Tuyển tập Nam Cao - Một truyện xu-vơ-nia
Hàn là chàng trai 18 tuổi, sống bằng những cuốn tiểu thuyết lãng mạn và ao ước một tình yêu mơ mộng. Rồi hắn ấp ủ những dự định táo bạo để được sống với người yêu. Chỉ đến khi nhìn thấy cảnh háu đói của những cô thôn nữ thiếu ăn và được biết người mình yêu đã bán cả chiếc khăn kỷ niệm có lẽ cũng chỉ để ăn quà, Hàn mới vỡ mộng.
Những quân cướp, mỗi khi muốn ăn cướp một nhà nào, bao giờ cũng phải thăm đất trước. Hàn cũng vậy, hắn sắp làm một việc tương tự như ăn cướp. Vậy phải đi xem kỹ tình hình đã.
Thoạt tiên, hắn hãy dắt cái xe đạp, vòng qua chỗ cửa đình. Ðây là chỗ quan viên. Họ trải chiếu ngồi ngay xuống đất, vào một góc sân. Ông bố đẻ Tơ có đây rồi. Ông bố chồng cũng ngồi kia. Cả người anh chồng nữa. Ðược rồi! Hàn không thèm nhìn những ông kia. Hắn vờ xem thuyền giấy, voi, ngựa giấy bầy giữa sân. Rồi hắn dắt cái xe đạp, thủng thỉnh đi ra phía ruộng. Ðây là chỗ thả diều. Bọn trai làng thường tụ tập ở đây. Những người cầm đầu, những người cầm dây, những người cuộn dây đang rối rít cả lên. Áo cánh, quần ống thấp ống cao, đầu không khăn hay là cái khăn xổ ra trật xuống vai, mặt đỏ bừng, mồ hôi đổ ướt đầm, họ chạy ngược, chạy xuôi, múa chân tay, gân cổ lên gọi nhau, mắng nhau, văng tục với nhau, giẫm cả lên chân người ta để chạy diều, làm ầm ĩ, chẳng kém gì bọn phu trên một quãng đê vừa sạt. Những người xem chỉnh tề hơn. Họ khăn áo hẳn hoi, tay quạt, tay ô, đứng nấp vào những bóng tre nhìn lên trời, bàn tán với nhau. Trời xanh ngắt, nắng chang chang. Họ phải che quạt hoặc bàn tay lên mắt cho đỡ chói. Những chiếc diều toàn trắng hoặc có một vệt đỏ to ở giữa, lên cao tít đến nỗi phải cố nhìn mới thấy. Những cái diều đứng không động đậy, như chiếc lá nằm trên mặt hồ vào lúc gió yên. Những cái khác lượn lờ ít chút thôi. Nhưng cũng có một vài cái nghịch, chao bên nọ bên kia một cách rất hăng, và chốc chốc lại toan bổ xuống. Những cái ấy không đời nào ăn giải được. Ðấy là diều của mấy kẻ xấu chơi. Chúng tức vì năm ngoái các cụ định giải bất công, nên năm nay cố ý buộc lèo cho diều của chúng đảo đồng để troán vào dây diều khác. Thỉnh thoảng một chiếc diều đứt dây. Người ta hò nhau đuổi như đuổi trộm… Sao lại có những kẻ làm tội cái xác mình quá vậy? Hàn nghĩ thế. Những kẻ đi thi diều cũng như những người đi xem thi diều đều dại như vích cả. Thằng thì chạy gần hộc máu mồm ra để tranh một cái giải chẳng thấm tháp vào đâu với số tiền bỏ ra để làm diều, để mua dây. Thằng thì phơi ra nắng những cái mặt nhăn nhó như mặt khỉ để xem những cái diều chẳng ai còn lạ. Ðể mà làm gì vậy? Giá mà hắn, thì nắng nôi thế này, hắn nằm khểnh ở nhà cho mát. Phải nợ gì mà xem với xét cho nhọc xác! Sở dĩ hắn chịu nhọc xác thế này chẳng phải để xem gì cả, ấy là vì Tơ.
Tơ là người yêu cũ của Hàn. Vào kỳ nghỉ hè năm ngoái có một hôm Tơ đến nhà Hàn để mua dâu. Sự ấy thường: Tơ vẫn mua dâu của nhà Hàn. Và sự này cũng lại thường: hôm ấy cả nhà Hàn đi vắng, người đi chợ, người đi làm đồng, chỉ có mình Hàn nằm gác chân lên cột xem tiểu thuyết. Những tiểu thuyết hồi ấy đua nhau tả những cuộc tình duyên của trai thành thị với gái đồng quê. Vai chủ động đàn bà trong các chuyện ấy đều là những cô thôn nữ rất đẹp, rất hiền, rất ngây thơ. Họ khiến Hàn ước ao như ước ao một mớ rau tươi. Bởi vậy, khi Hàn ra đánh chó cho Tơ, hắn đã nhìn Tơ rất kỹ. Tình cờ thế nào Tơ là một cô gái xinh xinh. Thị có đôi mắt bồ câu, cái miệng rất tươi, và đôi má hây hây. Thị bẽn lẽn chào Hàn với một vẻ e lệ đáng yêu. Hàn có cảm giác như hắn đột nhiên đổi khác đi. Hắn tự bảo: “Cuốn tiểu thuyết của đời ta đã bắt đầu… ”. Và hắn cố tìm một câu rất văn hoa để nói, nhưng đã quên mất cả. Hắn chỉ lắp bắp miệng ra dáng chào Tơ. Thành ra, lại chính Tơ là người khơi chuyện trước:
Thưa cậu, bà Cửu có nhà không ạ?
Thưa cô… Vâng! Mẹ tôi có nhà. Mời cô vào chơi.
Hàn nói dối rất trơn tru sau một thoáng ngập ngừng. Bởi vì hắn tính lại rồi. Khi cái lưỡi cứng đờ của ta đã bật ra được một câu không đến nỗi ngẩn ngơ thì nó trở nên dẻo dang. Hàn nhớ ra rằng: hắn là con nhà danh giá ở làng này; hắn đi học, ở tỉnh về; quần áo hắn giặt là và chân hắn dận giày tây; đầu hắn đẫm chất nhờn ở phía ngoài và văn chương ở phía trong… Nói tóm lại, hắn có đủ điều kiện để tất cả các cô gái làng này phải ước mơ. Hắn không có lý do gì để mà rụt rè quá thế. Bây giờ thì hắn nói hoạt bát lắm, tuy có hơi to quá sự thường một chút, như một anh chàng chếnh choáng say…
Mời cô cứ vào, tôi đánh chó… Mời cô đi trước, kẻo chó cắn.
Cháu vô phép cậu…
Vâng ạ, mời cô cứ đi.
Tơ vén áo, khép nép đi lên trước. Hàn mỉm cười nhìn cái cử chỉ hay hay ấy. Rồi hắn đi sau cô gái, vuốt ve bằng mắt cái cổ nây nây của thị. Vào đến sân, Tơ đứng lại đằng hắng. Những mành mành cửa buồng kín mít: thị làm thế để bà Cửu trong nhà lên tiếng trước. Hàn hiểu ý. Hàn vờ nói vọng vào nhà:
– Thưa mẹ, có khách.
Cố nhiên là chẳng có mẹ nào đáp lại.
Hàn bảo Tơ:
Chắc mẹ tôi ra ao. Cô vào ngồi chơi một lát. Tôi đi gọi. Tơ vội bảo:
Thôi ạ, chả dám phiền cậu… Bà còn ở ngoài ao, vậy cháu cứ đi hái dâu trước đã. Lúc nào bà về, cháu hãy thưa chuyện với bà.
Hàn mừng quá…
Vâng! Thế thì cũng được… Vậy ra cô mua dâu?
Vâng ạ.
Thế thì mời cô ra vườn hái. Tôi đánh chó.
Dạ… thôi ạ. Ðã vào nhà rồi chắc chó không cắn nữa.
Ðược, cô cứ đi… để tôi trông chó. Phải một con hư lắm, nó hay cắn trộm.
Thế ạ. Thưa cậu, cô Hán đi đâu ạ.
Hàn hiểu ý Tơ ngỏ một cách kín đáo, muốn để em gái hắn ra đánh chó.
Hàn vội bảo:
Thưa cô, em nó ra ruộng ạ.
À vâng! Hèn nào mà không nghe thấy tiếng.
Vâng! Nó ở nhà thì liến láu, mồm năm miệng mười luôn. Tôi mắng nó luôn về cái tội lắm điều mà cũng không chừa.
Hai người đến rặng dâu. Tơ đặt cái thúng không xuống đất, nhìn chung quanh rồi bảo:
Chó không có đây, mời cậu về nhà cho mát.
Cô cứ để mặc tôi. Tôi đứng xem cô hái dâu để học hái. Cô dạy tôi hái nhé.
Cháu không dám ạ. Cháu hái chậm lắm, có thành thạo gì đâu? Vả lại hái dâu thì ai chả hái được, có cần gì phải học?
Cô nói vậy, chứ thực ra thì cần học lắm. Ðã đành cứ rứt liều thì ai mà không rứt được? Nhưng có biết hái thì trông mới đẹp. Cô hái đẹp lắm.
Tơ đưa chít dâu lên che miệng, cười tít mắt. Má thị càng đỏ thêm, giọng thị càng thân mật hơn một chút:
Rõ cậu chỉ khéo vẽ! Hàn cũng cười và bảo:
Thật! Cô hái dâu tay mềm mại lắm. Trông cô hái tôi chỉ muốn làm cây dâu để…
Hàn ngừng lại; Hàn thấy Tơ đột nhiên nghiêm mặt. Thị giả tảng như không nghe thấy, và nói lảng:
– Lứa dâu này để quá có mấy ngày mà rậm quá.
Hàn im lặng. Sự ngượng nghịu hiện ra trên nét mặt. Có lẽ Tơ nhận thấy và thương hại. Thị lại gợi cho
Hàn nói:
Cậu không hái dùm cho cháu đi, cho nó chóng. Mình cháu hái thì đến trưa chửa hết. Hàn mừng rỡ:
À, quên đấy nhỉ! Nhưng tôi hái cho cô thì cô cũng phải nghĩ thế nào chứ… nhỉ?
Cháu trả công.
Không. Tôi chả lấy công đâu. Nhưng cô không được xưng bằng cháu với tôi thế, tôi thẹn chết! Tôi
với cô chỉ bằng tuổi nhau thôi. Năm nay cô bao nhiêu tuổi nhỉ?
Cháu…
Không có lệ xưng cháu.
Tơ gục mặt xuống cánh tay để giấu miệng đi, cười, nũng nịu.
Thế xưng bằng gì được?
Bằng tôi, hay là em thì càng… thú.
Hàn nói buông miệng, cười khanh khách để khỏi thẹn. Tơ đỏ mặt, nhưng cũng cười, không cự lại. Hắn biết là cắn lắm. Hắn can đảm thêm chút nữa.
Cô bao nhiêu tuổi nhỉ?
Cậu đoán độ bao nhiêu?
Mười tám phải không?
Mười bảy.
Thế thì tốt quá. Tôi mười tám. Gái hơn hai, trai hơn một, cô nhỉ! Hàn lại cười khanh khách. Tơ lườm:
Rõ cậu!…
Nhưng thị không nghiêm trang được. Thị bật cười. Ấy thế là câu chuyện cứ dần dần đi đến sát nách, chẳng còn cần bóng gió, xa xôi nữa. Nó đã tận cùng bằng một câu thế này của Tơ:
– Cái ấy còn phải tùy thầy mẹ em. Em biết đâu mà trả lời cậu?
Thế nghĩa là: em bằng lòng mê đi rồi. Hàn chẳng ngu ngốc gì mà không hiểu. Và giá Hàn bảo phắt mẹ hỏi Tơ cho mình, thì có lẽ họ đã thành chồng, thành vợ. Nhưng Hàn thẹn. Vả lại Hàn chưa đọc một cuốn tiểu thuyết nào kết thúc một cách giản dị theo kiểu ấy. Cần gì phải nghĩ đến hôn nhân? Hàn chỉ xin mẹ cho tiền mua một cái ống xì đồng. Hàn lấy đất sét viên những viên đạn con con, rồi phơi, rồi nung, rồi nhét đầy túi, vác ống xì đồng đi suốt ngày để thổi chim. Hàn hay đến thổi chim ở sau chùa. Chẳng ai ngờ, bởi vì sau chùa rất lắm chim. Nhưng cạnh chùa lại có một ruộng dâu rất tốt mà cứ bốn năm ngày Tơ đến hái. Thành thử cuốn tiểu thuyết của Hàn cứ thêm trang mãi. Và khi những tháng hè đã hết, nó đã đến chỗ Hàn xúvơnia cho Tơ một cái mùi xoa thơm lựng bằng lụa nõn, viền tím và thêu cành hoa con bướm với hai chữ HT gài với nhau. Ấy là một cái khăn tay Hàn đã đặt làm ngoài tỉnh, rưới vào mấy giọt nước hoa rồi gói vào một mảnh giấy bóng, đem về tặng Tơ… nhà quê, người ta tin rằng: những cặp trai gái chưa chi đã thề bồi với nhau, chẳng bao giờ lấy được nhau. Ðiều ấy đúng chăng? Tháng hai vừa rồi, Hàn được tin người yêu đi lấy chồng. Tơ lấy con trai ông nhì Gia, đỗ nhị trường. Nhà ông nhì Gia nghèo rớt mùng tơi! Thằng con ông mười lăm, nhưng chỉ bằng mười ba; nó cọc người. Mặt nó nhăn nhăn! Mặt dơi chẳng ra mặt dơi, mặt chuột chẳng ra mặt chuột. Nói tóm lại, chẳng có mẽ gì. Nó lấy Tơ, thật đúng là con cú đậu cành mai. Hàn tức lắm. Và chẳng cần phải hỏi Tơ, Hàn cũng biết Tơ bị cha mẹ ép. Quả nhiên, ít lâu sau Hàn được tin Tơ chê chồng bỏ nhà đi. Người ta bắt được Tơ. Ông bố đẻ xoắn tóc Tơ vào gốc cau đánh giập mấy cái roi mây, rồi cạo trọc đầu Tơ, lấy vôi bôi, dọa sai mõ dong đi khắp làng cho dơ mặt, nếu Tơ nhất định không về nhà chồng. Cái kế này diệu thật. Nhưng Tơ khóc gớm lắm. Hàn thương quá. Hàn mong cho có dịp gì được nghỉ về quê bàn với mẹ trả của cho Tơ để lấy Tơ. Nhưng mẹ Hàn nghe Hàn nói thì trố mắt lên, sợ hãi. Con gái làng này đã hết đâu mà phải lấy tranh vợ người ta thế? Hàn năn nỉ. Hàn dọa sẽ đem Tơ đi trốn. Bà trả lời lại bằng cách cưới vợ luôn cho Hàn.
Bài thuốc ấy có thể công hiệu, nếu người vợ cưới về đẹp và ngoan ngoãn. Một người đàn bà rất dễ làm ta quên một người đàn bà khác. Nhưng vợ Hàn rộng miệng và hôi nách. Bởi thế cho nên Hàn uất ức. Hàn không thèm nói nữa. Hàn lẳng lặng ra tỉnh, như yên phận. Nhưng từ đấy, Hàn nghiền ngẫm một cái chương trình rất hăng…
Hàn đã trông thấy cái thằng chồng của Tơ rồi. Nó đứng kia, loắt choắt như con chuột lắt. Nó đứng xem hàng kẹo kéo. Mặt nó hếch lên, nhìn mồm anh kẹo kéo hát những vần vèo mà cười bằng cả một cái mồm há hốc. Hàn nhìn nó, một cái nhìn khinh bỉ. Mẹ kiếp! Thằng nào chứ thằng này, hắn chỉ đá một cái là chết nghéo. Hắn dắt cái xe đạp, đi lên đường. Hắn dắt vòng lên chỗ gốc đa. Hắn tựa cái xe đạp vào gốc đa, rồi đứng nghỉ, lấy vạt áo trắng dài làm quạt, quạt. Người ta tưởng hắn đứng đấy cho mát. Thật ra thì hắn nhìn những đàn bà, con gái đương ăn quà.
Họ khá đông. Những bà mẹ xồ xề với đứa con đầu mới cạo, nhẵn thín như quả bưởi. Những bà già mặc áo mớ, to sù người. Những cô con gái lẫng cẫng và gọn ghẽ. Tất cả đứng tụm năm tụm ba, chuyện trò ríu rít, hoặc ngồi xổm trước những hàng bún, hàng bánh đúc gục đầu xuống ăn. Trông họ ăn mà ái ngại. Bởi họ ăn ngon lành quá, hăm hở quá, mắt hùm hụp nhìn xuống bát, nhìn xuống chỗ bánh của mình, nhìn chỗ bánh của người khác, của nhà hàng… Hình như họ tính thầm rằng mình ăn hết chỗ này cũng chưa no… người kia ăn sung sướng hơn mình… giá không tiếc tiền thì mình phải ăn thêm cái tấm kia, tấm kia… của bà hàng nữa… Chỗ bánh vơi dần. Họ ăn chậm chạp hơn, như kiểu ăn dè. Và đến lúc chỉ còn trơ cái lá không, họ đã buông đũa xuống rồi, còn nghĩ tiếc rẻ thế nào, bê bát nước riêu thừa lên húp một vài húp nữa, rồi mới chống tay vào đầu gối để đứng lên, sau khi đã nhìn cái mẹt của bà hàng với vẻ luyến tiếc… Hàn đứng nhìn họ ăn hàng giờ như thế. Hắn quên cả cái mục đích của hắn khi đến đứng chỗ này. Bởi vì hắn đến chỗ này có phải để nhìn thiên hạ ăn đâu? Hắn có ý tìm Tơ, hắn sẽ theo Tơ đến một quãng đường vắng nào. Hắn sẽ nói điều dự định của mình ra. Và nếu Tơ vẫn còn yêu mến, Tơ vẫn còn can đảm để yêu, hắn sẽ rước Tơ đi. Chúng tự do lập gia đình, sống với nhau rồi mặc kệ! Cái dự định ấy, Hàn nghiền ngẫm đã ba tháng trời nay. Hàn quả quyết thêm. Và tới lúc trông thấy cái mặt nghiêm trang của cha mình và cái mặt đáng ghét của cha Tơ, hắn quả quyết thêm. Và đến lúc trông thấy cái mặt khá bỉ của chồng Tơ, Hàn lại càng quả quyết. Hàn tưởng sự quả quyết của hắn không còn thể nào lay chuyển được. Nhưng bây giờ…
Ôi chao! Nếu Tơ của Hàn có đi xem, tất thị cũng ngồi sụp xuống trước một hàng bánh đúc kia. Thị sẽ bảo bà hàng thái cho ba xu bánh đúc và múc một xu riêu. Thị sẽ và, sẽ húp kêu soàn soạt. Và đôi môi thị, đôi môi tròn và đỏ tựa san hô sẽ sườn sượt, nước riêu cá diếc nó chảy xuống cả cái cằm xinh xinh của thị, khiến thị phải lấy ống tay áo quệt… Hỡi ôi! Có cái gì là đẹp quá như Hàn vẫn tưởng đâu? Hắn tự nhiên thấy mỏi mệt vô cùng. Hắn ngồi phệt xuống gốc đa. Hắn buồn nôn. Lúc bấy giờ tâm trạng hắn ra sao, hắn không biết nữa. Ðó là một cảm giác hỗn độn, nó sửa đường cho một cuộc đổi thay. Rất nhiều mộng mơ tan. Một chút thẹn thùng. Một chút lòng thương. Nhưng tình yêu thì nhất định không còn nữa. Mong manh thay tình yêu bồng bột của tuổi hai mươi! Người ta tưởng có thể chết vì một người, rồi đột nhiên người ta thấy chẳng có nghĩa lý gì đối với lòng mình nữa. Hắn uể oải đứng lên, toan về.
Bỗng Hàn để ý đến mấy cô gái đứng gần Hàn vừa nghe nói đến tên Tơ. Hắn nhìn xem. Một cô đang giơ ra một cái khăn tay. Họ vừa xem vừa bàn tán với nhau:
Cái Tơ cũng nhặt được ở đâu đấy, chứ về nhà ấy làm gì dám mua những của này?
Chắc thế.
Mấy hào đấy?
Có hai hào.
Rẻ đấy.
Rẻ thì rẻ thật, nhưng giá tôi thì tôi cũng chả mua đâu. Hạng chúng mình mua khăn tay thêu làm khỉ gì chứ?…
Thì đã hẳn… Nhưng thấy rẻ, tôi tiếc nên máy tay mua đấy. Tôi chả sợ. Thế nào tôi cũng gạ cô Luyến, bán cho cô ấy, để cô ấy hầu bóng. Cứ gọi là ba hào là rẻ. Mình được lãi một hào ăn bánh đúc.
Ăn bánh đúc! Lại ăn bánh đúc!… Chao ôi! Thì ra những cô gái quê rất đẹp, rất hiền, rất ngây thơ kia phần nhiều chỉ nghĩ đến ăn. Họ là những kẻ không mấy ngày được thỏa cơm. Ðối với họ, cái ăn có lẽ còn cần hơn cả tình yêu. Tơ đã bán cái xúvơnia của Hàn đi để ăn bánh đúc chăng?… Hàn đỏ mặt lên, hắn thấy hắn đã làm một việc quá buồn cười. Nhưng mà hắn chẳng giận Tơ đâu. Hắn cũng không khinh. Hắn chỉ sáng mắt ra thôi. Ðiên rồ thay là cái dự định dắt Tơ đi! Bọn trẻ con tưởng rằng, người ta có thể sống bằng tình yêu mà chẳng cần ăn. Hỡi những cô gái quê rất có thể đáng yêu nếu không đói cơm kia! Các cô đã dạy khôn Hàn. Bây giờ Hàn mới biết rằng, trước khi nghĩ đến việc đặt những cái hôn lên cái miệng hoa của người yêu, cũng nên nghĩ đến việc đổ cơm vào đấy đã. Cái ý nghĩ có lẽ chẳng được thơ cho lắm, nhưng cuộc sống vốn không tha thứ những cái gì quá thơ.
Tiểu thuyết thứ Bảy.
Số 465, hè 1943