Giới thiệu
Tiểu thuyết “Trống mái” của Khái Hưng
Tiểu thuyết “Trống mái” in trên Phong Hóa (từ số 152, 6-9-35 đến số 173, 7-2-36) là tác phẩm có tính cách triết học của Khái Hưng, một tác phẩm mô-đéc, tiếp tục con đường tư tưởng táo bạo đã thấy trong “Đời mưa gió” và “Hương gây mùi nhớ”.
“Trống mái” là truyện Trương Chi tân thời, là một bản tình ca mùa hè, nhẹ nhàng mà đớn đau, tàn ác, đưa đến cái chết; nhưng tính chất bi đát trong tác phẩm Khái Hưng luôn mỏng như mây thu. Tình yêu ở đây chỉ có một chiều: Vọi, thuyền chài, vô học, yêu tha thiết cô gái tân thời, có học, nhà giầu ra bãi biển nghỉ hè. Nhưng Hiền không yêu anh mà chỉ yêu cái thân thể lực sĩ đẹp tuyệt vời của anh, một thứ tình hoàn toàn vụ thể xác.
Hiền rủ Vọi đến dự buổi tiệc trà ở nhà nàng, với những người bạn sang trọng tân tiến, nghe nàng đánh vỹ cầm. Họ nhìn Vọi như một người rừng man di mọi rợ. Hiền muốn thách thức bọn sinh viên trường thuốc, trường luật, đang mê nàng? Hay nàng chỉ ác với Vọi, như một hành động vô cố?
Vọi nghèo, quê mùa, đi chân đất, không biết chữ, nhưng có kiến thức sâu rộng vể biển cả, về đất trời, nhờ kinh nghiệm sống. Vọi có tâm hồn nghệ sĩ, cao thượng, hiểu thiên nhiên và quý trọng môi trường. Vọi có những nhận xét tinh vi, Vọi nhìn thấy “bàn chân đặt lên cát ướt sáng loáng như bạc” dưới ánh trăng. Mỗi lần Vọi thưa cô, thưa bà là anh dạy cho cô cho bà, một bài học về biển cả, khí hậu, động vật, thực vật, môi trường. Bọn trường thuốc, trường luật, bên cạnh anh, chỉ là những kẻ ngây ngô, đần độn. Còn Hiền, nàng là người phụ nữ thông minh, tân tiến, có học, có thể thao, nhưng tâm hồn thị thành, đầy bụi bậm, lạc hậu và phân biệt giai cấp. Trống mái là bản tình ca có ý nghiã đấu tranh giai cấp và bảo vệ môi trường sớm nhất của văn học Việt Nam, ở mức độ tinh vi, đẩy thiên nhiên lên vị trí tột cùng, một thứ tạo vật phải được hiểu và kính nể.
Vũ Ngọc Phan khen văn Trống Mái “trác luyện” và “bát ngát”, nhưng ông vẫn thấy đây chỉ là cuốn tiểu thuyết lý tưởng và Hiền say mê một chàng “đánh cá ngốc”: “Vọi ngốc đến nỗi nhìn Hiền đánh răng lại tưởng nàng nhuộm răng trắng”. Khổ lắm. Vọi đâu có ngốc. Khái Hưng chỉ muốn đối chất hai thứ văn minh: văn minh nguyên thủy của người đánh cá chưa hề tiếp xúc với xã hội tiêu thụ, và văn minh tân tiến khoa học của người có tên hiền mà lại ác, của bọn răng trắng mà bụng đen. Đối với Khái Hưng, bọn sinh viên thuốc, luật, ở phòng khách nhà Hiền, dùng tiếng Pháp để nói xấu Vọi rồi cười khả ố, bọn đó mới thực là ngốc, mới man di mọi rợ, vô giáo dục.
Đôi nét về tác giả Khái Hưng
Khái Hưng tên thật là Trần Khánh Giư, sinh năm 1896, xuất thân trong một gia đình quan lại ở Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng (Một số tài liệu ghi ông sinh năm 1897). Cha ông là Trần Mỹ, từng giữ chức Tuần phủ. Cha vợ ông là Lê Văn Đinh, cũng giữ chức Tổng đốc Bắc Ninh. Em ruột ông là nhà văn Trần Tiêu.
Khái Hưng tham gia Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh thành lập. Văn đoàn này bắt đầu xuất hiện công khai từ 1932, và đến đầu năm 1933 thì tuyên bố chính thức thành lập với ba thành viên trụ cột là Nhất Linh, Khái Hưng và Hoàng Đạo.
Giống như các tiểu thuyết Tự Lực Văn Đoàn khác, tác phẩm của Khái Hưng thường đề cao tình yêu tự do, chống lại các lễ giáo phong kiến, ít nhiều mang tính cải cách xã hội. Ông mất năm 1947, khi mới 51 tuổi.
Các tác phẩm tiêu biểu gồm: “Hồn bướm mơ tiên” (1933), “Đời mưa gió” (cùng Nhất Linh, 1933), “Nửa chừng xuân” (1934), “Trống mái” (1936), “Tiêu sơn tráng sĩ” (viết 1937), “Thoát ly” (1938),…
Mời các bạn cùng đọc tiểu thuyết “Trống mái” của Khái Hưng tại TheGioiVanHoc.com.