Tuyển tập Nam Cao - Sống mòn – Phần 1
Tiểu thuyết Sống mòn
I
Sáng độ một giờ rồi. Phương đông trắng mát màu hoa huệ, đã ngả qua màu hồng của tuổi dậy thì, để bây giờ nhếnh nhoáng màu vàng cháy. Mặt trời mới nhú lên được một chút, khỏi cái nóc nhà cao nhất, đầu phố đằng kia. Những tia nắng đầu tiên, óng ả như tơ, lướt qua một rặng mái nhà thấp lè tè, cáu bẩn, mấp mô, để đến xiên vào hai cái cửa sổ gác nhà trường, cái cao thứ hai ở đầu phố đằng này. Nắng chảy thành vũng trên sàn. Hai vùng sáng, trước còn nhỏ và mập mờ, cứ dần dần lan rộng thêm, rõ hình thêm. Sau cùng thì đã rõ ràng là hai cái hình chữ nhật lệch có rọc đen. Một chút phản quang hắt lên trần, lên những bức tường quét vôi vàng và kẻ chì nâu. Nó hắt cả lên cái đi văng Thứ đang ngồi, khiến y nheo nheo mắt nhìn lên. Mặt trời đã nhô lên hẳn.
Thứ ngồi tránh sang một bên, rồi lại cúi xuống, lần lượt giở mấy quyển sách giáo khoa để trên đùi. Y tìm những bài để dạy hôm nay. Y dạy học đã hai năm. Cái chương trình học của lớp nhất, lớp nhì y đã thuộc gần nhập tâm, chỉ thuộc thêm một chút nữa là y đã có thể làm như một giáo sư toán học cũ của y, nhớ đến cả giả lời những bài tính đố mà ông có thể đọc thuộc lòng được đầu bài, nên quanh năm dạy học không cần dùng đến một quyển sách nào. Trong việc soạn bài, không cần thận trọng quá như hồi mới đến trường, có lẽ do đấy một phần. Nhưng một phần lớn lại vì cớ khác.
Có thể nói rằng y đã chán nghề. Không phải vì nghề dạy học tư không thích hợp với y. Nhưng cái nghề bạc bẽo làm sao! Để bớt số giáo viên, một mình y dạy lớp nhất xong lại phải dạy lớp nhì kế theo ngay, nên mỗi ngày phải dạy đúng tám giờ. Tám giờ nói luôn luôn, cử động luôn luôn, chẳng lúc nào ngơi.
Thì giờ học trò ở lớp rút đi, nên thầy phải dùng đến từng phút con con để có thể dạy hết bài. Tất cả các bài làm đều phải chấm ở nhà. Thành thử mỗi ngày y bận rộn đến mười giờ. Công việc mệt mỏi quá đi cày. Thế mà lương mỗi tháng, chỉ vẻn vẹn có hai chục đồng.
Người hiệu trưởng cũ là một người anh họ Thứ. Đích trước kia giữ một chân bán hàng buôn. Cả đời đi làm cho một sở tư, cố nhiên là chẳng thú vị gì. Đích bèn chung vốn với Oanh, một bạn gái đồng sự của y, mở ra cái trường học ngoại ô này. Nhưng trường dạy được hai khóa thì y đỗ kì thi vào công sở, được bổ đi làm ở một tỉnh xa. Y mướn Thứ thay y làm hiệu trưởng và dạy mấy lớp trên. Y bảo Thứ: “Trường bây giờ còn ít học trò, tôi sẽ bảo Oanh đưa cho Thứ mỗi tháng vài chục bạc. Khi nào nhiều học trò hơn, chúng mình sẽ nói chuyện lại với nhau. Bọn mình liệu với nhau dễ lắm”. Tuy chẳng hiểu dễ thế nào, Thứ cũng gật đầu ngay. Y không muốn nói nhiều chuyện tiền nong. Ngay đến không phải chỗ thân tình mà còn cò kè với nhau về một vấn đề tiền, y đã thấy ngượng ngùng rồi, huống hồ Đích với y là chỗ người nhà, lại là bạn học với nhau từ thủa còn thơ. Vả lại lúc bấy giờ y không để ý đến số lương. Thất nghiệp gần hai năm rồi, y đang cần chỗ làm. Y đang muốn có thể dùng sức mình vào một việc gì. Bởi vậy, suốt một năm đầu, y là một ông thầy rất tận tâm. Y soạn bài, giảng bài, chấm bài rất kỹ càng, bao nhiêu tâm lực, bao nhiêu thì giờ đều dùng cả cho nhà trường, cho lũ học trò. Hết niên học, số học trò đỗ bằng tốt nghiệp, so với những năm trước, tăng vọt hẳn lên. Bắt đầu từ khóa học sau, danh số những học trò xin vào học gấp đôi. Oanh hài lòng lắm. Thứ cũng hài lòng lắm.
Nhưng sự hài lòng của Thứ không bền. Chẳng bao lâu, y nhận ra rằng số học trò tăng lên nhiều quá, chỉ khổ y. Y vất vả thêm. Mà số lương thì vẫn thế. Trong khi ấy, vợ y ở nhà quê lại đã sinh một đứa con. Bận rộn con thơ, cố nhiên là người đàn bà phải làm kém đi, tiêu lại tốn hơn, Thứ đã phải nghĩ nhiều đến tương lai. Sự lao lực và những nỗi lo khiến người y hóp hẳn đi. Nét mặt y, đôi mắt y, để nhiễm một vẻ gì mỏi mệt rồi. Y mỏi mệt cả đến tâm hồn, cả tính tình. Y không còn bồng bột, hăng hái như trước nữa. Những lúc thấy mình và vợ con mình khổ quá, y đã bắt đầu tự hỏi y: “Mình làm việc đến gần kiệt sức mà tình cảnh cũng không thể hơn thế này ư?”. Một buổi sáng, trong lúc đánh răng, y bỗng tính ra rằng mỗi sáng, nguyên về hai lớp của y, người ta đã thu được tám mươi đồng. Y chỉ được một phần tư. Còn sáu mươi đồng nữa đâu? Tiền nhà, mười bảy đồng, tiền thằng ở, được sáu đồng thì nó còn làm đến trăm việc khác cho Oanh, chứ có riêng gì việc nhà trường đâu; tiền phấn viết bảng, độ vài đồng… Tất cả mọi thứ chi phí cho cả nhà trường, chỉ có thế thôi. Nguyên một số sáu mươi đồng kia, đã thừa được quá nửa rồi. Lại còn tiền thu ở bốn lớp kia. Thế thì Oanh không phải khó nhọc gì, không phải một trách nhiệm gì, cái trách nhiệm hiệu trưởng hoàn toàn Thứ phải đảm đương, mà được lợi về cái trường mỗi tháng trăm bạc. Sao lại vô lý thế?…
Một hồi còi khàn khàn vang lên. Tiếp theo là những tiếng bước chân bình bịch, những tiếng guốc khua rộn rã: phu nhà máy rượu bia chạy vào làm. Sáu rưỡi…
Thứ đã xong, y đánh dấu những trang cần dùng bằng những mảnh giấy con, rồi gấp vào. Y ngẩng mặt lên. Oanh ngồi ở cái bàn độc nhất, kê áp vào tường mé bên kia, đang tô điểm.
Oanh không đẹp, y gầy đét, vẻ mặt cũng như dáng người, cứng nhắc và khô. Tóc thì quăn xoắn xít món nọ với món kia mà lại ngắn, nên phải thêm một cái độn cho thành một cái búi to to dễ coi hơn. Mắt cũng tầm thường. Chỉ được hai hàm răng tươi, trắng nõn và đều. Y vẫn lấy làm kiêu ngạo lắm.
Oanh dạy hai lớp trẻ con. Những đứa trẻ lau nhau, nguệch ngoạc, hôi tanh, đến lớp chỉ để bôi mực vào tay, lên quần áo, lên mặt, lên tay, lên bàn ghế và tường của nhà trường. Thứ không hiểu như vậy thì Oanh đánh phấn, tô môi, kẻ lông mày kĩ càng như thế làm gì? Mỗi sáng, y mất vào đấy đến nửa giờ. Sáng hôm nay, y còn nhiều thì giờ để ngắm nghía mình hơn. Y nhìn vào gương, vừa xoa nắn mặt, vừa càu nhàu: “Chà! Sao trông cái mặt mình ngán quá! Mình già quá!”. Thứ thấy buồn cười. Y nghĩ bụng: “Ai bảo tiếc của giời? Còn hám lợi lắm thì rồi thế nào cũng chết già ở cái trường này… ”
Cứ mười ngày, Oanh lại bảo Thứ một lần:
Tôi cũng sắp trả chú cái trường của chú đấy. Chẳng lẽ cứ vua Lê, chúa Trịnh mãi thế này. Đích hẹn với tôi rằng Đích đi làm một vài năm, dành dụm một số tiền rồi sẽ cưới tôi. Tôi sẽ đi với Đích. Cái trường này, để lại cả cho chú, mặc chú trông coi lấy.
Mới đầu, câu nói ấy đã gợi cho Thứ bao nhiêu mộng. Y sẽ tổ chức lại cái trường. Y sẽ sửa sang lại cho nhà trường sạch sẽ hơn. Nhà trường sẽ có một phòng giấy để tiếp khách hẳn hoi. Học sinh sẽ có tủ sách, hội thể thao, những cuộc chơi giải trí… Phần nhiều các bạn đồng nghiệp của y, coi trường tư chỉ là một chỗ kiếm ăn tạm bợ để đợi thời. Y, trái lại, đã định rằng sẽ sống chết ở trong nghề. Y thành thực yêu nghề và yêu các trẻ em. Y rất tận tâm. Y dạy có phương pháp và chăm. Y đã làm cho cái trường này được tín nhiệm, nhiều học trò thêm. Chỉ tiếc rằng y không được toàn quyền theo như ý của y. Oanh ngại những món tiền, nghe y bàn gì cũng gạt đi. Nhưng đến khi nhà trường đã thuộc hẳn tay y… À! Y tin chắc rằng nó sẽ không chỉ thế này thôi. Nó sẽ tiến hơn nhiều. Số học trò sẽ hơn nhiều. Số thu sẽ gấp đôi lên. Các giáo viên sẽ được thù lao một cách xứng đáng hơn. Họ sẽ không còn phải băn khoăn nghĩ
đến tiền, đến cơm áo. Họ có thể để hết thì giờ và tâm trí vào nghề. Thứ cũng lấy mỗi tháng một số lương nhất định, đủ tiêu dùng. Y sẽ đem theo vợ con. Còn bao nhiêu lời lãi, sẽ đập cả vào cái quỹ chung của nhà trường. Trong cái quỹ ấy, bao nhiêu phần sẽ dùng vào việc mở mang, bao nhiêu phần vào những cuộc phát thưởng và những ngày hội hàng năm của học sinh, bao nhiêu phần sẽ giữ lại cho các giáo viên vào mỗi ngày cuối năm, bao nhiêu phần sẽ chia cho họ để cho họ một số tiền hưu… Thứ đã tính rành mạch cả. Y dám chắc rằng nếu cái trường thuộc quyền y thì y sẽ thực hành cái chương trình kia chẳng khó khăn gì, và y sẽ bắt đầu thực hành ngay. Nhưng bây giờ thì y đã chán rồi. Y đã hiểu rằng người ta chỉ dử y, người ta chẳng chịu nhả đâu. Cái trường còn có lời thì người ta còn phải khư khư ôm lấy nó…
Oanh cất tiếng gọi thằng Mô, thằng ở của nhà trường. Tiếng y the thé, hách dịch, gắt gỏng. Thứ ghét những người đàn bà như vậy. Y thấy một nỗi tức đột ngột xông lên óc. Y đứng phắt lên, mở cửa trước ra hiên gác. Ở mé bên kia đường, đã lẻ tẻ mấy bọn học trò. Chúng nhìn lên cất mũ chào. Thứ lại phải tươi mặt lại. Y khép cánh cửa, để chúng không nhìn vào bên trong được.
San, người bạn dạy hai lớp dưới những lớp y, quần áo chỉnh tề, ngồi trên chiếc ghế mây, tay tì lên cái chấn song, cầm một quyển sách mở, đang đọc thành tiếng lầm bầm. Y đọc rất nhanh, sùi cả bọt mép ra. Thỉnh thoảng y lại hít mạnh vào một cái và đưa tay lên quệt mép.
San đang theo học một lớp buổi tối để thi bằng tiểu học Pháp chương trình ba năm. Y muốn học trong có một năm. Thì giờ hết mất rồi, chỉ còn vài tháng nữa đã thi, mà phần chưa học kịp thì còn nhiều quá. Bởi vậy, y học đúng như bò ngốn cỏ. Buổi sáng, vừa mới dậy, y đã mải mốt rửa mặt, chải đầu. Rồi y tròng cái ca-vát thắt sẵn vào cổ, rút lên, nắn qua loa, mặc quần áo, xỏ giầy. Tất cả những việc ấy, làm trước đi để lát nữa đến giờ, chỉ việc sang trường. Thế rồi xách một chiếc ghế và một quyển sách ra hiên, y chúi mũi vào sách, học…
Thứ lại đứng cạnh y, nhìn vào trang sách y đang học. Đó là một quyển địa dư. Thứ rất dốt và rất ghét địa dư. Y nhìn xuống đường. Mấy đứa học trò nhà, toàn những em, những cháu Đích và Oanh, đùa nghịch với nhau, xô đẩy chạy ra đường, trông thấy y chúng lại chạy thụt vào. Tại sao như vậy? Hồi còn nhỏ, đi học, y rất sợ thầy. Bây giờ, y vẫn cố làm cho học trò y không sợ sệt y. Trong giờ học thì cố nhiên y cũng phải nghiêm trang. Nhưng ra khỏi lớp, y đối với chúng thân mật, dễ dãi, còn hơn một người anh đối với các em. Tại sao trước mặt y, chúng vẫn không thể đùa nghịch, tự nhiên như vậy?…
San ngẩng lên, toe toét, khẽ bảo y bằng tiếng Pháp:
– Con bé Lân vừa đi qua đấy!
Mặt San đung đưa và tiếng y dơn dớt. Động nói đến gái là y nhõng nhẹo và chớt nhả. Thứ khó chịu, lạnh lùng.
Thì mặc nó! Cái ấy không can gì đến tôi!
Thấy ghét! Giá húp được thì có đứa đã húp ngay được đấy!
Mất dạy! Học trò ở dưới kia chúng nó nghe thấy thì đẹp mặt.
San cười phì một cái ra đằng mũi, rồi lại chúi đầu vào sách học. Nhưng ở trong nhà, tiếng Oanh chan chát mắng và tiếng thằng Mô oang oang cãi lại. Gần như chủ và đày tớ cãi nhau. Thứ bĩu môi. San cau mặt dằn khẽ quyển sách xuống, rít trong cổ họng:
Không chịu được! Thứ mỉm cười:
Ai bảo dại? Đang yên lành, tự nhiên dở chứng, trả lại nhà, đến rúc vào đây. Đã được suốt ngày nhức đầu chưa?
San bỗng lại phì cười. Y bảo:
Chúng mình khổ thật! Giá được ở với vợ thì phải cố chịu cái tai nạn đàn bà lắm điều, cũng là lẽ đương nhiên. Đằng này phải bỏ vợ mà đi thế mà vẫn không tránh được cái khổ mồm loa, mép giải. Không được ăn xôi, cũng phải nai lưng ra mà chịu đấm. Ức chết đi được.
II
San là một con nhà giàu ở nhà quê. Giàu đối với làng y. Nghĩa là có vài mẫu, vừa vườn, vừa ao, dăm ba mẫu ruộng, một con trâu, thóc gạo ăn từ mùa nọ đến mùa kia… và những khi gặp công việc, cần đến dăm ba trăm, nguyên tiền nhà bỏ ra cũng đủ, không cần vay mượn. Ông thân San là một nhà nho hiền lành, vừa dạy học, vừa làm thuốc, bổng lộc khá nhiều. Ông có ba người con trai, thì cả ba đều đã có vợ con, có phần, có phận cả rồi. San là con út. Y cũng có được ra tỉnh học. Nhưng y chỉ học hết bậc sơ học, đỗ được cái bằng rồi, ông bố bắt về. Vào thành chung, học tốn tiền. Số tiền ấy, thà để làm ăn cho nó sinh sôi nảy nở ra, rồi đến khi San đến tuổi, thì dùng mà lo công danh cho y ở nhà quê. Thời buổi này, học cho đến lúc đỗ đạt, được bổ đi làm ông phán, ông thông chẳng dễ gì. Đích và Thứ học tốn tiền nghìn, xong cả bốn năm thành chung rồi, mà chẳng vẫn còn vất vưởng đó ư? Đã bảo rằng làng này không có đất học hành. Từ khi quan Cử ngài mất đi đến giờ, có một người nào, dù học chữ Nho hay chữ Tây mặc lòng, mà đỗ đạt đâu? Quan Cử ngài ghét dân làng ở bạc, sai đào cái ngòi chảy qua làng, làm đứt mạch đi rồi… Ông thân San thường nói vậy, như để phân trần với người ta rằng: ông có thể cho con đi học được mà lại bắt con thôi học dở dang, là ông đã suy tính chán, ông muốn gây dựng cho con bằng cách khác.
San lấy vợ. Ông thân y cưới cho y con gái một nhà giàu và thân thế ở trong làng. Lấy vợ xong, San học chữ nho. Con đường của y đã định rồi: y sẽ làm tổng lý. Muốn dắt díu cho con rể, ông bố vợ cho San năm sào vườn ở cạnh nhà ông. Ông bố đẻ làm cho một cái nhà. Vợ chồng San đến đó ở riêng. Tiện cả cho vợ y thậm thọt về nhà mẹ đẻ, để mà bòn của. Hồi ấy, Thứ rất khinh San. Là một con nhà có máu mặt lép vế trong làng, Thứ hiểu một cách sâu xa những cái ức hiếp của bọn cường hào. Y thù ghét bố vợ San. Nhà ông ta làm tổng lý bốn đời rồi. Vây cánh ông ta mạnh nhất làng. Tất cả các việc trong làng đều ở tay ông. Ngay từ hồi còn bé cỏn con, Thứ đã được thấy bà ngoại y, mỗi lần đi nộp thuế về nghẹn ngào:
Cha mẹ nó! Nó bóp hầu, bóp cổ người ta. Thuế nhà mình mà nó tính hai chục bạc! Nó lấy một mà hai… ở cái làng này mà thấp cổ, bé họng thì ức thật, chúng nó không còn để cho người ta sống…
Khi đã ra tỉnh học, mỗi kỳ nghỉ hè, Thứ về quê, lại trúng vào dịp thuế. Y lại được nghe những lời độc địa của bà ngoại y nguyền rủa bọn kỳ hào. Một lần, y được thấy ông bá Kiến sai trói một lúc mười bảy người và đánh một người lòi mắt. Y tắc cổ, như trông thấy bố mình bị đánh. Ngay từ đấy, nẩy ra trong đầu y, cái ý náo nức muốn học, muốn thành tài, để đem cái tài ra mà dẹp tan những nỗi bất bình kia. Y ngờ nghệch tin rằng, phàm những kẻ nào đã cắp sách tới trường, đều phải nghĩ như y, ít ra, họ cũng khinh những hành vi đục khoét, bóp nặn của bọn mọt dân, ỷ thế làm càn. Y lấy làm lạ là một người như San, có học Tây, có xem sách báo mà lại đã nhiều phen công kích trước mặt y, những cái tồi tệ của bọn cường hào… y lấy làm lạ rằng một người như thế, mà bỗng chốc có thể chui đầu vào luồn lụy một nhà như nhà bá Kiến, chuyên sống về nghề đục khoét…
Thứ khinh San lắm. Thế cũng lấy vợ nhà giàu. Ông bố vợ y cũng có một địa vị cao cả ở làng. Nhưng y coi đó là một sự nhu nhược của y. Y đã không cương quyết nổi đến cùng, để chống lại sự quyết định của gia đình. Y đã phải trách y nhiều về chỗ ấy.
Y lấy làm mừng vì ông bố vợ y là một ông kì mục hiền lành. Y rất lấy làm mừng vì Liên rất mau chịu ảnh hưởng của y. Bởi rất yêu và rất phục chồng, Liên dễ mau đến cái lúc nhìn đời bằng con mắt của chồng. Mặc dầu vậy, đối với gia đình vợ, Thứ vẫn cố ý không thân mật lắm. Y cự vợ rất hăng, mỗi lần vợ định mua rẻ của mẹ một vài mẫu ruộng hay xin mẹ mười lăm thùng thóc. Y cũng không thích bo bíu gì với chính bố mẹ y. Con chim bay bằng đôi cánh của nó. Y muốn chỉ trông vào bàn tay y. Bỏ học tháng Năm và bỏ luôn cả kì thi vì bệnh tê phù và bệnh đau tim, y khỏi bệnh tháng Mười và tháng Mười một nhất định ra đi. Y không chịu được sự ở dưng. Y vào Sài Gòn với một người làng, mặc dầu rằng khí hậu nóng ẩm miền Nam chẳng tốt tí nào cho căn bệnh của y. Ở Sài Gòn, y kiếm ăn bằng nhiều nghề, kể cả những nghề mà những người tự xưng là trí thức, không làm. Y trà trộn với phu phen, với thợ thuyền. Y mặc đồ bà ba, đi chích thuốc thí ở nhà thương. Còn chút thì giờ thừa nào, y học rất chăm. Y đợi một dịp may mắn để có thể xin xuống làm bồi tàu để đi sang Pháp. Y sẽ sang đấy, để nhìn rộng, biết xa hơn để tìm cách học thêm. Phải có một cái trình độ học thức khá cao. Phải luyện tài. Có học, có tài, y mới có đủ năng lực để phụng sự cho cái lý tưởng của y. Tạng người y không cho y cầm súng, cầm gươm. Y sẽ cầm bút mà chiến đấu.
Y lận đận ở Sài Gòn ngót ba năm. Ngót ba năm sống chật vật, sống nghèo nàn, nhưng rất say mê. Cái mộng viễn du vẫn chưa thành, thì một trận ốm thập tử nhất sinh đã đem y về, trả cho đất chôn nhau, cắt rốn.
Y đã thấy những gì ở quê nhà? Gia đình y khánh kiệt rồi. Bà ngoại y già nua, ốm yếu, bẳn gắt, buồn rầu.
Bà chửi con cháu suốt ngày và khóc suốt ngày. Ông thân y uống rượu rất nhiều chỉ vì thất bại rất nhiều. Lũ em y lúc nhúc rất đông, không được đi học, không được mặc, thường thường không đến cả ăn, gầy guộc, rách rưới, bẩn thỉu, đen thui, tục tĩu và xấc láo, cãi nhau suốt ngày chí chóe. Bà mẹ y, già và xấu đi nhiều quá đến nỗi y tưởng như mình đã xa nhà đến mấy chục năm, làm và nhịn tóp người đi như một con ve, một mình cố nâng đỡ cả một thế giới đang sụp đổ kia, như một con ngựa già cố kéo một cái xe nặng lên khỏi dốc, tuy biết mình kiệt sức rồi, không thể nào kéo nổi nhưng vẫn kéo. Vợ y cũng khác nhiều. Liên già đi đến mười năm. Khuôn mặt trái xoan kia, đã có cạnh ra. Dáng người và chân tay nặng nề thêm. Đôi mắt trong trẻo, long lanh đã hơi mỏi mệt. Ngay tối hôm đầu, Liên đã hỏi y:
– Mình có đem về được vài trăm bạc không?
Và khi y đáp: “Không” thì Liên hơi thất vọng…
Cũng không sao… – Liên bảo vậy, có lẽ để cho chồng khỏi ngượng. Em hỏi thế là vì nhà bây giờ túng lắm, thầy u nợ người ta mất ít nhiều. Giá có tiền thì mình đưa cho thầy u trả nợ đi. Nhưng không có cũng chẳng sao. Thật ra thì mình cũng chưa đến nỗi không còn cách gì mà nẩy ra tiền để trả người ta. Nhưng khổ một nỗi u cứ hay nghĩ vớ vẩn. Em bảo mai u cho em bán đôi khuyên của em đi, để trang trải cho xong nhưng u không chịu…
Làng y vẫn như xưa, khổ hơn xưa. Vải Tây rẻ như bèo, nghề dệt cổ xưa của làng chết hẳn rồi. Dân làng không việc rất nhiều. Ông bá Kiến vẫn còn sống, vẫn còn giàu. Ông đã từ tiên chỉ để con trai ông ra làm lý trưởng, nhưng thật ra ông vẫn nắm quyền tiên chỉ. Mọi việc trong làng vẫn một tay ông cắt đặt. Đàn em vẫn bị bóc lột đến không còn cái khố. San thì bấy giờ đã nhà quê đặc. Y đã hai con. Ông bố vừa mới mất, cái áo tang xổ gấu và chiếc khăn bằng vải trắng, thắt ngang, khiến y càng có vẻ lù đù. Đến chơi với Thứ, y nói nhỏ nhẹ, buồn buồn, đôi mắt nhìn xuống như sợ người ta nhìn vào cả tâm hồn. Kỳ thuế năm ấy, Thứ được tin San phát thẻ giùm anh vợ. Đòi dân làng mỗi cái ba xu. Một hôm đến chơi nhà San, y thấy San đang tắm cho con. Một hôm khác thằng ở bảo y rằng:
San đang chia bài cho ông bố vợ đánh tổ tôm. Một hôm khác nước, y bắt gặp chính San đang dở cuộc tổ tôm. Từ đấy Thứ không đến nhà San nữa. Y được nghe đủ mọi thứ chuyện về cái anh chàng đốn mạt, làm nô lệ cho nhà vợ ấy. Y nhục thay cho bạn…
Đột nhiên một hôm Thứ nghe nói San đi Hà Nội dạy học ở trường của Đích. Mấy tháng sau, y gặp San về quê mặc Âu phục hẳn hoi. Và đến khi nhận được thư của Đích, y đến trường, thì San đã Hà Nội hóa khá nhiều: y cười nói bô bô, khôi hài, làm ra người vui vẻ trẻ trung. Một con người của phong trào! Thứ không ưa lắm những con người ầm ĩ, lố lăng như vậy. Nhưng y cũng nghĩ thầm về người bạn nhỏ:
“Thà như vậy!… ”
III
Sau khi Đích đi rồi, Thứ sang ở với San. San thuê một căn nhà ở gần trường, mỗi tháng năm đồng. Y mua lại bộ bàn ghế và hai cái giường gỗ tạp, bà chủ bắt của người thuê trước, còn thiếu đâu ba, bốn tháng tiền nhà. Y đem từ nhà quê lên một ít bát đĩa, xanh nồi. Y nghiễm nhiên trở thành một người chủ trọ, thổi cơm tháng cho bốn đứa trẻ người làng lên học ở trường và một cậu học trò trưởng Bưởi. Nhà sáu mạng rồi. Thêm một Thứ nữa là bảy.
Họ ở với nhau như thế được hơn một năm. Nhờ mọi thứ còn rẻ quá, lại đông người gánh góp. Cuộc đời khá yên ổn nếu những đứa trẻ không nhộn quá và San với Quý – cậu học trò trường Bưởi – không hay tranh luận quá. Những đứa trẻ ghét San. Có lẽ vì trông y trẻ quá, người ngắn ngủn, cử chỉ không đúng đắn, y không đủ oai quyền để cai quản chúng. Chúng rất hay chế giễu ngầm y, bướng bỉnh với y. Những lúc Quý đi học vắng, Thứ và San bận rộn với lớp sau, lớp trước ở bên trường, là những lúc mình bốn chúng làm chủ cái nhà. Tha hồ mà làm loạn! Chúng phá phách, tinh nghịch đủ trò. Một cái trò chọc thằng bé con cháu vợ San, có làm cho nó phát khùng, phải chửi lên, rồi vịn vào đấy mà đánh cho cẩn thận, trong khi những đứa khác, trong đó có cả thằng ở, đứng xem, cười và nói khích cho đứa chửi càng già mồm chửi và đứa đánh cứ già tay đánh. Thằng bé bị đáng rất đau, San về cũng không dám nói gì. Kinh nghiệm đã cho nó biết rằng: mách San chỉ bực mình thêm. Bởi vì mỗi lần nó khóc mếu, thưa chú, thì dầu nó phải mười mươi, chú cũng chẳng có cách gì hơn là hậm hực chán rồi mắng cả hai. San, tuy rất ghét, rất giận thằng kia, không muốn tỏ ra mình bênh cháu. Tuy vậy, y có thể vì thế mà mất ăn mất ngủ. Y thường nói bằng cái giọng hằn học nhất của y, bảo Thứ:
Thằng Lu thật là khốn nạn! Không hiểu sao nó cứ phải bắt nạt thằng bé cháu tôi. Không ngày nào là nó không đánh thằng bé một lần. Tôi đã bảo nó bao nhiêu lần mà nó không nghe. Đối với chúng mình, thì chúng nó là trẻ con cả với nhau, mình có để ý gì. Khổ một nỗi ở đằng nhà vợ tôi có chịu nghĩ như thế cho đâu! Tính trẻ con, ai có lạ gì? Mỗi lần về quê, thằng bé lại khóc khóc, mếu mếu kể lể với mẹ, với bà. Mà tính đàn bà thì cũng lại rứa trẻ con! Thôi thì họ hết đay chì lại trách móc tôi, nhất định cho tôi là hắt hủi, bỏ liều con cháu họ, coi nó không bằng con người khác…
Một lần chúng nó ném nhau. Một hòn đá trúng vào giữa cái đồng hồ bỏ túi của San treo trên tường, làm vỡ kính và hỏng máy. San đem chữa. Nhưng cái đồng hồ đã thành tật mất rồi: cứ thỉnh thoảng, nó lại giở chứng, không chạy nữa. Lại một đồng bạc, đem chữa nữa. San khổ như một đứa trẻ con oặt oèo. Mỗi lần thấy kim đồng hồ đứng lại, y lại giật mình. Dù ngay giữa bữa cơm, y cũng vội vàng buông bát, buông đũa, cầm lấy xem, lên dây, lắc lắc ghé tai nghe. Mặt y tối lại dần. Y mở ra để được biết chắc chắn cái tai nạn của mình hơn. Và khi biết chắc chắn rồi, y thốt ra mấy tiếng run run:
– Lại hỏng rồi!
Đôi mắt nảy lửa của y nhìn lũ trẻ con đang cúi đầu ăn, như muốn đem chúng ra mà giết hết đi. Những thớ thịt trên mặt y co rúm cả vào. Nước mắt ứa ra. Y ấm ức nghẹn ngào, như chực khóc.
Quý thấy thế, thường cười một cách khoan khoái lắm. Y cười rú lên, như cố tình làm cho San phải tức thêm. Hai anh chàng ấy không bao giờ chịu được nhau. Chỉ vì họ giống tính nhau quá quắt. Cả hai cùng ầm ĩ, cùng tự đắc, cùng kiêu ngạo. Họ thi nhau vạch ra những cái dốt của nhau. Thứ nhìn tất cả những trò ấy, thản nhiên và rộng lượng. Y hơn hẳn họ về tuổi, về sức học cũng như về từng trải. Y đặt sự hiếu thắng của mình vào một chỗ xa hơn. Y thấy họ trẻ con. Cậu học trò trưởng Bưởi kia thì đã đành rồi. Nhưng San đã có hai con, y chỉ sinh sau Thứ có hai năm. Thứ hơi buồn cười về một chỗ San có thể đỏ mặt tía tai hay cười rất khoái trá vì một cái tính đố hay một lối ngoắt ngoéo trong một bài ám tả. Thứ hơi thương hại, nghĩ nó học ít, mà cũng chưa được sống…
Và Thứ vui vẻ, hơi ngấm ngầm tự kiêu về mình…
Một hôm, Quý khuân hòm ra xe, đi chỗ khác. Mấy hôm sau, thằng Lu cũng về quê. San nhẹ hẳn người. Y không ngại nói điều ấy ra ngoài miệng. Từ ấy, nhà đỡ nhộn. San có vẻ đứng đắn hẳn lên. Những bữa ăn, y và Thứ nói chuyện với nhau hòa nhã, ôn tồn. Y hỏi Thứ những chỗ học hoặc xem trong sách mà không hiểu. Thứ giảng giải cho y, bàn rộng đến văn chương, các nhà văn, thử cái mộng văn chương xưa cũ của mình, nhắc đến những kỷ niệm Sài Gòn, nói đến dĩ vãng như một người già lão. Y thở dài và bảo:
Thế nào rồi tôi cũng đi Sài Gòn chuyến nữa. Tôi còn phải đi nhiều. Tôi không thể để tôi mục ra ở cái trường này. Và trong một phút, những mộng xưa lại sôi nổi trong lòng y. Nhưng chừng chỉ sôi nổi lên trong một phút rồi lại chìm ngay. Tiếp theo là sự bình lặng, buồn như một cảnh quạnh hiu. Thứ tê người. Hỡi ôi! Còn gì lại của thời xưa, của cái thời xưa mà mới cách đây độ bốn, năm năm. Y đã sợ sự khó khăn. Y sẽ chẳng bao giờ tự ý rời nổi cái trường này. Cuộc đời ở đây cố nhiên là chẳng đẹp gì, nhưng chắc chắn là y có ăn, có mỗi tháng ít nhiều để giúp ra đình. Đi, là đến những cái chưa thấy đâu, sự bấp bênh, một cuộc đời chưa biết thế nào mà chắc chắn. Y chép miệng:
Giá chúng mình chưa có vợ con gì cả!…
San cười:
Tôi bảo anh này! Chúng mình chịu khó ở đây một vài năm. Tôi để học thêm, cố lấy cho được mảnh bằng, hòng có đi cũng dễ xoay hơn. Anh, để cố dành dụm, gây lấy cho vợ anh một cái vốn con con, khả dĩ có thể tự xoay xở, nuôi con. Thế rồi chúng mình đi.
Y bàn như vậy. Thứ thừa hiểu rằng đó chỉ là chuyện bàn suông, bàn để rồi để đấy thôi. Nhưng y cũng dối mình để cố dẹp những bứt rứt của lòng. Y lại vui vẻ nói đến cách sống dễ dãi, và tự do ở Sài Gòn, đến những thằng bạn bạt mạng của y, đến cái mẹo phải dùng để khi đã cậy cục xin xuống làm bồi ở một cái tàu bể rồi, có thể xin thôi việc mà lên ở ngay đất Pháp.
Lệ làm tàu, anh xuống ở bến nào, thì đến lúc xin thôi việc, người ta sẽ đem anh về trả chỗ bến ấy. Vì thế, nếu không biết mánh khóe, sang đến Pháp rồi, khó lòng mà xin lên đấy được. Đến Mác-xây, tưởng đạt vọng rồi, hăm hở xin lên, thế là bao công trình của anh toi cả: người ta sẽ bắt anh trở lại Sài Gòn rồi mới vất sổ trả anh, mời anh lên đất!…
Thế thì đến Mác-xây trốn lên chăng?
Cũng được, nhưng mất sổ. Nghĩa là lúc muốn về không về được. Vả lại cũng có thể bị bắt, bị lôi thôi… Phải thế này: đến Mác-xây, xin đổi tàu. Xin lên ngay ở đây thì không được nhưng xin đổi tàu thì vẫn được, nếu biết tìm một anh nào ở tàu kia muốn chuyển sang tàu mình, thường thường thì phải cho họ một số tiền; để họ bằng lòng đổi: những anh nhà nghề, họ đi tàu nào chả thế? Mình xin đổi sang một cái tàu chạy Mác-xây sang Mỹ chẳng hạn. Thế là đối với cái tàu ấy, mình lên ở Mác-xây. Đến lúc xin lên, người ta sẽ đưa mình về Mác-xây.
Thứ nói như y đã thành thạo về nghề làm tàu bể lắm. San rất phục. Cuộc đời của y nghèo nàn tù túng mãi rồi. Khốn nạn! Đã bao giờ y đi vào Huế, đến Tourane, đến Sài Gòn! Ngay đến Hải Phòng y cũng chưa đến bao giờ. Không có gì để nói, y nói đến ông thầy dạy tối y, đến các bạn cùng học với y. Y nói đến vợ, con. Y nói đến người làng… Và ngày tháng cứ bình lặng trôi đi như vậy, bình lặng và vô sự.
Vô sự lắm. Lũ trẻ, mất đứa cầm đầu bướng bỉnh và ưa khơi chuyện là Lu, trở nên hiền lành. Chúng kính nể San luôn. Chúng ít đùa, ít đánh nhau. Thỉnh thoảng mới có cuộc cãi nhau vặt giữa thằng ở và cháu vợ San. San định yên lòng để nghĩ đến những công việc riêng của mình. Nhưng mà không lâu…
IV
Một hôm San lẩm bẩm học, bỗng ngẩng mặt lên rồi rất đột ngột, bảo Thứ, ngủ trưa vừa mới dậy, còn đang ngáp:
– Tôi nghĩ kĩ rồi. Chúng mình cứ nhất định trả nhà, dọn sang trường.
Ngừng lại một thoáng để xem Thứ có nói gì không, nhưng không thấy Thứ nói gì, y bảo tiếp:
Tôi nói cho anh nghe!… Lũ trẻ sắp về nghỉ cả rồi, chúng nó nghỉ hai, ba tháng mới lên. Thằng ở cũng xin về. Nó xin về thì nuôi thằng khác, cũng không khó gì, nhưng có năm, sáu người chịu chung thì mới có thể nuôi một thằng ở, thuê cả một căn nhà. Bây giờ chỉ còn có hai chúng mình, chịu làm sao nổi?
Tiền nhà bà béo đòi tăng thêm ba đồng nữa. Như vậy thì anh bảo, chúng mình chịu làm sao nổi?
Thứ ngần ngừ, nhìn hai bàn chân, khẽ đáp:
Đã đành. Nhưng tôi nghĩ sang ở đấy cũng không được tiện. Còn Oanh cơ đấy…
Mặc kệ Oanh! Em không muốn ở chung với chúng mình thì em về nhà riêng mà ở. Anh là hiệu trưởng, anh ở luôn ở nhà trường là đúng lý. Em lấy địa vị gì mà ở đấy? Em không biết điều!
San nói, không để cho người ta cãi lại. Giọng y gay gắt. Ít lâu nay, y bỗng sinh ra thế. Không mấy lúc bình tĩnh. Y cau có, gắt gỏng suốt ngày. Y đánh học trò luôn. Y gây sự với bất cứ ai. Y thích nguyền rủa và mạt sát. Cái gì cũng khiến y ngứa mắt, ngứa tai. Nhiều lúc, y làm Thứ và Oanh khó chịu. Oanh phàn nàn với Thứ. Thứ cười mà bảo:
– Thằng bé cáu con Dung!…
Dung là cô con gái rượu của bà béo, chủ nhà. Chẳng đẹp gì, nhưng cũng mũm mĩm và trắng trẻo. Mà lại là con một. Mà lại diện! Cô diện nhất vùng này, tân thời nhất vùng này, cũng đánh phấn, tô môi, kẻ lông mày, cũng áo kiểu nọ, kiểu kia, giày cao gót, ví đầm… Nghĩa là Hà Nội đặc!
Cô ả bán hàng. Anh chàng San thì mỗi ngày bốn lượt nện giầy Tây cồm cộp, qua lại trước cửa hàng. Những khi chỉ có một mình Dung, San tạt vào mua một cái ngòi bút, cái bút chì, tờ giấy viết thư hay gói ô mai. Chỉ có thế, mà rồi một buổi sáng Chủ Nhật, lũ trẻ rúc rích cười, chạy về khoe với Thứ rằng: ông San đang tán cô Dung và nắm tay cô. Thứ sa sầm mặt. Y không dám thú với y rằng hơi ghen với bạn. Nhưng lúc San về, y bảo:
Anh liệu đấy! Con mẹ béo chẳng vừa đâu. Nó có thể đứng ở cửa nhà nó, xắn quần lên, trỏ sang trường mà chửi. Lúc ấy thì đẹp mặt!
Y làm như chỉ vì danh dự nhà trường mà y phải nói. Nhưng San cười xòa, bảo:
– Cái gì rồi người ta chẳng biết.
Bà mẹ biết, nhưng không làm dữ. Có lẽ vì bà biết trai gái phải lòng nhau như vậy cũng thường. Ngày xưa bà đã lấy khách, lấy Tây đen, chán rồi mới lấy ông ấy, là một người bồi khách sạn. Tiền của và cuộc sống trưởng giả hiện nay đem lại cho cả ông lẫn bà ít nhiều sự kính nể của những nhà xung quanh. Nhưng bà cũng không có lý gì để cẩn thận với tai tiếng quá. Vả lại hạng Dung thì lấy đến hạng San cũng đã là được lắm rồi. Dân Hà Nội thì chẳng ai biết đến con bà. Còn dân ở vùng ngoại ô này, chỉ toàn những phu phen, thợ thuyền, bồi bếp. Thỉnh thoảng mới có một gia đình công chức nhỏ – một ông phán hưu trí hay một ông giáo không đủ tiền mua nhà ở phố – thì họ lại khinh nhà bà là hà tiện. Bởi vậy, đáng lễ to tiếng với San thì bà lại chỉ ngấm ngầm dò la xem San đã có vợ chưa. Lũ trẻ hùa với nhau để đánh lừa bà. Cả cái mặt non nớt của San cũng lừa bà. Bà đi kháo ầm lên với mấy người hàng xóm rằng bà sắp gả Dung cho ông giáo bé và định đòi căn nhà ở cạnh trường về để đôi vợ chồng mới
ở. San khoái lắm. Thứ khổ vì sự tự đắc ầm ỹ của y.
Tôi chim gái cũng cừ đấy chứ!… Trông mình thế này, ai dám bảo là có vợ rồi? Con Dung mê là phải. Thứ bĩu môi, cười nhạt hỏi:
Anh có chân trong Độc lập văn đoàn đấy ư?
San ít đọc báo chí, không hiểu rằng mấy ông văn sĩ trong cái văn đoàn đang hợp thời ấy, thích tự mình lại khen mình, y trâng tráo bảo:
Tôi cố làm cho nó chửa. Bà béo tất phải van tôi mà gả nó cho tôi. Bấy giờ, dù có biết tôi có vợ, hai con rồi cũng chẳng làm gì. Vẫn phải gả như thường. Làm hai mà chẳng phải chịu à?… Bà ấy không có con trai. Bao nhiêu của nả sẽ về tôi. Vợ tôi thấy tôi lấy vợ hai, đã không mất gì, lại được mấy cái nhà, có ghen cũng chẳng nỡ nói nào. Thế là tôi hai vợ. Một vợ trông coi vườn ruộng ở nhà quê với một vợ buôn bán ở tỉnh thành. Tôi chỉ việc nằm ăn. Thế có thú không?
Y ran rả, cười sằng sặc. Thứ khinh sự trụy lạc của tâm hồn y, hay ghen, chính y cũng không biết nữa.
Chỉ biết rằng y thấy ghét San. Và đến khi San bị bà béo trở mặt, Thứ ngấm ngầm hả dạ.
Một hôm lũ trẻ đem về cái tin: con một ông phán già hỏi cô Dung; nhà trai đi trạm ngõ rồi. Thứ không giữ nổi sự sung sướng của y. Y chế giễu San:
Đã điếng người chưa?
Điếng người thế quái nào? Tôi đùa chơi đấy chứ anh tưởng tôi mê con Dung lắm à? Nó bằng thế nào được vợ tôi? Anh phải biết, tôi chung tình với nhà tôi lắm.
Tuy nói vậy nhưng thật sự thì San hơi tái mặt. Một buổi tối, y phàn nàn với Thứ:
Con mụ béo tồi quá. Anh biết đấy! Trước kia, nó tử tế với tôi như thế nào? Thế mà con nó vừa mới được một thằng có vẻ hơn tôi hỏi, có vẻ hơn tôi, chứ chưa chắc đã hơn… nó đã phải vội vàng đểu với tôi ngay. Tôi làm gì con nó? Thế mà lúc nãy nó đi đâu về chẳng hiểu, vừa thấy tôi ở hàng con nó đi ra, nó đã phải hầm hầm đánh chửi con nó ngay sau lưng tôi, như muốn tỏ cho tôi biết: nó cấm cửa tôi rồi đấy!
Thứ cười ranh mãnh:
Ai bảo anh cứ định làm cho con nó chửa?
Tôi nói thế chứ đời nào! Tôi cũng có lương tâm. Nhưng nó thế thì nó tồi lắm, hèn mạt lắm. Nhất là lại gây chuyện, đòi tăng tiền nhà nữa…
Tụi con buôn mà lại!…
Ừ, con buôn. Thật đúng là con buôn!…
Từ đấy, San ít tự đắc, ít cười cười nói nói luôn luôn. Nhưng bảo chỉ vì thế mà San sinh cáu gắt, thì không phải. Oanh cũng không tin như vậy. Y bảo:
Có lẽ tại lớp này chú ấy làm việc nhiều quá, thức đêm nhiều quá. Thứ tán thành.
Có lẽ…
Nhưng trong bụng y lại ngờ rằng San còn có điều gì bực bội về gia đình nữa.
Cách đây ít lâu, một hôm, đột nhiên San bảo:
Thứ Bảy này, tôi phải về nhà quê. Tôi cho những lớp của tôi nghỉ buổi chiều thứ Bảy và buổi sáng thứ Hai, có tiện không?
Thứ ngạc nhiên:
Thế nghĩa là anh chỉ ở nhà có một hôm? Sao không đợi đến lễ Phục Sinh để có thể ở nhà luôn mấy ngày?
San lắc đầu:
Không đợi được. Tôi có việc cần.
Việc gì?
Không thể nói, nhưng cần lắm. Tôi vừa được một tin quan trọng. Không biết có đúng không. Nếu đúng thì ức lắm. Có lẽ tôi chẳng học hành gì nữa. Có lẽ tôi cũng không ở cái trường này nữa. Tôi sẽ đi biệt một nơi.
Tin gì mà ghê thế?
Không thể nói. Vả lại cũng chưa biết có đúng không, nếu đúng thì ức lắm.
Mặt y phờ phạc. Y quả đang có điều gì khiến y phải băn khoăn, đau đớn lắm. Thứ lẳng lặng nhìn, y dò xét, rồi an ủi:
Chẳng có gì là ức. Tôi đoán ra rồi! Bà nhạc anh không chịu cho anh tiền học nữa. Có thế thôi! Việc quái gì! Họ không cho nữa thì anh nhịn ăn đi một bữa, bỏ tiền ra mà học. Cần gì họ.
Đã đành. Vả lại nếu bà ấy không muốn cho tôi, các anh tôi cũng có thể cho tôi được. Nhưng việc này lại khác kia, quan trọng hơn nhiều. Để tôi về xem đã, rồi tôi sẽ nói với anh…
Y về thật. Chiều thứ Hai, y vẫn chưa lên. Học trò các lớp của y, đến trường lại phải về. Oanh gắt lắm.
Nhưng hết giờ, Thứ về nhà, đã thấy San nằm thườn ở giường rồi.
Ủa! Lên bao giờ?
Lúc hai giờ.
Lúc ấy học trò vẫn đợi anh. Sao không sang đấy?
Mệt quá không muốn dạy.
Thứ mỉm cười
– Ý hẳn suốt đêm qua, cu cậu không được ngủ.
San đáp bằng một tiếng cười phì ra đằng mũi, cái lối cười riêng của y, khi y cười gượng. Thứ làm như sực nhớ:
À thế nào? Việc gì mà cần kíp thế? Sau một thoáng ngập ngừng, San bảo:
Chẳng có việc gì. Ở nhà không muốn gửi măng-đa viết thư bảo tôi về để lấy. Với lại có lẽ họ cũng muốn tra mình về việc con Dung nữa. Đầu đuôi tại lũ trẻ nhà mình nói…
Trong khi nói San tránh cái nhìn của Thứ. Thứ ngờ ngay câu chuyện San vừa nói là chuyện bịa, nhưng không muốn tỏ vẻ nghi ngờ, hỏi:
Thế nghĩa là anh vẫn có tiền?
Lại nhiều là khác nữa… Tôi định may một bộ hàng nực, diện.
Y đi may một bộ hàng tơ, ba mươi đồng thật. Nhưng Thứ nhận thấy tính nết y đột nhiên đổi hẳn. Y chua chát. Y mỉa mai. Mặt y đầy sự ghét. Nhất là trước mặt Oanh hay những khi nói đến Oanh, y tỏ ra thù ghét lạ…
En vô lý quá! Chúng mình hò hét đến bắn tung mảnh phổi ra để cho trường thịnh vượng, để cho en sắm đồ vàng để dành và may áo diện, còn chúng mình thì khổ như chó cả. Căn gác nhà trường thuê bằng tiền của nhà trường. En ở được thì chúng mình cũng ở được. Huống chi en còn có nhà riêng. Sao en không thể về nhà riêng mà ở. Lương chúng mình ít thế, lấy tiền đâu mà thuê nhà? En ích kỷ vừa vừa quá!…
Y nhất định dọn đồ đạc sang bên trường. Oanh phản đối. Y không cần bàn cãi, y chỉ bảo:
Thằng ở nhà tôi đòi về. Tôi không thể vừa dạy học vừa làm bếp. Chúng tôi sang bên này, việc cơm nước nhờ thằng Mô!…
V
Thứ thấy lòng nhẹ bỗng… Mỗi buổi chiều thứ Bảy, Thứ thấy lòng nhẹ bỗng. Không những chỉ vì ngày
hôm sau được nghỉ. Còn vì tối hôm ấy và cả ngày hôm sau không phải trông thấy Oanh cau có và nghe Oanh gắt gỏng. Oanh về nhà riêng. San cũng đi học tối rồi. Còn mình Thứ ở nhà. Y chẳng phải làm gì. Y muốn chiều thứ Bảy phải là chiều nghỉ ngơi hoàn toàn. Y bảo Mô không cần phải thắp đèn. Y đem cái ghế mây ra sân gác, ngồi một cái, gác chân một cái, nhìn sao. Mô biết rằng những lúc như lúc ấy, Thứ sẵn lòng nghe chuyện của nó. Bởi vậy nó cũng ra sân gác đứng.
Mô là loong toong nhà trường. Gọi thế cho oai. Thật ra thì nó cũng chỉ là một thằng nhỏ, công mỗi tháng một đồng. Nó làm đủ các việc của một thằng nhỏ, con sen: gánh nước, đi chợ, thổi nấu ăn, giặt quần áo… thêm những việc quét trường, đổ mực, và tắm gội cho bốn, năm trẻ, cháu của Oanh hoặc em của Đích. Những đứa trẻ gọi nó bằng anh. Nó gọi chúng bằng em. Và những khi chúng không ngoan, Mô không ngần ngại quát mắng chúng om sòm, có khi đánh nữa. Oanh có biết cũng chỉ lờ đi, hay lại khuyến khích thế. Một là vì Oanh muốn dùng nó để trị lũ trẻ con. Hai là vì Oanh sợ nó. Đúng như vậy, Oanh sợ nó, tuy sa sả với nó suốt ngày. Chỉ vì nó khỏe, thật thà, được việc, công lại rẻ. Oanh biết rằng công việc này, không có nó, không xong: còn nó, nó chẳng cần gì Oanh lắm. Nó thừa biết rằng: ở với Oanh, nó chỉ thiệt nhiều; sức nó làm đâu cũng kiếm nổi công mỗi tháng hai, ba đồng bạc. Các bạn máy nước của nó, thằng nào cũng coi nó như kẻ đàn anh. Thế mà thằng nào cũng kiếm được công cao hơn nó. Như vậy thì cớ gì mà nó phải bám lấy Oanh? Có lẽ bởi thói quen. Nó ở với Oanh mãi, quen rồi. Thật ra thì dù không bằng lòng với hiện cảnh của mình, cũng không mấy người dám mạnh bạo tìm những cuộc đổi thay. Cái chưa biết bao giờ cũng làm cho người ta sợ. Mô không hiểu thế. Nó không rõ tận lòng của nó. Nó lân la bảo Thứ:
Con nể bà Chánh với cậu Đích nhiều nên con mới ở đây chứ những như cô giáo thì mấy con cũng không chịu ở. Lúc bắt đầu cho con lên đây, bà Chánh bảo: “Cậu không tìm được người ở, anh chịu khó lên cơm nước cho cậu, trông coi các em giúp bà”. Con nể lời bà Chánh nên mới lên đây, chứ cũng thừa biết đi làm thằng nhỏ thì có ra gì? Tuy bây giờ được mỗi tháng một đồng, nhưng sau này cuốc không hay, cày không biết, về nhà quê, làm gì ăn được? Mà chẳng lẽ suốt đời đi ở. Lắm lúc con muốn thôi phắt, về nhà quê học làm ruộng cho quen. Nhưng lại nghĩ rằng: lúc cậu Đích ra đi, cậu có dặn con: “Mô cứ chịu khó ở đây với cô, trông các em cho cậu, rồi cậu tìm việc cho mà làm hay cậu cấp vốn cho mà buôn bán”. Con cũng chẳng mong gì cậu Đích tìm việc hay cấp vốn cho con. Nhưng bây giờ cậu Đích không ở nhà mà con thôi không chịu ở nữa, thì lúc cậu Đích về, không biết đấy là đâu, cứ thế bảo tại con chứ không phải vì cô giáo…
Thứ về hùa với nó:
– Tao cũng vậy. Nếu không vướng cậu Đích thì tao đã thôi dạy học cho cô mày từ lâu rồi.
Nói xong, Thứ hơi ngường ngượng. Y lơ mơ nhận ra sự hèn nhát của y: y tự coi mình với Mô là đồng thuyền để được cảm tình của nó. Y lảng sang truyện khác.
Mày đã vay được tiền cưới vợ chưa? Mô toét miệng cười:
Thưa cậu, rồi. Con nói mãi, cô giáo mới cho vay được bốn đồng. Cô giáo chỉ sợ con vay rồi quỵt, đi làm cho nhà khác. Thưa cậu, con nghèo thì nghèo thật, nhưng bốn đồng bạc có ăn được suốt đời đâu, mà làm thế cho tiếng để đời. Xưa nay con có phải là người lừa lật đâu?
Không phải thế. Cô giáo không sợ mày lừa lật, nhưng không muốn cho mày lấy vợ, sợ mày lấy vợ rồi, bận bịu vợ con, không tưởng gì đến công việc nữa.
Thưa cậu, cô giáo bảo với cậu thế à?
Thứ gật đầu. Bởi vì đó là sự thật. Một hôm, Oanh đã đem việc Mô lấy vợ nói với Thứ. Thứ không ngỏ
gì. Nhưng Oanh thì Oanh bảo: “Nó làm được mỗi tháng có một đồng, nuôi vợ nuôi con làm sao được? Không có vợ con, nó còn ở với mình. Có vợ rồi, bận vào thân, thế nào nó cũng toe hoe sinh chuyện này chuyện khác. Vả lại nó chưa có vợ, mình muốn mắng nó thế nào thì mắng. Nó có vợ rồi, thành người lớn, mắng nó thì nó thẹn, mà chính mình cũng ngượng… ”. Thứ đã phải ngấm ngầm ghê sợ cho sự tính toán thấu đáo của người đàn bà nham hiểm ấy. Y càng ghét nhưng cho rằng Oanh đã bàn bạc với y tức là tin cẩn ở y, y không nỡ đem cả chuyện ấy nói cho Mô rõ. Tuy vậy, Mô cũng đã lấy làm bất bình lắm rồi. Nó bĩu môi và bảo:
Không cho con vay cũng chả xong. Mà con cũng chẳng dám nói dối gì cậu! Chỗ tiền ấy con cũng chẳng vay viếc gì. Trừ vào công của con, nhất định con không chịu. Có cả cậu biết đấy: hồi cậu Đích còn ở nhà, cậu Đích bảo cho con thu số tiền mực của học trò. Mua mực pha cho chúng nó viết, còn thừa đồng nào, cho con cả. Thế mà cô giáo có cho con thu tháng nào đâu? Cô giáo thu mấy năm rồi. Chỗ lãi ấy, bốn đồng còn là ít. Bây giờ có cho con bốn đồng, cô giáo cũng không mất gì.
Thứ hỏi:
Có bốn đồng mà mày cũng cưới được vợ à? Mô lại toét mồm ra cười.
Cậu tính cưới xin gì! Hai đằng cùng nghèo cả, lấy gì mà bầy vẽ ra được nữa? Con đưa cho bà cụ chục bạc để bà cụ sửa một mâm cỗ cúng ông cụ và mua ít cau chia cho những chỗ quen thuộc để nhà con khỏi mang tiếng là theo không.
Đưa những chục bạc kia à? Thế sao mày vừa bảo mày vay có bốn đồng?
Vâng, của con có bốn đồng, còn thì là của nhà con nó giúi cho con.
Ngỡ là gì. Thế thì ra ngỗng ông lại tết ông.
Vâng, kể thì giá con chẳng có đồng nào cũng được. Nhà con nó cứ xui chỉ đưa cho bà cụ sáu đồng thôi. Nhưng chẳng lẽ con lại không chịu bỏ ra đồng nào. Như vậy thì tồi quá.
Thôi thế chắc cô ả ăn phải bả cu cậu rồi!
Mô để bật ra mấy tiếng cười sung sướng và tự đắc. Nó không thể nhịn kể lể về vợ nó:
Thưa cậu, con nghĩ cũng phải duyên, phải số làm sao, chứ không thì sao con nó say con thế này: hôm nọ con đi xem bói, người ta bảo con rằng số con sát vợ, phải lấy đến ba đời vợ mới xong. Con nghĩ thương nhà con nó hiền lành mà chỉ có một mẹ một con, sợ nó chết thì bà cụ chẳng còn vơ víu vào đâu được, nên định không lấy nó nữa kẻo nhỡ nó chết thật thì tội nghiệp. Con vừa mới nói thế mà nó đã khóc như cha chết, một giờ đêm, nó còn bắt bà cụ đi với nó lên tận trường tìm con. Nó lại ngờ con thay lòng đổi dạ thế nào. Con bảo nó thì nó nhất định bảo: “Sống chết là mệnh giời, thương yêu nhau thì cứ lấy nhau, chẳng cần gì cả”.
Thứ gật đầu một cái, như khi đọc sách gặp được một tư tưởng đúng. Y trở nên nghĩ ngợi. Hồi y còn học ở thành chung, một người đàn bà đã nói với y thế này về đứa con gái lão loong toong của nhà trường: “Con ấy xấu thế mà cũng có amour kia à?”. Câu nói ngẩn ngơ đã khiến y bẻ lại ngay. Nhưng y bẻ, có lẽ cũng chỉ vì thích cái lý thôi. Nếu y thật thà thì y phải nhận rằng: khi nói đến tình yêu, chính y cũng chỉ nghĩ đến những học sinh, những sinh viên, những thanh niên trí thức, những thiếu nữ nhí nhảnh hoặc u buồn, dịu dàng hay sắc sảo, như thế nào cũng phải đẹp và thanh lịch. Một đôi khi người ta cũng có thể nghĩ đến gái nhảy, cô đầu bởi vì gái nhảy, cô đầu cũng còn biết tân thời, đánh phấn, tô môi, sức nước hoa. Nếu là một cô gái quê thì tất phải là: một cô gái quê mắt bồ câu, má lúm đồng tiền, đẹp một cách mộc mạc, ngây thơ. Nhưng làm thế nào mà tưởng tượng được rằng những thằng nhỏ, những con sen, những anh phu đổ rác, những chị phu hồ, những con người lam lũ và dốt nát, rách rưới và đen thui, phần nhiều bẩn thỉu, hôi hám, thô kệch, xấu xí… Làm thế nào mà tưởng tượng được rằng những con người mà ta đã quen coi như dưới hẳn chúng ta, gần hàng súc vật, mà cũng có thể yêu một cách cao và đẹp. Ấy thế mà cao và đẹp biết bao là cái tình của vợ chồng Mô đối với nhau. Chúng hy sinh tuy chưa bao giờ nghe nói đến chữ hy sinh. Kẻ thì biết hy sinh cái hạnh phúc được lấy người yêu, chỉ vì nghĩ đến người yêu. Kẻ thì biết khinh hẳn sự sống của mình để mà yêu, có lẽ vì cũng lờ mờ nhận thấy rằng tình yêu còn đáng quý gấp mười lần sự sống. Còn một cái tình yêu nào mạnh và đẹp hơn thế nữa.
Mô vẫn kể. Nó kể bằng một cái giọng ngắc ngứ, lúng túng, ấp úng, có khi ngượng nghịu, vì e thẹn và sung sướng. Nhưng Thứ hiểu chuyện của nó một cách rất rõ ràng. Chỉ vì những lời nói của Mô được tô điểm thêm bằng những kỷ niệm của y. Chính y cũng đã được nghe câu chuyện của vợ chồng Mô đối đáp với nhau đêm hôm ấy.
Một đêm trời lạnh đã khá khuya, bởi vì San đã thôi học, đi nằm. Y lách người vào chăn đem theo một chút lạnh vào. Thứ đã sắp ngủ, nhưng bị hơi lạnh làm tỉnh dậy. Và y chợt để ý đến những tiếng gọi rụt rè dưới cửa:
– Anh Mô ơi!… Anh Mô!…
Tiếng con gái. San huých khuỷu tay và cạnh sườn y một cái và khẽ nói:
– Anh có nghe thấy gì không?
Y lại hích San để tỏ rằng mình có biết. San bảo:
– Nhân tình thằng Mô đấy. Lặng im, xem chúng nó làm gì, làm gì lúc đêm khuya khoắt thế này?
Thứ thấy lòng rộn rạo. Bên tai y, hơi thở phì phò của San cũng mất hẳn đều đặn, trở nên mạnh hơn và dồn dập. Nhưng ở nhà dưới, Mô vẫn ngủ mệt, hay cố tình làm ra thế? Nó không thưa. Tiếng người con gái gọi to hơn, khẩn khoản hơn:
– Anh Mô ơi! Anh Mô ơi! Sao anh tệ thế?
San véo vào tai Thứ một cái thật đau. Anh chàng ấy nhiều thú tính, thường không kìm nén nổi sự bồng bột đột nhiên của lòng mình. Thứ điềm tĩnh hơn, kín đáo hơn. Y muốn cù bạn nhưng lại sợ Mô biết trên gác có người còn thức, nên cố nhịn. Y ra hiệu cho San đừng động đậy. Nhưng Mô vẫn tảng lờ như không nghe tiếng nhân tình gọi. Người nhân tình phát khóc…
– Anh Mô ơi! Sao anh tệ thế, anh Mô?
Mô đành vùng dậy, ý chừng nó không còn gan được nữa. Chỉ nghe tiếng ú ớ giả vờ của nó, Thứ cũng thừa hiểu không phải mãi đến lúc ấy nó mới biết có người gọi nó. Nó không thưa trước, có lẽ chỉ vì lúc này còn bối rối, chưa tìm ra cách đối phó. Nó làm như vừa mới giật mình thức giấc:
Ai?… Ai thế?
Tôi đây. Sao anh tệ thế, anh Mô!
A! Cô Hà đấy à? Gì thế? Tôi ngủ mê, chẳng nghe thấy gì. Câu chữa mình chỉ tố cáo thêm. Người con gái mỉa:
Tôi biết rồi! Ngủ! Chẳng nghe thấy gì!
Mô cười một cách rất hiền lành:
Thật đấy! Ai nói dối!
Anh ra đây tôi hỏi cái này một tí.
Hỏi gì?
Cái then gỗ kêu lọc cọc. Tiếng vặn cái quả nắm sắt. Rồi cái cánh cửa bị kéo vào, sát xuống thềm gạch kêu lạch xạch. Mô nhắc lại, khẽ hơn và dịu dàng hơn:
– Hỏi gì?
Người nhân tình sụt sịt:
Sao anh tệ thế, anh Mô?
Tệ làm sao?
Người con gái nói những gì nho nhỏ. Thứ không nghe rõ. Chỉ biết là thị khóc. Mô nói to hơn:
Tôi có ý gì thì tôi chết bằng này tuổi. Nội tôi có dám chê cô cái nết gì hay là đứng núi này trông núi nọ thì có giời vật chết! Nhưng tôi xem bói, mấy ông thầy cùng bảo tôi sát vợ. Cô lấy tôi, nhỡ cô chết thì… ?
Cho chết! Xin cho ngay rằng chết tôi cũng bằng lòng.
Cô đã vậy nhưng còn bà cụ. Giá bà cụ được đôi ba người con thì mình còn dám nghĩ liều. Nhưng bà cụ chỉ được có mình cô. Nếu phải ông giời ông ấy bắt cái số tôi như vậy thật, cô cứ nhất định lấy tôi mà nhỡ có thế nào thì bà cụ trông cậy vào ai? Thật tôi cũng không chắc gì tôi có thể thay cô mà phụng dưỡng mẹ già. Đã đành rằng cứ như cái lòng của tôi cũng có thể nghĩ được thế nọ, thế kia, nhưng biết rằng ông giời ông ấy có cho mình nghĩ hay không? Tình cảnh tôi nó bó buộc lắm.
Anh không phải nghĩ xa xôi thế. Sống chết đã có giời, anh ạ! Mình không biết đâu mà liệu được. Tôi chỉ sợ anh nghe người ta mà…
Không! Tôi có nghe ai thì tôi chết! Mà cũng chẳng ai nói gì cả, tôi chỉ nghĩ rằng.
Nó luẩn quẩn nhắc lại những điều đã nói về số mệnh, về cái cảnh nhà cô ả chỉ có một con một mẹ, về cảnh nghèo của nó. Cô ả cũng nhắc lại những lời đã nói của cô. Rồi cô rưng rức khóc. Chắc là Mô bối rối, nó lặng im một lúc, rồi nó xua tình nhân rối rít:
– Thôi được! Cứ về đi!… Khuya rồi, về đi! Về đi rồi mai tôi xuống đấy.
Phần thì cô ả còn dùng dằng chưa nỡ dứt. Nhưng giữa lúc ấy, tiếng một bà già léo xéo:
– Hà! Thôi về đi!… Về!… Về ngay, không mày chết với tao bây giờ!
Tiếng nói run run và như thiếu sức. Giọng tuy gắt gỏng mà tiếng vẫn không vang lên được, nó cứ âm âm trong lồng ngực. Dường như cái ngực yếu ớt quá, óp ép quá, chỉ đẩy ra được một luồng hơi yếu ớt… Cái thứ tiếng già nua ấy, trong đêm khuya vắng lặng, có một vẻ gì buồn lắm. Thứ đã lặng người đi như thấy cả một nỗi cô đơn đang rót vào lòng. Tiếng guốc của bà già vang lên và nhỏ dần đi. Thứ hình dung ra bóng một người con gái bước chân nặng trĩu, vừa đi vừa lau nước mắt, lủi thủi theo sau. Sao mà buồn thế!…
Lúc này đây, y cũng buồn. Mô đang sung sướng nói về vợ nó với y. Nó nhắc cho y nhớ đến những phút sung sướng đã qua, đến vợ con, đến gia đình. Y ngước mắt nhìn một ngôi sao, ngậm ngùi tưởng tượng ra vợ y đang ôm con, ngồi ở ngưỡng cửa, lặng lẽ và buồn rầu như đá Vọng Phu. Mô thấy y lơ đãng, ngừng lại không nói nữa. Y không nhận thấy, bởi vì đã khá lâu, y không còn để ý đến chuyện nó nói. Nó ngập ngừng nhìn y trong bóng mờ mờ tối và ngạc nhiên nghe tiếng y thở dài…
Tần ngần một thoáng rồi Mô bỗng hỏi:
– Thưa cậu, cậu đi lâu thế này, có nhớ mợ với em ở nhà quê không ạ?
Giá có ánh sáng thì Mô đã nhận thấy Thứ hơi đỏ mặt. Nhưng y làm bộ tàn nhẫn bảo:
Nhớ cái cóc khô gì? Tao không như mày. Mô lại hi hí cười, cái cười hiền lành của nó.
Thưa cậu, con tưởng ai chả thế? Ai chả thương vợ, thương con?
Tao chẳng thương xót gì!
Cậu nói thế đấy chứ…
Thật đấy…
Thế thì tại ở đây cậu đã có cô Tư rồi.
Mô cười to hơn, Thứ cũng cười, nhưng cái cười lặng lẽ và chua chát. Tư là một cô gái mới lớn lên tóc bỏ lơi, răng trắng muốt, đôi mắt to và đen lay láy thường mở rộng, nhìn vào lớp của y. Những lúc ấy, thường thường y mất tự nhiên. Tiếng y đang gắt gỏng với học trò bỗng nhỏ đi. Mặt y đang cau có bỗng dạn ra, ngượng nghịu. Y đứng khuất đi, để ở ngoài không trông thấy. Nhưng cũng có hôm Tư đến lúc học trò đang cặm cụi làm bài. Lớp học rất im, Thứ được ngồi không. Những lúc ấy, khi Tư không chú nhìn vào, y được dịp ngắm nghía cô bằng đôi mắt buồn rầu của một kẻ thương tiếc một cái gì đã lỡ. Cái gì? Có lẽ y đang tiếc cái lúc y còn là một cậu con trai, cái lúc y còn có thể được một nữ học sinh vào hạng Tư yêu, nhưng y đã chẳng làm gì để được yêu, mà bây giờ thì cái thời ấy đã qua rồi. Mặt y đã nghiêm trang, trán y đã lo âu. Môi y đã ít cười, và nụ cười cũng chẳng còn tươi như trước. Chao ôi! Như vậy đó, trước sau chỉ cách nhau có sáu bẩy năm. Nhưng mà biết bao nhiêu sự thay đổi! Y đã già đi, đã xấu đi nhiều. Y đã có vợ, có con. Y là một ông giáo khổ trường tư. Y mặc những quần áo rẻ tiền, xộc xệch và đã bạc màu. Y không đẹp trai, không trẻ, không diện sang, không danh giá, không giàu. Đến sức khỏe cũng không! Tương lai đã đóng lại trước mắt y. Và y biết chẳng bao giờ nữa, y còn được một thiếu nữ trẻ đẹp, tươi tắn như Tư để ý. Chẳng bao giờ nữa! Cái thời tuổi trẻ ngắn ngủi của y đã qua rồi, qua chẳng có ích gì cho y cả. Chỉ có thế thôi, nhưng cái ý nghĩ thật buồn. Và nhiều khi nước mắt y rỉ ra lúc nào, y cũng không hay nữa. Một hôm, do một sự tình cờ, y biết được tên Tư. Y sung sướng như nhặt được một bức thư của một người mà mình vẫn thầm yêu. Biết được một cái tên để mà nhắc nhở, dù chỉ nhắc nhở suông thôi, cũng chả đem lại cho lòng y được một chút gì êm ái đó ư. Thứ nhắc đến cái tên Tư nhiều quá chăng? Chẳng bao lâu từ San đến Oanh, đến Mô, đến bọn học trò nhà và cả đến học trò trường đều yên trí rằng Tư là nhân tình của Thứ. Oanh cho biết rằng gặp Tư trên xe điện, y đã cố tìm cách nói cho Tư hiểu y với Thứ là chỗ người nhà, để cho Tư khỏi ngờ vực. Một thằng học trò, chẳng biết vì trông lầm hay tinh nghịch, quả quyết với anh em rằng nó đã trông thấy Thứ đi với cô áo tím vẫn đứng đợi xe ở trước cửa trường. Thế là việc Thứ tằng tịu với Tư đã là việc hiển nhiên! Có ai hỏi Thứ thì Thứ chỉ vừa chối vừa cười, cốt ý để cho người ta tin rằng có. Nhưng sự thật thì chua chát biết bao! Thứ chưa hề dám nói một câu nào với Tư. Nói thế nào? Chưa bao giờ y dám đến gần Tư. Y chỉ nhìn Tư xa xa và lặng lẽ mà thôi. Nhìn để mà buồn, để chua chát nghĩ rằng những người đàn bà đẹp cũng như những miếng ăn ngon, những bộ cánh sang, những căn nhà rộng rãi thoáng đãng đã chẳng bao giờ đến tay y. Y xấu, y nghèo, y ngờ nghệch, vụng về. Y chỉ là một anh giáo khổ trường tư, lương kém lương những anh bồi khách sạn to. Ông bà y là những người nhà quê ngu hèn, bất cứ ai cũng có thể cưỡi lên đầu, phải khúm núm với cả từ thằng lính lệ trở đi. Cha y là một người buôn bán nhỏ ở một chợ tỉnh lỵ tồi tàn, vào tòa sứ nộp môn bài cũng thấy run. Nhờ sự học thức, y đã nhích lên được một chút bên trên giai cấp của y. Nhưng hơn ngàn kiếp nô lệ vẫn còn đè lên trái tim y. Y không thể cất đầu y được. Y đã cố bảo y rằng: y cũng có học, cũng thông minh không kém gì những ông ký, ông phán, những thanh niên nhà giàu vào trạc tuổi y. Hơn thế nữa, y lại biết trọng nhân cách và có những ước vọng cao, nghĩa là y chẳng có một cái gì đáng để cho người ta khinh, y đã cố bảo y rằng có quyền nhìn thẳng vào mặt người ta mà chẳng thẹn thùng, y vẫn thấy nhút nhát và sợ sệt. Y ngấm ngầm đau khổ vì mình quá hạ mình như vậy. Y nhát gái lạ lùng! Y theo họ cách hàng chục thước tây. Theo để nhìn trộm cái lưng, cái gáy, cái đầu của người ta. Chỉ thế thôi. Nếu người ta quay lại nhìn y thì y vội nhìn ra chỗ khác, làm bộ mặt nghiêm trang. Luôn qua nhà một cô gái đến ba lần y đã thấy ngượng rồi.
Chưa bao giờ dám bước chân vào một cửa hàng để vờ mua một thứ gì. Chưa bao giờ y dám đưa một lá thư. Chưa bao giờ y dám tán ai. Y lấy làm sao những bọn như Mô lại bắt tình với nhau một cách nhạy và chóng vánh như thế ấy. Thật dễ dàng hết sức.
Một buổi chiều, Mô quẩy đôi thùng đi ra máy nước. Thứ vừa ăn cơm xong, mồm ngậm một cái tăm, ra đứng tếu ở vệ đường. Mô đã trông thấy Hà ở ngoài máy nước một vài lần. Nó nhăn nhở, hất hàm:
– À! Người chị em!… Không đi à?…
Hà ngấm nguẩy, lườm Mô. Nhưng rồi tự nhiên Hà lại toét môi cười. Mô đắc chí, cười khanh khách.
Hà cũng bật cười to và đỏ mặt:
Rõ thối nhà anh lắm!
Sao mà thối? Chỗ bạn máy nước với nhau, tôi hỏi thế đã sao chưa?
Ai khiến hỏi: Y!
Thì thôi! Hì… hì… hì!
Mô đi. Hà lướt nhìn theo. Mô nghĩ bụng: “Nước đây!”. Nó vừa đi vừa cười tủm tỉm. Lấy mãi mới được một gánh nước, rồi nó chạy về. Cô ả không còn đứng ở vệ đường. Nhưng nhìn vào trong ngõ, Mô thấy cô ả lấm lét nhìn ra, nó lại toét môi cười: “Nước đây!”.
Chiều hôm sau, lúc đi gánh nước, Mô lại gặp cô ả ẵm một đứa bé ra đứng ở bờ đường. Nó lại chào. Cô ả lại cười. Luôn mấy chiều như vậy. Tự nhiên thành lệ, cứ giờ ấy là Mô phải ra đi. Hôm nào không đi được tất nóng lòng sốt ruột, không đánh vỡ cái nọ thì đánh vỡ cái kia. Mà không đi gặp Hà thì chán ngơ chán ngắt. Trời đột nhiên như u ám lại.
Một hôm, Mô vừa lấy xong hai thùng nước của nó, tự nhiên có tiếng gọi léo nhéo ở ngoài.
Anh Mô ơi, hộ tôi một thùng với, anh Mô! Những tiếng phản đối nhao nhao:
Hộ cái gì! Chúng tôi còn đang đứng chờ đây!…
Mô trố mắt nhìn. Thì ra Hà, Hà đang cố giơ chiếc thùng của nó vào. Bọn đứng ngoài đẩy ra và gắt gỏng:
Có muốn tôi bẹp mẹ cái thùng của chị không?
Làm gì thế?
Làm cái chơi!
Mô vội quát to:
– Nhờ anh em một tí! Nhà tôi đấy!
Nó gạt phăng tay chúng ra, cầm lấy cái thùng của Hà đưa vào. Chúng vốn nể Mô. Chúng chịu nhường cho Hà:
– À, ra thế! Chị Mô đấy hở? Chào chị ạ!
Chúng châu đầu vào tận mặt Hà mà cười cười, nói nói, Hà phụng phịu, bật cười:
Ô hay! Các anh làm gì thế? Mô tủm tỉm cười:
Các anh đừng làm nhà tôi nó thẹn.
Nó rút cái quả nắm bằng đồng. Nước rít lên ở bên trong máy rồi bật chảy ồ ồ, sủi bọt. Mô kêu lên:
– Đây rồi! Xách ra!…
Hà đặt nốt chiếc thùng nữa. Tiện tay!
Một anh con trai đứng gần Hà, sỗ sàng:
– Tiện tay!… Anh Mô ạ, tiện tay anh hộ cô ấy luôn cái nữa!
Bọn con trai cười rú lên. Hà đỏ mặt nhưng vẫn tủm tỉm cười. Bọn con gái, nhất là mấy chị vú đã hơi đứng tuổi, thì lườm nguýt, hầm hầm, càu nhàu. Hà nhấc đòn gánh lên vai, ve vẩy đi trước. Mô cũng vội nhắc đòn gánh lên vai, ve vẩy theo sau. Những cuộc hẹn hò đã bắt đầu. Chúng gặp nhau trên đường Quần Ngựa, ngồi thủ thỉ với nhau bên vệ đường, trong bóng tối một cây to. Chỉ mấy lần như thế, chúng đã biết rõ cả tình cảnh của nhau. Chúng tính ngay đến chuyện vợ chồng. Mô thú thật không có tiền để cưới. Thì Hà cũng chẳng cần gì sự ấy. Nó cũng nghèo. Mẹ con vốn phiêu bạt đến chỗ này kiếm ăn. Con đi làm ở sở ương Cây, mỗi tháng sáu đồng. Mẹ đi xe cát, được mỗi ngày vài ba hào chỉ. Ở đây, không còn phải như ở nhà quê. Chẳng còn ai biết ra nguồn gốc chúng ra sao. Chúng không còn sợ mang tiếng với ai. Ai đếm xỉa gì đến chúng? Vậy thì Hà lấy chồng theo cũng được. Các bạn nó đều thế cả. Hạng chúng nó mà cứ đòi lấy chồng cưới xin tử tế thì đến nước phải chết già mất thôi… Hà dắt Mô về nhà. Bà mẹ cũng nghĩ như con. Vả lại bà thấy Mô cũng dễ thương. Nhưng bà cũng cẩn thận đòi Mô phải cho bà về quê nó, xem nhà cửa. Không thế thì ít ra Mô cũng phải mời mẹ nó lên chơi để hai bà nói chuyện với nhau. Hai điều ấy cùng khó cho Mô cả. Đi lại tốn tiền. Vả lại nó không ưa gì mẹ và rất ghét hai anh. Nó không cần họ dự vào việc riêng của chúng nó. Nghĩa là nó không chiều ý bà mẹ Hà. Nhưng nó cũng không trả lời rõ ràng. Nó chỉ thôi đi lại. Cố nhiên là Hà khóc. Hà khóc sưng húp mắt không chịu đi làm, Hà không chịu ăn cơm. Bà mẹ chửi. Nhưng chửi chán, chẳng ăn thua, bà cũng sinh sốt ruột. Bà bảo Hà:
Thôi được! Mày muốn theo không nó thì tao cho theo không nó. Sau có khổ đừng há miệng ra mà trách. Tối hôm nay, mày lên bảo nó xuống đây, tao bảo.
Hà vùng vằng, dỗi:
Tôi không bảo được! Mặc kệ người ta!
Thì mày cũng phải để tao hỏi han nó xem sao chứ? Hôm nọ tao bảo nó đưa tao về nhà quê là có ý xem nhà cửa nó ra sao, nó đã vợ con gì chưa, mẹ nó có bằng lòng cho nó lấy mày không? Thế là tao cẩn thận cho mày chứ ngăn cấm gì mày? Nó chẳng giả lời tao ra măng ra rươi thế nào, mà từ hôm ấy đến hôm nay mất mặt, thì tao biết làm sao được! Cho rằng nó chưa để tao về nhà nó hay mời mẹ nó lên, thì nó cũng phải nói ra đầu, ra đũa chứ! Không có lẽ tao phải đi van nó cho nó lấy mày? Nó bỏ mày là tại nó, chứ tao làm gì nó? Tao rẽ duyên, rẽ kiếp gì mà mày khóc với tao?
Hà nghe ra. Nó chẳng nói gì, nhưng tối hôm ấy lên đi tìm Mô, năn nỉ khuyên nó xuống, Mô chịu xuống. Bà mẹ phân trần các lẽ. Mô cúi đầu nghe, tay mân mê mẩu tăm xỉa rồi, nhặt được ở trên giường. Bà cụ thật chẳng có ý gì làm khó dễ cho Mô. Bà cũng thương Mô. Về phần Mô, Mô cũng muốn làm thế nào kia! Nhưng ông giời bó buộc Mô, Mô nghèo quá, Mô không biết nghĩ làm sao được… Giọng nói của Mô cũng như nét mặt của Mô, rất thật thà. Bà cụ bảo:
Anh nghèo thì mẹ con tôi cũng hết nói là giàu. Cảnh anh với chúng tôi thì cũng rứa như nhau. Tôi cũng biết, bắt anh cưới thì anh cũng chẳng lấy tiền đâu mà cưới. Nhưng người ta, dầu ai thì cũng vậy, con cũng phải có bố, uống nước nhớ nguồn, thầy con Hà chẳng may chết đi rồi, anh lấy em, người sống đã chẳng được gì, mà người chết cũng lại thành suông hết thì cũng cực. Anh phải liệu cho tôi một vài đồng, để tôi kiếm bát cơm, bát canh, cúng cho thầy con Hà, gọi là cũng nhớ đến cái công thầy nó sinh ra nó. Thế rồi anh cứ đi lại đây cho vui cũng được. Nhà tôi đơn người cũng muốn anh chạy đi, chạy lại cho vui. Nhưng vợ chồng phải bảo ban nhau, cố dè sẻn, cố dành dụm lấy một số tiền, chẳng cưới được, thì cũng phải đưa nhau về nhà quê một chuyến cho bố mẹ, anh em trông thấy, chứ không thể cứ ngấm ngầm mãi được…
Thế nghĩa là bà cụ cũng hết dạ thương Mô rồi vậy. Mô không nên phụ lòng tử tế của người ta. Vả lại Hà khóc lóc nhiều, Mô cũng ái ngại, thường thường Hà giúi cho nó mấy đồng. Nó vay chủ mấy đồng. Bà cụ sửa soạn một mâm cỗ cúng ông cụ, rồi ba mẹ con ăn uống với nhau. Rồi từ đấy, tối tối Mô về nhà vợ ngủ. Chúng đã lấy nhau chính thức.
VI
Oanh càng ngày càng quá quắt. Y nói suốt ngày. Y không bằng lòng vì lũ học trò, về lão chủ nhà, về thằng Mô, về bọn trẻ con, về những người láng giềng và cả về người nhân tình ở xa xôi. Y kêu ca một mình, trước mắt Thứ và San. Y kêu ca thẳng với Thứ và San. Làm như Thứ và San có họ xa, họ gần với những kẻ đã làm cho y khó chịu. Thứ thấy cái cử chỉ ấy vô lý quá. Y không còn giữ nổi vẻ thản nhiên. Chỉ trông thấy Oanh, nghe tiếng Oanh, đã đủ cho mặt gờm gờm những cái run ghét giận rồi. Thường thường, y phải quay đi hoặc lảng ra chỗ khác. Sự bực tức của San lại càng bộc lộ hơn. Y thường bĩu môi hay cười mỉa mai để chọc tức Oanh. Nhiều khi cãi lại Oanh. Y bênh vực người nọ người kia chẳng phải vì thấy những người ấy đáng bênh, nhưng chỉ vì muốn mạt sát Oanh cho bõ ghét. Những bữa ăn đã trở nên náo nhiệt. Không mấy bữa Oanh và San không to tiếng với nhau. Họ cãi nhau toang toang như họp việc làng. Họ làm như nói đùa, bới móc nhau từng cái con con. San tính rành mạch cho Oanh nghe từng xu rau, từng hào đậu, từng tí nước mắm trong một bữa cơm để báo thù lại Oanh cứ luôn luôn kêu rằng mình thổi cơm tháng cho San và Thứ như vậy lỗ. Thứ không chịu thực tế và tỉ mỉ quá như vậy được. Kèn cựa với nhau vì đồng tiền cũng đã đủ ngượng lắm rồi, huống chi còn kèn cựa nhau vì chuyện ăn! Y thấy mặt nóng bừng mỗi khi Oanh và San to tiếng quá, hàng xóm có thể
nghe thấy được. Tuy vậy, y cũng hơi hả dạ. Vốn tính cả nể, y không bạo nói như San, y không thể sống sượng bảo thẳng cho Oanh biết tất cả mỗi tham lam, biển lận của Oanh, y không thể vạch rõ cho Oanh thấy được việc giao thiệp giữa đôi bên thì chính Oanh là người được lời, là kẻ gian giảo, là người phải chịu ơn chứ không phải là kẻ bị thiệt như Oanh vẫn nói, tưởng bịt mắt được y là một anh chàng ngờ nghệch, không quen tính toán, cố nhiên là phải lấy làm khoái, vì bây giờ đã có San tính toán thay y và nói hộ y. Trước những con số quá rạch ròi, Oanh đành cứng miệng ra, không còn biết nói sao. Thứ tránh được cái nạn nghe Oanh một đôi khi lại giở cái giọng danh nghĩa với y. Nhưng cũng vì thế mà Oanh cũng chẳng còn cần phải giữ gìn gì, y dần dần phô hết tất cả bộ mặt thật của y ra: y lại càng đáng ghét. San quả quyết rằng Oanh đếm từng bát cơm mỗi người ăn. Oanh chỉ ăn vội vàng mỗi bữa ba lượt xới rồi vội nhìn những người khác ăn, để những người khác ngượng mà không ăn được. Chưa bao giờ Thứ ngờ rằng Oanh có thể ác và nhỏ nhen đến thế. Nhưng Thứ cũng chợt nhớ ra rằng đã có lần Oanh hỏi Thứ ăn mỗi bữa mấy lượt cơm. Một lần khác Oanh tỏ ý lấy làm lạ vì Thứ ăn khỏe thế mà vẫn gày gò và nhân tiện khoe rằng mình chỉ ăn mỗi bữa ba lượt xới bội, có đói một chút cũng không ăn nữa. Nghe San nói, Thứ đột nhiên thấy những câu nói ấy của Oanh có một ý nghĩa riêng. Thứ rất căm Oanh. Y sẵn lòng tin đối với San rằng Oanh đong thứ gạo xấu nhất, mua quá ít đồ ăn, hà tiện đến cả từ tí nước mắm trở đi, là cố ý cho mọi người chỉ ăn được ít cơm. Cái ấy do tính bủn xỉn của Oanh. Nhưng biết đâu Oanh lại chả muốn đầy đọa Thứ và San nữa đấy? Đầy đọa thế để báo thù họ đã ngang bướng, đòi chia với Oanh cái quyền được ở gác nhà trường. Và nhân tiện để xua đuổi họ. Thứ ngờ như vậy. Đã nhiều lần Oanh phàn nàn với y ở đông người như thế này thì đến ốm cả mất thôi. Oanh lại kêu nhà bẩn thỉu, bừa bộn luôn luôn. Làm như San và Thứ đi đến đâu thì đem sự bẩn thỉu, sự bừa bộn theo đến đấy! Thứ bất bình lắm. Nhưng Thứ không nói gì. Y chỉ nghĩ rằng: mình ở chung với nhiều người nhỏ nhen lắm, tất có ngày cũng đến thành nhỏ nhen như họ mất thôi. Chứng cớ là y đã không còn có thể chỉ đem sự khinh bỉ ngấm ngầm ra mà đối với Oanh. Y không còn có thể tự bảo y: “Chấp làm gì?… ”. Một đôi khi y đã thấy cần phải trả miếng lại Oanh. Một lần, ăn mới xong một bát cơm mà đã hết cả thức ăn, San cầm lấy cái đĩa đựng đậu kho chỉ còn có đĩa không với một tí nước và vài cái lá hành, đổ cơm vào trộn đi, trộn lại sạch như lau. Trộn xong, y trút vào bát của y, thong thả và cẩn thận gạt từng hạt cơm dính trong lòng đĩa xuống. Rồi y đặt cái đĩa không ra hẳn ngoài mâm, thủng thỉnh nói một mình:
Để riêng nó ra đấy. Sạch lắm rồi. Lát nữa không cần phải rửa, thằng Mô tha hồ thích nhé! Biết là San có ý xỏ Oanh, Thứ cố nín cười. Y mải mốt vồ lấy cái đĩa, cự San:
Anh phí của vừa vừa chứ! Tôi còn đang ăn cơm nhạt đây. Làm xái nhất rồi cũng phải để cho người khác nhờ cái xái nhì chứ lại!…
Y sẻ một ít cơm vào cái đĩa đã chẳng còn hơi một chút mắm muối nào, vờ trộn lại. San khoái trá vì cái trò cay độc ấy, đập đôi đũa xuống đùi, cười hẳn cả cơm ra. Lũ trẻ cũng cười. Chỉ có Oanh là buông xuôi mặt chẳng nói năng gì. Y vội vàng và hết bát cơm rồi quăng bát đũa, đứng lên. San và Thứ ăn nốt chỗ cơm dở cũng đứng lên. Nhưng họ sai Mô đi mua một chục cái bánh chưng về. Mời mọc mãi Oanh và lũ trẻ con, chẳng ai ăn, hai người bèn ăn luôn hết cả chục cái bánh chưng. Rồi họ lên giường nằm để nghỉ trưa. Thỉnh thoảng San vẫn còn rúc rích cười. Nhưng Thứ thì đã bắt đầu thấy như ân hận. Cái cử chỉ của y vừa rồi tàn nhẫn đã đành. Nhưng nó chả thô tục hay sao? Thô tục mà lại đê tiện nữa. Nó tỏ ra là một người quá để ý đến miếng ăn. Xưa nay y có phải là hạng người như thế đâu? Y có thể kèn cựa, tèm nhèm, nhỏ nhặt đến thế ư? Y lấy làm nhục cho y lắm. Cả buổi chiều hôm ấy, y luẩn quẩn với những ý buồn bã về nhân cách của y. Đứng trước bọn học trò, y thấy ngượng ngùng. Y có cảm giác như
cái cử chỉ hạ tiện của y lúc ban trưa còn để lại một chút vết tích gì trên nét mặt của y. Những cặp mắt long lanh của học trò chăm chú nhìn y, ý thấy như có vẻ soi mói hay ngạc nhiên, chế nhạo thế nào. Y mất hẳn cái giọng nói chắc nịch mọi ngày. Y có còn đáng mặt giảng giải và khuyến khích những điều hay, nết tốt nữa đâu? Bọn học trò xưa nay vẫn mến y, vẫn phục y, vẫn coi y như cái kiểu mẫu để mà theo. Những lời nói của y đều được coi là những châm ngôn mà chính y đã thực hành mãi mãi rồi. Chao ôi! Nếu chúng biết rằng đó chỉ là những câu giáo dục suông, những lời nói dối! “Làm theo những điều ta bảo, chớ đừng làm những điều ta làm!”. Như thế nghĩa là gì? Cái kẻ khuyên người ta làm những việc chẳng thể làm hay chẳng muốn làm chỉ là một kẻ lừa dối, một người bịp bợm. Bản tính thẳng thắn và giàu tự trọng, Thứ thường rất nghiêm khắc với chính y, với cái nghề dạy học của y. Kể ra thì y cũng đã cẩn thận trong cái việc cư xử lắm rồi. Thế mà luôn luôn có thể nói hằng ngày, y nhận ra những dịp phải trách mình. Nhìn rõ những cái hèn, những cái yếu của lòng mình, hy sinh dễ dãi trong việc xét người và hơi bi quan về người. Ờ, nghĩ cho cùng thì Oanh có quả thật là một người đáng chê trách đến thế không? Oanh nhỏ nhen, ích kỷ, tham lam, vì những cái đó, âu cũng là bản tính của loài người. Ít ra đó là những tật chung của loài người, như ta đang hiện thấy quanh ta. Từ lời dạy lòng người hướng dẫn những hành động của con người, ai cũng phải nghĩ đến mình để sống. Chừng nào người còn phải giật của người từng miếng ăn thì mới có ăn, chừng nào một số người còn phải giẫm lên đầu những người kia để nhô lên thì loài người còn phải xấu xa, bỉ ổi, tàn nhẫn và ích kỷ. Chất độc ở ngay trong sự sống. Người nọ, người kia không đáng cho ta ghét. Đáng ghét, đáng nguyền rủa, ấy là cái cuộc sống lầm than, nó đã bắt buộc người ta ích kỷ, nó đã tạo ra những con người tàn nhẫn và tham lam… Thứ vượt cao quá cái địa điểm của y. Y nhìn rộng lớn hơn. Tự nhiên y thấy không dễ kể cái trường học của y, những hằn học của y với Oanh ăn chèn của y mỗi tháng mấy chục đồng. Những cái ấy bị chìm, bị lấn vào một cái khác lớn lao rộng rãi hơn. Chúng chẳng qua là một ngọn sóng cỏn con, lẩn vào muôn nghìn đợt sóng khác của trùng dương. Có thấm tháp vào đâu? Phí sức mình vào những nỗi bất bình! Hãy dành sự uất hận cho những cơ hội lớn, những công việc lớn… Y nghĩ như vậy. Và những ý nghĩ ấy, có lẽ đẹp thì có đẹp nhưng khó khỏi quá viển vông, quá huênh hoang, cũng có ích cho y được một đôi phần ngay lúc bấy giờ: chúng khiến lòng y bình tĩnh lại. Y không cần phải hậm hực với mình? Trong một lúc, y có cả một cái ảo tưởng đẹp đẽ rằng mình cũng là một vĩ nhân, một anh hùng vượt lên bên trên sự tầm thường để chỉ nghĩ đến một cái gì vĩ đại mà thôi. Y nghĩ đến những phương kế để xoay ngược lại, đồng thời xếp đặt cho sự giao tiếp giữa người với người ổn thỏa hơn. Y gần như quên hẳn được chính y. Trước mắt y, chỉ còn là một cái nhân loại mênh mông, rất bao la, rộng rãi, cái nhân loại hỗn độn đang bị khổ cực, đau đớn, điên cuồng vì những lỗi lầm của mọi người, một cái nhân loại đang sống một lối sống tối ư ích kỷ. Y náo nức một dự một phần vào việc xây dựng lại cái nhân loại ấy. Dù như thế nào, y chưa biết, mặc dầu vậy, y cũng đã hưởng được một chút say sưa trong lòng rồi.
Nhưng chẳng bao lâu, y lại phải trở về thực tế, với cuộc đời chật hẹp của y. Sau buổi học chiều, y lại phải gặp Oanh. Hai người tránh nhìn nhau. Oanh cau có hơn, gắt gỏng nhiều hơn, có lẽ chỉ vì cần giữ vẻ tự nhiên. Nhưng Thứ cho rằng Oanh gắt gỏng thế vì y. Một vài câu của Oanh lại có vẻ như nói cạnh, nói khóe y. Tự nhiên y lại thấy ghét Oanh. Lúc ăn cơm y chẳng nói năng gì, ăn hơi nhanh, đôi mắt chúc xuống, mặt hầm hầm. Oanh cũng giấu đôi mắt của mình đi. Nhưng cái mặt Oanh khinh khỉnh, vênh vênh, trông khiêu khích lạ lùng. Thứ tưởng như Oanh muốn chọc tức y. Y lại càng hậm hực, nghẹn ngào. San thấy Thứ hôm nay đột nhiên không giữ cái địa vị của y mọi ngày để gây sự với Oanh, có vẻ hài lòng. Được một hôm để làm người tử tế, y cũng làm người tử tế chơi! Y hết nhìn trộm Thứ lại nhìn trộm Oanh, nói nói cười cười. Giọng nói của y hôm nay rất vui vẻ, rất ôn hòa. Người ta tưởng như y muốn hòa giải Thứ và Oanh. Nhưng cả Thứ và Oanh cùng để cho y nói một mình! Y quay ra nói với lũ trẻ con. Y có tất cả nỗi sung sướng của một tâm hồn thư thái, không giận ghét.
Ăn cơm xong, San xếp sách vở đi học ngay, tuy còn sớm, có lẽ vì thấy trời hôm nay nhẹ nhõm hơn. Trước khi đến chỗ học, y còn muốn đi loanh quoanh mấy phố chơi. Thứ cũng thấy cần phải ra ngoài. Y bảo San đợi, để cùng đi. Oanh như biết trước họ đi với nhau là chỉ để nói xấu mình, sa sầm mặt. Thứ đoán ra cái ý nghĩ ấy của Oanh. Y chắc Oanh đang nghĩ bụng khinh y. Mà nếu quả thật y có cái định tâm hèn nhát ấy – cái định tâm đi với San để cùng San nói xấu Oanh – thì y cũng đáng cho Oanh khinh thật. Bởi thế y nhất định sẽ không nói gì về Oanh cả. Hai người đi bên nhau một quãng dài. Nhưng đợi mãi không thấy Thứ nói gì, y đành khơi chuyện trước. Y vừa cười vừa bảo:
– Anh nghĩ trưa hôm nay, chúng mình làm thế, Oanh có tức không?
Thứ ngần ngừ. Y không muốn đáp. San cũng chẳng cần y phải đáp. Y cười phì một cái ra đằng mũi và đáp lấy:
Cố nhiên là có tức. Anh tính chúng mình chơi thế có khác gì chửi vào mặt en. Còn tệ hơn chửi nữa. Thứ cười nhạt khẽ. Y cười ngượng nghịu. San đoán ra những hối hận của y và phản đối ngay:
Kể ra chúng mình làm thế có hơi quá thật. Nhưng không thế cũng không xong. En nó nể chúng mình đâu mà chúng mình phải nể en? Chúng mình có muốn đểu giả làm gì? Nhưng bởi en đểu giả nên chúng mình cũng hóa ra đểu giả.
Thứ không thể nhịn được nữa. Cái ý nghĩ ngấm ngầm của y, gặp được một ý bạn, xộc ra:
Ấy thế nên tôi vẫn bảo rằng: ở với những người tồi rồi chính mình cũng sinh tồi.
Đúng vậy! Họ tồi mà mình vẫn xử tử tế, vẫn cao thượng thì mình thiệt. Không những thế họ không chịu biết cho mình rằng mình không thèm chấp, mình không muốn tồi như họ, họ lại cho là mình quích. Mình không muốn quích, cố nhiên là cũng phải tồi như họ. Hay nói thí dụ như chúng mình…
San bắt đầu kể những cái tử tế của Thứ và y, và những cái không tử tế của Oanh, Thứ lẳng lặng nghe.
Nói cho đúng thì y lẳng lặng, chỉ muốn để cho San nói. Bởi vì những điều San nói, y đã nói mãi rồi.
Thứ nghe mãi đã nhàm. Y chỉ đợi San ngừng lại. Thứ vội vàng kết luận:
Thế cho nên tôi nghĩ chúng mình nên tìm một chỗ nào khác ở riêng ra, cho nó khỏi nặng mình. Thứ nhìn mặt San để dò ý tứ. San cười hở cả lợi ra:
Thế hở? Anh cũng phải nghĩ thế kia à?
Tôi đã nghĩ từ lâu, nhưng chỉ vì chưa tìm được chỗ nào, nên chưa tiện nói ra.
Tôi tưởng chỉ có mình tôi!
Anh tưởng thế đấy chứ tôi nhức óc đã từ lâu rồi.
Tôi thì không những nhức óc. Tôi còn sợ ở với en mãi thì chúng mình đến biết tay. Thật tình thì tôi thấy, ít lâu nay chúng mình ăn uống kham khổ quá. Gạo thì gạo đã lên hơi, mới ngửi thấy đã nhức đầu,
thức ăn thì rau muống luộc không đủ mà ăn nửa bữa cơm. Còn lấy gì làm chất bổ. Chúng mình thằng nào cũng làm việc mỗi ngày mười mấy giờ như Nã-phá-luân, ăn uống thế thì đến ho lao mất.
Anh thử nghĩ xem quanh đây nhà nào chúng mình có thể ở trọ không?