Giới thiệu
Tiểu thuyết “Tây du ký” của Ngô Thừa Ân
“Tây du ký” là một trong những tác phẩm kinh điển trong văn học Trung Hoa. Tác phẩm tổng cộng có một trăm hồi, ra đời vào năm 1590 (triều đại nhà Minh), do Ngô Thừa Ân (1500
hoặc 1506 – 1581), tự Nhữ Trung, hiệu Xạ Dương Sơn Nhân sáng tác ra.
“Tây du ký” được xem là tác phẩm văn học đạt đến độ mẫu mực, đứng trong 4 tác phẩm văn học cổ điển vĩ đại nhất của Trung Hoa, gọi là Tứ đại danh tác (cùng với “Tam quốc diễn nghĩa” của La Quán Trung, “Thủy hử” của Thi Nại Am và “Hồng lâu mộng” của Tào Tuyết Cần).
Tiểu thuyết kể về hành trình của Trần Huyền Trang đến Tây Trúc (Ấn Độ) để thỉnh kinh. Theo ông là ba đệ tử: một khỉ được sinh ra từ đá tên Tôn Ngộ Không, một yêu quái nửa người nửa lợn tên Trư Ngộ Năng (hay còn gọi là Trư Bát Giới) và một thủy quái tên Sa Ngộ Tĩnh (hay còn gọi là Sa Tăng), cùng đồng hành đi phò tá thỉnh kinh. Bên cạnh đó, con ngựa mà Trần Huyền Trang cưỡi cũng là một nhận vật do hoàng tử của Long Vương (Bạch Long Mã) hóa thành.
Ngô Thừa Ân đã rất thành công khi phác họa lên bốn hình tượng điển hình: Đường Tăng nhân từ nhưng thiếu sắc sảo; Tôn Ngộ Không tài trí song toàn, quyền uy, ngang tàng và ngạo nghễ; Trư Bát Giới tham lam ích kỷ; Sa Tăng thật thà tốt tính. Bên cạnh đó là đám yêu ma quỷ quái muôn hình vạn trạng, thủ đoạn khó lường. Trong đó, ma cũng hiểu tình người, yêu tinh cũng rành thế sự.
Những chương đầu trong “Tây du ký” thuật lại những kì công của Tôn Ngộ Không, từ khi ra đời từ một hòn đá ở biển Hoa Đông, xưng vương ở Hoa Quả Sơn, tầm sư học đạo, đại náo thiên cung, sau đó bị Phật Tổ Như Lai bắt nhốt trong núi Ngũ Hành 500 năm. Truyện kể lại Huyền Trang trở thành một nhà sư ra sao và được hoàng đế nhà Đường gửi đi thỉnh kinh sau khi hoàng đế thoát chết.
Phần tiếp của câu chuyện kể về các hiểm nguy mà thầy trò Đường Tam Tạng phải đối đầu, trong đó nhiều yêu quái là đồ đệ của các vị Tiên, Phật. Một số yêu tinh muốn ăn thịt Huyền Trang, một số khác muốn cám dỗ họ bằng cách biến thành đàn bà đẹp. Trong “Tây du ký”, Tôn Ngộ Không nhiều lần phải sử dụng phép thuật và quan hệ của mình với thế giới yêu quái và Tiên, Phật để đánh bại các kẻ thù nhiều mánh khóe, như Ngưu Ma Vương hay Thiết Phiến Công chúa,…
Cuối cùng khi đã đến cửa Phật, thầy trò họ lại phải đổi Bát vàng của Hoàng đế Đường Thái Tông tặng để nhận được kinh thật. Đây cũng được tính là một khổ nạn cho bốn thầy trò. Khi qua sông Thông Thiên, Tam Tạng gặp lại Lão Rùa năm xưa chở ông qua sông. Khi đang chở Tam Tạng qua giữa sông, Lão Rùa hỏi Tam Tạng rằng ông có hỏi Phật Tổ giúp lão rằng bao giờ lão tu đắc chính quả không, vì Tam Tạng quên hỏi nên bị Lão Rùa hất cả bốn thầy trò lẫn kinh văn xuống sông. Kinh văn bị ướt, sau khi phơi khô một số bị rách. Vì thế mà kinh về đến Trung thổ không được toàn vẹn.
Tác phẩm là sự tổng hòa giữa Chủ nghĩa lãng mạn kỳ ảo và trí tưởng tượng bất tận, là tinh hoa hàng đầu trong thế giới văn học thần ma chí dị cổ đại. “Tây du ký” đúc kết lên một triết lí nhân sinh, rằng con người có thể chinh phục mọi thứ nếu có sự đoàn kết, ý chí và sức mạnh.
Hãy cùng TheGioiVanHoc.com khám phá hành trình thỉnh kinh đầy khó khăn, thử thách của bốn thầy trò Đường Tăng qua tiểu thuyết “Tây du ký”.