Phong thần diễn nghĩa (Hứa Trọng Lâm) - Hồi 74: Khói Trắng, Hơi Vàng, hai phép đồng nhau
- Trang chủ
- Phong thần diễn nghĩa (Hứa Trọng Lâm)
- Hồi 74: Khói Trắng, Hơi Vàng, hai phép đồng nhau
Anh em Hoàng Thiên Lộc vây phủ, Trần Kỳ chống cự không lại bị thương nơi đùi, thất kinh giục thú bỏ chạy.
Hoàng Thiên Lộc đuổi theo, Trần Kỳ thấy vậy liền hà hơi vàng trong miệng ra.
Hoàng Thiên Lộc hôn mê té xuống ngựa bị quân phi báo bắt trói.
Hoàng Thiên Tước Hoàng Thiên Tường đuổi theo, nhưng không kịp, Trần Kỳ đã giải Hoàng Thiên Lộc vào thành nạp cho Khưu Dẫn.
Khưu Dẫn truyền giam lại sau dinh.
Hoàng Phi Hổ nghe tin Hoàng Thiên Lộc bị bắt, lòng đau như cắt, vội sai người đến trước thành thám thính tin tức, biết Khưu Dẫn chưa chém con mình, Hoàng Phi Hổ mới tạm an tâm.
Bấy giờ Khưu Dẫn vẫn còn đau, chưa ra trận được.
Sáng hôm sau Trần Kỳ vẫn điều khiển đoàn quân phi báo kéo ra khỏi thành khiêu chiến.
Lần này Trần Kỳ không đội mão, để đầu trần, quyết bắt cho được Hoàng Thiên Tường mà trả thù.
Quân vào báo với Hoàng Phi Hổ.
Hoàng Thiên Tường tình nguyện ra trận.
Hoàng Phi Hổ cản không được, phải nhận lời.
Hoàng Thiên Tường cỡi ngựa ra ngoài hét lớn:
– Trần Kỳ nay ta quyết bắt ngươi về lập công.
Nói rồi vung đao hỗn chiến. Hai tướng đánh nhau một lúc, Hoàng Thiên Tường sợ Trần Kỳ hà hơi vàng, liền ra miếng đâm Trần Kỳ một gươm trúng nhằm bắp vế trái.
Trần Kỳ bại tẩu vào thành.
Khưu Dẫn nghe báo tức giận, quyết ra trận bắt Hoàng Thiên Tường liền cỡi thú chạy ra nạt lớn:
– Hoàng Thiên Tường ngươi chớ ỷ tài.
Hoàng Thiên Tường nói:
– Ta quyết chuyến này chém đầu ngươi cho biết.
Nói rồi đâm tới một đao. Hai tướng hỗn chiến. Cây giáo Hoàng Thiên Tường đánh như giông bão.
Khưu Dẫn đỡ không kịp liền quày ngựa chạy dài.
Hoàng Thiên Tường đuổi theo, bỗng trên đầu Khưu Dẫn chiếu một đạo hào quang, trong đạo hào quang bay ra một trái châu bằng cái bát, Khưu Dẫn kêu lớn:
– Hoàng Thiên Tường, coi bửu bối của ta đây.
Hoàng Thiên Tường thấy trái châu thì mê sảng té xuống ngựa, bị quân bắt trói khiêng về ải Thanh Long.
Khi tỉnh lại, mở mắt thấy mình bị trói, lại thấy Khưu Dẫn đứng trước mặt, giận quá hét:
– Khưu Dẫn, ngươi dùng tà thuật gì mà bắt ta? Thật là quân hèn hạ. Dẫu ta có chết đi quyết hiện hồn về đây báo cừu. Nếy ta không báo cừu được thì một ngày kia Khương Nguyên soái hay được ta e thịt xương ngươi không còn gì cả.
Khưu Dẫn nổi giận mắng:
– Súc sanh! Ngươi đánh đâm chém ta nhiều phen suýt bỏ mạng như thế không đủsao? Hôm nay bị bắt không năn nỉ đặng toàn thây thì thôi còn lớn tiếng hạ nhục ta nữa.
Hoàng Thiên Tường vẫn không nhịn:
– Ta tức vì đâm ngươi một giáo chưa lòi phèo, bắn ngươi một mũi chưa thấu tim, đánh ngươi một giản chưa bể sọ. Nay bắt ta thì cứ giết đừng nói nhiều lời vô ích.
Khưu Dẫn không còn dằn nổi nữa truyền quân đem Hoàng Thiên Tường ra chặt bêu đầu ngoài cửa thành quăng thây cho quạ ăn.
Quân thám thính thấy thủ cấp của Hoàng Thiên Tường bêu ngoài thành vội chạy về báo với Hoàng Phi Hổ:
– Tứ công tử bị Khưu Dẫn bêu đầu ngoài thành và phơi xác trước cửa.
Hoàng Phi Hổ nghe tin thất kinh hét lên một tiếng rồi ngã ngửa ngất lịm.
Các tướng lật đật đỡ dậy phút chốc Hoàng Phi Hổ tỉnh dậy khóc lớn:
– Ta chỉ có bốn đứa con võ nghệ song toàn, đồng ra phò Võ Vương. Nhưng chưa hội được chư hầu thì đã bỏ mạng hết hai còn một đứa bị giam chẳng biết chết sống lẽ nào. Ôi! Thật là cảnh đau lòng.
Hoàng Phi Hổ buồn con chết ngâm bốn câu thơ rằng:
Vì nước liều thân đến chiến trường,
Oai hùm giết tướng mấy ai đương
Chư hầu chưa hội, nguyền chưa phỉ,
Tả đạo bêu đầu xiết nỗi thương.
Than thở một hồi, Hoàng Phi Hổ liền viết thơ đến Tử Nha viện binh.
Bấy giờ Khương Thượng đang ngồi trong dinh xảy nghe quân vào báo có quân Hoàng Phi Hổ đến dâng thơ.
Tử Nha truyền cho vào lấy thơ đọc thất kinh nói với chư tướng:
– Ðặng Cửu Công và Hoàng Thiên Tường đều là dũng tướng lại tử trận.
Ðặng Thiền Ngọc khóc òa, nói với Tử Nha:
– Xin Nguyên soái cho tôi đi báo thù.
Tử Nha nhận lời, lại khiến Na Tra đi trợ chiến với Võ Thành Vương nữa.
Na Tra đi xe đến trước, còn Ðặng Thiền Ngọc đi ngựa nên đến sau.
Hoàng Phi Hổ nghe tin Na Tra đến, liền ra nghinh tiếp và nói:
– Tôi vâng lệnh lãnh binh ra ải, giết tướng địch cũng nhiều, chẳng ngờ bọn chúng dùng tà đạo hại Ðặng Cửu Công và con tôi, tôi chưa biết cách gì đối phó. Nay có Tiên phong đến đây trợ chiến thì mau mắn biết chừng nào.
Na Tra an ủi:
– Tiểu tướng quên mình vì nước bỏ mình, ngàn năm lưu tên, xin tướng quân chớ ưu phiền.
Hôm sau Na Tra đến nơi thành khiêu chiến thấy có bêu thây Hoàng Thiên Tường trên thành, nổi giận hét lớn:
– Ta bắt được Khưu Dẫn cũng trị tội như thế. Hãy biểu nó ra đây chịu chết.
Quân vào báo lại, Khưu Dẫn vội kéo quân ra hỏi lớn:
– Tướng kia phải Na Tra không?
Na Tra đáp:
– Thất phu đã biết tên ta sao còn phách lối. Hoàng Thiên Tường với ngươi ai vì chúa ấy, bất quá thì bêu đầu, có tội gì mà bêu thây như vậy?
Nói rồi lướt tới đâm Khưu Dẫn một giáo.
Khưu Dẫn cầm cự được ba chục hiệp nhắm bề chống trả không lại bèn trá bại bỏ chạy.
Na Tra đuổi theo, Khưu Dẫn vận bạch quang trên đầu hiện ra một trái châu như trước, rồi kêu Na Tra nói:
– Hãy coi phép báu ta kìa.
Na Tra trông thấy cười lớn:
– Nó là trái châu lạ lùng gì mà phải nói.
Khưu Dẫn thấy vậy kinh hãi nghĩ thầm:
– Ta tu luyện lâu năm mới được trái châu này, tướng nào trông thấy cũng mê sảng, sao nay Na Tra nhìn hoài không té.
Nghĩ rồi quay ngựa lại đánh Na Tra, bị Na Tra liệng Càn Khôn Quyện lên nhằm trúng vai, Khưu Dẫn đứt gân gãy xương, nằm ẹp trên lưng ngựa chạt về ải, truyền quân sĩ bế cửa thành.
Còn Na Tra thắng trận trở về dinh thuật chuyện với Hoàng Phi Hổ.
Bấy giờ nói về Thổ Hành Tôn, vận lương về ải Tỵ Thủy nạp cho Tử Nha. Xem xét xong xuôi, Thổ Hành Tôn ra sau dinh không thấy Ðặng Thiền Ngọc liền hỏi thăm Võ Kiết.
Võ Kiết Nói:
– Hoàng Phi Hổ vừa gởi thư viện binh, trong thư báo tin nhạc phụ của tướng quân bị tử trận nên Ðặng tiểu thư đi báo cừu.
Thổ Hành Tôn nghe nói buồn rầu, vội vàng xin đi vận lương để có dịp ghé sang ải Thanh Long thăm vợ và báo cừu cha.
Vì vậy trong lúc Hoàng Phi Hổ và Na Tra đang bàn luận việc binh có tin Thổ Hành Tôn xin vào ra mắt.
Hoàng Phi Hổ mời vào, thuật chuyện với Thổ Hành Tôn.
Thổ Hành Tôn nói:
– Ðể đêm nay tôi lén vào thành trộm thây của Hoàng Thiên Tường đem về tẩm liệm, rồi sáng mai tôi sẽ bắt Khưu Dẫn báo cừu.
Nói rồi ra sau dinh thăm Ðặng Thiền Ngọc.
Ðêm ấy vào lối canh hai, Thổ Hành Tôn dùng phép địa hành vào ải Thanh Long, tìm đến chỗ cầm tù hai tướng, thấy Thái Loan và Hoàng Thiên Lộc ở chung một chỗ, Thổ Hành Tôn liền chun lên, nói nhỏ với Hoàng Thiên Lộc:
– Có ta đến đây, tướng quân đừng buồn bực. Chẳng bao lâu sẽ lấy được ải này, và cứu hai vị tướng quân ra khỏi.
Hoàng Thiên Lộc biết tiếng Thổ Hành Tôn, mừng rỡ dặn nhỏ:
– Phải tính cho mau mới tiện.
Thổ Hành Tôn nói:
– Ta biết không cần dặn làm gì.
Nói rồi lén lên thành cắt dây, kéo thây Hoàng Thiên Tường đưa ra ngoài cửa ải.
Khi ấy Hoàng Phi Hổ đã sai Châu Kỷ đứng ngoài chờ, nên đem thây Hoàng Thiên Tường về trại.
Hoàng Phi Hổ xem thấy đau lòng khóc lớn:
– Tuổi xanh vì nước bỏ mình thật tội nghiệp.
Nói rồi liệm vào quan tài, Hoàng Phi Hổ lại nghĩ:
– Bây giờ ta còn có một đứa con là Hoàng Thiên Tước, thôi để ta sai nó đem linh cửu về Tây Kỳ, một là có người chăm sóc cha mình, hai nữa là khỏi tuyệt tự.
Tính rồi thực hiện theo kế ấy. Hoàng Thiên Tước tuân lệnh phò linh cửu về Tây Kỳ lập tức.
Khưu Dẫn từ khi bị Na Tra đánh một đòn, bế thành dưỡng bệnh không ra.
Ngày kia nghe quân báo:
– Không biết ai trộm thây Hoàng Thiên Tường trên mặt thành mà dấu dây bị cắt còn rõ ràng.
Khưu Dẫn nghe nói càng thêm buồn, Trần Kỳ nổi giận thưa:
– Ðể tôi bắt tướng Châu trả thù cho chủ tướng.
Nói rồi kéo binh ra khiêu chiến.
Quân vào báo với Hoàng Phi Hổ, Thổ Hành Tôn tình nguyện xin đi.
Ðặng Thiền Ngọc cũng quyết theo lược trận để báo cừu cho cha.
Thổ Hành Tôn liền ra trước dinh, trông thấy Trần Kỳ đã mắng lớn:
– Thất phu ngươi dùng tà thuật gì mà giết nhạc phụ của ta. Thù này quyết chẳng đội trời chung.
Trần Kỳ cười ngất nói:
– Thằng lùn vô dụng! Ngươi ra đây làm chi cho chướng mắt? Hãy để nữ tướng kia đến đây đánh với ta thì hơn.
Thổ Hành Tôn giận đỏ mặt lướt tới đập một gậy.
Trần Kỳ đưa Ðoản ma xử ra đỡ.
Hai bên đánh nhau vài mươi hiệp, Trần Kỳ thấy đánh với tướng lùn khó khăn lắm, nên ra hiệu cho đoàn phi báo áp tới, rồi hà hơi vàng trong miệng, làm cho Thổ Hành Tôn mê man bất tỉnh ngã lăn xuống đất, bị binh phi báo bắt trói.
Ðặng Thiền Ngọc nóng lòng, vội liệng vào mặt Trần Kỳ một cục đá.
Trần Kỳ bất ngờ bị xẹp mũi và gãy hai răng cửa thất kinh ôm đầu chạy thẳng.
Ðặng Thiền Ngọc đuổi theo quăng bồi thêm một cục đá nữa trúng nhằm lưng, Trần Kỳ nằm ẹp xuống, ôm cổ ngựa chạy về thành.
Quân phi báo đem Thổ Hành Tôn vào nạp cho Khưu Dẫn.
Thổ Hành Tôn mở mắt ra như ngủ mê mới tỉnh, xem lại thấy mình bị trói, nhìn qua một bên thấy Trần Kỳ gãy răng sưng mũi, thì biết vợ mình đã liệng đá nên cười ngất nói:
– Bộ mặt của ngươi cũng làm ta giải buồn được.
Trần Kỳ thưa với chủ tướng:
– Trận này may mà rủi.
Khưu Dẫn thấy Trần Kỳ sưng mặt gãy răng, đứt đai sổ giáp, liền hỏi:
– Vì cớ nào vậy?
Trần Kỳ nói:
– Tôi đang lo bắt thằng lùn này bất ngờ bị nữ tướng quăng hai cục đá.
Khưu Dẫn nói:
– Té ra nó đem thằng lùn này làm con mồi để liệng đá. Tướng quân lầm kế nó rồi. Vậy thì bắt thằng lùn này đem chém cho hả giận.
Trần Kỳ nói:
– Thằng lùn vô dụng chém cũng chẳng ích chi.
Khưu Dẫn nói:
– Nó là con mồi. Giết con mồi nó đi để lần sau nó không lừa người khác.
Tả đao vâng lệnh dẫn Thổ Hành Tôn ra trước cửa xử trảm, nhưng vừa giơ gươm lên thì Thổ Hành Tôn đã lủi xuống đất đi mất.
Bọn tả đao thấy Thổ Hành Tôn đột nhiên biến mất thì rụng rời tay chân, vội trở vào thưa lại.
Khưu Dẫn nghe nói sửng sốt than:
– Bên Tây Kỳ có nhiều tướng lạ lùng hèn chi không đạo binh nào trị lại. Chắc tướng này vào trộm thây Hoàng Thiên Tường.
Nói rồi liền khiến cho quân sĩ canh phòng cẩn mật.
Còn Thổ Hành Tôn trở về dinh báo lại các việc với Hoàng Phi Hổ và trù tính lấy ải Thanh Long.
Sáng hôm sau có quân vào báo.
– Trịnh Luân đến xin ra mắt.
Hoàng Phi Hổ truyền lịnh mời vào.
Trịnh Luân bước đến trướng phủ nói:
– Tôi vâng lệnh Nguyên soái đi giải lương cho tướng quân, và nếu cần cũng xin trợ chiến.
Hoàng Phi Hổ nói:
– Trong lúc này tôi đang cần người tài. Tướng quân đến đây rất may mắn.
Trịnh Luân thấy Thổ Hành Tôn đứng trước trướng lấy làm lạ hỏi:
– Tướng quân không có lệnh vận lương ở đây sao cũng có mặt.
Thổ Hành Tôn đáp:
– Vì Trần Kỳ có phép lạ, giết nhạc phụ tôi, nên tôi phải lén đến đây trả thù rồi sẽ vận lương.
Trịnh Luân hỏi:
– Thế thì tướng quân đã giết được Trần Kỳ chưa?
Thổ Hành Tôn nói:
– Tôi vừa bị nó bắt, đem ra pháp trường xử trảm nên vuột chạy về đây.
Trịnh Luân hỏi:
– Trần Kỳ có phép gì lạ?
Thổ Hành Tôn nói:
– Phép nó cũng như phép của tướng quân vậy chỉ khác là tướng quân thì hơi trắng ra lỗ mũi còn Trần Kỳ thì hà hơi vàng ra miệng. Ai bị hơi độc ấy cũng phải mê man bất tỉnh nhào khỏi ngựa.
Trịnh Luân nói:
– Theo tôi biết thì phép nhiếp hồn trên thế gian chỉ có mình tôi có mà thôi. Sao hôm nay cũng có người truyền phép ấy? Ðể hôm sau tôi ra binh đánh với nó xem sao?
Bấy giờ Trần Kỳ uống thuốc đã mạnh, tuy bị gãy răng nhưng sống mũi đã hết sưng, liền dẫn binh ra thành khiêu chiến.
Trịnh Luân xin ra trận, Hoàng Phi Hổ nói:
– Việc vận lương rất trọng, nếu tướng quân ra trận rủi ro bề nào e bị Nguyên soái quở trách chăng?
Trịnh Luân nói:
– Ðánh giặc vận lương đều là công việc triều đình cả, có can chi mà sợ.
Hoàng Phi Hổ ngăn trở không được để cho Trịnh Luân ra trận.
Trịnh Luân cầm gián ma xử, cỡi thú ra dinh dẫn theo ba ngàn binh ô nha, tất cả đều mặc đồ đen.
Còn Trần kỳ cũng cỡi thú cầm Ðoản ma xử, dẫn ba ngàn binh phi báo mặc toàn đồ vàng.
Trịnh Luân trông thấy làm lạ kêu lớn:
– Tướng nào khiêu chiến đó?
Trần Kỳ đáp:
– Ta là quan đốc lương Trần Kỳ. Còn ngươi tên họ là chi?
Trịnh Luân đáp:
– Ta cũng là quan vận lương Trịnh Luân, nghe đồn ngươi có phép nhiếp hồn, nên ta đánh chơi cho biết sức.
Nói rồi giục thú đến, hai tướng hỗn chiến với nhau.
Hai con thú mắt đỏ tròng vàng xông qua nhảy lại. Hai tướng cùng giống nhau như một, lối đánh chẳng khác gì cả nên xem không rõ ai là ai.
Trịnh Luân vừa đánh vừa nghĩ thầm:
– Sức nó ngang với sức mình, đánh mãi chưa chắc đã thắng, chi bằng dùng phép trước là hay hơn.
Nói rồi ngoắt đoàn binh ô nha đem móc câu và dây tới.
Trần Kỳ xem thấy cũng ngoắt đoàn quân phi báo đem móc câu và dây lại.
Trịnh Luân gầm lên một tiếng, hai luồng khói trắng từ trong lỗ mũi bay ra, nghe như tiếng chuông ngân.
Còn Trần Kỳ hả miệng hà hơi vàng nghi ngút. Tức thì cùng một lúc cả hai tướng đều mê man bất tỉnh lăn xuống đất.
Binh ô nha sợ chúng bắt mất chủ mình liền khiêng Trịnh Luân về dinh.
Binh phi báo sợ Trần Kỳ bị hại, vội cũng về ải.
Té ra không ai bắt được ai chỉ là một trận đấu phép giống nhau.
Các tướng Châu vỗ tay cười ngất.
Trịnh Luân than:
– Không ngờ Trần Kỳ có phép giống như mình. Thôi để ngày mai dùng phép giao tranh một trận.
Còn Trần Kỳ về đến ải thuật lại mọi việc cho Khưu Dẫn nghe, Khưu Dẫn buồn bã vì chưa biết kế nào hay để thủ thành.
Rạng ngày Trịnh Luân dẫn quân ra khiêu chiến, Khưu Dẫn sai Trần Kỳ ra nghinh địch.
Trần Kỳ ra trước trận nói lớn:
– Trịnh Luân! Nay ta giao ước với ngươi, hai bên không dùng phép, chỉ đấu sức mà thôi.
Trịnh Luân đáp:
– Ta há sợ ngươi sao.
Hai tướng đánh trọn một ngày, sức vẫn cầm đồng. Ðến tối ai về dinh nấy.
Na Tra bàn với Hoàng Phi Hổ:
– Sẳn có Thổ Hành Tôn ở đây, đêm nay chúng ta làm kế cướp thành, cùng cách trong ứng ngoài hiệp chắc là được việc.
Hoàng Phi Hổ y lời, sắp đặt binh tướng đâu đó chỉnh tề, đợi đúng canh ba khởi sự.
Ðêm ấy Khưu Dẫn viết biểu về triều ca cầu cứu. Trong thành không có chút gì đề phòng.
Vào canh hai, Thổ Hành Tôn dùng phép địa hành vào ải Thanh Long. Lén tới chỗ giam hai tướng đứng chờ, đợi lúc nào Na Tra phá cửa thành sẽ thả hai tướng ra làm nội công.
Tiếng trống canh ba vừa điểm, Na Tra đến trước cổng thành quăng cục Kim Chuyên lên, bửu bối va vào cửa thành đánh bể. Quân canh thất kinh bỏ chạy, Na Tra giục xe lướt vào, binh kéo theo sau, tiếng trống ầm ầm đèn đuốc sáng trưng. Các tướng Châu đồng áp tới một lượt. Binh Thương biết Hoàng Phi Hổ đã cướp thành, vỡ chạy như ong, ai lo thân nấy.
Bên trong Thổ Hành Tôn mở xiềng cho Hoàng Thiên Lộc và Thái Loan, ba tướng từ trong đánh ra, nội công ngoại kích thế mạnh như cọp.
Bấy giờ Khưu Dẫn còn thức, cầm thương lên ngựa ra ngoài, thấy Hoàng Phi Hổ mặc áo đỏ giáp vàng và Na Tra đứng trên xe cầm thương phá ải, liền nổi giận hét lên một tiếng, xông vào hỗn chiến. Các tướng Châu áp vào vây Khưu Dẫn vào giữa.
Còn Trịnh Luân gặp Trần Kỳ, hai tướng hỗn chiến một hồi. Kế đó Hoàng Thiên Lộc, Thái Loan, Thổ Hành Tôn cũng áp tới.
Thổ Hành Tôn đánh trúng cẳng ngựa của Khưu Dẫn, con ngựa lồng lên, làm cho Khưu Dẫn rớt xuống đất bị Hoàng Phi Hổ chém một đao.
Khưu Dẫn độn thổ trốn mất.
Na Tra đứng sau trông thấy Trần Kỳ liền quăng Càn Khôn Quyện lên, đánh trúng Trần Kỳ sả chả vai, tiếp đó lại bị Hoàng Phi Hổ đâm một giáo vào sườn chết tươi.
Hoàng Phi Hổ xua quân đánh tới trời sáng thì lấy được ải Thanh Long.
Hoàng Phi Hổ liền chiêu an xem xét lương tiền xong xuôi rồi giao cho tướng thủ ải, còn mình cùng các tướng trở về ải Tỵ Thủy báo cho Tử Nha hay. Thổ Hành Tôn tiếp tục việc vận lương.
Nói về Tử Nha lúc này đang bàn luận việc binh với chư hầu, xảy nghe quân vào báo:
– Có Na Tra xin vào ra mắt.
Tử Nha cho mời vào. Na Tra vào thưa lại mọi việc, và nói:
– Tôi đi xe nên đến trước báo tin, còn Hoàng Phi Hổ cũng sắp tới nơi rồi.
Tử Nha mừng rỡ nói:
– Ta lấy hai ải trước thì thông đường vận lương, nếu không binh Thương ngăn trở tới lui không tiện. Hễ làm tướng phải thấy xa mới khỏi hại. Nay hai ải đã lấy rồi thì ngày mai ta bắt đầu lấy ải Tỵ Thủy quan không khó.
Chẳng bao lâu có quân vào báo:
– Hoàng Phi Hổ đã về đến trước dinh, xin vào ra mắt.
Khương Tử Nha mời vào, Hoàng Phi Hổ đến trước dinh làm lễ và thưa:
– Nhờ hồng phước của chúa công và Nguyên soái, tôi đã lấy được ải Thanh Long.
Tử Nha ghi công vào bộ rồi than:
– Tiếc thay Ðặng Cửu Công anh hùng, Hoàng Thiên Tường dũng cảm, thế mà không hưởng lộc nhà Châu.
Bèn truyền dọn yến tiệc đãi đằng các tướng rồi sai Tân Giáp đi hạ chiến thư.
Bấy giờ Hàng Vinh thấy binh Châu kéo đến đóng trại mà không khiêu chiến, sau nghe hai ải Giai Mộng và Thanh Long đều bị mất thì thất kinh than:
– Nay binh Châu đã thâu được hai ải kia rồi. Ải Tỵ Thủy ở giữa thất thế, ta chỉ nên thủ thành thôi, nếu dẫn quân ra đối địch khác nào như lấy trứng chọi đá.
Các tướng thấy Hàng Vinh than như vậy thì không bằng lòng thưa:
– Chúng tôi theo quan Tổng binh trấn giữ ải này lâu năm, ăn cơm vua, hưởng lộc nước, xin cho chúng tôi ra cự địch, chừng nào chúng tôi chết hết hãy hay.
Các tướng đang bàn luận xảy quân vào báo:
– Tử Nha sai tướng hạ chiến thư.
Hàng Vinh truyền cho vào, Tân Giáp dâng thư dưới trướng.
Hàng Vinh khai thư xem thấy như vậy:
“Nguyên soái Tây Châu là Khương Thượng, gởi thư này cho Tỵ Thủy Tổng binh rõ:
Ngôi vua hay đổi dời, ai có đức thì được, lòng người cũng phải tùy theo, và phải biết thời vận. Bởi Trụ vương vô đạo bất công, nên Võ Vương phải thân chinh phạt tội. Chư hầu đồng hội thiên hạ đều theo. Binh tướng Thương mấy phen đem binh chinh phạt Tây Kỳ đều bị hiểm nghèo tan rã. Nay binh Châu rần rộ kéo qua phạt tội thì thành Giai Mộng đã bị dẹp yên và dựng cờ hồng, ải Thanh Long cũng bị binh Châu lấy. Nay ải Tỵ Thủy là chốn địa đầu, hoặc đánh hoặc hàng phải nói cho minh bạch”.
Hàng Vinh đọc xong chiến thư liền phê vào mấy chữ:
“Ngày mai ra trận giao công”.
Tân Giáp lãnh thư về trình lại với Tử Nha, Tử Nha thấy Hàng Vinh bằng lòng giao đấu liền truyền các tướng chỉnh đốn binh mã đợi ngày giao công.
Hôm sau Tử Nha phát pháo ra trận, binh tướng đến trước thành khiêu chiến.
Hàng Vinh được tin cũng phát pháo ra thành dẫn binh tướng ra trận.
Hàng Vinh thấy Tử Nha cỡi con Tứ Bất Tướng oai phong lẫm liệt liền lướt tới hỏi:
– Cả thiên hạ đều là đất của nhà Thương nay vì cớ gì mà Nguyên soái cất binh phạt chúa? Tôi thật tình chê điều ấy.
Tử Nha nói:
– Tướng quân nghĩ sai rồi, hễ vua chánh thì trị thiên hạ, vua bất minh thì phải nhường ngôi cho kẻ khác kế. Xưa kia nhà Hạ, vua Kiệt vô đạo nên bị Thành Thang chiếm cả giang sơn. Nay Trụ vương bạo ngược hơn vua Kiệt, nên ta phải phạt Trụ cứu dân, các chư hầu đều thuận theo trời đất đầu Châu phạt Trụ tướng quân không thấy hay sao?
Hàng Vinh nổi giận mắng:
– Tử Nha, ta ngỡ ngươi thông thái nói điều trung hiếu, nào ngờ ngươi chỉ là một tướng cướp lý lẽ hồ đồ. Tài ngươi dám sánh Y Doãn hay sao mà kể vua Châu vào bậc Thành Thang.
Dứt lời quay qua các tướng nói:
– Có ai dám ra bắt nó cho ta không?
Nói dứt lời, tướng tiên phong là Vương Hổ múa siêu đao xông ra chém Tử Nha, Na Tra lướt tới cản lại.
Hai tướng đánh nhau được mấy hiệp Na Tra đâm Vương Hổ chết tươi.
Ngụy Bôn thấy Na Tra giết tướng cũng ngứa nghề lướt tới chém Hàng Vinh. Hàng Vinh đưa kích ra đưa kích ra đỡ hai tướng đánh nhau một hồi.
Hàng Vinh thấy mới ra trận mà Vương Hổ đã tử trận thế binh không lợi nên chịu thua giục ngựa bỏ chạy vào thành.
Tử Nha sợ có phục binh nên không dám đuổi theo thâu binh vào trại.
Hàng Vinh thấy binh thế của Tử Nha mạnh lắm, liền viết sớ về Triều Ca cầu cứu.
Giữa lúc đó có quân vào báo:
– Có Thất thủ tướng quân Dư Hóa mới về.
Hàng Vinh được tin mừng rỡ vô cùng truyền mời vào lập tức.
Dư Hóa bước vào làm lễ.
Hàng Vinh mời ngồi và nói:
– Từ mấy năm xưa tướng quân bại tẩu ta hằng mong ngóng chẳng an, không biết tướng quân đi đâu mà biệt tích.
Dư Hóa nói:
– Năm ấy tôi bại trận, tự xét mình phép thuật còn yếu, nên trở lại non bồng là chỗ thầy tôi ở, để tập luyện thêm. Nay tôi đã luện xong phép màu, và nghe Khương Thượng kéo quân xâm lấn biên cương nên trở về báo oán.
Hàng Vinh nói:
– Binh Châu khí thế mạnh lắm. Chúng vừa đoạt luôn hai ải Giai Mộng và Thanh Long, nay đem đại binh đánh Tỵ Thủy nữa.
Dư Hóa hỏi:
– Tổng binh đã ra trận lần nào chưa?
Hàng Vinh nói:
– Ta mới đánh trận đầu, tướng tiên phong Vương Hổ bị bỏ mạng, ta chưa biết làm sao với Tử Nha.
Dư Hóa nói:
– Tuy Khương Thượng đông binh đông tướng, nhưng tôi sẽ giết chúng không còn một mạng.
Hàng Vinh nghe nói mừng rỡ hối quân làm tiệc rượu vui vầy.
Hôm sau, Dư Hóa đến trước dinh Châu khiêu chiến.
Tử Nha nghe tin liền hỏi các tướng:
– Ai muốn ra trận?
Na Tra vội vã xin đi.
Vừa ra khỏi dinh thấy mặt Dư Hóa, Na Tra biết ngay, liền gọi lớn:
– Dư Hóa đừng khoe tài! Ngươi còn nhớ ta chăng?
Dư Hóa nói:
– Ngươi là Na Tra, người thù của ta năm xưa, làm sao ta không nhớ?
Nói rồi lướt tới đâm Na Tra một kích, Na Tra đưa giáo ra đỡ và rước đánh.
Cây giáo Na Tra lanh lẹ như thần, nên Dư Hóa đánh được ba mươi hiệp thấy bối rối, liền quăng huyết thần đao lên hào quang chiếu sáng lòa.
Nếu người phàm bị hào quang ấy thì mình mẩy tan ra máu tức thì.
Có bài thơ rằng:
Hóa huyết trừ người tục,
Thần đao luyện phép tiên
Hào quang bay rất lẹ,
Ðộc khí thấm không hiền,
Thấm giáp tiêu như rũ,
Nhằm mình nát tợ tương
Na Tra tuy chẳng chết,
Nhưng cũng đã gần nghiền.
Na Tra tránh không kịp, bị đao Hóa huyết chém nhằm mình, may nhờ bông sen hóa thân, nên Na Tra không bị tiêu ra huyết, liền la lên một tiếng, chạy về trước trại té nhào.
Quân vào báo, Tử Nha thất kinh truyền khiêng Na Tra vào trướng.
Thấy Na Tra nằm thiếp, Tử Nha biết bệnh nặng, truyền khiêng ra sau tịnh dưỡng.