Giới thiệu
Tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng
“Sống mãi với Thủ đô” của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng là một tiểu thuyết tái hiện lại khung cảnh những ngày đầu toàn quốc kháng chiến (năm 1946) ở Hà Nội với những con người gan dạ và quả cảm.
Tác phẩm được xuất bản năm 1961, gồm 24 chương. Nguyễn Huy Tưởng đã xây dựng nên nhiều lớp người, thuộc mọi địa vị trong xã hội Hà Nội với nét cư xử rất đặc trưng, miêu tả từ cái bộn bề của cuộc sống bên ngoài đi sau vào sự phức tạp của tâm lý bên trong. “Sống mãi với Thủ đô” không khắc họa riêng lẻ một nhân vật chính mà tập trung mô tả một lớp người đã hòa mình vào dòng chảy sục sôi của thời đại nhưng vẫn đầy chất lãng mạn, để qua đó, tác giả vừa ca ngợi vừa tỏ lòng thương tiếc cho thành phố những ngày đổ máu.
Trong mấy thập niên sau khi công bố, tiểu thuyết “Sống mãi với Thủ đô” được coi là một trong những cứ liệu xác đáng nhất về bối cảnh Hà Nội giai đoạn đầu thế kỉ XX với những phong tục tập quán rất đặc thù. Hơn nữa, do tập bản thảo còn chưa qua hiệu đính nên vô tình ghi lại khá đúng lối văn ngôn Hà Nội và Bắc Bộ đương thời.
Nhà văn Nguyễn Khải đã chia sẻ: “Tôi tin rằng chúng ta, những người đã trải qua cuộc kháng chiến và lớp người lớn lên trong hòa bình sau này sẽ cảm ơn nhà văn ở nhiều trang đẹp về những ngày Thủ đô chuẩn bị kháng chiến và hai đêm đầu tiên của cuộc chiến đầy ác liệt ấy. Đây là một tác phẩm văn chương giàu chất sử thi hiện đại của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng”.
Tác phẩm đã khơi nguồn cảm hứng cho nhiều kịch phẩm và phim truyện về Hà Nội thời kỳ đầu toàn quốc kháng chiến. Năm 1996, tiểu thuyết này được dựng thành phim truyền hình, số phận các nhân vật được kịch tác gia phát triển thêm, sau đó lại có phim “Hà Nội mùa đông năm 46” nội dung dựa theo một phần tiểu thuyết này.