Phong thần diễn nghĩa (Hứa Trọng Lâm) - Hồi 39: Hai nịnh bị giá lạnh nằm co
- Trang chủ
- Phong thần diễn nghĩa (Hứa Trọng Lâm)
- Hồi 39: Hai nịnh bị giá lạnh nằm co
Kim Tra thấy Vương Ma bị trói trong Ðộn Long Thun liền vung kiếm chém một nhát rụng đầu, hồn Vương Ma bay lên đài phong thần, Bá Dẫm là Thanh Phước Thần cầm cây phướng Bá Linh mà rước.
Còn Văn Thù thâu Ðộn Long Thun lại, lạy về núi Côn Lôn tám lạy vái rằng:
– Ðệ tử phạm sát sanh, cam thọ tội.
Lạy rồi truyền Kim Tra cõng Tử Nha lên núi, đổ nước kim đơn vào miệng.
Một lúc lâu, Tử Nha mới hoàn hồn tĩnh dậy, thấy Văn Thù tôn sư liền hỏi:
– Chẳng hay tôi vì sao ở chốn nầy?
Văn Thù nói:
– Ðó là vận mệnh của ngươi chứ không phải ngẫu nhiên.
Còn Văn Thù trao Ðộn Long Thun cho Kim Tra, và dặn rằng:
– Nay con theo sư thúc đến Tây Kỳ trợ chiến, lo giúp nhà Châu, chẳng bao lâu thầy cũng xuống theo.
Kim Tra từ giã lạy thầy, rồi cùng Tử Nha lên lưng Tứ Bát Tướng bay về thành Tây Kỳ.
Còn Văn Thù đem xác Vương Ma chôn nơi sườn núi.
Bấy giờ tại Tây Kỳ ai nấy bỗng thấy Tử Nha trở lại đều kinh hãi.
Võ vương hay tin đến phủ thăm viếng, và truyền quân thám mã đi lùng kiếm khắp nơi, xảy thấy Tử Nha dắt Kim Tra về phủ.
Võ vương mừng rỡ hỏi:
– Tướng Phụ chạy đi đâu mà quả nhân truyền quân thám mã tìm khắp nơi không gặp?
Tử Nha tâu:
– Như hạ thần không gặp thầy trò Kim Tra thì không còn tánh mạng.
Kim Tra bước đến làm lễ Võ Vương, thuật lại việc giải cứu Tử Nha, giết Vương Ma, rồi nhìn Na Tra là em ruột mình cùng nắm tay hoan hỉ.
Võ Vương mừng rỡ, truyền quân mở tiệc ăn mừng ngày hội ngộ.
Bên kia, Dương Sum thấy Vương Ma rượt Tử Nha mãi đến tối không thấy về lòng nghi ngại, đánh tay xem thử rồi vùng ta lớn:
– Thôi rồi! Còn gì đâu!
Cao Hữu Càng và Lý Hưng Bá đồng hỏi:
– Chuyện gì vậy?
Dương Sum giậm chân nói:
– Uổng công danh ngàn năm tu luyện, nay bỏ mình tại núi Ngũ Long.
Ba anh em tức tối, đêm ấy ngủ khôn an.
Rạng ngày ba người dẫn binh đến bên thành khiêu chiến, gọi Tử Nha ra trận.
Quân vào báo với Tử Nha.
Tử Nha bị thương chưa lành nên có ý buồn bực, Kim Tra liền bước tới thưa:
– Có đệ tử bảo hộ xin sư thúc ra thành.
Tử Nha nghe lời, dẫn quân xuất trận. Ba vị đạo sĩ thấy Tử Nha nổi giận mắng:
– Khương Thượng ngươi giết anh ta, ta quyết xé xác ngươi!
Vừa nói vừa ào tới đánh liền.
Kim Tra và Na Tra đồng một lượt giốc tới cản lại, giao chiến.
Năm người biểu diễn một trận thư hùng, thật là:
Tiếng đao rang rảng vang trời đất
Khí giận ùn ùn toả núi sông.
Tử Nha trông thấy cuộc chiến không phân thắng bại, cố tìm cách rút ngắn thời gian, vùng nhớ đến cây roi Ðả Thần Tiên của Nguyên Thỉ cho, liền rút roi ấy ném lên không, tức thì roi thần tỏa hào quang như chớp nhoáng, đánh bể đầu Cao Hữu Càng, linh hồn lên đài Phong thần.
Dương Sum thấy Cao Hữu Càng tử nạn, tức mình hét lên một tràng, lướt đến đánh Tử Nha, chẳng ngờ bị Na Tra quăng Càn Khôn Quyện, Dương Sum lo bắt Càn Khôn Quyện bị Kim Tra quăng Ðộn Long Thun lên nữa tròng cổ Dương Sum trói cứng vào cây nọc vàng.
Kim Tra lướt tới chém Dương Sum một gươm đứt làm hai khúc, linh hồn Dương Sum cũng bay lên đài Phong thần họp bạn.
Trương Quế Phướng và Phong Lâm thấy hai vị đạo sĩ bị chết một cách chớp nhoáng như vậy, đồng xông vào trợ chiến với Lý Hưng Bá, giao đấu với Kim Tra và Na Tra.
Xảy nghe trên thành Tây Kỳ, một tiếng pháo nổ vang có một viên tướng nhỏ mình mang giáp bạc, cỡi ngựa kim, cầm giáo dài. xông ra giữa trận. Mọi người xem lại thì thấy tướng ấy là Hoàng Thiên Tường, con út của Hoàng Phi Hổ.
Hoàng Thiên Tường tuy còn nhỏ tuổi, nhưng con nhà tướng, sức mạnh như thần. Vừa đến nơi đã đâm trúng Phong Lâm một giáo lòi ruột, nhào xuống đất chết tươi.
Trương Quế Phương và Lý Hưng Bá rối loạn, nhắm bề cự không lại bỏ chạy về dinh.
Sau khi thu góp tàn quân, Trương Quế Phương thấy quân sĩ hao hụt quá nhiều, lòng buồn khôn tả.
Lý Hưng Bá nói với Trương:
– Bốn anh em chúng tôi đến đây trợ giúp tướng quân, không ngờ rủi ro chết mất ba người, nay chỉ còn một mình tôi, liệu thế khó bề chiến thắng. Vậy tướng quân nên viết biểu về Triều Ca báo với Văn Thái Sư liệu định.
Trương Quế Phương tuân lời, viết chiếu sai hỏa tốc đem về triều trình với Văn Trọng.
Còn Tử Nha trọn thắng, kéo quân vào thành khao binh thưởng tướng ai nấy cũng khen tài uy dũng của Hoàng Thiên Tường, mới bao nhiêu tuổi đầu đã dám ra trận đâm chết đại tướng
Kim Tra thưa với Tử Nha:
– Chúng ta vừa thắng trận, không nên bỏ qua dịp tốt, ngày mai nên lựa binh ra ngoài thành đoạt ải, đuổi Trương Quế Phương chạy khỏi Tây Kỳ, thì mới khỏi lo về sau.
Tử Nha khen phải, truyền các tướng chỉnh đốn đội ngũ, đợi rạng ngày xuất quân.
Ngày hôm sau, Tử Nha dẫn các tướng đến trại Thương khiêu chiến.
Quân vào báo, Trương Quế Phương mắng lớn:
– Phản tặc dám khinh dễ Nguyên soái thiên triều. Ta quyết trận này một còn một mất.
Nói rồi kéo binh ra khỏi trận, gặp tiểu tướng Hoàng Thiên Tường đang diệu võ dương oai.
Trương Quế Phương hét:
– Tiểu tặc! Hôm qua ngươi lên đâm chết được Phong Lâm, ngươi tưởng tài ngươi vô địch sao? Ta lấy đầu ngươi cho ngươi biết.
Nói rồi xông lại đánh với Hoàng Thiên Tường.
Hai tướng hổn chiến với nhau hơn ba mươi hiệp không phân thắng bại.
Tử Nha truyền quân giống trống, tức thì có tám viên tướng Tây Kỳ, gọi là bát tuấn, cùng một lượt áp vào trận.
Tám tướng này là: Bá Ðạt, Bá Hoạt, Trọng Ðột, Trọng Hốt, Thúc Dạ, Thúc Hạ, Quí Tòa, Quí Hoa.
Lại thêm một số tướng cạnh của Tử Nha là: Mao Công Toại, Châu Công Ðáng, Thiện Công Tích, Nam Cung Hoát, Tân Giáp, Tân Miễn, Thái Ðiền, Hoàng Yên, Hoàng Minh, Châu Kỷ đều áp vào phủ vây Trương Quế Phương vào giữa.
Trương Quế Phương như hùm mây gặp gió, một mình xông đột múa giáo như tên bay, không hề khiếp sợ tí nào.
Khi ấy, Lý Hưng Bá thấy Trương Quế Phương bị vây liền vỗ thú xông vào giải cứu.
Tử Nha trông thấy liền khiến Na Tra và Kim Tra đón đánh. Ba người giao phong một hồi.
Tử Nha thấy không nên kéo dài trận chiến, liền quăng roi Ðả Thần Tiên lên, Lý Hưng Bá xem thấy thất kinh vỗ đầu con Tranh Nanh bay bỗng lên không trung trốn thoát.
Na Tra và Kim Tra thấy Lý Hưng Bá bỏ chạy, liền quay lại trợ lực với các tướng vây thêm Trương Quế Phương một vòng nữa.
Triều Ðiền gọi Trương Quế Phương nói:
– Binh tướng của ngươi đã tan tành, ngươi liệu sức phá nổi vòng vây hay không mà liều chết như vậy? Mau xuống ngựa qui hàng, đã cứu được mạng sống còn hưởng được vinh hoa phú quí.
Trương Quế Phương đỏ mặt mắng lớn:
– Phản tặc! Nói càn mà không biết xấu! Ta liều mình chết tại chiến trận, đem thân đền nợ nước, há như lũ bay chỉ biết có phú quí mà quên cả nhục vinh?
Mắng rồi lại đánh với các tướng Tây Kỳ từ giờ thìn đến giờ ngọ, mà giải vây không được, tay chân rũ liệt, liền ngửa mặt lên trời than:
– Bệ hạ ôi! Hạ thần không thể lập công đền nợ nước thì đành liều thân mà trả ơn Vua.
Than rồi trở giáo đâm vào bụng mình tự vận.
Có bài thờ điếu Trương Quế Phương rằng:
Làm tướng như vầy vẹn chữ trung
Quế Phương dầu thác cũng anh hùng
Tử Nha hồi trước không đương lại
Châu Kỷ khi xưa khó địch cùng
Chịu trận nữa ngày không hoảng hốt
Liều thân một giáo giữa gian truân
Kêu lên một tiếng đầy trung liệt
Thấu đến mây xanh, tận chín từng.
Binh Thương thấy chủ tướng liều mình rồi đều vỡ tan bỏ chạy, lớp bị bắt, lớp đầu hàng, lớp trốn vào rừng núi.
Tử Nha đắc thắng dẫn binh tướng vào thành, truyền đem thủ cấp của Trương Quế Phương bêu tại cửa Ðông, mở tiệc khao quân, khen tài các tướng:
– Trận này ai nấy đều ra tài làm cho binh Thương vỡ mật.
Giữa lúc ấy, Lý Hưng Bá cỡi Trạnh Nanh bay đến núi Cửu Cung mới dám dừng lại, xuống đất ngồi bên một gốc tòng nghỉ ngơi và nghĩ thầm:
– Ta tu luyện tại Cửu Long đảo đã lâu nay, tài trí mọi người đều nể. Nay thất trận tại Tây Kỳ thì còn mặt mũi nào trở về nhà thấy bạn bè. Ta phải trở lại Triều Ca báo tin với Văn Trọng tìm cách đến đây báo oán một trận để cứu lấy thể diện.
Nghĩ rồi toan lên lưng quái thú trở lại Triều Ca, bỗng nghe trong rừng tòng có nhiều tiếng hát vọng ra:
Trời khiến người phàm được phẩm tiên
Thành tiên mới thấy ý Hoàng thiên
Chớ chê ta nói lời ngang dọc
Bền chí thời nên lẽ tự nhiên.
Lý Hưng Bá ngoảnh lại thấy một đạo đồng lệnh mệnh bước ra.
Ðạo đồng đến trước mặt Lý Hưng Bá cúi chào, và hỏi:
– Chẳng hay đạo sư ở núi nào, có việc gì dừng chân nơi đây mà vẻ mặt lo âu buồn bã?
Lý Hưng Bá nói:
– Ta là Lý Hưng Bá ở Cửu Long đảo đến Tây Kỳ trợ chiến với Trương Quế Phương, bởi thất trận nên đến đây nghỉ mệt.
Ðạo đồng nghe nói mừng rỡ, đáp:
– Thế thì tôi khỏi phải nhọc công tìm kiếm.
Lý Hưng Bá hỏi:
– Ngươi tìm ai?
Ðạo đồng nói:
– Tôi là Mộc Tra, học trò Phổ Hiền chân nhân ở núi Cửu Cung, động Bạch Hạc. Nay tôi vâng lệnh thày tôi xuống Tây Kỳ ra mắt sư thúc tôi là Tử Nha để giúp nhà Châu. Thầy tôi có dặn đi dọc đường nếu gặp Lý Hưng Bá thì bắt đem nạp cho Tử Nha. Bây giờ mới rõ lời thầy tôi rất đúng.
Lý Hưng Bá vừa cười vừa nói:
– Thằng nhỏ điên khùng! Mấy khi dễ ta đến mức đó sao?
Nói roi cầm gươm chém liền.
Mộc Tra có hai cây gươm phép gọi là cặp gươm Ngô Câu, gồm có một cây trống, một cây mái. Thấy Lý Hưng Bá làm dữ, Mộc Tra liền rút cây gươm mái ra đỡ và chém lại.
Hai người đánh nhau được ít hiệp, Mộc Tra uốn mình ném cây gươm trống lên.
Số Lý Hưng Bá sau nầy làm Tứ thánh, không tránh khỏi bảng phong thần, nên thờ ơ bị gươm phép chém một nhát bay đầu.
Than ôi!
Ngàn năm tu luyện miền Tây hải
Một phút rơi đầu tại Cửu Cung.
Mộc Tra chém Lý Hưng Bá xong, đem chôn xác nơi mé núi, rồi độn thổ tìm đến Tây Kỳ, vào yết kiến Khương Tử Nha.
Quân trong thành thấy một đạo đồng còn nhỏ tuổi vào xin ra mắt, vội đến báo với Tử Nha.
Tử nha truyền mời vào.
Mộc Tra vào làm lễ gọi Tử Nha bằng sư thúc.
Tử Nha hỏi:
– Ðạo đồng ở tại núi nào?
Mộc Tra chưa kịp đáp thì Kim Tra trông thấy đã ứng tiếng nói:
– Người nầy là em ruột của tôi học trò của ông Phổ Hiền ở núi Cửu Cung động Bạch Hạc, tên Mộc Tra đó.
Tử Nha khen:
– Ba anh em đồng ra phò chúa Thánh, lập công để tiếng muôn đời.
Nói rồi bèn dọn tiệc đãi đằng.
Từ ấy Tây Kỳ rất đông binh đông tướng, mạnh mẽ vô cùng.
Nói về Thái Sư Văn Trọng ở tại Triều Ca đang lo việc chánh. Chỉnh đốn bởi những tàn bạo của Trụ Vương, xảy thấy quan Toan trấn ải Tụy Thủy là Hàng Vinh sai người về dâng sớ.
Văn Thái Sư xem sớ xong tức giận vỗ ghế, hét:
– Các vị đạo huynh ta vì ta mà thác oan thật tội nghiệp. Ta mải lo việc nước, không rảnh để đem quân chinh phạt Tây Kỳ, bao nhiêu binh tướng đến đó đều thảm bại là tại làm sao?
Liền truyền nổi trống đền triệu tập các tướng lại thương nghị.
Chư tướng nghe hiệu trống ứng hầu đủ mặt.
Văn Trọng nói:
– Vừa rồi ta có nhờ bốn vị đạo huynh ở Cửu Long đảo sang Tây Kỳ giúp Trương Quế Phương dẹp loạn nhưng chẳng biết tình thế ra sao mà ba vị đạo huynh đã bỏ mình, Phong Lâm là tướng tiên phuông cũng tan xác, chỉ còn lại Lý Hưng Bá và Trương Quế Phương. Vậy nay có tướng nào thay mặt ta kéo binh đến đó rửa hờn chăng?
Lão tướng Lỗ Hùng bước ra thưa:
– Tôi tuy tuổi cao tác lớn, song cũng vì triều đình, xin gánh trách nhiệm ấy cho.
Văn Thái Sư thấy Lỗ Hùng đầu đã bạc trắng, râu đã hoa râm liền nói:
– Lão tướng sức yếu tuổi già sợ không đủ sức chống với giặc dữ.
Lỗ Hùng cười, nói:
– Trương Quế Phương tuy có sức mạnh, ỷ phép thần thông, thực ra chưa biết cầm binh, chưa đủ tài làm tướng, còn Phong Lâm hữu dõng vô mưu, nên phải bỏ mình nơi chiến địa.
Văn Trọng hỏi:
– Ý lão tướng phải thế nào mới thắng giặc?
Lỗ Hùng nói:
– Theo tôi thì đạo làm tướng trước phải xét thời trời, chiếm thế đất và dụng nhân hòa, trong hiểu nghề văn ngoài hiểu việc võ, hễ tịnh thì thủ, hễ động thì công, đổi mất ra còn, biến suy ra mạnh, tính xa ngàn dặm, chiếm may nửa giờ. Việc nào cũng phải cẩn trọng, phải rõ cái lý tự nhiên, phải biết kinh quyền mới già mưu trí, ấy là đạo làm tướng, cầm binh. Tôi tuy tuổi già chớ mưu trí chưa lẩm cẩm, nếu Thái Sư cho tôi hai vị Tham quân theo giúp đỡ, thì có thể đương đầu với mũi giặc Tây Kỳ được.
Văn Thái Sư thấy Lỗ Hùng nói thông lắm, nên chẳng dám chê già xét lại cũng là người trung nghĩa, nên đồng ý cho đi.
Tuy nhiên việc chọn hai người tài trí, phong chức Tham quân là việc khó.
Thái Sư nghĩ một hồi nhớ đến Bí Trọng, Vưu Hồn, liền cho người đòi đến.
Từ khi Văn Thá Sư về triều, Vưu Hồn, Bí Trọng không dám xu nịnh, khiến Trụ vương làm điều bạo ngược nữa, cả hai đều đóng cửa dinh kín mít, ngày tối không hề ló ra ngoài, nay được lệnh Văn Thái Sư đòi.
Bí Trọng, Vưu Hồn đều tái mặt.
Khi hai người này đến lạy dưới trướng, Văn Thái Sư nói:
– Nay Trương Quế Phương thất trận. Phong Lâm bỏ mình, Lỗ Hùng xin cầm binh đến trợ chiến, ta cần tới tướng giữ chức Tham quân. Ta xem chỉ có hai ngươi mới xứng với chức ấy. Vậy phải đồng tâm hiệp lực ra dẹp Tây Kỳ, nếu thắng trận về trào sẽ được gia phong tước lộc
Vưu Hồn, Bí Trọng nghe nói thất kinh, quỳ lạy thưa:
– Chúng tôi chỉ biết về văn, chưa từng nghiệp võ, e làm không xong việc mang tội với triều đình.
Văn Thái Sư nói:
– Hai ngươi có tài quyền biến, rộng trí nhiều mưu, làm chức Tham quân là lo bày mưu kế, còn việc võ thì đã có Lỗ Hùng. Nay nước nhà bối rối. Không lẽ hai ngươi cứ ngồi hưởng thái bình sao?
Nói rồi gọi tả hữu đem hai cái ấn ra. Bí Trọng, Vưu Hồn từ chối không được, đành phải lãnh án đeo vào người, cùng với Lỗ Hùng sắp đặt việc Tây chinh.
Văn Thái Sư mời Lỗ Hùng đến dinh đãi rượu.
Ba người dẫn năm vạn binh nhắm Tây Kỳ thẳng tiến.
Người sau có thơ rằng:
Lỗ Hùng lão tướng thật trung can
Bí Trọng, Vưu Hồn rối ruột gan
Mùa hạ kéo binh hơi nóng nực
Quan văn cỡi ngựa dạ kinh hoàng.
Bày mưu với chúa nên ly loạn
Trả nợ cho dân dám thở than?
Tế bảng Phong thần còn thiếu lễ
Tử Nha mưu tính bắt quân gian.
Lỗ Hùng cùng với Vưu Hồn, Bí Trọng vừa kéo binh ra khỏi ngũ quan, đã nghe quân thám thính về báo Trương Tổng binh thất cơ tử trận, bị Khương Tử Nha cắt thủ cấp bêu tại Ðông môn.
Lỗ Hùng nghe báo thất sắc, nói với Vưu Hồn, Bí Trọng:
– Trương Quế Phương đã tử trận, binh ta chẳng nên kéo tới gần.
Liền quay lại hỏi quân thám tử:
– Ðây là núi gì?
Quân thám tử thưa:
– Ðây là núi Tây Kỳ cách thành hơn bảy mươi dặm.
Lỗ Hùng truyền quân đóng trại bên rừng rậm, rồi sai người đem thơ trở về dâng cho Văn Thái Sư rõ.
Quân thám thính ở Tây Kỳ biết được Lỗ Hùng kéo binh đến, vội về thám báo với Tử Nha:
– Tại núi Tây Kỳ có binh Thương đến đóng trại
Tử Nha nghe báo nghĩ thầm:
– Nay thần Thanh Phước là Bá Dẫm làm đài phong thần đã xong, ta phải lo lễ phật mà tế đài. Vậy thì mượn vài cái thủ cấp của tướng Trụ mà dâng lễ.
Nghĩ rồi truyền Nam Cung Hoát và Võ Kiết đem năm ngàn quân đóng tại Kỳ Sơn để ngăn cản quân Lỗ Hùng.
Hai tướng vâng lệnh phát pháo dẫn binh mã ra khai thành kéo đến Kỳ Sơn đồn binh đóng trại.
Lúc nầy vào mùa hè trời nóng như đốt, Võ Kiết nói với Nam Cung Hoát.
– Chúng ta nên tìm nơi mát để mà đóng quân, lợi dụng chỗ có bóng cây cho đỡ nắng thì quân sĩ mới giữ gìn được sức khõe.
Nam Cung Hoát y lời đóng binh cách xa chân núi vài dặm.
Chẳng ngờ ngày hôm sau, Tử Nha lại sai Tân Giáp đến dinh nói với Nam Cung Hoát và Võ Kiết:
– Thừa Tướng dạy phải đóng quân trên đỉnh núi.
Nam Cung Hoát và Võ Kiết lấy làm lạ, sửng sốt nhìn nhau than:
– Trời mùa hạ nóng như đốt mà đồn binh lên núi, chắc là Thừa Tướng muốn cho ta mau chết.
Tân Giáp nói:
– Lệnh Thừa Tướng truyền như vậy chúng ta dám cãi lời sao?
Hai tướng phải vâng lời kéo binh lên núi. Quân lính bị nắng hè thiêu đốt, ai nấy thở dốc.
Ðến khi đóng trại xong, tìm khắp bốn phía các suối đều khô cạn, không tìm đâu ra một gánh nước để nấu cơm.
Quân sĩ đều than oán.
Còn Lỗ Hùng đồn binh dưới mé rừng cây cối rậm rạp mát mê vô cùng, trông thấy binh Châu đóng trại trên núi thì cười lớn:
– Mùa nầy mà đóng trại trên đỉnh núi thì chỉ trong ba ngày không ai đánh cũng phải chết khô.
Lỗ Hùng an lòng đợi quân triều đến tiếp viện rồi sẽ giao phong.
Hôm sau Tử Nha dẫn ba ngàn quân đến nơi Kỳ Sơn, Nam Cung Hoát và Võ Kiết đồng xuống núi nghinh tiếp.
Tử Nha dẫn binh lên núi sát nhập thành một đoàn, kéo vải làm trại cho mát, rồi sai Võ Kiết đắp đài đất cao ba thước sau trại, để Tử Nha lên đài ấy làm phép hô phong, hoán vũ.
Võ Kiết tuân lệnh.
Lại thấy Tân Miễn chở nón lá và áo ấm đến cho Tử Nha.
Tử Nha truyền đem đến phát cho binh tướng.
Ba quân xem thấy sững sờ mỗi người lãnh một cái nón và một cái áo ấm cười ngất, nói nhỏ với nhau:
– Mùa nầy mà Thừa Tướng bắt đội nón mặc áo ấm như thế này, chắc muốn quay xác chúng ta cho ra mỡ.
Tối hôm ấy, đài đắp xong, Võ Kiết vào báo với Tử Nha.
Tử Nha xõa tóc cầm gươm lên đài, trở mặt về phía núi Côn Lôn lạy tám lạy, rồi đốt bùa phun nước niệm chú một hồi. Trời đang nắng chang chang bỗng nổi lên gió lớn.
Có thơ rằng:
Tử Nha cầm kiếm đến đài cao
Gọi gió kêu mưa giỏi bực nào
Xõa tóc đốt bùa rồi niệm chú
Một giây giông tố nổi ào ào.
Bên kia Lỗ Hùng thấy nổi cơn gió lớn, quân sĩ mát mẻ nghĩ thầm:
– Nếu Văn Thái Sư đem binh ra nhằm lúc mát mẻ này thì dễ đánh lắm.
Vưu Hồn, Bí Trọng cũng nói:
– Bởi Thiên tử hồng phước cao dày, nên có gió mát trợ lực.
Chẳng ngờ giông gió nổi lên một hồi, mưa rơi tới tấp, chỉ cách một hai giờ, tuyết sa lộp độp.
Binh sĩ của Lỗ Hùng bị rét lạnh, than:
– Chúng ta áo thưa giáp sắt, chịu đựng sao nổi cảnh lạnh lùng.
Lỗ Hùng nói với Vưu Hồn, Bí Trọng:
– Ðầu tháng bảy mà mưa tuyết thình lình, thật là lạ lắm?
Lỗ Hùng lớn tuổi chịu lạnh không nổi. Còn còn hai ông tham mưu cũng run cầm cập. Quân mã ai nấy dồn lại từng đống.
Quân của Tử Nha đóng trên núi được cấp phát nón và áo ấm, không còn ai than van nữa, lại tỏ ý cảm ơn Thừa Tướng.
Tuyết rơi được hai ngày Tử Nha hỏi Võ Kiết:
– Nước cao được mấy thước?
Võ Kiết thưa:
– Ở trên núi tuyết đông chừng hai thước, còn ở chân núi thì gió đùa tuyết xuống nên cao quá năm thước.
Tử Nha liền xõa tóc cầm gươm lên đài làm phép nữa. Chốc lát mây tan gió tạnh, mặt trời nắng chang chang như lửa. Tuyết tiêu ra nước chảy xuống chân núi ồ ồ.
Tử Nha đợi cho tuyết trên núi tan chảy xuống hết thì đốt bùa niệm chú, nổi gió kéo mây, cảnh mưa rơi tuyết đổ mù mịt như cũ, bao nhiêu nước tuyết đông lại thành giá dưởi chân núi Tây Kỳ.
Bấy giờ nơi dinh Lỗ Hùng không còn một bóng ngựa, không nghe một tiếng người, cờ xí ngã rạp, dinh trại chìm trong bể tuyết.
Tử Nha sai Nam Cung Hoát và Võ Kiết dẫn vài chục tên quân đến dinh Lỗ Hùng mà bắt tướng.
Hai người vâng lịnh dẫn binh xuống núi, đi đến dinh Thương, thấy quân địch chết lạnh rất nhiều.
Lỗ Hùng nằm cù queo một đống với Vưu Hồn, Bí Trọng, tuyết đóng xung quanh như ướp xác.
Nam Cung Hoát truyền quân moi tuyết bắt sống ba người đem lên núi mà nạp cho Tử Nha.