Giới thiệu
Ngô Tất Tố và tiểu thuyết “Tắt đèn”
Ngô Tất Tố (1893 – 1954), quê ở làng Lộc Hà, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là Đông Anh, Hà Nội); xuất thân là một nhà nho gốc nông dân. Ông là một học giả uyên bác, tác giả của nhiều công trình nghiên cứu phê bình triết học cổ đại Trung Quóc, văn học cổ Việt Nam; là một nhà báo tiến bộ giàu tính chiến đấu, một nhà văn hiện thực xuất sắc trước Cách mạng.
Tác phẩm văn học chính: các tiểu thuyết “Tắt đèn” (1939), “Lều chõng” (1940), phóng sự “Việc làng” (1940).
Sau Cách mạng, Ngô Tất Tố hăng hái sáng tác phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc.
“Tắt đèn” (đăng báo năm 1937, in thành sách lần đầu năm 1939), tác phẩm văn học tiêu biểu nhất của Ngô Tất Tố, là “một thiên tiểu thuyết hoàn toàn phụng sự dân quê, một áng vắn có thể gọi là kiệt tác” (lời Vũ Trọng Phụng trên báo Thời vụ, 1939).
“Tắt đèn” viết về tình cảnh khổ cực, tối tăm của người nông dân bị áp bức bóc lột tàn tệ lúc bấy giờ. Đó chính là mối quan tâm thiết tha từ lâu của Ngô Tất Tố và trở thành đề tài chủ yếu, tâm huyết nhất của nhà văn. Ngô tất Tố chẳng những thấu hiểu sâu sắc đời sống nông thôn mà còn có tình cảm gắn bó máu thịt với những người nông dân nghèo khổ. Đó chính là nguyên nhân chủ yếu của sự thành công của Ngô Tất Tố trong “Tắt đèn”.
Tóm tắt nội dung tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố
Câu chuyện diễn ra trong một vụ thuế ở một làng quê. Bọn hào lí trong làng ra sức lùng sục, tra khảo những người nông dân nghèo thiếu thuế. Gia đình anh Dậu thuộc loại nghèo nhất làng, phải chạy vạy ngược xuôi khốn khổ để có tiền nộp suất sưu, “món nợ nhà nước”.
Anh Dậu đang ốm nặng vẫn bị đánh trói và cùm kẹp ở ngoài đình làng. Chị Dậu đành phải dứt ruột đem cái Tí, đứa con gái lớn lên 7 của chị, bán cho nhà lão Nghị Quế thôn Đoài. Lợi dụng tình cảnh của chị, vợ chồng lão Nghị keo kiệt, độc ác đã ép chị bán cái Tí và bán cả ổ chó mới đẻ của chị với giá hết sức rẻ mạt. Cộng với mấy hào bán gánh khoai, chị Dậu tưởng vừa đủ nộp tiền sưu cho chồng và anh được tha về; nào ngờ, bọn hào lí lại bắt chị phải nộp cả suất sưu của người em chồng đã chết từ năm ngoái.
Anh Dậu, vì đang ốm nặng mà bị cùm trói hành hạ, đã rũ như xác chết, được khiêng trả về nhà. Sáng hôm sau, khi anh chỉ vừa mới tỉnh lại một lát thì hai tên tay sai của bọn hào lí xông vào định trói bắt mang đi nữa. Chị Dậu cố van xin thiết tha nhưng không được, đã liều mạng chống trả lại quyết liệt, quật ngã cả hai tên tay sai. Chị bị bắt giải lên huyện. Tên quan phủ Tư Ân lợi dụng cảnh ngộ của chị định giở trò bỉ ổi. Chị Dậu đã cưỡng lại dữ dội, ném cả nắm giấy bạc vào mặt hắn và chạy thoát ra ngoài…
Cuối cùng, chỉ dành gửi con để lên tỉnh đi ở vú cho nhà lão quan phủ đang cần sữa người bổ dưỡng cho “quan cố” đã ngoài 80 tuổi… Trong một đêm “tắt đèn”, lão quan phủ đã mò vào buồng chị Dậu… Chị vùng chạy thoát ra ngoài, trong lúc trời tối đen như mực.
Tiểu thuyết “Tắt đèn” là một bức tranh xã hội chân thực, một bản án đanh thép
Truyện lấy đề tài từ nạn sưu thuế ở thôn quê Việt Nam khi đó. Chọn viết về nạn thân – thứ thuế rất vô lí, dã man, đã đẩy bao nông dân vào cảnh tan cửa nát nhà, bán vợ đợ con và dồn câu chuyện vào trong mấy ngày của vụ thuế ở một làng quê, tác giả đã phản ánh xã hội nông thôn đương thời một cách tập trung, điển hình nhất, làm nổi bật lên thực trạng của cái xã hội ấy. Chính trong vụ thuế, bộ mặt tàn bạo dã man của chế độ thực dân phong kiến, của các tầng lớp thống trị ở nông thôn đã bị phơi trần, đồng thời tình cảnh thê thảm của người nông dân bị áp bức bóc lột cũng bộc lộ đầy đủ hơn lúc nào hết.
Tuy số trang không nhiều, “Tắt đèn” đã vạch ra đủ mặt các lực lượng thống trị ở nông thôn đương thời. Đó là tầng lớp địa chủ giàu có mà keo kiệt độc ác, bọn cường hào hống hách, tham lam, lũ quan lại dâm ô bỉ ổi, bọn tay sai đầu trâu mặt ngựa hung ác. Đằng sau bọn chúng còn thấy thấp thoáng bóng “ông Tây”. Với sự hiểu biết sâu sắc và với thái độ khinh ghét cao độ những hạng người bất nhân bất nghĩa đó, Ngô Tất Tố đã dựng nên một loạt hình tượng nhân vật phản diện rất sinh động, có khi chỉ bằng vài nét phác họa sắc sảo. Bọn chúng mỗi tên mỗi vẻ nhưng đều rất giống nhau ở bản chất tàn ác, ở tư cách đê tiện, đều không chút tính người. Có thể nói, “Tắt đèn” vừa là bức tranh rất mực chân thực về xã hội nông thôn đen tối trước Cách mạng, vừa là bản án đanh thép đối với xã hội ấy.
Chị Dậu – một hình tượng chân thực, đẹp đẽ về người phụ nữ nông dân
Chị Dậu là hình tượng nhân vật trung tâm, là linh hồn của “Tắt đèn”. Với hình tượng chị Dậu, Ngô Tất Tố đã thành công xuất sắc trong việc thể hiện người phụ nữ nông dân lao động trước Cách mạng.
Tình cảnh điêu đứng khốn khổ của chị Dậu trong mấy ngày của vụ thuế là tiêu biểu cho số phận đau thương, tăm tối của hàng triệu phụ nữ nông dân đương thời. Chị Dậu cũng có tuổi thơ hồn nhiên như mọi trẻ em nông thôn, nhưng vốn nhà nghèo chị đã chịu khổ từ bé; đến khi lấy chồng thì chị cùng chồng “đầu tắt mặt tối không dám chơi không ngày nào” mà vẫn “cơm không đủ ăn, áo không dù mặc”. Sau hai cái tang mẹ chồng và em chồng thì gia đình chị “lên đến bậc nhì, bậc nhất trong hạng cùng đinh”. Rồi tới vụ thuế, bao nhiêu tai họa cứ dồn dập kéo đến: anh Dậu đau ốm vẫn bị cùm trói, chị phải bán con để cứu chồng, bản thân chị cũng bị đánh đập hành hạ, bị bắt lên quan, bị chúng toan giở trò bỉ ổi…
Cũng như những nhân vật phụ nữ trong truyện cổ tích, truyện Nôm xưa, chị Dậu gặp “hết nạn nọ đến nạn kia”, nhưng chính trong gian truân hoạn nạn, vẻ đẹp tâm hồn của chị càng ngời sáng.
Nét nổi bật nhất ở chị Dậu là tấm lòng yêu thương chồng con tha thiết, là tính vị tha, đức hi sinh. Với người chồng ốm đau bị cùm kẹp, chị ra sức tìm mọi cách cứu anh. Chính chị đã đứng lên quật ngã hai tên tay sai hung ác của bọn thống trị để che chở cho anh Dậu. Sức mạnh dữ dội bất ngờ của chị khi đó chính là sức mạnh của tình yêu thương. Chị như đứt từng khúc ruột khi phải quyết định đem con đi bán. Người mẹ khốn khổ ấy cứ day dứt không nguôi nghĩ đến đứa con bé bỏng hiếu thảo, ngoan ngoãn phải đem bán cho nhà giàu để cứu cha… Hầu như tất cả tâm trí của chị lúc nào cũng dành cho chồng, cho con. Có thể nói những trang cảm động nhất của “Tắt đèn” chính là những trang thể hiện tấm lòng người vợ, người mẹ của chị Dậu
Đảm đang, tháo vát cũng là một nét nổi bật ở chị Dậu. Trong cảnh nước sôi lửa bỏng, chồng đau ốm, con thơ dại, tai họa mọi phía rình rập, chỉ có mình chị lo toan chạy vạy, đối phó đương đầu với bọn hào lí, địa chủ, quan lại, tay sai. Chị Dậu là chỗ dựa vững chắc của cả cái gia đình khốn khổ trong cơn vận hạn hiểm nghèo đó.
Mặc dầu không biết chữ và với bản chất chân thật mộc mạc, chị Dậu cũng bỡ ngỡ, lạ lùng trước những thủ đoạn xảo quyệt, lắt léo cùng lề thói sinh hoạt quái gở của bọn địa chủ, quan lại. Nhưng chị Dậu không ngu đần, trái lại, chị là người thông minh sắc sảo, không dễ bị lừa bịp. Cách nói năng, ứng xử của chị với mọi người cho thấy chị vừa chất phác, hồn nhiên, vừa nhạy cảm, ý nhị, khôn khéo.
Chị Dậu trong tiểu thuyết “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố có một tâm hồn ngay thẳng, trong trắng. Mặc dù bị điêu đứng khốn khổ chỉ vì thiếu mấy đồng bạc nộp sưu, chị đã phẫn nộ ném tọt cả nắm giấy bạc vào mặt tên quan phủ dâm ô trước đôi mắt giương tròn vì ngạc nhiên, sợ hãi của hắn. Quả hình tượng chị Dậu, Ngô Tất Tố đã phát hiện và khẳng định nhân phẩm lành mạnh, đẹp đẽ của người phụ nữ lao động: mặc dù họ sống trong bùn lầy tăm tối triền miên nhưng tâm hồn vẫn sạch trong và ngát thơm.
Là người phụ nữ dịu dàng, có thể nhẫn nhục chịu đựng, nhưng chị Dậu không thuộc loại người yếu đuối, chỉ biết than khóc. Hành động ra tay quật ngã hai tên tay sai của bọn thống trị tuy chỉ là bột phát, nhưng đã cho thấy sức sống mạnh mẽ, tinh thần phản kháng tiềm tàng của chị Dậu, cũng như của người nông dân bị áp bức.
“Tắt đèn” kết thúc bằng một hình ảnh thể hiện cái nhìn bị quan của tác giả: “Trời tối đen như mực, như cái tiền đồ của chị”. Nhưng, nếu Ngô Tất Tố bi quan về tiền đồ người nông dân đương thời, thì ông lại rất tin tưởng, trân trọng nhân phẩm đẹp đã và sức sống mạnh mẽ, bản chất kiên cường của họ. Mặt khác, dù tác giả chưa nhận ra con đường đấu tranh cách mạng để giải phóng nhân dân lao động bị áp bức thì từ tác phẩm vẫn toát lên cái quy luật của xã hội: có áp bức, có đấu tranh, con đường sống của quần chúng lao khổ bị áp bức là con đường đấu tranh cách mạng, không có con đường nào khác.
Giá trị về nghệ thuật
Khi vừa ra đời, “Tắt đèn” đã được dư luận coi là một tác phẩm có giá trị cao, chẳng những về nội dung tư tưởng tiến bộ mà còn về chất lượng nghệ thuật. Ngòi bút sắc sảo của Ngô Tất Tố đặc biệt thành công trong việc khắc họa một loạt nhân vật thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau ở nông thôn, tất cả đều rất sống, rất tiêu biểu, trong đó, có những hình tượng điển hình bất hủ. Kết cấu “Tắt đèn” chặt chẽ, tập trung; tác phẩm hầu như không có những tình tiết, chi tiết thừa, tất cả đều gây ấn tượng và góp phần thể hiện chủ đề. Nghệ thuật miêu tả và ngôn ngữ (nhất là ngôn ngữ nhân vật) trong tác phẩm đều có những nét đặc sắc.
“Tắt đèn” xứng đáng được coi là thành tựu nghệ thuật xuất sắc của nền văn xuôi trước Cách mạng.
Mời các bạn cùng đọc tiểu thuyết “Tắt đèn” của nhà văn Ngô Tất Tố tại TheGioiVanHoc.com!