Giới thiệu
Tiểu thuyết “Tiêu Sơn tráng sĩ” của tác giả Khái Hưng
“Tiêu Sơn tráng sĩ” là một tiểu thuyết dã sử của tác giả Khái Hưng, xoay quanh hoạt động của đảng Tiêu Sơn phò Lê, chống lại triều đình Tây Sơn. Tác phẩm lấy bối cảnh thời Lê mạt Nguyễn sơ, dưới triều Cảnh Thịnh năm thứ năm (1797), tức Nguyễn quang Toản lên ngôi 1792, được xuất bản lần đầu vào năm 1937.
Xuyên suốt mạch chính câu chuyện là những cảnh chiến đấu, bày mưu kế, chiến thắng và thất bại từng lúc của hai phe cựu thần nhà Lê và triều đình Tây Sơn. Giữa không khí căng thẳng, đấu trí, đấu dũng từng giây phút ấy lại đan cài chuyện tình đẹp đẽ, bi thương của người anh hùng và giai nhân. Chuyện tình của Phạm Thái và nàng Quỳnh Như đã trở nên nổi tiếng trong văn học Việt Nam nhờ tuyệt tác Sơ kính tân trang do chính tay Phạm Thái viết cho người mình yêu, viết cho mối tình trắc trở của hai người khi người anh hùng và tài nữ phải âm dương cách biệt. Câu chuyện tình bi thương ấy một lần nữa đi vào những trang văn Tiêu Sơn tráng sĩ của Khái Hưng như một sự tiếc thương của nhà văn dành cho mối tình đẹp đẽ mà dang dở của hai người.
Tác phẩm đã diễn lại bằng những hình ảnh hào hùng về tổ chức và hoạt động của đảng Tiêu Sơn phò Lê, chống lại triều đình Tây Sơn với những tráng sĩ gan dạ, anh hùng như Phạm Thái, Nhị Nương, v.v… Tác phẩm ra đời trong lúc tình hình quốc tế đang có bíến chuyển, nước Pháp bại trận đầu hàng. “Tiêu Sơn tráng sĩ” đã gửi gắm mong muốn khơi gợi nên tinh thần anh dũng trong giới thanh niên thời bấy giờ, một tinh thần hy sinh, ái quốc.
“Tiêu Sơn tráng sĩ” có thể được coi là tác phẩm dài nhất (trên 400 trang), công phu nhất trong sự nghiệp văn chương của tác giả Khái Hưng.
Đôi nét về tác giả Khái Hưng
Khái Hưng (1896 – 1947) là một nhà văn người Hải Phòng. Ông là một trong ba thành viên trụ cột của nhóm Tự Lực Văn Đoàn, bên cạnh Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo.
Là một trong những cây bút chính của nhóm, tiểu thuyết đầu tay của Khái Hưng “Hồn bướm mơ tiên” (1933) là tiểu thuyết đầu tiên của Tự Lực Văn Đoàn. Tiểu thuyết cuối cùng của ông là “Thanh Đức” (1943) và cũng là tiểu thuyết cuối cùng của nhóm. Khái Hưng cũng viết chung với Nhất Linh hai tiểu thuyết là “Gánh hàng hoa” và “Đời mưa gió” và ra đời chung tập truyện ngắn “Anh phải sống” cùng năm 1934.