Sống mãi với Thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng) - Chương 1
Cái toa cuối cùng của chuyến tàu Bắc đã len ra khỏi hàng rào địa phận nhà ga. Trần Văn nhìn theo cái khung vuông đen sẫm lại, nhoà đi. Chuyến tàu chở người mẹ bé nhỏ của anh về quê thế là đã rời Hà Nội. Trong lòng người con chưa hề xa mẹ lâu bao giờ có một sự trống rỗng đau đớn. Mấy ngày sắp chia tay, bà cụ lại đau mắt, ngụt ngoạt luôn, lúc nào cũng như khóc. Trong lúc hối hả thu xếp cho mẹ tản cư, anh quên khuấy không mua cho mẹ mấy lọ thuốc nhỏ mắt. Anh bứt rứt, môi mím lại, nước mắt rưng rưng. Anh bước về phía ga, nhưng rồi lại ngoảnh lại nhìn cái khoảng trống im lặng của hàng rào còn mù sương. Con tàu bây giờ đang chạy trên cái cầu cổng đục. Trong cái toa chật lèn như nêm cối, người mẹ với cái tay nải cũ, như lại trở về cái thời bán vải ngày xưa. Tai anh còn văng vẳng lời nói cuối cùng của mẹ: “Chú về nhớ. Vài hôm nữa yên hàn rồi đẻ lại ra”. Vài hôm nữa yên hàn? Mấy hôm nay, người Hà Nội tản cư rầm rập. Từ giã nhau, ai cũng nói cái câu đầu lưỡi ấy như để tin với nhau rằng những ý nghĩ tốt có thể chuyển dữ thành lành. Nhưng trong linh tính. Trần Văn thấy đây không phải là một cuộc chia tay trong dăm bữa nửa tháng. Giữa buổi tiễn đưa này và ngày gặp lại, có một cái gì mù mịt, xa lăng lắc, đầy những tai biến khôn lường. Anh càng thương mẹ, trong cái thương có lẫn nhiều cảm phục. Anh biết trong thâm tâm, bà cụ muốn anh cùng về quê. Chẳng có người mẹ nào muốn cho con chịu những thảm hoạ của chiến tranh. Nhưng bà cụ không ngăn anh vào tự vệ, và khi anh nói phải ở lại để chống giữ Thủ đô, mẹ chỉ dặn: “Cẩn thận đấy, chú ạ. Nhờ giời, Cụ Hồ điều đình được không phải đánh nhau thì là phúc nhất”. Ở đây, có cả cái tình của người mẹ chịu đựng chiều con, cả tấm lòng của một bà mẹ thấy việc con làm là phải và biết rằng nguy hiểm vẫn cứ phải để con làm. Mẹ đi rồi, Trần Văn có cảm tưởng như đẩy mẹ vào một cuộc sống phiêu lưu. Gần đây, những tin tức về đồng bào tản cư không lấy gì làm tốt đẹp lắm. Đã có vài vụ cướp bọc dọc đường. Nhiều người tiền lưng hết lại phải lộn ra. Báo Cứu quốc đã đăng nhiều bài nói về việc tổ chức làm ăn lâu dài cho bà con tản cư để có thể trường kì kháng chiến. Mẹ anh, chân yếu tay mềm, sẽ làm gì mà sinh sống. Nhưng gay go nhất vẫn là vấn đề chiến tranh. Nếu nổ ra ở Thủ đô thì tức khắc nó lan rộng ra toàn quốc. Bắc Ninh, quê mẹ, toàn đồng ruộng, mẹ sẽ chạy đi đâu. Ai sẽ giúp đỡ mẹ? Anh thầm trách Liêm, trong lúc này, không hề có một bức thư. Anh càng ghét người anh ruột. Hồi thuộc Pháp, Liêm làm tri huyện. Sau tổng khởi nghĩa, Liêm về ở cái đồn điền của bố mẹ vợ ở Phúc Yên, luôn mồm chửi cách mạng. Mẹ không bao giờ ở với Liêm quá hai ngày. Mẹ thường nói Liêm đủ phú quý rồi, không phải lo cho nữa. Sự thật, mẹ không ở được với con cả vì vợ Liêm hợm của khinh mẹ chồng. Trần Văn không những ghét anh mà còn khinh nữa. Liêm học gạo, đào mỏ, đút lót để thi đỗ. Từ khi làm quan, Liêm chỉ nói những chuyện cụ Hoàng, cụ Vi, cụ Hà, mua đồn điền này, tậu nhà nhọ. Khó chịu hơn cả là thỉnh thoảng hai anh em gặp nhau, Liêm thường tỏ vẻ thương hại em lẽo đẽo theo cái nghề dạy học tư bội bạc. Mặc dầu ghét anh, nhưng trong lúc bối rối Trần Văn cũng có bàn với mẹ hay là hẵng tạm về Phúc Yên. Ít ra mẹ còn có người để nương tựa. Mẹ lưỡng lự mãi, cuối cùng nói: “Thôi, tao về Bắc. Tao có mấy mẫu các cụ để lại, tao chẳng phải nhờ vả vợ chồng nó”.
Chuyến tàu Phòng đầy ăm ắp người cũng sắp chạy. Tiếng còi rú một hồi dài thất thanh. Một cái đầu tàu đang phì phì chạy một mình dồn những toa còn đẫm sương đêm cho chuyến tàu Nam. Lấp loáng đèn xanh đèn đỏ. Sân ga Hàng Cỏ đông một cách khác thường, hơn cả những giáp Tết. Gió lạnh lùa dọc theo cái nhà cầu cao rộng. Trong buổi sáng mờ mờ, những đường ray rộng bát ngát vì không có nhiều toa che lấp như mọi khi. Phu khuân vác chạy tới tấp. Những chiếc xe sắt chở hàng lộc cộc trên nền gach, nhấp nhô trong cái khoảng nửa tối nửa sáng. Giữa nhà cầu và ở hai bên, người đứng ngồi đen đặc. Hàng hoá phần lớn là những va li, hòm xiểng, khác với ngày thường toàn là những gồng gánh, thúng mủng, bồ con bồ lớn, lồng gà rọ lợn của những người buôn xuôi bán ngược. Không có những tiếng nói ồn ào. Chỉ có nhưng tiếng to nhỏ, thiết tha, những lời căn dặn thủ thỉ, những tiếng gọi nhau lo lắng, mệt mỏi:
– Lại đây khéo lạc đấy, con.
– Về đến nhà, mợ viết thư ngay cho ngoài này con khỏi lo.
– Đừng có đi đâu nhé. Mũ đỏ nó cán chết người ở Hàng Bông đấy. Đừng có lên phố Tràng Tiền nữa. Gạo đấy, thức ăn đấy, cứ ở nhà con nhé.
– Nó vào cả hiệu khách ở bờ sông tống tiền.
– Nhớ đến hỏi cho bà cái món họ nhà bà phán Hàng Phèn cháu nhé.
– Lạy giời, lạy Phật sao cho tai qua nạn khỏi.
– Trăm sự trông vào Cụ Hồ.
– Tết nhất đến nơi rồi.
– Chẳng biết về quê có được ở lâu không. Toạ thực sơn băng cụ ạ.
– Thấy nói bà sắp cho cô Ngân đi ở riêng.
– Ngày mai, ngày lành tháng tốt, tôi định lo cho cháu. Tình hình này, nhà cụ đốc lại xin hoãn. Nát cả lòng cả ruột vì con…
Số đông hành khách là người già, phụ nữ và trẻ con. Không bóng một chàng phong lưu công tử, tay không bận hành lí, ung dung đi bách bộ trên ke. Mấy nhân viên nhà ga đứng trước phòng giấy buồn tênh nhìn khách, tay che miệng ngáp vặt. Một tốp ba người vệ quốc quân, đang đứng chỉ trỏ như nhằm nơi bố trí. Họ đã mặc cái áo bông trấn thủ với những đường may hình quả trám, phảng phất như bức tranh bộ đội cầm ngang cây súng dựng ở các vườn hoa trong tuần lễ vận động may quần áo mùa đông binh sĩ vừa qua. Cái kiểu ăn mặc mới và gọn ghẽ này, còn lạ mắt đối với người Hà Nội, cộng với vẻ nghiêm nghị của mấy anh bộ đội, đã gợi trong trí tưởng tượng của Trần Văn cái không khí của chiến sự rồi.
Trần Văn len lỏi trong đám đông để tới cái cổng ra vào. Chợt anh trông thấy bà hai Vịnh và Trinh đứng trước phòng dây nói của nhà ga. Chỗ này tương đối thưa người. Anh định lờ đi thẳng. Nhưng bà cụ đã hỏi anh:
– Cậu giáo ra ga có việc gì đấy?
Anh không niềm nở lắm:
– Thưa cụ, tôi ra ga để tiễn đẻ tôi về Bắc.
Trinh khẽ gật đầu chào anh. Trần Văn ngạc nhiên. Từ mùa xuân năm kia, khi mối tình tan vỡ, thì họ đã như hai người xa lạ. Đôi khi gặp Trình ngồi ô tô nhà, hoặc với chồng hoặc một mình, Trần Văn quay ngoắt mặt đi, thường thường làm ra kẻ khinh khỉnh không để ý. Trinh thì ngồi sâu trong xe và nhìn thẳng. Trần Văn rất giận Trinh, nhưng lắm lúc anh lại thương hại. Trinh chỉ là một người đàn bà tầm thường như mọi người đàn bà tầm thường khác, ham danh ham giá, khoe khoang và ích kỉ. Thực tình thì họ cũng chẳng đang trách, vì sống trong một xã hội còn nặng nề về ngôi thứ, phần lớn người đàn bà Việt Nam lấy chồng, không phải vì giá trị thật của người ấy, mà vì cái bề ngoại địa vị nhiều hơn. Những đầu óc vụ lợi, đầy tính toán ấy làm sao có thể vươn tới những mối tình cao cả, bừng cháy, thiêu mình?
Cái vẻ đẹp và cái sang trọng cả Trinh bật nổi lên giữa đám đông người tản cư sầm tối. Lúc này, chẳng ai nghĩ đến ăn mặc. Người ta cảm thấy cái sang cái diện thật là chướng mắt đối với những người đang chuẩn bị đánh giặc, sống chết chẳng biết thế nào. Thực ra thì Trinh chỉ mặc một chiếc áo len dài màu đen, mặt xoa phấn nhẹ, đầu quàng một cái khăn mỏng màu hoa cà. Nhưng Trinh thuộc cái loại phụ nữ biết mình có dáng người làm tôn y phục nên ít dùng những trang sức giả tạo. Chính vì thế mà Trinh toát ra một thứ lịch sự tự nhiên khiến mọi người chú ý. Trần Văn lấy làm lạ thấy Trinh gần như không thay đổi gì, mặc dầu anh biết Trinh mới đẻ năm sáu tháng nay. Đứng nép sau người mẹ già, Trinh vẫn chỉ là cô gái nhỏ bé, ngoan ngoãn, nề nếp như hồi nào. Người con gái đi với mẹ là hình ảnh Trần Văn ưa thích. Trinh không dám nhìn anh, và anh cũng không nhìn Trinh. Nhưng thỉnh thoảng anh thấy lấp lánh sau lưng người mẹ, đôi măt quen quen, đôi măt to đen, tuyệt đẹp làm cho người ta quên những nhược điểm của cái trán hơi thấp, trên khuôn mặt trái xoan hơi gầy.
Trần Văn còn đang lưỡng lự không biết nên đi hay đứng lại thì bà cụ nói:
– Tôi về Nam đây, cậu ạ. Hoài của, cụ nhà đi chuyến tàu Bắc vừa rồi mà tôi không biết. Chẳng biết bao giờ mới được gặp cụ. Liệu có gì không?
Anh nói:
– Tôi cũng không biết thế nào. Nhưng các cụ tản cư là phải.
Anh định hỏi Trinh có về với bà cụ không, nhưng xem cung cách thì biết Trinh chỉ ra ga tiễn mẹ, anh lại thôi.
Bà cụ vẫy anh lại gần, lấm lét thì thầm, như nói một việc rất quan trọng:
– Cậu có vào tự vệ không?
– Đó là nhiệm vụ của mọi người thanh niên trong lúc này.
Trần Văn khó chịu về câu hỏi dớ dẩn của bà cụ. Bỗng Trinh hỏi mẹ:
– Tự vệ phải đánh nhau, sao các anh ấy thích vào mợ nhỉ?
Trần Văn cau mặt. Trinh không những tỏ ra thờ o với thời cục mà còn ngu nữa. Hồi yêu Trinh, anh tưởng Trinh thông minh, có ngờ đâu Trinh lại thảm đến thế này. Anh buồn cho Trinh. Cái mã ngoài sang trọng, thượng lưu thật ra chỉ để giấu một đời sống nghèo nàn, một tâm hồn đớn hèn. Anh liên tưởng nghĩ đến Bao, chồng Trinh. Một kĩ sư điện trẻ tuổi, nhà giàu, đi làm công cho Pháp, thế thôi. Bao cũng tầm thường như khá đông trí thức du học. Trở về nước, ông cử, ông nghè cuối cùng cũng chỉ thành mấy anh bác sĩ kiếm tiền, mấy anh trạng sư bẻm mép, chẳng có một tìm tòi, phát minh, sáng chế nào, chẳng băn khoăn gì về vận mạng Tổ quốc, về con người, về thời đại. Xã hội Việt Nam thường liệt họ vào hàng đại trí thức. Trần Văn cười thầm: trí thức không thể đánh giá theo bằng cấp. Nghĩ như thế, anh chợt bĩu môi. Ngán ngẫm và bực bội, anh chào bà Hai và Trinh, viện cớ là có việc gấp, rẽ đám đông ra khỏi ke.
Con đường Nam Bộ nằm ngang trước ga sao mà rộng vắng. Đại lộ Trần Hưng Đạo chạy dọc trước mắt hiu quạnh như trong canh khuya. Lá cây phủ kín lề đường không ai quét. Không có một dấu hiệu gì của sự sống. Trên nền trời xám ngoét, một con diều hâu bay lừ đừ như đứng nguyên một chỗ.
Một đám thanh niên mặc tây đi xích-lô từ phía hàng Hàng Lọng tới. Họ vội vã, hấp tấp, hốt hoảng. Họ cuống cuồng bước lên thềm, chạy vào ga lấy vé, mặt tái nhợt, hơi thở dốc ra. Trông thấy Trần Văn họ bẽn lẽn, xấu hổ, người cúi mặt xuống, người ngoảnh mặt đi. Trần Văn cười trong bụng. Chắc chắn họ cũng cùng một loại với mấy anh thanh niên theo gia đình đi tản cư mà anh gặp lúc nãy ở ngoài ke, các chàng phải giấu mặt đi để đồng bào khỏi trông thấy và xỉ vả là đồ hèn nhát.
Giữa cái nhục và cái hiên ngang ở lại Thủ đô, Trần Văn chọn cái thứ hai. Anh cảm thấy người anh nhẹ nhàng. Anh không phải bịn rịn vì mẹ nữa. Anh mừng thầm mẹ đã đi khỏi nơi nguy hiểm. Còn vợ con thì anh hoàn toàn không bị ràng buộc. Anh tự an ủi: “Nếu lấy Trinh thì bây giờ lúng túng đến chết. Càng may”. Anh hối hận đã quá nóng nảy với Trinh lúc nãy. Anh nghĩ: “Còn thù oán làm gì”. Tiếng còi của chuyến tàu Phòng rúc dài lưu luyến. Trần Văn quay lại như để chào những người Hà Nội ra đi. Anh xuống thềm, đi trên phố Hàng Lọng. Anh thấy mình thật lạ lùng, và tự hỏi sao mình lại trở về cái nơi mà mọi người phải chạy? Để chuốc lấy cái gì nếu không phải là một cuộc sống gian khổ và cái chết tất nhiên?