Tam Quốc diễn nghĩa (La Quán Trung) - Hồi 10
Giúp nhà vua, Mã Đằng khởi nghĩa
Báo thù bố, Tào Tháo cất quân
Lý Thôi, Quách Dĩ hai đứa muốn giết vua Hiến đế. Trương Tế, Phàn Trù can rằng:
– Không nên! Nay ta vội giết vua như thế, tôi e rằng thiên hạ không phục. Không bằng cứ để đấy, rồi dụ chư hầu vào trong cửa quan: trước hết trừ hết vây cánh, rồi sau ta sẽ liệu, như thế mới tính xong được việc thiên hạ.
Lý Thôi, Quách Dĩ nghe lời bèn đóng quân lại.
Vua ở trên lầu phán hỏi rằng:
– Vương Doãn đã bị giết rồi, sao quân mã chưa rút?
Lý Thôi, Quách Dĩ thưa rằng:
– Muôn tâu bệ hạ, chúng tôi có công với nhà vua, chưa được phong tước, cho nên chưa dám lui quân.
Vua phán hỏi:
– Các người muốn được phong tước gì?
Lý, Quách, Trương, Phàn bốn đứa cầu phong chức hàm gì, đều tự tay viết ra dâng lên, đòi vua phải phong như thế. Vua bắt buộc phải nghe theo:
1. Lý Thôi làm sa kỵ tướng quân, Trì Dương hầu, lĩnh chức tư lệ hiệu uý, được dùng cờ tiết, lưỡi phủ việt.
2. Quách Dĩ, làm hậu tướng quân, Mỹ Dương hầu, cũng được dùng cờ tiết, lưỡi phủ việt.
Hai người cùng giữ quyền chính trong triều.
3. Phàn Trù, làm hữu tướng quân, Vạn Niên hầu.
4. Trương Tế, làm phiêu kỵ tướng quân, Binh Dương hầu.
Trương, Phàn hai người lĩnh binh ra đóng đồn ở Hoằng Nông.
Còn lũ Lý Mông, Vương Phương đều được phong làm hiệu uý.
Bọn ấy lại sai người đi tìm đầu và thây Đổng Trác. Tìm được ít nhiều da xương vụn nát, chúng lấy gỗ thơm, khắc thành hình thể, chắp ghép đâu vào đấy, cúng tế thực to, áo mũ quan quách, dùng theo đám ma nhà vua, chọn ngày tốt làm lễ cất đám rước sang táng ở My Ổ.
Táng xong, bỗng nhiên trời nổi sấm sét, mưa to gió lớn, mặt đất ngập sâu vài thước. Một tiếng sét đánh vào áo quan Đổng Trác, đầu và thây bật cả ra ngoài.
Lý Thôi đợi tạnh mưa, lại đem táng lại. Đêm hôm ấy trời lại mưa to, sấm sét lại đánh vào áo quan Trác như trước; ba lần cải táng không xong, da xương thịt vụn Đổng Trác bị mấy lần sét đánh tan tành.
Lý Thôi, Quách Dĩ cầm được quyền chính, tàn đãi dân chúng, trăm họ khổ sở điêu đứng. Chúng lại mật sai những người tâm phúc hầu bên cạnh vua để dò la ý tứ.
Vua Hiến đế bấy giờ như ngồi trên chông gai.
Các quan trong triều thăng giáng đều do hai đứa Thôi, Dĩ cả. Muốn thu phục lòng người, chúng mời Chu Tuấn vào triều, phong làm chức thái bộc, cho dự triều chính.
Một hôm có người báo rằng:
– Thái thú Tây Lương là Mã Đằng, thái sử Tịnh Châu là Hàn Toại, hai người dẫn hơn mười vạn quân, kéo đến Trường An, nói rằng vào để đánh giặc.
Hai người ấy vốn đã có sai người vào Trường An, mật kết với thị trung là Mã Vũ, gián nghị đại phu là Chủng Thiệu, tá trung lang tướng là Lưu Phạm, để ba người ấy làm nội ứng. Ba người mật tâu với vua phong cho Mã Đằng làm chỉnh tây tướng quân, Hàn Toại làm chấn tây tướng quân, trao cho mỗi người một tờ mật chiếu, sai hợp sức nhau lại để đánh giặc.
Lý, Quách, Trương, Phàn nghe tin hai cánh quân ấy sắp đến, họp nhau để bàn. Mưu sĩ là Giả Hủ nói rằng:
– Hai đám quân ấy từ xa đến, chỉ nên đắp thành cao, hào sâu, cố thủ để chống lại, bất quá chỉ độ trăm ngày, chúng cạn lương là phải rút. Bấy giờ ta sẽ kéo quân đuổi theo, chắc chắn bắt được.
Lý Mộng, Vương Phương nói rằng:
– Kế ấy không hay. Chúng tôi xin lĩnh một vạn tinh binh ra đánh, lập tức chém đầu Mã Đằng, Hàn Toại dâng dưới cờ.
Giả Hủ nói:
– Hễ mà đánh nhau, tất ta thua!
Hai người bảo Hủ rằng:
– Nếu hai chúng tôi thua, xin chịu chém đầu. Nhưng nếu chúng tôi được, ông cũng phải nộp đầu cho chúng tôi.
Hủ mới bảo Lý Thôi, Quách Dĩ rằng:
– Ở phía tây Trường An, ngoài hai trăm dặm, có núi Trập Chất, đường ấy hiểm trở, nên sai Trương Tế, Phàn Trù hai tướng ra đóng đồn ở đấy giữ cho vững, rồi hãy để mặc Lý Mông, Vương Phương lĩnh quân ra đánh.
Lý, Quách nghe lời, điểm một vạn rưởi quân mã giao cho Lý Mông, Vương Phương. Hai người mừng rỡ, đem quân đi, ra khỏi Trường An hai trăm tám mươi dặm hạ trại đóng quân ở đó.
Quân Tây Lương đến, hai người dẫn quân ra đánh. Lúc hai bên dàn trận rồi, Mã Đằng, Hàn Toại sóng ngựa cùng ra trước trận, trỏ Lý Mông, Vương Phương nói rằng:
– Giặc phản nước kia, ai ra bắt lấy nó!
Nói chưa dứt lời, có tướng trẻ tuổi, mặt đẹp như ngọc, mắt sáng như sao, mình hổ tay vượn, bụng beo lưng sói, tay cầm một ngọn giáo dài, mình cưỡi con ngựa đẹp đẽ từ trong trận tế ra.
Tướng ấy vốn là con Mã Đằng, tên Mã Siêu, tự là Mạnh Khởi, mới có mười bảy tuổi, khoẻ mạnh không ai bằng.
Vương Phương thấy Siêu còn bé khinh thường, nhảy ngựa lại đánh. Chưa được mười hiệp, Mã Siêu đâm Phương chết ngã xuống đất, rồi quay ngựa trở về.
Lý Mông thấy Phương chết, tế ngựa theo sau Mã Siêu để đánh trả thù. Siêu cứ lững thững đi trở về làm ra vẻ không biết. Mã Đằng ở cửa trận gọi to: “Đằng sau có người đuổi theo”. Đằng nói chưa dứt lời, đã thấy Mã Siêu bắt sống Lý Mông ngay ở trên mình ngựa. Té ra Siêu vẫn biết có Mông đuổi, lờ như không trông thấy, đợi cho Mông đến, phóng dao ra đâm. Siêu mới tránh sang một bên, Mông đâm hụt, hai con ngựa giáp nhau. Siêu bấy giờ mới quờ tay vượn ra bắt sống được Mông.
Quân Lý Mông không có chủ, chạy trốn tán lạc cả. Mã Đằng, Hàn Toại thừa thế đuổi đánh, thắng to, xông thẳng đến cửa thành hạ trại rồi đem Lý Mông ra chém bêu đầu.
Lý Thôi, Quách Dĩ thấy Mông, Phương cùng bị giết cả, mới tin là Giả Hủ có tài biết trước, bấy giờ mới nhất định dùng kế của Hủ, chỉ giữ vững các cửa thành, mặc bên kia khiêu chiến thế nào cũng không ra. Quả nhiên chưa được hai tháng, quân Mã Đằng, Hàn Toại cạn lương, hai tướng phải bàn nhau rút quân về.
Giữa lúc ấy thì ở trong thành đầy tớ Mã Vũ ra thú với lũ Lý, Quách, kháo rằng chủ nó cùng với Lưu Phạm, Chủng Thiệu liên kết với Mã Đằng, Hàn Toại để làm nội ứng. Lý, Quách giận lắm bắt hết cả già trẻ, lớn bé ba nhà đem ra chợ chém, rồi mang ba đầu lâu ra bêu trước cửa thành.
Mã Đằng, Hàn Toại thấy quân lương đã hết, nội ứng lại bị tiết lộ, phải nhổ trại đem quân về. Lý, Quách sai Trương Tế đem quân đuổi Mã Đằng, sai Phàn Trù đem quân đuổi Hàn Toại. Quân Tây Lương thua to, may được Mã Siêu đi hậu quân đánh lùi được quân Trương Tế.
Phàn Trù đuổi Hàn Toại, dần dần đuổi kịp, gần đến Trần Thương, Hàn Toại quay ngựa lại bảo Trù rằng:
– Tôi với ông người cùng làng với nhau, nay sao vô tình quá thế!
Trù thấy nói dừng ngựa lại nhìn rồi nói rằng:
– Có lệnh trên sai, ta phải tuân theo!
Toại lại nói:
– Tôi lại đây cũng vì việc nước, sao lại quá bức bách nhau như thế?
Trù nghe xong quay ngựa lại, thu quân trở về, để cho Toại đi. Không ngờ có cháu Lý Thôi là Lý Biệt đi theo sau, thấy Phàn Trù tha Hàn Toại, về mách với chú. Thôi giận lắm muốn đem binh ra đón đánh Phàn Trù. Giả Hủ lại can rằng:
– Nay nhân tâm chưa được yên, mà cứ dấy binh mãi mãi không nên, sao bằng mở một tiệc rượu, mời Trương, Phàn đến để mừng công, rồi đang cuộc rượu bắt Trù đem chém chẳng phải khó nhọc gì.
Lý Thôi ưng theo kế ấy, bèn mở tiệc mời hai người đến. Trương, Phàn hớn hở đến ăn yến. Đang giữa tiệc Lý Thôi sầm mặt lại rồi hỏi rằng:
– Phàn Trù sao dám tư thông với Hàn Toại, định làm phản hay sao?
Trù giật nảy mình, chưa kịp trả lời thì mấy tay đao phủ đã vào kéo Trù ra, chém ngay trước tiệc. Trương Tế trông thấy khiếp đảm, cúi rạp xuống tận đất. Lý Thôi nâng Tế dậy mà nói rằng:
– Trù mưu phản, nên ta phải giết. Người là tâm phúc với ta, việc gì mà sợ.
Nói rồi Thôi đem quân của Trù, giao cho Tế quản lĩnh. Tế dẫn quân về Hoằng Nông.
Từ khi Lý Thôi, Quách Dĩ đánh được quân Tây Lương, chư hầu không ai dám chống lại. Giả Hủ lại khuyên rằng:
– Phải cốt giữ cho dân được yên; phải thu dùng những người hiền tài.
Từ bấy giờ trở đi triều đình mới hơi thấy có vẻ dễ chịu.
Nhưng không ngờ lại có đám giặc Khăn Vàng ở Thanh Châu nổi dậy, tụ quân vài mươi vạn khởi loạn, cướp bóc của dân. Thái bộc là Chu Tuấn xin tiến cử một người để đi dẹp giặc.
Thôi, Dĩ hỏi ai. Tuấn nói:
– Muốn phá giặc Sơn Đông, phi Tào Tháo không xong.
Lý Thôi nói:
– Bây giờ Tào Tháo ở đâu?
Chu Tuấn thưa:
– Hiện Tháo đang làm thái thú Đông Quận, trong tay có nhiều quân sĩ, giá sai người này đi đánh giặc, thì không mấy bữa giặc sẽ tan.
Lý Thôi mừng lắm, ngay đêm hôm ấy thảo tờ chiếu cho người mang ra Đông Quận, sai Tào Tháo cùng với tướng Tế Bắc là Pháo Tín đi đánh giặc. Tháo vâng chiếu họp với Pháo Tín, cùng tiến quân đánh giặc ở Thọ Dương.
Pháo Tín vào đất giặc, bị giặc giết chết. Còn Tào Tháo đuổi giặc đến tận Tế Bắc, giặc hàng vài vạn người. Tháo lại dùng ngay giặc làm tiền khu, quân đi đến đâu, giặc hàng đến đấy. Mới được hơn một trăm ngày chiêu an được hơn bốn mươi vạn quân hàng. Vừa đàn ông, đàn bà kéo lại theo Tháo hơn một triệu người. Tháo tuyển lấy những quân tinh nhuệ, đặt riêng một cánh quân gọi là quân Thạch Châu, còn bao nhiêu đuổi về cho làm ruộng. Từ đó uy danh Tào Tháo mỗi ngày một lừng lẫy, tiếng đồn về đến tận kinh, triều đình phong cho Tháo làm Chấn đông tướng quân.
Tào Tháo ở Duyện Châu chiêu mộ thu dùng những người hiền sĩ.
Ở làng Dĩnh Âm châu Dĩnh Xuyên, có một nhà hai chú cháu cùng đi theo Tào Tháo. Người chú họ Tuân tên Úc, tự là Văn Nhược, nguyên là con Tuân Côn. Úc trước đã thờ Viên Thiệu, bây giờ bỏ Thiệu về với Tháo. Tháo cùng Úc nói chuyện xong rồi mừng lắm nói rằng: “Người này là Tử Phòng[1] của ta đây!”, rồi cho làm hành quân tư mã.
Người cháu tên là Tuân Du, tên chữ là Công Đạt, vốn có tiếng là một danh sĩ, trước đã làm hoàng môn thi lang, sau bỏ quan về làng, nay theo chú sang với Tào Tháo. Tháo cho làm hành quân giáo thụ.
Tuân Du lại nói với Tháo rằng:
– Tôi nghe ở Duyện Châu có một người hiền sĩ, vốn ở Đông An, họ Trình tên Dục, tự là Trọng Đức, nhưng không biết bây giờ ở đâu? Người ấy chúa công nên dùng.
Tháo nói:
– Ta đã biết tiếng Trình Dục từ lâu.
Nói rồi sai người về tận Đông An để hỏi cho được, thấy họ bảo rằng: Trình Dục đang ở trong núi đọc sách. Tháo cho mời ra, Trình Dục đến bái kiến, Tháo mừng lắm.
Dục lại bảo với Tuân Úc rằng:
– Tôi là người quê kệch, học hành chưa được mấy, không xứng đáng với sự tiến cử của ông. Nay tôi biết có một người cùng làng với ông, tên là Quách Gia, tự là Phụng Hiếu, người ấy thực là hiền sĩ thời nay. Sao ông không triệu ra?
Úc sực nhớ đến nói rằng:
– Suýt nữa tôi quên mất người ấy!
Úc nói chuyện ngay với Tháo. Tháo cho đi mời Quách Gia. Gia đến Duyện Châu bàn việc thiên hạ với Tào Tháo, rồi lại tiến Tháo một người nữa, dòng dõi vua Quang Vũ, người Thanh Đức, họ Lưu tên Hoa, tự là Tử Dương.
Tháo cho mời Hoa đến. Hoa lại tiến hai người nữa, một người ở Sương Ấp, họ Mãn tên Sủng, tự là Bá Ninh; người nữa ở Vũ Thành, họ Lã tên Kiền, tự là Tử Khác. Tháo cũng đã biết tiếng hai người ấy, cho nên đặt ngay làm trung quân tùng sự.
Hai người lại tiến Tháo một người nữa, họ Mao tên Giới, ở Bình Kỳ, tự là Hiếu Tiên. Tháo cũng cho làm tùng sự.
Được ít bữa lại có một tướng nữa, đem vài trăm quân mã lại xin theo Tháo, người ở Cự Binh, tên là Vu Cấm, tự là Văn Tắc. Tháo thấy người ấy bắn cung cưỡi ngựa giỏi, võ nghệ hơn người, liền cho làm điển quân tư mã.
Một hôm Hạ Hầu Đôn lại dắt một người cực to lớn lại ra mắt Tào Tháo. Tháo hỏi ai, Đôn thưa rằng:
– Người ấy ở Trần Lưu, họ Điển tên Vi, sức khoẻ không ai địch nổi. Trước Vi đã theo Trương Mạc, liền giết vài mươi người rồi trốn vào núi ở. Tôi đi săn gặp Điển Vi đang đuổi hổ nhảy qua suối, nay tôi đem về dâng chúa công.
Tháo nói:
– Ta xem người này tướng mạo khôi ngô, tất là người có sức khoẻ.
Đôn lại nói:
– Điển Vi từng báo thù cho bạn, giết người xách đầu ra ngoài chợ, hàng mấy trăm người không dám đến gần. Y sử dụng được hai ngọn kích sắt, nặng hơn tám mươi cân, cắp ngồi trên ngựa, vung múa nhẹ như bay.
Tào Tháo lập tức sai Vi ra thử kích.
Vi cắp đôi kích lên ngựa nhẹ nhàng đi lại như bay.
Bỗng bấy giờ có một cơn gió to, lá cờ lớn trồng dưới trướng lung lay sắp đổ. Quân sĩ lại xúm xít ôm giữ không nổi.
Điển Vi thấy vậy, từ trên ngựa nhảy xuống, quát to một tiếng, đuổi quân sĩ lui ra, rồi một tay nắm chắc lấy, cột cờ đứng im phăng phắc giữa luồng gió.
Tháo thấy thế mừng nói rằng:
– Người này thực là Ác Lai[2] ngày xưa đây!
Liền cho làm tướng đô uý, cởi ngay áo gấm đang mặc cho Điển Vi, lại cho thêm một con ngựa thực tốt và một bộ yên chạm.
Từ bấy giờ bộ hạ Tào Tháo, văn có người tài, vũ có tướng giỏi, uy danh lừng lẫy cả Sơn Đông. Tháo bèn sai thái thú Thái Sơn là Ung Thiệu, về quân Lương Gia đón bố là Tào Tung.
Tung trước ở Trần Lưu, từ khi loạn lánh sang ở Lương Gia. Bấy giờ tiếp được thư bèn cùng em là Tào Đức và người nhà hơn bốn mươi người, lại đem hơn một trăm đầy tớ, ngồi mấy trăm cỗ xe, kéo nhau về Duyện Châu.
Lúc đi qua Từ Châu, quan thái thú ở đấy là Đào Khiêm, tên chữ là Cung Tổ, người ôn hậu hoà nhã, vốn xưa nay vẫn muốn làm quen với Tào Tháo, nay thấy bố Tào Tháo đi qua địa hạt mình bèn thân hành ra đón chào lạy cung kính, mở tiệc khoản đãi mấy ngày liền. Lúc Tung đi, Khiêm thân đưa ra khỏi thành, rồi lại sai đô uý là Trương Khải đem năm trăm bộ binh đi hộ tống.
Khi Tung và người nhà đi đến địa giới đất Hoa và Phí, bấy giờ vào cuối hạ sang thu, bỗng gặp cơn mưa to, phải vào nghỉ nhờ một ngôi chùa. Sư tăng trong chùa ra tiếp. Tung thu xếp cho người nhà nơi ăn chỗ nghỉ, rồi sai Trương Khải đem quân mã đóng hai bên hành lang chùa.
Bị mưa ướt cả quần áo và hành trang, quân sĩ đều kêu ca oán thán. Trương Khải mới gọi những đầu mục thủ hạ đến một chỗ vắng và bảo rằng:
– Chúng ta vốn là dư đảng Khăn Vàng, bất đắc dĩ phải đầu hàng Đào Khiêm. Từ ấy đến giờ chưa thấy được lợi lộc gì. Nay của cải nhà họ Tào chất đầy bao nhiêu xe cộ, các anh em muốn phú quý, cũng chẳng khó gì. Canh ba đêm hôm nay, chúng ta bổ cửa chùa vào giết hết cả nhà Tào Tung, lấy sạch của cải, rồi ta lại cùng nhau về rừng làm nghề lạc thảo, kế ấy anh em nghĩ thế nào?
Quân sĩ đều cùng thuận cả.
Đêm hôm ấy mưa gió chưa dứt. Tung đương ngồi bỗng nghe thấy bên ngoài bốn mặt có tiếng hò reo rầm rĩ. Tào Đức cầm gươm ra xem việc gì, bị đâm chết ngay.
Tung vội vàng dắt một người thiếp chạy vào buồng phương trượng, định nhảy qua tường đi trốn, chẳng may phải người thiếp to béo không ra lọt. Tung vội vàng cùng người thiếp ẩn vào trong chuồng tiêu, rồi cả hai đều bị loạn quân giết mất.
Ung Thiệu là người Tào Tháo sai đi đón bố, chạy thoát, sang ở với Viên Thiệu.
Khải giết hết cả nhà Tào Tung, lấy sạch của cải, đốt chùa, đem năm trăm quân trốn về Hoài Nam.
Đời sau có thơ rằng:
A Man vốn có tiếng gian hùng
Hại cả nhà Sa thật nhẫn lòng
Bỗng chốc gặp ngay người khác hại
Lòng giời báo ứng khiếp hay không?
Bấy giờ bộ hạ Ung Thiệu có một người trốn được về báo với Tào Tháo.
Tháo nghe tin khóc lăn xuống đất, mọi người vực dậy, Tháo nghiến răng lại nói rằng:
– Đào Khiêm hỡi! Dám thả cho quân giết bố tao. Thù này mày với tao không đội trời chung được! Nay ta khởi hết đại quân, sang giết sạch cả Từ Châu mới hả được giận này!
Liền sai Tuân Úc, Trình Dục lĩnh ba vạn quân ở lại giữ Nhân Thành, Phạm Huyện, Đông An, còn bao nhiêu quân kéo cả đến Từ Châu, sai Hạ Hầu Đôn, Vu Cấm, Điển Vi làm tiên phong. Tháo hạ lệnh rằng:
– Hễ đánh được thành trì nào, bao nhiêu dân trong thành đều phải đem giết nhẵn để báo thù cho cha ta.
Bấy giờ có thái thú ở Cửu Giang tên là Biên Nhượng vốn là bạn thân với Đào Khiêm, nghe thấy Từ Châu có nạn, đem năm nghìn quân lại cứu.
Tháo nghe thấy giận lắm, sai Hạ Hầu Đôn đón đường giết chết Biên Nhượng.
Trần Cung khi ấy làm tùng sự ở Đông Quận, chơi rất thân với Đào Khiêm, nghe thấy tin Tào Tháo khởi binh báo thù cho cha, định giết cả dân Từ Châu, sáng tinh sương hôm ấy đến xin vào ra mắt Tào Tháo. Tháo biết rằng Cung vào để nói cho Đào Khiêm, đã toan không tiếp sau lại nghĩ đến ân cũ nghĩa xưa, nên phải mời vào. Cung vào nói rằng:
– Nay tôi nghe thấy ông đem đại binh đến Từ Châu, báo thù cho tôn phụ, ông định đi đến đâu giết sạch muôn dân, cho nên tôi đến đây xin trình bày một lời. Đào Khiêm vốn là hiền nhân quân tử, phải là tội của Trương Khải, chứ không phải là tội của Khiêm. Vả lại, dân chúng các châu huyện có thù gì với tướng quân, xin tướng quân nghĩ lại cho kỹ rồi sẽ làm.
Tháo nổi giận nói rằng:
– Trước kia ông đã bỏ ta mà đi, nay còn mặt mũi nào lại trông thấy nhau? Đào Khiêm nó giết cả nhà ta, ta thề moi ruột móc gan nó ra, mới hả được giận. Ông làm thuyết khách cho Đào Khiêm, nhưng ta chẳng nghe, thì làm thế nào?
Trần Cung từ biệt Tào Tháo trở ra, than rằng:
– Chuyến này ta cũng không mặt nào trông thấy Đào Khiêm nữa!
Nói rồi giục ngựa sang với thái thú Trần Lưu là Trương Mạc.
Tào Tháo đi đến đâu cũng cho quân tàn hại dân chúng đến đấy, đào mồ quốc mả người ta, ai ai cũng sợ.
Đào Khiêm ở Từ Châu nghe thấy Tháo giết dân hại lắm, bèn ngửa mặt lên trời mà khóc rằng:
– Ta để cho dân Từ Châu mắc phải nạn này, phải mang tội với trời đất!
Rồi lập tức họp các quan lại để bàn. Tào Báo nói:
– Quân Tào đã đến nơi, lẽ đâu ta lại ngồi khoanh tay mà chịu chết. Tôi xin giúp sứ quân phá giặc.
Đào Khiêm bất đắc dĩ phải đem quân ra đón, xa trông thấy quân Tháo trắng xoá, tựa hồ như sương sa tuyết toả, ở trung quân dựng hai lá cờ trắng, trên đề bốn chữ to “Báo thù rửa hận”.
Quân mã dàn thành thế trận, Tào Tháo cưỡi ngựa ra, mình mặc đồ tang trỏ roi thét mắng.
Đào Khiêm cũng cưỡi ngựa ra dưới cửa cờ, nghiêng mình, vái mà nói rằng:
– Ta vốn muốn kết hiếu với minh công, nên mới sai Trương Khải đi hộ tống. Không ngờ tướng giặc Trương Khải, ngựa quen đường cũ; đến nỗi xảy ra việc như thế. Quả tình tôi oan, xin minh công xét kỹ cho.
Tháo quát mắng rằng:
– Thằng già kia, mày đã giết bố tao, còn dám mở mồm? Ai ra bắt sống thằng giặc già kia vào đây!
Hạ Hầu Đôn nhảy ra. Đào Khiêm vội vàng chạy về trận. Đôn xông lại. Tào Báo thúc ngựa ra đánh. Hai ngựa đang giao nhau, bỗng đâu nổi trận gió to, sỏi cát bay mù mịt; hai bên đều thu quân về.
Đào Khiêm vào thành bàn với quân sĩ
– Quân Tào thế to, khó địch lắm. Ta nên tự trói mình, thân đến dinh quân Tào, tuỳ nó hành tội, để cứu lấy dân trong quận Từ Châu!
Khiêm nói chưa dứt lời, có một người tiến lên thưa rằng:
– Sứ quân trấn thủ Từ Châu đã lâu, dân chúng ai cũng cảm phục. Nay quân Tào tuy nhiên, nhưng vị tất, đã phá được thành ngay. Sứ quân hãy cứ cùng với trăm họ giữ thành cho vững. Tôi tuy bất tài, nhưng dám hiến một kế nhỏ, làm cho Tào Tháo chết không có chỗ chôn.
Ai nấy giật mình hỏi kế làm sao?
Thế thực là:
Bởi muốn cầu thân nên kết oán
Ai hay đất tuyệt có đường sinh!
Chưa biết người hiến kế là ai, xem đến hồi sau sẽ rõ.