Tam Quốc diễn nghĩa (La Quán Trung) - Hồi 42
Trương Dực Đức đại náo cầu Trường Bản
Lưu Dự Châu thua chạy cửa Hán Tân
Lại nói Trung Tấn, Trung Thân chặn đường Triệu Vân. Vân hoa giáo đâm, Tấn giơ búa đỡ. Hai ngựa giao nhau, chưa được ba hiệp, Tấn bị Vân đâm một nhát giáo ngã nhào, rồi Vân cướp đường chạy. Trung Thân vác kích đuổi theo, sắp đến sau lưng, ngọn kích chỉ còn cách Triệu Vân có vài tấc. Vân quay đầu ngựa lại, thì hai người chạm vào nhau. Vân tay trái lấy giáo gạt hoạ kích, tay phải rút gươm báu ra, chém một nhát, Thân đứt phăng nửa mũi và nửa mặt. Trung Thân chết lăn xuống đất, quân lính chạy tan cả.
Triệu Vân thoát được, chạy về cầu Trường Bản; lại nghe thấy đằng sau có tiếng reo, thì là Văn Sính dẫn quân đuổi tới. Vân đến đầu cầu thì người ngựa đã mỏi mệt, vẫn thấy Trương Phi cưỡi ngựa đứng trên cầu, liền kêu to:
– Dực Đức cứu ta với!
Phi nói:
– Tử Long cứ chạy cho mau, còn quân đuổi theo cứ mặc ta chống cự.
Vân tế ngựa qua cầu, đi được hơn hai mươi dặm, thì gặp Huyền Đức cùng mọi người đang nghỉ dưới gốc cây. Vân xuống ngựa thụp xuống đất khóc. Huyền Đức cũng khóc. Vân thở hổn hển nói:
– Tội Vân chết vạn lần cũng còn nhẹ. My phu nhân vì bị thương nặng, không chịu lên ngựa, nên gieo mình xuống giếng tự vẫn. Vân phải đạp đổ bức tường đất để lấp giếng đi. Bụng mang công tử, mình phá vòng vây, nhờ hồng phúc của chúa công, may mắn thoát nạn. Vừa nãy công tử còn oe oe ở trong bọc, bây giờ không thấy động đậy gì nữa, hay là thế nào rồi đây…
Vân vội cởi bọc ra xem, thì A Đẩu vẫn ngủ say, Vân mừng rỡ nói:
– May quá công tử không việc gì!
Rồi hai tay nâng đưa cho Huyền Đức.
Huyền Đức đỡ lấy A Đẩu, rồi ném phịch xuống đất nói:
– Vì mày suýt nữa ta mất một viên đại tướng!
Triệu Vân vội vàng cúi xuống đất ôm lấy A Đẩu, khóc lạy, nói:
– Vân dù gan óc lầy đất, cũng không đủ báo được!
Người sau có thơ rằng:
Hổ thiêng vùng vẫy trong quân Tháo,
Rồng nhỏ nằm tròn bọc Tử Long.
Trung ấy lấy gì yên ủi được,
Ném con thu lấy bụng anh hùng.
Lại nói, Văn Sính đem quân đuổi theo Triệu Vân đến cầu Trường Bản, thì gặp Trương Phi, râu hùm vểnh ngược, hai mắt trợn trừng, tay cầm xà mâu, cưỡi ngựa đứng sừng sững trên cầu. Lại thấy sau rừng ở mé đông cầu, bụi bay mù mịt, Sính tưởng có quân phục, dừng ngay ngựa lại, không dám theo nữa. Một lát, Tào Nhân, Lý Điển, Hạ Hầu Đôn, Hạ Hầu Uyên, Nhạc Tiến, Trương Liêu, Hứa Chử lũ lượt kéo đến. Trương Phi vẫn cứ trợn mắt, cầm ngang ngọn mâu đứng sững trên cầu.
Tướng Tào thấy vậy, ai cũng sợ là mẹo của Khổng Minh không dám tiến gần nữa và bày thành thế trận.
Các tướng Tào đứng dàn hàng chữ nhất ở bên tây cầu, rồi sai người phi ngựa báo với Tào Tháo. Tháo nghe tin cũng lật đật lên ngựa chạy đến.
Trương Phi trợn mắt tròn xoe trông thấy hậu quân có tán vóc vàng, mao, việt, tinh, kỳ: đoán biết là Tào Tháo hoài nghi nên đến xem, Phi bèn thét lên một tiếng cực to rằng:
– Ta là Trương Dực Đức nước Yên đây! Ai dám cùng ta quyết một trận tử chiến nào?
Tiếng Phi to như tiếng sấm, quân Tào nghe thấy run cầm cập.
Tào Tháo vội sai cụp tán xuống, ngoảnh lại bảo tả hữu:
– Bây giờ ta mới nhớ lời Vân Trường nói khi trước rằng Trương Dực Đức ở trong đám quân trăm vạn, lấy đầu thượng tướng như thò tay vào túi lấy đồ vật. Nay gặp Dực Đức không nên khinh địch.
Nói chưa dứt lời, Trương Phi lại trợn mắt quát một tiếng nữa:
– Trương Dực Đức người nước Yên đây! Ai dám cùng ta quyết một trận tử chiến nào?
Tào Tháo thấy Trương Phi kiêu dũng như thế, có ý muốn lui.
Trương Phi thấy sau trận Tào hơi rục rịch, lại vác mâu quát to:
– Đánh cũng không đánh, lui cũng chẳng lui, là cớ làm sao?
Phi quát chưa dứt tiếng, Hạ Hầu Kiệt ở bên cạnh Tào Tháo khiếp sợ quá, đứt ruột vỡ gan, ngã nhào xuống ngựa. Thào liền quay ngựa chạy. Quân tướng Tháo thấy vậy cũng nhằm hướng tây chạy cả. Thật là: Đứa con nít miệng còn hôi sữa, chịu làm sao được tiếng sấm sét; kẻ tiều phu ốm yếu sao chịu nổi tiếng gầm của hổ báo? Lúc ấy, người vứt giáo, kẻ rớt mũ, không biết bao nhiêu mà kể. Người như nước trào, ngựa như núi lở, quân lính giày xéo lên nhau.
Đời sau có thơ rằng:
Trường Bản cầu này sát khí sinh,
Ngang mâu, chững ngựa, mắt long lanh.
Bên tai một tiếng vang như sấm,
Khiếp vía quân Tào vội rút nhanh.
Tào Tháo sợ oai Trương Phi, tế ngựa chạy về tây, mũ trâm rơi cả, đầu tóc rũ rượi. Trương Liêu, Hứa Chử phải chạy lên giữ lấy dây cương. Trương Liêu thấy Tào Tháo rụng rời, hết vía bèn nói rằng:
– Thừa tướng đừng sợ, Trương Phi chỉ có một mình thôi! Giờ ta quay binh lại đánh, chắc bắt được Lưu Bị.
Tháo bấy giờ mới hoàn hồn, sai ngay Trương Liêu, Hứa Chử trở lại cầu Trường Bản xem sao.
Nói về Trương Phi thấy quân Tào xô nhau chạy cả, không dám duổi theo, liền truyền cho hai mươi tên kỵ mã đương tế ngựa sau rừng, cởi những cành cây buộc ở đuôi ngựa ra, chặt phá cầu đi, rồi về ra mắt Huyền Đức, thuật lại việc chặt cầu. Huyền Đức nói:
– Em ta dũng cảm thì dũng cảm thực, nhưng tiếc vì mưu mẹo kém.
Phi hỏi sao, Huyền Đức nói:
– Tào Tháo khôn lắm, em chặt cầu đi, tất hắn sắp đem quân đuổi đến bây giờ.
Phi nói:
– Tôi quát mấy tiếng, đẩy lui hắn mấy dặm, đâu còn dám quay đầu lại?
Huyền Đức nói:
– Giá em để nguyên cái cầu, thì hắn tưởng có quân mai phục tất không dám sang. Nay chặt cầu đi, hắn biết mình ít quân sợ hãi, tất hắn đuổi theo. Mà quân hắn hàng trăm vạn, dẫu có qua sông Trường Giang, sông Hán Thuỷ thì lấy người mà lấp cũng được, một cái cầu gãy có coi ra mùi gì?
Nói xong lập tức dẫn cả bọn theo đường nhỏ đi tắt ra Hán Tân theo lối Miện Dương.
Trương Liêu, Hứa Chử đi dò xem tin tức cầu Trường Bản, về báo rằng:
– Trương Phi đã chặt cầu và đi rồi.
Tháo nói:
– Nếu hắn chặt cầu tức là có ý sợ rồi.
Bèn truyền ngay lệnh sai một vạn quân dựng ba nhịp cầu nổi, đến đêm hôm ấy phải xong.
Lý Điển nói:
– Tôi sợ đó là mưu Gia Cát Lượng chăng, không nên khinh tiến.
Tháo nói:
– Trương Phi là một đứa dũng phu, có mưu mẹo gì mà sợ!
Bèn truyền lệnh hoả tốc tiến quân.
Huyền Đức đi gần đến Hán Tân, bỗng thấy phía sau bụi bay mù mịt, trống đánh vang trời, tiếng reo dậy đất liền nói:
– Trước mặt có sông to ngăn trở, sau lưng có quân đuổi theo, làm thế nào bây giờ?
Rồi vội vàng sai Triệu Vân chuẩn bị cự địch.
Tào Tháo truyền lệnh trong quân rằng:
– Nay Lưu Bị như cá trong chậu, như hổ trong cũi nếu không bắt sống lúc này thì khác nào thả cá xuống biển, đuổi hổ về rừng, các tướng nên cố sức!
Quân tướng nghe vậy, ai cũng cố sức đuổi riết. Bỗng sau núi tiếng trống nổi lên, một đội quân mã kéo ra, gọi to lên rằng:
– Ta đợi đây đã lâu rồi!
Tướng đi đầu là Vân Trường, tay vác đao thanh long, cưỡi ngựa xích thố, sang Giang Hạ, mượn được một vạn quân mã, về đến nửa đường dò biết được tin đánh nhau ở Đương Dương, Trường Bản, nên từ đường ấy đánh lại.
Tào Tháo trông thấy Vân Trường, lập tức dừng ngựa, ngoảnh lại bảo các tướng rằng:
– Lại mắc mẹo của Gia Cát Lượng rồi!
Liền cấp tốc truyền lệnh đại quân rút lui.
Vân Trường đuổi theo hơn mười dặm, rồi trở lại bảo vệ bọn Huyền Đức đến Hán Tân. Tới nơi, thấy bè đã trực sẵn rồi, Vân Trường mời Huyền Đức, Cam phu nhân và A Đẩu xuống ngồi yên ổn dưới thuyền. Vân Trường hỏi rằng:
– Chị hai sao không có ở đây?
Huyền Đức bèn thuật lại chuyện ở Đương Dương. Vân Trường than rằng:
– Khi trước săn ở Hứa Điền, nếu theo ý tôi, bây giờ đâu có tai hoạ này!
Huyền Đức nói:
– Ta biết vậy, nhưng lúc đó “Ném chuột sợ vỡ đồ quý” đấy thôi.
Còn đương nói chuyện, bỗng thấy trên bờ nam trống trận thùng thùng, thuyền bè như kiến, thuận buồm xuôi gió đương vùn vụt kéo đến. Huyền Đức giật mình. Khi thuyền lại gần, thấy một tướng mặc bào trắng, giáp bạc, đứng tên mũi thuyền lên tiếng hỏi rằng:
– Thúc phụ lâu nay mạnh khoẻ chứ? Cháu thật có tội to!
Trông ra thì là Lưu Kỳ. Kỳ sang thuyền khóc lạy nói:
– Được tin thúc phụ bị khốn với Tào Tháo, nên cháu đem quân lại tiếp ứng.
Huyền Đức mừng lắm. Hai bên hội quân làm một rồi phóng thuyền đi. Đương đi, bỗng lại thấy phía tây nam có một đội chiến thuyền xếp hàng chữ nhất theo gió lướt tới. Lưu Kỳ giật mình nói:
– Quân Giang Hạ cháu đã huy động hết đến đây rồi, nay lại có chiến thuyền đến chặn đường, nếu không phải là quân Tào Tháo tất là của Giang Đông thôi, làm thế nào bây giờ?
Huyền Đức ra ngoài đứng trông thì thấy một người khăn lượt, áo bào ngồi ở mũi thuyền, té ra là Khổng Minh, có Tôn Càn đứng sau lưng. Huyền Đức vội vàng mời sang thuyền, hỏi sao lại đến đây. Khổng Minh nói:
– Lượng đến Giang Hạ trước hết sai Vân Trường về Hán Tân để lên bộ tiếp ứng. Tôi cũng đoán Tào Tháo thế nào cũng đuổi theo, chúa công thì không đi về Giang Lăng làm gì, tất thế nào cũng tìm đường tắt về Hán Tân; nên tôi mời công tử đến trước để tiếp ứng, còn tôi thì ra Hạ Khẩu đem hết quân lại đây giúp đỡ.
Huyền Đức mừng rỡ, hội quân làm một, rồi bàn kế phá Tào Tháo. Khổng Minh nói:
– Thành Hạ Khẩu hiểm trở, lại nhiều lương thảo có thế giữ được lâu. Xin chúa công hãy đến đóng đồn ở đó. Công tử về ngay Giang Hạ, thu xếp chiến thuyền, sắm sửa khí giới làm thế ỷ đốc, mời có thể chống cự được Tào Tháo. Nếu về cả Giang Hạ thì cô thế lắm!
Lưu Kỳ nói:
– Quân sư dạy rất phải, nhưng tôi lại muốn mời thúc phụ hãy tạm đến Giang Hạ, thu xếp quân mã đâu đấy đã, rồi sẽ về Hạ Khẩu cũng vừa.
Huyền Đức nói:
– Cháu nói cũng phải!
Rồi sai ngay Vân Trường lĩnh năm nghìn quân đến giữ Hạ Khẩu; Huyền Đức, Khổng Minh, và Lưu Kỳ cùng sang Giang Hạ.
Hãy nói, Tào Tháo gặp Vân Trường chặn mất đường, nghi có quân mai phục, không dám đuổi theo; lại sợ đường thuỷ bị Huyền Đức cướp mất Giang Lăng trước, nên cấp tốc kéo quân đến Giang Lăng. Quan thị trung là Đặng Nghĩa và quan biệt giá là Lưu Tiên đã biết hết việc Tương Dương rồi, liệu không địch nổi với Tào Tháo, bèn dẫn quân dân Kinh Châu ra hàng.
Tào Tháo vào thành yên dân xong, tha cho Hàn Tung bị giam và phong cho làm đại hồng lô. Các quan viên đều được phong thưởng cả. Tào Tháo bàn với các tướng rằng:
– Nay Lưu Bị đã sang Giang Hạ, sợ hắn cấu kết với Đông Ngô, thì càng khó trị, phải tìm kế trừ ngay đi mới được.
Tuân Du nói:
– Nay nên huy động đại quân để ra oai rồi sai người đưa hịch đến Giang Đông, mời Tôn Quyền hội săn ở Giang Hạ, cùng bắt Lưu Bị, chia sẻ Kinh Châu và kết đồng minh vĩnh viễn với nhau. Tôn Quyền tất sợ hãi lại hàng, thì việc của ta chắc thành công.
Tháo nghe kế ấy, lập tức ra hịch sai sứ sang Giang Đông, một mặt điểm quân mã, quân bộ và quân thuỷ, cả thảy tám mươi ba vạn, lại nói thăng lên những một trăm vạn quân; thuỷ lục đều tiến, quân thuyền quân kỵ cùng đi, theo dọc bờ sông Trường Giang kéo đến; phía tây nối liền với đất Kinh Giáp, phía đông tiếp giáp Kỳ Hoàng, doanh trại nối với nhau dài hơn ba trăm dặm.
Nói về Giang Đông, Tôn Quyền đương đóng quân ở quận Sài Tang, được tin đại quân Tào Tháo đến Tương Dương; Lưu Tôn đã ra hàng, mà quân Tào lại sớm khuya đi gấp đường đến lấy lại Giang Lăng. Quyền bèn họp các mưu sĩ lại bàn kế phòng thủ.
Lỗ Túc nói:
– Kinh Châu tiếp giáp nước ta, giang sơn hiểm trở, nhân dân giàu có, nếu chiếm được đất ấy thì đủ để xây nghiệp đế vương. Nay Lưu Biểu mới chết, Lưu Bị mới thua, tôi xin phụng mệnh sang Giang Hạ viếng tang, nhân tiện bảo Lưu Bị phủ dụ các tướng của Lưu Biểu, đồng tâm hiệp lực với ta để phá Tào Tháo, nếu Bị vui lòng nghe theo thì việc lớn phải xong.
Quyền đồng ý, lập tức sai Lỗ Túc đem lễ vật sang Giang Hạ viếng tang.
Lại nói Huyền Đức đến Giang Hạ cùng với Khổng Minh và Lưu Kỳ bàn việc, Khổng Minh nói:
– Tào Tháo thế to lắm, khó lòng địch nổi, không bằng ta sang nhờ Tôn Quyền ở Giang Đông để làm ứng viện. Nam, Bắc hai bên giữ miếng với nhau, ta ở giữa kiếm lợi, có gì mà chẳng được.
Huyền Đức nói:
– Giang Đông lắm mưu thần giỏi, nhìn xa thấy rộng, sao họ chịu nạp ta!
Khổng Minh cười đáp rằng:
– Nay Tào Tháo dàn quân trăm vạn, chiếm cứ Giang Hán; tất nhiên Giang Đông phải cho người lại đây dò la xem hư thực thế nào? Nhược bằng có sứ đến, tôi xin mượn một cánh buồm thuận gió đến thẳng Giang Đông, chỉ ba tấc lưỡi đủ làm cho hai quân nam bắc thôn tính lẫn nhau. Nếu quân nam được ta dùng đánh Tào Tháo, lấy đất Kinh Châu. Nếu quân bắc được, ta thừa thế tính lấy Giang Nam cũng nên.
Huyền Đức nói:
– Kế ấy rất hay, nhưng làm thế nào khiến cho Giang Đông sai người đến đây được?
Vừa nói dứt lời, có tin báo rằng:
– Tôn Quyền ở Giang Đông sai Lỗ Túc lại viếng tang, thuyền đã ghé bờ.
Khổng Minh cười nói:
– Việc to chắc xong!
Rồi hỏi luôn Lưu Kỳ:
– Ngày trước Tôn Sách mất, Tương Dương có sai người sang viếng không?
Kỳ đáp:
– Giang Đông với nhà tôi có tử thù[1], đâu có đi lại hiếu hỉ?
Khổng Minh nói:
– Thế thì Lỗ Túc đến đây, không phải để viếng tang mà là để dò xét tình hình ta đó thôi.
Lại bảo với Huyền Đức rằng:
– Hễ Lỗ Túc hỏi đến việc động tĩnh của Tào Tháo thì chúa công cứ một mực nói không biết. Hễ hỏi đến hai ba lần, thì bấy giờ chúa công bảo hắn hỏi Gia Cát Lượng.
Bàn định xong xuôi bèn sai người ra đón Lỗ Túc vào. Túc vào viếng tang xong, Lưu Kỳ nhận đồ phúng rồi mời Túc đến gặp Huyền Đức. Huyền Đức rước vào nhà trong uống rượu, Túc nói:
– Lâu nay, nghe thấy đại danh hoàng thúc, nhưng chưa có dịp nào được bái kiến, nay được gặp thực là hân hạnh. Mới đây, hoàng thúc đánh nhau với Tào Tháo, tất biết rõ tình hình. Dám hỏi quân Tào Tháo ước được độ bao nhiêu?
Huyền Đức đáp:
– Tôi binh mọn tướng ít, Tháo đến là chạy, còn biết gì đến tình hình bên ấy như thế nào.
Túc nói:
– Tôi nghe hoàng thúc dùng mưu của Khổng Minh, hai phen đánh hoả công làm cho Tào Tháo kinh hồn lạc phách, sao hoàng thúc lại bảo không biết?
Huyền Đức nói:
– Hoạ chăng hỏi Khổng Minh thì mới biết được rõ.
Túc nói:
– Khổng Minh ở đâu, xin cho được gặp một chút.
Huyền Đức sai mời Khổng Minh ra. Túc vái chào rồi hỏi:
– Xưa nay vẫn mộ tài đức tiên sinh, chưa được bái kiến bao giờ. Nay may mắn được gặp, xin cho biết việc an nguy ngày nay.
Khổng Minh nói:
– Mưu gian của Tào Tháo tôi đã biết cả, chỉ giận sức mình chưa đủ, nên còn tạm lánh đó thôi.
Túc lại hỏi:
– Hoàng thúc nay định ở đây hay đi đâu?
Khổng Minh đáp:
– Sứ quân tôi có quen thái thú Ngô Thần ở Thương Ngô, nay sắp sang đó để nhờ.
Túc nói:
– Ngô Thần lương khan binh ít, giữ mình còn chẳng nổi, cho ai nhờ được?
Khổng Minh nói:
– Chỗ ấy tôi cũng biết không ở lâu được, nay hãy nương tạm, rồi sau sẽ liệu kế khác.
Túc nói:
– Tôn tướng quân tôi hùng cứ sáu quận, binh giỏi lương nhiều, lại kính hiền trọng sĩ, anh hùng miền Giang Đông nhiều người quy phục. Nay xin hiến ông một kế. Chi bằng tiên sinh sai người tâm phúc sang liên kết với Đông Ngô để cùng mưu toan việc lớn.
Khổng Minh nói:
– Lưu sứ quân cùng với Tôn tướng quân xưa nay không được quen nhau, sợ uổng mất lời. Vả lại không có ai là tâm phúc có thể sai đi được.
Túc nói:
– Lệnh huynh Gia Cát Cẩn hiện đang làm tham mưu ở Giang Đông, đêm ngày mong được gặp tiên sinh. Tôi tuy không có tài, xin cùng tiên sinh vào ra mắt Tôn tướng quân để bàn việc lớn.
Huyền Đức nói:
– Khổng Minh là thầy ta, rời ta một lúc không xong, đi thế nào được?
Túc cố nài ba bốn lần, Huyền Đức cứ giả vờ không nghe. Khổng Minh nói:
– Việc đã kíp rồi, tôi xin phụng mệnh đi một chuyến.
Huyền Đức bấy giờ mới đồng ý.
Lỗ Túc đứng dậy từ biệt Huyền Đức, Lưu Kỳ, rồi cùng với Khổng Minh lên thuyền đến quận Sài Tang.
Ấy là:
Chỉ bởi con thuyền Gia Cát chạy
Khiến cho tướng sĩ giặc Tào tan.
Chưa biết Khổng Minh đi chuyến này ra thế nào, xem đến hồi sau sẽ rõ.