Tuyển tập Nam Cao - Nhìn người ta sung sướng
Ngạn đã cố không nghĩ nữa. Nhưng ý nghĩ cứ tự nhiên trở lại. Nó trở lại với Ngạn khi Ngạn không còn phải chen chúc trên xe lửa. Ngạn đã ngồi thư thái trên một chiếc xe kéo bon bon về làng.
Cảnh rất tươi vui. Ngạn cũng ép lòng mà nghĩ thế. Bởi trời rất xanh, không khí trong suốt. Cánh đồng gió lộng phập phồng như cái ngực xốn xao của bể. Lại có nắng, có chim, có tiếng xe bò nghiến những hòn đá vụn nghe lắc rắc và tiếng cười tiếng nói….Nhưng thực ra thì cái cảnh vô tri làm sao nó biết,
mà những người lồng trong cảnh thì ai biết đâu được lòng họ đấy? Ai biết họ vui hay buồn? Thí dụ ngay bọn người đang nhoai lưng đẩy cái xe tải nặng nề kia. Họ đang nói nói cười cười. Họ đang chế nhạo cô tân thời mặc phong phanh vừa mới đạp xe đạp vượt lên. Thế là mấy chị đẩy xe bò gạo the thé cười. Họ làm như được một dịp cười sướng lắm. Tiếng cười nảy lên đành đạch. Nhưng (có thể có thể như thế lắm) có thể là họ cười ầm ĩ như thế chỉ là để đẩy bớt chất cay ra khỏi lòng:
Chà, cũng một đời con gái!… Một chị kêu lên thế. Đời của cô gái an nhàn kia hay là đời của chị? Chị ghê tởm người hay là ghen với người?..Có lẽ tiếng cười của bọn phu phen chua chát thật. Cũng có lẽ họ chỉ cười thẳng thắn thật mà Ngạn là một người bi quan. Nhưng dù sao thì Ngạn cũng phải nghĩ đến Trinh rồi. Bởi Trinh cũng thích đi xe đạp. Trinh cũng hay mặc những quần áo phong phanh, và cũng có lần gió với nắng rất lẳng lơ khiến Ngạn phạm tội bằng con mắt và trong tâm hồn.
Ngạn biết Trinh đã ba năm. Trinh đến Hà Nội để kiếm việc làm và kiếm tự do. Nhất là kiếm tự do. Bởi việc làm của Trinh chẳng cung cấp đủ cho Trinh. Tháng tháng Trinh vẫn phải xin thêm tiền của mẹ. Thân mẫu Trinh là một bà góa giàu ở vùng quê. Bà rất tin con. Bởi bà dốt nát mà con bà thì thông thái. Trinh học giỏi. Trinh đỗ cái bằng mà con trai cả tổng không ai đỗ. Trinh nói tiếng tây y như đầm…Ở Hà Nội, Trinh bán hàng cho một hiệu thuốc tây. Ngạn làm cho một công ty bảo hiểm trụ sở gần ngay đấy. Sự tình cờ khiến hai người thuê cùng một căn nhà. Trinh ở trên gác có lối đi riêng. Ngạn ở dưới nhà. Họ làm quen với nhau rất chóng bởi Trinh là gái mới lớn, còn Ngạn thì chẳng biết có óc mới hay không, nhưng nghĩ bụng rằng: có làm quen với Trinh cũng không thiệt gì. Thế rồi Ngạn yêu Trinh. Rất thẳng thắn và giản dị, một buổi tối, Trinh vắng khách, Ngạn đã tỏ tình yêu của Ngạn cho Trinh biết. Và cũng rất thẳng thắn và giản dị, Ngạn ngỏ ý muốn thu xếp mà cưới Trinh. Trinh không sửng sốt, không e lệ nhìn xuống đất, không nổi giận, Trinh mỉm cười. Trong khi Ngạn tái người đi cảm động. Rất bình tĩnh, Trinh mỉm cười rồi Trinh trả lời Ngạn như thế này:
Em cám ơn anh lắm. Nhưng…thật là khó nói! Anh ạ, anh là một người xứng đáng nhưng từ trước đến nay em chỉ coi anh là bạn. Còn về sau thì chẳng biết. Em thành thực mong em sẽ yêu anh. Nhưng hiện nay, giá anh vui lòng đợi….
Được rồi! Ngạn sẽ vui lòng đợi. Ngạn đợi ba năm dài dằng dặc. Trinh vẫn thân mật với Ngạn và với nhiều người khác. Rồi đùng một cái, Trinh lấy một người ngoại quốc nhiều tiền và nhiều tuổi mới gặp Trinh vài lần. Chẳng thiếu gì người đau đó ư, nhưng lẽ dĩ nhiên, Ngạn là người đau đớn nhất, Ngạn nhớ đến lời của Trinh:
Em sung sướng lắm! Anh yêu em chắc cũng muốn em sung sướng. Hạnh phúc của người anh yêu… Giả dối ôi là giả dối! Cũng như những người tình nhân trong tiểu thuyết khóc sướt mướt và bảo người tình nhân kiết xác:
– Em phải đi lấy chồng anh ạ! Nhưng cái tâm hồn em là của anh.
Cái ý nghĩ hài hước ấy làm cho Ngạn nhếch môi cười một chút. Nhưng cái cười rất nhiều chua chát. Ngạn dần thấy cổ ứ nghẹn và máu trong người sôi lên. Ngạn ghét Trinh hết sức và anh ghét lây một số đông gái mới yêu kiểu cách và lãng mạn, óc đầm đìa thuốc phiện của những nhà tiểu thuyết suốt đời nhìn trăng.
Qua một cái ngõ chữ chi, Ngạn bước vào sân. Cái sân vắng như một ngôi nhà hoang. Không có thằng em út. Ngạn vừa cười khanh khách vừa quần nhau với con chó mực. Im lặng quá. Mấy cây cau vàng lá đứng ủ rũ như cái chết đã lên đến ngọn.
Bỗng con mực đang mơ mơ màng màng trong cũi ngóc đầu lên sủa vài tiếng ngắn, rồi nó vẫy đuôi mừng. Mẹ Ngạn ở trong bếp chạy ra, tóc bết mồ hôi, tay còn cầm đôi đũa. Bà lắc đầu ra hiệu cho Ngạn đừng nói vội và chỉ tay vào nhà trên. Y hiểu ngay, y biết trước thế nào khi bước chân qua ngưỡng cửa y cũng được nghe bà ngoại rên. Y lắc đầu chán nản. Chẳng mấy lần về đến cửa là y không phải nghe bà ngoại rên. Bà ốm kinh niên, một bệnh không thuốc nào chữa được, bệnh rất hay phải lại ấy là bệnh ghét con gái bà.
Bà là một người khổ từ trong trứng khổ ra. Bố chết từ lúc mẹ mới có thai. Lên năm tuổi thì mẹ bước đi bước nữa. Các ông chú, bà bác chia tay nhau nuôi đứa cháu côi, kẻ dăm bảy tháng, người một vài năm. Rồi sau cùng không ai thừa cơm gạo mà nuôi nó nữa thì người ta bán nó cho một nhà giàu làm con nuôi. Nhà giàu nuôi và đánh chửi nó cho đến năm mười bảy tuổi, rồi chuyển tay nó cho bà mẹ chồng vừa nuôi vừa đánh chửi, nhất là đánh chửi. Đến năm hăm mốt tuổi, sau năm lần toan nhảy xuống sông, người thiếu phụ khốn nạn sinh được một đứa con: vừa ốm yếu, vừa con dữ không làm gì được nữa, nên được mẹ chồng buông tha cho đi làm ăn riêng với chồng. Bây giờ mới đến lượt chồng hành hạ. Y đánh bạc, y uống rượu, y ăn cắp tiền của vợ. Gia đình quanh năm lục đục. Vợ đay nghiến chồng. Chồng chửi và đánh vợ, con chốc lở, khóc nhanh nhách suốt ngày đêm. Sau cùng thì anh chồng thua bạc một canh to bỏ làng đi để lại cho vợ và con thơ bao nhiêu nợ. Mỗi ngày có đến ba bốn chủ nợ đến tận nhà chửi mắng vào dọa nạt. Thế là chồng chưa chết mà người vợ trẻ bỗng nhiên sinh ra góa chồng….Bởi suốt một đời khổ sở nên bà ngoại Ngạn không thấy một người nào thật khổ. Trong nhà bà toàn những người sướng quá. Từ con bé ở trở lên. Bà bảo nó như thế còn là thần tiên đấy!… Nhất là vợ chồng con gái. Trời ơi! Chúng nó suốt đời trẻ như măng, chẳng phải lo nghĩ gì, chẳng phải bao giờ đánh chửi nhau…Mà con vợ chiều chồng quá, nó mua rượu cho chồng uống, chồng uống rượu vào rồi vuốt má vợ. Chúng nhăn nhở cười với nhau y như là con trẻ…Thế mà chúng đã ngoài bốn mươi tuổi rồi. Chao ôi, chao ôi, bà khổ suốt cuộc đời ki cóp từng đồng trinh một để bây giờ chúng nó sung sướng. Chúng sướng quá. Chúng không biết rằng mẹ chúng đã khổ suốt một đời hay sao. Thuốc độc cứ thấm dần, thấm dần. Trước còn ngấm ngầm, nhưng sau càng ngấm mạnh. Và đến lúc, cái bệnh ghét phá tung ra ngoài…
Ngạn lại gần giường. Bà cụ rên hừ hừ giả tảng như không trông thấy Ngạn. Ngạn phải lên tiếng trước:
– Bà lại làm sao thế?
Bà ngoảnh mặt nhìn ra rên rẩm
– Cháu đấy à, bà chết mất!…
Bà nức nở và nắm lấy bàn tay Ngạn. Ngày xưa gặp cảnh ấy, thế nào y cũng sa nước mắt. Nhưng bây giờ thì y khó chịu: y đã thấy nhắc đi nhắc lại bao nhiêu lần rồi. Y cố nén giận cho giọng nói không gay gắt vào bảo:
Thì bà còn nghĩ đến thầy bu con làm gì?
Khốn nạn, con ơi!… Con phải biết rằng người ta thì còn có năm có bảy, mất con nọ còn con kia. Bà thì mẹ có một con, con có một mẹ. Mà bà thì bù đắp cho thầy bu con đến thế, thế mà bây giờ nó bạc, nó chẳng biết thương lấy bà một tí. Chúng nó chỉ nghĩ sao cho sướng thân chúng nó, còn mẹ có chết khô chết nỏ cũng không buồn nhìn nhõi. Thầy con thì rượu chè lu bù, ba chén dấn vào thì nói khoác, một tấc lên đến trời, thật là một đứa ăn càn nói bậy. Bà nghĩ mà xấu hổ với người ta quá. Bảo mãi mẹ nó phải can nó dần dần, nhưng mẹ con thì can đã không can lại mua thật nhiều về cho nó uống. Suốt đời không dám nói động đến cái chân lông nó, chỉ sợ nó đi. Tao thì chồng tao đi từ năm tao mới hăm ba tuổi, tao cũng không chết đói, tao cũng nuôi nấng, gây dựng được cho bu mày…
Ngạn đờ mắt và thở dài. Lúc nào bà y cũng còn nghĩ đến người chồng bạc bẽo và lấy làm đau xót vì có những người chồng không bạc bẽo bằng chồng bà.
Câu chuyện đổi chiều, bà cụ đã được khỏe và được Ngạn kiếm lời an ủi nên lòng đã nhẹ. Bà lại nghĩ đến cái việc tạo hạnh phúc cho cháu bà:
Ngạn ơi! Con nên thương lấy bà một tí. Bà bây giờ già yếu, nay ốm mai đau. Thầy bu con thì đã không cho bà cậy được rồi. Chỉ còn con, mà con thì đi vắng luôn luôn.
Hay là con đưa bà lên Hà Nội?
Ừ, nhưng con cũng phải lấy vợ đi đã chứ?… Con nên nghe lời bà. Con bé ngoan đáo để, được người được nết…
Giá phải lần khác thì Ngạn đã gạt đi. Nhưng lần này y nghĩ ngợi. Con bé ấy là Duyên. Một cô gái mồ côi. Nhà Duyên ở cạnh nhà y. Khi bố Duyên còn sống, hai nhà đã gắn bó với nhau. Nhưng Ngạn chẳng gần Duyên. Ra tỉnh ngay từ thủa còn thơ, y chưa lúc nào nghĩ rằng y lại có thể lập gia đình với một cô gái quê như Duyên được. Duyên đâu có hiểu. Duyên vẫn đi lại nhà Ngạn mãi. Duyên làm thân cùng bà cụ. Bà cụ thương Duyên cùng một cảnh như bà hồi trẻ. Bà yêu Duyên lắm. Bà đã bao nhiêu lần ép cháu bà lấy Duyên.
Con nên thương bà mà thương nó. Những lúc con đi vắng, khi bà váng mình sốt mẩy, chỉ có một mình nó chăm sóc trông nom…Mấy đứa biết quý người như thế ấy. Nó tử tế với con thì con cũng nên lấy sự tử tế mà đền bù lại. Nó nhắc đến con luôn. Con thử nghĩ…Nó trông đợi con bao nhiêu năm rồi…
Ngạn hơi buồn. Y nghĩ đến Trinh, y cũng đã kiên nhẫn đợi và mong mỏi…Y bỗng thấy lòng thương Duyên. Duyên yêu giản dị và mộc mạc, không nghệ thuật, không triết lý. Yêu bởi…trời sinh ra thế. Ngạn đã chán thứ tình yêu của hạng người cứ luôn luôn triết lý với tình yêu lắm rồi! Tại sao y lại không thể lập gia đình với Duyên?
Biết là cháu đã xiêu lòng, bà cụ bảo:
– Con bằng lòng nhé, con bằng lòng đi để bà nói với nó cho nó mừng.
Ngạn sẽ gật đầu một cái và thở dài theo luôn. Sao lại thế? Y không hiểu nữa. Hình như y nhận lời miễn cưỡng. Hình như y buồn. Y mơ hồ thấy là y sẽ khổ và y sẽ làm người khác khổ, điều ấy còn khổ hơn. Tình yêu, cái tình yêu của loài người hiện tại là một cái gì buồn mênh mông…
Duyên bỏ tiền dành dụm của Duyên mua những quả na thật đẹp, hạng na nhất chợ, Duyên đem sang cho bà Ngạn. Bà Ngạn mỉm cười. Bà nhớ lại trong một giây cái lúc tình yêu chớm nở trong lòng. Một giây thôi. Rồi khóe miệng bà nghệch xuống thành hình dấu mũ. Chua chát đã tiết ra trong máu. Bà bửa một quả na ăn. Bà chọn một quả thật ngon đưa cho Ngạn:
– Nừ rồi đấy, ăn đang vừa.
Ngạn cầm lấy. Duyên hơi đỏ mặt, nhìn trộm y sung sướng và bẽn lẽn. Ôi! Duyên đẹp quá! Cái tình yêu của Duyên đẹp quá! Ngạn ăn rất thong thả, quả na ngọt lự và thơm thoang thoảng. Mặt y sáng sủa và như có một ngọn lửa ở bên trong chiếu dọi. Y mỉm cười nhìn Duyên.
Duyên càng bẽn lẽn, càng đỏ má. Duyên cúi mặt, tay mân mê đầu cái dây lưng đũi của bà cụ rồi Duyên cười ngượng nghịu:
Bà ạ, hôm nay gạo kém quá, một đồng không được mười một đấu con.
Chết nhỉ?
Nhà con đã phải trộn thêm ngô rồi.
Ngạn nhìn Duyên thương hại. Nhưng bà cụ bảo:
Chà. Con ạ, con trẻ ăn cơm ngô càng chắc dạ. Bà thì ngày xưa cơm ngô cũng chẳng có mà ăn đâu. Cứ phải ăn cháo rau má trừ cơm là thường.
*****
Em gái Ngạn cầm vào nhà một phong thư. Bà cụ hỏi:
Thư của ai đấy cháu?
Thư của anh Ngạn.
Bóc ra xem. Không biết lại sao đây. Nó mới đi vừa chủ nhật.. Cô cháu bóc, cô vừa nhẩm đọc và cười tủm tỉm…
Gì thế cháu?
Thư cho chị Duyên bà ạ. Anh ấy bảo anh ấy đang thu xếp tiền cưới chị ấy. Cưới xong sẽ đưa chị lên Hà Nội ngay.
Bà cụ sầm ngay mặt lại. Môi bà hơi bĩu ra một chút. Bà bảo cô cháu đọc. Cô đọc hơi ngượng nghịu, bởi toàn những lời tình tứ cả. Anh anh, em em, anh hứa với em sẽ hết sức làm cho em sung sướng, anh đang lo tiền cưới. Anh sẽ đem em lên Hà Nội để chúng ta được gần nhau luôn…
Gần nhau luôn!… Bà cụ thấy ngực nóng ran lên như lửa đốt. Bà giận cháu bà lắm. Cháu bà thế mà cũng hỏng. Chưa chi đã chiều vợ thế. Sau nó cũng lại xỏ chân lỗ mũi! Anh hứa với em sẽ hết sức làm cho em sung sướng. Quả ra con Duyên là…! Anh sẽ đem em lên Hà Nội. Ngữ ấy lên Hà Nội….! Hứ! Có đời nhà nào như vậy? Có đời nhà nào như vậy?
Bà hằn học chửi:
Hừ, chắc đã ton hót gì với thằng ấy hẳn. Muốn lên Hà Nội lắm. Bà thì nói thật, cưới rồi bà còn bắt ở nhà hầu bà đủ mười bốn năm…
Tiểu thuyết thứ Bảy.
Số 434, ngày 10-10-1942