Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Công Hoan - Bạc đẻ
…”Nhân ông Cửu đi vắng, ông Trưởng bèn một mình lẳng lặng vào buồng dò xét… Ông soi kỹ mọi nơi, bỗng giật nẩy mình, ông thấy có một viên gạch giữa gậm phản bị cậy lên. Ông nhấc gạch lên, bới đất ra, thì lạ quá, một cọc bạc mười đồng, buộc chằng dây đỏ chữ thập nằm nghiêng ở đó. Ông cởi dây, xem kỹ từng đồng, thì quả là đồng bạc ta vẫn tiêu, gõ kêu rất ròn tiếng. Ông bèn buộc cẩn thận lại, để trả vào chỗ cũ, lấp đất lên, chặn lại hòn gạch, nhưng nhất định rồi sẽ hỏi ông Cửu cho ra việc lạ này. Nếu có điều gì ám muội ở trong, tất ông không tha, thế nào cũng trình quan về bắt…”
Một hôm ông Trưởng Sắc đương ngồi dưới giàn thiên lý để lau từng cái lá lan một, thì có người em họ ông là Ba Tuần buôn bán ở tận ngoài Cẩm Phả về chơi. Ông Ba Tuần đi với một người lạ mặt.
Người lạ mặt trạc độ ngót bốn mươi tuổi, khăn áo chỉnh tề, mặt mũi đầy đặn, tay xách cái va-ly da, ra dáng nặng nề lắm.
– Ông này là bạn thân tôi, ông Ba Tuần giới thiệu, bạn thân tôi là ông Cửu ấu, muốn nhờ bác một gian buồng dưới nhà ngang để ở trọ trong ít bữa.
Ông Cửu ấu đỡ lời:
– Tôi nghe ông Ba nói chuyện ngài là người dễ dãi, cẩn thận, nên tôi mới dám phiền ngài.
Thấy ông Trưởng ra ý phân vân, ông Ba nói:
– Xin bác chớ nề hà, rồi sau đâu sẽ có đó. Ông Cửu đây là người hào hiệp, rộng rãi, xin bác chớ bận lòng. Bác cứ tin ở tôi.
– Không phải như thế, tôi rất tin chú, nhưng tôi e nhà tôi chật hẹp quá chăng, chú ạ.
– Bác đừng ngại, công việc của ông Cửu là phải đi vắng luôn, rồi ông ấy thế nào, bác sẽ biết, tôi không cần khoe trước.
– Nếu ngài không sợ phiền, ông Cửu dõng dạc nói, thì sau này dù thế nào tôi cũng không dám quên ơn.
Dứt lời ấy, ông Ba bấm ông Trưởng ra đằng sau và thì thầm:
– Rồi hắn làm nên, anh em ta cũng có phận nhờ. Người này chỉ đi làm điều hay cho người khác và hay cứu kẻ nghèo. Tôi không muốn nói rõ vội. Chẳng nhẽ chỗ anh em thân, tôi lại không rủ hắn đến ở đằng bác, e rồi bác lại trách tôi là đem mối lợi cho người ngoài.
Ông Cửu trố mắt lên để nghe, thấy nói tiếng lợi, tuy chưa rõ là lợi thế nào, nhưng đã híp mắt lại, gật lấy gật để.
Ngay từ hôm đầu người khách trọ đã làm ông chủ nhà bằng lòng quá: Ông Cửu ấu mở va-ly ra, lấy một đồng bạc, đưa ông Trưởng.
– Tính tôi thích vui, nhờ ông cho làm một bữa chén; anh em ta trước lạ sau quen, khi tôi ở lâu, ông mới biết tôi được.
Rồi ông đếm mười đồng nữa, dí vào tay ông Cửu mà rằng:
– Gọi là có món tiền mọn, tôi đưa ông để đỡ ông sự phí tổn vì tôi phiền ông trong tháng đầu.
Ông Trưởng cầm cọc bạc, vui sướng quá. Nhất là khi ông liếc trộm vào cái va-ly của ông Cửu thấy đến năm sáu cọc tròn mà dài, gói giấy cẩn thận thì bụng bảo dạ: Tay này cũng sù đây, được lắm. Ông Cửu xếp lại đồ đạc trong va-ly, ông Trưởng thấy những gói ấy nặng trĩu, lấy làm thích lắm. Xếp xong, ông Cửu nhìn ông Trưởng nhếch mép cười, rồi đóng va-ly, khóa lại.
Ông Cửu ở dưới nhà ngang, nhưng thường đi vắng luôn. Song hễ ở nhà, thì ông tay hay mượn chiếc chậu thau đồng lên buồng làm gì, để hàng hai ba tiếng đồng hồ, rồi khi dùng xong thì tự tay mang ra ao, lấy trấu và cát đánh cho thực sáng, mới đem trả. Ông ta có một tính khác người thường, là hễ ở nhà, thì không thích cho ai lên buồng riêng của mình, có một lần ông đã mắng thằng đầy tớ vô ý trước khi mở cửa vào, không đánh tiếng hoặc gõ cửa, nhưng mà khi ông đi vắng thì tha hồ, ai vào cũng được, tuy đồ đạc, quần áo, ông để bừa bãi, mà có một lần ông Trưởng sợ quá, cái va-ly của ông Cửu, trong để rặt những bạc đồng, mà ông ấy quên không khóa. ấy là lần đầu, mà cũng là nhân tiện, nên ông Trưởng mới mở va-ly ra thì biết thế, chứ ông không có tính tò mò, việc ai mặc người ấy, ông không muốn để mắt vào cách hành động của ông khách trọ làm gì.
Ông Cửu ấu là một người vui chuyện, thích đánh chén, cho nên hễ động ở nhà thì y như ông đưa tiền mượn ông Trưởng làm rượu. Ông Trưởng lấy làm hả về chỗ ấy lắm. Nay thịt gà, mai thịt chó, thôi thì tha hồ mà đánh ngã từng chai bố; không mất tiền, ông uống vô tội vạ.
Một hôm, trong lúc say sưa, ông Cửu nghiêng ngả nói:
– Chẳng giấu gì ông. Tôi thì tiền bạc chẳng thiếu, duy chỉ thèm thuồng…
Ông Cửu ghé vào tận tai ông Trưởng mà nói.
Nhưng nói xong, ông Cửu giật mình, có ý hối hận vì đã quá lỡ mồm trong khi vui chuyện, bèn dặn thầm:
– Chết chửa! Nhưng tôi xin ông giữ kín cho việc ấy, chớ nói với ai mà lộ chuyện của tôi.
Song việc đời nó đi như vậy: cái gì đã cố giữ kín tức là cố để hở, cho nên muốn để hở một cách kín đáo, không gì bằng ta bịt kín nó một cách hớ hênh. Bà già thấp thoáng sau bức rèm, còn khiến bọn thiếu niên công tử sái cổ lệch mắt bằng mấy cô thiếu nữ đứng lộ ngay ra ngoài cửa. Cho nên từ hôm đó ông Trưởng phải chú ý đến cách làm việc của ông Cửu, mà cũng từ hôm đó nhà ông Trưởng có nhiều khách ra vào hơn trước mà khi qua nơi ông Cửu ở, ông khách nào cũng cố lách vào một đuôi con mắt tò mò. Họ đến chơi, mục đích chỉ có thế.
Nhưng ông khách nào đã được làm quen với ông Cửu, thì tất nhiên là được ông Cửu chèo kéo ở lại đánh chén: vì vậy không mấy chốc, mà tiếng hào hiệp, nhã nhặn của ông Cửu đã đồn dậy khắp làng trên làng dưới, cho nên bọn sâu rượu sợ vợ, nhất định không chịu bỏ phí dịp mà không đến gạ gẫm tỏ tình thân ái với cái hũ nhà ông khách quý, mà họ cho là trời đánh rơi!
Ông Trưởng nhận thấy việc ông Cửu làm, rất có vẻ bí mật. Có khi ông ta đi vắng từ sáng sớm, đến nửa đêm thì về; có bận ông đi vắng từ nửa đêm, đến gà gáy hôm sau nữa thì về; cũng có lúc trời mưa gió đùng đùng, ông cũng xách ô ra đi, rồi giữa trưa hôm sau thì về. Sự đi về rất thất thường, không bao giờ giống nhau cả. Ngày đi ông ta không nói trước, nhưng ngày và giờ về rất đúng hẹn. Một lần ông Cửu dặn 2 giờ sáng hôm sau thì về, thế mà ngay từ nửa đêm, trời nổi một cơn phong ba bão táp, vậy mà khi đồng hồ vừa điểm xong hai tiếng, thì ở cửa đã có tiếng ông ta gọi, chó tứ phía sủa vang.
Thấy ông Cửu có lắm cách hành động khác thường, nên ông Trưởng càng tò mò dữ. Một hôm, thằng đầy tớ chạy lên nhà trên trợn mắt, trợn mũi, thì thào với ông rằng:
– Con thấy cái chậu thau đen quá, ông ạ. Con không biết ông ấy làm gì mà bắt con đánh mãi không sạch.
– Thế à? Ông Trưởng cũng trợn mắt to không kém mắt đầy tớ, đâu! Ðâu? Chậu đâu?
– Con đánh sạch rồi.
– Bận sau ấy nhé, mày đem lên cho tao xem nhé.
– Nhưng mới bận này ông ấy mới bảo con đánh, mọi bận ông ấy vẫn làm lấy.
– Thế à? Bận sau, thấy ông ấy sắp đánh, mày nói với ông ấy rằng để mày đánh hộ nhé.
– Vâng, nhưng con sợ ông ấy mắng. Vì ông ấy dặn con đừng nói với ông.
– Thế à? Quái nhỉ.
Rồi tối hôm ấy, ông Trưởng luẩn quẩn cả đêm, đâm lo, không biết người này là mật thám thực hay chính là tay hội kín. Nhưng chẳng có lẽ ông Ba Tuần là em họ rất thân, rất đáng tin không khi lại nỡ lừa dối, để làm tai làm vạ cho ông như thế. Hay là ông Cửu sẽ làm lợi cho ông những gì mà ông chưa biết chăng? Ông càng cần phải dò xét ông Cửu từng bước.
Một hôm, lẳng lặng, ông thân hành đi theo ông Cửu, thì quả nhiên ông thấy ông ta xuống dưới cuối tổng vào hàng nước nhà bà Tổng ích ngồi từ sáng đến trưa, rồi đứng ở gốc đa đầu làng vơ vẩn đến tối mịt thì về. Ông hỏi bà Tổng ích, thì bà ấy cũng bảo đã đến hơn tháng nay, vẫn thấy người này vào nghỉ chân ở hàng ấy, có khi ngồi cả ngày, nhưng không nói chuyện với ai, hoặc hỏi han dò la gì cả.
Hôm sau, lúc đương uống rượu với chả cá, ông Trưởng đánh liều, hỏi:
– Thế nào? Việc ông làm sắp có hiệu quả chưa?
Ông Cửu ra dáng sợ hãi, vội bịt miệng bạn, xua tay nói:
– Chớ! Bất khả lộ ngôn! Tối bất khả!
Rồi ông đánh trống lảng ngay ra chuyện khác, khiến cho ông Trưởng càng đâm nghi.
Tối hôm ấy, ông Cửu ấu bảo thằng người nhà lấy cho mượn cái thau đồng, rồi ông đóng chặt cửa buồng lại.
Ông Trưởng nghe tin, bèn rón rén dòm qua khe vách. Ông thấy ông Cửu cởi trần ra, mở va-ly, đếm lấy ra mười đồng bạc, bầy sát nhau trong lòng thau trắng xóa. Ðoạn ông đứng chắp tay một cách rất cung kính, miệng lẩm bẩm câu gì, rồi với vào gầm giường lấy lên một cái chai lớn, đổ nước đen đen vào trong thau. Ông lắc thau đến hàng năm sáu mươi lần, rồi sau đánh cái diêm, châm lửa vào nước, thì tự nhiên thấy khói um, không trông rõ gì nữa. Ngay lúc ấy, ngọn đèn tắt phụt, trong buồng tối um, ông Trưởng không thể nhận rõ được ông Cửu làm những gì cả. Một lúc lâu đến ba bốn giờ đồng hồ sau, trong buồng lại bật sáng, thì không có gì khác thường. Ông Cửu tự mang thau đi đánh, rồi ngay lúc ấy, dễ đến mười hai giờ đêm rồi, ông ta khăn áo ra đi, dặn đến bốn giờ chiều mai thì về.
Nhân ông Cửu đi vắng, ông Trưởng bèn một mình lẳng lặng vào buồng dò xét. Ông soi đèn vào gầm lấy cái chai ra xem, thì thấy có một thứ nước gì đen kịt như mực. Ông soi kỹ mọi nơi, bỗng giật nẩy mình, ông thấy có một viên gạch giữa gậm phản bị cậy lên. Ông nhấc gạch lên, bới đất ra, thì lạ quá, một cọc bạc mười đồng, buộc chằng dây đỏ chữ thập nằm nghiêng ở đó. Ông cởi dây, xem kỹ từng đồng, thì quả là đồng bạc ta vẫn tiêu, gõ kêu rất ròn tiếng. Ông bèn buộc cẩn thận lại, để trả vào chỗ cũ, lấp đất lên, chặn lại hòn gạch, nhưng nhất định rồi sẽ hỏi ông Cửu cho ra việc lạ này. Nếu có điều gì ám muội ở trong, tất ông không tha, thế nào cũng trình quan về bắt.
Ðã là thân, tôi không giấu giếm ông một mảy may, ông Cửu nói với ông Trưởng thế. Ông tính tôi không làm gì mà quanh năm được phong lưu, tức là tôi chỉ nhờ ở cái phép lạ này thôi.
– Phép gì?
– Phép làm cho bạc đẻ.
– Ồ, ông có phép làm cho bạc đẻ? Lạ nhỉ!
Thấy ông Trưởng rất ngạc nhiên, ông Cửu cười đáp:
– Phải, cho nên ai biết tôi thì biết, không biết thì thôi, tôi không cần. Rồi tôi cũng định đền ơn ông một bận.
Ông Trưởng vội trợn mắt, nói lấy lòng:
– Chết, ông nên sẽ chứ?
Không cần. Tôi có đúc bạc giả, có đi ăn trộm ăn cướp của ai đâu mà sợ.
Ông Trưởng cười ích kỷ:
– Nhưng người ngoài biết ông lắm tiền thì…
– Tha hồ cho họ cướp! Cướp bao nhiêu, tôi lại làm ra được bấy nhiêu. Tôi vẫn đi giúp người nghèo khó chả vẻ thay nữa là.
– Ông làm bạc đẻ thế nào?
– Cứ một đồng thì đẻ ra một đồng; chứ không đẻ ra hơn được. Ví dụ tôi muốn có mười đồng thì tôi làm phép cho mười đồng của tôi ở cữ. Tôi học được phép này ở trên Mường phải cầu thần chú và có thuốc.
Ông Trưởng sực hiểu, tròn miệng lại và nói:
– Ồ, thảo nào!
– Lần vừa rồi, tôi thấy bạc không đẻ, tôi biết ngay bị lộ, tất thế nào cũng có hơi người lạ mó đến nó. Vì bạc nó ở cữ phải đúng giờ cho nên hẳn ông thấy mọi khi tôi về lúc nào cũng đúng hẹn lắm. Tôi cần phải đi xa khi nó thụ thai, vì nếu tôi ở gần, thì không những nó tịt không đẻ, mà nó lại tiêu sản, hỏng cả mẹ lẫn con, nghĩa là bạc biến thành ra đất cả!
– Nhưng sao tôi thấy khi ông đi vắng lâu, khi thì ông đi vắng chóng?
– À, đó là tùy số bạc cần đẻ. Muốn làm độ hai ba đồng, thì đi vắng ít, nhưng muốn làm hàng chục, hàng trăm, thì phải đi vắng nhiều hơn. Cái đó phải tính trước chứ. Chỉ lỡ về sớm hay muộn một chút là mẻ bạc ấy hỏng toi!
Ông Trưởng tủm tỉm nói:
– Ông làm thử cho tôi vài đồng nhé.
– Ông Cửu cười, gật đầu:
– Ðược, nhưng mà…
– Nhưng mà sao? Hay là làm hộ không được?
– Không phải thế. Cái phép đẻ bạc cũng như đẻ con. Ông lấy bà ấy thì đẻ ra con là con ông, tôi không nhận là con tôi được. ấy nó như người, chẳng khác một tý gì cả. Bạc của tôi đẻ, đố ông tiêu được.
– Lạ nhỉ. Thế đi vay mà cho nó đẻ có được không?
– Ðược chứ sao lại không? Miễn là chính tay ông đưa tôi, thì thế nào tôi cũng làm được. Nhưng có một điều kỵ là bạc của tôi mà cho ông vay thì không tài nào tôi làm cho nó đẻ được. Cũng như hai người đàn bà lấy nhau có khi nào đẻ được ra con? Hà! Hà! Hà! Ông hiểu không? Hay lại bảo tôi đón đầu!
– Không, chết! Chết! Có khi nào thế! Tôi hiểu rồi!
– Phải, bởi vì tôi thiếu gì, cho ông vay bao nhiêu mà tôi hết được, vả có mất đi đâu mà sợ, nhưng chỉ tại không làm cho nó đẻ được thì tổ phí thuốc mà thôi, vì như thế cũng như lộ vậy. Ta có việc gì giấu được quỷ thần đâu? Ðến ngay như ta với nhau cũng còn không giấu được nhau nữa là! Hà! Hà! Hà!
Ông Trưởng ngẫm nghĩ hồi lâu, rồi đứng dậy, mở hòm lấy ra năm đồng đưa ông Cửu nói:
– Nhà tôi chỉ còn từng này bạc đồng, ông làm ơn hộ tôi một món.
– Vâng, nhưng ông bảo đánh mấy đồng này rõ mới hộ tôi. Rồi tôi làm cho mắt ông trông thấy nhé.
Ông Trưởng mừng rỡ, cảm ơn ông Cửu, và tạ lòng trời run rủi cho được gặp ông thần giáng phúc, từ nay khỏi nỗi vất vả về cách kiếm tiền.
Khi mấy đồng bạc đã đánh thực sáng nhoáng, ông Cửu bèn vào buồng với ông Trưởng giải cả tiền lên mặt chậu thau, rồi miệng lẩm bẩm mấy câu thần chú, đổ vào thuốc, và lắc đi lắc lại mãi. Ðoạn ông đánh diêm châm thuốc vào thuốc thì khói um tỏa khắp bốn bên, rồi đèn tắt; một lúc, ông Cửu bảo thắp đèn, thì đã thấy chậu thau khô, mà năm đồng bạc buộc với nhau bằng chiếc dây đỏ chằng chữ thập ở giữa đáy chậu.
– Thôi, bây giờ thì ông phải để tôi làm một mình tôi đi chôn bạc đây, cũng như ta dưỡng thai ấy mà, ông đừng xem mà lộ. Lộ thì không những không thành, mà bạc lại tiêu sản hết mất.
Nói xong, một mình ông Cửu ra vườn, ông Trưởng không dám dòm theo nữa. Một lúc ông Cửu trở về vội vã giật lấy cái khăn và chiếc áo, vừa đi vừa rảo bước ra cổng, vừa quay lại nói:
– Tìm được đất chôn lâu quá, nên tôi sợ muộn, tôi xin phép ông tôi phải đi ngay. Năm giờ rưỡi sáng mai tôi về. Thật là vì ông anh nên tôi mới phải lật đật đấy nhé. à, ông chớ nên nói với ai việc này.
– Vâng! Cảm ơn ông anh.
Trong khi vắng ông Cửu, ông Trưởng thấp thỏm không sao ngủ yên, trong bụng khấp khởi mong cho chóng đến sáng. Ðộng chợp mắt được một tý là đã nằm mê thấy mình trở nên nhà cự phú, có đồn điền, có ô-tô. Rồi vừa tảng sáng, ông đã ngồi nhổm dậy, tỉnh như con sáo, tay xách cái đồng hồ, ra cổng đứng ngóng, nhìn theo từng phút.
Ðến năm giờ hai mươi thì, đúng hẹn quá, ông Cửu đã ở đằng đầu làng đi lại, đến cổng nhà thì vừa năm giờ hai mươi chín. Ông Trưởng trỏ đồng hồ vội la rầm rĩ:
– Ấy chết! Sớm một phút có được không?
– Ðược, không ngại, tôi đến nhà nhưng không lên tiếng vội, cũng như tôi về đúng giờ.
– Thế ngộ muộn vài phút có được không?
– Ðược, nhưng muộn quá thì không hay.
– À, ra nó cũng như uống thuốc.
– Chính thế! Thôi, đúng giờ rồi, ông ra gốc cây cam xanh mà đào lên.
Ông Trưởng mừng rỡ, tất tả ra vườn đào đất, thì quả nhiên có hai món năm đồng buộc riêng đôi bằng cái dây đỏ, giống nhau như đúc! Những đồng tròn, trắng, xỉnh xình xinh, mới nguyên, lóe sáng trước ánh mặt trời buổi sớm, như hé một nụ cười vui vẻ để chào chủ. Ông Trưởng ngắm nghía, gõ thử, sướng lắm. Ông Cửu nói đùa:
– Hay ông cho tôi nào?
Ông Trưởng dúm miệng vào mà cười, và nói đùa lại:
– Vâng, ông có tiêu được, mời ông cứ tiêu giúp.
– Xin cảm ơn ông. Giá tôi có tiêu được thì ông chả phải bảo! Bây giờ ông có quẳng ra đường, cũng không mất.
– Thật à? Thế nhà tôi tiêu có được không?
Thấy ông Trưởng ngơ ngác, có ý sợ hãi, ông Cửu phì cười:
– Ðược, nhưng ông phải nói: ù-ù cạc-cạc, ta cho đồng bạc, phải cảm ơn ta, đi mà tiêu pha, ù-ù cạc-cạc.
– À, lạ nhỉ ù-ù cạc-cạc, ta cho đồng bạc, phải cảm ơn ta, đi mà tiêu pha, ù-ù cạc-cạc.
Từ hôm sau, không những ông Trưởng Sắc và ông Cửu ấu phải tiếp khách ăn ghẹ, mà bọn nhà giàu, ngốc, cũng kéo nhau đến chơi rất đông. Ai nấy đều muốn tỏ lòng thân thiện, và cố mời cho được ông Cửu đến chơi nhà, uống rượu. Ông Cửu cảm động, thường nói với ông Trưởng:
– Tôi đi thiên hạ đã nhiều, nhưng không thấy đâu văn vật như vùng ta. Tôi xem ra, ở đây, ai cũng trung hậu, biết quý người lắm.
Nhưng họ chiêu đãi ông Cửu để họ lợi dụng ông ấy, vì cái phép bí mật làm cho bạc đẻ mà ông Cửu dặn ông Trưởng giấu kín, nó đã hở toác ra mất rồi. Cho nên không ngày nào ông Cửu không có người nhờ làm bạc đẻ. Tuy ông cũng biết rằng đã ăn của người ta một bữa thì phải trả ơn, nhưng họ nhiễu quá, mà từ chối thì nể. Ông Trưởng thấy vậy, lấy làm ngượng, song biết làm thế nào? Nào có mất gì của riêng ông đâu mà ngại, vả lại họ nể ông Cửu thì họ nể cả ông, ông Cửu được họ chiêu đãi sao, thì ông cũng được hưởng như thế. Thôi thì được một dịp cho người làng nước nhờ vả, mà người làm ơn vẫn vui lòng, không phàn nàn, thì ông cũng mặc ông Cửu với họ. Cho nên, người đưa một đồng, kẻ đưa dăm đồng, ai nấy đều nhờ ông Cửu làm thử cho một bận. Ðồng bạc con, họ thấy như hệt đồng bạc mẹ, mà tiêu pha dễ dãi như thường, nên họ đều nghĩ như nhau, cố giấu giếm mối lợi, để găm cho riêng mình cái mỏ mà đi vay mượn chỗ xa xa cho dễ dắt. Các ông nhà giàu thì định thả con săn sắt để bắt con cá sộp, nên định chờ dịp tốt hơn để mời hẳn ông Cửu đến ở nhà mình, mà nhờ ông một chuyến.
Nhưng được độ mươi hôm, ông Cửu tuyên bố một tin, làm cho dân làng đều ngao ngán:
– Tôi không ở đây nữa. Tôi lấy làm nhớ các ngài lắm.
– Ô hay! Ông giận gì chúng tôi?
– Phép bạc đẻ như thế, hễ tôi ở đâu quá hai tháng thì không làm được nữa. Các ngài có lòng yêu mà lưu tôi lại cũng vô ích.
– Vậy ông đi đâu, cho chúng tôi biết, hoặc ông cho chúng tôi rõ quý quán về đâu.
– Tôi quê ở Hà Nội. Tôi có năm mươi nóc nhà ở các phố. Lại tỉnh nào tôi cũng có một nếp nhà. Nhưng tôi không thể làm phép này ở ngay nhà của tôi được nữa. Vì nhà nào tôi cũng ở qua hai tháng rồi. Trời ơi! Tôi còn nhớ khi tôi ở Hà Nội, sao mà bận thế. Ai cũng đem tiền đến để nhờ đẻ, đến nỗi không lúc nào được nghỉ cả.
– Vậy ông định đi đâu?
– Tôi cũng chưa định. Thôi, gặp nhau như thế là đủ, khi nào tôi nhớ các ngài, tôi sẽ đến chơi, có ngại gì?
– Nhưng mà tôi muốn nhờ ông thí cho dân chúng tôi cái ân cuối cùng.
Ông Cửu bùi ngùi cảm động:
– Lọ là các ngài còn phải nhắc. Tôi ở đây bấy lâu được nhờ vả dân làng, cho nên trước khi đứng dậy, tôi cũng muốn gọi là trả lại chút nghĩa ấy, để lưu lại cái tiếng về sau.
Ai nấy đều hởi dạ, nói:
– Vậy hôm nào ông từ giã chúng tôi, chúng tôi xin mời ông dự một bữa tiệc để tỏ lòng quyến luyến.
– Các ngài có lòng tốt, tôi không dám từ.
Cả làng, từ ông già bà cả cho chí trẻ con, ai cũng tấp nập rủ nhau đến nhà ông Trưởng để đưa bạc đi đẻ. Thôi thì có bao nhiêu bạc giấy, hào, xu, họ đổi thành bạc đồng, và đánh cho thật bóng loáng. Ông Cửu mỏi tay biên sổ trong hai ngày, vì từ thằng khố dây trong làng, cũng cố cầm cố bán trác đồ đạc trong nhà để kiếm vài đồng bạc trắng. Ông Chánh bá, giầu nhất tổng, đưa đẻ hẳn năm trăm, mà còn tiếc vì vội quá, không kịp bán nốt mấy chục mẫu ruộng, ông Lý Thới, ông Lý Sang, ông Phó Ung, ông Cả Sích, vân vân và những nhà có máu mặt, đều cùng nhau đưa hàng trăm, còn hạng đưa hàng chục, hàng đồng, thì tên biên vừa đen kịt hai mươi trang giấy. Khi cộng sổ, ông Cửu phải lắc đầu lè lưỡi nói với ông Trưởng:
– Sáu nghìn bảy trăm sáu mươi tư đồng, chà! Có lẽ tôi phải lánh đến bẩy tám hôm chắc!
– Ông Trưởng cười gượng:
– Chúng tôi chỉ dám phiền ông có lượt này nữa thôi đấy. Ông chịu khó vậy.
– Vâng, tôi có dám phàn nàn đâu!
Vừa xẩm tối, mọi người đã chen chân nhau vào nhà ông Trưởng để được xem phép lạ.
Nhưng họ có được trông thấy gì đâu, vì phải đứng cả ở ngoài sân, mà ông Cửu thì ở tận trong buồng để làm việc. Hàng năm sáu giờ đồng hồ sau, bỗng ông Trưởng, vẻ mặt quan trọng như ông tướng chạy ra hè hô lớn:
– Bây giờ ai phải về nhà nấy để bạc dưỡng thai. Cấm không ai được dòm, vì nếu có người lạ thì bạc tiêu sản, biến ra bùn mất cả. Ai không tuân lệnh mà làm hỏng mẻ này, thì phải đền sáu nghìn bảy trăm sáu mươi tư đồng, một thành hai!
Mọi người thấy câu nói đều sợ thiệt đến của riêng, bèn kéo ồ cả ra về. Ðộ năm phút sau, sân nhà vắng vẻ, ông Cửu bèn đi dò la chung quanh hàng rào, rồi một mình, khênh bạc ra vườn, lúi húi làm nốt công việc.
Lúc chôn xong, thì vừa hai giờ sáng, ông Cửu mệt nhoài, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, nhưng theo phép, ông phải lánh xa chỗ bạc dưỡng thai, nên ông vội vã khăn áo ra đi, và dặn lại ông Trưởng:
– Bốn giờ kém năm sáng hôm thứ bảy sau, tôi sẽ trở lại. Trong chín hôm tôi không có đây, ông phải cấm không được cho ai lai vãng ra vườn nhé.
Chẳng phải nói thì độc giả thừa hiểu rằng ông Cửu ấu đi lượt ấy thì thôi không trở lại cái làng văn vật này nữa, mà số bạc ngót bảy nghìn, không những không làm mẹ đồng nào mà lại thành ra con ông cả.
Thế mà đúng ngày hẹn, cả làng, lớn bé già trẻ đều phớn phở đến sân nhà ông Trưởng để chờ ông Cửu về. Họ nóng ruột nên cố thức suốt đêm, đến tận bốn giờ kém sáu phút, nhưng cũng không thấy bóng ông thầy Mường đâu cả. Ðào vườn thì không ai dám đào, vả biết chỗ nào mà đặt lưỡi cuốc?
Ðồng hồ chỉ bốn giờ kém bốn phút, mọi người không kiên gan nữa, bèn bàn nhau cứ đánh bạo mà đào. Nhưng sục sạo cả vườn, họ chỉ thấy… số bạc đã bị tiêu sản, tiêu cả con lẫn mẹ!
Việc lừa dối vỡ lở ra, cả làng đến chửi rủa ông Trưởng Sắc, bắt ông phải đi tìm cho được thằng bợm để làng đi trình quan, bỏ tù, nhưng nghĩ đến ông Ba Tuần sợ môi hở răng lạnh, nên ông Trưởng phải câm như hến. Tức quá, ông bèn nhất định đi ra Cẩm Phả, để trút cho ông Ba Tuần những của chẳng ngon mà làng nước tặng ông xơi, và bắt ông ấy phải đi tìm đứa gian phi, kẻo ở làng họ làm sốt ruột lắm.
Ðến nơi, mặt hầm hầm, ông đem lời trách móc, thì ông Ba Tuần cứ cười nhạt mà xin lỗi hoài. Rồi sau, chẳng làm thế nào hơn được nữa, ông mới dịu, thì ông Ba Tuần ghé vào tai ông, hỏi nhỏ:
– Bác mất bao nhiêu tất cả?
– Ðúng ba trăm.
– Thế bác có muốn hắn đền lại hay không?
Ông Trưởng bĩu môi, nói nhiếc:
– Hắn đền! Biết hắn ở đâu mà đền?
– Ðược, tôi biết. Nhưng bác đừng lôi thôi với hắn. Bác cứ để cho hắn làm chỗ khác mới được.
– Nhưng hắn lấy gì mà đền tôi?
– Bác về làng, phải mật chuyện này đi. Này, hắn sẽ lấy của người khác đền bác.
– Hắn còn lấy của ai được? Ai dại gì mà tin hắn nữa?
– Ồ, thiếu gì, lại những hạng có tiền và dại dột như tôi và bác chứ gì!
– À, ông Trưởng sực hiểu, nói: – À, ra chú lập tâm giới thiệu hắn với tôi đấy à?
Ba Tuần cười:
– Phải, vì trước kia tôi bị chú Hai Ðông giới thiệu, nên xuýt mất với nó hai trăm rưởi, nhưng chú ấy xui tôi nên im đi, mà rủ một người thân thích và có của vào cạm để nó lừa thì nó trả.
– À, nó ranh quá nhỉ. Thế bây giờ chú bảo tôi cũng làm như chú à?
– Ừ, tội gì.
Ông Trưởng cắn ngón tay nghĩ ngợi một lúc, rồi gật gù nói:
– Ðược, ông cậu ruột tôi là ông Nghị Thăng, giàu có tới vạn, mà cũng thực thà dễ bảo như anh em mình. Ông ấy tin cậy tôi lắm. Ðể tôi giới thiệu cho nó!
Nói đoạn, đắc trí, ông Trưởng Sắc cười xòa, mà ông Ba Tuần cũng ôm bụng, gò lưng, mép soạc đến mang tai mà cười như nắc nẻ…