đây xin mời anh nhập thành.
Triều Ðiền nghe nói miệng lớn:
– Ðồ thất phu! Ðáng tội chết! Lẽ nào nghe lời Hoàng Phi Hổ chịu đầu Khương Tử Nha? Ngươi là một đảng với bọn phản thần, còn mặt mũi nào nhìn thấy Thái Sư nữa.
Triều Lôi nói:
– Anh không rõ nên tức mới nói như vậy, chớ nay thiên hạ đều đầu Châu hết thảy, chẳng riêng một mình chúng ta mà thôi đâu.
Triều Ðiền nói:
– Ta há không biết tội ác của Trụ Vương làm cho thiên hạ điêu linh, bốn phương đều gây loạn, người người đều bỏ Trụ đầu Châu hay sao, nhưng nếu anh em ta bắt chước họ thì cha mẹ chúng ta ở Triều Ca bị vua giết hết, ngươi đành quên chữ hiếu hay sao?
Triều Lôi than:
– Bây giờ biết tính làm sao?
Triều Ðiền nói:
– Em hãy lên ngựa vào thành tỏ bày như thế này thì mới lập được công cao, và mới có thể trở về ra mắt Thái Sư được.
Tiếp đó Triều Ðiền dặn nhỏ Triều Lôi một hồi. Triều Lôi y kế, lên ngựa về tướng phủ ra mắt Tử Nha, thưa rằng:
– Tôi về trại nói thiệt hơn, anh tôi cũng chịu đầu hàng, nhưng chỉ ngại có một điều là anh tôi vâng lệnh chinh Tãy, nếu bó tay quy thuận, e tướng chê quân sĩ cười. Xin Thừa Tướng cho người đến mời để anh tôi còn chút thể diện.
Tử Nha vừa cười vừa nói:
– Việc ấy cũng chẳng khó gì.
Liền quay lại hỏi:
– Có tướng nào tình nguyện đi chăng?
Hoàng Phi Hổ bước ra thưa:
– Tôi xin lãnh mạng.
Triều Lôi và Hoàng Phi Hổ đi rồi, Tử Nha lập tức đòi Tân Giáp, Tân Miễn đến và viết hai lá thiệp, cắt nghĩa rõ ràng, dạy hai tướng ấy coi theo thiệp mà hành động. Rồi lại viết một lá thiệp khác sai Nam Cung Hoát ra đi.
Còn Hoàng Phi Hổ theo Triều Lôi đến trại thì Triều Ðiền đã sắp đặt sẳn sàng, thân hành ra tận cửa nghênh đón, và nói:
– Xin mời thiên tuế vào trại.
Hoàng Phi Hổ vào đến nơi, vừa ngồi xuống ghé, thì Triều Ðiền trợn mắt hét lên một tiếng, quân phục hai bên nổi dậy, áp tới bắt Hoàng Phi Hổ trói lại.
Hoàng Phi Hổ giận mắng:
– Quân khốn nạn! Ta làm ơn lại mắc oán.
Triều Ðiền nói:
– Ta không mang ơn đứa phản thần. Ta quyết chí bắt ngươi giải về Triều Ca để cho Thái Sư trị tội.
Anh em Triều Ðiền dùng mưu bắt được Hoàng Phi Hổ rồi thì mừng rỡ, truyền quân nhổ trại, rón rén kéo nhau về dẹp trống cất chiêng chạy mau như tên bắn.
Ði được ba dặm đường vừa tới chân núi Long Sơn bỗng thấy hai ngọn cờ phất phới, trong rừng xông ra hai tướng hung hăng nạt lớn:
– Triều Ðiền! Phải trả Vô Thành vương lại cho mau. Ta là Tân Giáp, Tân Miễn vâng lệnh Thừa Tướng phục binh ở đây đã lâu.
Triều Ðiền nổi giận nói:
– Ta không hạ tướng tá Tây Kỳ, sao dám đón đường đoạt khâm phạm, vung đao chém tới Tân Giáp đưa búa ra đỡ. Hai tướng đánh nhau được hai mươi hiệp.
Tân Miễn liền xốc ngựa tới cứu Hoàng Phi Hổ.
Triều Lôi thấy Tân Miễn lòng và liền vung đao cản lại. Hai tướng lại đánh nhau, giáo gươm khua lẻng kẻng Tân miễn sức mạnh như thần, Triều Lôi đánh một hồi mồ hôi ra ướt giáp liệu thế cự không lại, liền chém bậy một đao, quất ngựa chạy vào rừng trốn mất Miễn đuổi giết quân Trụ tan tành, và mở trói cho Hoàng Phi Hổ.
Hoàng Phi Hổ tạ ơn cứu mạng, rồi ra trước trận thấy Tân Giáp đang đánh với Triều Ðiền, lòng giận như lửa đốt, nhìn Triều Ðiền hét lớn:
– Ta làm ơn cho ngươi, ngươi lại bạc tình phản phúc.
Nói rồi cầm gươm xông vào đánh, bắt sống Triều Ðiền trói lại và mắng lớn:
– Ngươi là đứa nghịch tặc, trời nào để ngươi sống! Như không nhờ Thừa Tướng biết trước lòng của bọn ngươi, bố trí binh phục, thì ta đã bị hại về tay ngươi rồi.
Tân Giáp, Tân Miễn liền lôi cổ Triều Ðiền về thành.
Còn Triều Lôi hoảng kinh chạy vào rừng rậm, không biết đường nẻo nào ra, lính quýnh cho đến canh ba mới thoát ra đến mé rừng, nhìn thấy đèn đuốc tỏ rạng, lòng sanh nghi, bèn giốc ngựa tìm đường chạy riết.
Nhưng chỉ chạy được một đoạn đường, bỗng nghe một tiếng pháo nổ vang, có một viên đại tướng dẫn binh ra đón đường. Tuy ánh sáng mập mờ, Triều Lôi cũng nhìn thấy tướng đó là Nam Cung Hoát, bèn năn nỉ:
– Xin tướng quân rộng tình tha tội. Tôi nguyện ơn trả nghĩa đền.
Nam Cung Hoát cười hi hi nói:
– Thôi xuống ngựa chịu trói cho rồi, đừng nói nhiều chuyện.
Triều Lôi nổi giận chém Nam Cung Hoát một đao.
Nam Cung Hoát né khỏi, rồi hét một tiếng, nắm đầu Triều Lôi kéo xuống yên, khiến quân trói lại giải về dinh.
Sáng hôm sau Tử Nha ra khách, Hoàng Phi Hổ vào lạy tạ ơn, và thưa:
– Nếu Thừa Tướng không cứu tôi thì tôi đã lầm tay phản tặc rồi.
Tử Nha nói:
– Tôi coi ý Triều Lôi lúc trở về có vẻ khác thường, nên mới sinh nghi, truyền hai ngả phục binh, kết quả đúng như vậy.
Tân Giáp bước tới kể chuyện bắt Triều Ðiền và cứu Võ Thành vương.
Tiếp đến Nam Cung Hoát vào thưa:
– Tôi vâng lệnh mai phục tại Kỳ sơn bắt được Triều Lôi giải về trưuớng phủ.
Tử Nha truyền dẫn Triều Ðiền và Triều Lôi ra trước trướng, mắng rằng:
– Thất phu! Chúng bây dụng mưu gian gạt ta sao được?
Nói rồi truyền quân sĩ dẫn ra chém hết cả hai.
Ðao phủ quân vâng lệnh kéo hai người ra khỏi cửa.
Triều Lôi lớn tiếng kêu oan.
Tử Nha vừa cười vừa nói:
– Anh em nó là đồ phản phúc, ngoài miệng nói một đường, trong lòng nghĩ một nẻo, chết là đáng lắm.
Triều Lôi vẫn cứ kêu oan mãi.
Tử Nha truyền quân dẫn Triều Lôi lại hỏi:
– Anh em ngươi bày mưu độc bắt người trung, ngỡ là về nước nạp Võ Thành vương mà ăn công hưởng lộc, chẳng ngờ ta biết trước phục binh bắt lại. Tội ấy chém đã đành, còn kêu oan gì nữa.
Triều Lôi thưa:
– Anh em tôi cũng muốn về Châu, song sợ cha mẹ ở Triều Ca bị tội. Cũng vì chữ hiếu mà chúng tôi mới lập mưu gian. Nếu Thừa Tướng không xét lại thì tội nghiệp cho anh em chúng tôi lắm.
Tử Nha hỏi:
– Nếu ngươi còn cha mẹ tại Triều Ca sao không nói trước cho ta biết, đặng ta tìm cách rước hết gia tướng đem về, lại nỡ dùng kế độc hại người ơn?
Triều Lôi thưa:
– Chúng tôi tài hèn, trí thấp, không biết tính xa, nếu thưa trước với Thừa Tướng biết, thì có đâu mắc họa.
Nói rồi cất tiếng khóc vang.
Tử Nha nói:
– Ngươi nói thiệt như vậy sao?
Triều Lôi thưa:
– Nếu tôi không còn cha mẹ mà dối gạt để gỡ tội thì Võ Thành Vương cũng biết.
Tử Nha hỏi Hoàng Phi Hổ:
– Triều Lôi còn cha mẹ chăng?
Hoàng Phi Hổ thưa:
– Hai người nầy quả còn cha mẹ tại Triều Ca.
Tử Nha nói:
– Nếu vậy thì thật tình hiếu đạo kể cũng khá thương.
Liền truyền quân mở trói cho hai anh em một lượt.
Triều Lôi, Triều Ðiền lạy tạ ơn.
Tử Nha giữ Triều Ðiền ở lại Tây Kỳ, rồi viết một lá thiệp trao cho Triều Lôi và dặn:
– Ngươi về Triều Ca cứ theo lời trong thiệp mà làm thì cứu được gia quyến.
Triều Lôi tuân lệnh, lãnh binh ra đi.