Phong thần diễn nghĩa (Hứa Trọng Lâm) - Hồi 85: Hai vị chư hầu đầu Thánh Chúa
- Trang chủ
- Phong thần diễn nghĩa (Hứa Trọng Lâm)
- Hồi 85: Hai vị chư hầu đầu Thánh Chúa
Âu Dương Thuần bị vây, đánh đỡ không kịp, khôi giáp tơi tả, mồ hôi ướt đầm, biết tướng Châu ỷ đông ăn hiếp mình nếu đánh lâu mang hại liền giục ngựa nhảy vụt ra chạy riết về thành đóng cửa lại.
Còn binh Châu binh tướng rất đông mà để Âu Dương Thuần chạy vụt, đều ngơ ngác nhìn nhau bẽn lẽn.
Tử Nha thâu binh về trại thầm lo cho Lôi Chấn Tử không biết lành dữ thế nào.
Âu Dương Thuần chạy về thành, thấy Biện Kiết bị thương, liền cho về nhà dưỡng bệnh rồi viết sớ sai người đem về Triều Ca xin cứu viện.
Người dâng sớ đến Triều Ca nhằm lúc quan trung Ðại phu Ác Lai thâu sớ.
Ác Lai coi biểu xong, Vi Tử Khải bước vào, Ác Lai đưa cho Vi Tử Khải xem.
Vi Tử khải thất kinh than:
– Khương Thượng kéo binh đến ải Lâm Ðồng còn cách Triều Ca có mấy trăm dặm mà Thiên Tử vẫn ăn ngon ngủ yên là cớ làm sao.
Than rồi ôm sớ vào dâng cho vua Trụ.
Bấy giờ gặp lúc vua Trụ đang uống rượu với ba con yêu trên Lộc đài, nghe nội thị vào tâu, liền đòi Vi Tử khải đến hỏi:
– Hoàng huynh có việc gì dâng sớ?
Vi Tử Khải tâu:
– Khương Thượng phò Cơ Phát, đoạt hai ải bìa là Thanh Long và Giai Mộng tiếp đến lấy luôn bốn ải chính là Tỵ Thủy, Giới Bài, Xuyên Vân và Ðồng Quan. Nay đương đánh ải Lâm Ðồng giết binh chém tướng thế mạnh như hòn núi đè trứng gà, tợ con hùm ăn thịt thỏ. Âu Dương Thuần viết sớ về viện binh, xin bệ hạ lâm triều, xem xã tắc là trọng.
Tâu rồi dâng sớ, vua Trụ xem thấy kinh hãi nói:
– Không lẽ Khương Thượng mạnh mẽ như vậy. Nếu trước không lo trừ, sau sẽ mang họa. Phán rồi truyền dọn xe lâm triều, gióng trống dọng chuông, bá quan chầu chực đủ mặt. Bởi Trụ Vương ít khi lâm triều nên mỗi lần lâm triều bá quan đều mừng rỡ.
Trụ Vương phán:
– Nay Khương Thượng hưng binh trợ Cơ Phát làm phản, lấy hai ải bìa và bốn ải chính, nay lại phá ải Lâm Ðồng. Nếu không dùng đại binh trừ khử thì họa đến chẳng sai. Các khanh có kế nào thương nghị chăng?
Quan Ðại phu Lý Thông tâu:
– Bình thường bệ hạ không coi việc nước là trọng, say sưa tửu sắc, bỏ việc triều đình làm cho quỷ giận thần hờn, trời sầu đất thảm, bốn phương ly loạn, trăm họ điêu linh. Nay sấm dậy mới bùng tai, khát nước mới đào giếng thật là tai họa. Tuy vậy Triều Ca cũng còn người hiền, chư hầu cũng có kẻ tài năng, chỉ tại bệ hạ không trọng dụng nên bây giờ kẻ trung lương không phò bệ hạ. Nay phía Ðông có Khương Văn Hóa đánh ải Du Hồn ngày đêm không nghỉ, phía Nam Ngạt Thuận đánh ải Tam Sơn binh tướng hao mòn, phía Bắc Sùng Hắc Hổ vây ải Trần Ðường đã thất thủ gần một tháng. Cơ Phát đánh ải Lâm Ðồng nhắm lấy thành cũng chẳng bao lâu. Ví như lửa cháy cả lò, nửa chén nước tưới sao cho tắt? Lầu cao ba trượng, cột một cây dầu có cứng cũng phải xiêu. Tôi liều thác mới tỏ lời ngay, bệ hạ nên hồi tâm xét lại. Như cho lời tôi là phải, xin bệ hạ bỏ điều tửu sắc lo việc triều đình. Vì bỏ tửu sắc chính là bệ hạ đã thắng được một mũi giặc lớn bên trong. Ðược vậy tôi xin tiến cử hai người hào kiệt ra ngăn trở binh Châu họa may trời thương cơ nghiệp Thành Thang khỏi mất.
Vua Trụ hỏi:
– Khanh tiến cử hai người nào vậy?
Lý Thông tâu:
– Có hai vị chư hầu ở gần đây, tên Nhuế Kiết và Ðặng Côn vốn là kẻ trung nghĩa lại có tài năng là thủ thành được.
Vua y tấu truyền đòi hai người đến lập tức.
Nhuế Kiết và Ðặng Côn đều vào đền yết kiến.
Vua Trụ phán:
– Nay có quan đại phu Lý Thông tiến cử hai khanh là trang trung nghĩa trí dõng vẹn toàn nên trẫm ban búa việt cờ mao, hai khanh phải hết lòng ngoài trận ra trấn ải Lâm Ðồng. Nếu bắt được Khương Thượng và Cơ Phát, dẹp được binh Châu thì trẫm cắt đất phong vương cho hai khanh.
Ðặng Côn và Nhuế Kiết tạ ơn, tâu:
– Bệ hạ hậu đãi như vậy, chúng tôi phải ráng sức đền ơn.
Vua Trụ truyền dọn yến tại đền, sai Vi Tử coi đãi tiệc rồi trở lại Lộc đài.
Trong lúc đãi tiệc, Vi Tử, Cơ Tử rót chén rượu dâng cho hai vị, vừa khóc vừa nói:
– Nước nhà còn mất lúc này do nơi hai vị. Xin hết sức đỡ ngăn.
Ðặng Côn và Nhuế Kiết thưa:
– Xin hai ngài đừng lo. Chúng tôi trọng nghĩa thuở nay không lẽ bây giờ đổi dạ. Dám đâu trên quên ơn bệ hạ tin cậy, dưới phụ tình bạn tiến cử hay sao.
Mãn tiệc, Ðặng Côn và Nhuế Kiết từ giã lui về kéo binh ra Mạnh Tân, rồi qua sông Huỳnh Hà lần đến ải Lâm Ðồng.
Nói qua việc Thổ Hành Tôn đi vận lương mới về, thấy dưới cửa thành có cây phướng, dưới cây phướng lại có treo hai món binh khí là Huỳnh Kim côn của Lôi Chấn Tử và Gián ma xửa của Vi Hộ thì thấy làm lạ, nghĩ thầm:
– Sao hai vật này lại ở đó?
Ngẫm nghĩ một lúc rồi về trước dinh vào ra mắt Tử Nha thưa:
– Ðệ tử kỳ này vận lương đủ số, khi đi ngang trước cửa thành thấy dưới cây phướng có treo Gián ma xử và Kim côn, chẳng biết có gì lạ vậy?
Tử Nha thuật chuyện, Thổ Hành Tôn tuy không dám nói nhưng không tin có chuyện lạ lùng.
Na Tra bấm Thổ Hành Tôn ra ngoài nói nhỏ:
– Biện Kiết bị ta đánh một Càn khôn quyện mấy bữa nay không dám ló ra ngoài.
Thổ Hành Tôn nói:
– Ðể ta đi lấy hai món binh khí và thăm tin các tướng ra thế nào?
Na Tra nói:
– Không được đâu! Cây phướng ấy mà lại gần thì hôn mê bất tỉnh, chắc khỏi đi vận lương nữa.
Thổ Hành Tôn mím môi bỏ đi. Ðợi đến lúc đỏ đèn độn thổ đến dưới cây phướng.
Thổ Hành Tôn vừa ở dưới đất ló lên nơi chân phướng, liền bị hôn mê bất tỉnh nằm ngủ như điên.
Binh Châu thấy vậy liền về báo với Tử Nha.
Tử Nha họp các tướng hỏi:
– Nay Thổ Hành Tôn lén đi lấy trộm binh khí bị hôn mê nằm dưới cột phướng, ai có kế gì giải cứu chăng.
Các tướng nghe nói đều sợ sệt.
Tử Nha cũng buồn bã làm thinh.
Quân thám thính trên thành trông thấy một thằng lùn nằm dưới cây cột phướng, liền vào báo với Âu Dương Thuần:
– Có một thằng lùn chẳng biết ở đâu tới nằm mê dưới cột phướng.
Âu Dương Thuần mừng rỡ, truyền quân mở cửa ra bắt. Chẳng ngờ bao nhiêu quân sĩ đến đó cũng đều mê man nằm một đống với Thổ Hành Tôn.
Mấy tên lính đi sau thấy vậy liền vào báo lại.
Âu Dương Thuần hồ nghi vội cho người mời Biện Kiết đến.
Biện Kiết đang dưỡng bệnh, nghe đòi phải ráng vào hầu.
Âu Dương Thuần thuật lại chuyện, Biện Kiết thưa:
– Phướng ấy ai đến gần cũng bị hôn mê. Muốn bắt thằng lùn sao chủ tướng không hỏi tôi. Nói rồi truyền gia tướng của mình ra thả bọn binh sĩ trong ải và trói tướng lùn lại.
Tướng lùn bị dẫn vào, Âu Dương Thuần hỏi:
– Ngươi là người gì, phải khai thiệt?
Thổ Hành Tôn nói:
– Tôi là người đi ăn trộm của rơi, muốn lấy cây côn vàng, bởi ngủ quên nên mới bị bắt. Biện Kiết nổi giận mắng:
– Thất phu dám cả gan giỡn cợt với ta.
Nói rồi truyền quân đem chém. Ðao phủ quân tuân lệnh dẫn ra ngoài.
Thổ Hành Tôn cười lớn, rồi độn thổ trốn mất.
Tả đao thấy vậy kinh hãi, vào báo:
– Chúng tôi đưa đao toan chém, thì thằng lùn nhào xuống đất biến mất.
Âu Dương Thuần nói với Biện Kiết:
– Chắc tướng lùn ấy là Thổ Hành Tôn. Chúng ta phải đề phòng kẻo nó thừa cơ vào thích khách.
Trong thành nghe nói ai nấy cũng kinh hoàng.
Còn Thổ Hành Tôn động thổ về dinh, vào ra mắt Tử Nha nói:
– Cây phướng ấy thiệt độc, nếu tôi không có phép địa hình chắc mất mạng rồi.
Tử Nha thấy Thổ Hành Tôn trở về được cũng bớt nỗi buồn lo.
Bấy giờ Biện Kiết đã hết bịnh, liền đến bên dinh Châu khiêu chiến.
Quân vào báo, Tử Nha hỏi:
– Tướng nào muốn ra trận?
Na Tra lên xe cầm giáo ra khỏi dinh, thấy Biện Kiết đang diệu võ dương uy, liền xốc tới đánh liền.
Biện Kiết thấy Na Tra như con chim sợ tên, không dám đánh, cứ ngó chừng Càn khôn quyện, sợ rủi một lần nữa thì bỏ mạng.
Ðánh được ít hiệp, Biện Kiết bỏ chạy về phía cây phướng quyết dụ Na Tra.
Na Tra đã biết cây phướng độc, nên không thèm đuổi theo.
Dù Na Tra có đuổi theo cũng chẳng hề gì, vì Na tra là cốt bông sen, nhưng tánh Na Tra thận trọng, không muốn liều lĩnh cầu may.
Biện Kiết thấy Na Tra không đuổi đến, liền vào thành thưa lại với Âu Dương Thuần:
– Tôi có dụ Na Tra đến bên cây phướng, nhưng nó không dám, thu binh trở về dinh.
Âu Dương Thuần nói:
– Bây giờ biết làm cách nào thắng địch?
Biện Kiết trầm ngâm nghĩ kế, nhưng chưa tìm ra cách nào.
Bỗng có quân vào báo:
– Ngoài thành có hai người xưng là Ðặng hầu, Nhuế hầu đem binh đến tiếp.
Âu Dương Thuần dẫn các tướng ra ngoài rước vào, nhường cho hai vị chư hầu ngồi trên, còn Âu Dương Thuần ngồi dưới.
Ðặng Côn hỏi:
– Thiên Tử xem sớ của Tướng quân, nên sai hai tôi ra đây tiếp chiến. Bởi Khương Thượng dấy binh hùng tướng mạnh, đoạt ải lấy thành rất lợi hại, không phải Tướng quân bất tài. Tuy vậy Lâm Ðồng là ải quan trọng, coi như bức bình phong của triều ca, phải có nhiều binh tướng trấn giữ, mới mong chống lại địch quân được. Chẳng hay việc chinh chiến mấy bữa nay ra sao?
Âu Dương Thuần nói:
– Trận thứ nhất Biện Kim Long bị Hoàng Phi Hổ đâm chết, nhờ con Biện Kim Long là Biện Kiết dùng cái phướng phép gọi là U hồn bách cốt phang mới ngăn quân địch được. Trận thứ nhì Biện Kiết bắt Nam Cung Hoát, trận thứ ba bắt Hoàng Phi Hổ, trận thứ tư bắt Lôi Chấn Tử. Những tướng bị bắt hiện đang bị cầm ngục.
Ðăng Côn nghe nói Hoàng Phi Hổ bị bắt, liền hỏi vội:
– Có phải phản thần Võ Thành Vương Hoàng Phi Hổ trước kia bỏ Trụ đầu Châu chăng?
Âu Dương Thuần nói:
– Chính là kẻ phản thần ấy.
Ðặng Côn nói:
– Tướng quân bắt được phản thần công lao rất lớn.
Chẳng ngờ Hoàng Phi Hổ là dượng của Ðặng Côn, vì Ðặng Côn kêu Giả Thị bằng dì ruột. Ðặng Côn tuy ngoài miệng nói gượng, song trong lòng không vui.
Âu Dương Thuần liền bày tiệc thết đãi.
Mãn tiệc, Ðặng Côn trở về phòng ngồi suy nghĩ:
– Không biết làm sao để cứu Hoàng Phi Hổ. Ta nghĩ lại, Hoàng Phi Hổ là kẻ trung liệt mấy đời, sở dĩ bỏ Trụ đầu Châu cũng vì Trụ Vương vô đạo. Kẻ vô đạo lúc bát loạn cần người hiền, đến lúc thái bình thì xem người hiền như kẻ thù địch. Hiện nay, tám trăm chư hầu đã theo Châu bỏ Trụ, phần ta cũng chỉ là kẻ cầm đầu một trấn chư hầu, đâu phải người hưởng lộc nhà Thương mà buộc phải đem thân hy sinh cho người thiếu đức. Binh Châu đã lấy hết bốn ải lớn rồi, còn một cái ải này làm sao giữ nổi, chi bằng phò Châu thuận theo chư hầu là hay hơn. Song chưa rõ Nhuế Kiết ý nghĩ thế nào. Thôi, để ngày mai ra đánh một trận xem thử thế địch ra sao sẽ quyết định.
Hôm sau, hai vị chư hầu ra khách, các tướng đứng hầu hai bên, Nhuế Kiết nói:
– Chúng ta vâng lệnh đến đây tiếp chiến, vậy phải ra binh trừ Khương Thượng cho sớm, để khỏi làm khổ lê dân.
Âu Dương Thuần truyền dẫn binh ra trận.
Biện Kiết thưa với hai vị chư hầu:
– Xin hai vị lão gia đem binh đi phía tả, đừng đến gần cây phướng phép.
Nhuế Kiết gật đầu, rồi dẫn quân đi nép một bên.
Quân Châu xem thấy vào báo với Khương thượng:
– Có hai đại tướng đem binh cứu viện ải Lâm Ðồng, nay kéo binh đến trước dinh, mời chúa công ra nói chuyện.
Tử Nha nghĩ thầm:
– Hai người này là hai vị chư hầu, nếu mời chúa công ra trận chắc có ý gì riêng.
Nghĩ rồi sai tướng đi mời Võ Vương. Võ Vương theo Tử Nha lên xe, phát pháo khai dinh, các tướng đều theo hộ giá.
Nhuế Kiết và Ðặng Côn xem thấy Tử Nha oai phong lẫm liệt, tướng binh chỉnh tề, lại thấy dưới cây tàn lọng đỏ có một người, biết là Võ Vương, liền lướt tới hỏi lớn:
– Người ngồi dưới lọng kia có phải là Võ Vương chăng?
Tử Nha đáp:
– Chính là Chúa công ta đấy. Còn hai ngươi là ai?
Ðặng Côn đáp:
– Ta là Ðặng Côn, còn người này là Nhuế Kiết. Tướng nước Tây Châu không biết nhân nghĩa lễ trí mới dám tự ý xưng vương, đã chứa phản thần lại cướp đoạt ải chúa, giết binh tướng triều đình, cướp đất đai Thiên tử. Sao chẳng nghĩ đạo vua tôi lại hành động táo bạo như vậy?
Còn Nhuế Kiết cũng chỉ vào mặt Võ Vương mắng:
– Tiên vương của ngươi thật có đức tuy bị bảy năm Dũ Lý không một tiếng oán hờn, giữ đạo làm tôi một niềm thảo thuận. Bởi vậy Thiên Tử mến người hiền phong đến tước vương, lại ban búa Việt, cờ Mao cho về quê như cũ. Ðáng lẽ các ngươi phải cám ơn Thiên tử, báo nghĩa quân vương. Song Văn Vương chết chẳng bao lâu, các ngươi nghe lời Tử Nha làm phản chúa, chấp phản thần, giết tướng triều đình, chiếm đất đoạt thành bêu nhục cho tổ tông, làm xấu hổ cho dòng họ. Nếu nghe lời ta khuyên, lui binh về ải giữ nước xưng thần, ấy là tự ăn năn cải hóa, còn cứ đi trên lối cũ, ta e không đất chôn thây, chạy trời không khỏi nắng.
Tử Nha cười lớn:
– Hai vị hiền hầu chỉ luận đúng với lẽ thường mà không thông cuộc biến. Lời xưa nói: Ngôi trời không chừng, ai có đức thì được. Nay Trụ Vương bất nhân, ham mê tửu sắc, giết hại vợ con, trên chẳng tế tiên vương, dưới không trọng hiền sĩ, bốn phương chẳng phục, trăm họ oán hờn nên tám trăm chư hầu đều về Châu, can qua phạt Trụ hội nơi Mạnh Tân để vấn tội hôn quân. Hai vị hiền hầu đối với Trụ Vương như người ở đậu, chưa biết ai là chủ mình, sao không xem thời thế bỏ tà về chánh, còn dùng miệng lưỡi làm chi?
Ðặng Côn làm bộ giận dữ hét lớn:
– Biện Kiết hãy ra bắt lão tặc đó cho ta.
Biện Kiết tuân lệnh cầm kích xông ra.
Triệu Thắng múa gươm xông ra, ngăn Biện Kiết lại đánh.
Nhuế Kiết cầm siêu đao lướt tới, Tôn Diệm Hồng đưa búa ra ngăn, còn Võ Kiết nhảy ra trợ chiến.
Na Tra hiện ra ba đầu tám tay, bộ như quỹ dữ xông vào, đánh Ðặng Côn.
Ðặng Côn ngỡ là yêu quái hiện lên không dám chống cự truyền gióng kiểng thâu binh vào thành.
Tử Nha thấy vậy cũng thâu binh về trại.
Ðặng Côn, Nhuế Kiết vào trại, Âu Dương Thuần dọn tiệc đãi đằng, ai nấy đều khen binh tướng Châu tài phép song toàn, anh hùng thượng thủ.
Khi mãn tiệc, trời đã tối, Ðặng Côn về phòng nghĩ thầm:
– Trụ Vương bạo ngược, khó giữ giang sơn, Châu Võ nhân từ chắc được thiên hạ. Ta xem cốt cách Võ Vương tướng mạo phương phi, còn Tử Nha oai phong lẫm liệt, trí dõng toàn tài, lại thêm nhiều tướng kỳ tài trợ lực, ải Lâm Ðồng không thể giữ được lâu, chi bằng cứu dượng theo Châu, cho hợp với chư hầu bốn biển. Song chưa hiểu ý kiến Nhuế Kiết thế nào.
Giữa lúc ấy, Nhuế Kiết về phòng, cũng nghĩ riêng:
– Thiên hạ đồn không sai. Quả thật Tây Kỳ tôi hiền chúa thánh, đáng mặt trị thiên hạ. Nay chư hầu đã quy phục, ta làm sao đi ngược lại lòng dân. Thế tất phải về Châu mới thuận.
Tuy nghĩ như vậy song còn dò ý Ðặng Côn, không biết thế nào.
Rạng ngày, Ðặng Côn và Nhuế Kiết ra khách, các tướng đều ứng hầu, Ðặng Côn nói:
– Hôm qua ra trận xem Khương Thượng quả thật tài năng, dụng binh phải phép, vả lại nhiều thần thông phò tá, lắm tướng võ nghệ cao cường, chúng ta biết tính làm sao đuổi binh Châu cho được?
Biện Kiết thưa:
– Làm tôi phải hết lòng thờ chúa, đem thân đền nợ nước trong lúc lâm nguy. Còn việc được thua phần lớn là do hồng phước của Thiên tử. Nếu Thiên Tử đang còn thạnh trị thì sẽ có người tài ra giúp, sợ gì binh Châu đông, tướng Châu giỏi?
Ðặng Côn nói:
– Biện tướng quân nói cũng phải, song người hào kiệt ra giúp thì không thấy đâu, còn quân giặc ngày đêm đóng ngoài thành, chúng ta không có kế gì lui binh thì ải Lâm Ðồng làm sao giữ được?
Biện Kiết nghe mấy lời, biết ý Ðặng Côn muốn đầu Châu, nhưng mình là tiểu tướng, đâu dám dùng lời phải trái nói nhiều, liền thưa:
– Nay có phướng ngăn đường, quân Châu không thể nào lấy ải được, xin cứ chậm rãi sẽ có nhân tài ra mặt thối lui binh Châu.
Ðặng Côn không nói lại. Nhuế Kiết biết ý Ðặng Côn rồi, nên tối về phòng, sai người tâm phúc mời Ðặng Côn đến uống rượu.
Ðặng Côn được tin mừng rỡ, liền đến hội kiến tức thì.
Bấy giờ Khương Thượng thấy hai tướng mới đến đều là hai vị chư hầu, tài năng không có mấy, ý muốn lấy ải Lâm Ðồng cho sớm, ngặt cái phướng phép của Biện Kiết chưa có cách nào phá nổi, phần các tướng bị bắt trong thành chưa rõ hung kiết lẽ nào, Tử Nha lại có cảm giác như trong thành Lâm Ðồng có gì khác lạ, liền gọi Thổ Hành Tôn đến bảo:
– Ðêm nay ngươi dùng thuật địa hành vào trong ải Lâm Ðồng thám thính xem các tướng bị nhốt hiện tình ra sao?
Thổ Hành Tôn vâng lệnh chờ đến canh hai, độn thổ vào thành, mò đến chỗ đề lao, thấy quân canh còn thức không dám gây tiếng động, liền đến chổ khác ẩn thân. Bỗng đi ngang qua một căn phòng, nghe hai người ngồi uống rượu và đàm đạo. Ðó là Ðặng Côn và Nhuế Kiết.
Lúc này Ðặng Côn và Nhuế Kiết truyền bọn tả hữu ra ngoài hết, trong phòng chỉ còn hai người.
Thổ Hành Tôn lắng tai nghe thử, thấy Nhuế Kiết nốc xong chén rượu, cười và nói:
– Tôi đố hiền hầu cuộc chiến này Thương thắng hay Châu thắng?
Ðặng Côn nói:
– Chúng mình đều là bạn thân, mỗi người giữ một khoảng đất nhỏ của nhà Thương. Thế cuộc nay đã đổi dời, cần gì phải bàn luận.
Nhuế Kiết nói:
– Nhưng đây là tình bạn với nhau, chúng ta nói riêng nghe thử, can chi mà sợ?
Ðặng Côn nói:
– Lẽ nào tôi dám nói thẳng. Dù biết cũng không dám cạn lời. Nếu luận bàn lấy có thì hiền hầu sẽ chê tôi dốt nát, còn nói cho cạn lẽ thì địa vị mình không cho phép.
Nhuế Kiết nói:
– Hai ta tuy tình bạn, song coi như nghĩa tay chân. Nếu đã thân nhau mà không dám tỏ nỗi lòng, sao gọi là tri kỷ?
Ðặng Côn nói:
– Hiền hầu đã thật dạ, tôi đâu dám phụ tình. Theo tôi tưởng Trụ Vương lỗi đạo đã nhiều, không thể nào giữ nổi cơ nghiệp nhà Thương nữa. Còn Võ Vương nhân đức, tiếng rãi muôn phương, tám trăm chư hầu đều tuần phục, cố lòng phạt Trụ. Lòng dân là ý trời. Dù cho Trụ Vương có bao nhiêu tướng tài đi nữa cũng không chống lại nổi, huống chi hiện nay triều đình đã tàn tạ, nhân tài không còn ai ra sức đảm đương. Lúc này đối với Trụ Vương chẳng qua như ngọn đèn hết dầu, chỉ chờ ngày tắt lụn.
Nhuế Kiết nói:
– Hiền hầu luận như vậy thì hoàn cảnh chúng ta phải làm sao?
Ðặng Côn giả bộ nói:
– Chúng ta đã lãnh trách nhiệm trước mặt Thiên Tử thôi thì đành liều một thác cho hết tiếng thị phi chớ còn biết sao hơn.
Nhuế Kiết nói:
– Chúng ta chỉ là hai trấn chư hầu nhỏ, nếu theo phò Vua Trụ sao này Trụ Vương mất chúng ta không khỏi bị Thiên hạ chê cười là bất trí. Sao chúng ta không noi gương các trấn chư hầu phò Châu phạt Trụ cho rạng danh nghĩa, thuận lòng trời?
Ðặng Côn nói:
– Ý tôi cũng muốn như vậy, nên mới có cuộc đàm đạo hôm nay và cũng để dò lòng hiền hầu một thể.
Nhuế Kiết nói:
– Nếu hiền hầu đã cố tình về Châu tôi xin một dạ. Chỉ ngặt thiếu một người nói giúp chúng ta một lời cho Võ Vương biết.
Ðặng Côn nói:
– Việc đó không khó gì. Nếu chúng ta đã quyết lòng sớm muộn cũng tìm ra phương kế.
Bấy giờ Thổ Hành Tôn ở dưới đất nghe đã rõ ràng, nghĩ thầm:
– Gặp dịp này mình cũng nên ra mặt giúp hai người để khỏi uổng công thám thính.
Nghĩ rồi trồi đầu lên núp sau xó cửa bước tới chào hai người và nói:
– Tôi xin ra mắt hai vị. Nếu hai vị muốn đầu Châu thì tôi sẽ giúp cho.
Ðặng Côn và Nhuế Kiết nghe nói sững sờ. Không biết Thổ Hành Tôn là người nào từ đâu đến.
Thổ Hành Tôn biết ý nói:
– Xin hai vị hiền hầu đừng ngại. Tôi chính là quan vận lương của Khương Nguyên soái tên Thổ Hành Tôn đây.
Hai người nghe nói bước tới hỏi:
– Ban đêm giờ canh nghiêm ngặt, sao tướng quân vào ải được?
Thổ Hành Tôn nói:
– Tôi không dấu với hai vị hiền hầu, vì tôi có phép địa hành nên Nguyên soái sai tôi vào đây thám thính. Nãy giờ tôi ở dưới đất nghe hai vị nói chuyện đã rõ ràng, hai vị muốn đầu Châu, ngặt thiếu người giúp sức, nên tôi mới ra mặt lãnh nhiệm vụ ấy, hai vị chớ nghi ngờ. Nguyên soái tôi là kẻ trọng hiền đãi sĩ, mọi người có ý tìm ánh sáng trở về đều được Nguyên soái tôi trọng dụng.
Hai người mừng rỡ, đồng đứng dậy bái và nói:
– Anh em chúng tôi không biết tướng quân đến, nên không nghinh tiếp, xin rộng lượng bao dung.
Thổ Hành Tôn đáp lễ và nói:
– Hai vị hiền hầu dạy quá lời, tôi đâu dám như vậy?
Ðặng Côn cầm tay Thổ Hành Tôn nói:
– Bởi Võ Vương phước lớn, nên mới được nhiều người tài ra phò. Tôi thấy Võ Vương và Nguyên soái trong lòng cảm mến mười phần, có ý muốn theo phò, nên mới bàn luận, không ngờ gặp được tướng quân, thật may mắn biết chừng nào.
Thổ Hành Tôn nói:
– Vậy thì không nên để lâu, hai vị viết thơ để tôi đem về dâng cho Nguyên soái, thừa lúc nào tiện dịp hai vị dâng ải đầu hàng, chúng tôi ở bên ngoài tiếp ứng.
Ðặng Côn y lời, viết một bức thư trao cho Thổ Hành Tôn và dặn:
– Xin tướng quân dâng thơ cho Nguyên soái tính mưu phá ải, còn tướng quân cũng thường qua lại để chúng tôi có dịp hẹn hò.
Thổ Hành Tôn từ giã, cầm thơ nhào xuống đất một cái, biến mất.
Ðặng Côn và Nhuế Kiết trông thấy khen thầm.
Có bài thơ rằng:
Lên ải Lâm Ðồng lúc tối đen,
Ðặng Côn, Nhuế Kiết sợ rồi khen
Ðem thơ trao lại, làm nên việc,
Công Thổ Hành Tôn thật chẳng hèn.
Thổ Hành Tôn về đến trại thì đã hết canh tư, thấy Tử Nha còn thức, liền ghé qua dinh ra mắt.
Tử Nha trông thấy Thổ Hành Tôn liền hỏi:
– Ngươi đi thám thính việc ấy như thế nào?
Thổ Hành Tôn thuật lại hết mọi chuyện rồi dâng thơ cho Tử Nha.
Tử Nha xem thơ xong, mừng rỡ nói:
– Thật là hồng đức của chúa công quá lớn. Thôi, ngươi hãy trở lại dinh an nghỉ, để ta tính kế sáng lấy ải.
Thổ Hành Tôn vâng lệnh trở về dinh.
Sáng hôm sau, Ðặng Côn và Nhuế Kiết ra khách, các tướng đến hầu đông đủ.
Ðặng Côn nói:
– Ta vâng lệnh Thiên Tử ra trấn ải này, hôm trước ra quân bị bại. Ta lấy làm hổ thẹn. Vậy ngày mai các tướng phải ra hết sức, đánh chúng một trận cho vỡ mật, tan ra không còn một mảnh giáp, đặng ban sư cho sớm.
Âu Dương Thuần nói:
– Ðặng tướng công tính phải lắm.
Các tướng ai nấy đều vâng lệnh, sửa soạn binh khí đặng rạng ngày ra quân.
Rạng ngày, Ðặng Côn và Nhuế Kiết dẫn binh ra.
Ðến trước cửa ải, Ðặng Côn truyền:
– Quân bây! Hãy đem dẹp cây phướng này đi cho rảnh.
Biện Kiết nghe nói thất kinh, thưa:
– Nhờ phướng ấy mà đón được binh Châu. Nếu bỏ đi ắt là ải Lâm Ðồng sẽ lọt vào tay quân giặc.
Nhuế Kiết nói:
– Ta là một vị chư hầu, vâng lệnh Thiên Tử chinh phạt, trong tay có búa Việt cờ Mao, nếu cứ nẹp mình đi cửa tả, còn ngươi là tướng cạnh mà đi cửa chánh, thì binh Châu xem thấy cười chê, dẫu thắng cũng nhục nhã. Ta bảo ngươi dẹp đi là phải lắm.
Biện Kiết nghĩ thầm:
– Mình là hộ tướng, không lẽ cãi lệnh hai vị chư hầu. Dầu sao họ cũng thay mặt Thiên Tử đến đây điều khiển. Nhưng lấy phướng đi, binh Châu ào tới thì cừu cha đã không trả được mà tánh mạng cũng không còn. Hay là ta đừng tiếc điệu bùa, giao cho họ mỗi người một lá thì tiện hơn.
Nghĩ rồi thưa:
– Xin đừng bỏ phướng ấy, mời hai vị hiền hầu vào thành thương nghị, và muốn đi cửa chánh cũng chẳng khó gì.
Hai người bằng lòng vào ải, Biện Kiết vẽ ba lá bùa, một lá đưa cho Nhuế Kiết, một lá đưa cho Ðặng Côn, còn một lá đưa cho Âu Dương Thuần và nói:
– Giắt bùa này vào trong mão thì đi qua phướng tự nhiên.
Ba người làm y lời. Quả nhiên đi ngang qua phướng ấy vô sự.
Ba người mừng rỡ kéo đến trại Tử Nha khiêu chiến.
Quân vào báo, Tử Nha dẫn binh tướng ra ngoài.
Hai người kêu lớn:
– Tử Nha! Nay chúng ta quyết đánh với ngươi một trận cho biết thấp cao.
Nói rồi lướt tới đánh liền. Hoàng Phi Báo, Hoàng Phi Bưu xông ra trợ chiến.
Biện Kiết thấy vậy đứng yên không được liền cầm kích xông vào, nói:
– Xin hai vị hiền hầu ráng sức, có tiểu tướng trợ lực đây.
Võ Kiết liền đón Biện Kiết lại giao công.
Ðánh một hồi, Biện Kiết trá bại, Võ Kiết sợ mắc kế không theo.
Tử Nha truyền gióng kiểng thâu quân.
Âu Dương Thuần và hai vị chư hầu lui binh về ải.
Về đến trại Tử Nha lấy làm lạ, nghĩ thầm:
– Trước kia có một mình Biện Kiết đi ngang qua phướng ấy, còn ai nấy đều đi tránh một bên, sao hôm nay cả ba người này cũng đi ngang qua chỗ ấy được?
Tử Nha đem ý kiến ấy nói với các tướng.
Thổ Hành Tôn thưa:
– Nếu vậy để đệ tử lén vào thành hỏi thăm hai vị chư hầu thì rõ.
Tử Nha nói:
– Nếu được vậy thì hay vô cùng. Ngươi phải đi hỏi lập tức.
Vào lúc hết canh một, Thổ Hành Tôn dùng phép địa hành vào ải.
Hai vị chư hầu trông thấy mừng rỡ, nói:
– Chúng tôi đang trông tướng quân.
Thổ Hành Tôn nói:
– Có chuyện gì quan hệ không?
Hai vị chư hầu nói:
– Chúng tôi vừa biết được cây phướng đó gọi là U hồn bạch cốt, lợi hại phi thường. Chúng tôi buộc Biện Kiết bỏ đi, để binh Châu thừa dịp đoạt thành, nhưng Biện Kiết lại không chịu, chỉ cho chúng tôi ba lá bùa giắt trên mão. Lá bùa ấy mà giắt lên thì qua lại như không.
Thổ Hành Tôn nói:
– Xin hai vị đưa hai bùa ấy cho tôi đem về dâng cho Nguyên soái.
Nguyên soái sẽ lấy họa thật nhiều bùa, phát cho binh tướng thì cây phướng ấy vô dụng.
Hai vị chư hầu mừng rỡ, lấy hai lá bùa trao cho Thổ Hành Tôn và nói:
– Tướng quân về thưa với Nguyên soái, chúng tôi sẽ tìm cách nội công để dâng ải.
Thổ Hành Tôn từ giã, độn thổ về dinh, dâng hai lá bùa cho Tử Nha và thuật hết mọi việc.
Tử Nha mừng rỡ, dùng châu sa bắt chước theo lá bùa của Biện Kiết vẽ thật nhiều bùa phát cho binh tướng.